TÔI CỨ ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG CHƯA NHÌN THẤY
Tranh của danh họa Bùi Xuân Phái
Thừa thắng xông lên, trong đà hưng phấn, tôi viết liên tục gần ba chục bài. Toàn thơ ba chữ, bốn chữ, năm chữ. Tôi đóng một quyển vở bằng giấy rơm bình dân, chép những bài thơ mình làm vào đó. Quyển vở này tôi cất giữ, mãi đến khoảng năm 1994 thì bị mối mọt ăn hết. Lên cấp hai, tôi viết nhiều nhất là năm lớp 7. Nghỉ hè, đi làm thủy lợi đào mương hợp tác xã, tôi làm thơ phản ánh, ngợi ca không khí lao động xã hội chủ nghĩa. Ông chủ nhiệm, chỉ huy công trường thường xuyên đọc thơ của tôi trên chiếc loa cầm tay cho bà con xã viên nghe.
Nhà tôi không có ai làm văn chương. Bố mất năm tôi mới tám tuổi. Mẹ quanh năm mò cua bắt ốc nuôi con. Làng cũng không có ai là nhà văn, nhà thơ hay nhà báo. Trời phú, tôi học rất giỏi. Lớp 1, lớp 2, lớp 3 liên tục được bầu chọn là học sinh Bắc Lý. Phần thưởng cuối năm ngoài giấy khen, bông hồng cài ngực là mấy cuốn sách, trong đó có truyện Bà Túng, Sự tích con khỉ đỏ đít của Tú Mỡ. Tôi đọc một lần là thuộc. Tác giả thơ đầu tiên tôi đọc chính là Tú Mỡ. Sau đó là Gửi vợ miền Nam của Nguyễn Bính, rồi Chinh phụ ngâm qua bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm, rồi thơ Giang Nam, Thanh Hải... Một hôm đến nhà một anh lớp trên, tôi thấy bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng của Tố Hữu, liền mượn về chép. Đem theo bên mình, vừa kéo te ở bờ hồ, vừa đọc. Mẹ cho đồng nào mua quần áo, tôi lại đi bộ xuống hiệu sách Nhân dân ở Kiểu, cách nhà gần bốn cây số để mua sách. Tôi đọc nhiều lần Tam quốc diễn nghĩa, Tây du kí, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc, các truyện kiếm hiệp của Trung Quốc, truyện tình báo của Liên Xô. Năm học lớp 10, ban giám hiệu nhà trường dành cho tôi hẳn một tiếng đồng hồ để đọc thơ mình trước các thầy cô giáo và học sinh dự đại hội những gương điển hình tiên tiến của nhà trường.
Về sau tôi dần nhận thức được, thơ của mình ngày ấy toàn những thứ tầm phào. Có lẽ, ngoài những thần đồng thơ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Cẩm Thơ… có thơ tuổi thiếu niên trở thành tài sản văn chương để đời, thì hầu hết các nhà thơ đều có một giai đoạn sáng tác đầu đời với những sản phẩm toàn thứ lót ổ như thế. Nghĩ cho cùng, chẳng quả trứng nào nở được nếu không có ổ. Có điều là, quá trình lót ổ của thơ tôi lâu quá, dài quá. Ba năm học trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa, tôi vẫn sáng tác nhiều. Chẳng nói gì về tâm trạng mình, nỗi niềm mình, cái riêng tư lặng im sâu thẳm của mình. Bài nào cũng ồn ào rộn ràng tin tức, sự kiện, bom đạn, chiến thắng. Giai đoạn này tôi viết cả trường ca. Nhưng vẫn là một thứ thơ đáng dùng để lót ổ. Trong trí nhớ bạn bè, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe lại bài này, câu nọ. Bạn thì hết lời khen. Nhưng tôi nghe thì ngượng lắm. Nó đớ lắm. Ảnh hưởng của thơ Tố Hữu, Phạm Tiến Duật là rất rõ.
Ra trường, dạy học ở miền xuôi được hai khóa thì tôi được điều đi dạy bổ túc văn hóa tại Đội thanh niên tình nguyện 42-12 ở Quan Hóa, Thanh Hóa bốn năm (từ 1977 đến 1981). Đây là đơn vị thanh niên tình nguyện làm đường biên giới Việt - Lào. Con đường mang tên Hồi Xuân - Tén Tằn, dài 112 kilômét. Bốn năm ở Đội thanh niên tình nguyện (sau đổi thành Đội thanh niên xung phong tình nguyện). Năm 1979, sau sự kiện biên giới phía Bắc, Đội thanh niên xung phong tình nguyện được biên chế thành Tiểu đoàn tự vệ. Lần đầu tiên tôi được bồng súng đứng gác ở biên giới trong đêm khuya. Đây là thời đoạn tôi đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Suốt chiều dài 112 kilômét từ Hồi Xuân lên Tén Tằn, Mường Lát, từ đường 217 ở ngã ba Đồng Tâm lên Na Mèo, từ Nam Động sang Lốc Toong…, chỗ nào tôi cũng có mặt. Cuộc sống của 3.900 lính thanh niên xung phong tình nguyện ở rừng già Nam Xuân, Nam Tiến, Hiền Trung, Hiền Kiệt, Pù Nhi, Mường Lát, Chòm Đe, Chòm Bất, Cổng Trời Một, Cổng Trời Hai… hết sức gian khổ, khắc nghiệt. Đói. Rét. Sốt rét. Bọ chó. Ghẻ. Lở. Sụt đất… Rất may, tuy đứng chân ở biên giới nhưng đơn vị có một tủ sách rất nhiều sách quý. Tôi đọc tất cả mọi loại sách từ văn chương đến khoa học, toán học, địa chất, khảo cổ. Giai đoạn này, tôi có một số bài thơ được tập san Người bạn văn hóa của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa in. Giờ nghĩ lại thấy ấu trĩ. Năm 1980, qua đài Tiếng nói Việt Nam, biết được Phạm Tuân lên vũ trụ cùng Viktor Vassilyevich Gorbatko, trước khi bay, đã trồng cây tre Việt Nam ở sân bay vũ trụ Baykonur, tôi làm bài thơ Cây tre Việt Nam trên đường vào vũ trụ. Tôi gửi về Người bạn văn hóa. Khi về xuôi, nhà thơ Văn Đắc bảo: “Bài thơ Cây tre Việt Nam trên đường vào vũ trụ của mày, tao chữa một vài chỗ, gửi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội, họ in rồi đấy”. Đấy là năm 1980. Những năm tháng mở đường này đã bổ sung vào balô hành trang văn chương của tôi nhiều vốn liếng giá trị.
Thời gian sáng tác của tôi chẳng giống ai. Nhiều người bảo, hai ba giờ sáng họ thức dậy viết. Đêm họ viết. Ban ngày họ ngủ. Mươi năm trở lại đây, tôi sáng tác như người làm hành chính. Sáng dậy, mọi thủ tục buổi sáng xong, tôi ngồi vào bàn, bật máy, đọc, làm việc. Chiều, mười bốn giờ, bật máy, đọc, làm việc. Đọc nghĩa là bắt đầu sáng tác. Không đọc là không viết được. Đọc để tìm gặp những điểm chạm, những gợi mở. Tôi không viết bằng bút trên giấy. Tôi viết trực tiếp trên máy tính. Quy trình viết của tôi là: viết-thêm-chêm-chèn-lèn-lọc. Rung lắc cao tần đến khi không còn chữ nào xộc xệch, bay văng ra nữa thì coi như được. Nhiều người bảo đi tìm cảm hứng sáng tác. Tôi chủ động gọi cảm hứng đến. Mấy bạn viết trẻ hỏi tôi “Người sáng tác chuyên nghiệp và người sáng tác nghiệp dư khác nhau chỗ nào?”, tôi bảo “Người sáng tác nghiệp dư là người chờ cảm xúc đến. Người sáng tác chuyên nghiệp là người gọi cảm xúc đến”. Trong một ngày, tôi có thể viết nhiều thể loại như kí, thơ, phê bình văn học. Tôi chẳng làm gì ngoài đọc và viết. Có người khuyên không nên viết nhiều, văn chương chữ nghĩa quý hồ tinh bất quý hồ đa, và nên tập trung đầu tư vào một món thôi, đừng bừa xằng cả ruộng như thế. Tôi nghĩ khác. Victor Hugo sáng tác hàng nghìn bài thơ, hàng ngàn bức tranh, đâu phải mình tiểu thuyết. Rabindranath Tagore cũng có hàng nghìn bài thơ, hàng nghìn bản nhạc, hàng chục cuốn tiểu luận, bao nhiêu tiểu thuyết…
Tôi coi viết là một cuộc khám phá mình. Càng viết, tôi càng thấy có một nguồn năng lượng sâu thẳm nào đó trong tôi tuôn chảy. Tôi có chủ ý rất rõ ràng, mình cố li tâm mình, li tâm người khác. Cố đi một con đường riêng. Cảm thấy vừa tay với cái gì thì viết cái đó. Thơ lục bát. Thơ tự do. Thơ tứ tuyệt. Kí. Phê bình…
Tôi thường xuyên quan tâm và tham dự các cuộc thi thơ, kí. Mỗi cuộc thi là một cơ hội tốt để mình khám phá mình, trình hiện mình. Lao động sáng tạo trong một áp lực lớn có cái hay, cái lợi riêng của nó. Sự thúc đẩy, ép mình, vắt mình, huy động mình, dồn nén mình... chính là cách kiểm nghiệm năng lực mình, sức bền, sức bật của mình tốt nhất.
Mấy người tham gia các lớp bồi dưỡng viết văn ở Trung ương về cứ hết lời ca ngợi. Một ngày nghe giảng bằng mình đọc sách cả năm. Tôi chưa qua một lớp đào tạo, bồi dưỡng viết văn nào cả. Quả là một thiệt thòi. Tuy nhiên, tôi thấy mình đang đi đúng hướng. Tôi cứ mải miết đi trên con đường chưa nhìn thấy.
N.M.K
Nguồn: Văn nghệ Quân đội