Một bài viết cảm động của bạn đọc Vanvn.net
Việc làm đầu tiên của tôi là gõ lại giúp chị nội dung lá thư để giữ lại những dòng tâm sự cuối cùng của một người lính anh dũng chuẩn bị bước vào trận chiến sống mái với quân thù để bảo vệ tròn vẹn biên cương của Tổ quốc”. Và đây là nội dung lá thư mà chị Nga đã thuộc lòng suốt 37 năm qua:
Phong Liên, ngày 28/3/1978
Mẹ kính mến
Nga nhớ thương
Dũng, Hiếu yêu nhớ
Hôm nay đã là ngày thứ 7 con xa nhà, anh xa các em, bố xa Trung Hiếu cũng là ngày chuẩn bị ngày mai đi chiến đấu cho nên anh mượn bút, thay lời gửi thư về cho em biết, để em đừng mong nhiều.
Đầu thư con kính chúc mẹ luôn luôn mạnh khoẻ, luôn giữ gìn con mừng Nga em cố chăm con cho Hiếu chóng lớn khoẻ mạnh, Dũng học hành tốt.
Kể từ hôm anh ra đi tới nay, hôm 23 anh về Tam Dương cùng Thuần lấy quân rất gấp nên không về được. Sáng 24/8/1978 anh đã phải ra tàu đi rồi cho nên nhiều phần cũng khá gấp rút.
Hôm nay, tới đây anh và anh em được nghỉ 3 hôm, tới hôm nay nhận được lệnh đi chiến đấu anh tranh thủ biên thư về thăm gia đình để gia đình đừng mong anh nhiều lắm.
Nga em! Còn về phần em, cố chăm con cho Hiếu chóng lớn, đó là điều anh mong muốn cuối cùng bởi vì đó là những giọt máu mà anh đã gửi gắm vào đó một niềm tin yêu cuối cùng. Chiến tranh biết được khi nào về mà hẹn. Nếu gia đình trong Thanh Hoá có hỏi em cứ nói vậy thông cảm cho anh.
Còn về phần em, nếu 3 năm em đợi chờ không thấy anh về, đó là điều tuỳ em chọn 1 con đường em đi cho đúng. Đó là quyết định của em.
Thôi anh tạm dừng, cầu mong em mọi sự bình an, vạn sự như ý.
Ngày 28/3/1978
Qua chuyện của chị Nga, tôi được biết Liệt sĩ Hà Hải Long sinh năm 1956 tại xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá, có bố đẻ là thương binh chống Pháp. Sau khi học phổ thông ở quê nhà, anh được cử sang học ngành xây dựng tại nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Năm 1976, anh về nước công tác tại Công ty Xây dựng Việt Trì (Vĩnh Phú - nay là Phú Thọ). Năm 1977, anh xây dựng gia đình với chị Trần Thuý Nga ở xã Tam Canh, Mê Linh, Vĩnh Phú (nay là Thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) và chuyển công tác về dạy nghề tại trường Công nhân xây dựng Vĩnh Phú. Thế rồi với một lý do rất đơn giản, anh đã giấu chị đi khám sức khoẻ nhập ngũ, đó là "học sinh của anh toàn là bộ đội, là Đảng viên cả". Chồng chị đã quyết tâm nhập ngũ dù lúc đó chị đã có thai. Chị không giữ được anh ở nhà nên đã cùng đứa con trong bụng tiễn anh lên đường vào mùa hè năm 1978. Chị nhớ rằng ngày ấy anh ở đại đội 8, tiểu đoàn 5, trung đoàn 194, sư đoàn 411 thuộc Quân khu 2. Và tới ngày 14/9/1978, chị Nga sinh con trai và đặt tên con là Hà Trung Hiếu.
Đọc lá thư của Liệt sĩ, thấy ngày viết lại sau ngày anh hi sinh, tôi có hỏi và được chị Nga cho biết "anh hi sinh ngày 03/3/1979 còn chị nhận lá thư vào ngày 19/3/1979 tại bưu điện quê nhà và một thời gian sau chị mới nhận được giấy báo tử, có lẽ vì quy định bảo mật thời chiến nên anh phải đề ngày lệch đi".
Qua mấy dòng thư viết bằng hai màu mực với đôi chỗ còn sai chính tả ấy, không thể không cảm phục sự cao thượng của một người chồng trước khi bước vào trận chiến khốc liệt, xác định sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, vẫn dành cho người vợ yêu dấu nơi quê nhà những dòng thư mặn mà. Ý nguyện cuối thư của anh dường như thể hiện rõ sự ác liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 - anh đã thanh thản ra trận và chấp nhận hi sinh. Anh chỉ mong rằng sau khi anh hi sinh rồi, vợ anh sẽ “chọn được con đường khác” để có được một bờ vai vững chắc cho phần đời còn lại của một người vợ rất trẻ với đứa con chưa tròn nửa năm tuổi.
Thế nhưng, tôi thật cảm động khi biết rằng suốt 37 năm qua chị vẫn chỉ có anh, lặng lẽ thờ chồng và nuôi con khôn lớn trưởng thành - hiện tại con trai của anh chị đang công tác tại Nhật Bản. Tôi được chị cho xem những clip về Câu lạc bộ Quan họ Trường Xuân nơi chị tham gia sinh hoạt. Chị nói rằng, mỗi khi đi biểu diễn giao lưu với đơn vị bộ đội, nhìn thấy màu áo xanh quân phục là chị lại nhớ anh. Chị bảo, giá như không có chiến tranh, giờ này anh sẽ ngồi đây nghe chị hát những làn dân ca quan họ mượt mà đón chào Xuân mới. Sáng nay, đúng ngày anh nằm xuống, chị lên thăm mộ chồng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Trước hình ảnh người vợ liệt sĩ quỳ bên mộ chồng, trong lòng tôi đã trào dâng cảm xúc và tôi đã viết tặng chị bài thơ GIÁ ĐỪNG CÓ CHIẾN TRANH - đó là ước mơ lớn nhất của nhân loại nhưng cũng là ước mơ giản dị nhất của người vợ liệt sĩ gần bốn thập kỷ thuỷ chung một mình thờ chồng nuôi con.
GIÁ ĐỪNG CÓ CHIẾN TRANH
Giá đừng có chiến tranh
Anh còn đây nghe chị hát
Làn dân ca quan họ Bắc Ninh
Ngọt mát ân tình
Giá đừng có chiến tranh
Ngực anh không vỡ nát
Máu anh chẳng loang nhanh
Đỏ đất rừng biên giới
Giá đừng có chiến tranh
Mắt chị đâu nhoè khói
Gối quỳ bên mộ anh
Trong quặn thắt lặng thinh
Giá đừng có chiến tranh
Nhà chẳng vắng tanh
Ngày giỗ anh
Chị lụi cụi một mình …
Giá đừng có chiến tranh...
NGUYỄN PHONG BA