NGHỆ THUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM [*]
Tranh minh họa: nguồn Internet
Nhưng ngày nay, khi kho bản thảo mà ông đã viết từ thời trẻ cho tới những năm cuối đời được in ra tất tật, ta mới rõ M. Bakhtin trước hết là một nhà triết học, hay nhà “tư tưởng” như ở nước Nga người ta vẫn nói. Trong xã hội toàn trị, nơi mọi sản phẩm trí tuệ, đặc biệt là triết học, bị kiểm soát hà khắc, Bakhtin buộc phải tìm đến chất liệu của ngữ văn học và ngôn ngữ Ésope. Tuy đã“dấu kín cả vị ngữ lẫn chủ ngữ trong từng câu viết” (T. Todorov), cái cây triết học “nhân luận” (“personnalisme”) của Bakhtin vẫn sừng sững hiện lên như một đại thụ với ba tầng vững chãi: tầng thứ nhất là gốc rễ, lấy “cá nhân” làm nền móng bản thể luận, tầng thứ hai là thân cây, thuộc cấp độ sinh thành mọc lên từ gốc rễ ấy, lấy “đối thoại” làm nguyên tắc tư duy và tầng thứ ba là cảnh lá, lấy “trách nhiệm” làm “chuẩn mực” cho nguyên tắc tư duy và chủ thể tư duy nhằm tạo nên sự “đồng thuận”. Ta hiểu vì sao M. Bakhtin thường bàn về phạm trù “trách nhiệm”. Tôi dịch tiểu luận này giúp bạn đọc làm quen với một trong những phát ngôn đầu tiên, được công bố trên báo chí sớm nhất của M. Bakhtin về chủ đề trên. Lã Nguyên
Chỉnh thể được gọi là cơ giới nếu các bộ phận của nó chỉ kết nối với nhau trong không gian và thời gian bằng mối liên hệ bên ngoài, chứ không phải bằng sự thống nhất ý nghĩa nội tại. Các bộ phận của chỉnh thể như thế dẫu kề sát bên nhau, cọ xát lẫn nhau, nhưng vẫn xa lạ với nhau.
Ba lĩnh vực văn hóa của nhân loại – khoa học, nghệ thuật và đời sống – có được sự thống nhất chỉ trong cá nhân có khả năng làm cho chúng trở nên thống nhất. Nhưng mối liên hệ này vẫn có thể là quan hệ bề ngoài, mang tính cơ giới. Đáng tiếc là vẫn thường xẩy ra như thế. Nghệ sĩ và con người kết nối với nhau trong một cá nhân thường theo kiểu ngây thơ, cơ giới; con người nhập vào sáng tác trong khoảnh khắc từ “xúc động thường tình” giống như nhập vào thế giới “cảm hứng, âm thanh khấn nguyện ngọt ngào” nào khác. Kết quả sẽ là gì? Nghệ thuật sẽ sôi nổi thái quá, sẽ tự tin một cách xấc xược, vì nó chẳng chịu trách nhiệm gì trước đời sống mà dĩ nhiên nó cũng chẳng bao giờ chạy đuổi theo thứ nghệ thuật như vậy. “Vậy thì ta đứng ở đâu, cuộc đời nói, đó là nghệ thuật, còn ta chỉ có văn xuôi nhạt nhẽo”.
Khi con người đã ở trong nghệ thuật, thì nó sẽ không ở trong đời sống nữa, và ngược lại. Giữa chúng không có sự thống nhất, không có sự thâm nhập qua lại nội tại trong sự thống nhất của cá nhân.
Cái gì sẽ đảm bảo cho mối liên hệ nội tại giữa các yếu tố của cá nhân? Chỉ có sự thống nhất của trách nhiệm. Tôi phải lấy cả đời mình để đáp lại những gì mình đã nếm trải và thấu hiểu trong nghệ thuật, để những gì đã được nếm trải, được thấu hiểu không bị đóng băng, chết cứng. Nhưng cả tội lỗi cũng gắn với trách nhiệm. Nghệ thuật và cuộc đời không phải chỉ chịu trách nhiệm chung, mà còn phải gánh vác tội lỗi cho nhau: Nhà thơ cần nhớ rằng thơ của anh ta có tội với thực tại văn xuôi đê tiện của cuộc đời, còn mỗi người sống trong đời cũng phải biết rằng sự dễ dãi và thiếu nghiêm túc trong các vấn đề đời sống của y có tội với sự tuyệt sinh của nghệ thuật. Cá nhân phải chịu trách nhiệm triệt để: tất cả các yếu tố của nó không chỉ cần được xếp đặt thành hàng dẫy theo trình tự thời gian cuộc đời mình, mà phải xuyên thấm lẫn nhau trong khối thống nhất của tội lỗi và trách nhiệm.
Không thể nào viện vào “cảm hứng” để bào chữa cho sự vô trách nhiệm. Cảm hứng mà không đếm xỉa tới cuộc đời và bản thân nó bị cuộc đời khinh rẻ thì không phải là cảm hứng, mà là sự lên đồng. Ý nghĩa đúng đắn, đích thực của tất cả các vấn đề cũ về quan hệ tương hỗ giữa nghệ thuật và đời sống, về nghệ thuật thuần túy v.v…, cảm hứng thật sự chỉ có thể là ở chỗ: nghệ thuật và cuộc đời cùng muốn chung nhau làm giảm nhẹ nghĩa vụ của mình, cùng gánh vác trách nhiệm, làm như thế, việc sáng tạo sẽ dễ dàng hơn vì chẳng phải quan tâm nhiều tới đời sống, mà sống cũng sẽ nhẹ nhàng hơn vì không phải tính tới nghệ thuật.
Nghệ thuật và đời sống không phải là một, nhưng chúng cần phải nhất trí trong tôi, trong sự thống nhất trách nhiệm của tôi.
-------------------------
[*]Đây là bài viết xuất hiện trên báo chí sớm nhất của M.M. Bakhtin. Lần đầu tiên nó được công bố trên tờ Lịch thư ra hàng ngày “Ngày nghệ thuật” (Nevel, 1919, 13 tháng 9, tr. 3-4. Tác giả sống và làm việc ở Nevel (nay là tình Velikoluk) từ 1918 đến 1920 sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Peterburg), sau đó được in lại trên tạp chí “Những vấn đề văn học” (1977, Số 6, tr. 307 – 308).
Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn: M.M. Bakhtin – Mĩ học sáng tạo ngôn từ (In lần thứ 2). M.: “Nghệ thuật”, 1986, tr. 7-8.