Văn học với đời sống

16/4
9:40 AM 2017

NHỮNG ẨN NGỮ VỀ HẠNH PHÚC HỒI SINH

TS. Đỗ Thị Thu Huyền-Cao Duy Sơn là một trong những tác giả dân tộc thiểu số thành công với tiểu thuyết: Người lang thang, Cực lạc, Hoa mận đỏ, Đàn trời, Chòm ba nhà. Tiểu thuyết mới nhất của Cao Duy Sơn Biệt cánh chim trời (Nxb. Trẻ, 2016) không phải là câu chuyện về một loài chim di trú mà là một diễn giải ngầm về cuộc sống nhiều bất định, nhiều loạn lạc và cả những thăng trầm trong cuộc sinh tồn.

Chính từ sự bất ổn định, phiêu diêu ấy mà những nhân vật trong tiểu thuyết của Cao Duy Sơn buộc phải đi tìm, cắt nghĩa, lý giải. Hành trình đi của mỗi nhân vật là một lớp nghĩa về cuộc sống được bóc tách để hướng đến cái đẹp hồi sinh.

Biệt cánh chim trời dường như vừa tiếp tục mà lại vừa bỏ chệch những tiểu thuyết trước đó của Cao Duy Sơn. Trong Biệt cánh chim trời, tuy có đôi lúc người viết vẫn phát ngôn những lý thuyết hay mệnh đề minh họa nhưng tác phẩm đã làm xuất sắc nhiệm vụ chuyển giao tư tưởng cho người đọc bằng hình tượng và tình huống va chạm. Ở đây độc giả được tiếp xúc với sự đổi mới kỹ thuật viết của nhà văn Cao Duy Sơn so với những tiểu thuyết trước. Vẫn là cảm hứng lang thang của những kiếp người phiêu dạt (Người lang thang - tiểu thuyết đầu tay của ông với kết thúc là sự ra đi của hai mẹ con Diên) nhưng ở đây là những phận người đã được biểu tượng hóa. Ông Sinh, Ông Phúng, chị Thoàn, Đăm, Chuân, San… số phận mỗi con người dường như tương đồng với sự luân chuyển, họ phải phá bỏ/ phá được lớp vỏ bọc của chính sự tù túng, chật hẹp để tìm thấy hạnh phúc đời mình.

Câu chuyện được kể trong tiểu thuyết là sự tìm kiếm hạnh phúc của một loạt các nhân vật không có chính diện và phản diện như cách viết truyền thống. Giữ sợi dây xuyên suốt mạch truyện là San - lập nghiệp ở một nơi xa quê hương, trong những chuyến về quê đã kể lại câu chuyện về những con người đất chợ Cổ Lâu. Vợ chồng Chuân - Đăm chịu nhiều bi kịch và sau đó tìm được hạnh phúc ở một miền đất khác (Tây Nguyên). Thoàn sau khi chồng chết cũng bỏ xứ mà đi, rồi gặp Huy sau nhiều năm phiêu dạt.

Những cặp đôi nhân vật trong tiểu thuyết đều truyền tải những thông điệp không hề đơn giản. Khi lão Phúng với ý đồ xấu bất thành, Thoàn nhận tin chồng hy sinh ngoài mặt trận, muốn tìm một sự sẻ chia nơi Sinh nhưng bị rào cản của những quy tắc đạo đức làm trở ngại, cô rời bỏ Cổ Lâu. Việc để cho Thoàn gặp Huy - hai con người tột cùng cô đơn, mất hết người thân, không gia đình, đi qua nhiều trắc trở rồi kết đôi với nhau bằng tình yêu và cả sự cảm thông thấu hiểu là một cách tạo dựng tình huống có thể đoán được nhưng được tác giả đặt vào một thời điểm bất ngờ.

