Văn học với đời sống

18/11
10:01 AM 2019

NHƯ NHỮNG MẠCH NGẦM ÂM THẦM CHẢY…

Làng, nơi từ bao đời kết tụ những tinh hoa của trời đất để tạo ra hồn vía của một vùng quê. Làng, nơi lưu giữ từng nét văn hóa đơn sơ, từng hình ảnh mộc mạc giản dị để làm nên sắc thái của những giá trị tâm hồn Việt. Làng, nơi ăm ắp bao tình cảm thân thương, gắn bó… bên nhau tắt lửa tối đèn. Làng, nơi chúng ta đã sinh ra, lớn lên, ra đi… và trở về. Như một vết hằn khắc sâu trong tâm trí mỗi con người, ký ức và thực tại của vùng đất nơi mỗi chúng ta cất tiếng khóc chào đời và là nơi dung dưỡng kỷ niệm của một thời ấu thơ, không biết tự khi nào đều đã trở thành một mạch nguồn máu thịt gắn bó, không thể tách rời.

Làng trong thơ Trần Văn Lợi lâu nay qua các tập thơ như “Miền gió cát”, “Lật mùa”, “Bàn tay châu thổ”… vẫn thường được đặc tả bằng những hình ảnh chân chất, mộc mạc…, bằng những nỗi tất tả, nhục nhằn của những người dân quê hồn hậu, lam lũ. Vậy nhưng ở tập thơ mới nhất “Đã như là hóa thạch những mồ hôi” (NXB Hội nhà văn 09/2019) của tác giả này, ta thấy có một góc nhìn thật khác biệt, mới lạ về… làng của thời hiện tại. Một sự thay đổi của không gian sống hiện thời dẫn đến sự chuyển biến mạnh mẽ trong chính suy tưởng và những ý đồ sáng tác của tác giả? Có lẽ vậy, khi ở thời đại @, thời đại 4.0… làng của những ngày xưa cũ đã như chỉ còn lại từng vết rêu mờ. Một sự tiếc nuối, trăn trở, dùng dằng,… giữa mới và cũ. Khi những cái cũ càng đã âm thầm qua đi từ lúc nào và cái mới mẻ vội vã ập đến. Dứt đoạn với quá khứ nhưng lại chưa kịp thích nghi được với cuộc sống hiện tại, điều đó khiến cho hồn người thoáng chốc ngỡ ngàng và hẫng hụt. Một bước ngoặt chưa định trước, hay một cuộc chuyển mình thụ động:

Con trâu cuối cùng của làng ta

thủng thẳng như không muốn bước

lơ đãng như chẳng thích nghe

mắt ầng ậc hai hốc nước

nuốt không được

hắt đi không được!

(Trong ánh mắt trâu già)

Đường làng bây giờ đã không còn in vết chân trâu, không còn nghe cả tiếng nghé ọ kêu trong mỗi chiều yên ả. Những con trâu cày, một thuở từng là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông giờ dần biến mất khỏi đời sống của người dân nông thôn. Ta chợt nhận ra… Ừ, đã lâu lắm không còn thấy cảnh các bác thợ cày, nón lá áo nâu, lưng đẫm mồ hôi cùng những tiếng hô: “vặt…, diệt…” bì bõm lội sau những con trâu đen trùi trũi. Cái hồn cốt của làng ngỡ như cũng đã theo đó mà mai một, mà tan biến dần đi, để cho lòng người chới với tìm cách níu kéo:

Tự mình làm một nén nhang

tôi đứng khấn hồn làng

những lời cha ông chưa từng dạy…

(Xin lời bóng mát…)

Nhưng bản chất của cuộc sống là luôn luôn biến chuyển, thay đổi. Nó không đứng yên một chỗ mà mỗi phút mỗi giây luôn có sự vận động, sinh sôi, nảy nở… Không chỉ là một sự vật cụ thể nào đó mà dường như mọi thứ xung quanh chúng ta, thậm chí cả bản thân mỗi con người chúng ta đều như những mạch ngầm âm thầm chảy. Dòng chảy của cuộc sống cuốn tất cả chúng ta vào nó để cùng tạo nên một khối quần sinh tương hỗ lẫn nhau. Mỗi một con người đều có một phận sự, một trách nhiệm để cho dòng chảy ấy không bao giờ ngừng lại.

Như sợi dây được rút dần ra khỏi mỗi xóm làng

những người đi đắp đê nối dài hàng một

họ kéo qua nhà tôi

xuôi về phía biển…

… Họ kéo qua nhà tôi

như những tảng bùn vạm vỡ

như những tảng bùn màu mỡ

nối thành cung đê dài…

(Những người đắp đê…)

Sự tiếp nối, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác đã diễn trong lặng lẽ, không khoa trương ồn ào. Thời đại này qua đi để rồi thời đại kế tiếp đón nhận, duy trì và phát huy những mơ ước và niềm tin còn đau đáu, những tài sản hiện hữu cả về vật chất lẫn tinh thần, để cho dòng chảy của cuộc sống mãi sinh sôi.

…Vác trên lưng dấu triện nham nhở rêu xanh rì

tờ khế ước ruộng đồng tổ tiên bàn giao nghìn năm trước

đóng dấu niềm tin

đóng dấu mơ ước

nắng mưa thế nào cũng chìa ra với trời cao.

(Cua đồng)

Làng bây giờ đã mất đi nhiều thứ, đã không còn giống như làng của cái thời chưa xa lắm. Tiếc nuối và hẫng hụt như ta vừa bị đánh cắp một thứ gì quý giá, như ta vừa để một phần hồn trôi vuột ra khỏi chính ta và mất đi mãi mãi. Vậy nhưng không,… Làng, vẫn là hồn cốt ấy, dù cho vạn vật đổi thay. Trong tâm khảm của mỗi người thì làng vẫn là một góc thiêng liêng để ta bám víu vào đó mà lớn lên, trưởng thành.

Tôi rất mộc

nén mình vào xù xì gạch nhỏ

thầm dài theo những ý nghĩ của làng…

(Những bức tường đá ong)

Cuộc sống vốn dĩ là thế. Thứ gì là giá trị thực thì hiển nhiên sẽ được nhìn nhận đúng với bản chất của nó, và ngược lại, những gì chỉ là vẻ hào nhoáng giả tạo thì sẽ không tồn tại được lâu dài. Tuy nhiên, không phải lúc nào quy luật ấy cũng được mặc định như thế, mà ngược lại, nó còn luôn bị đảo lộn khiến cho cuộc sống cứ long đong, cực nhọc… chẳng được yên bình. Những nhục nhằn, khổ cực ấy tưởng như do tự nhiên sắp đặt nên thế. Nhưng không, thật oái oăm, trớ trêu rằng nó lại do chính con người tạo nên để mưu mẹo lừa lọc, thậm chí là để hãm hại lẫn nhau. Tình thân ái, bao dung; lòng vị tha, sẻ chia, đùm bọc… một thời như đã đang dần mai một. Xã hội nông thôn, những nét văn hóa làng tưởng như cũng đang từng bước suy đồi cuốn theo cơn lốc thời cuộc.

bao thánh thần, vĩ nhân, yêu quái

đều từ tay người nhào nặn mà ra…

(Trong cõi tò he…)

Nhưng làng vẫn thế, vẫn giữ nguyên vẹn những nét sơ khai, hồn hậu như vốn có tự bao đời. Làng như một bức tường thành vững chắc ngăn chặn mọi xấu xa, bỉ ổi; mọi tàn ác, độc địa từ cái cuộc sống nhôm nhoam, xô bồ ngoài kia:“Sống bùn nước, hoang vu, mấy ai biết tới. Lìa gốc rồi mới được lên cao. Lìa gốc rồi mới được vuốt ve, tỉa tót, nâng niu. Thân kiệt cùng tóp teo vẫn mong trải lòng cùng nắng nỏ. Lỡ đốt cháy còn đượm nồng than lửa. Cói không ưa thối rữa bao giờ… (Cói). Ta như thân cói đã sinh ra ở làng, đã lớn lên với làng… thì dù cuộc sống có xoay vần, biến đổi đến cỡ nào thì hồn vía ta vẫn thế, vẫn không ngừng bươn bả mạnh mẽ vươn lên, vẫn cần lắm một nơi chốn cho ta nương tựa vào để dù tâm hồn ta có héo úa, tàn lụi thì cũng sẽ lại lặng lẽ hồi sinh.

Những bông hoa mọc lên từ hương thơm

nở lặng thầm thành mùa xuân thể nghiệm…

(Phục sinh)

Tuy nhiên, cuộc sống luôn hiện sinh với hai chiều đối nghịch. Cái tốt và cái xấu luôn song hành theo lẽ tự nhiên. Có lẽ rằng đây là một sự cộng sinh, là một sự tương phản để ta có thể thấy rõ được rằng; cuộc sống không bao giờ có được sự toàn mỹ, hoàn hảo. Và khi ta gặp thứ tanh hôi, bẩn tưởi thì đó cũng chưa hẳn là điều xấu xa, tồi tệ. Ngược lại, lúc niềm vui ngập tràn thì cũng không chắc đó đã là hạnh phúc. Có phải chăng cuộc sống cần có sự cân bằng, cần một chất xúc tác để mọi thứ có thể hòa hợp cùng nhau?

Cha tôi vẫn thường nhắc nhở

những khi được mùa, đừng quá chặt cửa

của đất trời, phải chia cho trời đất…

 

Sẽ chẳng là làng nữa

khi màn đêm không rúc rích chuột đồng…

(Rúc rích chuột đồng…)

Chỉ cần thiếu đi những tiếng kêu rúc rích của lũ chuột đồng mà làng đã không còn là làng nữa. Điều này tưởng như phi lý, nhưng không, chính tiếng kêu rúc rích ấy mới lại là hồn vía của làng. Những tiếng kêu ấy báo hiệu về một mùa thu hoạch, về một sự ấm no hiện thực. Những tiếng kêu ấy cho ta thấy cảm giác yên bình và đầy sự vững tâm, an nhiên trước cuộc sống. Thiếu nó, làng chỉ còn là một mảnh đất vô hồn, cằn cỗi. Thiếu nó, làng sẽ không còn là làng để cho hồn người trú ngụ. Và khi đó, ta sẽ chẳng còn cơ hội trở về với khoảng không gian bình lặng đầy xúc cảm của riêng ta:

tôi về với khu vườn tiếng hót

trong veo nghe tiếng nước chảy rất ngọt

non tơ nghe tiếng hạt nảy mầm

tiếng đất vun cây thì thầm

tiếng mát lành lá reo gió thổi…

Tập thơ “Đã như là hóa thạch những mồ hôi” qua những câu thơ mang đậm tính triết lý nhân sinh, như những lời khẳng định về một xã hội đang thay đổi mãnh liệt đến từng mọi ngóc ngách, mọi nẻo đường, mọi vùng đất… Tuy nhiên, trước sự ào ạt của dòng chảy thời cuộc, các giá trị căn bản của đời sống con người vẫn được bảo tồn, để rồi tiếp đó nó sẽ lại được phát triển với nguyên vẹn những gì lưu truyền lại từ bao đời. Những giọt mồ hôi của bao nỗi khó nhọc, nhục nhằn… đã hóa thạch để làm nên những thành quả ngọt ngào, và xây thành bức tường vững chắc bảo vệ những gì tinh túy, quý giá đã hình thành nên hồn cốt của xã hội làng quê Việt Nam. Những giọt mồ hôi âm thầm chảy như những mạch ngầm không bao giờ ngừng lại… và hóa thạch, bền bỉ, sắt son…

Đã có một sự mới lạ về bút pháp, phong cách,… trong thơ Trần Văn Lợi. Dường như giờ đây đã không còn dấu vết của một âm giọng thơ, một hồn thơ trong trẻo, nền nã, đèm đẹp... như trong những tập thơ trước đó của tác giả này. Thay vào đó là sự gai góc, quyết liệt, phóng túng… khi tác giả đã dùng nhiều các thể thơ tự do, hoặc biến thể để diễn tả nên các tâm ý, sự trăn trở, giằng xé… khi đã có thêm nhiều trải nghiệm, cũng như sự va đập của chính mình với cuộc sống đầy rẫy những toan tính, xô bồ, thật giả...

 

Trần Hồng Giang

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *