TÂM THỨC TỘC NGƯỜI TRONG VĂN HỌC DÂN TỘC DAO HIỆN ĐẠI
Tiếp nối thế hệ của Bàn Tài Đoàn, những tác giả như Triệu Đức Thanh, Triệu Kim Văn, Quang Đại, Bàn Thị Ba, Bàn Kim Quy, Bàn Thị Kim Cúc… đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, trẻ hơn có thể kể đến Tằng A Tài, Phùng Hải Yến, Lý Hữu Lương, Lý A Kiều… Ngoài ra còn nhiều tác giả tuy không xuất hiện nhiều với tư cách một nhà văn, nhà thơ nhưng cũng có những sáng tác nói đến tâm tư, tình cảm của một người con dân tộc Dao với quê hương, có thể kể đến nhà nghiên cứu văn hóa Dao Đặng Phúc Lường, Bàn Minh Đoàn, Lý Kim Khoa, Bàn Tuấn Năng, nhà thơ không chuyên người Lai Châu Phùng Cù Sân… Tất cả những sáng tác của họ tuy thuộc vào những ngành Dao khác nhau với đa dạng chủ đề, cách biểu hiện nhưng điểm gặp gỡ chung nhất chính là sự tự ý thức về vị thế dân tộc, niềm kiêu hãnh về tâm thế con người luôn được thể hiện rõ.
1. Sự ám ảnh của những cuộc thiên di
Theo truyền thuyết, thủy tổ của người Dao vốn là Bàn Hồ (Bàn Vương) ở phương Bắc xa xôi, là một long khuyển mình dài ba thước, do lập được nhiều công trạng trong việc đánh đông dẹp bắc, sau đó khai sinh nên mười hai dòng họ người Dao, cho nên bất cứ dòng họ nào của người Dao cũng ghi nhớ và thờ cúng. Cuộc thiên di của người Dao vô cùng vất vả, gian khổ, họ phải vượt qua những thử thách tột cùng trên hành trình nhiều đói khát, bệnh tật, kẻ thù truy sát… Với tâm niệm rằng từ cuộc thiên di khốc liệt sinh tử ấy và những gì có được ngày hôm nay đều là nhờ sự phù hộ của tổ tiên, người Dao rất coi trọng việc thờ cúng. Khi trực tiếp, khi gián tiếp, những tác phẩm văn học Dao hiện đại đều cho thấy dấu vết của những cuộc thiên di tộc người. Đó là một hành trình khốc liệt, nhiều gian nan. Người Dao phải rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn để trốn chạy kẻ thù. Lý Hữu Lương nói về cuộc chạy trốn theo đường thủy nhọc nhằn nhuốm máu và mồ hôi của dân tộc mình bằng những câu thơ giàu hình ảnh: Cuộc thiên di truyền thuyết/ Những con thuyền mỏng như mắt lá/ Những con đỏ trên tay kiếm sắc/ Không có màu mây lãng du (Bình nguyên đỏ). Những cuộc thiên di ấy khiến cho người Dao thường xuyên lâm vào cảnh đói khổ khi mà “sự sinh tồn phụ thuộc hoàn toàn vào chọn lọc tự nhiên thực sự quá mức khắc nghiệt” (Du canh du cư - Bàn Thị Ba). Nhà thơ Bàn Tài Đoàn đã viết những câu thơ đầy nước mắt về nỗi khổ của dân tộc mình trong những cuộc thiên di. Người Dao phải sống trong cảnh: Làng xóm không nơi nào ổn định/ Bốn phương trời: nay ở, mai đi (Trên núi vẫn là nơi ta ở), phải tồn tại bằng cách: Đã trải qua bao đời ta cực khổ/ Chặt gốc, ăn ngọn, sống du cư/ Mưa hòa gió thuận còn tạm đủ/ Gặp năm hạn hán đói bơ vơ (Trên núi vẫn là nơi ta ở). Những cuộc thiên di của cha ông ấy còn để lại những “vết sẹo” trong tiềm thức mỗi người Dao, dù là trẻ hay già. Phùng Hải Yến đã tái hiện xúc cảm của những người Dao trẻ trên hành trình thiên di: Em đã khóc!/ Ngoảnh lại làng bản mình khơi khơi rừng núi/ Nhìn thấy bé mọn mình giữa thung lũng sương/ Nước mắt em lăn trong từng cánh đỗ quyên/ Như người gái đẹp đêm xoè lặng khóc bên bờ sông Đà thuở trước…/ Em đã ôm mẹ cổ thụ cháy khô/ Máu đen bám phủ trời những ngày rần rật lửa/ Nhựa sống trôi đặc quánh sông Đà/ Em đã khóc cùng Hoàng Liên bạo bệnh hiểm nghèo/ Bao tế bào chết đi, chồi nụ khi nào hồi sinh để ngày mai rừng thức? (Trên đỉnh Hoàng Liên).
Mục đích của những chuyến thiên di ấy là tìm kiếm một cuộc sống mới. Sáng tác dân tộc Dao thời kì hiện đại đa phần thống nhất khi tái hiện những chuyến đi với niềm tin về một cuộc đời no ấm cho mỗi cá nhân. Khi cách mạng thành công, niềm tin ấy lại càng mãnh liệt. Người Dao nhận thấy đi theo Đảng, theo Bác, theo kháng chiến là con đường tái sinh, đổi đời. Tập thơ đầu tay Ca cứu nước (1996) của Triệu Đức Thanh như một thiên diễn ca về câu chuyện đấu tranh cách mạng của người Dao. Được viết bằng hai ngôn ngữ Dao - Việt, tập thơ đem đến một cái nhìn gần gũi về dân tộc Dao bởi đó là tiếng nói tâm hồn của những con người cùng trải qua những thời khắc vừa đau thương vừa huy hoàng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ. Cũng ở đó, con người dân tộc Dao nói riêng, những người lính Việt Nam nói chung tuy khác nhau về xuất thân, về hoàn cảnh nhưng cùng chung lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm và ý chí chiến đấu anh dũng. Từ ngày theo Đảng, theo Bác, đời sống người Dao tuy vẫn còn khó khăn những đã dần dần ấm no, tươi sáng hơn: Nàm Qua đất lành dân đoàn kết/ Người giàu giúp đỡ người nghèo khó/ Dìu dắt bên nhau cùng tiến bộ/ Xây dựng cuộc sống ấm no hơn/ Xây trường, dựng lớp cho con trẻ/ Trẻ em trai gái được đến trường/ Học thông viết thạo ngày khôn lớn/ Thông minh lưu loát nhất Nàm Qua (Đất Nàm Qua - Triệu Đức Thanh). Và khi đời sống đã ấm no hơn, cảnh vật thiên nhiên núi rừng cũng trở nên đẹp hơn, lung linh hơn trong con mắt người Dao:Núi rừng nghe lời ca tiếng hát/ Xuân về nở rộ hoa kim anh/ Măng vầu, măng trúc cùng cao vút/ Như giáo, như gươm giữ rừng xanh (Suối Lê Nin, núi Các Mác).
Ảnh minh họa
2. Ý thức về vị thế tộc người
Nhiều tác phẩm văn học Dao như minh chứng và lí giải một cách thấm thía về cái làm nên sức mạnh một cộng đồng, một dân tộc - ấy là sự cố kết. Bản năng cố kết - bản sắc dân tộc trong các tộc người và thể hiện ở từng cá nhân. Theo quan niệm của GS. Trần Quốc Vượng cái tạo nên bản sắc đó, chi phối và cũng in dấu vào bản sắc đó là ba nguyên lí không tách rời nhau: nguyên lí cùng cội nguồn - cùng dòng máu, nguyên lí cùng chỗ ở, sau cùng là nguyên lí cùng lợi ích. Với dân tộc Dao, từ những thiên di xa xưa trong quá khứ, đến những hành trình dịch chuyển tới những vùng đất mới của mỗi cá nhân, đều ẩn chứa trong đó những nhìn nhận mới về quê nhà trong hồi ức. Trong tâm thức mỗi cá nhân, quê hương, dân tộc luôn có một vai trò quan trọng không thể thay thế. Nơi đó có những con người của bản làng gần gũi, thân thương, với những nét đẹp của một cuộc sống dù còn nhiều truân chuyên nhưng ngay thẳng và nhẫn nại. Nỗi nhớ quê vì thế cứ cồn lên trong truyện ngắn Bàn Thị Ba, Lý A Kiều, Triệu Hoàng Giang... và tản văn của Phùng Hải Yến. Với Yến, nhớ về tuổi thơ là những kỉ niệm gắn bó, khi thì là miếng bánh bò mẹ mua mỗi lần xuống chợ (Vị bánh bò tuổi thơ), khi thì là hình ảnh con dốc quê trên đường đi học: “Trong những giấc mơ ngày xa quê của tôi, cứ chập chờn khung cảnh sau con dốc, tôi mường tượng mình cũng vượt dốc, để lại thấy cảnh thanh bình trên miền quê rất đỗi thân thương của mình” (Con dốc quê); khi thì lại là hương vị dân dã của quán phở bà Mây mỗi lần đến phiên chợ (Phở chợ phiên)… Ở địa hạt thơ ca, nếu như quê hương trong thơ Triệu Kim Văn đẹp và êm đềm: Giữa Hà Nội bao nhiêu là tiếng ve/ Mùa phượng nở râm ran khắp phố/ Nhưng chỉ một ngày thôi bỗng nhớ/ Tiếng ve rừng thao thiết tuổi thơ (Tiếng ve) thì trong thơ Tằng A Tài, quê hương lại hiện lên với tất cả những lam lũ, nhọc nhằn: Ơi em gái một thời tóc rơm khô vàng quạch mặt mũi đen sì/ Giấu những ngày mót khoai vào hốc đá/ Gửi tuổi thơ khô theo mùa gốc rạ/ Vòm ngực đôi môi ẩy nắng chóa tầng mây!/ Ơi Hợp Thành mưa đắng nắng chua cay/ Chiêm tháng sáu vàng khô xô bồ thóc/ Gió ngào thơm xông từ miền khó nhọc/ Cho cỏ mọc vào thương cho mùa đâm nỗi nhớ/ Cho hồn những đứa con xa/ Om tiếng sấm quê nhà! (Mưa tháng sáu).
Mặc dù phải di chuyển liên tục qua nhiều vùng đất khác nhau, nhưng người Dao không đánh mất đi bản sắc của dân tộc mình. Họ làm rất tốt việc gìn giữ hồn cốt văn hóa. Đầu tiên và quan trọng nhất là ngôn ngữ. Lý Hữu Lương yêu tiếng dân tộc mình bằng tình yêu tự nhiên và sâu đậm như hơi thở. Với anh, tiếng nói của dân tộc là phương thức bảo lưu những giá trị của người Dao một cách hữu hiệu nhất: Bằng tiếng nói/ Giữ hồn cốt dân tổ tông mình/ Cha mẹ nuôi con mọc răng/ Ru bằng tiếng páo dung/ Truyền cho con tiếng nói/ Bằng cột, vì kèo dựng lên mái/ Bằng tiếng dân tộc mình/ Đi trăm phương còn giữ gốc. (Tiếng nói dân tộc). Sau đó là những phong tục, tập quán tốt đẹp. Triệu Kim Văn tái hiện lễ “chẩy chấu” của người Dao bằng những vần thơ đầy day dứt của một người con không làm trọn nghĩa với cha: Con không về “chẩy chấu” cho cha/ Để xuất hành sau giao thừa pháo nổ/ Biết rồi mẹ lại mong lại nhớ/ Lại cầu an cho con cháu sang năm…Cũng vẫn là Triệu Kim Văn viết nên những câu thơ gợi nhớ lễ cấp sắc của người Dao: Nghìn năm sau đi theo cổ tích/ Những bông kê còn sót lại áo thầy tào/ Đeo lủng lẳng với hội đèn điệu múa/ Găm vào tâm thức con cháu Bàn Dao (Quả kê còn lại). Bàn Thị Ba thì viết về sự hiếu khách của người Dao. Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng người Dao luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho người khách đến nhà mình chơi: Anh ở làng xa tới/ Giờ anh là người khách quý/ Cho em được xem mặt/ Cho em được nghe lời. (Làng mới vào xuân). Sau cùng, với nhiều tác giả, dân tộc Dao trở thành nguồn cảm hứng xuyên suốt của mình. Triệu Kim Văn tự sự: Nhà đặt trên lưng dốc/ Bước chân ra đụng dốc/ Xuống hay lên vậy thôi/ Dốc dốc dốc và dốc…/ Chỉ có mặt bằng lúc nằm/ Đời người Dao là thế. (Dốc). Những cuộc đi, những sự thay đổi của cuộc sống người miền núi đã giúp cho nhà thơ nhận thức rất nhiều, nhất là về ý nghĩa thiêng liêng của cuộc sống vùng cao. Nơi ấy dù Đất/ Trọn đời là đất/ Dưới chân ta nhưng Là điểm tựa muôn loài/ Đất là mẹ. Điểm tựa ấy vững chãi có bởi niềm tin vào sự độ trì của tổ tiên người Dao - Bàn Cổ khai thiên lập địa chia trời thành bốn phương, đất thành tám gác, thiên hạ có mười hai đất nước và cung thành. Bàn Tài Đoàn ngợi ca dân tộc mình bằng những vần thơ đầy tự hào: Người Dao nghèo khổ mà hiên ngang…/ Dũng cảm, yêu thương, lòng chân thật/ Thuỷ chung với bạn, với nước non (Cái gì đẹp nhất).
Hiện nay, quá trình phát triển và giao lưu giữa các dân tộc thiểu số, giữa dân tộc thiểu số và đa số, những va chạm và buộc phải lựa chọn là điều không thể tránh khỏi. GS Cao Xuân Huy đưa ra một biểu tượng cho văn hóa Việt Nam, đấy là nước hay tính chất Nhu đạo, còn GS Trần Quốc Vượng gọi đó là khả năng ứng biến của người Việt Nam, lối sống và văn hóa Việt Nam(1). Qua hơn nửa thế kỉ hình thành và phát triển, có thể thấy tâm thức dân gian, văn hóa dân gian luôn là cội nguồn nuôi dưỡng những tác phẩm văn học hiện đại dân tộc Dao. Dù có giao lưu, hội nhập… thì cái đặc trưng, truyền thống, độc đáo, hơn hết sẽ làm nên giá trị cho những sáng tạo văn chương, bởi “nếu như quốc tế hóa, toàn cầu hóa làm cho “thế giới phẳng” thì một xu hướng song trùng, đối trọng là “dân tộc hóa quốc tế” sẽ làm cho thế giới lúc nào cũng “gồ ghề” và đa dạng”(2).
Đ.T.T.H
------
1. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, 2003 tr.41.
2. Ngô Đức Thịnh, Báo cáo tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập do Đề tài KX. 03.14/06-10 (chương trình KX.03/06-10) và Khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP. HCM) tổ chức ngày 17/9/2009 tại Biên Hòa (Đồng Nai).
Nguồn: Văn nghệ Quân đội