AN DƯƠNG VƯƠNG- NHỮNG DẤU CHÂN TRẦN GIAN
Những câu truyện trong dòng truyền thuyết An Dương Vương nêu trên đều có cái lõi chung nhưng không hoàn toàn như nhất ở các tiểu tiết, các tên gọi cụ thể. Có lẽ chính vì thế mà truyền thuyết này được xem là một hiện tượng phức tạp, không chỉ làm đau đầu giới nghiên cứu folklore mà ngay cả những nhà sử học, dân tộc học cũng không ít lần kỳ công khám phá. Tính đa chiều, phức diện của truyền thuyết này từng được bàn luận khá sôi nổi trong một cuộc tranh luận kéo dài gần trọn một năm trời (12/1960 - 9/1961) trên tạp chí Nghiên cứu văn học. Dĩ nhiên, mọi vấn đề về truyền thuyết này vẫn chưa hề được ngã ngũ.
Nảy sinh từ lịch sử, gắn bó chặt chẽ với lịch sử nhưng đồng thời cũng luôn luôn mang khoác một tấm áo huyền hoặc, đủ làm mờ nhòe đi cái hình dáng ban đầu, sơ khai của lịch sử - đó chính là truyền thuyết. Việc của các nhà sử học là dùng con mắt tinh tường của khoa học lịch sử mà bóc tách lớp sương mù huyền ảo của trí tưởng tượng dân gian, lọc lựa lấy các chi tiết có thật, các nhân vật và sự kiện có thật để bổ sung vốn tri thức lịch sử nước nhà. Nhưng thật là khó cho các nhà nghiên cứu sử học khi muốn đi tìm cái lõi lịch sử trong vô số lớp lang chi tiết được thêu dệt và tích tụ trong truyền thuyết. Bởi lẽ, trí tưởng tượng phong phú và niềm đam mê tái tạo liên tục các truyền thuyết dân gian của nhân dân khiến số lượng các dị bản gia tăng theo thời gian và truyền thuyết cũng không ngừng thâu nhận những giá trị mới, không ngừng lắng đọng những lớp phù sa mới...
Truyền thuyết càng đầy đặn, càng nhiều chi tiết, càng liên quan đến nhiều địa danh, các nhà khoa học càng có nhiều cơ sở để tham chiếu, đồng thời, càng dễ gây nhiễu loạn cho sự phân tích, bóc tách của họ. Truyền thuyết An Dương Vương là một truyền thuyết đẹp đẽ và bí ẩn vì nhiều lẽ. Sự quy tụ của nhiều địa danh, sự liên quan tới nhiều vùng đất đem lại một vẻ đẹp huyền hoặc, thôi thúc sự khám phá cho truyền thuyết này.
Lần theo dòng truyền thuyết An Dương Vương và những nghiên cứu về nó, chúng tôi nhận thấy có 3 địa danh liên quan và có nhiều nghi vấn. Địa danh thứ nhất được đưa ra như một câu hỏi lớn về gốc tích của ông vua Thục Phán. Bằng các vết tích văn hóa mang đậm dấu ấn của các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Choang - các dân tộc cư ngụ ở địa bàn vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc, Quảng Châu, Vân Nam trong truyền thuyết về An Dương Vương, có thể đoán định "nước" của Thục Phán là một nước ở phía Bắc "nước" Văn Lang. Lật giở lại các truyền thuyết của người Tày, đặc biệt là truyền thuyết Cẩu chủa cheng vùa (Chín chúa tranh vua), người ta đặt ra nghi vấn: phải chăng vua Thục là một ông vua có gốc tích miền núi hoặc cụ thể hơn là một ông vua người Tày. Nước Nam Cương của vua Thục vốn đóng đô ở Cao Bình, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Sau khi phế vua Hùng, Thục Phán mới nhập nước Văn Lang và nước Nam Cương thành nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Khảo sát một lượt các biểu tượng trong truyền thuyết An Dương Vương, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều nét tương đồng với văn hóa Tày cổ. Người Tày - Nùng có truyền thuyết về áo lông chim - gợi nhắc đến biểu tượng áo lông ngỗng của công chúa Mị Châu. Có thể nói, sử dụng áo lông ngỗng là một phong tục đặc biệt phổ biến ở người Tày cổ. Thư tịch cổ Trung Quốc xác nhận phong tục dùng lông ngỗng làm gối, chăn, áo ở Lĩnh Nam. Biểu tượng Rùa vàng trong truyền thuyết An Dương Vương cũng rất có thể được bắt nguồn từ vật tổ của người Tày cổ. Các vùng Tày - Thái còn lưu truyền khá nhiều truyền thuyết về Rùa và đặc biệt là họ có tục thờ rùa. Truyền thuyết rùa dạy người làm nhà của người Tày - Thái gợi nhắc đến chi tiết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Ốc[i].
Hai địa danh được nhắc đến trực tiếp trong khá nhiều truyền thuyết nằm trong dòng truyền thuyết về An Dương Vương là Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay) và Diễn Châu (Nghệ An). Cổ Loa là nơi Thục Phán An Dương Vương dốc sức xây thành Ốc, trải qua nhiều khó khăn do sự quấy phá của tinh gà trắng nhưng nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy nên đã thành công. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Bấy giờ đắp thành ở Việt Thường, rộng hơn nghìn trượng, như hình trôn ốc, nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tư Long...". Việt Thường được xác định là Cổ Loa ngày nay. Có thể coi đây là nơi An Dương Vương xây dựng cơ đồ, làm nên nghiệp lớn. Nơi đây còn lưu lại nhiều vết tích như: ba vòng lũy thành Cổ Loa (theo sách xưa chép thì thành Cổ Loa có chín lớp, chu vi chín dặm). Thành được đắp bằng đất, thành ngoại hình bầu dục cao từ 4 đến 5 mét, có nơi tới 8 đến 12 mét. Mặt ngoài thành thẳng đứng nhưng phía trong lại dốc nên mặt trên thành là 6 đến 12 mét, chân thành từ 20 đến 30 mét. Ngoài ra, đền Thục An Dương Vương, Am Bà Chúa, giếng Ngọc (nơi xưa kia Trọng Thủy nhớ Mị Châu gieo mình) cũng là những chứng tích cho thấy truyền thuyết An Dương Vương đã "sống" bằng hơi thở của dân gian, bằng tâm hồn dân gian như thế nào.
Diễn Châu (Nghệ An) là nơi "vua cầm sừng văn tê dài 7 tấc nhảy xuống biển đi mất (tức là sừng tê rẽ nước ngày nay...)".Đại Việt sử ký toàn thư có chép rõ: "tục truyền núi Dạ Sơn xã Cao Xá thuộc Diễn Châu là nơi ấy". Theo các sử liệu, việc lập miếu thờ An Dương Vương đã có từ lâu lắm rồi. Nơi thờ đầu tiên có thể kể đến là một ngôi đền nhỏ ở một mỏm núi thuộc làng La Nham (bây giờ không thấy còn dấu tích nữa). Ngày nay, đền thờ Thục Phán An Dương Vương tương đối quy mô còn tiếp tục hương khói tại Nghệ An là đền Cuông ở Diễn Châu, phía bên tả ngạn cửa sông Cấm.
Truyền thuyết dân gian có khả năng truyền dẫn qua thời gian và lan truyền qua không gian, được nuôi dưỡng nhờ "bia miệng" và sức sáng tạo dồi dào của dân gian. Thế nhưng, một truyền thuyết mà trong đó hội tụ tới 3 địa danh có khoảng cách địa lý thực tế tương đối xa cách như truyền thuyết An Dương Vương với sự xuất hiện của vùng đất miền núi: Hòa An (Cao Bằng), miền đồng bằng châu thổ sông Hồng: Cổ Loa (Hà Nội) và miền trung: Diễn Châu (Nghệ An) lại là một chuyện đáng bàn. Hẳn rằng, đó không đơn thuần là kết quả của tính năng dẫn truyền của truyền thuyết!
... hay là bản đồ chỉ dẫn một mạch đời?
Nếu hội tụ các địa danh trên dưới một nguồn ánh sáng - mạch đời của nhân vật đã được xác định là có thật trong lịch sử nước nhà - Thục Phán An Dương Vương, chúng ta có thể thấy vấn đề sáng rõ ra rất nhiều. Địa danh Hòa An (Cao Bằng) sẽ là câu trả lời cho nghi vấn về gốc tích của An Dương Vương. Vậy, có thể nói, đó chính là nơi phát tích của Thục Phán và cũng là nơi bắt đầu mở ra mạch truyền thuyết về An Dương Vương trên đất Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) và Diễn Châu (Nghệ An).
Cổ Loa với những di tích và những tên làng, tên xóm liên quan, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng nước Âu Lạc chính là địa danh ghi dấu quãng thời gian hùng mạnh của ông vua Thục Phán An Dương Vương. Đó là địa danh chỉ dẫn một quãng đời, một quãng thời gian tiếp nối mạch đời của An Dương Vương.
Mạch đời của con người đặc biệt ấy, của số phận li kỳ ấy đã đặt dấu chấm hết trên địa danh Diễn Châu (Nghệ An). Trong cái bản đồ cuộc sống của An Dương Vương, điểm kết thúc hay chính là điểm hóa thân thần thánh của ông được dân gian lưu truyền là Diễn Châu (Nghệ An) - lúc bấy giờ cũng là điểm tận cùng của đất nước Âu Lạc. Đó là sự thật lịch sử, hay đó chỉ là một tưởng tượng nảy sinh trên một thứ logic suy tư về biên giới của nhà nước Âu Lạc xa xưa? Phải chăng, người xưa coi cuộc ruổi ngựa của An Dương Vương thủa nọ trốn chạy sự truy đuổi của quân Triệu Đà là một hành trình đi đến điểm "sơn cùng, thủy tận", đi đến hết lãnh vực mà ông cai quản, để thấm thía mãnh liệt nỗi đau mất nước, để trong cơn đớn đau cùng kiệt ấy đã lấy vị thế của một ông vua mà rút gươm kết liễu cuộc đời cô con gái yêu ngồi sau lưng ngựa?
Dẫu thế nào, đất Nghệ An vẫn còn lưu dấu biết bao nhiêu ảnh xạ của truyền thuyết An Dương Vương - những mẩu nhỏ dệt nên một huyền thoại còn vang động cho tới tận ngày nay...
Những ảnh xạ của truyền thuyết An Dương Vương trên đất Nghệ An
Trên đất nước Việt Nam - đất nước mà ở đó, mỗi tên núi, tên sông, tên đồng, tên bãi đều mang chở một mảnh linh hồn của nhân dân, đều trở nên linh thiêng bằng những mẩu truyện dân gian sống trong niềm tin tuyệt đối của nhân dân thì đâu đâu cũng phủ che cái không khí huyền ảo của truyền thuyết. Ở những vùng đất ghi dấu ấn của những tên tuổi lịch sử thì chất truyền thuyết càng trở nên đậm đặc. Diễn Châu (Nghệ An) là một vùng đất như thế, với vô số các ảnh xạ của truyền thuyết về An Dương Vương.
Thục Phán An Dương Vương kết thúc sự nghiệp hào hùng của ông trên mảnh đất này, nhưng hào quang về sự nghiệp ấy, về con người ấy và ngay cả dư chấn của nỗi uất hận ngàn thu về sự cả tin để “nỏ thần vô ý trao tay giặc/ nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (thơ Tố Hữu) vẫn còn vang động mãi muôn đời sau. Diễn Châu (Nghệ An) có thể coi là trung tâm phát xạ ra những dư chấn ấy đớn đau ấy, những hào quang kỳ diệu ấy của cuộc đời bi kịch một đấng quân vương.
Đọc lại những mẩu truyện trong dòng truyền thuyết An Dương Vương, có thể thấy rõ đoạn kết là cao trào của bi kịch mất nước, cũng là điểm thắt nút của bi kịch tình yêu. Có lẽ bởi là nơi diễn ra hồi kết nghiệt ngã của cuộc đời những nhân vật lịch sử (mà trước hết cũng là những con người có máu thịt, có tình yêu, có niềm kỳ vọng và có cả những khờ khạo, ngây thơ…) cho nên địa danh Diễn Châu (Nghệ An) trở thành một địa danh tỏa phát nhiều ảnh xạ về truyền thuyết An Dương Vương, tiếp nối mạch truyền thuyết này từ địa danh Hòa An (Cao Bằng) và Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Chúng tôi chỉ điểm sơ qua về những mẩu truyền thuyết[ii]mang tính phái sinh – có thể coi là những ảnh xạ phản chiếu ra từ mạch truyền thuyết gốc về An Dương Vương còn được lưu truyền trên đất Nghệ An. Đó có thể coi là một minh chứng hùng hồn về sự lưu dấu đậm đà của một quãng lịch sử xa hun hút trong tâm thức dân gian xứ Nghệ.
1. Núi Đầu Cân
Núi Đầu Cân là một ngọn núi thuộc làng La Nham, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (giáp với huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An ngày nay. Dân gian tương truyền rằng, tên núi Đầu Cân khởi phát từ một truyền thuyết có liên quan tới sự ra đi đầy bí ẩn của An Dương Vương nơi cửa biển vùng Diễn Châu, Nghi Lộc. Dĩ nhiên, chúng ta đều có thể ngầm hiểu với nhau rằng, thời của An Dương Vương, thời của truyền thuyết, đất đai, địa vực là tự nhiên, chưa có sự phân định ranh giới như bây giờ. Thế nên, chuyện ngày nay, truyền thuyết về An Dương Vương lưu hành cả ở huyện Nghi Lộc càng minh chứng cho hồn cốt lịch sử thấp thoáng trong từng huyền thoại về dấu vết vó ngựa ngàn xưa của vị vua này trên đường chạy trốn quân của Triệu Đà. Không chỉ một địa danh đã được giới định hành chính hóa là Diễn Châu ngày nay có lưu truyền những mẩu chuyện về An Dương Vương mà cả một địa danh khác là Nghi Lộc cũng ghi dấu nhiều vết tích huyền thoại. Bởi lẽ, truyền thuyết là cái có trước ranh giới địa phương, truyền thuyết sống bằng niềm tin dân gian không biên giới.
Về sự ra đi của An Dương Vương, nhân dân nơi đây kể rằng: vị vua này cùng công chúa Mị Châu mải miết phóng ngựa thật nhanh qua xứ Thanh đi về phía đất Nghệ. Một cơn gió ngược chiều thổi mạnh đã làm rơi chiếc mũ của bậc đế vương. Công chúa Mị Châu bèn lấy khăn của mình trùm lên đầu cho phụ vương. Ngựa dừng chân ở đỉnh một quả đồi thấp và dài nối liền hai dãy núi: dãy Đại Hải và dãy Đại Vạc. Hai dãy núi này tạo thành một eo biển. Tưởng đây là đất dừng chân, nào ngờ, tiếng vó ngựa quân Triệu Đà đã thấy dồn dập phía sau lưng. Bỗng nhiên, An Dương Vương thấy từ phia chân núi có một cụ già đi tới. Vua than thở: "Sao ta chạy đến đâu giặc cũng dò được đường đuổi theo ta?" Cụ già đáp: "Thưa bệ hạ, vì giặc ở ngay sau lưng ngựa bệ hạ đó thôi!". An Dương Vương rút kiếm, ngoảnh đầu nhìn Mị Châu. Mặc nàng khóc lóc, thề nguyền, ông chém đầu Mị Châu rồi men theo chân dãy Đại Hải, đến một quả núi cuối cùng thì thấy ba mặt đều là biển cả mênh mông, sóng cồn dữ dội. Gió từ ngoài khơi thổi vào hất tung chiếc khăn trên đầu Thục Phán An Dương Vương và trùm lên đỉnh ngọn núi. An Dương Vương cùng đường, ngửa mặt lên trời mà than: "Cơ đồ của ta đến đây là hết!". Nói đoạn, nhà vua gieo mình xuống biển. Về sau, quả núi đó được nhân dân đặt tên là núi Đầu Cân (nghĩa là cái khăn bịt đầu). Dân làng cũng lập một miếu nhỏ thờ Thục An Dương Vương dưới chân núi.
2. Tảng đá gạo
Trong truyền thuyết dân gian, tảng đá gạo là một chứng tích của những ngày An Dương Vương thất trận chạy về xứ Nghệ. Phía đông núi Mộ Dạ, có một tảng đá tròn với những màu sắc rất kỳ lạ. Tảng đá lổm nhổm những hạt màu đỏ, vàng, đen, trắng xen kẽ nhau trông như những hạt gạo. Dân gian gọi đó là tảng đá gạo.
Bằng niềm tin mãnh liệt vào câu chuyện Thục Phán An Dương Vương từng lưu bóng trên mảnh đất quê hương mình, người dân Diễn Châu cho rằng, tảng đá gạo là vết dấu của số gạo nuôi quân của An Dương Vương. Người dân còn lưu truyền một câu chuyện chứa đầy sự hoang đường về tảng đá này. Tương truyền, ngày xưa khi Thục An Dương Vương thất trận chạy đến đất Diễn Châu thì hết lương thực. Vua ngẩng mặt chắp tay vái trời cầu xin giúp đỡ. Bỗng nhiên, gió nổi lên. Từ trong gió, những hạt gạo bay ra tua tủa. Vua sai quân lính thu nhặt chất thành đống rồi chia đều cho họ. Khi biết đã đến bước đường cùng, nhà vua cho quân lính đưa số gạo được chia về quê làm ăn, không phải theo bảo vệ vua nữa. Số gạo còn sót lại về sau đã đông thành đá, trở thành tảng đá gạo.
3. Cao Lỗ - tổ sư nghề rèn
Cao Lỗ là vị tướng giỏi của nước Âu Lạc, giúp An Dương Vương chế ra chiếc nỏ thần từ móng thần Kim Quy. Nhân dân Diễn Châu còn lưu truyền một truyền thuyết về một người tên là Cao Lỗ đi học nghề rèn ở bên Tàu, sau đó về truyền nghề lại cho dân chúng trong vùng. Họ suy tôn ông là tổ sư nghề rèn. Không rõ, nhân vật Cao Lỗ này và tướng Cao Lỗ của vua An Dương Vương có phải là một?
Chuyện kể rằng, ở làng Nho Lâm - quê hương Cao Lỗ có mỏ sắt. Cao Lỗ biết rằng nếu có thể làm lưỡi cày, dao, kiếm bằng sắt thì sẽ tốt hơn cả đồng. Khốn nỗi, ở nước ta lúc bấy giờ chưa có nghề rèn. Cao Lỗ đã cất công sang Tàu học nghề, đường đi gặp muôn vàn khó khăn, rồi ông cũng gặp được thầy là một lão phó rèn trạc tuổi năm mươi. Biết Cao Lỗ cất công từ phương Nam tới, bác phó rèn rất khâm phục. Nhưng để rèn thêm ý chí cho Cao Lỗ, thầy buộc ông phải làm công việc thụt bệ đúng ba năm. Đó là một công việc đơn giản, dễ gây chán nản. Nhưng với người họ Cao, đó lại là một quá trình tích lũy kinh nghiệm. Ông biết khi nào thì cần thụt bệ mạnh, khi nào thì cần thụt bệ nhẹ để có được sản phẩm như ý. Sau khi đã nắm được kỹ thuật thụt bệ, Cao Lỗ lại phải học ròng rã ba năm việc quai búa rồi mới được học rèn. Thêm bốn năm học rèn, Cao Lỗ được thầy truyền bí quyết nhà nghề. Trước khi giã biệt thầy về quê hương, người học trò từ chối nhận số tiền làm lộ phí thầy cho, ông chỉ xin một bộ đồ rèn bằng sắt.
Về quê, Cao Lỗ hăm hở dựng lò rèn, rủ người vào núi lấy quặng nấu thành gang, sản xuất lưỡi cày, dao, mác, ... Ông vừa sản xuất, vừa truyền nghề. Dân làng ai cũng cảm phục tài nghệ của ông. Quê ông, người ta đặt tên là xã Cao Xá (nghĩa là: nơi ở của người họ Cao). Nhân dân còn lập đền thờ ông ở động Tù Và (nay thuộc xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Trong bài vị có viết: "Tiên Hoàng sơ thủy tổ Cao Lỗ hiệu Lư Sơn thiết khí tôn thần".
Sau này, sách "Bách nghệ tổ sư" cũng ghi lại: "Lư Cao Sơn làng Nho Lâm, thế kỷ III trước Công nguyên bỏ công mười năm sang Trung Quốc học nghề rèn về truyền lại cho dân. Ngày nay, có một cộng đồng dân cư tương đối lớn ở Diễn Châu mang họ Cao. Họ Cao ở Diễn Châu đặc trưng đến nỗi, khi người Nghệ biết một người mang họ Cao, có thể đoán luôn quê hương bản quán của người đó.
4. Tổ sư nghề làm vàng vó
Tục lệ cúng tế ở Nghệ An còn in hằn dấu vết của dòng truyền thuyết An Dương Vương. Nhân dân ta thường dùng vàng mã trong cỗ bàn cúng tế. Vàng mã có loại là những tờ giấy gió hình vuông, ở giữa quét nhũ vàng hay nhũ bạc cũng hình vuông, gọi là vàng giấy. Người dân xứ Nghệ còn có loại vàng vó, làm bằng nan tre gập lại thành khối vuông, dán giấy vàng hay đỏ ghép xen kẽ nhau. Mỗi khối là một thỏi. Năm mươi thỏi ghép lại thành hình một khối chữ nhật gọi là một thớt. Tương truyền rằng, quân tướng của Thục An Dương Vương hộ tống nhà vua vào đến đây, sau khi vua chết, họ ở lại và truyền nghề làm vàng vó cho dân. Ngày nay, ở một số vùng, các phường hội làm vàng vó cúng tổ sư là: “Thục An Dương Vương chi Quân tướng” (nghĩa là: quân tướng của vua Thục An Dương Vương).
Khi tìm hiểu rộng ra ở miền Bắc, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, phần lớn các tỉnh miền Bắc chỉ làm vàng giấy, riêng ở Cổ Loa thì có tục làm vàng vó.
Như vậy, có thể thấy, dòng truyền thuyết về An Dương Vương trên mảnh đất Nghệ An đã thu hút vào nó không chỉ những câu chuyện về các nhân vật chính trong truyền thuyết mà ngay cả những mẩu chuyện về vết tích quân tướng của vua Thục lưu lại nơi đây. Đó có thể là chuyện về một hiện vật kỳ lạ (như chuyện tảng đá gạo), hoặc là chuyện về một phong tục, một nghề nghiệp như câu chuyện này. Niềm tin về sự hiện diện của Thục Phán An Dương Vương trên quê hương mình thuở xa xưa đã ăn sâu vào tâm khảm những người dân xứ Nghệ. Dù là chuyện làm ăn, dù là chuyện phong tục, dù là để lý giải những hiện tượng kỳ lạ của tự nhiên, họ đều nhìn thấy ẩn hiện phía sau là bóng dáng vị vua huyền thoại ấy...
Câu chuyện về những ngôi đền thiêng
Những ngôi đền – đó chính là chứng tích cụ thể mà sống động, hiện thực mà vẫn huyền hồ của các truyền thuyết. Dòng truyền thuyết An Dương Vương khi vang động qua các vùng miền, khi chảy trôi qua các địa vực đã lưu lại biết bao lớp phù sa văn hóa. Lớp phù sa đọng lại nổi nét nhất, hiện hữu nhất chính là sự hiện tồn của những ngôi đền thiêng. Đền Thục An Dương Vương ở trong Thành Nội (xóm Chùa ngày nay), Cổ Loa, Hà Nội; đền Cuông ở lưng chừng núi Mộ Dạ, Diễn Châu, Nghệ An; đền Đức Vua ở xã Thượng Xá (nay thuộc xã Nghi Xá), huyện Nghi Lộc, Nghệ An là những địa chỉ neo giữ linh hồn truyền thuyết. Có thể nói, những ngôi đền kia là gốc cội linh thiêng để truyền thuyết “trú chân” và tiếp tục ăn sâu vào tâm hồn dân gian xứ sở ấy, vùng quê ấy.
Truyền thuyết có một quá trình lưu chuyển rộng rãi trong nhân dân, xuyên qua không gian và thời gian. Nhờ quá trình lưu chuyển này mà một truyền thuyết có cội rễ sâu chặt trong dân gian luôn tiềm tàng khả năng biến thành một hệ truyền thuyết với những câu chuyện phái sinh từ truyền thuyết gốc. Nhưng, trong sự tồn tại của truyền thuyết cũng luôn luôn xảy ra một quá trình ngược lại quá trình phát triển và nảy nở những chi lưu mới, những cành nhánh mới, đó là quá trình cố định hóa và văn bản hóa. Hai quá trình này song song tồn tại trong sự mâu thuẫn, đối lập nhau, tưởng chừng như mỗi quá trình là một vật cản của quá trình còn lại, nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Chúng ta có thể hình dung một cách đơn giản nhất về sự tồn tại của những ngôi đền, đó là sự cố định hóa, hiện thực hóa, cụ thể hóa các truyền thuyết dân gian. Bằng sức mạnh của niềm tin, nhân dân không chỉ thêu dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện xung quanh một sự kiện lịch sử, một nhân vật lịch sử để làm nên truyền thuyết, họ còn có ước vọng lớn hơn khi biến những truyền thuyết ấy thành cái hiện hữu vĩnh hằng. Những ngôi đền ra đời để đáp ứng nhu cầu ấy của nhân dân.
Vốn là những con người sống giữa ám ảnh về các vị thần từ thuở hồng hoang, nhân dân ta có một nhu cầu gọi là nhu cầu “thần thánh hóa” các nhân vật lịch sử. Với lòng kính mộ, với tất cả nỗi say mê thần thánh, nhân dân đã đắp bồi thêm cho những nhân vật lịch sử một lớp áo huyền ảo - đủ để gây ra cơn chấn động nhận thức, đủ để người ta nghi hoặc về sự tồn tại của một ông thánh, ông thần, đủ để người ta giữ một góc bí mật nhất, thiêng liêng nhất trong tâm hồn để nghiêng mình cẩn trọng trước các nhân vật ấy. Mặc nhiên, có thánh rồi thì phải có nơi để thánh “ngự”, phải có chỗ để nhân dân đến tỏ bày sự ngưỡng vọng của họ đối với các vị thánh. Ngôi đền cũng chính là ngôi nhà thiêng của các vị thánh. Đó là nơi nhân dân trình diện tín ngưỡng của họ, là nơi truyền thuyết được cố định lại bằng các thần tích, thần phả, ngọc phả. Đó cũng là nơi phát xạ ra những luồng truyền thuyết mới xung quanh hệ truyền thuyết gốc. Do vậy, cứ ngỡ rằng quá trình cố định hóa, văn bản hóa truyền thuyết bằng sự hiện hữu của các ngôi đền sẽ chặt đứt đôi cánh bay bổng của truyền thuyết nhưng hóa ra không phải. Trái lại, chính nhờ sự cố định hóa, hiện thực hóa ấy, truyền thuyết càng găm chặt hơn trong tâm thức dân gian, càng ngấm sâu hơn vào tâm hồn dân gian, càng có khả năng phát tỏa ra những hào quang mới, tuôn chảy ra những chi lưu mới từ truyền thuyết gốc.
Vậy, có thể nói, mỗi ngôi đền là một nơi tụ khí thiêng của truyền thuyết, là mạch nguồn năng lượng nuôi dưỡng truyền thuyết, để truyền thuyết giữ được hồn cốt của nó bất chấp thời gian. Nhìn truyền thuyết An Dương Vương từ phía những ngôi đền, chúng ta sẽ càng thấm thía điều đó.
Nhắc đến đền thờ An Dương Vương, hẳn là không ai không biết đến cả một quần thể còn được bảo tồn tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Ở địa phận xóm Chùa ngày nay còn lưu lại một quần thể gồm đền thờ Thục An Dương Vương (còn gọi là Đền Thượng) và Am Bà Chúa thờ công chúa Mị Châu. Đền Thục An Dương Vương nằm trên một gò đất cao dưới chân lũy thành Cổ Loa xưa, về phía góc Tây - Nam. Kiến trúc của đền gồm có hạ điện và thượng điện, được cấu trúc theo hình chữ khẩu.
Cách đền Thượng mấy trăm mét là Am Bà Chúa, nơi thờ công chúa Mị Châu. Am Bà Chúa náu mình dưới một cây đa cổ thụ từ thời Ngô Quyền. Am cũng gồm thượng điện và hạ điện. Hạ điện là một ngôi nhà nhỏ ba gian, cửa luôn đóng kín. Thượng điện cách hạ điện bởi một cái sân nhỏ, gian giữa đặt bàn thờ công chúa Mị Châu. Hai bên thờ mười hai nàng hầu của công chúa. Phía sau bàn thờ Mị Châu là một khối đá hình người có hai vai, cao hơn một mét, tương truyền đó là hình vóc còn lại của Mị Châu sau khi bị chém đứt đầu hóa đá.
Về nguồn gốc của Am Bà Chúa, nhân dân Cổ Loa còn truyền tụng một câu chuyện bi thương của công chúa Mị Châu. Chuyện xưa kể, khi bị vua cha vung gươm lên chém đầu, Mị Châu đã thống thiết mà rằng: "Nếu vì lòng phản bội mà con hại cha thì sau khi chết con xin làm cát bụi, nhưng nếu vì mù quáng mà dẫn đến cảnh ngộ này thì sau khi chết, con xin hóa đá...". Sau khi nhận nhát kiếm nghiệt ngã của vua cha, thi thể Mị Châu bị sóng cuốn đi. Như lời cầu nguyện, thi thể ấy biến thành một tảng đá, chìm xuống đáy biển. Theo năm tháng, tảng đá ấy được những con nước ba động đẩy dần đến cửa Đại An, chính là cửa sông Hồng ngày nay. Từ đó, nó ngược theo sông Hồng, qua sông Thiếp - một nhánh sông Hồng rồi dạt vào Đầm Cả ở phía Đông thành Cổ Loa.
Sau một đêm mưa gió dữ dội, dân làng Cổ Loa thấy trên cồn Đầm Cả xuất hiện một tảng đá. Mọi người thử ra khiêng, nhưng không sao khiêng nổi tảng đá ấy, dù nó không quá to. Lũ trẻ chăn trâu nếu nghịch ngợm trèo lên tảng đá chơi đều bị ốm, cha mẹ chúng phải đem hương hoa ra khấn thì mới khỏi bệnh. Dân làng thấy thế, gọi tảng đá ấy là tảng đá thần. Rồi một đêm, các già làng đều nằm mơ thấy một cô gái có xiêm y màu trắng đến gặp và nói: "Tại sao các ngươi cứ để ta nằm ở chốn bùn lầy mãi?" Các già làng đoán được oan hồn Mị Châu trở về, bèn họp làng bàn chuyện rước tảng đá về thành Cổ Loa. Thật lạ lùng, trước đây khi khiêng thử, bao nhiêu người cũng không khiêng nổi tảng đá. Ấy vậy mà khi có lễ rước long trọng, đủ cờ quạt, trống chiêng thì tảng đá thần bỗng nhiên nhẹ bẫng. Đặt tảng đá trong một cái cáng hai người khiêng mà vẫn thấy nhẹ tênh. Nhưng khi cáng đến gần đình Cổ Loa thì tảng đá tỳ xuống, hai trai làng không đi nổi. Dân làng đoán công chúa muốn nghỉ lại nơi đây, bèn cho đặt cáng xuống. Nơi ấy, dân làng lập Am Bà Chúa thờ Mị Châu.
Đền Cuông (hay còn gọi là đền Công) nằm ở lưng chừng núi Mộ Dạ (Diễn Châu, Nghệ An) cũng là một ngôi đền linh thiêng nổi tiếng khắp dân gian xứ Nghệ. Sở dĩ đền có tên như vậy là vì xưa kia, núi Mộ Dạ là nơi sinh sống của rất nhiều chim Công. Người dân nơi đây thường gọi chim Công theo tiếng địa phương là chim Cuông. Do đó, ngôi đền nguy nga nằm trên ngọn núi này cũng được gọi luôn là đền Cuông (đền Công). Đền được lập nên để thờ An Dương Vương. Về nguồn gốc ngôi đền, người dân xứ Nghệ còn kể cho nhau nghe câu chuyện này...
Tương truyền, từ rất xưa, một buổi sáng, dân chài ra biển thấy một chiếc kiệu lớn từ biển Đông trôi vào cửa Hiền (một cửa biển đã bị lấp, nay thuộc địa phận xã Diễn Trung). Khi sóng đẩy kiệu lên bờ, dân các làng ven cửa biển ấy đều thi nhau ra khiêng nhưng không sao khiêng nổi. Nhưng đến khi dân làng Cao Ái ra khiêng kiệu thì lại khiêng được. Kiệu được rước về đình làng Cao Ái. Dân làng Cao Ái rất hãnh diện vì cho rằng, hồn thiêng của vua Thục nhập vào trong kiệu đã chọn dân làng mình rước kiệu. Có kiệu vua rồi, nhân dân mới lập đền thờ.
Chỉ riêng việc dựng đền Cuông, trùng tu tôn tạo đền cũng đã đủ cho dân gian thêu dệt nên biết bao nhiêu câu chuyện nữa. Nói như thế để thấy rằng, mỗi cột nanh, mỗi chiếc cổng tam quan, mỗi ban thờ của một ngôi đền khi được dựng nên đều chất chứa biết bao nhiêu sự tích kỳ bí. Sự ra đời của một ngôi đền có thể lưu lại vết tích rõ nét của một truyền thuyết trên một xứ sở, hơn thế, đó còn là sự khơi gọi cả một bầu không gian truyền thuyết, cứ tiếp nối đời đời với những câu chuyện mới có liên quan với truyền thuyết gốc.
[i] Xem thêm trong Hùng Vương dựng nước tập III, IV, NXB Khoa học xã hội, H, 1974.
[ii] Dẫn theo Nguyễn Nghĩa Nguyên trong cuốn: Từ Cổ Loa đến đền Cuông, NXB Nghệ An, 2006.
Nguồn: Văn hóa Nghệ An
VỀ AN DƯƠNG VƯƠNG
TRẦN QUỐC VƯỢNG, ĐỖ VĂN NINH
VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU
Sơ qua về tình hình nghiên cứu trước đây:
Những tài liệu xưa nhất của Việt Nam còn lại là Việt điện u linh, Việt sử lược, Lĩnh Nam chích quái và Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi chép về sự tồn tại của thời kỳ lịch sử An Dương Vương và nước Âu Lạc trong giai đoạn đầu của lịch sử Việt Nam.
Tiếp những tập sách trên, Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú,... cũng có ghi chép về An Dương Vương và nước Âu Lạc với nội dung tương tự. Qua những tài liệu này chúng ta thường hiểu An Dương Vương họ Thục, tên Phán, người đất Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay), con của vua Thục, nhân vì không mãn ý trong việc cầu hôn của tổ phụ với con gái Hùng Vương là Mỵ Nương mà mang quân đánh đổ Hùng Vương, lập nước Âu Lạc, làm vua xưng là An Dương Vương, xây thành Cổ Loa...
Cho tới cuối thế kỷ XIX, một số sử thần nhà Nguyễn mới tỏ ý hoài nghi những ghi chép trên. Họ cho là Âu Lạc "hoặc giả ở ngoài cõi tây bắc giáp liền với nước Văn Lang" và Thục Vương không phải là người Ba Thục. Tiếp đó Nguyễn Văn Siêu trong một bài thơ chữ Hán đã phủ quyết những điều ghi chép của sử cũ, không công nhận có thành vua Thục ở đất quận Giao Chỉ. Dưới thời thuộc Pháp, Ngô Tất Tố cho rằng: "Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục". Tràn Trọng Kim cũng lặp lại các ý kiến của sử thần nhà Nguyễn. Một số học giả Pháp như H. Maxpêrô, trong bài Vương quốc Văn Lang, cho An Dương Vương chỉ là một "nhà vua thần thoại", hoặc như A.G. Ôđricua đã kết luận: "Trước nhà Hán thì không có lịch sử An Nam"[1]. Một vài học giả khác như G. Đuymuchiê và R.Đêpie thì chỉ mô tả sơ sài bề ngoài thành Cổ Loa, mô tả ngày lễ đền Thượng và lịch sử cũ hay văn bia nói về An Dương Vương...
Đối với nhân dân, đặc biệt nhân dân quanh vùng Cổ Loa thì trước sau như một có một lòng tin vững chắc hơn nữa không còn đặt vấn đề có hay không có - vào giai đoạn lịch sử này. Một khi truyền thuyết phong phú gắn chặt với từng địa danh, từng di tích lịch sử, từng phong tục tập quán thành một khối thống nhất gợi lại một thời kỳ lịch sử xem ra như vừa đầy đủ, vừa chặt chẽ, vừa hợp lý thì khó có ai tỏ nổi một nỗi hoài nghi. Đền thờ An Dương Vương và tượng vua Thục, am thờ Mỵ Châu với pho tượng đá cụt đầu cùng giếng Trọng Thủy như chứng minh sự có thật của những nhân vật quen thuộc của thời kỳ lịch sử này với những chi tiết khá lý thú khiến khách tham quan phải tin rằng: Có một vị vua An Dương Vương, có một người con gái của vị vua đó tên là Mỵ Châu đã nhẹ dạ lấy nỏ thần của vua cha cho chồng xem, có người chồng của Mỵ Châu tên là Trọng Thủy đã lấy trộm chiếc lẫy nỏ thần để rồi bi kịch được kết thúc bằng vua Thục thua trận, mất thành, Mỵ Châu bị cha chém cụt đầu và Trọng Thủy tự tử tại "giếng ngọc" trước cửa đền An Dương Vương. Ba vòng thành cổ Loa với chiều dài hơn 16.000m quanh co bao bọc lẫn nhau như hình xoáy ốc, miếu thờ thần Rùa trên bờ giếng Rùa mang tên Loa khẩu, hàng loạt gò đống từng đôi, từng đôi, phân bố dọc con đường từ làng Tiên Hội tới Cổ Loa... là chứng cứ cho truyền thuyết đắp thành. Truyền thuyết kể rằng tiên Hội là nơi các nàng tiên đêm đêm tụ họp tại đó để gánh đất giúp vua đắp thành, những hòn đất lọt từ sọt rơi xuống chất thành gò đống. Mỗi cặp gò đống thường bên nhỏ bên to - và thật vô cùng chặt chẽ - truyền thuyết kể rằng ở bên nhỏ nàng tiên còn móc thêm cái cuốc, như vậy hai bên vẫn nặng đều nhau. Di tích và truyền thuyết còn cho biết cả những hoạt động của vua Thục như việc thiết triều ở ngôi đình "Ngự triều di quy", xem thử nỏ thần ở gò "Ngự xạ đài". Truyền thuyết cũng không quên kể lại cả triều đình vua Thục với những tướng tài như Cao Lỗ, người đã sáng chế ra nỏ thần, có công luyện tập binh sĩ và từng dược vua Thục sai làm trấn tướng phía Bắc nơi xung yếu bậc nhất của Loa Thành: như Nồi Hầu, người đã huy động dân làng tổ chức dân binh giúp vua chống Triệu và khi mất nước cả 3 cha con đã tự tử không chịu để cho giặc bắt.
Nhiều phong tục, kiêng kỵ có quan hệ chặt chẽ với truyền thuyết củng cố thêm mức độ đáng tin cậy cho truyền thuyết như tục rước vua sống hàng năm, tục kiêng nuôi gà trắng[2], tục đãi dâu không đãi rể[3], tục kiêng tên Phán gọi chệch thành Phớn hoặc nồi gọi chệch thành niêu[4]. Những phong tục địa phương còn mang nặng thái độ về luân lý đạo đức. Người dân địa phương biểu lộ thái độ khinh bỉ sự phản phúc của Trọng Thủy trong tục đãi dâu không đãi rể; biểu lộ lòng kính trọng người tướng có công Nồi Hầu, không dám chạm tên húy; biểu lộ sự tôn trọng dân làng Quậy, mời ngồi chiếu trên mỗi khi mở hội chính vì dân Quậy vốn là người lập nghiệp cũ trên đất Cổ Loa, bởi lẽ lấy đất đắp thành mới phải dời về Quậy.
Ý nghĩa của việc nghiên cứu của chúng ta:
"Uống nước nhớ nguồn" là một trong những đặc điểm cao quý của con người Việt Nam đạo đức. Dân xã Cổ Loa và 7 xã khác chung quanh hàng năm vẫn mở hội vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch để tưởng nhớ vua Thục xưa. Tình cảm gắn bó với tổ tiên sâu sắc tới mức:
Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống thì không bỏ mồng sáu tháng giêng
Vấn đề An Dương Vương, một bộ phận của cả vấn đề lớn "thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước", liên quan đến nguồn gốc của nhân dân ta, liên quan đến sự diễn biến của lịch sử Việt Nam ta, đến lịch sử nước ta trong mấy chục năm nay và đến cả tương lai của dân tộc ta.
Tình cảm dân tộc thôi thúc, yêu cầu của khoa học đòi hỏi, chúng ta thấy bức thiết phải đặt vấn đề nghiên cứu.
Vấn đề đã được nghiên cứu từ hàng chục năm nay, từ nhỏ bé tới quy mô, từ từng cơ quan riêng lẻ tới việc cộng tác của nhiều cơ quan. Đầu năm 1968, khi mà đề tài "Thời kỳ lịch sử Hùng Vương - An Dương Vương" của Viện Khảo cổ học được Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam duyệt và Nhà nước thông qua coi là đề tài nghiên cứu trong kế hoạch 3 năm 1968-1970, thì công tác nghiên cứu bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hợp tác xã hội chủ nghĩa chặt chẽ và rộng rãi của nhiều người, nhiều cơ quan và nhiều ngành có liên quan và tất nhiên kết quả tuy chưa dứt điểm nhưng đã tương đối khả quan[5].
Sau gần 2 năm nghiên cứu, mọi vấn đề, mọi khía cạnh của đề tài Hùng Vương đã được nhiều người xới lên, thì mọi người lại thấy phải quy tụ vào một số chuyên đề để tập trung đi sâu giải quyết. Vấn đề An Dương Vương tự nó, qua yêu cầu khách quan của việc nghiên cứu, qua thực tế diễn biến lịch sử của thời kỳ Hùng Vương, đã trở thành một vấn đề đóng khung, chấm dứt cho thời kỳ lịch sử Hùng Vương. Dự định đưa vấn đề An Dương Vương thành một trọng tâm nghiên cứu riêng biệt tiếp sau vấn đề Hùng Vương với tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị,... được thay đổi cho hợp với khả năng về thời gian và yêu cầu thực hiện phương châm tập trung dứt điểm trong việc nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương, đồng thời, quan trọng hơn, là phù hợp với thực tế khách quan của lịch sử. Tháng 9-1969, nhóm nghiên cứu thứ 6 được thành lập với tên gọi Nhóm An Dương Vương và quan hệ với thời kỳ Hùng Vương. Tên đặt cho nhóm nghiên cứu này tự nó đã giải thích nhiệm vụ của nhóm là điều tra, sưu tầm tư liệu các mặt, khai quật khảo cổ học, nghiên cứu rút ra kết luận mấu chốt nhất tức là quan hệ giữa thời kỳ An Dương Vương với thời kỳ Hùng Vương trước nó. Có được kết luận có tính chất chỉ đạo này rồi, tương lai chúng ta có thể tách riêng vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc để đi sâu nghiên cứu mọi mặt một cách rất thuận lợi và đúng hướng.
Thành viên chính thức của nhóm gồm: Nhóm trưởng Trần Quốc Vượng (trường Đại học Tổng hợp), ủy viên thường trực Đỗ Văn Ninh (Viện Khảo cổ học), và các ủy viên Trương Hoàng Châu (Viện bảo tàng Lịch sử), Đặng Nghiêm Vạn (Viện Dân tộc học), Hoàng Hưng (Viện Sử học), Đỗ Đình Truật, Nguyễn Duy Chiếm, Phạm Như Hồ (Viện Khảo cổ học). Ngoài ra, nhóm còn được sự cộng tác của các nhà nghiên cứu ở nhiều ngành, nhiều cơ quan như: Nguyễn Khắc Xương (ty Văn hóa Vĩnh Phúc), Vương Hoàng Tuyên (trường Đại học Tổng hợp), Trần Huy Bá, Phùng Bảo Khuê, Nguyễn Ngọc Chương (Vụ Bảo tồn bảo tàng), Vũ Tuấn Sán (Sở Văn hóa Hà Nội), Trần Ngọc (trường Đại học Sư phạm Việt Bắc), Nguyễn Bá Tiệu, Lê Khôi (trường đại học Sư phạm Hà Nội 1), Bùi Huy Hồng (cán bộ nghiên cứu khí tượng đã về hưu), Đào Duy Anh (cán bộ Viện Sử học đã về hưu), Nguyễn Ngọc Ngoạn (kiến trúc sư Cục Xây dựng Hà Nội), Dương Tất Từ (Viện Văn học), v.v...
Từ khi thành lập nhóm, công tác nghiên cứu lại càng được đẩy mạnh hơn. Công việc khai quật với diện tích và quy mô khá lớn đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý. Việc sưu tầm truyền thuyết, địa danh và phong tục tập quán ở Cổ Loa và những vùng khác cũng bổ sung được nhiều tài liệu có ích. Trên cơ sở của khối tư liệu khá phong phú đó công việc nghiên cứu cũng có nhiều tiến bộ. Nhiều ý kiến nghiên cứu phát biểu trong các buổi sinh hoạt học thuật do nhóm tổ chức hàng tháng hoặc chính thức viết thành bài đăng trong các tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, tạp chí Khảo cổ học hoặc các báo khác, mặc dù còn những điều chưa nhất trí, đã nói lên nhiều hứa hẹn trong việc giải quyết vấn đề.
ĐÃ NHẤT TRÍ
1. Khẳng định thời kỳ lịch sử An Dương Vương và nước Âu Lạc là có thật
Vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc là một bộ phận hữu cơ của cả vấn đề lớn thời kỳ lịch sử Hùng Vương - An Dương Vương, vì vậy những kết quả của việc nghiên cứu thời kỳ lịch sử Hùng Vương đã góp phần quan trọng soi sáng thời kỳ lịch sử An Dương Vương.
Hai hội nghị 1 và 2 nghiên cứu thời kỳ lịch sử Hùng Vương tháng 12-1968 và tháng 4-1969 đã rút ra được mấy kết luận căn bản, là: "Thời kỳ Hùng Vương là có thật". "Nền văn hóa Hùng vương là một nền văn hóa đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, từ thấp lên cao". "Đó là một nền văn hóa bản địa... nảy sinh tại chỗ, tiến lên dần, do chính ông cha ta sáng tạo ra và xây dựng nên". "Nền văn hóa Hùng Vương tỏ ra có những nét đặc sắc, độc đáo, đỉnh cao của sự phát triển đó phải nói là ở một trình độ cao"[6].
Những kết luận trên được rút ra từ những cơ sở khoa học chắc chắn. Những văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn gần như được mọi người nhất trí nhận rằng đó là những văn hóa có niên đại kế tiếp nhau từ thời đại đồng sớm tới thời đại sắt sớm. Như vậy, trước hết ta có cơ sở khoa học để nói rằng có một thời kỳ rất dài có dấu vết hoạt động liên tục của con người trên một phần đất Việt Nam ta hiện nay.
Kết quả chính thức phân tích C14 than tro lấy ở hai di chỉ Đồng Đậu và Vinh Quang cho biết các niên đại: Đồng Đậu ở độ sâu 4m: 3328 ± 100 năm, và Vinh Quang ở độ sâu 1m80: 3046 ± 120 năm cách ngày nay (kể từ năm 1950 trở về trước). Đồng Đậu chưa phải là di chỉ sớm nhất của thời đại đồng (và cũng không phải là di chỉ sớm nhất của thời kỳ lịch sử Hùng Vương). Như vậy, con số 4000 năm của lịch sử Việt Nam trong thư tịch cũng như trong truyền thuyết đã có thể được chấp nhận như một điều hợp lý. Đáp số của khoa học tự nhiên phù hợp với đa số ý kiến đoán định niên đại bằng phương pháp so sánh loại hình khảo cổ học.
Những hiện vật khảo cổ đồ gốm, đồ đồng mà ta đã phát hiện, xét từ hình dáng, hoa văn tới kỹ thuật làm, nhìn lên phía bắc, nhìn sang phía tây và nhìn xuống phía nam, chúng ta không thể nào tìm thấy những vật nào đủ tiêu chuẩn là nguồn gốc từ đó phát triển ra chúng. Rõ ràng đây là những hiện vật phát sinh từ bản địa và phát triển cũng trên bản địa. Những đồ án hoa văn cân đối, sinh động do những đường cong, đường tròn chấm dải của văn hóa Phùng Nguyên vẫn còn được giữ gìn khá trọn vẹn ở những mô típ chủ đạo của những đồ án hình học của văn hóa Gò Mun và rồi lại phản ánh đầy đủ trên hoa văn đồ đồng Đông Sơn. Những hiện vật trang sức bằng đá của Phùng Nguyên, những hiện vật bằng đồng Đông Sơn không thua kém bất cứ hiện vật nào của một nền văn hóa khác cùng thời trên thế giới. Vậy nói rằng ở thời Hùng Vương tổ tiên ta đã sáng tạo ra một nền văn hóa ở một trình độ cao là phù hợp thực tế và vẫn rất khiêm tốn.
Những kết luận khoa học nói trên về thời kỳ lịch sử Hùng Vương, một thời kỳ còn xưa hơn và mơ hồ hơn rất nhiều so với thời kỳ lịch sử An Dương Vương, rõ ràng là cơ sở để khẳng định sự có thật của thời kỳ An Dương Vương và nước Âu Lạc ngắn ngủi nối tiếp ngay sau nó mà có người gọi vui, nhưng xem ra cũng hợp lý ở góc độ nào đó, là thời "Hùng Vương thứ 19".
Thư tịch, truyền thuyết, phong tục, địa danh và những di tích lịch sử về thời kỳ An Dương Vương và nước Âu Lạc ở những điểm cơ bản rất là nhất trí. Ở phần trên chúng tôi đã kể một số trong rất nhiều tư liệu đã thu lượm được trong thời gian qua. Ở đây, thiết tưởng cũng không cần cử thêm ví dụ, điều cần thiết phải bàn, là: cái lõi của trí nhớ chất phác của nhân dân là điều có thật trong lịch sử. Với sự thận trọng, "cảnh giác" với quá trình "lịch sử hóa" truyền thuyết và "truyền thuyết hóa" lịch sử, qua rất nhiều truyền thuyết ta rút ra được cái lõi gì? Một nhân vật Thục Phán thay thế vua Hùng cai quản đất nước, rồi có họa xâm lăng của Triệu Đà từ phương Bắc tới, ông vua này tổ chức kháng chiến nhưng rốt cuộc bị thua. Từ đó đất nước của Thục Phán chịu sự thống trị của họ Triệu. Nhân vật Triệu Đà cùng cuộc xâm lược phương Nam đã được lịch sử Trung Quốc xác minh. Thời kỳ lịch sử Hùng vương cũng đã được chúng ta khẳng định bằng những căn cứ khoa học chính xác và phong phú. Vậy không còn nghi ngờ gì nữa, một thời kỳ nối tiếp thời kỳ các vua Hùng, thời kỳ An Dương Vương tiếp tục dựng nước và tổ chức chống Triệu giữ nước, phải là điều có thật. Từ cái lõi có thật này, chúng ta thoát khỏi ảnh hưởng của thái độ hoài nghi, đi tìm những bằng cớ khoa học để giải thích những điều tưởng như hoàn toàn hoang đường trong truyền thuyết như chuyện Rùa vàng, chuyện Nỏ thần, chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, v.v... và tới nay nhiều cách giải thích đã có thể chấp nhận được.
Di chỉ khảo cổ học Đường Mây có tầng văn hóa dày từ 30 đến 60cm, là một di chỉ nằm sâu dưới chân thành ngoài Cổ Loa, ở khu Trại Xóm Vang ngày nay. Trong di chỉ này, ngoài nhiều mảnh gốm thô (có đồ gốm kiểu Đường Cổ), rìu đá, bàn mài, bàn "dập gốm" kiểu Phùng Nguyên và nhiều xương thú, đã tìm thấy một số mũi tên đồng (hình lá, hình tam giác bẹt 2 cánh, có chuôi, 3 cạnh sắc, tiết diện tam giác...), nhiều cục sắt và mảnh hiện vật bằng sắt được tạm định thuộc sơ kỳ thời đại sắt"[7]. Di chỉ Đường Mây có niên đại gần với niên đại của tường thành (trong chứa gạch, ngói ống, ngói bản). Về niên đại của tường thành, tới nay còn có những ý kiến khác nhau. Có người cho rằng tường thành thuộc thời An Dương Vương, và di chỉ Đường Mây thuộc về một thời kỳ lịch sử trước An Dương Vương. Điều đó phù hợp với truyền thuyết dân gian nói rằng An Dương Vương đã đuổi dân bản địa ở Cổ Loa xuống vùng Đại Vĩ (Quậy Cả, Quậy Con, Quậy Rào) để lấy đất đắp lũy xây thành[8]. Có ý kiến cho rằng tường thành có niên đại thời thuộc Hán và suy nghĩ (chưa khẳng định) rằng di chỉ Đường Mây là thuộc cuối thời Hùng Vương - An Dương Vương. Tuy có phần khác nhau, nhưng một điểm thống nhất có thể rút ra được ở cả hai ý kiến trên, là những di vật Đường Mây là sản phẩm của cư dân vùng Cổ Loa trong khoảng thời gian hôm trước là thành viên của nước Văn Lang và hôm sau là thành viên của nước Âu Lạc. Từ điểm này, dễ có thể đi tới kết luận thống nhất, rằng những hiện vật Đường Mây, nếu không phải là tất cả; ít nhất cũng là bộ phận quan trọng của văn hóa Âu Lạc, vì người dân Cổ Loa khi dời sang Quậy vẫn tiếp tục làm ra những sản phẩm hôm trước họ đã làm ở Cổ Loa (sự khác nhau chắc chẳng là bao), theo truyền thống ông cha từ hàng nghìn năm trước. Tại thôn Lỗ Khê, gần Quậy và hiện nay cùng thuộc chung một xã Liên Hà với Quậy, đã tìm thấy dấu vết văn hóa của một thời đại tương đương với địa điểm Đồng Vông, Bãi Mèn (lớp dưới). Ở đây, còn có mỏ than bùn (có ý kiến cho rằng ngói gạch Cổ Loa được nung bằng loại than này). Những vết tích khảo cổ học nơi đây chứng nhận một sự gắn bó hữu cơ của cả vùng Cổ Loa nói chung. Tuy rằng chúng ta chưa tìm thấy tại đây những di vật kiểu Đường Mây để có thể, không chút ngập ngừng, giải thích một cách khẳng định truyền thuyết dời dân đắp thành, nhưng chưa thấy chưa hẳn đã là không có. Ở Đình Chàng (Dục Tú) - cạnh làng Quậy, đã tìm thấy những mộ táng chứa đồ gốm kiểu Đường Cồ.
Như vậy, đã có những bằng cớ khoa học để khẳng định sự có mặt của thời kỳ An Dương Vương và nước Âu Lạc trong lịch sử.
2. Khẳng định thời kỳ lịch sử này là bước nối tiếp của thời kỳ Hùng Vương
Trong khi đi tìm nguồn gốc tộc Thục, những người nghiên cứu đã đi theo những hướng khác nhau, nhưng trong giả thuyết công tác thì mọi người đều lại thấy thống nhất ở điểm tìm tộc Thục trên cơ sở tìm "láng giềng" của tộc Hùng. Người "láng giềng" này phải có sự gần gũi về đất đai, về văn hóa, và chủng tộc, v.v... nghĩa là có nhiều quan hệ với nhau trong quá trình phát triển. Có người còn dự đoán tộc Thục có thể chính là một bộ trong 15 bộ thuộc quyền cai quản của vua Hùng; có người nghĩ rằng đây là một tộc ở xen kẽ ngay trong miền đất đai của 15 bộ của nước Văn Lang. tóm lại, ít nhất tộc Thục phải là thành phần trong dòng Bách Việt.
Bắt đầu điểm từ ý kiến "An Dương Vương là người Lạc Việt cho nên việc ông chiếm Văn Lang dựng nước Âu Lạc chỉ là việc nội bộ người Lạc Việt". Do An Dương Vương là người Lạc Việt cho nên chúng ta thấy xã hội Văn Lang và Âu Lạc không có thay đổi gì do văn hóa của một ngoại tộc đến thống trị gây ra[9]. Tác giả đã căn cứ vào ghi chép của Sử ký và Hán thư để giải thích Tây Âu, Tây Âu Lạc và Âu Lạc chỉ là một, chữ "Tây" chỉ là chữ chỉ phương hướng để phân biệt với chữ "Đông", và để củng cố cho ý kiến đó tác giả đã căn cứ thêm vào các sách Hoài Nam tử, Cựu Đường thư, Thái Bình hoàn vũ ký xác định Tây Âu, Tây Âu Lạc và Âu Lạc đều ở khu vực quận Quế Lâm thời Tần, và "địa bàn Lạc Việt bao gồm toàn bộ khu vực các quận Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Tường Kha, Giao Chỉ, Cửu Chân thời Hán, tức là bao gồm một vùng rộng lớn từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực Tây Giang ngày nay... Từ Tây Âu hay Tây Âu Lạc là để chỉ tên một nước ở trong khu vực này".
Ý kiến dựa vào truyền thuyết về "bộ Nam Cương" của đồng bào Tày - ở Cao Bằng thì "suy đoán rằng tộc đảng Thục Vương đó đã định cư ở miền gần phía nam Tả Giang, lưu vực Hữu Giang cùng miền thượng lưu các sông Lô, sông Gâm, sông Cầu, mà thành nước Nam Cương, là một bộ lạc liên hiệp thuộc giống Tây Âu"[10]. Căn cứ vào "sự ghi chép của truyền thuyết của sử cũ (Đại Việt sử ký toàn thư)... không thấy nêu lên sự tình một cuộc chinh phục", căn cứ vào sự suy luận rằng "xưa nay không ai xem An Dương Vương là một kẻ chinh phục đã đặt ách thống trị ngoại tộc lên cổ nhân dân hay là một kẻ thù đã gây họa diệt tộc", tác giả kết luận: "Sự hợp nhất giữa nước Nam Cương và nước Văn Lang, cái tên Âu Lạc lại càng nêu rõ sự hợp nhất bình đảng giữa hai thành phần Tây Âu (Nam Cương) và Lạc Việt (Văn Lang)". Từ đó, tác giả "tán thành... hợp thời An Dương Vương với thời Hùng Vương làm một,... thời An Dương Vương là giai đoạn cuối cùng của một thời kỳ văn hóa chung..."[11].
Thuyết Ai Lao Di[12] gợi ý một nước Tây Thục mà cư dân là giống người Bộc, người Lào ở sát nước ta về phía Tây Bắc nay thuộc châu tự trị Đức Hoằng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Nhiều ý kiến đề cập việc nghiên cứu cả vùng Bách Việt, gợi ý nên lưu ý cả khung cảnh chung vùng Đông Nam Á rộng lớn, đề ra phương hướng đáng chú ý là thoát khỏi sự ám ảnh của biên giới hiện tại. Những ý kiến nghiên cứu về mặt dân tộc học đã rút ra quy luật ở xen kẽ của các dân tộc ở Việt Nam và cả vùng Lưỡng Quảng, từ đấy suy luận về sự phân bố xen kẽ của người Âu Lạc và người Lạc.
Tóm lại, tất cả các ý kiến đều toát lên một điểm chung là tìm một cái gần gũi giữa Thục và Hùng và đã phần nào nói lên được rằng việc mất ngôi thủ lĩnh của Hùng Vương không phải là kết quả sự mất nước của Hùng Vương.
Lịch sử tất cả các vua Hùng và vua Thục đều được chép cùng trong "thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước".
3. Khẳng định có cuộc kháng chiến chống Tần và chống Triệu Đà
Các nhà viết sử xưa nay đều nhất trí về cuộc chinh phục của nhà Tần vào đất Bách Việt và đều nói về việc nhà Tần lập 3 quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Tuy vậy chưa ai đi sâu hẳn vào cuộc kháng chiến chống Tần của người Việt. Trong quá trình nghiên cứu đề tài An Dương Vương, những người nghiên cứu chúng ta đã tiến thêm một bước trong việc khẳng định cuộc kháng chiến chống Tần của tổ tiên xảy ra vào cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Dựa vào điều ghi chép "(Người Việt) cùng nhau đặt người tuấn kiệt làm tướng, để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá Tần và giết được Đỗ Thư" trong Hoài Nam tử, và điều ghi chép: "Người Việt bỏ trốn. (Quân Tần) trì cửu lâu ngày. Lương thực bị tuyệt và thiếu. Người Việt ra đánh. Quân Tần đại bại" của Sử ký và đối chiếu với những sách khác, có ý kiến phân tích rằng: quân Tần bị khốn đốn ở miền Nam đất Quảng Tây, miền ấy hẳn là thượng lưu Tả Giang và Hữu Giang. Cư dân miền ấy thuộc giống Tây Âu. Miền ấy tương đương với nước Nam Cương của truyền thuyết mà quân trưởng chính là Thục Phán. Việc "cùng nhau đặt người kiệt tuấn" lãnh đạo kháng chiến chứng tỏ có hội nghị của Nam Cương và Văn Lang, cả hai đều chưa bị Tần đặt làm quận huyện, bầu con người có tài năng độc đáo về cung nỏ lên lãnh đạo cuộc kháng chiến chung. Người đó là Thục Phán. Sau sáu bảy năm, cuộc kháng chiến đã kết thúc thắng lợi.
Cuộc kháng chiến chống Tần đã rèn đúc sự đoàn kết giữa hai khối Tây Âu và Lạc Việt. Thắng lợi của kháng chiến đã nâng cao uy thế của Thục Phán để tiến tới "phục các Lạc tướng" mà hợp nhất nước Nam Cương và Văn Lang, lập thành nước Âu Lạc.
Thần tích đền Chèm ghi An Dương Vương đánh nhau với Tần Thủy Hoàng, muốn "cầu hòa" nên đem Lý Ông Trọng mà hiến để xin bãi binh. Điều thống nhất là có cuộc chống Tần của An Dương Vương.
Cuộc kháng chiến chống Tần được những người nghiên cứu về "truyền thống đánh giặc thời dựng nước" của ông cha ta[13] khẳng định và từ đó khai thác những nguyên nhân thắng lợi như cách đánh du kích: "Người Việt vào rừng ở với cầm thú... ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá Tần và giết được Đồ Thư"; hoặc như phương pháp đánh lâu dài: "Người Việt bỏ trốn, trì cửu lâu ngày. Lương thực bị tuyệt và thiếu (nói quân Tần), người Việt ra đánh. Quân Tần đại bại".
Cuộc kháng chiến chống Triệu được nghiên cứu sâu sắc hơn ở nhiều góc độ khác nhau. Nước Âu Lạc thành lập sau lần đoàn kết kháng chiến chống Tần của các bộ lạc Tây Âu và các bộ lạc Lạc Việt, đã trở thành một nước mạnh có quân đội hùng cường "giỏi cung nỏ, thạo thủy chiến". Kho mũi tên đồng Cầu Vực vô cùng lớn về số lượng, những mũi tên tương đối lớn về kích thước (và có những điểm đặc biệt về hình dáng), phát hiện năm 1959, đã là cơ sở tốt để giải thích câu chuyện nỏ thần. Nhiều người chấp thuận ý kiến cho rằng chuyện nỏ thần phản ảnh sự xuất hiện, hoặc ít nhất là cải tiến, một thứ vũ khí mới lợi hại trong chiến đấu, có tác dụng sát thương cao. Chúng ta cũng không loại trừ khả năng một thứ nỏ máy thô sơ có thể một lúc bắn hàng loạt mũi tên, truyền thuyết đã cường điệu thành loại nỏ "nhất phát sát vạn nhân".
Sự xuất hiện thành Cổ Loa mà di tích ngày nay vẫn còn, kiến trúc rất quy mô, độc đáo, thế đất chọn hiểm trở[14] phù hợp với truyền thuyết "thần tiên giúp xây thành", lại phù hợp với sử sách ghi là "Côn Lôn thành", "tam trùng thành quách", "thành 9 vòng chu vi 9 lý", v.v... chứng minh một trình độ cao về tổ chức xã hội và cả về văn hóa vật chất, đủ sức chặn đứng những cuộc tiến công quân sự của quân Triệu Đà, làm cho họ Triệu phải nhờ tới âm mưu nội gián mới chiếm được Âu Lạc.
Sử sách cũng như truyền thuyết có ghi về cuộc chiến tranh Thục - Hùng, nhưng chỉ ghi như một sự kiện nội bộ bình thường. Chúng ta không những không thấy gì nói tới hằn thù dân tộc mà ngược lại. Phong tục tế lễ đền Cổ Loa bổ sung cho nội dung câu chuyện dời dân xây thành, phản ánh một cái gì có tính chất anh em một nhà giữa người dân Âu và người dân Lạc...
Tham gia tế lễ đền Cổ Loa có tất cả 8 làng quanh Cổ Loa. Dân Quậy (nay là Hà Vĩ) bao giờ cũng được dân làng Cổ Loa nhường lễ chiếu trên. Khi ra về, bao giờ dân Cổ Loa cũng biếu dân Quậy khuôn "bỏng hiến" (gọi là bỏng Chủ - Chủ là tên nôm của Cổ Loa) để về chia cho 8 "giáp" trong làng. Truyền thuyết kể rằng dân làng Quậy vốn ở Cổ Loa, vì nhường đất xây thành nên đã dời đến làm ăn ở Quậy, chính vì lẽ đó mà được dân Cổ Loa đời đời kính trọng. Sự thật chắc đúng là như vậy, bởi vì chẳng bao lâu sau trong lần thử thách của cuộc chống Triệu Đà xâm lược, người dân Âu Lạc - không hề phân biệt Âu Lạc hay Lạc - đã kề vai sát cánh chiến đấu tới cùng cho một mục đích chung giữ gìn đất nước.
4. Về niên đại
Về tuổi thọ của nước Âu Lạc, trước nay có một số ý kiến chính như sau:
- Từ năm 257 đến năm 208 trước Công nguyên: 50 năm[15].(1)
- Từ năm 210 đến năm 207 trước Công nguyên: 4 hoặc 5 năm[16].(2)
- Từ năm 208 đến năm 179 (hoặc năm 180) trước Công nguyên: 30 năm[17].(3)
Lấy năm 179 (hay năm 180) làm mốc cuối cùng ngược lên trước dăm chục năm: nửa sau thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Ý kiến thứ 3 được nhiều người nghiên cứu chấp thuận. Căn cứ sử liệu của ý kiến này là lấy việc Tần Thủy Hoàng chết, Tần Nhị Thế bãi binh, cuộc đoàn kết kháng chiến của người Tây Âu và Lạc Việt kết thúc và từ đó nước Âu Lạc ra đời - năm 208 trước Công nguyên. Niên điểm kết thúc cũng bằng vào sự kiện "Cao Hậu chết tức bãi binh. Triệu Đà nhân lúc đó uy hiếp biên cảnh và lấy của cải đút lót khiến Âu Lạc thần phục"[18], để lấy năm 180 trước Công nguyên làm năm nước Âu Lạc bị Triệu Đà kiêm tính.
Và như vậy thì nước Âu Lạc chỉ tồn tại được khoảng 28-30 năm.
Từ niên đại này có người lại rút ra được một điều đáng chú ý, là thời kỳ lịch sử An Dương Vương có hơn 20 năm, trùng với thời Tây Hán. Thời gian tồn tại song song này còn có thể cho phép giải thích rằng những hiện vật có đặc điểm Tây Hán có mặt ở khu di chỉ Cổ Loa của An Dương Vương là điều hợp lý.
CHƯA NHẤT TRÍ
1. Về nguồn gốc tộc Thục
Sau khi bác bỏ thuyết Ba Thục (thuộc vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc), mọi người đã đi tìm hầu như gần khắp các hướng Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc của vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ mà ý kiến chung đã nhất trí coi là khu vực thuộc nước Văn Lang của Hùng Vương.
a. Thuyết nước Nam Cương và người Tày Cao Bằng
Thuyết này lấy căn cứ chủ yếu là truyền thuyết "Chín chúa tranh vua" của đồng bào Tày ở Cao Bằng. Truyền thuyết này đã được Rômanê đuy Caiô nêu từ năm 1880, nhưng trong tay chúng ta không còn tài liệu đó của học giả người Pháp này. Câu chuyện được Lã Văn Lô dịch thành thơ tiếng Việt đăng lại trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 50 và số 51 năm 1963 là tài liệu thu thập được của Sở Văn hóa Việt Bắc. Từ khi truyền thuyết được công bố, một số người nghiên cứu đã hướng về Cao Bằng để tìm quê hương vua Thục. Truyền thuyết áo lông chim của người Tày - Nùng, tục thờ rùa, truyền thuyết rùa dạy làm nhà, phù hộ người, chống ma quỷ của người Tày - Thái, một vài địa danh tiếng Tày bắt gặp ở khu gần Cổ Loa như làng Viềng (tức Thành) càng tiếp sức cho thuyết vua Thục vốn người Tày làm chúa nước Nam Cương mà trung tâm là huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ngày nay.
Tới nay, vẫn có người tiếp tục đi sâu nghiên cứu và "suy đoán rằng tộc đảng Thục Vương đó đã định cư miền gần phía nam Tả Giang, lưu vực Hữu Giang cùng miền thượng lưu các sông Lô, sông Gâm, sông Cầu".
Sau cuộc điều tra ở Cao Bằng hồi tháng 7 và 8-1969, các đồng chí Đỗ Đình Truật và Phạm Như Hồ, viện Khảo cổ học, đã cung cấp những tư liệu có phần khác. Người sưu tầm và viết lại truyền thuyết này là ông Lê Bỉnh Sư (còn có tên là Lê Đình Sự), người Kinh vốn ở Nghĩa Lộ, sau năm 1947 mới dời về ở tại huyện Hòa An (Cao Bằng). Chính ông Lê Bỉnh Sư kể lại rằng chuyện do ông sắp xếp lại, có sửa ít nhiều cho các chi tiết được hợp lý. Gốc chuyện là do ông chú ngày trước kể, nay nhớ lại mà viết để dự cuộc thi văn nghệ do Sở Văn hóa Việt Bắc tổ chức.
Cái gốc chân thật của truyền thuyết dân gian là những phần nào, chi tiết nào là thuộc phần sửa chữa của ông Sư, chưa có dịp làm sáng tỏ. Đỗ Đình Truật và Phạm Như Hồ đã tìm gặp một số cụ già địa phương để xác minh truyền thuyết, nhưng không một ai biết chút nào. Vấn đề còn ở tình trạng chưa được sáng tỏ. Như vậy, truyền thuyết này không thể đã được coi là căn cứ đáng tin cho một kết luận khoa học, và công việc phải tiến hành tức là tiếp tục điều tra lại để xác minh truyền thuyết.
b. Thuyết Ai Lao Di[19]
Người chủ trương thuyết này không tán thành thuyết trên vì những lẽ:
- Theo truyền thuyết thì nước Nam Cương không nằm trong phạm vi Tây Vu được chỉ định theo tài liệu Trung Quốc. Những địa danh trong truyền thuyết phần lớn bắt đầu có từ đời Nguyễn.
- Truyền thuyết bị "người đời sau dường như đã thêm thắt vào nhiều thậm chí đã tiểu thuyết hóa đi". Cần phải thẩm tra lại.
Tác giả đã căn cứ vào truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, nghiên cứu một khối lượng khá lớn thần phả, ngọc phả, tục hèm có liên quan, thấy rằng Sơn Tinh (tức Thánh Tản viên) là một nhân thần, là người đã có công giúp vua Hùng đánh Thục trong cuộc chiến tranh chống Thục, đã "được phản ánh một cách rất đậm nét, rất cụ thể trong những truyền thuyết về thời Hùng Vương", và "giặc Thục ở đây còn được gọi là giặc Ai Lao, Thục Phán đã từ Ai Lao đến xâm lược Văn Lang".
Từ truyền thuyết đối chiếu qua thư tịch, đặc biệt Nam Man Tây Nam di truyện trong bộ Hậu hán thư và Thuật dị ký, tác giả đã tìm ra Tây Thục tức Ai Lao Di, tức nước Thục của thục Phán. "Đó là một nước đã tồn tại thật sự trong lịch sử: nước Tây Thục (tức Ai Lao)... ở phía Tây Bắc nước ta ngày nay". "Cuối đời vua Hùng, Thục Phán đã từ đây mà xuống xâm lược nước ta. Đó là một cuộc chiến tranh dai dẳng và khốc liệt, cuối cùng nước Văn Lang bị diệt". "Nước Tây Thục (Ai Lao) ở sát nước ta về phía tây bắc, nó nằm trên trục giao thông chủ yếu của nước ta với miền Tây Nam Di là thung lũng sông Hồng, sông Lô; Tây Thục cũng là một trạm trung gian trên con đường giao thông quốc tế thời cổ giữa Trung Quốc với các nước phía tây như Ấn Độ cổ đại". Tác giả còn có phần chỉ cụ thể: "Đến đời Hán Minh Đế (58), Ai Lao thuộc hẳn nhà Hán, Hán lấy đất đó phân làm hai huyện Ai Lao và Bắc Nam, sau đổi thành Vĩnh Xương, nay là châu tự trị Đức Hoằng thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hiện nay".
c. Thuyết người Lạc Việt nói chung[20]
Từ chỗ chứng minh rằng chữ "Tây" trong Tây Âu hay Tây Âu Lạc chỉ là chữ chỉ phương hướng, tác giả đã chủ trương Tây Âu, Tây Âu Lạc và Âu lạc chỉ là tên của một nước.
Từ chỗ chứng minh rằng Tây Âu, Tây Âu Lạc hay Âu Lạc là một nước có địa bàn chủ yếu nằm ở lưu vực sông Hồng ngày nay, trùng với bộ phận của địa bàn rộng lớn của Lạc Việt gồm từ lưu vực sông Hồng tới lưu vực Tây Giang ngày nay, tác giả chủ trương nước Tây Âu của người Lạc Việt, "trong Lạc Việt có nhiều dân tộc (theo đúng nghĩa dân tộc học ngày nay) có quan hệ lịch sử, huyết thống nào đó với nhau".
Đối với thuyết Ai Lao Di, tác giả cho rằng "những thần tích ghi về việc Thục Phán cai trị ở Ai Lao là những tài liệu do người sau viết". Về việc giao lưu giữa Giao Châu và Ích Châu thì "chỉ hạn chế đến Điền, không vượt qua khỏi Điền đến Ai Lao Di bao giờ. Ai Lao Di cũng chưa từng trở thành một nước hùng mạnh và có xu thế phát triển về phía Giao Châu bao giờ". "Văn hóa phương Bắc vào Giao Chỉ không phải qua con đường Ai Lao Di. Con đường qua Ai Lao Di là một con đường đi Thân Độc Quốc (Ấn Độ), nhưng con đường cũng chỉ đánh thông được rất muộn về sau. Thời Tần - Hán, Điền là bức thành chắn ngang đường giao lưu giữa Trung Quốc và Miến Điện, Ấn Độ ngày nay.
Tất cả những điều nghiên cứu trên dẫn tới việc không công nhận tên trước Âu lạc hình thành do sự sáp nhập của hai tộc Âu lạc và tộc Lạc, mà tên nước này đã xuất hiện ngay từ trước khi thời Hùng Vương kết thúc.
2. Âu Lạc đã là một nhà nước thật sự
Thời gian nghiên cứu gần đây, vấn đề này chưa được bàn tới nhiều. Những ý kiến đã chính thức công bố nêu ra đây không phải khác nhau về điểm Âu Lạc đã là một nhà nước thật sự, mà khác nhau ở chỗ Nhà nước Âu Lạc đã xuất hiện trên cơ sở trình độ sản xuất của thời đại đồng hay thời đại sắt.
Những mũi tên đồng Cầu Vực được coi là vật tiêu biểu của "văn hóa đồ đồng ở giai đoạn Âu Lạc" và "văn hóa vật chất của tổ tiên ta ở thời An Dương Vương vẫn chưa khác văn hóa vật chất ở thời Hùng Vương bao nhiêu, căn bản vẫn là văn hóa đồ đồng". Đây là một trong những lập luận cho rằng nước Âu Lạc là một nhà nước của thời đại đồng[21].
Một ý kiến khác[22] cho rằng "những di tích văn hóa vật chất thời An Dương Vương còn để lại trên khu di tích Cổ Loa đã được tìm thấy một số, như những lưỡi cày đồng ở xóm Nhồi, kho mũi tên đồng với hàng vạn chiếc mà chúng ta đều biết và có thể là lớp dưới của tầng văn hóa ở di chỉ Bãi Mèn"[23]. Tuy rằng người viết không nói rõ, nhưng ta hiểu ý đó nói rằng thời kỳ lịch sử An Dương Vương thuộc thời đại đồng thau.
Di chỉ Đường Mây được phát hiện và khai quật 2 lần vào năm 1970. Nhiều cục sắt và mảnh hiện vật bằng sắt được tìm thấy, trên cơ sở đó di chỉ được tạm định thuộc sơ kỳ thời đại sắt[24]. Đặc biệt, di chỉ Đường Mây nằm trên một doi đất cao tự nhiên ven sông Hoàng và ven bờ đầm cả và ngay dưới chân thành ngoài của thành Cổ Loa. Từ lẽ đó, người khai quật di chỉ này quả quyết rằng "nó (Đường Mây) thuộc về một thời đại trực tiếp trước thời đại của thành Cổ Loa. Khi tiến hành xây thành, người ta đã đắp lũy (thành ngoài) phủ lên trên khu di chỉ này, biến quả gò trên đó trước đây có cư dân sinh sống thành một bộ phận của thành ngoài. Vì di chỉ ấy thuộc về sơ kỳ thời đạt sắt cho nên thời hạn niên đại dưới của thành Cổ Loa không thể xưa hơn sơ kỳ thời đại sắt. Thành Cổ Loa là một công trình của thời đại sắt Việt Nam, điều đó bác bỏ luận điểm cũ của nhiều nhà sử học và khảo cổ học nói rằng thành Cổ Loa thuộc về thời đại đồng thau phát đạt của Việt Nam". Nghiên cứu sâu hơn nữa về nước Âu Lạc, tác giả của ý kiến Cổ Loa chỉ có thể là kinh thành của một nhà nước Việt Nam thời cổ có trước đời Hán... Nhà nước đó, theo sử cũ là Nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương". Từ đó tác giả còn rút ra kết luận: "Nước Âu lạc do An Dương Vương lập đã là một nhà nước thật sự". Sự phân hóa giai cấp là rõ rệt. "Tầng lớp vua chúa quý tộc ở nhà ngói sân gạch". Xã hội này đã có trình độ phát triển kinh tế cao, có quyền lực xã hội mạnh mẽ, kỹ thuật xây dựng cao, trình độ tổ chức cao, và có mức phát triển cao, của trí tuệ và tài năng sáng tạo, có trình độ nghệ thuật quân sự rất cao.
Một ý kiến khác cho rằng "văn hóa Âu Lạc" tồn tại chừng 100 năm trước khi nước Âu Lạc bị tiêu diệt, nghĩa là "văn hóa Âu Lạc" có hơn nửa thế kỷ song song tồn tại với "văn hóa Văn Lang" và thuộc thời đại sắt[25].
3. Vấn đề thành Cổ Loa
Về tòa thành cổ nhất của giai đoạn lịch sử này, ngày nay về cơ bản vẫn còn nhận thấy dấu vết các vòng tường thành, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy có sự đổi thay theo yêu cầu về chính trị, quân sự, kinh tế hoặc văn hóa của mỗi thời.
Con đường ôtô lớn chạy từ cửa Nam qua cửa Bắc (?) xuyên qua hai vòng thành giữa và ngoài, và cửa Bắc ở vòng thành ngoài, chắc là sản phẩm của việc làm con đường này ngay trong thời đại chúng ta.
Trên tường thành ở quãng xóm Nhồi, trên tường thành gần ở giữa xóm Mít trên gò Ông Trưng, dấu vết những lò gạch ngói chứng minh một sự phá hoại khác của những thời trước đây vài trăm năm.
Đền An Dương Vương, một kiến trúc thời Lê, đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của góc tây thành trong. Một đoạn tường thành cũ đã biến thành nền đền và một tay ngai ngoài của đền được đắp thêm để tạo dáng cân đối.
Những đổi thay mà ta đã biết rất nhiều, những đổi thay chưa biết còn gấp bội. Chính vì vậy, điều nhất trí trong yêu cầu công tác của chúng ta là đi tìm bộ mặt ban đầu của thành cũ An Dương Vương.
Do sự nhất trí nhận định rằng khu di chỉ Cổ Loa nói chung, thành Cổ Loa nói riêng, là một trọng điểm của đề tài nghiên cứu về "thời kỳ lịch sử An Dương Vương và quan hệ với thời kỳ Hùng Vương", nên mấy năm nay chúng ta đã đầu tư nhiều công sức, tiền của vào đây. Khối lượng tư liệu đã thu được khá lớn, những ý kiến khác nhau cũng dần dần nhích lại gần nhau.
Tồn tại chủ yếu hiện nay là vấn đề niên đại của những di vật tìm thấy nhiều nhất, phổ biến nhất tại khu vực Cổ Loa là gạch, ngói ống, ngói bản. Sự khác nhau trong việc đoán định niên đại cho những di vật loại này dẫn tới những giải thích khác nhau về nhiều mặt khác.
a. Về gạch, ngói ống, ngói bản tìm thấy trong các tường thành và những vật cùng loại ở ngoài tường thành
Đây là loại di vật tìm thấy nhiều nhất và cũng có thể nói là quan trọng nhất. Xác định được niên đại của chúng, ta có thể không những xác định được niên đại của các vòng thành còn lại, mà từ đó còn rút ra những kết luận chính xác về trình độ sản xuất, tổ chức xã hội, trình độ kỹ thuật quân sự, quan hệ giao lưu văn hóa với các miền khác chung quanh, đặc biệt là với phương Bắc, v.v...
Trong khi tiến hành đoán định niên đại cho loại di vật này, bất kỳ ai với kết luận gì, người nào cũng dùng phương pháp so sánh chúng với các hiện vật tìm thấy tại Trung Quốc, quê hương của loại sản phẩm này. Ở Trung quốc, người ta đã có kết luận về quy luật phát triển và diễn biến hoa văn trên các loại hiện vật này, do đó có thuận lợi cho ta trong việc so sánh tìm hiểu niên đại. Tuy nhiên, thời gian tồn tại của mỗi loại hoa văn có khi kéo dài hàng trăm năm, mặt khác Cổ Loa cách rất xa trung tâm của quê hương những loại hiện vật này, và hiện vật Cổ Loa lại được sản xuất tại chỗ rất có thể có những điều ngoại lệ. Do đó, việc so sánh để tìm niên đại cho những hiện vật gạch ngói trong thời kỳ lịch sử An Dương Vương ngắn ngủi cũng có khó khăn nhất định, đặc biệt là trong trường hợp chúng ta hầu như chỉ tìm thấy gạch ngói mà không có thêm những vật khác cùng thời để hỗ trợ cho sự đoán định.
1. Người cho rằng "Cổ Loa - với loại hình to, có lỗ để đóng đinh ngói, vách mỏng, văn thừng, tương đối thô - cũng giống ngói Đông Chu và Tần Hán", thì cũng kết luận rằng những vòng thành còn lại ngày nay căn bản là đắp từ thời An Dương vương, đồng thời, trước những sản phẩm mang đậm nét văn hóa Hán đó, đã đưa ra cách giải thích "tầng lớp quý tộc thời đó đã hấp thụ ảnh hưởng văn minh Trung Hoa thời Chiến Quốc". "Việc hấp thụ ảnh hưởng văn hóa bên ngoài của tầng lớp quý tộc và của đông đảo nhân dân lao động rất khác nhau. Tầng lớp quý tộc có thể chịu ảnh hưởng sâu xa phong cách nước ngoài (tổ chức hành chính, tổ chức triều đình, quan lại, lề lối ăn mặc, nhà cửa, chữ viết, v.v...); trong khi nhân dân lao động hấp thụ rất thận trọng, có sáng tạo, biết "dân tộc hóa" những yếu tố vay mượn từ bên ngoài và kiên trì bảo tồn cái vốn tinh túy của nền văn hóa dân tộc"[26].
2. Người khác lại sắp xếp cho những đầu ngói tìm thấy ở Cổ Loa một niên đại "không thể sớm hơn vãn kỳ Tần Hán" với những lý do:
- Hoa văn mây cuốn của những đầu ngói Cổ Loa tương tự như đầu ngói Tây Hán ở Trung Quốc.
- Hoa văn thừng thô và thừng nhuyễn trên thân ngói bản Cổ Loa là đặc điểm của đồng loại bên Trung Quốc vào văn kỳ Tây Hán.
- Cũng có đầu ngói văn mây cuốn kiểu Đông Hán sơ kỳ.
- Thời Tây Hán sơ kỳ còn có loại đầu ngói nửa hình tròn nhưng ở Cổ Loa không có.
- Ngói Cổ Loa có nhiều mảnh có độ nung cao rắn như sành, vượt xa độ nung của ngói thời Đông Chu.
Cách tính tuổi cho đầu ngói như thế, tất nhiên dẫn tới kết luận: "Lớp đất đắp thành có chứa những mảnh ngói nói trên được đắp vào thời Mã Viện, sau khi tên tướng xâm lược này đàn áp cuộc khởi nghĩa lừng danh của Hai Bà Trưng". Tuy nhiên, tác giả ý kiến này còn đưa thêm giả thuyết "đáng suy nghĩ hơn cả" rằng lớp đất đắp thành có chứa đựng ngói cổ có thể do Lý Phật Tử thi công[27].
3. Ngôi mộ cổ tại Mạch Tràng khai quật vào tháng 1-1970 đã cung cấp một số tư liệu đáng chú ý:
- Những viên gạch xây mộ phần nhiều có in chữ Hán và cho biết 3 niên đại tuyệt đối:
Năm 99 sau công nguyên (Vĩnh Nguyên thứ 11).
Năm 105 sau Công nguyên (Vĩnh Nguyên thứ 17).
Năm 111 sau Công nguyên (Vĩnh Sơ thứ 5).
- Những đồ gốm, đồ sứ chôn trong mộ đều mang đặc điểm thời Đông Hán muộn.
- Những viên gạch xây mộ được chèn bằng các mảnh ngói cùng loại với ngói tìm thấy phổ biến trong và ngoài tường thành Cổ Loa.
Người phụ trách khai quật ngôi mộ này đã đưa ra một số ý kiến như sau:
- Giới hạn niên đại sớm nhất của ngôi mộ là năm 111 sau Công nguyên. Giới hạn muộn không thể đoán cụ thể, nhưng cũng không thể vượt khỏi thời Đông Hán.
- Ngói Cổ Loa có niên đại tương đương với ngôi mộ. Theo quy luật phổ biến (chưa thấy có ngoại lệ) thì những vật chèn trong gạch mộ thường là những phế phẩm gốm sứ đương thời. Khó có thể nghĩ rằng người ta đã đi vào tìm những mảnh ngói cách đó 3 thế kỷ để chèn mộ. Một lẽ khác là cho tới nay chưa có người nghiên cứu nào nghĩ tới việc tách những ngói Cổ Loa, loại này đã tìm thấy trong cùng một tầng văn hóa, phân bố phổ biến biến trên khu vực Cổ Loa, ra nhiều niên đại khác nhau tới 3 thế kỷ.
- Lớp đất đắp thành chứa ngói Cổ Loa chỉ có cùng niên đại với ngói hoặc muộn hơn và như vậy việc đi tìm dấu thành cũ của An Dương Vương còn phải tiếp tục tiến hành.
- Một khi trong tay có những hiện vật không còn nghi ngờ gì nữa là thuộc thời An Dương Vương, mới có thể rút ra kết luận chính xác về bộ mặt xã hội thời đó[28].
4. Những hiện vật tìm thấy tại lớp đất cuối cùng (sau 5 đến 6m tính từ mặt thành) của đoạn thành xóm Mít, một đoạn thành nguyên vẹn nhất và cao nhất của vòng thành ngoài, vẫn là những mảnh ngói Cổ Loa, một mảnh trôn và vài mảnh miệng của một cái chõ, một số mảnh gạch in văn thừng thành đồ án những hình chữ chi, hoặc văn ô trám lồng... Người phụ trách cắt đoạn thành này quy định cho những hiện vật này một tuổi tương đương với thời Đông Hán và cũng đưa ra ý kiến cho rằng không thể coi tất cả những tường thành còn lại trên mặt đất hiện nay là thuộc thời An Dương Vương[29].
b. Về kỹ thuật xây thành
Từ kết luận "thành Cổ Loa hiện tại không thể có sau thời Hán, cũng không thể là một huyện thành đời Hán..., chỉ có thể là kinh thành của một nhà nước Việt Nam thời cổ trước đời Hán... theo sử cũ, đó là nước Âu Lạc của An Dương vương", tác giả ý kiến này đã đi sâu nghiên cứu và rút ra một số nhận xét về tòa thành:
- Khi đắp thành, điều kiện địa hình ở khu vực Cổ Loa đã được nghiên cứu và vận dụng phù hợp sáng tạo. Sông được lợi dụng làm hào thiên nhiên và cung cấp nước cho hệ thống hào, gò đống được đắp nổi thành tường thành.
- Người xưa đã sáng tạo ra kỹ thuật kè đá tảng và rải gốm ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở.
- Thành Cổ Loa là một công trình lao động quy mô lớn.
- Thành Cổ Loa là một công trình phòng vệ kiên cố và lợi hại, vừa là một căn cứ bộ binh, vừa là một căn cứ thủy quân quan trọng. Nó là sự chung đúc truyền thống quý báu của người Âu - người Lạc tổ tiên chúng ta[30].
Những người còn hoài nghi về dấu vết thành còn lại, hay nói cho đúng hơn, hoài nghi những lớp đất đắp thành trong có chứa những gạch ngói mà họ cho là có tuổi Đông Hán, thì tất nhiên chưa phát biểu gì về kỹ thuật đắp thành, về tổ chức ăn ở và bố trí phòng vệ trong và ngoài thành thời Thục... Họ chủ trương tiếp tục đi tìm dấu vết còn lại của tòa thành Cổ Loa của An Dương Vương mà họ cho rằng có chỗ không còn chút nào, có chỗ bị thành Hán trùm lên và có chỗ chìm trong lòng đất ngoài phạm vi chân thành hiện tại. Họ cũng nhất trí suy luận rằng ngay trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử này có khả năng tìm thấy không những dấu vết thành Cổ Loa của An Dương Vương mà còn tìm thấy cả những di vật các loại đương thời, không chỉ là những di vật kiến trúc[31].
Cho tới nay, trừ di chỉ Đường Mây, thì trong phạm vi tường thành và những nơi khác trong khu vực ba vòng thành, người ta tìm thấy nhiều nhất là gạch, ngói ống, ngói bản (đây là nói những di vật trước, sau công nguyên một vài thế kỷ). Gạch ngói tất nhiên không phải là tất cả những di vật thời An Dương vương, nhưng cho tới nay nó gần như là tất cả những di vật đã được tìm thấy mà có ý kiến xếp vào niên đại thời kỳ An Dương Vương. Những người chưa đồng ý như vậy, về mặt nghiên cứu hiện vật chưa chấp nhận đây là những di vật sớm hơn thời thuộc Hán, về mặt suy lý chưa thỏa mãn rằng bộ mặt văn hóa vật chất của một thời kỳ lịch sử tiếp liền ngay sau thời kỳ Hùng Vương mà tính chất bản địa, độc đáo, sáng tạo, có trình độ cao của nền văn hóa đã được chứng minh khá đầy đủ bằng những hiện vật khảo cổ, lại bỗng chốc chịu ảnh hưởng quá đậm nét đặc điểm văn hóa phương bắc.
