Từ đời vào văn

15/8
7:57 AM 2017

NHỮNG THÁNG NGÀY RẠO RỰC ĐAM MÊ

Phạm Công Thế-Nghiền ngẫm “Nhớ về quê núi” thấy nhiều điều tìm tòi, phát hiện; thấy tứ tiết ẩn dụ, nhấn nhá, dí dỏm, khôi hài; ẩn mà không đánh đố, hiện mà không phô; lấp lánh đấy mà như không thấy; phất phơ xanh mướt lại hóa ra thâm trầm, …Ta cùng hành trình theo con đường về “Quê núi” xem: “Tóc mình tóc ta ơi/ Dù chảy theo lối suối/ Dù khát khao không tuổi/ Rồi cũng hóa mây trời”.(Tóc vương sợi bạc).

Ai rồi cũng có một kết cục cuối cùng giống nhau của đời, của định mệnh, vẫn sắp đặt quy luật bất định của tạo hóa xoay vần. Hoặc như hình ảnh khắc họa “nắng cong nét vẽ” thì quả thật hơi hiếm.“Giờ chưa hẳn đã già/ Nhưng cũng không còn trẻ/ Nắng vẫn cong nét vẽ / Đời vẫn lăn bánh xe.”…(Ngẫu hứng hè). Quy luật của mùa tiết luân phiên một năm cũng như đời người trải qua chu kỳ vòng khép kín;  Sinh - lão - bệnh - tử. Hay như một giấc mơ rất lành…“Đêm chạm vào khắc khoải/ Em chạm vào tên anh/ Cứ như là nỗi nhớ/ Ước mơ xưa vẫn xanh.”…(Tuyết tan). Hành trang mang theo mình của Mã Anh Lâm là lòng tự tin, có bản lĩnh, có một chút ngang tàn bất cần sẵn sàng chấp nhận thách đố cuộc đời, khi sóng gió đẩy xô mà vẫn vững niềm tin: “Này gió mưa vần vũ/ Này bão tố rạch trời/ Cứ vô tư sấp ngửa/ Cho cây xanh đời tôi.”(Tự khúc).

 

Là giọng thơ rất trẻ trung, nhiều mê đắm, thơ của Mã Anh Lâm giàu nhạc tính, giai điệu vang ngân, nhiều hình ảnh trải tràn theo nhịp thơ. Mặc dù có luyến láy, bổng trầm nhưng lại không làm nhòe ý, mất tứ của chủ thể, điều đó thể hiện tài hoa của tác giả. Nhiều lúc lời thơ thủ thỉ như rủ người đọc cùng “tham vấn” vào câu chuyện của mình theo cách cộng hưởng.“Yêu thương chưa đủ sao mà giận/ Trên Mã Pì Lèng vời vợi mây/ Nắng cũng ngập tràn muôn đỉnh núi/ Màu xanh cây lá đã dâng đầy…(Tự tình).

Cảm giác say ngây ngất khi đang yêu, được yêu thì ai trải qua cũng có thể nhận ra. Song cái cảm giác hương thơm nồng nàn gửi vào trong cơn gió, quyện bay đến mấy vòng cung của núi mà vẫn còn vấn vít hương nồng nàn của người mình yêu đến nỗi ngây ngất cả “lòng thung” thì quả là lãng mạn, trừu tượng quá. Cái đẹp, cái tình ấy được thăng hoa trong thơ Mã Anh Lâm, mỹ miều và có ma lực.

Yêu thương gửi nhau qua cơn gió

Em đi dáng núi mấy vòng cung

Anh bước theo sau nơi em đứng

Hít thở hương thơm suốt lòng thung…

·          

Là người con của núi rừng Tây Bắc, quê nội là những phiến đá cheo leo trên sườn dãy Hoàng Liên Sơn thuộc xã Trung Chải huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai, Mã Anh Lâm thừa hưởng nguồn gen trội về văn chương của người cha - nhà văn Mã A Lềnh và lời ru ngọt ngào dân ca quê mẹ xứ chầu văn Thánh Mẫu Nam Định, mang hơi thở mặn mà tình người đồng bằng Bắc Bộ.

Là nhà văn, nhà báo, nhà đạo diễn truyền hình và còn là nhà lãnh đạo, quản lý, mà nhà nào cũng có “số má” nghiêm chỉnh. Với cương vị hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Phansipăng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam… từng ấy công việc đều được anh vận hành trôi chảy, đầy trách nhiệm. Ngoài ra anh vẫn dành thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng tâm hồn để “sinh nở” những đứa con tinh thần đều đặn, tươi tốt, thì quả là người có nhiều nỗ lực lắm lắm. Nếu không phải người có tâm huyết, có đam mê, khát khao thì chắc phỏng có làm nổi. Dường như anh không có thời gian dư thừa để rỗng rễnh la cà, không chờ đợi cảm xúc đến mà tự đi tìm cảm xúc bởi những khát khao, rạo rực, bởi những tất bật công việc, cứ như thể không làm, không viết, sợ những ý tưởng vuột mất. Và trong những bộn bề tưởng không dứt ra được, thì chính anh đã tự mình tìm điểm nghỉ chân giữa hành trình, tự ru mình rồi để tiếp tục dành thời gian nuôi những hành trình hy vọng, mạnh mẽ hơn.

Ngủ ngon đi từ biệt những đợi chờ

Những khát kháo giấu hoài không giấu được

Những dặm đường biển khơi sơn cước

Những tháng ngày rạo rực đam mê

(Khúc ru)

Trong “Nhớ về quê núi” giọng thơ giàu cảm xúc, nồng hậu, hào hoa và cũng không hiếm những quặn siết, du dương mở ra tầng lớp bất ngờ và thú vị. Hình như ông trời đã không tiếc hào phóng ban tặng cho Mã Anh Lâm một khả năng cảm nhận cuộc sống khá tinh tế, sức liên tưởng dồi dào để rồi qua đó giúp anh ghi lại những khoảnh khắc, tâm trạng của anh trước cuộc đời. Lấy mình ra như minh chứng, suy ra cái lớn lao của cuộc sống và xã hội.

Chợ đã chiều chưa?/Núi ngả đầu tựa vào mây biên ải/ Mình ngả lòng về phía Khau Vai”Vạt cây vẫn xanh trên vách núi/ Nỗi buồn chẳng tan được như những giọt sương/ Nỗi buồn giấu vào ngực áo…(Khúc hát Khau Vai). Mỗi một câu thơ là một bức tranh sinh động tua chậm. Những câu thơ chất chứa tình cảm, mang mác nỗi buồn của mối tình trắc trở, khắc khoải qua 365 ngày của một năm đợi chờ, một ngày gặp gỡ gửi trao. Tình cảm được ủ bằng men đời nồng cay, mặn đắng. Tôi đồ rằng nếu ai mang tâm trạng của những mối tình dang dở mà đọc những vần thơ này chắc sẽ sụt sùi ướt đầm vạt áo vì nhớ thương. “Đá cứ lô xô/ đá cứ vô tình/ Cứa vết sắc vào không gian đọng lại/ Chợ sắp tan rồi đường về đôi ngả/ Bước chân mình lại đèo dốc tháng năm.”(Khúc hát Khau Vai). Những chóp đá tai mèo trên cao nguyên Đồng Văn trong thơ của anh là không gian đa chiều sắc nhọn, không phải chạm vào mới đau, mà đá sắc lẹm tự cứa vào cả không gian một cách vô hình, nhưng lại là vết đau đọng lại khó liền seo, đeo đuổi theo thời gian, đeo đuổi suốt phận người. Mỗi mối tình trắc trở mang trong mình vết thương lòng nhoi nhói suốt cuộc đời. Thử hình dung những phận tình về chợ, nhiều đôi chân đã run, gối đã chùng, mang mối tình trắc trở đến cuối con đường đời, song ánh mắt vẫn đau đáu tìm về nhau trong khoảng trời u lạnh. Câu thơ ám ảnh người đọc về một chợ tình Khau Vai trong mù sương buốt giá, một chợ Khau Vai huyền thoại nhưng đầy tính nhân văn. Và rồi tôi đồ rằng chính độc giả chạm vào những câu thơ này cũng thấy lòng mình thắc thỏm, nôn nao, ước ao một lần được chắp nối chợ Khau Vai cho riêng mình, để lặng thầm gọi người ơi tâm tưởng.

Ở một tình huống khác cũng nói về chợ tình Khau Vai, “dạ bồn chồn có lửa” tâm trạng trên đường về chợ. Song chờ đợi cả đêm chỉ gặp được sương giăng, đến bạc cả ánh trăng, đêm sang ngày mà cũng không gặp được người mình yêu thương. Nỗi đau đáu, day dứt đó được tác giả giải mã bằng cách chia nỗi buồn đau nhớ ấy cho nhiều người. Đó là cách giải quyết khôn khéo và đầy thi vị, đã xoa dịu nỗi đau của chính thể.

Lại mùa Khau Vai nữa

Nhớ nhung mờ sương giăng

Dạ bồn chồn có lửa

Câu hát bạc ánh trăng …

 

... Đến rồi Khau Vai ơi!

Chợ sao đông người thế

Có lẽ ngàn dâu bể

Ngàn nỗi niềm như tôi.

(Chợ tình)

Đã nhiều tác giả viết về cột mốc nơi biên ải. Nhưng với Mã Anh Lâm cách thể hiện khác, tự tin, tự hào và cũng đầy bản lĩnh của người con đất Việt, của thế hệ trẻ nối tiếp bước cha anh về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đó, bản lĩnh đó luôn luôn “tinh khôi” đầy hứng khởi.

Cờ Tổ quốc tung bay điểm tựa

Nhịp thời gian trên biên ải diệu kỳ

Bao cảm xúc vỡ òa nơi cột mốc

Vẫn tinh khôi mỗi bước chúng mình đi

(Vạn đóa hoa trên thành phố địa đầu)

Đặc biệt hình sông, thế núi nơi biên thùy được Mã Anh Lâm khắc họa rất nhẹ nhàng, ấn tượng, có hồn như ngàn cây ngàn mắt lá dõi trông bờ cõi. “Vạn vật hữu linh” như những người lính đứng gác biên cương vậy. Câu thơ được chọn lựa kỹ lưỡng, giàu hình ảnh gây xúc động mạnh: “Đất thiêng… suối đan cài... A Mú Sung canh giấc”Tất cả sông núi biên ải thiêng liêng cứ giăng giăng như ma trận, như chông, như mác, như chiến địa sẵn sàng nghênh chiến quân thù khi đất nước có giặc ngoại xâm. Câu“A Mú Sung canh giấc...” rất gợi làm cả một bài thơ trang trọng lên và thâm nghiêm thêm.

Đất thiêng này trăm vòng cung cửa thác

Suối đan cài uốn lượn kết thành sông

Ở nơi đây đầu nguồn con nước

A Mú Sung canh giấc sông Hồng…

(Vòng cung cửa thác)

“Nhớ về quê núi” có chủ đề tình yêu gần như bao trùm cả tập thơ. Tình yêu dâng đầy được thể hiện trong tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu với gia đình và tình yêu đôi lứa, những thân phận cuộc đời cũng như trời đất sương gió biên thùy quê anh. Một hồn thơ phóng khoáng, du dương nhưng cũng đầy da diết và trách nhiệm. Anh đã nguyện theo nghiệp, dấn thân trên con đường chữ nghĩa, dấn thân vào những trang viết như con tằm nhả tơ xây kén không biết mệt mỏi. “Tháng ngày là trang viết/ Thời gian là mây bay/Những vần thơ tha thiết/ Ngân nga giữa lòng tay.”(Là em mặn mà). Để rồi sau những vất vả gian truân tháng ngày vun trồng, rồi cây cũng đến thì nở hoa kết trái. “Em bảo rằng hoa đã/ Nén sâu tháng ngày xa/ Em bảo hoa dâng nở/ Là minh họa chúng ta” (Hoa mùa đông). Vẫn là tình yêu đôi lứa được nhào nặn trong cuộc sống, nhào nặn xây lên tòa nhà hạnh phúc ấy bằng những vật liệu bền bỉ của trí tuệ, của tình người, mồ hôi công sức trong nhọc nhằn khuya sớm. Và có lúc hài hước nhưng đầy tự tin khi anh nghĩ trong cuộc sống này bước chân mình nhỏ bé như con chim sẻ và sẽ cất cánh như đại bàng. Tự vẽ nên bức tranh cuộc đời tràn đầy tốt đẹp. Hãy tin ở lòng tốt. Câu thơ dùng phép so sánh rất đáng yêu, hài hước, song ngẫm suy thì cũng rất nghiêm túc.

Bước nhún nhảy chim sẻ

Nhịp cất cánh đại bàng

Ai cũng thành họa sĩ

Vẽ đời mình mênh mang.

(Bước thời gian)

Bước chân của nhà văn đã trải dài miền sơn cước muôn dặm sỏi đá. Mỗi vùng miền, mỗi địa chỉ là niềm hứng khởi trong các tác phẩm của anh. Song bao trùm lên đó là tình yêu quê hương xứ sở cứ đầy dâng ăm ắp một cách trân trọng. Nơi ấy dưới vòm trời xanh trong, núi non trập trùng, có rừng Sa mu cao vút mang hình cột mốc biên cương. Nơi ấy có câu hát dân ca ngọt ngào như suối nguồn tuôn chảy, nơi ấy “Xôi bảy màu mang bài ca giữ đất”. Tình yêu quê núi Lào Cai nói riêng cũng như miền sơn cước biên thùy nói chung luôn là ngọn lửa khát khao trong anh, lúc âm ỉ, da diết, khi bùng cháy mãnh liệt.

Nhớ là phương xa ấy

Có một mùa hoa xuân

Đào rừng bung gọi nắng

Thắp hồng tuổi thanh tân…

Ruộng bậc thang uốn quanh

Ôm vòng cung đất mẹ…

(Nhớ về quê núi)

Và nơi ấy người mình yêu thương vẫn một lòng thủy chung chờ đợi, vẫn nhớ lời thì thầm yêu thương. “Anh sẽ về em nhé/ Sắp cỗ tạ Sơn thần/ Tạ đất trời sông núi/ Để dành anh cho em.” (Nhớ về quê núi)

Quê hương nhà văn là dải biên cương hùng vĩ, thành phố địa đầu đang trải rộng vòng tay đón bè bạn bốn phương. Rằng vùng biên ải Lào Cai không còn là miền xa ngái, vời vợi biên viễn nữa. Quê hương nay là thành phố của những hẹn hò, gặp gỡ; của phẩm giá thủy chung, nghị lực; của những bông hoa nở thắm, đang hiện hữu đẹp long lanh nơi đầu nguồn dòng phù sa chảy về đất Việt.

Sao nắng lại long lanh đến thế

Trải rộng biên thùy sớm xuân nay

Ngã ba sông nghìn đời giữ ải

Thành phố địa đầu dang rộng vòng tay

·          

Lào Cai thơ mộng sơn thủy hữu tình, Lào Cai anh dũng, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ giang sơn và cũng kiên cường, bản lĩnh, sáng tạo trong xây dưng quê hương. Một Lào Cai giàu tài nguyên thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc đã là miền đất màu mỡ cho các thế hệ văn nghệ sĩ thâm canh.

Đọc tập thơ “Nhớ về quê núi” của Mã Anh Lâm, ta không chỉ cảm thấu, nhìn nhận thấy một Lào Cai đang ngời ngời khởi sắc trên vùng cao biên giới mà suy rộng ra cả sự chuyển mình đổi mới của cả vùng Tây Bắc núi non trập trùng, cũng như của cả đất nước, và luôn song hành đó là những lời yêu thương thủ thỉ lứa đôi, những cung bậc tình cảm da diết, những phong tục, đạo đức truyền thống được tôn vinh. “Nhớ về quê núi” là bản hợp xướng du dương có những thanh sắc vút cao trào dâng và cả những cung trầm xao xuyến. Bản hợp xướng của gió núi, của mưa rừng và vị ngọt ngào róc rách suối ngân, tạo lên nhiều âm vực luyến láy lưu lại trong lòng độc giả../

 

Nguồn Văn nghệ số 32/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *