Văn học với đời sống

12/9
9:00 AM 2020

ĐÁNH THỨC NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA NGỦ QUÊN Ở 200 PHẾ TÍCH TẠI VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ

Cuộc tọa đàm khoa học “Phát huy giá trị các phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì” với sự tham gia của 150 đại biểu đã cho thấy, Vườn Quốc gia Ba Vì không chỉ là rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển và điều hòa khí hậu vùng Thủ đô, trong đó sự tồn tại của gần 200 phế tích mà người Pháp xây dựng khu nghỉ mát cách đây gần 100 năm mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử. Chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu của KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam tại hội thảo.

TỌA ĐÀM KHOA HỌC PHÁT HUY GIÁ TRỊ PHẾ TÍCH TẠI VƯỜN QUỐC GIA BA VÌ

KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam

          Thay mặt Ban Tổ chức, cho phép tôi phát biểu tổng kết Tọa đàm khoa học “Phát huy giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội”.

          1. Trước hết Ban Tổ chức rất vui mừng đón tiếp 150 đại biểu là những người am hiểu, gắn bó và có tình yêu với Vườn Quốc gia Ba Vì, đến từ các cơ quan Trung ương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch; Các nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn, kiến trúc, cảnh quan, các nhà ngoại giao, chuyên gia nước ngoài; Chính quyền thành phố Hà Nội, xã Sơn Tây, Ban Lãnh Đạo Vườn Quốc gia Ba Vì, các nhà báo, Truyền hình … Do điều kiện hạn chế đông người, phòng dịch  Covid-19, Ban Tổ chức không thể đáp ứng yêu cầu tham dự Tọa đàm khoa học của rất nhiều chuyên gia. Điều đó khẳng định Tọa đàm này thu hút sự quan tâm của nhiều người tại Việt Nam và Quốc tế. Trước hết, vì Ba Vì mang trong mình những tài nguyên hấp dẫn và có giá trị, thêm nữa vì nó đang bị lãng quên hay bỏ mặc.

          2. Tọa đàm đã được nghe các tham luận của các chuyên gia

          - Di sản Ba Vì, những hình ảnh sống của người trong cuộc, từng chứng kiến quá trình khai phá những năm trước 1945.

          - Những kho tàng về tài liệu thiết kế còn lưu giữ sẽ giúp chúng ta nghiên cứu, khai thác lịch sử phục vụ cho ngày hôm nay và mai sau.

          - Những đánh giá về giá trị của Ba Vì, cách tiếp cận về văn hóa, bảo tồn, cảnh quan, lịch sử, kiến trúc …

          - Những đề xuất về giải pháp quy hoạch, lịch sử, kiến trúc …

- Những đề xuất về giải pháp cần được xem xét để triển khai chương trình đầu tư, phát triển, đúng luật pháp, đúng với mục tiêu phát triển bền vững.

Qua ý kiến thảo luận có thể nhận dạng Vườn Quốc gia Ba Vì là một tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại cho nhân dân thủ đô Hà Nội. Ba Vì không chỉ là khu rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển và điều hòa khí hậu là lá phổi của vùng Hà Nội, chỉ cách Hà Nội 50-60km, mất 1 giờ di chuyển từ Hà Nội, mà quan trọng hơn nó mang trong mình nhiều giá trị:

+ Giá trị khí hậu (nhiệt độ trung bình quanh năm 23,40C; ở cốt 400 là 200C, cốt 1000 là 160C, cao tuyệt đối 31,10C;

+ Giá trị về cảnh quan: rừng với tầm nhìn về Hà Nội, tầm nhìn về Sông Đà, với các điểm cao. Đỉnh Vua (1296m), Đỉnh Tản Viên (1081m), Đỉnh Ngọc Hoa (1131m), ngoài ra còn đỉnh Viên Nam, đỉnh Hang Hùm, đỉnh Gia Dê ….; Cảnh quan của rừng – khe suối, sườn dốc – sông – đồng bằng xen nhau dưới mây và tán rừng …. tạo ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

+ Giá trị về văn hóa, lịch sử đặc biệt sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã được hình thành trên 80 năm. Các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với các địa danh như Ao Vua, Khoang xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn cho Thủ đô và vùng Thủ đô.

3. Ở nước ta, có nhiều Vườn Quốc gia tương tự như Ba Vì:  Tam Đảo, Sapa, Cát Bà, Pù mát, Bạch Mã, Bà Nà, núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo ….

- Chúng ta đã biến các nơi này thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào cả nước và quốc tế và thành khu du lịch đẹp, hiệu quả.

- Quay về Ba Vì, có lẽ chúng ta không thể không chạnh lòng đặt câu hỏi: Tại sao cách Hà Nội chỉ 60km – 1 giờ đi ô tô mà 20 – 25 năm nay Ba Vì không có nhiều đổi thay để phục vụ nhân dân.

- Là người gắn bó với Ba Vì gần 20 năm, tôi tự thấy mình có lỗi với Thủ đô, để di sản, tài nguyên ấy ngủ yên, và ngày càng bị lãng quên.

- Do chúng ta không có năng lực? không có nhu cầu? không có  tài quản lý?.. Đó là những câu hỏi đặt ra cho kho tài nguyên Ba Vì, mà Tọa đàm hôm nay các diễn giả đặt ra để tìm lời giải.

4. Tọa đàm đã tiếp nhận các ý kiến, đề xuất nhưng quy tụ lại là phải khai thác đúng và hiệu quả các tài nguyên của Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ nhân dân vùng thủ đô Hà Nội và cả nước tương xứng với vị thế và tiềm năng của Vườn Quốc gia Ba Vì.

- Tọa đàm đưa ra nguyên tắc:  Khai thác đi song song với bảo vệ, tôn tạo để tài nguyên phát triển bền vững và làm tăng giá trị của tài nguyên.

- Tọa đàm nhấn mạnh: Không tổ chức khai thác hiệu quả, chỉ lo bảo vệ rừng thì tài nguyên sẽ cạn kiệt, không có nguồn tái tạo, nuôi dưỡng cho phát triển bền vững và sẽ là lỗi lầm của thế hệ chúng ta để lãng phí tài nguyên.

5. Tọa đàm đã dành nhiều thời gian cho việc xác định các nội dung, giải pháp, bước đi để khai thác các giá trị của Vườn Quốc gia Ba Vì phục vụ nhu cầu của nhân dân.

- Về công tác quản lý: Bảo vệ rừng Quốc gia Ba Vì nằm trong nội dung của “Luật bảo vệ và phát triển rừng” trong đó đề cập việc quản lý, bảo vệ và phát triển và sử dụng rừng với tư tưởng đảm bảo phát triển bền vững dựa trên kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ và phát triển với khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tài nguyên rừng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và chủ rừng …. (Điều 8). Điều này được hiểu rằng Luật không cấm khai thác tài nguyên rừng và đòi hỏi sự hợp lý, khoa học trong khai thác để cuối cùng phát triển bền vững rừng Quốc gia.

- Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về khai thác tài nguyên tại Vườn Quốc gia Ba Vì, coi việc khai thác hiệu quả chính là bảo vệ, phát triển hiệu quả (không kéo dài, đưa ra quyết định, không có kết luận, không quyết định cho phép đầu tư theo dự án trình duyệt ….).

- Tọa đàm coi trọng việc xây dựng, xem xét, phê duyệt một bản quy hoạch xây dựng chi tiết về khai thác phế tích, phát triển dự án du lịch.

- Bản quy hoạch này cần cụ thể, chi tiết cho mỗi khu vực như tại cốt 400, làm rõ khu vực hạn chế can thiệp hoặc không xây dựng; Khu du lịch cộng đồng, các dịch vụ cho phép (cắm trại, nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi, trung tâm bồi dưỡng môi trường cho cộng đồng…).

- Quy hoạch chi tiết khu du lịch chất lượng cao (cốt 600 và 700), xác định những tiêu chí khống chế về mật độ, chiều cao, vị trí các công trình được khai thác, tôn tạo và những phế tích giữ lại...v.v …

- Quy hoạch về phát triển, hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan, bổ sung động thực vật để làm giàu tài nguyên thiên nhiên của Vườn.

- Quy định tính chất, thể loại kiến trúc khuyến khích phát triển, hướng đến kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên, hòa quyện với phế tích, quy mô nhỏ lẫn trong rừng, kết cấu nhẹ, thoáng và mềm được phân bổ theo tuyến, cụm để có hiệu quả trong phục vụ.

6. Các chuyên gia đề xuất các giải pháp khai thác phế tích phục vụ du lịch, theo các dạng:

- Cải tạo, xây dựng trên phế tích một công trình mới;

- Xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích;

- Giữ nguyên phế tích, cải tạo, nâng cấp để hình thành công trình mới với sự đan xen giữa mới và cũ, gắn với hệ thực vật bám vào phế tích. Cách làm này có thể cho chúng ta những không gian sống mới ấn tượng và đặc sắc.

- Giữ gìn phế tích thành điểm du lịch kèm theo bản giới thiệu về lịch sử ngôi nhà ….

Ngoài ra, nhiều chuyên gia phát hiện trên nền phế tích có cảnh quan đẹp để xây những công trình chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu du lịch, hội họp, tiếp khách chất lượng cao như khu du lịch Genting của Maylaysia (cách Kuala Lumpuar 56km) ở độ cao 1740m, nhiệt độ từ 15-250C) đem lại hiệu quả rất cao.

7. Để khai thác tài nguyên của Vườn Quốc gia Ba Vì, gắn liền bảo vệ rừng, tôn tạo, giữ gìn di sản văn hóa, cảnh quan và phế tích để lại, Tọa đàm coi trọng và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm và cả đạo đức của nhà đầu tư.

Qua khảo sát thực tế những công trình đã triển khai tại cốt 600, các chuyên gia đều hài lòng về phương pháp, năng lực tổ chức thực hiện của nhà đầu tư (Công ty TNHH phát triển công  nghệ và Nhà quản lý khách sạn Melia cho khu du lịch Le Mont Ba Vi Resort & Spa) Với gần 20 năm lăn lộn, bám sát dự án, đến nay cơ ngơi của  khu du lịch là quá khiêm tốn, chắc chắn nhà đầu tư phải cam chịu sự thua lỗ, chỉ có sự kiên nhẫn và tình yêu với Ba Vì thì nhà đầu tư còn tồn tại đến hôm nay.

Ở đây cần nhà đầu tư thông minh, có tâm, có tầm và tri thức, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu mà lấy hiệu quả và sự bền vững của dự án làm đích.

Ở đây còn cần những đồ án thiết kế từ những kiến trúc sư có tâm huyết, tài năng sáng tạo để tạo ra những tác phẩm sống mãi với thiên nhiên và thời gian.

8. Như vậy có thể kết luận rằng:

- Chúng ta có tài nguyên quý giá ngay bên cạnh thủ đô đáng được khai phá để phục vụ nhân dân.

- Là Vườn Quốc gia có giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên nên cần được bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo, khai thác và phát triển bền vững.

- Để phát triển được Vườn Quốc gia Ba Vì đúng luật pháp, đúng tầm và bền vững cần có 4 yếu tố:

+ Một chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời;

+ Một nhà đầu tư và nhà quản lý khai thác thông minh, có tâm, có tầm, chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm.

+ Cần những kiến trúc sư tâm huyết, có tài năng để có đồ án kiến trúc, cảnh quan tương ứng với quỹ tài nguyên đó (nhà tư vấn kiến trúc).

+ Cần sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hội của cộng đồng để phát triển bền vững.

Tọa đàm hy vọng và tin tưởng rằng, Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ không ngủ nữa, sẽ thức dậy rất nhanh để đem đến cho người dân thủ đô những sản phẩm đích thực để hưởng thụ, để duy trì sức lao động trong những mùa hè oi bức.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *