ĐỂ CÓ THÊM NHỮNG TÁC PHẨM HAY VIẾT VỀ NGƯỜI LÍNH CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Các nhà văn chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ Bộ tư lệnh vùng cảnh sát biển 1
Và đó cũng chính là chất liệu để phục vụ cho các nhà văn trong việc sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngay khi vừa đặt chân xuống đơn vị, Đoàn công tác của Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du đã được thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cùng cán bộ, chiến sĩ đón tiếp chu đáo, trọng thị, thể hiện sự hồn hậu, mến khách. Đơn vị đã tạo điều kiện tốt nhất có thể để các nhà văn, nhà thơ thâm nhập thực tế, lấy tư liệu và nuôi dưỡng cảm xúc sáng tác với mong muốn có được những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng về hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.
Đại tá Trần Văn Rồng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng cảm động cho biết, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 rất vui mừng được chào đón các nhà văn, nhà thơ xuống thâm nhập thực tế tại đơn vị. Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa góp phần phục vụ công tác tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát biển đến với các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội một cách hiệu quả, thiết thực thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Những tác phẩm có được từ chuyến thâm nhập thực tế lần này của đoàn công tác sẽ có tác dụng động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá Trần Văn Rồng, Chính ủy Bộ tư lệnh vùng cảnh sát biển 1 trao tặng ảnh lưu niệm cho nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN
Mặc dù thời gian cho chuyến thâm nhập chỉ vỏn vẹn có 3 ngày nhưng những gì được trải nghiệm thực tế, được tìm hiểu về những thành tích, chiến công cũng như tận mắt chứng kiến cuộc sống, tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trên các tàu tại đơn vị cũng đã phần nào giúp cho các nhà văn, nhà thơ khắc họa được hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển can trường bám biển để bảo vệ chủ quyền quốc gia, cứu giúp nhân dân gặp nạn hay đồng hành với bà con ngư dân trên vùng biển đảo quê hương.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - khách mời của đoàn công tác không giấu nổi cảm xúc. Anh chia sẻ: “Mặc dù đã rời xa cuộc sống quân ngũ mấy chục năm rồi nhưng tôi vẫn là một người lính mặc thường phục. Những đề tài thường trực trong sáng tác của tôi vẫn là biển đảo và những người lính luôn chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi rất vui mừng trước sự lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng như những dấu ấn sâu sắc mà lực lượng đã để lại trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt là sự dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ Cảnh sát biển trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và đồng hành với bà con ngư dân. Tôi tin rằng, sau chuyến đi này sẽ có nhiều sáng tác tốt của các thành viên về mảng đề tài Cảnh sát biển Việt Nam!”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho biết, có thể nói, đây là một chuyến đi rất thú vị. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi những các nhà văn, nhà thơ đã có dịp trải nghiệm cùng với các chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 trên hai con tàu CSB 8004 và CSB 8003. Qua trò chuyện, tâm sự, trao đổi cùng các chiến sĩ, các nhà văn, nhà thơ chúng tôi đã có thêm sự hiểu biết về các nhiệm vụ mang tính đặc thù của Cảnh sát biển. Chúng tôi cảm thấy rất ấm áp trước những tình cảm mà anh em cán bộ, chiến sĩ dành cho mình. Trong mỗi chúng tôi đều ấp ủ, thai nghén và sẽ cho ra đời những tác phẩm mới mang nặng hơi thở cuộc sống, phản ánh rõ nét nhất hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam hôm nay.
Đánh giá về kết quả chuyến thâm nhập thực tế của đoàn công tác, nhà văn Vũ Đảm, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du - Trưởng đoàn công tác cho biết: “Qua thời gian đi thâm nhập thực tế tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, chúng tôi đã đón nhận được rất nhiều tình cảm, sự giúp đỡ nhiệt tình, quý báu của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Ấn tượng sâu sắc của chúng tôi đối với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trên các tàu đều rất bản lĩnh, thông minh, có tinh thần trách nhiệm rất cao nhưng trong cuộc sống cũng rất đoàn kết, nhân văn, nhân ái. Chúng tôi tin tưởng rằng, lực lượng Cảnh sát biển sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, hiện đại hơn nữa để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Ngay sau khi kết thúc chương trình làm việc tại đây, Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du sẽ có một đoàn nữa tiếp tục thâm nhập thực tế tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Từ những cảm xúc, chất liệu có được, chúng tôi hi vọng sẽ sáng tác và xuất bản một cuốn sách riêng về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đây sẽ là món quà tinh thần để tặng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 năm nay!”.
Các nhà văn và các chiến sĩ cảnh sát biển làm lễ chào cờ
Chuyến thâm nhập thực tế của đoàn công tác Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du đã kết thúc trong sự chia tay đầy lưu luyến và thắm tình đoàn kết. Chuyến đi đã để lại cho các thành viên trong đoàn nhiều ấn tượng đẹp, khó phai về hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển kiên cường, dũng cảm trước sóng gió đại dương nhưng cũng hết sức gần gũi, đáng yêu trong cuộc sống thường ngày. Đây sẽ là nguồn cảm hứng để các nhà văn, nhà thơ cho ra đời những tác phẩm hay viết về người lính Cảnh sát biển Việt Nam. Những tác phẩm đó sẽ hòa cùng dòng chảy của nền văn học nước nhà.
Lam Giang