Vì câu chuyện không được kể một cách liền mạch theo trình tự thời gian nên có những phân đoạn người đọc phải phỏng đoán và đột ngột thay đổi cảm xúc khi theo dõi những tình tiết biến chuyển. Không chỉ gây ấn tượng bởi số phận nhân vật, tình huống và sự kiện, Biệt cánh chim trời tác động vào cảm quan người đọc bởi lối viết giàu xúc cảm, với những cách liên tưởng độc đáo. Chuân, con lão Phúng, có lẽ là nhân vật xuyên suốt, can dự khi trực tiếp, khi gián tiếp vào mọi câu chuyện và số phận. Kết hôn với Đăm, một người đàn bà đẹp và đầy sức sống. Cái khao khát mãnh liệt trong Đăm đẩy cuộc hôn nhân của hai người đến bờ vực thẳm khi ở vào hoàn cảnh “đưa đẩy”. Đi đến tận cùng nỗi cô đơn, nhà chính là địa ngục tuyệt vọng của Chuân - Đăm. Mỗi tâm hồn là một hoang đảo không thể sẻ chia. Sau này, sự tương trợ của Thoàn khiến Chuân - Đăm nhen lại hy vọng về một cuộc sống nơi miền đất khách. Bên cạnh lối kết cấu linh hoạt, cách chọn lựa những biểu tượng để chuyên chở ý đồ thể hiện của tác giả rất ấn tượng. Con sông rất ám ảnh trong tác phẩm Cao Duy Sơn. Có khi như con sông Dâng trong Đàn trời, ở đây, con sông Quy xanh sâu như mắt quỷ không rửa được sự nhục nhã của Chuân khi đào ngũ. Tình thế của Chuân lúc này cũng không còn gì mà hờn trách, đào ngũ về chứng kiến bi kịch gia đình. Nhà văn viết sắc sảo và lột tả chân xác tâm trạng vừa trống rỗng, mất mát, vừa tủi hổ, đắng cay của Chuân: “Bình vỡ, cá chết, nước trốn đất khô mất rồi”…

Cũng như muôn mặt phức tạp của cuộc sống, câu chuyện kéo người đọc đi qua nhiều chặng đường, nhiều khoảng không gian, từ Việt Bắc tới Tây Nguyên, từ nương cải tím vàng đến sự thâm u của rừng già. Có những trang viết mang âm hưởng như một bài thơ, lại không thiếu những đoạn đối thoại đầy triết lý như những truyện siêu ngắn. Tây Nguyên là một miền đất hứa với hy vọng về một sự tái sinh. Nơi “những dòng người chậm trôi như sông đi về muôn hướng giữa những hàng cây cổ thụ lặng lẽ bên đường”. Cao su, café, mưa cao nguyên, San gặp lại Thoàn qua đứa con gái là cháu Thanh. Ký ức ùa về như lũ cuốn. Chị Thoàn là niềm tự hào và thương nhớ của xứ Cổ Lâu… Từ những trường đoạn đó, thông điệp được phát đi một cách kín đáo nhưng hết sức rõ ràng. Những trang viết trong tiểu thuyết đôi lúc sáng lên những hình ảnh đẹp như khi miêu tả cuộc sống của những đứa trẻ Cổ Lâu. Sau này nhớ lại, San mới nghiệm ra rằng, lũ trẻ con ở Cổ Lâu ngày trước tươi rói như nắng như mây, như cỏ cây rừng núi quê nhà, nhưng rồi số phận đẩy xa mỗi người đi một con đường riêng, có chăng chết mới hết kiếp đọa đày.

Với nhan đề Biệt cánh chim trời, loài chim xuất hiện trong tiểu thuyết như một ẩn ngữ. Một là trong thế so sánh khi nhân vật Huy “đi như chim” di chuyển do tính chất công việc và sự mưu sinh; hai là với nhân vật Thoàn cũng như “con chim đã bị dồn đuổi khiến phải cất cánh bay đi” và cuộc gặp gỡ của hai người là sự sắp đặt của số phận, của tình yêu hồi sinh. Không phải ngẫu nhiên mà hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết đều trong trạng thái “ra đi” vì nhiều nguyên nhân. Cũng như nhân vật nữ đẹp trong các sáng tác của Cao Duy Sơn, ở tiểu thuyết này, Thoàn và Đăm dành được sự tập trung khai thác chi tiết cả về hình thức, tính cách và diễn biến tâm lý. Đặc biệt nhân vật Thoàn là mẫu hình người phụ nữ điển hình cho những đau khổ dù xinh đẹp, nhân hậu. Cuộc sống của chị rơi vào những vòng xoáy bi kịch, những thăng trầm chị trải như một cách bước qua thử thách để khám phá chân xác cuộc sống này. Thoàn là sợi dây kéo buộc mọi người lại sau nhiều xa cách và đau khổ.

