Văn học với đời sống

28/4
6:19 PM 2017

KỶ NIỆM 30/4: VỀ NGƯỜI BẠN CHƯA KỊP THÀNH THI SĨ- LIỆT SĨ ANH HÙNG VŨ DŨNG

PHẠM THÀNH HƯNG Hai mươi năm qua, cứ đến cuối tháng Tư, khi các đường phố thủ đô đỏ sẫm màu cờ, tưng bừng kỉ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, xen lẫn trong niềm vui chung, tôi lại thấy lòng buồn da diết. Nỗi buồn đó gắn liền với nỗi nhớ một người đồng đội đã từ biệt mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lên đường vào Nam chiến đấu. Anh đã vào chiến trường với khát vọng trở thành nhà thơ. Nhưng ước vọng chưa thành, anh đã sớm hy sinh.

 

                                              Ảnh minh họa- Internet

Vì sao anh hy sinh? Vì anh đã sống và tuân thủ cái logic này của thực tại: Tổ quốc đang cần các anh hùng, trước khi cần thi sĩ. Thật ra tôi biết về anh không nhiều. Nhưng những điều ít ỏi mà tôi chứng kiến cũng đủ để hiểu một con người. Bởi vì những điều mà tôi biết là biết trong chiến tranh - một cuộc chiến tranh như lò lửa đã làm lộ sáng tất cả những gì có khả năng phát sáng. Đó thực sự là một cuộc thử lửa, phân biệt vàng thau, chứng minh thật rạch ròi chân giá trị của mỗi cá nhân trước cộng đồng dân tộc đang cầm súng.

Tôi được bổ sung vào đơn vị pháo cao xạ 37 ly của Sư đoàn 308 khi cả sư đoàn bộ binh này đang cấp tốc hành quân vào Quảng Trị. Vừa vào đơn vị, chân ướt chân ráo chưa kịp làm quen với ai thì tôi đã được ấn vào tay một khúc gỗ ba cạnh để chèn bánh pháo. Đường vào mặt trận lắm dốc, nhiều đèo, mưa dầm, bùn đất nhão bét. Những chiếc xe gat hai cầu Nga không đủ sức kéo pháo vượt đèo.

Tất cả pháo thủ phải xuống xe, xoay lưng trần kéo pháo cùng xe. Một buổi chiều mưa dầm, đại đội tôi đang kéo pháo dọc đường thì gặp một dây tù binh ngụy bị áp giải ngược chiều ra Bắc. Đám người tiều tụy đó được xâu chuỗi vào nhau bằng một sợi dây thừng buộc lỏng lẻo qua từng cổ tay.

Trông thấy một gã tù binh nhiều tuổi, bị thương cả ở tay lẫn đầu, Biển - một trắc thủ của đại đội tôi ái ngại hỏi thăm: "Anh quê ở đâu thế?". Tên tù binh chưa kịp trả lời, từ đằng sau cỗ pháo đã vang lên tiếng quát của chính trị viên đại đội: "Biển! Không anh em gì với chúng nó! Lập trường cách mạng để đâu mà xưng hô như vậy?". Nghe tiếng quát, cả đoàn người quần áo rằn ri loang lổ đó co dúm người lại, ép lưng vào vách đá. Họ sợ là phải. Biết đâu đấy, cơn thịnh nộ của viên chỉ huy có thể biến thành loạt đạn.

Nhưng khi xâu tù binh hoàn hồn, đứng dậy đi tiếp thì một pháo thủ khác trong đại đội,dáng người cao to, rời dây chão kéo pháo, bước sang bên đường, lẳng lặng dúi vào tay một tên tù binh mấy điếu thuốc Tam Đảo và một bánh thuốc lào. "Chia nhau mà hút!" Chàng pháo thủ cao lớn nói nhỏ với tên tù binh rồi trở về với dây chão. Nhưng hành động đó không thể qua mắt chính trị viên. Từ cuối hàng quân, ông chạy xô lên, dậm chân làm tóe cả đám bùn đất đỏ:

- Lại còn thế nữa? - Chính trị viên trừng mắt nhìn người lính của mình - Đồng chí là người học nhiều mà nhận thức... vẫn còn... nối giáo cho giặc.

Chàng pháo thủ cao lớn khẽ nhíu mày rồi thở dài:

- Thủ trưởng bớt giận! Trước hết, đấy không phải là giáo mác gì, mà là thuốc lào, hút cho đỡ lạnh. Thứ hai, đó không phải là giặc mà là tù binh. Chúng nó đã bị tước vũ khí, nằm trong tay chúng ta rồi thì có thể nhìn chúng như... những con người.

Viên chỉ huy nín lặng hồi lâu. Cuối cùng ông đập tay vào xà cột đánh bụp một cái rồi bỏ đi, miệng lầm bầm: "Thật là mơ hồ trí thức". Tò mò, tôi quay sang hỏi một pháo thủ:

- Này, người ấy là ai mà có vẻ rắn thế?

- Cậu không biết à? - Đồng đội của tôi có vẻ ngạc nhiên - Lẽ ra đấy là người đầu tiên cậu cần phải biết. Vũ Dũng đấy! Pháo thủ số 2 của khẩu đội 4. Đại đội này có rất nhiều sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng anh ấy là người duy nhất đã tốt nghiệp. Mà lại là pháo thủ giỏi nhất, "chơi" chục trận rồi không hề xây xát. Ai cũng nể. Ông chính trị viên là người mới từ trung đoàn bộ được điều động về trước cậu vài tuần, nên chưa nắm được "nhiệt độ" từng người đấy thôi...

Từ hôm đó, hình ảnh chàng pháo thủ "trí thức mơ hồ" đọng lại trong tôi như một bậc đàn anh, một thần tượng. Nhưng tôi quả là người không gặp may! Vì là lính bộ binh, chưa được huấn luyện chút gì về kỹ thuật pháo cao xạ, lại khỏe mạnh, tính tình "dễ bảo", tôi bị điều động xuống tổ anh nuôi nên tôi ít có dịp trò chuyện.

Một hôm, tôi đang khoác súng, mang bao tải đi tìm rau xanh và săn thú rừng thì nghe có tiếng người gọi giật trở lại. Hóa ra là Vũ Dũng. Anh dặn tôi cố kiếm cho anh ít thóc để nuôi chim. Phần vì mến anh, phần vì tò mò chiếc lồng chim của lính cao xạ, tôi đã sục sạo vào "ấp chiến lược" rồi lại lang thang ba bốn cây số trên những cánh đồng lúa bỏ hoang để cuối cùng tuốt về cho anh một túi thóc lép.

- Lồng chim của anh đâu? - Tôi hỏi.

- Làm gì có lồng - Anh trả lời - Không nuôi được chim lồng thì ta nuôi chim trời vậy. Cậu có trông thấy gì trên cây sim bị bom kia không?

Tôi nhìn theo tay anh chỉ. Đó là một cây sim già bị bom chém xơ xác. Trên đọt cây có một tổ chim.

- Quả đồi này bị bom đánh, bị pháo kích, chim bay đi hết - Anh nói thì thầm có vẻ bí hiểm - Chỉ còn một con chim gáy trụ lại. Tổ của nó đấy. Hôm qua, tớ đoán, hoặc là con chim này bị bom làm điếc, hoặc là nó đã dạn dày với tiếng nổ, trở thành con chim gan góc. Nhưng sáng nay trèo lên xem tổ, tớ mới biết nó đang ấp trứng. Hóa ra nó ở lại đây với chúng mình là để hoàn thành bổn phận làm mẹ.

- Anh lãng mạn thật! - Tôi tặc lưỡi bình luận - Thế, anh định nuôi nó bằng cách nào?

- Cứ thỉnh thoảng ném một nắm thóc xuống bãi đất trống bên bờ suối. Tớ thấy mỗi khi bị bom đánh, giật mình, nó thường bay về phía ấy. Giống này mắt tinh lắm. Tớ là "dân cua đồng" nên giống chim này, tớ hiểu. Giống chim này không thích ăn sẵn đâu. Cậu có treo túi thóc này bên cạnh tổ thì nó cũng không ăn. Nó thích lao động, nhặt nhạnh từ mặt đấy cơ. Miếng ăn phải lấm láp, có mùi bùn đất.

- Chắc anh hay làm thơ lắm nhỉ? - Tôi dò hỏi. Nghe tôi chuyển sang chuyện thơ phú, đôi mắt đang đầy vẻ hồn nhiên, tinh nghịch của anh tự nhiên tối lại, sâu thăm thẳm.

- Đúng ra thì tớ rất yêu thơ, nhưng lại ít làm thơ. Nghe nói cậu là sinh viên Tổng hợp Văn phải không? Tớ cũng học ở đấy ra. Theo tớ, nếu cậu có định viết lách gì thì nên viết văn, viết truyện. Thơ, xét cho cùng, vẫn là ngôn ngữ độc thoại, ngôn ngữ tâm tình. Mà cuộc chiến này thì thần kỳ, dữ dội tới mức khó hiểu. Nó cần một thứ ngôn ngữ, phức hợp, đa thanh thì mới hiện lên được mặt giấy...

Nghe anh triết lý trừu tượng quá, tôi phát ngại. Với cái vốn liếng văn chương của sinh viên năm thứ nhất, tôi chẳng dại gì mà sa vào tranh luận với anh. Tôi giả vờ quay lại chuyện nuôi chim. Trò chuyện một lát, tôi và anh hẹn sẽ thay nhau chặt lá cây, che thêm cho tổ chim. Bởi vì sớm muộn gì, cây sim này cũng bị bom đánh chết. Biết đâu trứng chim nở ra và một ngày nào đó, chúng tôi sẽ nghe thấy tiếng chim gù... Việc chặt lá ngụy trang cho tổ chim đã thành chuyện riêng của tôi và anh. Không nói ra nhưng cả hai đều biết: nếu chuyện lộ ra, nhiều người sẽ gọi chúng tôi là "lũ ấm đầu". Chính trị viên đơn vị lại định kiến nặng hơn về một "trí thức mơ hồ".

Nhưng rồi cái ý định "ấm đầu" đó, cả hai chúng tôi đã không kịp thực hiện. Chín giờ sáng hôm sau, tiểu đoàn pháo mặt đất bên cạnh nổ súng, bắn cấp tập vào cứ điểm Đông Hà, chi viện cho bộ binh ta tấn công. Máy bay Mỹ bay đến oanh tạc tiểu đoàn pháo mặt đát. Đến lượt chúng tôi, cả bốn cỗ pháo 37 phải bắn đuổi máy bay đi, bảo vệ cho đơn vị pháo dưới đất yên tâm "làm việc".

Suốt một ngày chiến đấu, đại đội chúng tôi tuy không bắn rơi được chiếc máy bay nào, nhưng thực sự hạn chế được không lực Mỹ, che chắn an toàn cho đơn vị bạn. Tới 5 giờ chiều, bầu trời tự nhiên vắng lặng. Phản lực Mỹ rút hết, chỉ còn một chiếc máy bay OV-10 ỉ eo lượn lờ trong mây.

Thấy trời đã muộn, đại đội trưởng của chúng tôi ra lệnh tháo bệ khóa nòng hai khẩu pháo ra, lau chùi, chuẩn bị cho trận chiến đấu ngày hôm sau. Nhưng mệnh lệnh của đại đội trưởng là một sai lầm nghiêm trọng. Cay cú vì bị bốn khẩu 37 suốt ngày cản phá, khoảng hơn 5 giờ, mấy tốp máy bay Mỹ bất thần kéo tới đổ bom trả thù. Vì hai khẩu pháo còn đang được tháo dỡ ra, lau chùi dở dang, trận địa chúng tôi chỉ còn lại hai khẩu đương đầu với hàng chục máy bay phản lực. Thật là một cuộc chiến đấu không cân sức, một cuộc chiến trong tuyệt vọng. Bom đạn, rốc két từ bốn hướng đổ xuống trận địa. Đồi núi bốc cháy mù mịt.

Lửa rừng cuồn cuộn như sóng biển, liếm hết quả đồi này đến quả đồi khác. Cuộc chiến đấu mỗi lúc chuyển sang tình thế bi kịch. Hai nòng pháo 37 của chúng tôi chỉ như hai con sào gầy guộc, đơn độc nhô lên chống trả với hàng chục phản lực Mỹ quần đảo từ bốn hướng.

Bắn được chục loạt đạn,Vũ Dũng đã bị bom cắt gần đứt cánh tay phải. Lẽ ra, sau khi được ga-rô, băng bó vết thương, anh có thể được dìu khỏi trận địa, rút lui như một chiến sĩ dũng cảm đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng anh đã không làm cái việc mà một người "khôn ngoan" thường làm. Nằm trong hầm cứu thương, anh cứ nghiến răng tưởng đến vỡ quai hàm. Phần vì đau đớn, phần vì sốt ruột khi biết pháo thủ thay vị trí của mình bắn dở quá, anh vật vã kêu la.

"Bắn như thế thì làm sao trúng được!". Đột nhiên anh thét lên rồi túm ngực y tá lắc mạnh. Xô ngã người y tá đại đội, anh vọt lên khỏi mặt đất, xông tới công sự pháo. "Xuống!". Anh quát, đuổi pháo thủ đang thay vị trí anh vào hầm rồi ngồi gọn gàng vào ghế số 2, ung dung như người lái xe cầm vô lăng.

Vì chỉ còn tay trái, anh điều chỉnh kính ngắm khá vất vả. Nhưng những loạt đạn anh bắn thật dữ dội, quyết liệt. Đường đạn dày dạn kinh nghiệm khiến bọn giặc lái Mỹ không dám nhào xuống quá thấp. Nòng pháo của anh cứ ngạo nghễ phun đạn, trở thành chiếc gai nhọn chọc vào mắt lũ giặc trời.

Tuy vậy, bọn chúng vẫn đủ gan để sử dụng hết các thứ vũ khi để tiêu diệt mục tiêu duy nhất trên mỏm đồi trọc. Sau một đợt bom sát thương gần hết những người trên mặt đồi, hai chiếc F4 nối đuôi nhau bổ nhào, trút xuống hai loạt bom phá. Cỗ pháo của Vũ Dũng đang nhả đạn bỗng chốc bị tung lên khỏi công sự rồi rơi lật ngửa xuống sườn đồi như con rùa bị lật mai. Tiếng pháo ngừng bặt.

Năm phút sau, máy bay giặc hả hê rút về. Tôi cùng những người sống sót từ các căn hầm, khe suối lục tục chui lên cấp cứu thương binh và tìm thi thể đồng đội. Tìm kiếm mãi, chúng tôi mới lần ra dấu vết cơ thể Vũ Dũng. Căn cứ vào vóc dáng cao lớn của anh, chúng tôi chọn ra trong đống xương thịt chung vừa thu gom lại, lấy ra một đoạn thân thể có ai bắp đùi to nhất, gói vào bao tải, ghi tên anh. Những phần xương thịt còn lại, chúng tôi phải chia đều ra mấy chục bao, đề tên những người vắng mặt.

Mọi người đi gom nhặt ba lô liệt sĩ để bảo quản, gửi về hậu phương. Riêng tôi, tôi cố gắng tìm kiếm cuốn sổ ghi chép của Vũ Dũng. Tôi biết ở đó có rất nhiều bài thơ anh mới sáng tác. Ở đó anh ghi chép rất nhiều điều mà anh từng chứng kiến và băn khoăn về cuộc chiến hiện tại. Đào bới trong đất nóng tới hai giờ sáng, tôi vẫn không tìm được hai cuốn sổ. Tôi buồn bã rời trận địa. Thương anh, tôi khóc. Tôi khóc tiếng khóc đầu tiên của đời lính. Nhưng tôi khóc to, thả hơi khóc cho thoải mái, nhẹ lòng mà thật lạ, tôi không nghe được tiếng khóc của mình. Một lát sau tôi mới biết, hóa ra bom, pháo đã làm tai tôi điếc đặc.

Đi khỏi chân đồi một quãng, tôi giật mình đứng lại. Hình như tai tôi đã nghe được rồi. Thính giác tôi đã hồi phục? Không hiểu là mơ hay là thật đây? Không hiểu tai tôi đã hết ù hay đây chỉ là âm thanh vọng ra từ nỗi nhớ: Trong không gian lạnh lẽo của đêm về sáng, trong cái vắng lặng của chiến địa thê lương, rõ ràng tôi nghe từ phía trận địa có tiếng cu gáy. Tiếng chim đêm cứ vang lên từng hồi thống thiết...

Nguồn: Tạp chí Thơ-HNV

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *