Vườn dừa có khóm hành xanh
Thăm bác Tư Sâm lần này là ngòai kế hoạch, không kịp mua thuốc sợi Pháp quốc làm qùa. Được mời về Mỹ Tho hội nghị một ngày, đang dở cơm khách giữa buổi, chợt nghĩ, bên kia sông Hàm Luông đã là bác Tư, nếu không sang Bến Tre mà bái sư thì từ nay làm sao dám nhận đã từng thọ giáo, đã được là học trò của ổng! Vậy là bỏ chai đế chưa rút tới đáy, hi sinh giấc trưa, kêu xe ôm rờ tua (tính cả tiền đứng cửa 15 phút chờ) đi liền!
Thật may, trong bị quẩy vai có sách mới của nhà xuất bản giáo dục, lấy biếu bác Tư đọc chơi, bộ hai tập Những truyện viết cho học sinh sinh viên. Đưa sách cùng lời thưa: “Đang dở cuộc thi, sách còn giấu tên tác giả, nhưng con đóan, người viết truyện Vườn dừa có khóm hành xanh trong sách này lấy vườn dừa nhà bác Tư làm bối cảnh, lấy chính bác làm nguyên mẫu cho nhân vật bà giáo già, bác Tư thử đọc coi, con đóan trúng không!”
Nhà văn Trang Thế Hy (bên trái) và nhà thơ Vũ Hồng
Tôi mới nghĩ ra liên hệ trên, lúc xe ôm dừng ở cống Thương Binh để tôi xuống hỏi đường. Cô bán quán thật xinh: “Kiếm ông nhà văn ốm nhách phải hôn?” Rồi bước hẳn ra đường chỉ tay: “Đứng đây cũng thấy nè. Chỗ vườn dừa đang lật lá”. Nhưng tôi sẽ giữa mãi ý này vì sự trùng hợp kì lạ, mà nếu có đọc truyện ngắn kia bạn sẽ thấy. Bác Tư nguyên là giáo sư Pháp văn thì bà giáo kẹo dừa trong truyện cũng đủ sức bút ghi câu chữ Tây vào tập thơ Jacques Prévert tặng ông bác sĩ ngọai kiều tới thăm vườn dừa nhà mình; Bà giáo trong truyện cung kính hai bằng Tổ quốc ghi công cùng cỡ, cái thờ chồng, cái thờ con, thì bác Tư của tôi cũng đã theo tới cùng hai cuộc kháng chiến, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ rồi mới rút về vườn dừa của mình cung kính nghề văn, dám tự tin cho một nhân vật nữ khác, một điệp viên cộng sản nằm vùng, đang hưu trí trong vườn dừa kia, lên tiếng chê học giả nào đó đã sai Hemingway khi dịch A Farewell to Arms của ông thành Giã từ vũ khí; dịch thành Vĩnh biệt chốn ba quân như một nhà văn khác cũng chưa hay, phải dịch theo giọng Nam bộ của bà Nghỉ chơi với súng ống thì cái sự mai mỉa chiến tranh mới thật thâm hậu. Nhân vật nữ điệp viên đẹp thần sầu kia có lí khi bà đã bằng súng ống giết chết thằng Việt gian người tình một đêm của mình. Nhưng buồn thay, cả trận chiến tình báo phức tạp kia lại để thẹo chiến tranh nơi tâm can bà, cắn rứt bà vì nỗi, đã chẳng được thủy chung như nhất theo khuôn mẫu một người vợ xứ dừa Đông phương để rồi cái sẹo ấy lây nhiễm căn bệnh buồn sang ông chồng chiến sĩ kiên cường của bà, trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, làm cho chính người đàn ông kia điêu đứng.
Bác Tư đang sống với cây dừa, nhưng không lẫn vào cây dừa. Đang sống như cây dừa, như một nông dân chân đất tay vê thuốc rê, nhưng phải là thuốc sợi nhập từ Pháp quốc (thật ra bác hút bằng ống vố, chứ không rê từng điếu). Từ vườn dừa của mình bác Tư dạy tôi bằng những trang văn rất Nam Bộ, rất Việt nam, rất người như mấy trang trích trên kia. Giờ học chính thức bắt đầu từ khi bác Tư còn trên thành phố Hồ Chí Minh, và cho điểm thấp một bài viết của tôi, để rồi từ điểm quy ra tiền, tôi chỉ được nhận một phong bì lép kẹp. Lần ấy, thằng học trò viết chưa ra chữ, đã giỏi ngỗ ngược: Này gan, nay ruột, này mề/ móc ra đổi cái phong bì con con dám nghêu ngao trên diễn đàn, làm mất mặt thầy trong một lễ trao giải. Vậy mà thầy không giận, không nghỉ chơi, vẫn đọc và nhận xét văn bài, vẫn cho ngồi hầu rượu, lại còn cho làm chân giao liên văn chương, mang sách của thầy tặng người này, người khác. Nếu chẳng nhận việc giao liên thời bình như thế, chẳng mang món Nợ nước mắt… thầy tôi viết từ vườn dừa Bến Tre ra Hà Nội trao tận tay một học giả cũng đang Vườn khuya một mình… tôi đã chẳng được gặp một bậc thầy khác trước khi ông về vườn ở thế giới bên kia!
Vườn dừa…là vì lẽ ấy. Nhưng lạ một điều, vào vườn dừa rồi mới thấy bác Tư không giống cây dừa mà giống khóm hành xanh trồng trong “cái thúng sơn hết tuổi biển, xin của dân chài, chứa đầy đất, đặt dưới gốc dừa cỗi…” ai đã tả trong truyện kia. Giống vì, đúng như cô bán quán xinh đẹp nhận xét, ốm nhách như cọng hành! Tòan thân, trừ cái miệng đã rụng gần hết răng là còn Di Lặc, tất cả đã Tuyết Sơn. Một ông Phật gầy không xuống tóc, đang thiền treo trên võng trong thế lép và cong của nét trăng khuyết hạ tuần. Giống còn là vì, văn là người, bác Tư viết mà như sắc chữ nghĩa, tự thử thách mình, tìm cách nhốt lửa hận rừng dừa của 30 năm chiến tranh vào những cọng đỏan thiên khiêm nhường, vào một khóm hành xanh thời bình. Xanh và sạch để có thể ăn tươi, giữ lấy cái cay đến chảy nước mắt.
Trong những luận lí văn chương mà tôi tiếp thu được, có bài học khóc. Phải khóc chứ, nước mắt khóc những người chết vì Tổ quốc đâu phải là nước mắt dư mà mình mắc cỡ. Bác Tư viết như thế, và buổi trưa tôi đến thăm, bác rót rượu Phú Lễ, rồi nói về đứa học trò mới chết lãng xẹt bởi tai nạn giao thông: “Tao đang tập nhìn Thu Nguyệt mà không có Việt Hải bên cạnh. Tập chưa xong thì hôm qua nó đến. Già rồi mà vẫn phải khóc”.
Ngày 9-10-2004 bác Tư Sâm thầy tôi, nhà văn Trang Thế Hy đã là ông lão tám mươi.