Trong tiểu thuyết này, nhà văn dù không tập trung vào mô tả những phong tục, tập quán của quê hương nhưng sứ mệnh mang vác văn hóa ở mỗi cá nhân đôi lúc vẫn được thể hiện rõ. Những đoạn viết được tác giả đan cài trong mạch truyện đem đến sự sinh động: đám cưới Chuân và Đăm với quần áo màu chàm, nghi lễ phù dâu, động tác vái lạy, uống rượu, khi Đăm hát Nam Kim Thị Đan trong những cơn say đầm đìa, khi Thoàn nhớ về quê hương đã trồng những nương cải nơi mảnh đất Tây Nguyên… Sự thâm nhập chất thơ trong văn xuôi không mới, nhưng ở những khoảng lặng ấy của Biệt cánh chim trời, với xúc cảm trữ tình, tâm lý trạng huống…, người đọc nhận ra sự chiêm nghiệm của tác giả trước cuộc sống và bởi thế dễ tạo được sự đồng cảm ngay trên bề mặt của những diễn ngôn. Cách tạo dựng số phận nhân vật qua những bước thăng trầm vẫn dành được sự ưu ái kỹ lưỡng của tác giả. Trong tiểu thuyết này, dáng dấp của những đoạn trữ tình ngoại đề gia tăng chất thơ cho tác phẩm và kéo dài hơn những suy ngẫm của người đọc, khi thì cùng Sinh đấu tranh tư tưởng trước tình cảm của Thoàn, khi thì miên man trong sự thức ngộ của Chuân sau đám cháy, khi thì bị dẫn dụ bởi hồi tưởng của San lúc gặp bé Thanh…

Tiểu thuyết Biệt cánh chim trời mang cảm hứng “như cánh vạc bay”, những con người lang bạt khỏi quê hương. Quá trình phiêu dạt ấy vẫn đau đáu một tình quê. Cũng như nhiều nhan đề tác phẩm khác của Cao Duy Sơn, Hoa bay cuối trời, Người lang thang… người đọc liên tưởng tới những hành trình không hẹn trước. Cảm thức lang thang như một quá trình cắt nghĩa cuộc sống để xác tín một chân lý rằng tình yêu thương giữa con người có thể cứu rỗi tất thảy.

Mỗi tâm hồn trong Biệt cánh chim trời có cho riêng mình những giấc mơ. Thoàn thường mơ trở lại xứ cũ cho thỏa nỗi nhớ mong, San mơ mộng về thời niên thiếu với tình yêu mơ hồ, cả những cơn ác mộng của lão Phúng… Điều này bắt gặp sự tương đồng với quan niệm của C.G. Jung, giấc mơ ngoài việc dự báo là những ám ảnh tiềm thức, nó còn có khả năng đền bù cho những quãng đời trôi qua trong mất mát, những ước vọng thiếu hụt và cả những lỗi lầm. Cao Duy Sơn tái tạo một cuộc sống trên bề mặt những trang viết, ở đó là sự bề bộn, đa thanh, có sự thật hiển hiện, có cả những hồ nghi không cần tìm sự chân xác; có thiện, có ác; có bay bổng và không thiếu khắc nghiệt… Như loài chim trời mải miết, những con người nơi xứ Cổ Lâu lần lượt ra đi, vì trắc trở, vì mưu sinh, vì chạy trốn, vì muốn hồi sinh… nhưng đi đâu rồi cũng nhận thấy mình thừa mứa nỗi thiếu quê. Số phận khác, cuộc đời khác, chỉ quê hương là không khác được. Thoàn hẹn San nhất định quay lại Cổ Lâu như chính ấp ủ của Huy khi còn sống, vào hoa cải mùa thu.

Nguồn Văn nghệ

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *