ĐỘI NGŨ NHÀ VĂN TRẺ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM
1. Phát hiện và khơi dòng
Hiện nay, văn học dân tộc thiểu số hiện đại từng bước có những vận động mạnh mẽ và đa diện. Thế hệ đặt nền móng và thế hệ sung sức của thế kỷ trước đã hoàn thành sứ mệnh một cách xuất sắc, những tác giả của thời kỳ đương đại, đặc biệt là lứa những tác giả trẻ 7X, 8X đang trên đà khẳng định mình và một lứa các cây viết thế hệ 9X đang tiếp nối bước chân của bậc cha anh trên con đường sáng tạo đầy nhọc nhằn.
Muốn có được những mùa bội thu thì lẽ dĩ nhiên phải gieo trồng, ươm mầm. Văn học dân tộc thiểu số ngoài việc cần được tập trung hơn nghiên cứu và giới thiệu nhiều hơn nữa đến với độc giả, thì công tác bồi dưỡng và phát hiện những tác giả trẻ cần được chú ý và đẩy mạnh trên nhiều phương diện, bằng nhiều phương thức. Giai đoạn hiện tại, các trại sáng tác, các cuộc hội thảo tọa đàm, các ấn phẩm công bố và trao đổi sáng tác đã và đang làm tương đối tốt việc phát hiện và khơi dòng cho những sáng tác trẻ dân tộc thiểu số; đồng thời có vai trò quan trọng trong việc kết nối trao đổi kinh nghiệm sáng tác giữa các tác giả cùng thế hệ và khác thế hệ với nhau. Từ những diễn đàn đó, các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số khắp cả nước có cơ hội giao lưu, gặp gỡ và thu nhận kiến thức; ý thức rõ rệt hơn về trách nhiệm và đặc biệt là củng cố những say mê và hứng khởi cho hành trình đi và viết của mình.
Văn học dân tộc thiểu số thời kì đương đại xuất hiện sự phân hóa sâu sắc giữa các khuynh hướng, giữa các thế hệ. Bên cạnh những tác giả thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba đã thành danh với nhiều cống hiến được ghi nhận, những người tác giả trẻ đã và đang là niềm hy vọng mới cho văn học dân tộc thiểu số. Họ có thể sẽ đại diện cho cả một thế hệ những người viết trẻ có khả năng làm thay đổi diện mạo của văn học dân tộc thiểu số. Họ không hề tỏ ra thua kém trước sự phát triển rầm rộ của văn học đương đại và những xu hướng mới du nhập với trình độ ngoại ngữ, sự đào tạo bài bản và quan trọng hơn nữa là ý thức dấn thân và không ngại đổi mới. Có những tác giả bước vào độ chín của sáng tác, phong cách định hình khá rõ rệt, nhiều tác giả có những triển vọng đi xa và quyết liệt như Bùi Thị Tuyết Mai (Mường), Đinh Thị Mai Lan, Bế Phương Mai, Nông Thị Tô Hường, Hoàng Chiến Thắng (Tày), Hoàng Thanh Hương (Mường), Niê Thanh Mai (Êđê)... và những tác giả trẻ sau này như Phạm Văn Vũ, Ngô Bá Hòa (Tày), Tuệ Nguyên (Chăm)... Điểm chung của những sáng tác trẻ của dân tộc thiểu số là sự ý thức thường trực về một bản sắc cần lưu truyền cộng hưởng với khả năng đổi mới hòa nhập vào dòng chảy văn học đương đại nhưng không phải là không định hướng một sự khẳng định chính mình.
Những năm đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự xuất hiện rầm rộ của văn học các dân tộc thiểu số, cả khu vực Đông Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Các tuyển tập ghi dấu ấn bởi sự công phu, chọn lọc (Những chiếc lá Chu đồng - Thơ Mường đương đại, Cây hai ngàn lá, Văn học Chăm hiện đại, Tuyển tập thơ, truyện ngắn Bắc Kạn (2000-2010), Một thế kỷ văn thơ Lào Cai, Thơ dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XXI)... Nhiều nhất, phong phú hơn cả phải kể đến sự ra đời các tác phẩm của cá nhân thuộc thế hệ trẻ, với hai hình thức xuất hiện: thứ nhất là xuất bản và phát hành theo cách truyền thống: in tại các nhà xuất bản, đăng trên báo, tạp chí và hình thức được nhiều tác giả trẻ sử dụng khá phổ biến là đăng tải trên báo và tạp chí mạng, facebook và website cá nhân.
Đội ngũ tác giả trẻ người dân tộc thiểu số còn có sự chưa cân đối trên các vùng miền, số lượng tác phẩm xuất bản nhiều vẫn thuộc về những dân tộc vốn có truyền thống và bề dày thành tựu văn học. Ngoài dân tộc Tày, tín hiệu đáng mừng là đội ngũ những tác giả kế cận của các dân tộc như Dao, Mường, Thái, H’mông, Nùng, Ê đê, Chăm... cũng bắt đầu khẳng định được bản lĩnh sáng tạo của mình để tiếp bước thế hệ trước; và thậm chí có những dân tộc lần đầu xuất hiện một cách tự tin như Cao Lan… Theo nhà văn Linh Nga Niêkđam, những thế hệ kế cận các “liền chị 8X” rất đáng kỳ vọng: đầu tiên là hai gương mặt Êđê (duy nhất của khu vực miền Trung và Tây Nguyên) tốt nghiệp lớp Đại học viết văn từ sự phối hợp của Hội Nhà văn Việt Nam và Trường ĐH VHNT Quân đội là H’Phi La Niê (văn xuôi) và H’Wê Ra Êban (thơ). Tiếp đến là những truyện ngắn hồn nhiên mà bước đầu đã có tính cách riêng của Hồng Nhật Ya Lan (M’nông)… rồi những Đinh Su Giang, Y Việt Sa (Xê Đăng – Hội viên Hội VHNT Kon Tum), H’Xíu H’Mok, H’Siêu Êban (Êđê – Hội viên Hội VHNT Dak Lak)… và sẽ còn nữa, từ những ươm gieo trên bàn tay nâng niu chăm bẵm của các lớp văn nghệ sĩ đi trước(1).
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai trong bài viết Mấy vấn đề bồi dưỡng tác giả văn học nghệ thuật trẻ người dân tộc thiểu số có dẫn ra số liệu về tình hình các tác giả dân tộc thiểu số: với 945 hội viên thì có 45 tác giả trẻ dưới 35 tuổi (Nguồn: Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2007-2014 và phương hướng nhiệm vụ phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2014-2019) trong đó bao gồm cả những tác giả người dân tộc đa số có sáng tác về miền núi. Ở các trại sáng tác hay những lớp bồi dưỡng của các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều những gương mặt trẻ đáng chú ý. Tuy tuổi đời mới ngoài hai mươi, trong số đó nhiều em chưa phải hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, tuy thế đã có những dấu hiệu cho thấy một sức viết mới lạ như: Triệu Hoàng Hiếu, Vy Thị Ngọc Hằng, Trịnh Thị Thứ, Lâu Văn Mua, Lý Thị Thảo…
Lứa những tác giả thế hệ 7X, 8X vẫn có sự chênh lệch vùng miền, dân tộc nhưng giai đoạn hiện tại dù chưa lấp hết những khoảng trống đó thì sự xuất hiện của những tác giả dân tộc “hiếm” tác giả văn học như Cao Lan, Xê đăng, M’nông… đem đến những tín hiệu lạc quan, như một minh chứng cho sự trỗi dậy của một lứa các cây viết khi được chú trọng đào tạo bài bản và quan tâm bồi dưỡng. Thời đại kết nối toàn cầu, những tác giả trẻ luôn trong tâm thế sẵn sàng nhập cuộc và sẵn sàng tìm đến chia sẻ cùng nhau, qua nhiều kênh thông tin. Chính tâm thế thoải mái, tự do công bố tác phẩm và sòng phẳng, công khai trong việc nhận phản hồi giúp các tác giả trẻ nhanh trưởng thành hơn, kịp thời tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý giá. Và việc kết nối không chỉ dừng ở các cá nhân với nhau, trong một ấn phẩm thuộc từng địa phương mà còn ở sự mở rộng theo khu vực (Chi hội nhà văn Sông Chảy…).
2.Từ sự đông đảo kỳ vọng về đa diện
Văn học dân tộc thiểu số thế kỷ XX với ba thế hệ nhà thơ đã có những đóng góp làm thay đổi không chỉ diện mạo văn học dân tộc thiểu số mà còn giúp định hình lại cách quan niệm về văn học dân tộc thiểu số. Sang thế kỷ XXI, đặc biệt là trong khoảng mươi năm trở lại đây chứng kiến sự trưởng thành cũng như sự bứt phá của nhiều cây bút dân tộc thiểu số trẻ. Số tác giả hiện nay khá đông đảo, trải dài từ các tác giả thuộc thế hệ thứ hai, ba đến các tác giả thuộc thế hệ 8X, 9X song song tồn tại và đều có những đóng góp không thể phủ nhận.
Thế hệ những tác giả thuộc 8X “đời đầu” đã thành danh và phủ sóng rộng rãi như Vi Thùy Linh, Hoàng Chiến Thắng (dân tộc Tày), Niê Thanh Mai (dân tộc Êđê)... thì lứa những tác giả trẻ, “muộn” hơn đôi chút nhưng cũng đã bắt đầu có những dấu ấn đặc biệt cho riêng mình: Lục Mạnh Cường, Phạm Văn Vũ, Nông Quang Khiêm, Lý Hữu Lương, Phạm Tú Anh, Ngô Bá Hòa, Lý A Kiều, Hà Thị Thu, Trần Mỹ Thương, Phùng Hương Ly…
Ngoài những gương mặt khá nổi bật kể trên, còn rất nhiều những tác giả đã và đang tìm cho mình một lộ trình để khẳng định cá tính riêng trong sáng tác. Đội ngũ đông đảo và sôi động hiện tại cho phép chúng ta kỳ vọng vào một lứa các tác giả cẩn trọng, vững vàng hơn trong tương lai, từ những Lương May Huyền, Dương Công Lương, Phạm Thanh Thắng, Triệu Hoàng Giang, Nguyễn Văn Toan, Triệu Hoàng Hiếu, Lâu Văn Mua…
Tuy nhiên, giữa một dàn đồng ca, tìm điểm sáng, nhất là trong sáng tạo văn chương không phải chuyện đơn giản và có thể vội vàng. Trong những khuôn mặt triển vọng của văn học dân tộc thiểu số, có một vài tác giả không nổi bật theo kiểu thu hút được truyền thông hay những sáng tác gây sự chú ý choáng ngợp, tò mò với độc giả đại chúng, mà chinh phục bạn đọc bằng sự điềm tĩnh, sắc sảo và không ngừng đặt cho mình những giới hạn cần vượt qua.
Mỗi tác giả trẻ luôn phải tự đặt mình trong những “ngưỡng” để bứt phá, định hình phong cách. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, phong cách nghệ thuật là một phạm trù thẩm mĩ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc. M.B. Khrapchenko cho rằng phong cách “cần phải được định nghĩa như phương thức biểu hiện cách chiếm lĩnh hình tượng đối với cuộc sống như phương thức thuyết phục và thu hút độc giả”(2). Xem xét những đặc điểm trong cá tính sáng tạo của nhà văn, cách nhìn, cách biểu hiện của nhà văn đối với thế giới trong hành trình sáng tạo của những tác giả đạt được nhiều thành tựu như Nông Quốc Chấn, Vi Hồng, Y Phương, Triệu Kim Văn, Kim Nhất, Cao Duy Sơn, Lò Cao Nhum…, ta thấy được cái nguyên tắc xuyên suốt, nhất quán trong xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho tác phẩm một tính chỉnh thể, một giọng điệu và sắc thái thống nhất. Trong tiến trình văn học hiện đại dân tộc thiểu số, có nhiều tác giả đã và đang tạo được những bản sắc riêng cho sáng tác của mình, cũng như ghi dấu ấn sâu đậm, có sự ảnh hưởng lớn đối với thế hệ sau, bởi lẽ “các tác giả văn học lớn là những nhà tư tưởng, là người báo hiệu, mở đường cho một thời đại”(3)
Có thể kể ra không ít những sự thú vị trong cách viết của lớp các tác giả trẻ dân tộc thiểu số hiện tại. Ngô Bá Hòa sau thành công với thể loại thơ thiếu nhi đã ngày càng thể hiện một bút lực vững vàng, chững chạc. Gần đây là Cánh đồng cỏ úa với những nét vẽ sắc sảo hơn, những xúc cảm giản dị mà nhiều gợi mở. Hòa cũng dần từ bỏ lối viết thẳng hàng ngay ngắn như khi viết cho thiếu nhi để tìm cho mình những cách biểu đạt tự do phóng túng và nhiều ngẫm ngợi hơn:
Chạy đua với thời gian níu chút sức tàn nâng niu kỉ vật…
đồng đội cha chưa bao giờ mất, thân thể nương náu chốn hư vô, linh hồn về nơi cha đoàn tụ.
Không bia, không mộ, kỷ vật hóa nghĩa trang xây đắp bằng thương nhớ
Rộng như tâm hồn người lính, dài hơn mọi cuộc chiến chinh.
Nông Quang Khiêm cũng là một tác giả trẻ thành công ban đầu với thơ thiếu nhi, chính từ óc quan sát nhạy bén và cái nhìn tinh tế ấy, những truyện ngắn của Khiêm cũng chiếm lĩnh được tình cảm của bạn đọc bởi sự thông minh, hóm hỉnh (Rừng Pha Mơ yêu dấu). Không bó buộc mình vào một thể loại duy nhất là cách mà nhiều tác giả trẻ lựa chọn như Lục Mạnh Cường, Lý Hữu Lương, Phùng Hải Yến… Gió từ phía mặt trời của Lục Mạnh Cường đầy tính nhân văn dù môtip quen thuộc, Nàng Hương nửa hư nửa thực vấn vít tâm trí người đọc hệt như cách anh lồng ghép những lời then Khảm hải vào trong mạch chính của câu chuyện về thân phận nàng Va. Cái kết của truyện buồn và ám ảnh. Trong khi đó, cũng khai thác phong tục của người dân tộc thiểu số, Kiều Duy Khánh – một tác giả người Kinh cũng mang đến cái nhìn thú vị và lựa chọn được những tình tiết đắt khi nói về phong tục dân tộc trong Chiếc vòng bạc vía. Truyện ngắn Triệu Hoàng Giang cần thêm sự nhấn nhá cho câu chuyện lôi cuốn hơn. Ưu điểm của cây bút này là nhiều chi tiết và nét đẹp trong cuộc sống vùng cao nhưng cần một mạch chính xâu chuỗi để tác phẩm có nét riêng hơn. Giang cũng bắt đầu có sự duyên dáng khi kể với Hoa lửa, Chim đón dâu… Trong các tác giả trẻ gắn bó với văn xuôi, Lý A Kiều bước đầu tạo được sự chú ý khi lựa chọn một lối viết dung dị, dễ đồng cảm. Tình cảm vợ chồng quý giá hơn cả sinh mạng trong Chuyện dưới núi Ka Lum, những ký ức gắn bó theo suốt cuộc đời qua tấm Khăn trải bàn… có thể neo lại những thiện cảm nơi bạn đọc.
Ở thể loại ký và tản văn, thu hút sự thử sức của hầu hết các tác giả viết văn xuôi, tuy nhiên thành công đến với ít người. Chúng ta đã được thưởng thức những trang viết nhiều trăn trở của Linh Nga Niêkđam với Đi tìm hồn chiêng, Nxb. Văn nghệ Quân đội 2003; Trăng Xí Thoại, Nxb.VHDT 2004, Nhân danh ai, Nxb. Quân đội, 2008; mang đến một cái nhìn phong phú, đa chiều về bản sắc văn hóa Tây Nguyên và cả những đổi thay khi con người nơi đây đối mặt với di cư, hòa trộn văn hóa. Hay như Mã A Lềnh - một tác giả xuất sắc của văn học dân tộc thiểu số không chỉ bởi những vấn đề phong phú, cập nhật được đề cập mà còn bởi phong cách viết bút ký tự nhiên, hấp dẫn, từ những câu chuyện thường ngày như Chúng tôi làm nghề rừng ở Phúc An, Ríu rít một mái trường, Nông dân phải ở ruộng nương, Ghi ở Ngài Thầu… đến những vùng đất với nhiều bí ẩn, độc đáo trong Huyền thoại Nà Rin, Chuyện bí ẩn về đá… đều một chất giọng gần gụi, dễ hiểu, lượng thông tin chính xác và súc tích. Đến nay, thế hệ trẻ tiếp bước cũng với một vài gương mặt tạo được dấu ấn riêng, tuy nhiên hành trình đi một chặng đường dài còn chờ đợi nhiều bứt phá.
Tản văn của Phùng Hải Yến mang lại dư âm trong người đọc bởi những đề tài được cẩn thận chọn lựa. Tuổi thơ là một nhân chứng, là một cái cớ đẹp đẽ để yêu quê hương. Với Phùng Hải Yến, nhớ về tuổi thơ là những kỉ niệm gắn bó, khi thì là miếng bánh bò mẹ mua mỗi lần xuống chợ (Vị bánh bò tuổi thơ), khi thì là hình ảnh con dốc quê trên đường đi học: “Trong những giấc mơ ngày xa quê của tôi, cứ chập chờn khung cảnh sau con dốc, tôi mường tượng mình cũng vượt dốc, để lại thấy cảnh thanh bình trên miền quê rất đỗi thân thương của mình” (Con dốc quê); khi thì lại là hương vị dân dã của quán phở bà Mây mỗi lần đến phiên chợ (Phở chợ phiên)… Khi những giao thoa văn hóa, tiếp xúc cũ – mới khiến những biến động tâm hồn con người nảy sinh nhiều suy luận, ngẫm ngợi và lựa chọn. Thể ký, tản văn sẽ phù hợp để biểu hiện những ý tưởng, những cảm xúc thăng hoa trong tư tưởng riêng của từng tác giả. Con người một mặt vươn tới sự hòa nhập, một mặt níu giữ và khẳng định giá trị cá nhân, bởi thế ý thức về sự tồn tại của mỗi người (nói rộng ra là mỗi nền văn hóa) càng được đề cao và luôn được nhận thức lại.
Không riêng gì người dân tộc thiểu số, cuộc sống tinh thần con người nói chung đang đứng trước những thách thức về sự pha trộn bản sắc, sự mai một đi vốn văn hóa truyền thống. Với các tác giả trẻ, khi dùng trang viết của mình để tái hiện, ngợi ca, cũng là cách níu kéo vốn văn hóa ấy. Giddens mô tả bản sắc như một công cuộc bởi ông cho rằng bản sắc là một cái gì đó mà chúng ta tạo ra, luôn luôn chuyển động, một sự chuyển động về phía trước chứ không phải việc đến đích. Nói như cách của Lò Ngân Sủn: “Dân tộc nào cũng có văn hóa, văn nghệ dân tộc mình - dù dân tộc đó lớn hay nhỏ, dân số nhiều hay ít”(4). Cách ông viết thể hiện rất rõ lối tư duy vùng cao:
Chúng tôi
Những người con của núi
Sống ào ào như thác đổ
Sống dữ dội như nước cuốn.
Sau đó vài thập kỷ, tác giả trẻ Sương Thu cũng ý nhị nhắn gửi:
Là con gái của núi
Phải biết nơi mình sinh ra
Bếp nào cũng lửa
Nhưng không phải khói đâu cũng là nhà.
(Con gái của núi)
Có thể thấy, không chỉ riêng với dân tộc thiểu số, khát vọng có được những độc đáo, đặc trưng riêng của từng tác giả trong một nền văn học giàu có luôn chính đáng, bởi sự rập khuôn sẽ dẫn đến xòa nhòa mọi nét độc đáo làm nên gương mặt riêng từng tác giả.
3. Nhập cuộc và hành trang để đi xa
Cũng như khi đánh giá về một tác giả trẻ tuy không phải người dân tộc thiểu số nhưng có những sáng tác hay về miền núi - Hoàng Anh Tuấn, người viết có nhấn mạnh, với người sáng tác, khi có tuổi trẻ, người ta dễ cho mình nhiều lựa chọn, nhiều đặc quyền - quyền được thử sức, được tung tẩy và được cả những vấp váp. Các tác giả trẻ người dân tộc thiểu số nhiều lúc tự cho mình quyền được bứt phá, được thử nghiệm, nhưng cái căn cốt nhất để đứng được và đi xa là sự tự trang bị và học hỏi để cho ra đời những tác phẩm từ cá tính sáng tạo của chính bản thân mình. Không màu mè, hoa mĩ là phong cách thường thấy ở lớp tác giả trước, tác giả trẻ người dân tộc thiểu số hiện nay tìm đến sự đa dạng về cách viết.
Chất liệu vẫn thế, ngôn ngữ - vỏ âm thanh cũng không có gì quá lạ lẫm, nhưng ai đi được bằng đôi chân của chính mình thì người đó tiến xa hơn. Thế hệ trước, từ những người mở đường như cố nhà thơ Nông Quốc Chấn đã viết những câu thơ hiện đại hóa, mới mẻ mà thời kỳ của ông khó ai sánh kịp. Sau này, lớp những tác giả tiếp nối và làm rực rỡ, tân kỳ, sôi động hơn cho nền văn học dân tộc thiểu số hiện đại đã tồn tại gần một thế kỷ như Y Phương, Cao Duy Sơn, Hà Thị Cẩm Anh, Inrasara, Lò Cao Nhum… đều gặp nhau ở lối viết dân tộc và hiện đại. Vẫn những tính tẩu, điệu páo dung, tiếng khèn, lời khan – khắp- cọi; vẫn cuộc sống chân tình của người miền núi; vẫn sự đa sắc của phong tục tập quán; vẫn tình yêu bền bỉ mộc mạc của trai gái vùng cao… mà thơ, truyện, ký đến cư trú, khai thác mãi không cạn nguồn.
Cái được và cũng là cái khó của lớp những người viết trẻ là ở đó. Thành tựu bề thế để học hỏi nhưng phải làm sao để không dẫm vào “vết chân những người khổng lồ”. Điều này nhiều tác giả đã và đang thực hiện được khi sáng tạo ra một lối tiếp cận và biểu hiện của riêng mình. Ví như cùng chọn lựa một biểu tượng không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng của dân tộc Tày là cây đàn tính, ba thế hệ với ba cách nói khác nhau: Nông Quốc Chấn “diễn thơ” sự tích đàn tính:
Chiếc đàn tính vốn có mười ba dây
Vì tiếng nó vang to vang xa
Nên vua ra lệnh cắt đi gần hết...
Nhưng chẳng vua nào cắt nổi âm thanh dân tộc
Đàn ba dây vẫn thánh thót giữa cuộc đời
(Đàn ba dây)
Với Y Phương, đàn tính là tiếng lòng từ ngàn năm vang vọng lại, là lời đau thương, lời ly biệt: Cây đàn này đâu phải cây đàn/ Bầu nước mắt trăm năm cười khóc/ Cây đàn này đâu phải cây đàn/ Bọc sinh nở, lời chào ly biệt… Còn Hoàng Chiến Thắng lại khai thác sự xuất hiện song hành của tiếng đàn tính và câu hát then - nguồn khải lực để Then thoát hồn, thông quan với các loại thần linh:
Người ta săn bằng cung tên
Người ta săn bằng lưỡi mác
Thít nín đợi bầy thú hoang
Ta săn ánh trăng
Bằng lời then thủ thỉ
Buông câu sli ta dắt lối trăng về...
Những người sáng tạo văn học nghệ thuật chính là những nghệ sĩ tài hoa lưu giữ một cách sinh động, thấm thía đời sống văn hóa tinh thần một cộng đồng. Đòi hỏi này với người viết trẻ dường như khó và cũng lại cần thiết. Nếu như lớp cha anh trước thường có xu hướng sáng tác sau khi “ra đi” bôn ba phiêu dạt tới nhiều miền đất thì lại khát khao “trở về” với cội nguồn, bản làng mình; mà nói như nhà văn Cao Duy Sơn, chính bởi xa quê hương, cái nhìn hồi cố trở lại mới thêm phần “nét”. Các tác giả trẻ hiện nay có điều kiện va chạm và tiếp xúc với nhiều vùng đất, thậm chí xa xôi vượt ra ngoài lãnh thổ đất nước, nhưng “được sống” thực sự với vốn văn hóa bản địa, chuyển tải nó mới đem lại căn cước riêng cho những sáng tác, dù không phải lúc nào cũng khoác lên những mĩ từ “đậm đà bản sắc dân tộc”, “gìn giữ văn hóa”…
Điểm khác biệt của văn học dân tộc thiểu số với văn học miền xuôi đầu tiên phải kể đến là ngôn ngữ. Theo Octavio Paz thì “Nghệ thuật luôn luôn được nuôi dưỡng từ ngôn ngữ xã hội”(5), tuy nhiên không phải cứ lặp lại những gì đã và đang có trong đời sống dân tộc mình thì được cho là ngôn ngữ thơ có tính dân tộc. Các tác giả trẻ phải sống và tư duy theo cách nghĩ, cách nói của dân tộc mình mới mong tạo ra những trang viết không lai tạp, vay mượn vụng về. Hiện nay, sự va chạm và chọn lựa văn hóa diễn ra rộng khắp. Đặc biệt là các tác giả trẻ với vô vàn những cơ hội học hỏi và chọn lọc. Bốn bước đầy đủ nhất của quá trình sản sinh và thâm nhập cái mới trong văn hóa là chọn lọc, tái tạo, thích nghi và liên kết hóa (Ngô Đức Thịnh). Bên cạnh những lựa chọn đổi mới, bứt phá, nhiều tác giả trẻ tìm cho mình sự neo đậu với vốn văn hóa dân tộc, trở về với cội nguồn để tìm điểm tựa, như cách nói hình tượng của Kiều Duy Khánh “vịn dáng mẹ, con thẳng lưng mà bước”.
Sinh sống và sáng tạo trong một không gian mới, những va chạm và buộc phải lựa chọn văn hóa là điều không thể tránh khỏi. GS Cao Xuân Huy đưa ra một biểu tượng cho văn hóa Việt Nam, đấy là nước hay tính chất Nhu đạo, còn GS Trần Quốc Vượng gọi đó là khả năng ứng biến của người Việt Nam, lối sống và văn hóa Việt Nam(6). Kinh nghiệm viết ký của nhà văn Mã A Lềnh đem lại những gợi mở cho thế hệ trẻ. Khi viết, ông luôn cảm thấy mắc nợ với đời và “phải viết lên những gì tai nghe mắt thấy, nghĩa là cuộc sống đang vận động vô cùng phong phú để vươn lên ấm no, hạnh phúc, tuy nhiên phải có sự chắt lọc đã được kiểm nghiệm qua thời gian”(7). Không có con đường nào ngắn để đón nhận thành công ngoài sự nỗ lực để trưởng thành. Xu thế hiện nay, với những gì đã làm được, bằng nhiều cách, các tác giả trẻ người dân tộc thiểu số cần và phải trang bị thêm cho mình những hành trang để đi xa từ kinh nghiệm, từ vốn văn hóa tích lũy, từ lựa chọn của tiếp xúc cũ – mới, sau khi đã nhập cuộc và dấn thân.
Chú thích
1. Theo Linh Nga Niêkđam, Văn hóa nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên: Những băn khoăn, trăn trở, baodaklak.vn.
2. M.B. Khrapchenko, (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb. Tác phẩm mới; tr. 279
3. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình (1997), Lý luận văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 716
4. Lò Ngân Sủn, Hiểu và viết về người dân tộc thiểu số, trong cuốn “Nhà văn dân tộc thiểu số – đời và văn”, Nxb, Văn hóa dân tộc, H.2003; tr.523
5. Paz Octavio (1998), Thơ văn và tiểu luận, Nxb. Đà Nẵng; tr. 229
6. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn học, 2003; tr.41, 94
7. Mã A Lềnh, Nhọc ngoài với ký, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai, 2000; tr.6
Nguồn: Viện Văn học