Thời sự văn học nghệ thuật

29/3
10:46 AM 2016

Hai chữ “chính nghiệp” trên hành trình sách Trẻ

Vanvn.net - Như chúng tôi đã đưa tin, sau 7 ngày hội sách với chủ để “Sách – văn hóa - hội nhập và phát triển” NXB Trẻ là đơn vị có tên trong tất cả các “top” tạo ra các kỉ lục liên quan tới sách (xem http://vanvn.net/tin-tuc/toan-canh-hoi-sach-tphcm-lan-thu-ix-nam-2016/160). Mời bạn đọc nhìn lại quá trình “văn hóa-hội nhập-phát triển” của BXB Trẻ, nhân dịp Trẻ tròn tuổi 35 vào dịp hội sách này.

“Tôi cho rằng điểm đầu tiên trong số các giá trị cốt lõi làm nên sự thành công của NXB Trẻ, mà tôi chiêm nghiệm được, là sự chính nghiệp và tính chính danh phải có của một nhà xuất bản”. Đây là lời chia sẻ của ông Lê Hoàng – vị cựu giám đốc NXB Trẻ, tại cuộc tọa đàm “35 năm hành trình sách Trẻ” tổ chức vào sáng 16-3.

Với bối cảnh ngành xuất bản hiện nay và cuộc tọa đàm như một dịp nhìn lại hành trình làm sách suốt 35 năm qua của NXB Trẻ, điều chia sẻ trên đây của ông Lê Hoàng thật đáng suy nghĩ. Bởi như chính ông diễn giải thêm, hiện nay có những nhà xuất bản lập ra nhưng chỉ làm công việc “biên tập thuê”, như vậy thì không phải là chính nghiệp. Chính nghiệp có thể hiểu là làm nghề một cách trung chính và chuyên nghiệp. Điều này đã được các thế hệ làm sách ở NXB Trẻ nhận ra và gìn giữ xuyên suốt trong hoạt động của mình.
Ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc đương nhiệm của NXB Trẻ - kể lại một chi tiết: Lúc vừa nhận quyết định về làm giám đốc NXB Trẻ, ông Nhựt đến gặp các giám đốc tiền nhiệm để mong được chỉ bảo kinh nghiệm làm nghề. “Và anh Lê Hoàng đã chỉ cho tôi một “chiêu”, đó là trong quan hệ với đối tác, hãy chỉ dành phần lợi cho mình tối đa là 49% thôi, để cho đối tác ít nhất cũng được 51% lợi nhuận”. Ông Lê Hoàng xác nhận đây là nguyên tắc của ông, là “bí kíp” giúp ông thành công trong hành trình gắn bó với đội ngũ làm sách trong và ngoài NXB Trẻ suốt những thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Con số tỷ lệ ấy không đơn thuần là nhường nhau lợi tức, mà quan trọng hơn là xác định vị trí của mình trong xu thế thị trường đang định hình ở nước ta. Chính từ tâm thế ấy, vị lãnh đạo tiền bối Trương Văn Khuê đã mạnh dạn đi tiên phong làm liên kết xuất bản với tư nhân, đưa tên tuổi NXB Trẻ trở thành đơn vị đầu tiên của cả nước làm sách liên kết. Bây giờ nhìn lại, mới thấy liên kết xuất bản chính là một bước ngoặt cực lớn, mở ra một trang mới sinh động vô cùng trong đời sống xuất bản ở nước ta. Cũng chính từ bước ngoặt này, thị trường sách đã chuyển mình phát triển và lột xác hoàn toàn so với giai đoạn trước và sau đổi mới.
Và cũng chính từ tâm thế ấy, NXB Trẻ là nơi đầu tiên quyết định trả nhuận bút cho tác giả theo tỷ lệ phần trăm tình trên giá bìa nhân với số bản in. Tâm sự tại buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ghi nhận bước đột phá này của cố giám đốc Trương Văn Khuê, “trong khi cả nước đang trả nhuận bút tính theo bậc của ngành, thì anh Trương Văn Khuê đã vận dụng cách tính “phiên ngang” từ bậc ra thành bao nhiêu phần trăm tổng giá trị của bản sách để trả cho tác giả”.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả ở lối tư duy “vì cái lợi lớn hơn cho đối tác”, trong trường hợp đối tác là cả cộng đồng, cả xã hội, NXB Trẻ tự mang trên mình một sứ mệnh cao cả, là làm sách đàng hoàng để khơi thông dòng chảy tri thức, góp phần nuôi dưỡng tinh thần cho nhiều thế hệ con em Việt Nam. Nhiều nhà văn nhớ lại thời sau 1975 đến khi NXB Măng Non ra đời năm 1981, việc in sách cực kỳ khó khăn, nhà xuất bản ít, bản thảo nộp nhiều, phải xếp hàng chờ đến lượt xuất bản. “Tôi nộp bản thảo tập thơ “Đầu xuân ra sông giặt áo” cho NXB Văn Nghệ TPHCM vào năm 1980, đến năm 1986 mới được xuất bản sau 6 năm xếp hàng”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhớ lại. Nhưng cách làm việc của NXB Trẻ lại khác, nhà văn Nguyễn Đông Thức nhớ lại lần ông giám đốc Trương Văn Khuê tìm gặp anh, bảo, “nghe nói mày có cuốn truyện viết về thanh niên xung phong hả, viết xong chưa đưa tao in cho”. Đó là “duyên sự” để quyển tiểu thuyết Ngọc trong đá – tiểu thuyết đầu tiên của NXB Trẻ - ra đời và nổi tiếng đến tận hôm nay.
Và trong ký ức của nhiều nhà văn hôm nay, sự kiện NXB Trẻ ra đời được ví như mở một dòng chảy mới cho bao nhiêu tích tụ của ngành xuất bản tại TPHCM lúc bấy giờ. Rất nhiều thế hệ nhà văn nhà thơ trưởng thành sau 1975 đã bắt đầu từ những tác phẩm ra đời tại đây. Nói như Nguyễn Nhật Ánh, không có nhà xuất bản Trẻ thì lớp tác giả trẻ của Sài Gòn sau 1975 không có đất dụng võ, và rồi cũng sẽ mai một dần đi.
Và đến nay, hành trình của NXB Trẻ đã “cho thấy sự tin cậy về sự nhiệt tình và lòng ưu ái, săn sóc đối với các tác giả, tác phẩm”, như bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận xét. Tại buổi tọa đàm, bà Ninh nêu ý kiến rằng NXB Trẻ cần định vị lại mình theo sứ mệnh mà mình đang theo đuổi. Bà đề xuất hiểu chữ “trẻ” trong tên gọi của nhà xuất bản theo nghĩa trẻ là năng động, sáng tạo, cởi mở, “chứ không nên hiểu trẻ chỉ là độ tuổi theo lý lịch”. “Cũng không nhất thiết gói gọn hoạt động của mình theo địa bàn hay theo cơ quan chủ quản, mà quan trọng là xác định cái khác biệt của mình là gì? Là sự tử tế, đàng hoàng, là sòng phẳng có đi có lại trong nguyên tắc 49%/51%... Và đặc biệt, Trẻ nên chủ động đem sáng tạo của Việt Nam ra hội nhập với thế giới bằng cách dịch sách trong nước ra tiếng nước ngoài”, bà Ninh đề nghị.
Tất nhiên ở độ tuổi 35, NXB còn nhiều việc phải làm, kể cả khó khăn phải đương đầu. Nhưng với tấm lòng của nhiều thế hệ cùng gửi gắm tin yêu như vậy, hẳn thương hiệu sách Trẻ sẽ còn tiếp tục vươn xa và hiệu quả hơn.

                                                                                       

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *