Văn học với đời sống

18/9
7:53 AM 2020

LANG THANG TRONG CÕI VÔ HÌNH

LÊ HẢI ĐĂNG-Tây Nguyên vốn là vùng đất thần bí, hấp dẫn những người ưa khám phá. Khi nhà dân tộc học người Pháp Codominas đặt chân tới đây vào năm 1948, Tây Nguyên đang còn trong thời kỳ văn hóa thị tộc, nguyên thủy. Vẻ hoang sơ và sức hút mãnh liệt của nơi này đã níu chân ông suốt nửa đời người và kéo dài chặng đường sự nghiệp lẫy lừng của mình.

                                                                             Ảnh: nguồn Internet- trang du lịch

Nhà nghiên cứu Jean Boulbet tới Bl’ao cũng với hành trang Dân tộc học đã phát hiện ra xứ sở thần linh trên địa bàn cư trú của người Mạ, Jacques Dournes đi qua miền mơ tưởng Jarai…

Tôi đi theo con đường mòn văn hóa mà tiền nhân đã khai phá đến vùng đất Tây Nguyên với tâm trạng háo hức, không kém phần hiếu kỳ. Đêm đầu tiên lưu trú tại một ngôi nhà người K’ho ở thị xã Sơn Điền, thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Nhà người K’ho thường làm bằng gỗ, cất sát mặt đất, khác với những ngôi nhà “cao cẳng”, phía dưới có gầm trống chăn nuôi gia súc của người Bana Chăm (Chăm - H’roi) vùng núi Phú Yên. Tôi nhìn ngó xung quanh như kẻ trộm tìm kiếm căn cứ cho cuộc hành trình khám phá đầy hối thúc. Song, không gian cư trú của người K’ho đơn sơ, hoang vu đến mức trống trải. Nó không khỏi khiến người quan sát ngỡ ngàng, thậm chí thất vọng. Chủ nhà mời khách uống nước rồi ra đồng làm việc. Tôi tự loay xoay với cuốn sổ trên tay, không biết phải khảo tả đối tượng gì trước không gian hoang vắng?

 

Bước ra ngoài sân, bốn bề xung quanh đều là rừng, núi, mây mù che phủ, ngôi làng lọt thỏm giữa thung lũng hình lòng chảo như bị thế giới cô lập. Ban đêm, ánh trăng rọi vào tận giường ngủ là một tấm phản đặt giữa ngôi nhà, dành riêng cho khách quý. Đêm đầu tiên, Người đưa tin dặn tôi không được nằm quay chân ra cửa. Trong bụng nghĩ thầm, cha này đúng là nhiễu sự! Nằm quay chân hay đầu vào đâu có khác gì nhau!

Sự thật không phải lúc nào cũng như vậy. Người Việt có tập tục không được nằm quay chân vào bàn thờ. Sự khác biệt ở đây là, đồng bào Tây Nguyên không cần đến sự ủy thác vào những đối tượng ngoại tại nhằm tìm kiếm khả năng hướng tâm. Tất cả khơi gợi ý niệm mông lung về sự tồn tại của thế giới vô hình thông qua hành vi ứng xử. Điều đó chứng tỏ, không phải lúc nào sự trỗi dậy của cái tôi bên trong hành trang văn hóa mang theo đến vùng đất lạ cũng có giá trị. Chúng ta không thể cứng đầu, “chấp” vào những thói quen đã thuộc làu trong cung cách ứng xử. Bởi vậy, câu nói “nhập gia tùy tục” của người xưa xem ra vẫn còn tìm thấy điểm tựa trong trường hợp này. Tôi lấy màn quấn chặt vào người nhằm chống lại cái lạnh tê tái vào ban đêm giữa núi rừng Tây Nguyên.

Hôm sau chính thức bắt tay vào hoạt động tác nghiệp với Bảng hỏi trên tay tập hợp những câu hỏi rút tỉa từ mớ kiến thức nghiên cứu tín ngưỡng người Hoa. Nghiên cứu tín ngưỡng người Hoa, người ta không khỏi choáng ngợp trước hệ thống thần linh đa tạp, không kém phần nhiêu khê, bày biện lắm sự! Đi vào không gian tâm linh người Tây Nguyên, tất cả là một sự giản dị đến lạ lùng. Thần linh chẳng hề trú ngụ bên trong các di tượng, không có một hình tướng cụ thể nào để tạm trú hay tạm vắng sau nghi thức hành lễ, kể cả Yang, vị chúa tể có quyền uy bao trùm đời sống tinh thần cũng chỉ ẩn hiện trong cõi vô hình. Trên ngọn cây nêu treo nhúm lông gà bay phất phơ trước gió có khả năng hấp dẫn, thu hút cả đoàn người “rồng rắn” thực hành nghi lễ. Yang như một âm bản phản chiếu qua tâm thức con người. Yang koi, vị thần lúa chan chứa yêu thương cũng không hiện hữu, chỉ hiển thị qua lời cúng. Bởi vậy, Yang không thuần túy là một đơn vị thần, mà tập hợp nhiều thần linh, có lúc là Yang Bri (thần rừng), Yang Bnơm (thần núi), Yang hiu (thần nhà) hay Yang mat tơngai (thần mặt trời)… Tất cả các vị thần này đều có chung một đặc điểm: không hiện hữu.

Lịch sử đã ghi nhận, ngay cả những tôn giáo lớn trên thế giới thời kỳ đầu đều chưa xuất hiện tượng thờ. Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt sau 500 năm vẫn chưa xảy ra tình trạng phỏng theo hình người để tạc tượng. Tới khoảng thế kỷ I đầu Công nguyên, tượng thờ mới bắt đầu hình thành. Trong quá trình phát triển bộ môn Đồ tượng học Phật giáo đã sản sinh thêm những nguyên tắc điển hình về tư thế, kiểu dáng, như: “Hành như phong” (Đi như gió bay); “Lập như tùng” (Đứng như cây tùng) “Tọa như chung” (Ngồi như chiếc chuông) và “Ngọa như cung” (Nằm như cánh cung). Tượng thờ giúp cho người tu hướng tâm, nhưng cũng dễ dàng khiến họ ngày càng xa rời bản tâm, tìm kiếm giá trị ngoại tại, những thứ nằm ngoài ngôi nhà tâm linh.

Đồng bào Tây Nguyên cho đến nay, sau khi đã du nhập Thiên chúa giáo, Tin lành, Phật giáo… nét văn hóa sơ khai, hồn nhiên vẫn tiếp tục ngự trị. Công cuộc khai phá vùng văn hóa Tây Nguyên diễn ra suốt thế kỷ qua, người ta vẫn chú ý vào những đối tượng thờ tự quyền uy, đóng vai trò tín lý quan trọng, nhưng rốt cuộc, các vị thần đều lẩn trốn đâu mất! Ẩn hiện qua lớp màn tập quán sinh hoạt cộng đồng, lễ hội là những dạng thức văn hóa tập thế, chan chứa nét hồn nhiên, cộng cảm để từ đó, các vị thần bước ra.

Trong nghi lễ Thổi tai hay lễ Đặt tên con của người Stiêng, già làng được cha mẹ đứa trẻ mời tới tiến hành nghi thức. Trước tiên, già đọc lời cúng xin phép thần linh và tổ tiên chứng giám trước sự hiện diện của toàn thể người thân trong gia đình. Sau đó, già ngậm một ngụm rượu phun vào tai đứa bé. Bài học đầu tiên về kỹ năng lắng nghe qua màn nghi thức vô cùng giản dị. Rồi già tắm cho trẻ, lấy rượu đổ từ trên đầu xuống, những thành viên khác bắt đầu tấu chiêng, thổi M’buốt nhằm truyền đi thứ âm thanh linh diệu vào tai đứa bé. Trong tác phẩm “Rừng, đàn bà, điên loạn”, nhà Dân tộc học người Pháp Jacques Dournes nghiên cứu về tộc người Jarai mô tả nghi lễ này mang ý nghĩa khai tâm. Chủ lễ là một bà đỡ, dùng một cuộn chỉ bông đặt sát vào tai đứa trẻ, sau đó nhai nát gừng rồi thổi qua lỗ bảy lần, đi kèm với nghi thức là lời khấn thần linh. Nhiều tộc người vùng sơn cước chon von vốn được mệnh danh tư duy bằng tai. Như người K’ho đề cao những người có nhiều chuyện trong tai (ghe gen nau tam tor); có cái tai biết cách ngôn (tor git nau gau) hay người Jarai có cái tai thông hiểu để nhớ... Bởi vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà người Tây Nguyên thường có năng khiếu về âm nhạc! Lễ đặt tên con còn có ý nghĩa ghi nhận thành viên mới chính thức gia nhập cộng đồng bằng một danh xưng. Tên gọi này có thể lựa chọn từ những người đã khuất trong dòng tộc nhằm duy trì “nguyên mẫu” qua những hình hài khác nhau. Mặt khác, nó hướng tới sự cố kết bằng sợi dây tình cảm, để “người chết nối linh thiêng vào đời” tham gia với vai trò bảo trợ.   

Trong nghi thức thách cưới của người Stiêng, đại diện hai bên nhà gái, nhà trai ngồi đối diện nhau cách một chiếc bàn đặt giữa sát nền đất, nhà gái (thường là người cha) trên tay cầm chiếc gậy giống như thước gỗ, miệng lẩm nhẩm bẻ ra thành từng khúc ngắn tượng trưng cho lễ vật mà nhà trai sẽ chuẩn bị. Trên bàn chẳng hề có vàng bạc đá quý, tiền hay ngân phiếu… Tất cả chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, căn cứ vào số lượng que, nhà trai sẽ mang đến cho nhà gái những lễ vật tương ứng với rượu, heo, trâu… Và giá trị thực của món quà nhận được còn tùy thuộc vào niềm tin trong tâm hồn mỗi người. Nhờ vậy, người ta đã chạm vào cõi vô hình, tạo tiền đề dựng nên miền huyễn tưởng, thế giới cho thần linh trú ngụ.

Âm nhạc, các câu thần chú được dùng làm phương tiện giao tiếp với thần linh. Trong mọi nghi thức đều không thể thiếu vắng âm nhạc, thần chú. Trên đường lên rẫy thực hành nghi thức cúng thần lúa của người Stiêng. Già làng chặt một đốt tre ngắn, dài chừng 10cm làm thành cây sáo thổi tý toát vài tiếng.

Tôi bèn hỏi: Thổi như thế để làm gì?

Để mời thần linh? Già trả lời.

Tôi hỏi: “Làm sao biết được thần linh có về hay không”?

Nếu trời mưa thì thần sẽ về. Già trả lời.

Tôi mải miết leo tiếp lên đỉnh ngọn đồi cao, nơi người S’tiêng chừa lại khoảnh đất trồng lúa nương cúng thần. Chưa kịp lên tới nơi, trời đã tập kết mây đen làm một trận mưa xối xả. Mấy người đi theo vội vã chạy vào chiếc lán nhỏ dựng tạm bên lưng đồi trú mưa. Cảnh núi rừng hùng vĩ, mịt mùng chìm khuất trong mưa. Sông La Ngà mất hút sau màn mưa rơi dày đặc, phủ kín đất trời. Ngồi trong lán chờ cơn mưa tạnh, lòng nghĩ ngợi miên man và nhiệm vụ còn lại tôi dành cho trí tưởng tượng.

 

NGUỒN: VĂN HÓA NGHỆ AN

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *