BÁC ISTVAN- TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN LAM THỦY
Trời mới sang xuân còn lạnh lắm, tuyết vẫn rơi nhẹ trên các mái nhà, cành cây...tiếng chim hót vẫn còn thưa thớt. Kaci nghĩ: Lẽ nào bác lại đi nghỉ xuân chăng? hay về quê, nhưng về quê thường một hai ngày? Cả mấy chục năm ở đây chưa bao giờ thấy bác đi nghỉ đông hay nghỉ xuân, mà thường nghỉ vào mùa hè hoặc mùa thu. Thấy lạ, Kaci hỏi những người hàng xóm bên cạnh nhà bác Istvan, họ cho biết bác mất hơn cả tuần nay rồi.
Trưa hôm ấy, bác vừa nấu mẻ rượu bằng những quả anh đào chua và lê. Nấu xong mẻ đầu tiên của năm, rất thơm và ngon, bác đưa sang biếu hàng xóm, mỗi nhà một lít. Sau đó bác ngồi ăn cơm cùng một người bạn tri kỷ như mọi ngày. Đang vừa ăn vừa trò chuyện vui vẽ, uống ly rượu mới nấu, thường ngày trong buổi ăn trưa bác uống hết hai ly, nhưng hôm đó chưa cạn ly đầu tiên, tự nhiên bác cảm giác thức ăn nhẹn ở cổ họng rồi gục đầu xuống bàn ăn, vẫn tư thế ngồi hai tay đặt lên bàn, và nhẹ nhàng ra đi trong giây lát. Bạn bác vội vàng gọi xe cấp cứu đến. Chưa đầy năm phút, chiếc xe cấp cứu màu vàng đèn hiệu nhấp nháy kéo còi inh ỏi đến trước cổng nhà bác. Dù lúc đó bác đã tắt thở, các bác sỹ, y tá khấn trương đưa bác lên băng ca, đặt mặt nạ lên mũi để hô hấp nhân tạo, nhưng tim, phổi không có dấu hiệu hoạt động trở lại, họ nhanh chóng tiêm thuốc trợ tuần hoàn rồi dùng máy sốc điện đặt lên vùng tim, làm ba lần nhưng tim bác Istvan vẫn không đập. Dẫu biết bệnh nhân đã chết nhưng các bác sỹ, y tá cấp cứu làm đúng trình tự trong 20 phút theo luật cấp cứu Hung, nhưng tình trạng của bác vẫn không hề thay đổi. Bác sỹ, y tá khám nghiệm tử thi xong và xác nhận bác chết một cách tự nhiên, không phải bị tai nạn hay bị sát hại. Họ đặt bác lên giường và phủ lên người bác một tấm vải trắng rồi họ gọi về trung tâm nói về trình trạng của bệnh nhân rồi ra đi. Chừng 30 phút sau, một chiếc xe màu đen đến cùng hai người đàn ông lực lưỡng khiêng bác đặt vào một chiếc hòm i noc có nắp đậy kín, đưa bác đến nhà xác của bệnh viện gần đó.
Cuộc đời của một người 90 năm nghe thật dài nhưng cũng thật ngắn ngủi. Bản chất bác là một người siêng năng, cần cù, lúc nào cũng thích làm việc một cách chăm chỉ, cẩn thận trong mọi hoàn cảnh và rất yêu cuộc sống. Mùa nào việc nấy, cắt cỏ trong vườn, cắt tỉa hàng cây cảnh, dọn vườn, tưới nước cho cây...Cứ trước mùa đông, bao giờ bác cũng cắt những cành cây khô của cây anh đào, cây táo, cây lê. Vợ bác kém bác năm tuổi đã mất bốn năm nay rồi do bệnh cao huyết áp, tai biến mạch máu não. Từ ngày vợ mất bác rất buồn và cô đơn lại càng siêng năng, cần mẫn hơn dùng công việc cho khuây khỏa. Khi thì hì hục tự sửa xe cho mình, lúc thì sửa xe cho những người hàng xóm. Bác quen sửa những xe đời cũ như Lada, Trauban, Skoda..., còn những xe Đức, xe Nhật đời mới rất tiên tiến, kỹ thuật số thì không sửa được. Cách đây mấy tháng, xe của Kaci bị hỏng, không nổ máy được, gọi bác xem giùm, bình ác qui bị hỏng, bác xem qua bao nhiêu Watt, bao nhiêu Volt, bác không đo chiều dài, chiều cao bình ác qui nên mua về to hơn bình ác qui cũ. Bác định cưa giá đặt cho vừa bình ác qui mới. Kaci thấy vậy không đồng ý, bảo bác đừng làm vậy rồi bảo bác đi đổi lấy bình ác qui mới đúng như cái cũ. sửa xong như mọi lần bác thường chạy thử, cho xe chạy nhanh lên rồi phanh gấp, kiểm tra hệ thống chiếu sáng, đèn xin đường...Bác không bao giờ lấy tiền công. Bác định ôm bình ác qui cũ đưa về kho nhà bác. Thấy vậy, Kaci sợ quá bảo bác:
-Bác đừng làm như thế ác qui nặng 15 kg mà kích thước nhỏ rất dễ bị rơi xuống chân. Bác hãy dùng chiếc cút kít mà chở.
Bác thấy đúng, về lấy chiếc xe cút kít cũ của bác từ thời chiến tranh Thế giới thứ II để lại, chở bình ác qui về. Hễ cứ thấy ai vất đi một vật gì bằng sắt, nhẹ thì dùng tay mang về, nặng thì bác cũng dùng chiếc xe này để chở về kho. Trong kho có đủ thứ toàn bằng sắt. Nguyên ắc qui đã có khoảng vài chục chiếc. Sau khi bác mất, họ hàng của bác đem những đồ sắt mà bác nhặt về kho bán được hơn 15.000 USD.
Vì nhà Kaci chơi thân với nhà bác Istvan nên bác thường qua lại. Bác không chỉ giúp sửa xe mà giúp sửa hàng rào, hay cắt tỉa những nhành cây vào lúc đầu xuân, mùa hè hái quả anh đào, mùa thu thu hoạch lê, đào thu, mùa đông cào tuyết ở lối đi qua nhà Kaci-theo luật của Hung lối đi qua nhà mùa đông có tuyết rơi phải cào sạch, nếu không cạo có người đi qua ngã thì chủ nhà phải chịu hoàn trách nhiệm... Bác Istvan thường xin Kaci anh đào chua và lê về nấu rượu. Lắm lúc Kaci cũng sợ: Bác Istvan vào tuổi 90, dù còn khỏe, minh mẫn, sáng suốt và nhanh nhẹn, nhưng ai mà biết được có chuyện gì xảy ra trong lúc trèo thang lên hái quả. Nếu bác lên cơn đau tim bất thường hoặc ngã thang, bị tai nạn chết thì theo luật mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Mà ai có thể chứng minh được bác tự ngã hay bị ai làm ngã. Lúc đó mình sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự: cố tình gây chết người. Những năm gần đây Kaci không dám để bác trèo lên cây mà bảo bác nhặt những quả đã rụng dưới gốc mang về, bác không hề tự̣ ái hay phật lòng.
*
Mùa xuân 1942 dưới sự chỉ huy của Thống soái Đức Weicls, hơn hai triệu quân Đức, Ý, Slovakia, Rumani, Hung mở trận đánh lớn nhất ở phía nam Liên Xô với chiến lược chiếm Thành phố Stalingrad và dãy núi Capkaz rồi tiến về Bacu nơi có trữ lượng dầu lửa rất lớn. Rồi từ đó đánh thọc sâu từ phía nam hòng chiếm Máxcơva. Quân Hung gồm có hai đại đoàn quân dưới sự chỉ huy của đại tướng Jany Gustav, với lực lượng hùng hậu 207500 quân với nhiều quân chủng đã dễ dàng thôn tính toàn bộ phía nam Ukraina. Bác Istvan vui mừng hồ hởi với chiến thắng, cùng trung đoàn kỵ binh của mình đánh thọc sâu vào lưu vực sông Đông. Đầu năm 1943 lực lượng hùng mạnh của quân đội Xô Viết phản công như vũ bão, với tên lửa Cachiusa, xe tăng T34,... dựa vào lúc thời tiết lạnh khắc nhiệt của mùa đông lạnh -30 đến -40 độ C, quân Hung chết như rạ (147971 chết, bị thương 40551, bị bắt là tù binh và mất tích 26000). Trung đoàn kỵ binh của bác không thể chống đỡ nổi trước sức phản công của quân đội Xô Viết. Bác được chỉ huy giao nhiệm vụ chạy về phía sau mặt trận xin chi viện của quân Đức, Ý. Lúc đó là buổi chiều tà, ánh nắng mùa đông nhạt nhẽo, tuyết phủ dầy, con ngựa không thể chạy nhanh, mũi thở phì phì hơi nước thở ra đông thành đá. Istvan giật dây cương, tay đập mạnh vào cổ, con ngựa cố nhảy chồm lên phi nước đại được một lúc rồi khựng lại, chạy chậm lại theo sức của mình. Một mình trên lưng ngựa, Istvan lắm lúc rùng mình vì lạnh quá, hai tay ôm lấy cổ, bờm để thân mình áp sát vào thân ngựa may ra ít nhiều có hơi ấm của nó. Istvan điều khiển nó chạy qua rừng thông bát ngát xanh rì có con đường nhỏ lờ mờ đầy tuyết phủ, sau đó qua cánh rừng bạch dương trắng không có một lá cây, mắt thỉnh thoảng ngoái lại nhìn về phái sau nơi đã đi qua, cố quên đi trận đánh vô cùng ác liệt lúc giữa trưa, nhưng nó vẫn ám ảnh trong đầu, những đồng đội chết vắt bên chiến hào đầy máu me, có người mất cả hai chân, có người mất đầu, những con ngựa chiến kêu rống lên, sùi bọt mép, mắt trừng trừng, máu trào ra từ miệng... rồi tắt thở. Sự im lặng của rừng lại làm Istvan càng lo lắng sợ hãi hơn. Con ngựa thở phì phì, cố chạy nhanh hơn qua một vùng bằng phẳng mênh mông băng tuyết phủ dầy, chân lún sâu không thể nào nhanh được. Dù biết đấy là cái hồ, nên đi đường thẳng bao giờ cũng nhanh hơn. Qua cái hồ con ngựa chạy lên bãi đất cao, xa xa hiện lên những túp lều bạt màu xanh dã chiến, có những ánh lửa màu vàng nhạt, làn khói mỏng bay lên, Istvan mừng và sung sướng vô cùng, thoáng nghĩ sắp đã đến nơi đóng quân của lính Đức hay lính Ý. Istvan không ôm cổ ngựa nữa mà ngẩng cao đầu lên. Bỗng một loạt súng vang rền, Istvan hốt hoảng dật mạnh dây cương cho ngựa phi nước đại. Tiếng súng lại nổ liên hồi nghe rõ và to hơn, Istvan nghe rõ tiếng rít của những viên đạn bay qua đầu. Con ngựa nhảy lồng lên rồi nặng nề ngã xuống lùm cây bên phải hất tung Istvan xuống đống tuyết bên đường. Trong khoảnh khắc Istvan cảm giác tê dại chân phải, đầu quay cuồng cố mở mắt ra lúc đó xung quanh có nhiều người du kích mặc áo bông, quần bông màu trắng tay lăm lăm cầm súng đứng vây quanh. Một người trong số họ túm lấy cổ áo căm giận thét lên bằng tiếng Nga: ”mày là người Đức hả? Mày đã bị bắt!” Nghe xong bác lịm đi lúc nào không biết. Mấy ngày sau tỉnh dậy mới biết mình bị bắn vào chân phải và một viên đạn sượt qua vùng da trên đỉnh đầu đang nằm trong một quân y viện dã chiến của Hồng quân Liên xô. Khi vết thương đã ổn định, biết tự ăn uống và đi lại, cùng với những người tù binh hỗn hợp Hung, Đức, Ý, Rumani... Istvan được dẫn về hậu cứ, đưa lên ô-tô không có ghế ngồi, phải ngồi xuống sàn xe. Đoàn tù binh được chở đến một ga xép cách đó rất xa. Khu nhà ga đầy những vết bom đạn. Tháp chuông nhà thờ bên cạnh ga gãy xuống đất, cây cối ngã ngỗng ngang. Trên sân ga không một bóng hành khách mà chỉ thấy toàn là lính. Một người cận vệ cầm súng đứng gác quát đoàn tù binh:
-lên tàu nhanh! Máy bay Đức sẽ đến bây giờ!
Istvan cầm túi nhỏ bước nhanh lên toa tàu. Khi đoàn tù binh đã lên hết, các cửa và cửa số toa tàu được khóa chặt và nhiều người cận vệ cầm súng đứng gác. Cả tiếng đồng hồ tàu vẫn nằm im trên sân ga. Trời càng về chiều càng lạnh khủng khiếp. Lúc một đoàn tàu đi ngược lại lao vun vút về phía tây, các toa tàu chở đầy xe tăng, pháo, đạn dược, binh lính... Khi đoàn tàu đó đi qua, người công nhân đường sắt mặc áo lính đã ngã màu thận trọng bẻ ghi và phất cờ, đoàn tàu chở tù binh chuyển bánh, nhẹ nhàng lướt qua ga đi về hướng Xibêri. Tàu chạy được một lúc, mệt quá Istvan ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh giấc trời vừa rạng sáng, trên bầu trời những trận không chiến giữa Đức và Xô viết vẫn diễn ra vô cùng ác liệt. Ngồi trên tàu Istvan nhớ về quê hương tha thiết. Quê Istvan đẹp lắm cách Budapest hơn 150 km, là miền đồng bằng lớn nhất của nước Hung, bằng phẳng trù phú phì nhiêu nằm bên cạnh dòng sông Tisa thơ mộng nước xanh trong. Có những mùa đông băng giá phủ dầy, con người có thể đi trên băng qua sông. Nơi đây là vựa lúa mì lớn nhất của nước Hung. Mùa xuân màu tím của hoa đào, hoa mộc lan, màu trắng hoa lê, anh đào...Sang hè những cánh đồng bạt ngàn màu vàng của hoa hướng dương, hoa cải, màu tím của hoa levendơ. Chính nơi đây là nơi cung cấp phần lớn lúa mì, hạt hướng dương, hạt cải... cho cả nước Hung. Từ xa xưa đã có những làn điệu dân ca êm dịu mượt mà, những điệu múa rất đẹp của những đôi trai gái sau những mùa thu hoạch. Con người nơi ấy thật cần cù, hiền lành chất phác. Istvan lớn lên từ đó, chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, Istvan bị bắt vào lính phải bỏ lại miền quê yêu dấu, bố mẹ và những người thân thương, bạn bè...
Sáu ngày sau tàu dừng lại ga của một thành phố nhỏ vẫn thanh bình, không có tiếng gầm của máy bay, xe tăng, và tiếng bom đạn. Istvan và những người tù binh khác được dẫn đến khu khai thác mỏ sắt nằm gần dòng sông Jenyisej làm việc ở đấy ba năm. Ở đấy khí hậu khắc nghiệt vô cùng, mùa Đông trời lạnh -50 độ C, băng dày trên sông mấy mét, trên băng tuyết phủ dày cả mét. Istvan kinh ngạc trước cái rét của Xibêri, nước bọt nhổ ra nổ vỡ ngay trong không khí, vết thương cũ ở chân thường xuyên nhức nhối, ăn uống thiếu thốn, công việc nặng nề vất vả gian nan, những lúc ấy thèm ánh nắng chói chang ở quê hương, thèm khát cái ăn...có rất nhiều bạn tù đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Istvan luôn có lòng tin vào đức Chúa Trời-đó là sức mạnh lớn nhất cho Istvan dũng khí và niềm tin ở tương lai. Istvan không bao giờ buồn và luôn tha thiết yêu đời, bằng lòng với cuộc sống cùng với sức chịu đựng phi thường của mình, nên sống được ba năm ở đây. Chiến tranh đã kết thúc Istvan được trao trả về Hung. Sau 5 năm xa quê nay được trở về, tim Istvan đập mạnh như muốn vở tung khỏi lồng ngực của mình, rồi cúi xuống hôn lên mảnh đất quê hương yêu dấu, úp mặt xuống dòng sông quê, rồi chạy tung tăng như trẻ con trên bãi sông, trên cách đồng lúa mì đang vào mùa thu hoạch, gặp ai cũng niềm nở vui mừng chào hỏi, kể cả những người không quen biết, hôn lên những gốc cây đầy kỷ niệm của tuổi thơ. Về đến nhà có nỗi sung sướng và hạnh phúc nào bằng khi ôm hôn bố mẹ, nước mắt chảy dàn dụa như chưa bao giờ được khóc. Istvan yêu quê hương như chính cơ thể mình, chính nơi đây sinh ra và nuôi Istvan lớn lên, từng thớ thịt, đường gân...được tạo từ giọt sữa mẹ, những hạt lúa mì, quả táo, quả lê, từ những giọt nước của dòng sông Tisa...
Hung lúc này là đồng minh của Xô Viết, Istvan dễ dàng được sắp xếp làm việc ở nhà máy sản xuất lốp cao su. Những tháng đầu làm thợ khuâng vác cao xu vào nồi đun. Sau đó quen việc dần được phân công vào đứng máy. Công việc không nặng nhưng phức tạp hơn nhiều. Với bản chất yêu lao động, say sưa với công việc, có chí tiến thủ, cái gì chưa biết tự mày mò, không thì học hỏi những người đã đi trước. Ở đâu cũng vậy không phải ai cũng tốt cả, có những người rất ác, mong có cơ hội là làm hại người khác. Có lúc quên quy trình và thời gian đổ cao xu vào khuôn Istvan làm hỏng cả hàng trăm kg cao xu, lúc đó có người đồng nghiệp rất biết vẫn không hề chỉ bảo. Istvan bị khiển trách rất nặng, suýt bị đuổi ra khỏi phân xưởng. Rút kinh nghiệm lại say sưa làm và học hỏi nhiều hơn. Qui trình nào chưa rõ lại tìm sách để ̣đọc. Nhiều lúc tự nguyện ở lại làm ca đêm không ăn lương. Chẳng bao lâu Istvan trở thành người thợ có tay nghề rất cao. Lúc này Istvan càng yêu đời tha thiết rồi lấy vợ cùng quê, vợ tên là Kati. Hai vợ chồng sống với nhau không có con cũng chẳng sao mà lại rất hạnh phúc. Istvan và Kati chỉ có xe máy Simson, cứ ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ thời tiết đẹp, hai vợ chồng lại vi vu hết thành phố này đến thành phố khác. Khi đã khá giả hai vợ chồng mua chiếc xe ô tô La Da màu đỏ. Trong xe Istvan lắp âm ly và cặp loa rất xịn với công suất rất lớn, thỉng thoảng về quê chạy xe ra cánh đồng rộng mở hết công suất để nghe cho đã những bài hát của ban nhạc Abba, Bonem hay những bài dân ca quen thuộc và yêu thích nhất của các miền quê Hung hay đi du lịch trong các nước Xã hội Chủ nghĩa đông Âu. Những ngày chủ nhật đến nhà thờ bận áo trắng dài tay để lộ ra ngoài bộ com lê màu đen rất lịch sự với chiếc cà vạt màu xanh sẫm, Kati cũng mặc rất đẹp duyên dáng khoác tay chồng cùng đi. Những ngày hè nhàn rỗi Istvan về quê câu cá, mang lên Budapest những con cá rất to mời bạn bè đến dùng nồi bằng gang treo lên giá sắt đun bằng củi ở ngoài vườn nấu canh cá với gia vị bột ớt đỏ, hành tươi, xương cá được xay nhỏ, viên xúp cá...thơm ngon đặc biệt-món ăn nổi và quen thuộc nhất của người Hung, ngồi ở ghế, bàn ngoài vườn dưới bóng cây tử đinh hương, ăn với bánh mỳ tươi tự làm. Vừa ăn vừa chơi đàn ghi ta, đàn gió và hát những bài dân ca rất quen thuộc với làn điệu mượt mà trong trẻo:
Mẹ yêu quý của con là đóa hoa hồng đang nở
Con là búp hoa hồng đẹp nhất,
đang nhú lên từ cành gai sắc nhọn
Màu nâu hồng như trẻ mới lớn lên
Khoe sắc mình rực rỡ giữa trời thu
Muốn tươi mãi chẳng bao giờ tàn lụi
Ôi yêu quá chẳng nói được lên lời...
Vườn nhà Bác không rộng nhưng trồng đủ các loại hoa. Mùa xuân đến, khi tuyết vẫn chưa tan trong vườn đã nhú lên từ lòng đất màu trắng của những bông hoa tuyết. Cuối tháng ba đầy màu trắng của hoa anh đào, hoa lê, màu vàng rực của ”hoa mưa vàng”-có nơi gọi hoa mai Cali, màu tím của những nhành đào, mùa hè đủ các loại màu hồng, màu trắng, màu vàng của các loài hoa hồng, màu tím thơm ngào ngạt của hoa tử đinh hương. Bác không chỉ chăm vườn hoa của Bác mà chăm cả vườn hoa của nhà thờ cách đó không xa. Lối vào nhà thờ có những hàng cây được Bác cắt tỉa vuông vức hết sức cẩn thận và công phu. Những cây thông cao vút, quanh năm xanh thẳm những ngày hè tỏa bóng xuống nhà thờ, mùa đông nặng trĩu tuyết trắng trên cành, vi vu với gió trời cùng tiếng chuông nhà thờ ngân nga từ tháp chuông cao vút. Sau nhà thờ có khoảng đất trống, bác chia ra nhiều luống, luống trồng hoa, luống trồng các loại rau. Từ mùa xuân đến cuối mùa thu khi nào cũng có hoa đưa hương thơm thoang thoảng. Từ ngày về hưu cả hai vợ chồng, trừ những ngày đi chơi xa, còn những ngày trong tuần chăm chỉ làm vườn trong nhà thờ, chỗ thánh đường lúc nào cũng có hoa tươi do vợ chồng bác trồng. Hoa quả thu hoạch trong vườn đem đi bán, tiền thu được đem về thả vào thùng quyên tiền công quỹ của nhà thờ, không hề để lại cho mình một xu. Mấy năm gần đây, sau khi bác gái do bệnh cao huyết áp gây tai biến mạch máu não, yêu thương vợ không quản gian nan vất vả đem vợ chữa bệnh hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hàng năm trời, nhưng số phận trời đã định vợ bác mất trong vòng tay của bác. Bác đưa vợ về an táng ở quê. Một mình bác lại chăm chú cần mẫn hơn chăm sóc trong vườn của nhà thờ. Hoa bây giờ được chia làm ba phần: phần cho nhà thờ, phần cho vợ và phần bán gây tiền công quỹ. Cứ hàng tháng bác lại đem hoa về viếng mộ vợ cách Budapest 150 km, cũng may người già trên 70 tuổi ở Hung đi tàu xe không phải mất tiền.
*
Vào một sáng tháng ba trời vẫn còn rất lạnh, chiếc xe bus nhỏ chở Kaci và những người hàng xóm của bác đi về phía nam. Những vòng hoa chất đầy để phía sau ghi những dòng chữ thương tiếc bác. Xe lao nhanh trên đường cao tốc hơn 120 km về phía nam sau đó rẽ vào con đường nhỏ đi về phía đông, qua những làng nhỏ, những cánh đồng lúa mì màu xanh đang cố nhú lên khỏi tuyết, lất phất mưa bay, những đàn sếu đang bay về phía đông bên kia dòng sông Tisa có những cánh rừng còn trơ trụi lá, dòng sông đã tan băng hững hờ lặng lẽ trôi, đó đây có những cây ”hoa mưa vàng” đang hé nở những bông hoa đầu tiên…Xe dừng lại bên cạnh nghĩa trang, mọi người xuống đi bộ mang những vòng hoa đi qua đoạn đường dích dắc khi qua đường xe lửa, chỉ có xe chở quan tài mới được đi vào cổng chính khu nghĩa trang. Từ lâu lắm rồi, trước đấy 300 năm khi có người đến ở làng này người ta đã quy hoạch nghĩa trang. Theo quan niệm của người sống, nơi này là nơi ở vĩnh hằng của con người nên đẹp, trang trọng và thiêng liêng nhất.
Những cây bạch dương cao vút, cành mỏng manh trơ trụi khua nhẹ vào nhau trong làn gió xuân lạnh lẽo tạo ra những âm thanh rất lạ. Trong khu nghĩa trang có một ngôi nhà không to lắm, có một căn phòng rất trang nghiêm để đặt quan tài ở giữa. Quan tài được mở nắp, mọi người viếng lần lượt đi qua, người thân hôn lên trán bác Istvan. Đến lượt Kaci dùng tay thoa nhẹ lên trán bác, một cảm giác lạnh hơn cả băng giá bởi quan tài được bảo quản trong phòng lạnh gần -50 độ C. Mặt bác bình thản như đang giấc ngủ say. Sau đó người cha cố làm lễ, đọc kinh, nhắc những chặng đường bác đã đi qua rồi rắc nước thánh lên người bác Istvan. Nắp quan tài được đóng lại. Tất cả vòng hoa được đưa lên một xe, còn quan tài đưa lên xe khác. Cả đoàn người lặng lẽ tiễn bác ra chiếc mộ đã được mở nắp. Trong đó đã có mộ vợ bác. Quan tài được nâng niu nhẹ nhàng hạ xuống sâu. Những xẻng cát được phủ lên khắp quan tài dày hơn 1m và sau đó nắp mộ được đóng lại. Các vòng hoa đặt kín trên mộ hai ông bà. Đám tang từ đầu đến cuối không hề nghe một tiếng khóc, chỉ nhìn thấy những giọt nước mắt lăn nhẹ trên má những người thân. Bác đã được vào cõi vĩnh hằng, ở đó là miền cực lạc chẳng có chiến tranh, đau thương, chết chóc, chẳng có nỗi phiền muộn lo toan...
Budapest, một ngày đầu Thu 2016.
Nguyễn Lam Thuỷ