NHÀ VĂN TRẦN CHIẾN VÀ CUỐN SÁCH VỀ SỬ GIA TRẦN HUY LIỆU
Nhà văn Trần Chiến
Sinh trưởng trong một gia đình có bề dày văn hóa như vậy thì cái “gien” văn chương di truyền không thể là chuyện “ngẫu hứng”. Từ nhỏ đến khi trưởng thành, Trần Chiến sống trong sự chăm sóc chủ yếu của người mẹ, thỉnh thoảng người cha về thăm và đem anh đi theo trong các chuyến đi công tác những năm kháng chiến.
Có lần Trần Chiến nói vui: “Có lẽ cha tôi để lại cho tôi cái tính bướng bỉnh, cứng đầu nhiều hơn là những cái khác”. Và số đêm cha con nằm trò chuyện với nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Năm 1969, cụ Trần Huy Liệu mất, để lại trong đống bản thảo của mình 26 cuốn nhật ký ghi chép về những sự kiện và con người lịch sử, chủ yếu trong 50 năm đầu của thế kỷ XX ở Việt Nam. Với cách nhìn uyên bác và nghiêm túc của một nhà sử học có nhãn quan riêng, di cảo của cụ Trần Huy Liệu là cả một kho sử liệu quý giá.
Sử gia Trần Huy Liệu sinh năm 1901, quê Nam Định, thời trẻ tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam. Ông từng bị thực dân Pháp bắt tù ở Côn Đảo, Sơn La. Chức vụ cao nhất của ông những ngày đầu Cách mạng 1945 là Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng (sau thành Chính phủ lâm thời). Sau này, ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học. Ông mất năm 1969.
Là người trải qua nhiều sự kiện quan trọng của đất nước trong thế kỷ trước, Trần Huy Liệu có mối quan hệ với nhiều nhân vật quan trọng của những sự kiện nổi bật như: Cụ Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hải Triều, Trần Đình Long, Nguyễn Bình, Tô Hiệu… thời đầu cách mạng. Trần Huy Liệu là người viết Dự thảo Quân lệnh tổng khởi nghĩa số 1 ở Chiến khu Tân Trào, Việt Bắc để Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trước toàn quốc dân năm 1945. Ông cũng là Trưởng phái đoàn Chính phủ lâm thời vào Huế tước ấn kiếm của Bảo Đại (vua cuối cùng của triều Nguyễn).
Sau này, khi chuyển sang nghiên cứu khoa học, ông là người đặt nền móng cho cơ quan nghiên cứu lịch sử của cách mạng Việt Nam, là Viện trưởng Viện Sử học đầu tiên. Cuộc đời của Trần Huy Liệu có nhiều đoạn thăng, đoạn trầm, từ một nhà chính trị chuyển thành nhà khoa học. Trước đó, cuộc đời hoạt động xã hội của Trần Huy Liệu có nhiều biến đổi, từ chỗ tham gia phong trào thanh niên yêu nước, ông gia nhập Việt Nam quốc dân Đảng, rồi từ bỏ, chuyển sang Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông bị thực dân Pháp bỏ tù Côn Đảo từ năm 1929-1934, rồi tù ở Sơn La. Trước sau thì ông vẫn là một người theo chủ nghĩa dân tộc đáng để chúng ta ngắm nghía, suy ngẫm.
Trần Huy Liệu là Bộ trưởng Thông tin - Tuyên truyền đầu tiên trong Chính phủ cách mạng lâm thời năm 1945-1946. Sau này, khi cảm thấy không thích hợp với chính trường nữa thì ông chuyển sang làm nghiên cứu khoa học với khả năng tập hợp, đoàn kết giới trí thức nước nhà.
Mới đây, khi cuốn sách về nhà sử học Trần Huy Liệu “Cõi người” của nhà văn Trần Chiến được ấn hành, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhau về cuốn sách này. Điều trăn trở nhất của nhà văn Trần Chiến hôm nay là phải từ các nguồn tư liệu lịch sử quý giá và hồi ký mà cha mình để lại, để dựng lên chân dung đời sống chân thực của danh nhân văn hoá này. Cuốn sách “Trần Huy Liệu - Cõi người” đã công bố một phần tư liệu quý giá từ hồi ký, nhật ký của Trần Huy Liệu với các yếu nhân trong giai đoạn đầu cách mạng.
Trần Chiến cho rằng: “Tuy nổi tiếng về nhiều phương diện, nhưng Trần Huy Liệu lại là con người không dễ tìm hiểu, hiểu rồi không dễ viết ra, viết ra rồi vẫn khó xuất hiện ở dạng toàn vẹn. Về phương diện nhà thơ, ông là người sung mãn tình cảm hay vẫn chỉ là anh nói chí kiểu nhà nho? Về phương diện chính trị, ông bồng bột nông cạn hay là nhìn thấy nhiều vấn đề quá sớm? Về sử học, ông có đóng góp gì cho phương pháp, hay chỉ là người tập hợp tư liệu đơn thuần?
Về phương diện người tình, ông có là một kẻ phiêu lưu “đi không đến nơi, về không đến chốn”, chẳng thể đem lại hạnh phúc cho người mình yêu? Tất cả những câu hỏi đó khó bề giải quyết cặn kẽ, nếu không thấy cái ý nghĩa chủ yếu, nét trội bật nhất trong con người Trần Huy Liệu, rằng đó là một con - người - tìm - kiếm. Vì vậy, tìm kiếm con người Trần Huy Liệu là việc không dễ, thấy rồi không dễ viết ra, viết ra rồi vẫn khó…”
Ở phố Lãn Ông, Hà Nội trước đây có ba người nổi tiếng về văn chương: nhà thơ Lê Đạt, nhà văn Trần Chiến và nhà thơ Vũ Đình Văn. Họ đều ở nhà bên dãy số lẻ. Nhà thơ trẻ tài hoa Vũ Đình Văn đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Còn “Trưởng lão” thơ Hai-câu Lê Đạt cũng đã qua đời năm 2008. Giờ chỉ còn lại Trần Chiến, người từng 2 lần đoạt giải thưởng uy tín của Hội Nhà văn Hà Nội.
Trần Chiến sinh năm 1950, đi bộ đội năm 1968, sau đó chuyển về Đại học quân sự, nhưng hình như cái năng khiếu văn chương trong anh bật dậy, khiến anh quyết định chuyển sang học Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh về làm biên tập ở Nhà xuất bản Quân đội, rồi sau chuyển về làm biên tập ở Báo Hà Nội mới.
Đến gặp Trần Chiến ở phố Lãn Ông, cái phố bán thuốc bắc lâu đời của Hà Nội cổ xưa này, tôi đi qua những câu thơ tinh tế, được chạm khắc tới độ tinh diệu của nhà thơ Lê Đạt, ông cũng ở phố Lãn Ông. Tôi lại đi qua một Vũ Đình Văn với “Nửa sau khoảng đời” cùng những câu thơ tài hoa, trữ tình say đắm đầy xúc động của nhà thơ trẻ này, khi anh nằm lại vĩnh viễn cùng tuổi thanh xuân của mình ở phía bên này cuộc chiến tranh.
Vậy là ta đi qua hai nhà thơ thì gặp một nhà văn. Nghĩ vơ vẩn thế vì cái chất phóng sự trong tôi lại bắt đầu trỗi dậy. Tôi lẩm nhẩm tính đếm, trong số anh em văn chương mình quen biết, thì có tới 4/5-hay 80% các thi sĩ, văn sĩ tài danh đều ở nhà “số lẻ”. Ấy là tôi bạo phổi đoán vui như thế mà không sợ các “đấng bậc” văn chương nổi tiếng hiện đang ở nhà số chẵn phàn nàn.
Tôi “vòng vo tam quốc” như thế bởi Trần Chiến cũng là cây bút phóng sự có hạng của 36 phố cổ, người từng viết “Hà Thành cái bang”, “Hà Thành ẩm thực” và “Phố chợ Hà Nội” cùng với “Truyền kỳ Hồ Gươm” mà cái nào cũng khiến cho bạn đọc đều thấy “đã” tới độ “khoái cái nhĩ tai”.
Tính điềm đạm, ít nói, với mái tóc lốm đốm khói sương, với cái nhìn nửa hài, nửa ngắm nghía, Trần Chiến luôn có vẻ “ngẫm ngợi” nhiều hơn tôi tưởng. Ngoài công việc làm báo, viết kịch, Trần Chiến chủ yếu thành đạt ở mảng văn xuôi. Tập truyện ngắn “Con bụi” và tập tiểu thuyết “Đèn vàng” của anh đã 2 lần giành giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và Hội Nhà văn Hà Nội. “Con bụi” là tập truyện ngắn khá nổi tiếng của Trần Chiến, được anh viết trong khoảng 10 năm trước khi phi lộ chóng mặt của báo chí cuốn anh vào guồng quay sà sã của một tờ báo ngày. Hai tập tiểu thuyết gần đây của anh (“49 chưa qua” và “Cậu ấm”) cũng gây sự chú ý của dư luận.
Trần Chiến tâm sự: “Làm báo được tiếp xúc nhiều nhưng đấy cũng là điều không ổn, vì người viết hằng ngày phải dành hết thời gian cho công việc báo chí mà không còn thời gian cho văn chương để viết cho thật tâm trạng, thật sâu sắc…”.
Tập truyện “Con bụi” của Trần Chiến cũng “vạn sự khởi đầu nan”, anh gửi đến mấy nhà xuất bản đều không có hồi âm. Chỉ đến khi bản thảo “Con bụi” lọt vào mắt xanh của một nhà phát hành tư nhân, thấy có thể kinh doanh được, thế là cuốn sách được in ra ở dạng sách liên kết giữa đơn vị phát hành sách và NXB Tác phẩm mới. Sách in 2.500 cuốn, bán hết veo, lại nối bản in tiếp.
Sách ban đầu lấy tên truyện ngắn “Vũ điệu ngoạn mục”, nhưng sau nhà phát hành yêu cầu lấy tên “Con bụi” (cũng là tên một truyện ngắn trong tập) cho “ăn khách”. Chưa xong, truyện ngắn mở đầu tập “Bạch đàn trắng” được đổi thành “Gã thất tình lang thang” cũng nhằm mục đích “gọi khách”. Nhuận bút tập truyện ngắn “Con bụi” viết trong 10 năm chỉ đủ tiền mua một chiếc cátxét “còm”.
Tôi an ủi Trần Chiến: “Anh em văn chương bọn mình ở dãy nhà bên số lẻ, còn các bác “ngân hàng” chi trả nhuận bút đều nằm bên dãy số chẵn, tuy cách nhau có một lòng đường, nhưng đúng vào giờ tan tầm, xe cộ, người ngợm chen vai thích cánh nhau thế kia làm sao mà sang nổi. Chưa biết chừng, có sang được tới nơi thì cũng hết giờ làm việc”. Trần Chiến nheo mắt cười nhìn tôi, vẫn cái nhìn nửa hài, nửa ngắm nghía.
Giờ thì Trần Chiến không còn ở phố Lãn Ông nữa, nhưng anh vẫn thi thoảng đi về căn nhà cũ - di sản của ông bà, để được lang thang đi bộ dọc dãy phố cổ, thưởng ngoạn mùi thuốc bắc nồng nàn bay lên từ những mái phố rêu phong cũ kỹ, để được nhớ lại bạn bè văn chương từng ở dãy nhà số lẻ những năm bao cấp gian khổ…
Nguồn: Văn nghệ Công an