Văn học với đời sống

9/9
4:24 PM 2020

TRẢI NGHIỆM CỦA QUÁ KHỨ LÀ KÝ ỨC CỦA TƯƠNG LAI

Ngày 9.9, tại Hà Nội, 150 chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kiến trúc, văn hóa, bảo tồn, nghiên cứu lịch sử, các nhà văn hóa, cảnh quan và các cơ quan chức năng đã tham gia cuộc tọa đàm “Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì” để đánh giá và đề xuất ứng xử với các giá trị văn hóa, lịch sử của các phế tích đang ngủ quên trong rừng thẳm. Vanvn.net xin giới thiệu bài phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc tại tọa đàm này.

TRẢI NGHIỆM CỦA QUÁ KHỨ LÀ KÝ ỨC CỦA TƯƠNG LAI

Nhà sử học Dương Trung Quốc

 Dù rằng đỉnh núi Ba Vì chỉ cao chưa đầy một ngàn ba trăm thước, nhưng trong tâm tưởng người Việt luôn “Nhất cao là núi Ba Vì”. Bởi lẽ, trú ngụ trong danh xưng ấy là cả một kho huyền tích về một vùng đất thiêng gắn với Đức Thánh Tản Viên, một đấng thượng đẳng thần trong quan niệm “tứ bất tử” về bốn vị thần uy linh nhất bảo trợ cho Dân tộc ta.

Địa thế Ba Vì là đỉnh kết nối chốn “kinh sư muôn đời” Thăng Long - Hà Nội với ngọn Nghĩa Lĩnh; cùng Tam Đảo làm tay ngai tả hữu vững chãi cho Đất Tổ của các Vua Hùng. Ba Vì soi dòng Sông Đà hùng vĩ nhưng thơ mộng tạo nên cảnh quan sinh thái để cộng đồng cư dân Kinh, Mường, Dao qua ngàn đời lao động tạo nên cái căn cốt của Văn minh Sông Hồng qua biểu tượng “Núi Tản - Sông Đà”. Ba Vì là cái bao lơn thuận nhất để chiêm ngưỡng dòng Đà Giang uốn lượn dưới chân và phóng tầm nhìn vươn xa tới miền Đất Tổ.

Sự linh thiêng của Núi Tản khiến vùng đất Ba Vì trường kỳ giữ vẻ thâm u của một miền hương khói và tạo nên một sự yên bình cho cây cối và muông thú sinh sôi phát triển. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX, nó buộc phải thức giấc không chỉ vì tiếng súng xâm lăng của thực dân Pháp. Cái bất hạnh cho dân tộc Việt Nam thời thuộc địa là ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Nhưng điều may mắn cho Ba Vì là nền văn minh của nước Pháp đã làm thay đổi vùng đất này khi chính những con người xa lạ ấy đã nhận ra những tiềm năng và khai thác cái tiềm năng của Ba Vì một cách căn cơ. Phải chăng cái may mắn ấy cũng nhờ vào phúc ấm của Tiên Tổ và sự chở che của các vị Thánh bất tử (!?).

Bước vào thế kỷ XX, người Pháp tin chắc rằng đất nước này, xứ sở này sẽ mãi mãi là “lãnh thổ hải ngoại” của họ, nên những người cầm quyền cũng như những nhà thực dân đều nhìn nhận Ba Vì như một miền đất hứa, trước hết cho cuộc sống của chính họ, cộng đồng người Âu châu cần một không gian gần gũi về sinh thái và khí hậu như miền quê châu Âu xa xôi của họ. Và vẻ đẹp đầy quyến rũ của cảnh quan Ba Vì càng làm cho họ đầu tư nhiều hơn không chỉ tiền bạc mà cả trí lự vào vùng đất này.

Từ hiệu lệnh của viên Toàn quyền khai mở cho công cuộc khai thác thuộc địa là Paul Doumer (1897-1902) đòi hỏi các thuộc cấp của mình trên toàn Đông Dương phải phát hiện ra những không gian cư trú mát mẻ làm nơi nghỉ dưỡng cho người Âu, hàng loạt những địa danh được phát hiện. Chỉ có một đôi nơi gắn với biển như Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) hay Đồ Sơn, còn lại phần lớn trên lưng những ngọn núi rải rác từ Nam ra Bắc: Lang Bian (Đà Lạt), Mendel (Kontum), Bà Nà (Quảng Nam), Bạch Mã (Huế), Chapa (Lao Kay), Mẫu Sơn (Lạng Sợn), Tam Đảo (Vĩnh Yên) và xuống đồng bằng, gần nhất với Hà Nội, thủ phủ quan trọng nhất của Đông Dương khi đó, chính là Ba Vì (trước thuộc Sơn Tây và nay là Hà Nội).

                                                                Toàn cảnh cuộc tọa đàm: Phát huy giá trị phế tích Pháp tại Ba Vì

Để đạt mục tiêu khai thác, người Pháp đã ứng xử đối với Ba Vì với một sự nghiêm cẩn và khoa học, điều mà ngày nay chúng ta có thể học hỏi. Ngoài người khởi xướng, nói đến Ba Vì thời “Pháp thuộc” phải nhắc tới hai nhân vật tiêu biểu: Trước hết là một nhà khoa học, Paul Bert (1833-1886) khi còn là Thống sứ Bắc kỳ (1886) đã mời một nhà thực vật học Pháp danh tiếng là Benjamin Balansa (1825-1891) đến khảo sát Ba Vì. B. Balansa đã từng đi rất nhiêu nơi trên thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á và Bắc Phi, đã phát hiện và sưu tập được rất nhiều loài, giống mới cho các vườn bách thảo, bảo tàng mà cảm nhận của ông khi khảo sát Ba Vì được gói trọng một bức thư gửi cho người thân ở chính quốc:” Thảm thực vật ở núi Ba Vì thật là vô tận…Sau hơn một năm khảo sát, tôi vẫn chưa biết hết các loại thực vật ở đây. Ôi chưa bao giờ thấy một sự đa dạng như vậy! … Bắc bộ chắc chắn là nơi có thảm thực vật đa dạng nhât thế giới…Đây là một xứ sở tuyệt vời…” (thư 27-7-1887). Ông còn được Thống sử Bắc kỳ nhờ cậy sang xứ đảo Java (Indonesia) đưa giống cây Quinquinas về Đông Dương mà nơi trồng thử nghiệm đầu tiên chính là vùng người Dao sinh sống trên ở Ba Vì. Và cũng chính nhà bác học này đã đưa giống cà phê vào Đông Dương mà nơi đầu tiên trồng cũng là Ba Vì với lời dự báo “tôi cho rằng Bắc bộ là nơi thích hợp để trồng cây cà phê và cây chè”. Rất tiếc, cả Paul Bert (1886) và vị khách của mình là B. Balansa (1891) cũng lần lượt qua đời trên mảnh đất mà họ muốn gắn bó và công hiến lâu dài.

Cà phê, loại cây du nhập bắt đầu xuất hiện phổ biến ở phía Bắc, chỉ sau này mới phát triển mạnh ở vùng bzan Đông Nam bộ và Tây Nguyên, mà người trồng cà phê một cách quy mô và khoa học sớm nhất phải nhắc đến một nhà đầu tư Pháp đã chọn Ba Vì làm nơi lập nghiệp. Đó là doanh nhân Marius Borel nhà canh tác được tặng Bắc đẩu bội tinh và giữ chức Phó Chủ tịch Phòng Nông nghiệp Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ (Planteur-Chevalier de la Légion d’Honneur-Vice Président de la Chambre d’Agriculture du Tonkin et du Nord Annam). Trong khi khu vực rừng cây trong lõi Ba Vì được bảo tồn nghiêm ngặt, thì vùng ngoại vi dưới chân núi, cùng với việc quy hoạch trồng cây phủ xanh là việc lập những trang trại trồng trọt và chăn nuôi, khai thác lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất quanh Ba Vì thuộc 2 huyện Tùng Thiện (nam Thành phố Sơn Tây ngày nay) và Bất Bạt. Riêng Borel đã lập 13 trang trại rộng tới hơn 2 ngàn ha để chăn nuôi các loại gia súc gia cầm và trồng trọt các loại hoa màu cung cấp cho Hà Nội và sư dân sinh sống quanh vùng Ba Vì ngày càng đông theo chủ trương của chính quyền khuyến khích việc di dân, khai hoang lập ấp hay đồn điền ở vùng đất cao để thu hút cư dân đồng bằng vốn đông đúc lên sinh sống và lập nghiệp. Đặc biệt, gắn với tên tuổi của Borel là những đồn điền trồng cà phê mà Balansa đã đưa về thử nghiệm thành công. Khai thác lợi thế của đất đai và cả nguồn nhân công rẻ mạt, Borel không chỉ mở rộng kinh doanh mà còn thu hút được nhiều người đến đầu tư tạo nên sự trù phú của một miền bán sơn địa vốn hoang sơ. Khởi đầu việc khai phá từ năm 1898 của Marius đến 1940, riêng ở Tùng Thện đã có 31 đồn điền, nhưng chỉ có 2 là nghiệp chủ người Việt.

          Chính những thành công của các đồn điền Borel đã khởi đầu cho việc thực hiện mục tiêu của chính quyền là xây dựng một khu dân cư mang tính nghỉ dưỡng. Vào năm 1916, ông chủ đồn điền này được tỉnh Sơn Tây trao 15ha để quy hoạch một khu biệt thự mà tòa đầu tiên là chính của chủ đất. Khu biệt thự ở độ cao (cote) 400m ra đời từ đó.  Đến năm 1936, những thay đổi to lớn của công cuộc khai thác thuộc địa và sự hình thành khu quân sự quan trọng nhất ở Bắc kỳ được lập tại Tông (Sơn Tây), khiến chính quyền thực dân quyết định sẽ giành một không gian có giới hạn ở độ cao hơn (cote 600) phục vụ việc nghỉ dưỡng ưu tiên cho giới quân nhân và các tướng lĩnh. Và một khu biệt thự nghỉ dưỡng kết hợp với cả nhu cầu phòng thủ khiến tại cote 600 còn có cả bãi đậu dã chiến cho máy bay và ụ pháo khống chế cả một vùng rộng lớn có vị trí quân sự quan trọng dưới cân núi nhìn về ngã ba sông ở Bạch Hạc…

          Ngoài 2 nhân vật trên không thể không nói đến các quan chức trông coi vùng đất Ba Vì. Từ viên công sứ Sơn Tây (Muselier) đã mở đường lên đỉnh núi cao nhất phát hiện trong cây cối rậm rạp phế tích của ngôi đền cổ thờ vị Thánh chủ vùng đất này. Năm 1902, ngôi đền được trùng tu và một con đường được khai thông từ chân lên đỉnh núi. Nhưng chỉ không đầy nửa thế kỷ sau, nó lại rơi vào hoang phế cho đến mãi sau này một ngôi đền khác mới được thay thế…Các vị công sứ tiếp theo là người tổ chức quản lý và giám sát việc xây dựng không chỉ khó khăn về vật tư mà phức tạp nhất vẫn là điều hòa lợi ích của các chủ đất với chính quyền mà không làm tổn hại đến khôn gian của vùng đất Ba Vì vừa linh thiếng đối với người vản xứ lại chứa đựng nhiều tài nguyên Thiên nhiên cần được bảo tồn…

     Chính tại vùng đất đầy sức lôi cuốn này, vào mùa Hè 1940, khi Chiến tranh Thế giới đã bùng nổ, nước Pháp ở chính quốc đã đầu hàng phát xít, ở thuộc địa đang bị sức ép của Nhật, người Pháp đã mở thêm không gian ở độ cao hơn (cote 800) để đưa lớp trẻ thuộc địa lên mở trại hè không chỉ để giải trí hưởng thụ vẻ đẹp thiên nhiên mà còn chốn tránh những áp lực của thời cuộc, níu kéo ảnh đẹp của nước Pháp. Các trại hè tiếp tục được diễn ra ở vài năm sau… Viên công sứ cuối cùng (Tucat) vẫn nghĩ đến một viễn cảnh xa hơn với việc khai thác cả ở độ cạo trên đỉnh (từ cote 1000) mà nhiều công việc đã được triển khai… Ông viết điều đó trên tờ báo đắt khách đương thời (Indochine Hebdomadaire Illustré) để quảng bá… Nhưng rồi tất cả chấm dứt khi chế độ phát xít đầu hàng, chế độ thuộc địa bị sụp đổ và nước Việt Nam giành được Độc lập.

Một bước ngoặc lịch sử mở ra và được đánh dấu bằng sự tàn lụi của khu nghỉ dưỡng đẹp đẽ này, chiến tranh do những phần tử thực dân muốn níu kéo lại chế độ thuộc địa đã lỗi thời, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bảo vệ nền độc lập chấp nhận hy sinh tất cả. Những biệt thự mà phần lớn chủ nhân là người Pháp bỏ đi để lại sự hoang vắng rồi chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” khiến người dân sẵn sàng đập bỏ tất cả cái gì bị gọi là tàn tích chế độ cũ với niềm tin sẽ dựng lại một khi nước nhà hoàn toàn độc lập. Nhưng thực tế không như mong ước, phải một thời gian rất dài sau đuổi song giặc Pháp (1954) lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh 20 năm đánh Mỹ, rồi triền miên cầm sung để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ… cộng với những khó khăn về kinh tế cũng như hạn hẹp trong nhận thức, phải đến công cuộc Đổi Mới mới dần được thay đổi.

Ba Vì đã trở thành một khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt của nhà nước và sự hỗ trợ cũng như giám sát của thế giới. Câu chuyện còn lại là dấu tích những nền nhà rải rác trong rừng sâu, ngoài cote 400 nay đã thành một thị tứ khá xầm uất nhưng cũng vô cùng bừa bộn, là ứng xử như thế nào để phục hồi lại những gì đã từng có nhưng để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của những người Việt Nam năm xưa khó đến được chốn này, cũng như du khách từ phương xa tới biết được một khu nghỉ dưỡng đẹp đẽ của những người cũng từ phương xa tới dựng lên chỉ để phục vụ cho chính họ…

          Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp. Những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì, với tiêu trí giữ được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Với những giải pháp kiến trúc hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan núi rừng, đã phần nào khơi dậy một giải pháp khả thi cho việc bảo tồn và phát triển, phải chăng đó cũng là một cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, vận dụng, khơi nguồn cho những bước phát triển tiếp theo để có được đáp án khả thi cho bài toán bảo tồn và phát triển.

Với sự thận trọng từng bước đã và đang được chính quyền, các cơ quan chuyên môn cùng một số nhà đầu tư tâm huyết trong đó có Tập đoàn Mélia thử nghiệm với mong muốn sự phát triển luôn đi cùng sự bảo tồn và ngược lại. Chắc chắn để giải bài toán khó ấy, Trải nghiệm của Quá khứ chính là Ký ức của Tương lai sẽ giúp chúng ta rất nhiều cùng với sự phụ họa của Mẹ Thiên nhiên và sự phù trợ của Thân linh của Ngọn Ba Vì./

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *