NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI THƠ MỚI BÀN VỀ THƠ NGUYỄN VỸ
Sau ông ra học ở Hà Nội, đỗ Tú tài toàn phần (1932), được bổ dạy tại Trường Thăng Long, cộng tác với các báo La Patrie Annamite, L’Ami du Peuple Indochinois, Tiếng dân, Văn học Tạp chí, Đông Tây Tuần báo, Phụ nữ Tuần báo, Tiểu thuyết thứ Năm… Ông cùng Trương Tửu chủ trương tuần báo Le Cygne(1935-1936). Khi viết bài chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp trên báo Le Cygne, ông bị qui kết “phá rối cuộc trị an, xui dân làm loạn để đánh đổ chính phủ” với cái án 6 tháng tù và phạt 3.000 quan (1937). Vì có tư tưởng chống Nhật nên ông bị quân phiệt Nhật bắt an trí ở Trà Khê, Phú Yên (1941-1945)... Đương thời phong trào Thơ mới, Nguyễn Vỹ đã cho in Tập thơ đầu - Premières poésies (Thơ Việt và Pháp, Tác giả xuất bản, Hà Nội, 1934) và các tác phẩm văn xuôi: Đứa con hoang (Tiểu thuyết. Nxb Minh Phương, Hà Nội, 1936); Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (Tập truyện ngắn Pháp văn. Nxb Đông Tây, Hà Nội, 1937); Người đàn bà trần truồng (1938); Thi sĩ Kỳ Phong (Ký cô Lệ Chi. Truyện dài. Nxb Nam Ký, Hà Nội, 1938); Kẻ thù là Nhật Bản (Luận đề chính trị. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1938); Cái họa Nhật Bản (Luận đề chính trị. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1938); Chiếc bóng (Tiểu thuyết. Nxb Cộng lực, Hà Nội, 1941)… Nói riêng về thơ, đương thời thơ Nguyễn Vỹ đã được nhiều nhà thơ và giới phê bình như Tứ Ly (Hoàng Đạo), Lê Ta (Thế Lữ), Nguyễn Nhược Pháp, Lê Tràng Kiều, Vân Hạc - Lê Văn Hòe, Trương Tửu, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Hoài Thanh, Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan... cùng quan tâm tìm hiểu, thẩm bình.
Trong tiến trình phát triển phong trào Thơ mới 1932-1945, Nguyễn Vỹ thuộc lớp nhà thơ tiên phong, giai đoạn khai phá, mở đường, đặt nền móng. Tuy nhiên, chàng thơ Nguyễn Vỹ 22 tuổi trình làng Tập thơ đầu - Premières poésies (1934) với những sự khác người ở cách tự xuất bản, trổ tài bằng cả thơ tiếng Việt và thơ Pháp, trong đó có mấy bài theo lối 12 chân (alexandrins), hình thức kiểu thơ Tây lạ lẫm, thế cho nên đã không được đánh giá cao, thậm chí còn bị châm biếm, giễu nhại. Khởi đầu, với bút danh Tứ Ly, nhà văn Hoàng Đạo dõng dạc lên tiếng:
«Vài bài son - nê, nhà thi sĩ Xám Xịt Từ Bộ Hứa ra đời; oe oe tiếng khóc, thi sĩ buồn rầu buồn rĩ, buồn nỉ buồn non… Cái buồn không cỗi rễ.
Một «tập thơ đầu», thơ Tây lẫn thơ ta, nhà thi sĩ Nguyễn Vỹ cũng ra đời. Thi sĩ cũng nức nở tự giới thiệu cùng độc giả: «Lệ đầy mắt, quản bút cầm tay, hỡi độc giả, tôi là một nhà thi sĩ vô danh, xin ra mắt các ngài. Nếu các ngài không vồn vã tôi, xin cũng đương khinh tôi»...
Nào ai khinh thi sĩ mà thi sĩ đã vội sụt sùi.
«… Tôi biết người ta khinh tôi và không bao giờ người ta yêu tôi,
Tôi biết tôi đem gieo tung vần thơ và nước mắt của tôi.
Nhưng, hãy thong thả cho tôi, hỡi tất cả các ông !
Hơn nữa, nếu nước mắt của tôi có mọc mầm trong lòng các ông, xin các ông cứ để cho nó nở hoa».
(Je sais qu’on me méprise et que jâmis on m’aime,
Que je sème au hasard mes rimes et mes pleurs.
Mais pardonnez – moi tous! Laissez – les fleuri même,
Si mes larmes demain germeront dans vos cœurs)
Đọc xong những câu thơ này, ai còn là người có can đảm không tha thứ cho ông Nguyễn Vỹ và không để nước mắt của ông nó mọc mầm ở trong lòng cho được!
Vậy ai ai có linh hồn ảm đạm xin hái lấy những bông hoa ảo não, rầu rĩ nó nở trên những mầm, mọc trong bát nước mắt của nhà thi sĩ Nguyễn Vỹ»[1]...
Liền số sau, Tứ Ly trong bài hý tác tưởng tượng Cuộc hội chợ «Phong hóa» tổ chức, đến tiểu mục Gian quỷ thuật, lại nhè tập thơ Nguyễn Vỹ mà châm biếm: «Lý Toét không bỏ gian đồ cổ, Ba Ếch đành bỏ Lý Toét lại đấy, rồi sang gian là trò quỷ thuật. Ông Nguyễn Vỹ vác Tập thơ đầu khóc thiết tha để rỏ nước mắt vào một quả tim lợn để cho nó mọc mầm nở hoa»[2]...
Cách tuần sau, Lê Ta - bút danh chủ tướng Thế Lữ - bày tỏ sự phản cảm, chê trách thơ Nguyễn Vỹ trong mục bài điểm sách:
«Nhà “thi sĩ” Nguyễn Vỹ, tác giả Tập thơ đầu là một nhà có nhiều tài, tình cảm nhiều, mà lòng tự ái lại nhiều hơn. Cho nên, khi ông ra mắt quốc dân, mắt đầy lệ, cây bút cầm tay, ông không muốn cho ai khinh ông cả. Ấy thế mà Nhất Linh lại bảo tập thơ đầu của người tên là đuôi kia không có ruột! Muốn khỏi mất lòng “thi sĩ”, tôi phải nói chữa hộ Nhất Linh: thơ ông Vỹ có ruột đó chứ, chả tin cứ giở cuốn sách của ông ra mà coi: chỉ tiếc cái ruột ấy đặc quá, mà khốn một nỗi là người ta lại không biết nó đựng những cái gì!
Về phần thơ chữ Pháp thì tôi thấy Nàng Thơ của ông là một chị chàng sướt mướt, ẻo lả, khóc khóc, mếu mếu, như con mẹ điên, mà lại nói ngọng nữa. Bởi thế, khi nàng ấy ca, người Nam không ai chịu được, còn người Tây thì… tôi khuyên cả nàng lẫn ông đừng có cho họ nghe!
Đến phần thơ ta, nàng Thơ ông Vỹ khi nói tiếng ta thì ngô nghê, ngớ ngẩn mà lải nhải nhiêu lời… chẳng khác gì một cô đồng lắp bắp nói tiếng “dân bản xứ”:
Các ngươi đã để cái hôn lần đầu yêu chưa?
Cái hôn dịu dàng vô hạn mà nơi vắng vẻ,
Cặp môi âu yếm dịu dàng vẫn còn rụt rè ê lệ,
In trên mi các ngươi?
(Những đêm trằn trọc)
…..........................................................
Tôi chưa hề thấy vị thánh, thần nào to lớn như ngài!
Ngài ngồi giữa gian chùa chật, cao nghiêm chễm chệ trên ngai!
Trong cung vàng mờ tối ấy!! không ẩn hình một con muỗi!
Da thịt ngài đều bằng đồng. Ngài trạc năm sáu mươi tuổi.
..............................................................
Mũi ngài lớn, miệng ngài to, đều bóng nhoáng và đen mun,
Răng đỏ sát nhau lấp lánh nửa dưới môi, bớt vẻ hãi hùng.
(Đức thánh đồng đen)
Cả một phần thơ Việt Nam của ông Vỹ đều một giọng như thế hết. Không biết nhà “thi sĩ” của tôi định chê ai? Nếu đem chắp những tiếng kỳ quặc như thế mà thành nhà làm thơ được, thì từ năm xửa năm xưa, tôi cũng là “thi sĩ” đứt đi rồi. Vì năm xưa tôi ngứa làm thơ cũng có bài thơ nghe cũng tương tự như thế. Bài thơ ấy, đây này:
Cái đồng hồ
Một tháng về trước, tôi có một cái đồng hồ
Cái đồng hồ ấy là của người anh tôi mua cho
Tôi xem ra thì nó là vật tốt lắm
Vì nó cũng không nhanh và nó cũng không chậm, v.v…
Nhưng tôi không dám đem xuất bản, vì khi đọc nó cho người bạn nghe, thì anh ta bò ra cười rồi ghé tai nói thầm bảo tôi rằng:
- Anh nên tìm chỗ nào rất kín mà chôn nó đi, không thiên hạ hóa điên mất”[3]…
Ngay tuần sau đó, Lê Ta dồn dập tổng công kích Nguyễn Vỹ, vừa mang “mặt nạ tác giả” Lê Ta không phải Thế Lữ, vừa tự tạo ra cuộc tranh luận giả tưởng với đối phương:
«Ông Nguyễn Vỹ là một nhà học rộng. Về thơ ca, ông cho chúng ta biết nhiều điều mới lạ: ông hiểu rõ được cả các âm điệu thơ, khuôn phép thơ, mỹ thuật của thơ, tuy ông không hiểu thơ là cái gì, và tuy ông thấy mình là thi sĩ.
Ông lại khéo nói nữa. Khéo nói lắm, khéo nói quá! Ông bênh vực ông một cách rất có duyên, rất chu đáo, mà ông phản đối ông lại chu đáo gấp đôi. Tập thơ đầu của ông là một tập thơ có khuynh hướng về cải cách, nhưng người làm Tập thơ đầu lại sợ cải cách, hay cải cách bằng lối riêng của ông. Ông bỏ cái gông cùm biền ngẫu với phép hạn chế phá, thừa, luận, kết của luật thơ Tầu, để mang cái gông cùm mới của luật thơ Tây.
Thơ của ông Vỹ thiếu cái chi chi kia, chứ chấn thơ (pieds) thì đủ lắm. Xin đọc thử ít câu sau này:
Những cặp mắt xinh đẹp, mà ta thấy thoáng qua
Ban ngày lúc ta thủng thỉnh đi trên đường phố,
Bây giờ mình ta trằn trọc trong đêm tối…
(Lối thơ 10 chân)
…..........................................................
Hai bàn chân linh thiêng ấy! Những ngày rằm và ngày hội
được nhìn rất cảm động những trẻ mồ côi nhỏ,
Những bà già và những cô thiếu nữ xinh đẹp, ngây thơ hôn hít
hai bàn chân Thánh, hoặc lấy tay vuốt ve, sờ,
Hay là với thấm mùi soa, vạt áo, miếng nhung, miếng vóc,
Mà họ áp hôn vào môi, hoặc đưa lên đầu tóc.
(Lối thơ 12 chân)
Soi đến kính hiển vi cũng không thấy thiếu một chân nào qua. Thơ ông quả thực không phải thơ quê. Nhưng quả thực là ngô nghê.
Đem so sánh thơ ông Vỹ với hai bài thơ Đồng hồ của tôi, ông không bằng lòng là phải, vì nó không đủ chân, nhưng giá đem so sánh với bài “son nê” làm sau này của cô N.T.G. thì hẳn ông ưng ý lắm:
Tặng vú già của ta
Hỡi vú già của ta ơi! Hỡi vú già của ta ơi!
Vú đến ở hầu nhà ta, may mắn ấy thực bởi trời.
Vú tuy người chẳng xinh tươi, mà lại cũng không còn trẻ,
Nhưng rất chắc chắn, vững vàng, và vừa nhanh và vừa khỏe.
Gọi thì dạ, bảo thì vâng, chưa hề phải mắng một lời,
Suốt từ sáng sớm đến chiều, chỉ làm lụng chẳng rong chơi.
Nào việc bếp nước nấu ăn, nào giặt quần áo, nào chẻ củi,
nào quét giọn cửa nhà, hết việc lớn đến việc bé.
Tôi lấy hết can đảm để đọc đi đọc lại, lúc thì nhẩm thầm, lúc thì cất giọng ngâm nga, mà buồn thay cho tôi, tôi nghe nó vẫn làm sao ấy!
Nhưng đối với tác giả thì nó có nhiều thi vị lắm, nó có một thứ thi vị ngầm, cũng như người đàn bà xấu số ở trong phong dao có duyên thầm vì được chồng yêu quý:
Lỗ mũi em tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho,
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Ông Vỹ có quyền yêu thơ của ông lắm.
Am hiểu âm luật, biết nói đến những chữ trật tự, quy tắc, biết chê sự hỗn độn hồ đồ, lại biết ghét những cái ngớ ngẩn ngây ngô, mà viết ra những thơ như trên kia, thì viết làm gì?
Tôi là người bạn ham đọc thơ và chỉ mong đợi được đọc những thơ hay. Không hay lắm thì hay vừa vừa cũng được. Lúc trông thấy tập sách xinh xinh, bìa in sạch sẽ của ông Vỹ, tôi đã có bụng mừng rằng sẽ được hoan nghênh một tác phẩm có giá trị. Vì, xin thú thực, ngòi bút bông đùa của tôi cũng đã chán, đã ngấy sự châm trích những văn chương không ra gì rồi. Nhưng lúc đọc thơ ông, tôi không thể nào nhịn được nữa. Có phải lỗi ở tôi đâu?
Ông bảo tôi có ý mạt sát ông, ông lại bảo Thế Lữ muốn dìm ông. Tôi cũng như Thế Lữ không bao giờ mạt sát riêng ai. Giá người ta cứ làm văn hay đi, thơ văn người ta viết không lúng túng ở trong cái thể văn chật hẹp buồn cười, thì tôi là người đầu tiên hết lòng ca tụng. Còn như ý muốn dìm ông! Trời ơi? Đời nào chúng tôi lại đang tâm làm một việc mà ông ngờ một cách dễ dàng như thế! Vả lại còn dìm ông thế nào được nữa, văn thơ kia chưa đủ nói xấu ông rồi ư?”[4]…
Tiếp đến bài Cuộc điểm… mấy nàng thơ, bên cạnh việc góp ý, bình phẩm thơ các ông Từ Bộ Hứa, Đức Văn, Nhuệ Thủy, Lan Sơn, Huy Thông,… Lê Ta trở lại điểm danh thơ Nguyễn Vỹ: “Nàng Thơ của ông Nguyễn Vỹ không hay nói tiếng Việt Nam, người cay nghiệt, chặt chẽ từng dòng từng chữ nên đứa con của nàng không thiếu một chân, một tay nào hết. Nhưng nó phải cái ngẩn ngơ cũng như nàng”[5].
Thế rồi trong số báo Xuân Phong hóa, tác giả X.X.X trong tiểu phẩm vui Câu chuyện loanh quanh buổi đầu năm, trước khi tếu táo trêu đùa nhà nông học Nguyễn Công Tiễu và nhà phê bình Phan Khôi lại đã hài hước đá xéo thơ Nguyễn Vỹ:
“Lý Toét:
- Anh Ba! Vừa hôm qua ba mươi, hôm nay đã mồng một rồi. Chóng thật.
Ba Ếch:
- … Mà mai đã là mồng hai, ngày kia đã là mồng ba, ngày kìa đã là mồng bốn, ngày kĩa đã là mồng năm rồi. Ngày tháng chóng như thoi đưa.
Lý Toét:
- Ai đưa thoi?
Ba Ếch:
- À không, cháu bảo ngày tháng chóng như đưa thoi là theo câu thơ của cụ Nguyễn Du vịnh ngày xuân. Cụ biết cụ Nguyễn Du đó chứ?
Lý Toét:
- Nguyễn Văn Du ấy à? Con ông hương Canh, anh bác xã Xệ, tôi lạ gì!
Ba Ếch:
- Không phải! Cụ Nguyễn Du là tác giả quyển Kim Vân Kiều mà! Cụ Nguyễn Du nhân tả ngày xuân đi nhanh có câu:
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Nhân đấy cháu viện ra, chứ có gì đâu. Mà cụ nhỉ! Vừa ngày nào, cháu còn bằng tý, cụ ẵm cháu, cụ cho cháu tiền ăn kẹo, thế mà bây giờ…
Lý Toét:
- Thế mà bây giờ anh đã bằng ngần ấy, mà tôi, tôi đã bằng ngần này rồi.
Ba Ếch:
- Nói vậy thì nói, chứ ngày xuân hay ngày hạ, hay ngày gì cũng dài như nhau, nhưng ta tưởng tượng là nó nhanh thì nó nhanh chứ gì.
Lý Toét:
- Phải, anh nói phải. Đêm nào mà chẳng năm canh, ngày nào mà chẳng sáu khắc.
Ba Ếch:
- Cụ chí lý lắm! Nhưng cụ nên biết rằng phải là thi sĩ mới tưởng tượng được như thế. Thi sĩ là gì, cụ có biết không?
Lý Toét:
- Thi là… thi, sĩ… là học trò! Thi sĩ là học trò đi thi chứ gì.
Ba Ếch:
- Cụ nhầm rồi. Thi sĩ là người làm thơ chứ. Như ông Nguyễn Vỹ chẳng hạn…
Lý Toét:
- Ông Nguyễn Vỹ là ai?
Ba Ếch:
- Cụ để yên cháu nói: Ông Nguyễn Vỹ làm ra Tập thơ đầu trong có mấy câu bất hủ. Như hai câu này, cụ thử nghe:
Tôi biết tôi đem gieo tung vần thơ và nước mắt tôi,
…Nếu mà nước mắt tôi có mọc mầm trong lòng các ông,
xin các ông cứ để cho nó nở hoa…
Lý Toét:
- Ồ! Thơ với thẩn gì hay nhỉ! Lại gieo nước mắt, mà nước mắt gì lại nở hoa ở trong lòng. Anh bịa ra thì có, chứ đời nào thơ lại thế.
Ba Ếch:
- Cụ không tin, cháu cũng chịu, vì đó là quyền của cụ, nhưng quả thật có như vậy. Nhân thể nói về thi sĩ có làn khói phất phơ trong xóm kia, cụ trông thấy, óc có cảm tưởng gì không?
Lý Toét:
- Cảm tưởng gì! Anh trông mắt tôi đây này! Khổ vì khói, toét vì khói!
Ba Ếch:
- Cháu không định nói thế: cháu định hỏi xem cụ có cho là đẹp không?
Lý Toét:
- Không.
Ba Ếch:
- Ấy thế, cụ không phải là thi sĩ có khác. Có một nhà văn sĩ đã nói: “Trông làn khói phất phơ phải là một nhà thi sĩ, một người điên, một người ốm hay một người đa tình mới cho là đẹp được”. Như cụ, cụ không cho là đẹp, chính cụ không có cái óc mơ mộng như ông Nguyễn Vỹ.
Lý Toét:
- Ông Nguyễn Vỹ nước mắt nở hoa ấy à?
Ba Ếch:
- Chính phải.
Lý Toét:
- Thế thì tôi cam chịu suốt đời không là thi sĩ vậy. Như tôi, tôi chỉ cho hoa thủy tiên là đẹp»[6]...
Qua năm sau, nhà phê bình chuyên về thơ mới Lê Tràng Kiều vừa điểm lại tình hình phê bình thơ Nguyễn Vỹ và đi tới phân tích, xác định, khẳng định những nét mới lạ, đặc sắc:
“Kể bây giờ mà nói đến Nguyễn Vỹ đã là chậm lắm rồi, người ta nói đến Nguyễn Vỹ nhiều lắm, nhiều quá…
Chỉ một cái được người ta nói tới nhiều, cũng đủ vinh dự cho nhà thi sĩ, vì vô duyên nhất, đau đớn nhất cho kẻ hao tổn không biết bao tâm trí, biết bao ngày giờ để làm nên một bài thơ, in nên một cuốn sách mà không ai nói tới. Đã đành rằng những lời nói tới đó, chẳng đẹp lòng ông Nguyễn Vỹ, nhưng… “người ta công kích ta, chỉ chứng rằng ta sống”.
Thơ ông Nguyễn Vỹ đã là một cái đầu đề cho người ta viết, một câu chuyện cho người ta bàn, thơ Nguyễn Vỹ đã sống một cách đầy đủ ở trên mặt các tờ báo…
Quyển Tập thơ đầu, mới ló đầu ra đã bị ngay ông Lê Ta ở báo Phong hóa, công kích một cách tàn tệ… Cũng lại chỉ vì cái lẽ ông Lê Ta (Thế Lữ) cũng làm thơ mà ông Nguyễn Vỹ cũng làm thơ đó thôi. Chứ công kích như cái kiểu ông Lê Ta, trong cái thời kỳ văn học đang phôi thai này, có nhà văn nào, có tác phẩm nào là không đáng công kích? Cứ theo cái phương pháp phê bình của ông Lê Ta, thì ông Thái Can, ông Lưu Trọng Lư, ông Huy Thông, ông Thế Lữ, trong những văn thơ của các ông ấy, ta cũng thấy nhan nhản những điều đáng công kích, nếu người ta muốn công kích, phê bình mà chỉ tìm những cái kém, cái dở chưa hẳn là phê bình. Một nhà phê bình có tiếng đã nói: “Cố yêu để mà hiểu lấy tác giả… Vì lẽ rằng không có cái gì hoàn toàn ở đời này, ta hãy tìm lấy ở trong cái thiếu kém một viên gạch, một miếng vôi để mà góp vào sự xây đắp cái tòa lầu Nghệ thuật, cái tòa lầu ấy không thể do độc lực một ngày mà xây nổi, vì nó phải giầu giãi nhiều mưa gió, chịu sự vùi giập của bao thế kỷ. Cái tòa lầu ấy phải là công xây dựng của Quá khứ, của Hiện tại, của Tương Lai”…
Ông Nguyễn Vỹ chẳng hạn, đưa lại cho sự xây đắp ấy, một mảnh vôi nhỏ, cũng đã là nhiều lắm rồi. Ta có cầu gì hơn nữa ở họ một sự hoàn toàn không bao giờ có. Thật là không biết người biết của vậy! Giá như tôi đưa cả quyển Mấy vần thơ của ông Thế Lữ, tôi bỏ ra ngoài vài ba bài thơ “được”, rồi tôi lại cứ đưa những bài “lủng củng lủng ca” đầy rẫy ở trong sách ra mà bắt, mà bẻ (điều ấy khó gì mà không làm được) thì thử hỏi lúc ấy, ông Thế Lữ còn gì mà lên mặt “thi sĩ” với đời?
Ai đã có thấy Nguyễn Vỹ một lần rồi, đã có gặp ông ấy một lần nào ở trong cái nhà ấy, thì sẽ không ngạc nhiên chút nào, khi thấy văn thơ của ông ấy nhiễm đầy một vẻ buồn thảm não nùng. Cái cuộc đời buồn thảm của ông đi qua, để lại ở trên cái mặt ông cũng như ở trong văn thơ của ông những vết sâu, những nếp răn đã đánh cái dấu hiệu cho ông ở trong đám người chen chúc ở chợ trần, đám người mà ông mang một lòng khinh thị không bờ bến…
Cứ mỗi hôm, lối 9, 10 giờ đi qua xóm Khâm Thiên, vừa khỏi những phố có đèn rực rỡ ánh điện và lộng lẫy những cô tiên, gần đến Ô Chợ Dừa, ta ngẩng lên sẽ thấy một cái gác nhỏ… mù mờ dưới một ngọn đèn liu hiu. Trong cái gác ấy có một cái bóng đen đi đi lại cầm một cái que gõ vào tường như muốn làm nẩy ở trong cái vật vô tri, một cái tư tưởng linh động, mấy câu thơ, một cái linh hồn.
Cái bóng ấy là cái bóng của một thi sĩ.
Cái que ấy là cái quản bút thân yêu của thi sĩ.
Cái gác nửa sáng nửa tối ấy là cái tâm hồn của thi sĩ.
Cái tâm hồn ấy là một bể sầu não. Những “giọt thơ” từ đấy rơi ra là những giọt sầu não, những tư tưởng ở đấy bay ra đều có đôi cánh đen, đen một mầu đen thảm đạm, như đôi cánh quạ.
Con quạ đen ấy đã hơn một lần, đưa lại sự buồn não cho thi sĩ, chính ngay lúc thi sĩ đương triền miên trong giấc mộng ái tình.
Lần đầu hai ta hôn nhau
Đứng so đôi trên cành dâu
Một cập bồ câu trắng gáy
Em buồn… và em ngẩy ngơ
Hỏi em: “Mình yêu em ơi,
Ngày ta yêu nhau được mấy?”…
Đương vui, đương say sưa trong cái lạc thú êm ái của ái tình, cặp tình nhân ấy bỗng giật mình và nghĩ đến những chuyện đâu đâu, cõi lòng đương sáng bỗng tối lại.
Nhưng em vẫn cứ không vui
Em bảo anh: “Mình yêu ơi,
Ái tình sẽ tang thương lắm
Em không muốn cặp bồ câu
Cùng nhau gáy trên cành dâu
Lúc hai ta yêu đằm thắm!”…
Rồi khi hai ta biệt ly
Ôm vào nhau, và lâm ly
Em khóc, mà anh cũng khóc
Dẫu non nước cách nghìn trùng.
Tâm hồn ta vẫn ở chung
Khăng khít một lời tơ tóc.
Vì đâu mà mộng tình vơ vẩn? Phải chăng là vì chợt thấy một cái bóng quạ đen vừa liệng trong trí… Cái bóng ấy đã ấn mạnh vào tâm một vết đen không còn nhìn được nữa.
… Từ hôm ấy đến hôm nay,
Cặp bồ câu trắng đã bay.
Anh chờ mà chim không lại
Hôm qua, tự nhiên anh buồn,
Thầm thì mắt lệ ứa tuôn
Như tràn cả ra sơn hải!
Bây giờ, anh đã hiểu rồi,
Ôi vong hồn Lang em ơi!
Lời em thiêng chi lắm nhé:
Anh không ngờ cuộc tình duyên
Rất khăng khít của chúng mình
Cũng đảo điên như dâu bể.
(Tiếng quạ kêu)
Rồi từ đó cái bóng đen ấy không còn rời nhà thi sĩ ra nữa, nhà thi sĩ đi đâu nó cũng đi theo, làm gì nó cũng làm với. Sự lãng mạn của Nguyễn Vỹ có lẽ quá đáng, và có người cho là trái mùa, nhưng biết làm thế nào được? Ta có quyền gì cấm một người khác đừng buồn, đừng khóc, nhất là khi người ấy là một nhà thi sĩ! Nhà thi sĩ ngồi trước mắt ta đương cười cười, nói nói, vui vẻ, hai giọt nước mắt lẻn tuôn ra trên đôi má, mà nhà thi sĩ cũng như ta có hay những giọt nước mắt ấy đã ứa ra tự hồi nào!
Sự buồn thảm ấy không phải là vô lý mà cũng không phải là vô cớ. Cái cớ làm cho Nguyễn Vỹ phải buồn thảm vẫn là cái cớ đã làm bận lòng biết bao thi sĩ.
Đấy là một sự vô lý đã làm cho nhà thi sĩ luẩn quẩn mãi với những cái luẩn quẩn. Mặc dầu nhà thi sĩ đặt tay lên trán, gõ quản bút vào vách, cái vô lý ấy vẫn là một sự “vô lý”. Nhà thi sĩ vẫn thấy mình sống ở đời như một đứa trẻ con khóc những cái biết rằng không còn có nữa, mà vẫn cứ khóc, yêu những cái mỏng manh biết rằng sẽ tan như bọt xà phòng, mà vẫn cứ yêu…
Trong cái quãng giời đất bao la không muốn đi cũng vẫn cứ đi, giờ nào phút nào, cũng như có vẻ trầm tư mặc tưởng, muốn tìm một cái gì… Cái gì đó, hoặc là một mảnh mơ tàn, hoặc là một cái hương thừa, hoặc một chút ân ái đã nguội, hoặc một quãng đời quá khứ vừa qua… Nhưng vẫn là huyễn tượng! Nhà thi sĩ bao giờ có tìm thấy một cái gì đâu:
Hỡi thi sĩ! đêm khuya mưa gió,
Ta tìm ta trong đám cỏ xanh
Mỗi chiều tan cuộc ái ân,
Chút thân ta cũng tan dần mất thôi!
Cùng người yêu ta vui chốc lát
Mãn cơn vui rờ rạc cơn buồn
Còn gì trên cỏ xanh um,
Mà ta chẳng để lệ tuôn luôn dòng.
Vừa lúc chiều, ta cùng tri kỷ
Trên cỏ xanh rủ rỉ gần đêm.
Những lời tình tự êm đềm:
Bây giờ phút ấy còn tìm thấy đâu!
Bàn tay yêu nưng niu ve vuốt,
Nụ hôn yêu dính ướt trên môi.
Lả lơi bộ đứng dáng ngồi,
Lúc chiều gần đấy mà giờ đâu xa?
Một ngày xuân của ta rơi rụng:
Bao lệ xuân ứa đượm trên cành.
Ngó qua đã thấy khô tàn,
Nhìn đến chỉ thấy mơ màng trần duyên.
Sáng ngày mai còn xuân tươi lại,
Nhưng xuân này tê tái cả rồi!
Mấy lần xuân nữa thì thôi!
Thì tan tác nốt cái đời xuân ta?
(Tìm gì)
Nếu chỉ có thế thì sự buồn não của thi sĩ nó thanh thú biết bao! Khốn nỗi, nhà thi sĩ ngày ngày còn phải chung đụng với người thế, sống giữa một chốn đông đúc mà bao giờ cũng hiu quạnh, lạnh lẽo như kẻ bị đầy. Bao giờ cũng tưởng như mình lạc loài vào một chốn hang hầm, nọc rắn. Đời không bạc bẽo mà nhà thi sĩ cứ nhất định tưởng đời là bạc bẽo. Đời không xấu xa, nhà thi sĩ vẫn cứ tưởng nó xấu xa!
Thật là một cảnh thương tâm, đau đớn. Nhưng biết làm thế nào mà lột hết cả những cái thành kiến ấy cho nhà thi sĩ?
Làm thế nào được?
Ta không mong ai thương ta, vì ta buồn bã khốn cùng
Là ta trong sương, trong gió, trong bóng cục mịch, mông lung
Một tâm hồn vô thừa nhận…
(Hỡi người yêu không quen biết)
Biết mình khổ cho nên nhà thi sĩ mang một lòng khinh vô hạn đối với những cảnh êm ấm, giầu sang ở bên mình, những cảnh đã mai mỉa nhà thi sĩ một cách cay độc.
Cảnh khốn cùng hay tìm đến cảnh khốn cùng.
Cảnh buồn não hay tìm đến cảnh buồn não.
Thương thay! Bây giờ đêm đà khuya vắng
Mà tiếng ăn mày còn kêu văng vẳng
Bây giờ mà còn lê la ngoài đường
Bây giờ có ai thừa chút lòng thương!
… Nín im đi thôi, hỡi người cơ khổ!
Ta đã nghe thấy tiếng người nức nở,
Bi đát, não nùng, vụt lên một hơi,
Chạm vào cái vòm u khí của giời.
Rồi vỡ nát tan, tả tơi từng mảnh,
Và rơi trong im và trong đêm lạnh!
Trên đầu nhà ngươi một vùng sương mù.
Trong lòng nhà ngươi một hố thâm u,
Tiếng kêu của người xé tan bay bổng,
Để trong lòng người vết thương trống rỗng.
Rồi người than ôi! ngã lên trên đường,
Mà tiếng của người cũng tắt trong sương!...
(Trong sương lạnh)
Cái buồn não của những kẻ bất hạnh của kẻ nghèo khổ ở đời này thật là vô cùng, đến nỗi khi ta thấy một Nguyễn Vỹ là thi sĩ của những vong hồn cô khổ dắt nhau từng đàn, từng lũ, thất thểu trong đêm tối, trong cái miếu tàn, trong gò cây, bên lạch rước… để kiếm miếng ăn.
Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mù
Mà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng.
Ta hãy bước vào se sẽ trong cái im lặng nặng nề
Của nấm mả, của gò cây, của đền đài lăng miếu cũ
Ta sẽ gõ đầu quản bút trên miếng gạch, trên cành tre,
Gợi nỗi bi tình mênh mông của những linh hồn vô chủ.
Ta hãy ngồi ven lạch nước dò nghe những tiếng véo von
Của lòng đá, của bộng cây, của những khe mồ, kẽ núi,
Mà một hơi gió thoảng qua làm gẫy nát bao điệu đờn,
Và động lớp sóng âm ba đang gợn đùa trong nắng bụi…
(Gửi một thi sĩ của nước tôi)
Một người như thế, bảo họ không buồn não thì họ còn biết làm gì được? Ta có trách người ấy làm gì, vì trời sinh hắn ra như vậy. Để cho hắn khóc thì thuận lẽ trời. Buộc hắn phải cười thì hắn sẽ điên mất.
Đêm đã về khuya. Vài hạt sương gieo nặng ở trên cành… theo điệu sương, những cái mảng lòng của nhà thi sĩ cũng rơi vào trong cái rỗng không vô để…
Sương rơi
Nặng chĩu
Trên cành
Dương liễu…
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hiu hắt
Thấm vào
Em ơi
Trong lòng
Hạt sương
Thành một
Vết thương!...
Rồi hạt
Sương trong
Tan tác
Trong lòng.
Tả tơi
Em ơi!
Từng giọt
Thánh thót.
Từng giọt
Điêu tàn
Trên nấm
Mồ hoang!...
Rơi sương
Cành dương
Liễu ngả
Gió mưa
Tơi tả
Từng giọt
Thánh thót
Từng giọt
Tơi bời
Mưa rơi
Gió rơi
Lá rơi,
Em ơi.
(Sương rơi)
Đó là những hạt sương?
Những mảnh lòng tan vỡ ư?
Những hạt lệ rơi thánh thót ư?
Không, đó là tất cả!
Đó là cái nhạc điệu thiên nhiên của những vật vô hình và hữu hình ở trong vũ trụ lúc đêm khuya, những vật ấy, nối tiếp nhau mà tan vỡ thành từng giọt.
“Từng giọt
Thánh thót
Từng giọt
Điêu tàn”…
Một người đã tìm được một cái nhạc điệu mới như thế, há chi “xứng” để cho người ta dìm xuống? Làm ra được một bài như bài Sương rơi cũng đã nhiều lắm rồi, cũng đủ cho ta quên hết những cái sơ xuất của nhà thi sĩ trong lúc mới ra đời”[7].
Trong cách đọc «liên văn bản», khi phân tích đoạn văn kể chuyện chia tay trong đêm giữa hai nhân vật Đối – Vinh trong một tác phẩm văn xuôi, Trương Tửu liên hệ:
«Đọc tới đoạn này ai không núng lòng là người chưa hề sống. Ôi ! Cái cảnh phân chia ! Tôi lại nghĩ đến mấy câu thơ não nuột cũng tả cái buồn ly biệt của cặp tình nhân trong Tập thơ đầu:
Rồi khi hai ta biệt ly
Ôm vào nhau, và lâm ly
Em khóc, mà anh cũng khóc
Dẫu non nước cách nghìn trùng.
Tâm hồn ta vẫn ở chung
Khăng khít một lời tơ tóc.
(Nguyễn Vỹ - Tiếng quạ kêu)
Thế là chúng xa nhau! Kết liễu, kẻ bỏ mình nơi đất khách, người ôm hận giữa rừng sim, để lại cho khách si tình một bài than vãn lâm ly, thiên cổ:
Rồi từ đây... cảnh đời sương phủ gió lung,
Chúng ta không còn được nghe lời ca tụng ái tình nữa.
Trên ban thờ tình ái khói hương đã tắt ngấm lạnh lùng,
Mà trong đống tro dĩ vãng khêu đâu ra một đốm lửa.
(Nguyễn Vỹ - Đền đổ)»[8]...
Từ Sài Gòn, bình giả Lê Văn Hòe phê phán sưu tập Những áng thơ hay gồm 17 bài của 17 nhà thơ do Nguyễn Nhuệ Thủy sưu tập và Lê Tràng Kiều đề tựa (Nam Ký Xb, 1936), trong đó có điểm danh thơ Nguyễn Vỹ:
- Bài Sương rơi của Nguyễn Vỹ chỉ là một xâu chữ, một xâu chuỗi lệ. Thế thôi. Hay hay dở chưa dám quyết. Nhưng nếu “thơ hay cốt ở ý” thì bài nầy dở lắm.
[…] Rút lại có 17 bài thơ thì già một nửa là những bài thơ không phải hẳn là những bài thơ hay.
Và nếu những bài như bài Sương rơi:
Mưa rơi
Gió rơi
Lá rơi
Em ơi!
Bài Im lặng:
Mỗi lúc trông anh, em đứng lặng,
Em buồn, em giận hay em thương, v.v…
được coi là những áng thơ hay thì bài thơ nầy chẳng hạn của Thao Thao (tập Bờ suối) cũng chiếm được chỗ xứng đáng trong tập Những áng thơ hay mới phải chớ”[9]…
Một năm sau, tức đã vượt qua ba năm kể từ khi Nguyễn Vỹ cho in Tập thơ đầu (1934), bình giả Lê Văn Hòe với bút danh Vân Hạc cho rằng thơ Nguyễn Vỹ mạnh về ý tưởng nhưng cần gia tăng chất thơ và trau chuốt hình thức câu chữ:
“Ông Phan Khôi đã nói:
- Tất nhiên là người có thiên tài, lại phải có học vấn, có luyện tập chầy ngày rồi mới nên được một tay thi nhân.
Tôi cũng đồng ý với ông Phan.
Người ta thường thấy lắm người có học vấn, có luyện tập mà không làm được thơ hay là vì thiếu cái thiên tài, thiếu cái “tâm hồn thi sĩ”.
Nhưng cũng có người có tâm hồn thi sĩ, có học vấn hẳn hòi mà không làm được thơ hay, là vì thiếu sự luyện tập. Cái “ca” nầy rất đáng tiếc! Vì có cái “thiên tài” thì khó, chớ luyện tập làm thơ, có nghệ thuật làm thơ, thì có khó gì!
Cho nên tôi rất tiếc cho ông Nguyễn Vỹ. Ông Nguyễn Vỹ không có được những câu thơ hay chính là vì ông không chịu để tâm học lấy nghệ thuật làm thơ!
Ông Tự Tri ở Văn học tạp chí (1935) đã phê bình ông Nguyễn Vỹ:
- Ở ông Nguyễn Vỹ thực có một tâm hồn thi sĩ.
Tôi cũng nhận thấy thế. Tôi cũng nhận rằng ông Nguyễn Vỹ có một tâm hồn thi sĩ và chỉ có thế thôi. Ông Nguyễn Vỹ không thể là một thi sĩ được, mặc dầu, theo André Chénier, thì “nghệ thuật chỉ làm nên những câu thơ, cái tâm hồn mới làm nên thi sĩ”.
Vì rằng lời nói của thi hào Pháp đó là để tặng những thi gia chỉ chăm chăm chải chuốt lời thơ cho đẹp, cho thanh mà không để ý đến thi tứ. Chớ không có nghệ thuật thi gia, chỉ có tâm hồn thi sĩ thôi, thì không bao giờ đáng kêu là thi sĩ được.
Ta cứ đọc thơ của tác giả Tập thơ đầu thì tự khắc thấy ngay cái tâm hồn thi sĩ ẩn hiện ra lờ mờ phảng phất, còn thi nghệ thì thật là trắng trơn:
Hỡi những cặp mắt đẹp! Ta, khách qua đường lạ.
Thoắt thấy các ngươi như những hạt châu.
- Chẳng hay, trong ẩn nấp bao nhiêu sự nhiệm mầu?
(Những đêm trằn trọc VII)
Ngờ đâu! Đài miếu năm xưa nay còn là cái tháp bỏ
Dần dần những khi gió hạ, mưa xuân, chiều thu dịu dàng,
Hoặc những khi cùng nhau hai ta ngồi im trên bãi bể
Ta cùng nghe một tiếng đổ, tan trong cái rỗng không gian:
Một chút ít đền đài là tự nhiên rời rạc bể
Thôi vậy! Thì bỏ mặc đấy, cho nắng dọi, cho mưa giầm
Cho bao nhiêu cái mộng vẩn vơ nằm yên dưới rêu cỏ
Rồi cánh đồng dĩ vãng lui dần trong bóng tối âm thầm
Thỉnh thoảng ta hãy thấp cây hương hắt hiu trong tháp cổ.
(Đền đổ)
Họ đói! Họ khổ! Họ đau! Con họ ốm! Nhà họ nghèo,
Bởi người phàm không an ủy được những nỗi họ kêu reo.
Họ phải dâng một dĩa hoa, vài nén hương, một cặp nến,
Khẩn cầu đức thánh Quan Công may ngài soi xét đến…
( Đức thánh Đồng đen)
…Hỡi Trâm! Đêm nay ta nhớ Trâm lòng ta thật bùi ngùi…
Chiếc giường đôi ta cùng nằm trò chuyện mấy canh thâu.
Còn kia… nhưng hình ảnh của Trâm đã dần dần xóa mất,
Mà dưới cỏ phủ mồ Trâm, còn gì?... Hay xương với đất!
( Đỗ Thúc Trâm)
Các bạn thấy chưa? Những câu thơ trên đây đọc cũng e khó đọc, chớ đừng nói đến ngâm!
Đọc xong những câu thơ đó, chúng ta có cảm giác như đọc những bản dịch nô lệ (tranduction littérale), tức là dịch theo trúng nghĩa đen của các câu thơ Pháp hay thơ bên phương Tây.
Thiệt thế! Chúng ta dám quyết đoán rằng ông Nguyễn Vỹ khi làm thơ quốc văn thì nghĩ thơ theo chữ Pháp rồi mới tự dịch ngầm ra quốc văn, khó đọc như vậy! Giá những câu thơ nầy mà viết bằng chữ Pháp thì có thể hay đó.
Thiệt đáng tiếc vô cùng.
Nếu ở một thi gia khác như Thao Thao, Phi Yến hay Thế Lữ, thì những ý tưởng rộng rãi, cao siêu trong thơ Nguyễn Vỹ đã được đúc nên những áng thơ tuyệt tác rồi còn gì!
Cho biết rằng một mình tâm hồn thi sĩ quả chưa làm nên thanh danh thi sĩ. Ông Phan Khôi nói: “Thơ hay không cốt ở lời mà thôi, cốt ở ý nữa!”.
Tôi thì ở đây, tôi muốn nói:
- Thơ hay không cốt ở ý mà thôi, cốt ở lời nữa!
Phải! Chỉ cốt ở ý, hay chỉ cốt ở lời thôi, không được! Muốn có thơ hay thì không nên ngã vào chỗ cực đoan nào.
Sau hết, tôi muốn nói với ông Nguyễn Vỹ rằng:
- Với cái tâm hồn thi sĩ cao siêu rộng rãi đó, ông muốn trở nên thi hào không khó gì, nếu ông chịu theo lời ông Phan Khôi “luyện tập hằng ngày!”[10]…
Tiếp đến đầu năm sau, nhà phê bình Trương Tửu khi bình phẩm tập Điêu tàn của Chế Lan Viên đã hoan hỷ đọc «liên văn bản» đề cao thơ Nguyễn Vỹ:
... «Từ ngày ấy, tôi băn khoăn chờ nổi dậy trong cái sinh lực bất tuyệt của giống nòi những nguồn thơ mãnh liệt đủ sức gây những phong ba sôi nổi trong thi ca Việt Nam hiện đại. Tôi thâm tín rằng một thời khoảng lịch sử bão táp của đất nước như thời khoảng này tất nhiên phải đào tạo ra những tâm hồn bão táp biểu diễn nó bằng vần điệu tân kỳ.
Hy vọng của tôi không đến nỗi thành ảo vọng.
Tôi đã được sung sướng đọc những bài thơ thâm trầm của Nguyễn Vỹ ca hát cảnh nhỡ nhàng đau xót của kẻ ăn mày trong đêm khuya, cảnh tan vỡ bi đát của giọt sương tình ái dưới sức tàn phá của hơi gió bấc, cảnh đổ nát của lâu đài thân hữu trên bờ bể»[11].
Liền đó, khi luận bình thơ nữ sĩ Mộng Sơn, Trương Tửu tiếp tục nhắc nhớ, liên hệ và so sánh với thơ Nguyễn Vỹ:
“Mộng Sơn là thi sĩ đầu tiên hưởng ứng tiếng gọi của tác giả Tập Thơ Đầu. Nghe theo khẩu hiệu cách mạng của Nguyễn Vỹ, nàng tàn nhẫn vứt cây đàn xưa. Nàng liền bắt nguồn thơ trong những cảm hứng mới. Từ phù phiếm nàng đi tới thâm trầm. Từ cái sống yên vui của trái tim ngây thơ, nàng nhảy sang cái sống đau thương của nhân loại đọa đầy. Và nàng bắt đầu tư tưởng.
Liền đó, nàng cách mạng ngòi bút thơ. Li dị với những thể lục bát, tứ tuyệt, nàng thí nghiệm những thể mới của trường thơ Bạch Nga. Đi ngay đến cực đoan, nàng gắng gỏi thí nghiệm lối thơ mười hai chữ mà mọi người đang bài xích. Cùng với Nguyễn Vỹ giữa một tình thế gay go, nàng hăng hái xung vào đội hình tiên phong trên mặt trận cách mạng của thi ca Việt Nam hiện đại.
Sự thay đổi nhanh chóng ấy đủ chứng tỏ rằng Mộng Sơn là người của những hành vi triệt để. Tâm hồn bão táp của nàng chỉ họa nhịp với những cái gì lớn lao, khó khăn, nguy hiểm. Nàng là người của tranh đấu vì nàng tôn sùng một ý định tiến thủ không ngừng…
… Thi sĩ Mộng Sơn đã cảm thấm thía, được cái đau thương và cái buồn não ấy, trước nấm mộ lạnh lẽo của một lữ khách trong, vài phút kích thích mạnh mẽ của tâm hồn.
Không như Nguyễn Vỹ, lí hội bao quát được cái thống khổ của người đời, Mộng Sơn chỉ đi sâu vào cái chốt của thống khổ. Nói khác đi, nàng chỉ rung động thành thực trước những thảm trạng của trường hợp ĐANG HAI CÒN MỘT…
… Đứng trước nấm mộ lữ khách, Mộng Sơn đã viếng chung cái số kiếp buồn tênh của loài người và đã tự nhận một sứ mệnh thiêng liêng: Dùng tình thương an ủi các hạng người đau khổ vì tranh đấu.
Để nhắc lại một so sánh xác đáng của Nguyễn Vỹ, thi sĩ làm một cô khán hộ hồng thập tự trên bãi chiến. Lúc hai bên quân đã hồi binh, lúc khói lửa đã tắt là lúc cô khán hộ xinh tươi của chúng ta xông ra bãi xa trường khiêng nhặt những chiến sĩ bị thương nằm rên la trong vũng máu. Đem về trại, cô dùng y dược, dùng những ngón tay dịu dàng, những nụ cười an ủi hàn dịt các vết thương của người chiến bại. Cô nâng niu các sự gãy nát của cơ thể, cô cũng lại cứu vớt các sa ngã của linh hồn binh sĩ. Cô đem đến các giường bệnh cả một yên vui. Cô tung rắc giữa cảnh đau khổ những hạt giống hi vọng đẹp đẽ. Cô hồi sinh lại sự sống đã tan vỡ. Cô chỉnh lại các cuộc đời”[12]…
Viết trong mục Những vần thơ hay, dở, Vân Hạc giới thiệu toàn văn bài thơ Tìm gì? của Nguyễn Vỹ:
TÌM GÌ?
Cảnh Tây Hồ đêm hôm lạnh lẽo,
Mưa gió bay, sóng réo ven bờ.
Riêng ta vơ vẩn tìm thơ,
Chớ cô thiếu nữ vẩn vơ tìm gì?
Trong bóng tối đi đi, lại lại,
Tay khum che ngọn nến rẩy run.
Tìm gì trên bãi cỏ non,
Để đôi mắt đẹp nỉ non lệ tràn?
Hỡi thiếu nữ! Tuổi xuân mơn mởn,
Cặp môi tươi ưng ửng đượm duyên.
Tóc đeo nặng mấy mối phiền,
Mà xòa rũ rượi hai bên má đào?
Người thế ấy, lẽ nào duyên phụ?
Mà vẩn vơ tìm chỗ gió mưa.
Tìm gì trên bãi cỏ tươi,
Để đôi má ửng lệ rơi tràn trề.
Sùi sụt mãi, giọt dài giọt ngắn!
Tiếng mưa phùn đã vắng trên cây.
Chuông chùa đã điểm canh chầy,
Lắt leo ngọn nến lệ đầy vơi tim.
Còn quanh quẩn bới tìm, tìm mãi?
Năm ngón tay mềm mại trắng tròn.
Tìm gì trên bãi cỏ non?
Để đôi má ửng lệ tuôn luôn giòng?
Tìm mặt cỏ, tìm trong chân cỏ,
Trước tìm gần, sau bỏ tìm xa.
Ánh đèn soi chói như là:
Cỏ xanh, xanh biếc thờ ơ vô tình!
Nhìn mặt hồ lênh đênh sóng vỗ,
Nhìn gốc cây còn nhớ mùi thơm.
Rồi nhìn bãi cỏ xanh non,
Cớ sao nước mắt ứa tuôm đầm đìa?
- Hỡi thi sĩ! Đêm khuya mưa gió,
Ta tìm ta trong đám cỏ xanh.
Mỗi chiều tan cuộc ái ân,
Chút xuân ta cũng tan dần mất thôi.
Cùng người yêu ta vui chốc lát,
Mãn cơn vui xờ xạc cơn buồn!
Còn gì trên cỏ xanh um,
Mà ta chẳng để lệ tuôn luôn giòng?
Vừa lúc chiều, ta cùng tri kỷ,
Trên cỏ xanh, rủ rỉ gần đêm.
Những lời tình tự êm đềm,
Bây giờ phút ấy còm tìm thấy đâu!
Bàn tay yêu nâng niu ve vuốt,
Nụ hôn yêu dính ướt trên môi.
Lả lơi bộ đứng, dáng ngồi,
Lúc chiều gần đấy, mà giờ đâu xa?
Một ngày xuân của ta rơi rụng,
Bao lệ xuân ứa đượm trên cành.
Ngó qua đã thấy khô tàn,
Nhìn đến chỉ thấy mơ màng trần duyên.
Sáng ngày mai, còn xuân tươi lại,
Nhưng xuân nay tê tái cả rồi!
Mấy lần xuân nữa thì thôi?
Thì tan tác mất cái đời xuân ta?
Thi sĩ hỡi! Đêm khuya mưa lạnh,
Người tìm thơ vơ vẩn một mình.
Thơ ngươi khêu hết sự tình,
Mà xuân ta, chỉ chừng ngần ấy thôi.
Còn ánh trời, còn vui khuây khỏa,
Đến tối om buồn bã vô cùng.
Ngồi nhìn bãi cỏ xanh um,
Thờ ơ phó mặc gió lung mưa dầm!
- Người làm ta thương tâm, Xuân nữ.
Từ đây bình giả đi sâu phê bình, phân tích, xét đoán, chỉ ra những điều chưa thật là thơ:
“Một người thiếu nữ cầm ngọn nến hí húi tìm cái xuân của mình trên đám cỏ xanh um, giữa khi đêm khuya mưa gió. Hình ảnh rất nên thơ.
Nhưng thơ của thi sĩ không nên thơ một chút nào! Lời thơ nói quái lạ làm sao, nó khác hẳn lời ta thường nói. Người ta ngỡ rằng thi sĩ là một người mới tập nói, như một người nước ngoài, như một cậu bé con. Người ta thấy nhà thơ diễn tả những điều mình muốn nói, một cách rất lúng túng, vụng về.
Thi sĩ có hồn thơ nhưng thiếu hẳn thi nghệ.
Không kể nhiều câu tối nghĩa và vô nghĩa, chỉ một cách hạ vần của thi sĩ cũng đủ làm cho người ta thất vọng và chán nản.
Loại thơ này là lối “song thất lục bát”, nghĩa là cứ sau hai câu thơ 7 chữ lại có một câu 6 chữ và 8 chữ, lối thơ Cung oán ngâm khúc và Chinh phụ ngâm của ta vậy.
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu.
Trắng răng đến thủa bạc đầu,
Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần.
(Cung oán)
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
(Chinh phụ)
Coi những câu thơ trên đây thì ta có thể lập lệ luật thơ “song thất lục bát” một cách rất dễ dàng: Chữ thứ 5 trong câu 7 chữ thứ nhì phải hiệp vận với chữ thức 7 trong câu 7 chữ thứ nhứt; chữ cuối cùng trong câu 6 chữ tiếp theo, phải hiệp vần với chữ cuối cùng trong câu 7 chữ ở trên, và chữ thứ 6 trong câu 8 chữ ở dưới, lại phải hiệp vận với chữ cuối cùng câu 6 chữ ở trên…
Trưng lệ luật lối thơ nầy ra có khí thừa, vì con nhà thơ nào là không biết cách làm thơ lối nầy nữa? Rất đỗi, bọn trẻ mục đồng, bọn các cô thợ cấy còn ứng khẩu đặt “vè” được bằng lối “lục bát” thay nữa là ai!
Cho nên người ta phải lấy làm lạ khi thấy ông Nguyễn Vỹ hạ vần:
Trong bóng tối đi đi, lại lại,
Tay khum che ngọn nến rẩy run.
Chữ nến với chữ ửng có vần với chữ lại đâu?
Hỡi thiếu nữ! Tuổi xuân mơn mởn,
Cặp môi tươi ưng ửng đượm duyên.
Chữ mởn với chữ ửng có vần với nhau không?
Hầu hết những câu thơ 7 chữ trong thơ, thi sĩ đều hạ vần sai. “Song thất” nhà thơ đã không làm nên thân, mà “lục bát” về hình thức, làm có khó gì ở đâu?
Mà vẩn vơ tìm chỗ gió mưa.
Tìm gì trên bãi cỏ tươi,…
Mưa với tươi vần với nhau thế nào được?
Lả lơi bộ đứng, dáng ngồi,
Lúc chiều gần đấy, mà giờ đâu xa?...
… Thơ ngươi khêu hết sự tình,
Mà xuân ta, chỉ chừng ngần ấy thôi…
… Ngồi nhìn bãi cỏ xanh um,
Thờ ơ phó mặc gió lung mưa dầm!
Ngồi có vần với giờ đâu? Tình với ngần cũng không thể vần với nhau được. Um với lung cũng là hai vần khác hẳn nhau.
Ông Nguyễn Vỹ đừng giận, chớ thơ ông còn kém vè xa. Vè là những câu thơ người ta ứng khẩu làm ra để ngụ ý bao biếm hay kỷ niệm một chuyện gì xảy ra. Trong vè, người ta ít để ý đến nghệ thuật, cái nó làm cho vè khác thơ và kém giá trị nếu đem so với thơ. Vè ở nước ta ai cũng có thể đặt được và hầu hết làm theo thể thơ lục bát. Những câu vè như những câu nầy:
Chiếu Vua mồng sáu tháng ba,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì lột lấy quần chồng sao đang?
Có quần ngồi quán bán hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Thì quả còn hay hơn thơ lục bát của ông Nguyễn Vỹ nhiều. Ông Phan Khôi nói: “Thơ hay không cốt ở lời mà cốt ở ý nữa”. Ở đây thì người ta phải nói ngược lại: “Thơ hay không cốt ở ý mà thôi, cốt ở lời nữa”.
André Chesnier nói: “Nghệ thuật chỉ làm nên những câu thơ, duy tâm hồn mới làm nên thi sĩ”. Nhưng chỉ có tâm hồn thi sĩ chưa đủ, nếu không có nghệ thuật, vì không có nghệ thuật thì đào đâu ra thơ!”[13]…
Đặc biệt trong bài Cái buồn lãng mạn và các thi sĩ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Nguyễn Vỹ…, Trương Tửu không một lần dẫn tên, không dẫn một câu thơ của ai nhưng đã phê phán quyết liệt những lối buồn vô cớ, từ đó truy tìm nguyên nhân và đề xuất hướng khắc phục:
“Giết nhau chẳng cái dao cầu
Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa!
(Ôn Như Hầu)
Buồn vô cớ
Ta thường thấy rất nhiều bạn thanh niên tự nhiên buồn rầu ủ rũ như những kẻ chán đời. Cặp mắt họ lờ đờ vẩn vơ có vẻ nhớ tiếc một cái gì, thương yêu một cái gì mà họ chưa có hoặc đã để mất đi. Gò trán họ quầng thâm một bóng mây, nó điểm trên khuôn mặt họ một vẻ uể oải, nhợt nhạt. Ở môi họ nở non những nụ cười héo hắt, bị táp úa bởi vài nếp nhăn mờ chạy vòng từ kẽ mép xuống cằm. Toàn thân họ bộc lộ một tâm trạng bạc nhược. Và hình như ở chân trời đen tối của đời họ, sự thất bại đã được viết bằng chữ máu. Họ là những tên lính hèn yếu trước khi ra mặt trận đã tính đến sự đầu hàng. Nếu ta hỏi những người thanh niên ấy tại sao họ buồn thì trăm lần y cả trăm, ta sẽ được nghe câu trả lời bâng quơ này: “Tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi buồn. Nhưng tôi thấy tự nhiên đâm ra mơ mộng chán chường không thiết gì cả”.
Cái buồn ấy là cái buồn vô cớ như người ta thường gọi: Nó là cái buồn lãng mạn. Trong con mắt nhà tâm lí, nó là dấu hiệu của một khủng hoảng tinh thần. Dưới cặp kính của nhà sinh lí, nó là triệu chứng của bệnh não cân. Nhìn ở góc xã hội học, nó là biểu thị của một suy đồi luân lí trong đoàn thể.
Gồm cả ngần ấy thích nghĩa của cái buồn lãng mạn, ta sẽ truy nguyên được đến cội rễ nó và có thể tìm được phương pháp khử trừ nó.
Nguyên nhân
Theo ý tôi, cái buồn lãng mạn có ba nguyên nhân chính:
1. Thiếu sức khỏe.
2. Không hoạt động.
3. Thiếu tinh thần tranh đấu.
Thiếu sức khỏe tất cả những người vơ vẩn buồn rầu vô cớ là những người ốm yếu, sự thực này đã được chứng nhận trong sinh lí học. Một người có cơ thể mạnh khỏe lúc nào cũng thích hoạt động để tiêu thụ cái sinh khí dư dật trong bắp thịt và thần kinh. Người ấy bao giờ cũng vui, bao giờ cũng yêu đời. Trên mặt người ấy, ta thấy súc tích một sự sống phong phú nó làm sắc diện tươi tắn. Trong tâm hồn người ấy, sức khỏe in vào một tự tin bền vững và mạnh mẽ. Với đức tính này, sự đắc thắng là một việc dễ hiểu. Trên đường đời người ấy sống ung dung, nghênh ngang, sung sướng.
Trái lại, một người cơ thể ốm yếu lúc nào cũng nghĩ đến yên ổn và chỉ chực thoái lui trước các đe dọa của thế tình. Người yếu đau đớn khi nhận thấy mình sống một đời với các thứ thất bại nhục nhã có thể xảy đến. Như vậy, tâm thần luôn luôn bị bối rối, khủng hoảng. Và sự sống héo lụi ấy phủ ngay trên số mệnh người yếu ớt một u sầu ẻo lả. Cái buồn bâng quơ, từ cái gốc đó, nở ra, lớn dần và theo dõi đời sống của nạn nhân như bóng theo hình. Danh từ lãng mạn đặt ra chỉ để gọi thứ người yếu ớt ấy bằng một thứ tên sang trọng.
Không hoạt động: Cái này là kết quả trực tiếp của cái kia. Không hoạt động vì ốm yếu. Hoạt động là đặc tính của người khỏe. Trong lúc hoạt động thấy khoan khoái bởi sinh lực trong người ta có chỗ thoát bớt đi. Ta cảm rõ rằng ta đang sống, sống mạnh khỏe, hợp với nguyên lí của vạn vật. Các xúc cảm dồi dào ấy đem lại cho ta những tư tưởng lạc quan, những tình yêu đương, những lạc thú tao nhã. Tất cả hợp thành một niềm vui sướng tưng bừng. Có một tâm hồn như thế, ta sẽ làm thoái lại các thứ buồn rầu, chán nản lăm le định đến xâm chiếm vận mệnh ta. Buồn và chán chỉ trị vì được một cách độc tài trong các tâm hồn quệ liệt, thiếu sinh lực, nghĩa là các người nhàn rỗi thái quá không hoạt động, không sống. Cái sống là kẻ thù của cái buồn. Hoạt động là nguồn vui, không hoạt động chỉ là những người vô dụng, ỷ lại, và hèn hạ. Danh từ lãng mạn đặt ra chính để gọi thứ người ỷ lại, hèn hạ này bằng một cái tên hào nhoáng.
Thiếu tinh thần tranh đấu: Sống tức là tranh đấu, mà trong cuộc tranh đấu người ta không được phép buồn. Buồn ở đây là mua chước lấy thất bại nhục nhã. Buồn là sự tự sát. Chỉ có những kẻ thiếu tinh thần tranh đấu mới đâm ra buồn vơ vẩn. Kẻ đó sợ các tấn công của đời sống, của số mệnh, của thời gian. Trong lúc sợ kẻ đó chỉ tìm cách thoái lui và hàng phục, cố tìm lấy yên tĩnh trong cuộc đời nô lệ. Kẻ đó không bao giờ dám nổi giận trước những bất công xã hội, không bao giờ dám phản kháng một áp bức. Luôn luôn trong đời kẻ đó lởn vởn một kinh hãi, một giật mình: Lá vàng rơi, con chim nhảy, ngọn cỏ mọc, đám mây bay, đối với kẻ đó toàn thị là khởi thủy của một tấn công. Tâm trí kẻ đó vĩnh viễn hoảng hốt. Cái buồn bâng quơ và dài thẳm mọc trên cái hoảng hốt này. Tinh thần tranh đấu là vị thuốc tiêu trừ cái buồn ấy. Thiếu tinh thần tranh đấu, chỉ có những người nô lệ, danh từ lãng mạn đặt ra chính để gọi thứ người nô lệ này bằng một cái tên lừa mắt.
Tóm lại người lãng mạn chỉ người yếu ớt, quệ liệt, ỷ lại, và nô lệ. Mà cái buồn lãng mạn chỉ có ở những tâm hồn trụy lạc. Bởi lẽ đó, cái buồn lãng mạn có tính chất trưởng giả. Ta chỉ thấy nó ở các tâm hồn trưởng giả đồi bại thứ tâm hồn yếu ớt, quệ liệt, ỷ lại và nô lệ.
Muốn khử trừ cái buồn lãng mạn, phải chống lại sự đồi bại của tinh thần và sự yếu ớt của cơ thể. Phải vun xới tinh thần tranh đấu, phải tôn thờ sự sống đẹp đẽ và đầy đủ. Và nhất là phải hoạt động, luôn luôn hoạt động.
Nhưng trước hết phải nhổ tận gốc thứ triết lí văn chương thù nghịch của tranh đấu, của hoạt động, của sự sống. Đó là các triết lí và văn chương lãng mạn”[14].
Trong mục Những sáng chế khác của phong trào Thơ mới trong sách Khảo luận luật thơ mới (Huế, 1940), Lam Giang đã dẫn giải về lối thơ hai chữ qua trường hợp Nguyễn Vỹ (có so sánh với các nhà thơ Pháp như Jules Rességuier, Victor Hugo, Verlaine):
“Một sáng chế của trường thơ Bạch Nga do Nguyễn Vỹ chủ trương. Bài Sương rơi được nhiều người biết vì mô phỏng theo âm điệu đều đều buồn buồn của những giọt sương rơi. Đó là một thứ âm nhạc mô phỏng theo lề lối tượng thanh.
SƯƠNG RƠI
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu…
…Mưa rơi
Gió rơi
Lá rơi
Em ơi!
Nguyễn Vỹ còn cao hứng dịch bài này ra Pháp văn. Bài dịch vẫn giữ được thứ âm điệu mô phỏng rơi rơi buồn buồn:
Les branches
De saule
Se penchent
Molles…
…Goutte
A goutte
Toules
Brisées…
… Nguyên tắc sáng tác: Dùng những điệu thơ ngắn, êm, buồn, để thích hợp với tiếng thơ của sự vật ngoại giới và giòng tâm lý chậm chạp, thâm trầm của nội giới.
Điệu thơ 1, 2 chữ: hình thức sơ khởi, giản dị nhất của lối thơ nhạc vậy…
… Từ điệu thơ 2 chữ, tiến lên ít bước, ta gặp những điệu thơ khác nhiều chữ hơn mà ta vẫn phảng phất phong điệu những bài ca nhạc. Chủ trương “trước tiên tìm nhạc luật” của Verlaine đã giúp ích rất nhiều và đã hướng dẫn thi sĩ Việt Nam trong việc sáng chế những điệu thơ mới lạ.
ĐÔI BÓNG
Ai ngồi mơ trên lầu
Bên hương hoa?
Ai thơ thẩn bên cầu
Đêm sương sa?...
… Trong đêm
Nhiệm mầu
Bên trời vương tơ
Bên người
Trong mơ.
(Nguyễn Vỹ)
… Muốn dùng điệu “thơ nhạc”, thi sĩ cần phải để hết tinh thần vào âm điệu. Càng giàu âm điệu bài thơ càng có giá trị”[15]…
Trong bài viết thực sự công phu Tính sổ mười năm văn học (1930-1940), nhà phê bình Trương Tửu đánh giá cao thành tựu phong trào Thơ mới và vị thế Nguyễn Vỹ:
… “Theo chỗ tôi biết thì mấy thi sĩ có tiếng hiện giờ (Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Vỹ) - Chắc có nhiều người lấy làm lạ tại sao Nguyễn Vỹ lại có thơ đăng ở Phong hóa. Nhưng đó là sự thực. Hồi chưa xuất bản Tập thơ đầu, Nguyễn Vỹ gửi cho Tú Mỡ một bài thơ 12 chữ vần liền, nói về cuộc khủng hoảng kinh tế. Bài ấy, Tú Mỡ có cho đăng và ngắt ra làm mỗi câu 6 chữ. Tôi còn nhớ bài ấy bắt đầu thế này: Năm nay kinh tế khủng hoảng, đồng tiền chạy trốn đi đâu,/ Ai ai cũng kêu túng thiếu, nhà nghèo cho chí nhà giầu…) đều đã thí nghiệm thơ mới từ trước năm 1933, người ta thấy đăng lên báo Phong hóa những thơ mới của Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Vỹ. Ít nhất, người ta cũng phải tin rằng sự tạo thành những bài thơ ấy không phải một sớm một chiều mà có được. Mấy thi sĩ đó hẳn đã trải qua một thời kỳ bực dọc trong khuôn khổ cũ, một thời kỳ suy nghĩ về cách vượt ra ngoài quy luật xưa và một thời kỳ thí nghiệm vần điệu theo thể mới.
Sau khi ba thi sĩ tiên phong ấy cho đăng thơ của mình thì phong trào thơ mới nổi lên ầm ầm. Trong Nam, ngoài Bắc, chỗ nào cũng bàn đến nó. Người ta đã cãi nhau về nó trên diễn đàn (Kiêm – Hanh), trên báo chí (Tràng Kiều, Thái Phỉ, Thế Lữ - Nguyễn Vỹ)…
… Tựu trung, vẫn chỉ có bốn trường thơ mới có tính cách đặc biệt là:
1) Trường thơ Thế Lữ
2) Trường thơ Lưu Trọng Lư
3) Trường thơ Nguyễn Vỹ
4) Trường thơ “thể cũ ý mới” có Thái Can đại diện.
Thơ Thế Lữ là thể ca trù phục hưng lại, thơ Lưu Trọng Lư có cái vẻ phóng túng của các thể cổ phong, từ khúc; thơ Nguyễn Vỹ phỏng theo thể cách Pháp văn. Thơ Thái Can theo cái ý kiến dung hòa của André Chénier. Thơ Thế Lữ chú trọng về âm, thơ Lưu Trọng Lư chú trọng về điệu, thơ Nguyễn Vỹ chú trọng về tứ, thơ Thái Can chú trọng về hình tượng.
Trong 10 năm trời nay, sự thí nghiệm thơ mới đã được thi hành rất siêng năng, rất thông minh, rất liên tiếp. Không có lý gì cuộc thí nghiệm đồ sộ ấy của mấy thế hệ thi nhân lại không tạo ra được một kết quả tổng hợp nào xứng đáng. Riêng phần tôi, tôi thành thực tin rằng cái kết quả tốt đẹp ấy sắp nở ra, ở một ngày mai rất gần với hôm nay”[16]…
Nhìn rộng ra, thực hiện tổng kết tiến trình ba mươi năm văn học đầu thế kỷ, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) nhấn mạnh dòng chảy thi ca, xác định vị thế Nguyễn Vỹ trong cuộc đấu tranh cho thơ mới và điểm danh Tập thơ đầu của Nguyễn Vỹ:
… “Người ta đem cả hai làm vấn đề cãi nhau trên diễn đàn (Manh Manh nữ sĩ – Nguyễn Văn Hanh), trên báo chí (Tản Đà – Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều – Thái Phỉ, Thế Lữ – Nguyễn Vỹ)…
Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được:
– Đông Hồ, sau những vần Thơ Đông Hồ (1932) cũ kỹ, ca ngợi Cô gái xuân (1935).
– Lan Sơn thi vị hóa mối tình giữa Anh với em (1934).
– Phạm Huy Thông, trong Yêu đương (1933) cô Anh Nga (1934) và cô Tần Ngọc (1937), trầm hùng cao đưa Tiếng địch sông Ô(1935).
– Nguyễn Vỹ trong Tập thơ đầu (1934) có hơi thơ dài như gió lướt”[17]...
Tiếp đến công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân khái quát một chặng đường thơ Nguyễn Vỹ:
“Sinh năm 1910 ở làng Tân Hội (sau đổi là Tân Phong), huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi). Học trường Quảng Ngãi, trường Quy Nhơn. Đã từng cạo đầu đi tu, gánh cát ở bãi sông Cái, bán kẹo ở Hà Nội, bán báo ở Sài Gòn. Hiện nay ở Hà Nội, sống về nghề văn. Đã viết: Ami du Peuple, Le Cygne, Văn học tạp chí 1935, Hà Nội báo, Phụ nữ. Đã xuất bản: Tập thơ đầu (1934).
Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì.
Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ táo bạo không đủ đưa người ta ra khỏi cái tầm thường. Khi Nguyễn Vỹ hô hào:
Ta hãy truyền một thi hứng mới cho thế kỷ hai mươi,
Ta hãy ký thác trong vần thơ những tình sâu ý hiếm.
người có biết rằng trong hai câu này không có lấy một chút “tình sâu ý hiếm” và mặc dầu cái lốt mới rềnh ràng của chúng, chúng vẫn có thể nằm xếp hàng với những câu sáo nhất xưa nay mà không chút... ngượng. Tránh tầm thường mà lại rơi vào tầm thường là thế.
Nguyễn Vỹ quả đã muốn lòe những kẻ tầm thường là bọn chúng ta. Thực ra, chúng ta cũng dễ bị lòe. Nhưng ở chỗ nào khác kia, chứ trong văn chương thì hơi khó. Một hai người có thể lầm; năm mười người, trăm ngàn người có thể lầm; chứ cả đám người mênh mông không tên tuổi kia ít khi lầm lắm. Chúng ta có thể lầm trong một hai năm, chứ lầm luôn trong năm bảy năm hay lâu hơn nữa, là chuyện thảng hoặc mới có.
Tôi tin rằng linh hồn chung của một lớp người đủ phức tạp để cảm thông với hầu hết những thơ văn có giá trị. Một bài như bài Sương rơi được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một cái nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ.
Nhưng Sương rơi còn có vẻ một bài văn. Gửi Trương Tửu mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Trong lúc say, Nguyễn Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người, cái tật lòe đời. Người đã quên những câu thơ hai chữ và những câu thơ mười hai chữ. Người dùng một lối thơ rất bình dị, rất xưa, lối thất ngôn tràng thiên liên vận và liên châu. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã hội thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn. Hãy cho đi là họ không có gì xuất chúng; thì ít nhất họ cũng đã nuôi những giấc mộng to lớn khác thường. Nhưng đời không chiều họ; đụng vào sự thực, những giấc mộng của họ đều tan tành và lần lượt họ bỏ thây ở dọc đường hay trong một căn phòng bố thí.
Nguyễn Vỹ đã làm bài thơ này trong một lúc vô cùng buồn giận vì cái nghiệp văn chương. Những ai cùng một cảnh hướng xem thơ tưởng có thể khóc lên được. Trong lời văn còn chút nghênh ngang từ đời xưa lưu lại. Nhưng ta đã xa lắm rồi cái kiêu ngạo phi thường của Lý Thái Bạch, chỉ biết có văn chương còn khinh hết thảy:
Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt,
Sở vương đài tạo không sơn khâu;
Hứng cam lạc bút giao ngũ nhạc,
Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu.
Với Nguyễn Vỹ, chúng ta đã mất hẳn cái cười kiêu ngạo ấy và ngơ ngác thấy xếp cùng hàng với... chó.
Cái lối xếp hàng kỳ quái ấy đã làm phật ý Tản Đà. Một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”. Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ cái nỗi gì?”[18]…
Cho đến cuối mùa phong trào Thơ mới, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đi sâu đánh giá toàn diện sự nghiệp văn chương của Nguyễn Vỹ, trong đó nhấn mạnh đặc điểm thơ ca:
“Ông là một người giàu tình cảm, nhìn cuộc đời bằng con mắt bi quan, trái tim ông rung động khá nhiều, có khi nó chiếm đoạt cả phần suy nghĩ của khối óc. Vì đấy, những việc trong tiểu thuyết của ông có liên tiếp mà thiếu hẳn sự quan sát, làm cho những việc tác giả trưng ra không còn che đậy được sự giả dối nữa.
Đọc quyển Đứa con hoang (Minh Phương – Hà Nội, 1938) của Nguyễn Vỹ, tôi phải nhớ ngay đến sự quan sát của nhà văn, một điều rất cần cho tất cả những người làm nghề viết. Có thế nói sự quan sát là điều cần nhất, phải học cho biết quan sát, rồi mới có thể viết được, còn nếu xét mình đã khuyết điểm hẳn về đường ấy, thì dầu mình có sẵn cây đàn muôn điệu, cũng nên tin rằng có gẩy lên, cũng không cảm được lòng ai. Bởi thế, chúng ta cũng không nên lấy làm lạ khi đọc tiểu sử La Fontaine và thấy nhà đại thi hào này nằm bên gốc cây suốt ngày để nhìn đàn kiến trước khi viết một bài ngụ ngôn thi. Sự quan sát thật là quan trọng...
[…] Nguyễn Vỹ còn là tác giả tập tiểu thuyết ngắn: Người yêu của Hoàng thượng (Minh Phương – Hà Nội, 1938 ), Thi sĩ kỳ phong(Nam Ký – Hà Nội) ký là Lệ Chi, và tập truyện dài: Chiếc bóng (Cộng Lực – Hà Nội, 1941)…
[…] Nguyễn Vỹ còn viết một tập Pháp văn nhan đề là Grandeurs et servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (Đông Tây – Hà Nội, 1936), Tập thơ đầu – Premières poésies (do tác giả xuất bản), và một quyển nhan đề là Kẻ thù là Nhật Bản.
Về thơ cũng như về văn, Nguyễn Vỹ đã có những cái lầm kỳ quặc. Ông là người đề xướng một lối thơ bắt chước thơ Tây và gọi là “thơ Bạch Nga”. Ông là người đặt ra những câu thơ hai chữ và những câu thơ “mười hai chân”. Ông đã từng “làm ồn” lên một độ trong Tiểu thuyết thứ Năm, một tạp chí xuất bản ở Hà Nội cách đây sáu bảy năm, về những cái mới ấy; nhưng với thời gian, không một ai có thể bị cám dỗ mãi về những cái tầm thường, chỉ cầu kỳ có bề mặt.
Nói như vậy, không phải bảo Nguyễn Vỹ không có tài về thơ. Ông có tài khi ông không cầu kỳ và chịu ở yên trong giòng thơ Việt. Bài Gửi Trương Tửu của ông đăng trong báo Phụ nữ (xuất bản ở Hà Nội) là một bài được nhiều người nhắc đến. Bài ấy như sau này:
Nay ta thèm rượu nhớ mong ai!
Một mình rót uống chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò chuyện dông dài mặt đỏ sẫm.
Nay một mình ta, một be con:
Cạn rượu rồi thơ mới véo von!
*
Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà coi đồng tiền như cái rác!
Kiếm được xu nào đem tiêu hoang,
Rủ nhau chè chén nói huênh hoang,
Xáo lộn văn chương với chả cá.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Rồi ngủ một đêm, mộng với mê,
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An Nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút nói văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm chơ xương.
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh!
Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng?
Tôi làm trạng nguyên, anh tể tướng,
Và anh bên võ, tôi bên văn,
Múa bút tung gươm há một phen?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Chứ như bây giờ là trò chơi,
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con tiều, văn chương cóc!
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán văn, ngày tháng qua!
*
Cho nên tôi buồn không biết mấy!
Đời còn nhố nhăng ta chịu vậy!
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa!
Bực chí thành say mấy cũng vừa!
Chơi nước cờ cao lại gặp bĩ!
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rút cục chỉ còn mộng với mơ!
Người ta thấy không một chút cầu kỳ nào trong bài thơ trên này. Cái đặc sắc của toàn bài ở những lời nhỏ to rất giản dị như đang ngỏ tâm sự cùng bạn ngồi đối ẩm với mình. Giọng lại là giọng một người say rượu, lúc tửu hứng nói ngông. Những câu “Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!...”, “Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng? Tôi làm trạng nguyên, anh tể tướng...”, thật rõ ra giọng anh say và ngông.
Nhưng say thì say, thi sĩ phóng đại ra cho nó khoái một lúc, rồi nhìn lại bạn mình và thân mình, thi sĩ cảm thấy tủi nhục và dịu xuống giọng phẫn uất, rồi than thở về cái nghề “làm báo làm bung” của mình:
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con tiều, văn chương cóc!
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán văn, ngày tháng qua!
Hồi đó Trương Tửu giúp cho tạp chí Ích hữu của Lê Văn Trương là nhà văn chủ trương “triết lý sức mạnh”, còn Nguyễn Vỹ giúp tạp chí Phụ nữ ở ngõ Hội Vũ của Nguyễn Thị Thảo, cho nên tác giả mới dùng những chữ “triết lý con tiều” và “bưng thúng theo đàn bà”.
Đến mấy câu này mới cay chua:
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!
Chơi nước cờ cao lại gặp bĩ!
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rút cục chỉ còn mộng với mơ!
Thật là những câu tâm sự. Ai là người theo đuổi thơ văn, đọc đến mà không cảm thấy cái buồn bát ngát.
Về tiểu thuyết cũng như về thơ, Nguyễn Vỹ tỏ ra một người giàu tình cảm. Những mối tình của ông diễn ra trong lúc ông thành thực, trong lúc ông trút bỏ những tính cầu kỳ, bao giờ cũng cảm động. Nhưng người ta lấy làm tiếc rằng trong những lúc viết văn hay làm thơ, ít khi Nguyễn Vỹ lại thành thực được như lúc ông choáng váng hơi men”[19]...
*
Nguyễn Vỹ là hiện tượng chín sớm, được coi là “tiên phong” nhưng không chín đều, có bài trung bình “kém xa vè”, có bài được coi là “kiệt tác”. Thơ ông biệt ra một lối “trọng về tứ”, “Trường thơ Nguyễn Vỹ”, “Một sáng chế của trường thơ Bạch Nga do Nguyễn Vỹ chủ trương”, thể hiện khả năng tìm tòi, đổi mới, dấn thân đến quyết liệt. Người đương thời phong trào Thơ mới đã tiếp nhận, đánh giá công bằng, đúng mức về ông, về cá tính thơ ông, để lại cho đời những bài học sâu sắc về nghệ thuật phê bình văn chương.
Hà Nội, tháng 8-2017
[1] Tứ Ly: Tập thơ đầu. Phong hóa, số 125, ngày 23-11-1934, tr.3.
[2] Tứ Ly: Cuộc hội chợ «Phong hóa» tổ chức. Phong hóa, số 126, ngày 30-11-1934, tr.5.
[3] Lê Ta: Cuộc điểm sách Tập thơ đầu. Phong hóa, số 127, ngày 7-12-1934, tr.9.
[4] Lê Ta: Cùng ông Nguyễn Vỹ. Phong hóa, số 130, ngày 28-12-1934, tr.11.
[5] Lê Ta: Cuộc điểm… mấy nàng thơ. Phong hóa, số 132, ngày 11-1-1935, tr.13.
[6] X.X.X: Câu chuyện loanh quanh buổi đầu năm. Phong hóa, số 134 (Mùa Xuân), ngày 30-1-1935, tr.20.
[7] Lê Tràng Kiều: Thơ mới Nguyễn Vỹ. Hà Nội báo, số 23, ra ngày 10-6-1936, tr.11-15.
[8] Trương Tửu: Lưu Trọng Lư. Loa, số 86, ra ngày 10-10-1935...
[9] Lê Văn Hòe: “Những áng thơ hay” không xứng đáng với tên gọi. Công luận, số 7230, ngày 19-9-1936…
[10] Vân Hạc: Công luận, số 7537, ra ngày 16-10-1937, tr.4.
[11] Trương Tửu: Một thi sĩ của Điêu tàn. Ích hữu, số 101, ra ngày 26-1-1938…
[12] Trương Tửu: Thi sĩ của tình thương. Ích hữu, số 105, ngày 23-02-1938…
[13] Vân Hạc: Những vần thơ hay, dở. Công luận, số 7668, ra ngày 2-4-1938, tr.3+6.
[14] Trương Tửu: Cái buồn lãng mạn và các thi sĩ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Nguyễn Vỹ… Quốc gia, số 3, ra ngày 28-9-1938…
[15] Lam Giang: Khảo luận luật thơ. In lần ba có chỉnh lý. Sơn Quang xb, Sài Gòn, 1967…
[16] Trương Tửu: Tính sổ mười năm văn học (1930-1940). Mùa gặt mới, số 2, ra ngày 30-11-1940, tr.181-184.
[17] Mộc Khuê: Ba mươi năm văn học. Nxb Tân Việt, Hà Nội, 1941…
[18] Hoài Thanh – Hoài Chân: Nguyễn Vỹ, trong sách Thi nhân Việt Nam. Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942… Tái bản theo bản in do nhà thơ Xuân Tâm cung cấp. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989...
[19] Vũ Ngọc Phan: Nguyễn Vỹ, trong sách Nhà văn hiện đại, Quyển tư, tập hạ. Nxb Tân dân, Hà Nội, 1945… In lại trong Vũ Ngọc Phan – Tác phẩm, Tập IV. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000…
Phụ lục
- Lê Ta: Tin văn… vắn. Ngày nay, số 116, ra ngày 26-6-1938, tr.6.
TIN VĂN… VẮN
LÊ TA
Ông Nguyễn Vỹ là một người nhàn rỗi.
Nhĩ mãi chả có việc gì làm cả, ông bèn đi công kích một cái gì đó. Cho đỡ buồn.
Ông nghĩ ra rồi: Công kích phụ nữ đi xe đạp.
Một cái hại rất lớn đấy, ông bảo thế.
Và ông tìm được một chứng cớ: Một cô đi xe đạp thái quá bị chết vì ho lao…
Quan trọng như người tìm được chân lý, ông đi diễn thuyết ở Huế, ông đi diễn thuyết ở Sài Gòn. Rồi ông ngạc nhiên:
- Đi xe đạp ho lao mà họ không sợ nhỉ…
Không những không sợ, họ lại chế ông nữa.
Thôi, thế này này. Ông nên nghĩ đến cái hại của một cái gì khác để công kích đi…
Ngày nay, số 116, ra ngày 26-6-1938, tr.6
(Nguồn: Nguyễn Hữu Sơn- Viện Văn học)