Đối với những hiện vật tìm thấy tại di chỉ Đường Mây, nên nhìn thấy trong đó những đặc điểm của thời kỳ lịch sử này (có thể không có đặc điểm riêng trong văn hóa vật chất của thời kỳ này). Di chỉ Đường Mây có niên đại gần kề với niên đại của tường thành Cổ Loa. Gốm thô Đường Mây tương tự gốm Đường Cồ mà nhiều người cho là có niên đại từ cuối Chiến Quốc tới Đông Hán, và có tính chất bản địa. Những đầu mũi tên đồng hình lá, hình tam giác bẹt 2 cánh, hình 3 cạnh sắc, tiết diện tam giác, v.v... gần gũi rất nhiều với những đầu mũi tên tìm thấy ở những di chỉ sớm hơn. Những bàn "dập gốm" có dáng dấp Phùng Nguyên. Những dấu vết sắt của sơ kỳ thời đại sắt dễ phù hợp với thời gian khoảng 2-3 thế kỷ trước Công nguyên. Tất cả những điểm kể trên có nhiều gợi ý cho việc đi sâu nghiên cứu hiện vật di chỉ Đường Mây và từ đó có hy vọng giải thích rõ bộ mặt văn hóa vật chất của thời kỳ lịch sử An Dương Vương và nước Âu Lạc.
*
* *
Kết hợp nhận xét về cách thức xây thành với sự có mặt của gạch ngói trong tường thành, có một loại giả thuyết được đề ra, bị phản bác, nhưng trong tình hình khai quật và nghiên cứu hiện nay, chưa thể được thật sự đánh giá đúng sai, cũng như mọi giả thuyết khác. Cho nên, trong tinh thần thật sự cầu thị, muốn phản ánh mọi hướng suy nghĩ để tiện đường tìm tòi, cũng xin nêu: hai vòng thành ngoài, dựa vào đồi gò thiên nhiên, có thể là được xây dựng từ trước thời Bắc thuộc, sở dĩ có gạch ngói muộn bên trong tường là do có sửa chữa về sau; còn vòng bên trong có hình chữ nhật cân xứng, có nhiều hỏa hồi, cấu trúc khác hẳn hai vòng ngoài, có thể là xây dựng về sau.
Những việc cần tiếp tục làm
Vấn đề An Dương Vương tự bản thân nó và trong mối quan hệ gốc gác và tiếp nối với thời kỳ Hùng Vương nói chung và vấn đề thành Cổ Loa nói riêng, đối với những người nghiên cứu khảo cổ học, sử học và cả các ngành có liên quan, ai cũng thấy là vấn đề phong phú, lớn nhưng phức tạp, khó khăn. Hầu như tất cả mọi người, trong ý kiến phát biểu cũng như trong bài viết đều đánh giá kết quả những công việc đã làm mới chỉ là "bước đầu", mới chỉ là "những giả thuyết nghèo nàn so với thực tế vô cùng sinh động và phong phú, mới chỉ là "phát biểu trên cơ sở một tình hình nghiên cứu chưa đầy đủ".
Vì vậy đặt vấn đề tiếp tục đi sâu nghiên cứu là một điều hợp lý.
Căn cứ vào tình hình nghiên cứu đã qua, nhóm nghiên cứu thời kỳ An Dương Vương và quan hệ với thời kỳ Hùng Vương thấy cần phải tiếp tục làm một số việc trong thời gian tới như sau:
Về mặt tư liệu khảo cổ học
- Phấn đấu để tìm ra những di vật các loại thuộc thời kỳ lịch sử này
Đi tìm một cái gì riêng của thời kỳ An Dương Vương là một việc làm khó khăn vì thời gian tồn tại của thời kỳ lịch sử này quá ngắn ngủi. Tuy nhiên không đặt ra trong giả thuyết công tác lại là một thiếu sót. Tìm được một cái gì đã có tính riêng của thời đại, một cái gì đã có thể ít nhất giải thích được sự kế tục của văn hóa thời kỳ Hùng Vương có yếu tố văn hóa mới hoặc của tộc Thục anh em, hoặc của phương Bắc, tất nhiên đó là điều lý tưởng. Nhưng địa bàn tìm ra cái đó, quan trọng nhất, vẫn là khu vực Cổ Loa lịch sử, bởi vì nơi đây thư tịch, truyền thuyết... đã hỗ trợ đắc lực cho chúng ta kết luận quyền sở hữu các di vật thời đó thuộc về An Dương Vương. Một khi đã làm được điều nói trên, chúng ta sẽ có cơ sở để so sánh với những di chỉ đó đây, trả lại cho An Dương Vương những cái mà trước đây ta thường nói là thuộc thời "Hùng Vương muộn". Và phải chăng cũng từ đó chúng ta lần tìm được cương vực (tất nhiên không đơn giản) của nước Âu Lạc xưa?
Nếu không tìm được cái gì riêng của thời An Dương Vương, nếu chúng ta chỉ gặp những hiện vật đồng loại với thời Hùng vương cuối mà có niên đại gần kề thời thuộc Triệu hay thuộc Hán thì cũng là điều hợp lý, chúng ta lại có cơ sở để xác minh những dự đoán bấy lâu nay là "văn hóa vật chất thời kỳ An Dương Vương về cơ bản là văn hóa thời kỳ Hùng Vương".
Những tài liệu truyền thuyết ở Cao Bằng cần xác minh chu đáo. Những ghi chép của Rômanê đuy Caiô từ năm 1880 chắc giữ được nhiều phần nguyên thủy hơn. Việc kiếm lại tài liệu này là một công việc rất cần. Đồng thời việc cùng tác giả bản Chín chúa tranh vua lọc tìm cái cốt cũ của truyền thuyết cũng cần làm ngay.
Vùng Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và Diễn Châu (Nghệ An) ít nhiều đã cung cấp cho ta một số tư liệu có ích nhưng tới nay "trữ lượng" tư liệu các vùng này vẫn chưa được khai thác hết. Trong kế hoạch sưu tầm tư liệu thì vùng này tất không thể bỏ qua.
Tóm lại trong kho tư liệu các loại về thời kỳ lịch sử An Dương Vương hiện nay, tư liệu khảo cổ học còn quá ít cả về số lượng lẫn loại hình. Thực tế này yêu cầu chúng ta phải bổ khuyết kịp thời.
Về mặt nghiên cứu
- Nguồn gốc tộc Thục và quan hệ Thục - Hùng tới nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Giải quyết tốt vấn đề nguồn gốc tộc Thục chúng ta sẽ giải quyết tốt vấn đề quan hệ với Hùng Vương, đồng thời sẽ thoải mái trong việc đưa thời kỳ lịch sử An Dương Vương vào thời đại bắt đầu "dựng nước và giữ nước". Trong việc giải quyết vấn đề này, tài liệu thư tịch và dân tộc học sẽ phát huy nhiều tác dụng.
- Vấn đề thành Cổ Loa. Phần trên đã nói tới vị trí quan trọng của thành Cổ Loa trong việc nghiên cứu thời kỳ lịch sử An Dương Vương và nước Âu Lạc. Nhưng một tòa thành cổ, trải qua mấy nghìn năm đầy biến động của lịch sử dân tộc, không dễ gì xác định. Chính sự sụt lở do mưa nắng, thời gian, chính sự tu sửa bồi đắp và cả sự phá hoại của con người thời sau đã gây ra những điều chưa nhất trí trong các ý kiến khoa học hiện nay. Nhưng sự chưa nhất trí còn có nguyên nhân quan trọng là công việc của chúng ta làm còn quá ít nên chưa gần được chân lý. Tòa thành I-lion "thần thoại"[32] phải sau 20 năm đào bới, những người làm công tác khảo cổ học mới tìm thấy vết tích thật của nó.
Trong vấn đề này chẳng bàn cũng có thể dễ dàng thống nhất rằng khảo cổ học đóng vai trò chủ yếu.
Kết quả khả quan của một thời gian ngắn ngủi nghiên cứu trên tinh thần đoàn kết hợp tác xã hội chủ nghĩa vừa qua là bảo đảm vững chắc cho việc giải quyết tốt vấn đề lịch sử phức tạp, khó khăn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng này.
Nguồn: Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm/khoalichsu.edu.vn
Nxb. Văn học, 2003, tr.615-649.
[1]A.G. Ôđricua, "Người An Nam trước triều đại nhà Hán của Trung Hoa", Tạp chí Đông Dương, tháng 7-12/1923, tr.229.
[2]Trong truyền thuyết, gà trắng (Bạch kê tinh) là quỷ tinh phá thành vua Thục.
[3]Ở Cổ Loa người con rể không được tự do ăn nằm với vợ ở nhà bố mẹ vợ, người ta sợ rằng như vậy sẽ làm ăn xúi quẩy vì quan niệm rằng chính vua Thục xưa quá tin Trọng Thủy cho ở rể nên sau này mất nước.
[4]Phán là tên Thục Phán, Nồi là tên của Nồi Hầu.
[5]Công tác điều tra khai quật phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài "Thời kỳ lịch sử An Dương Vương và nước Âu Lạc" tính từ khi phát hiện kho mũi tên đồng Cầu Vực năm 1959 gồm những đợt lớn như sau:
- Phát hiện kho mũi tên đồng Cầu Vực 1959.
- Lai Quý Hộ (Đội Khảo cổ, Bộ Văn hóa. Điều tra khảo cổ học khu Cổ Loa, 1959.
- Trần Hương Văn, Nguyễn Văn Cự (Đội Khảo cổ, Bộ Văn Hóa). Đào thám sát Đống Chuông, Đống Dáo, 1964.
- Hà Nguyên Điểm, Lê Xuân Diệm (Đội Khảo cổ, Bộ Văn hóa). Đào khu mộ cổ Mả Cơ - Cầu Cả, 1966.
- Đỗ Đình Truật, Nguyễn Thành Trai (Đội Khảo cổ, Bộ Văn hóa). Điều tra cơ bản khu Cổ Loa, 1966.
- Đoàn điều tra cổ sử trưởng ĐHTH. Điều tra sưu tầm truyền thuyết, địa danh, các vòng thành Cổ Loa, 1966.
- Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp. Điều tra, khai quật Đồng Vông, Bãi Mèn, Trại Xóm Vang, cắt thành trong, đào khu mộ cổ Mả Cơ, 1967.
- Nguyễn Duy Tỷ (Viện Khảo cổ học). Khai quật Bãi Mèn, 1968.
- Nguyễn Duy Chiếm, Phạm Như Hồ (Viện Khảo cổ học). Điều tra sưu tầm truyền thuyết, 1969.
- Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp. Khai quật Đồng Vông - Đường Mây, 1969.
- Đỗ Đình Truật, Phạm Như Hồ (Viện Khảo cổ học). Điều tra khảo cổ học Cao Bằng 7-1969.
- Đỗ Đình Truật, Phạm Như Hồ, Trần Đình Luyện (Viện Khảo cổ học). Cắt thành Luy Lâu, Hà Bắc 12-1969.
- Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp. Khai quật Đường Mây, Đình Chàng 1-1970.
- Nguyễn Duy Chiếm, Đỗ Đình Truật, Phạm Như Hồ, Trần Đình Luyện (Viện Khảo cổ học). Khai quật Đồng Vông, mộ Mạch Tràng, cắt thành ngoài Cổ Loa, 1-1970.
- Nhóm sinh viên Dân tộc học trường Đại học Tổng hợp. Điều tra dân tộc học vùng Cổ Loa, 2-1970.
- Đỗ Đình Truật (Viện Khảo cổ học). Điều tra khảo cổ học Thanh Hóa, Nghệ An 4-1970.
[6] Phạm Huy Thông, "Tiến đến đưa thời kỳ Hùng Vương vào chính sử", Tạp chí Khảo cổ học, Hà Nội, số 1, tháng 6/1969, tr.60.
[7] Trần Quốc Vượng, "Cổ Loa: những kết quả nghiên cứu vừa qua và những triển vọng tới", Tạp chí Khảo cổ học, số 3-4, tháng 12/1969, tr.112-113.
[8] Trần Quốc Vượng, "Cổ Loa: những kết quả nghiên cứu vừa qua và những triển vọng tới", bài đã dẫn, tr.112-113.
[9] Nguyễn Duy Hinh, "Bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương", Tạp chí Khảo cổ học, số 3-4, tháng 12/1969, tr.154.
[10] Đào Duy Anh, "Góp ý kiến về vấn đề An Dương Vương", Tạp chí Khảo cổ học, số 3-4, tháng 12/1969, tr.138.
[11] Đào Duy Anh, "Góp ý kiến về vấn đề An Dương Vương", bài đã dẫn, tr.138.
[12] Nguyễn Linh, "Bàn về nước Thục của Thục Phán", Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 124, tháng 7/1969, tr.45-50.
[13] Nguyễn Văn Huyên, ý kiến trao đổi trong buổi sinh hoạt học thuật tại viện Khảo cổ học, ngày 5-5-1970.
[14] Phần còn lại của các tường thành trên mặt đất hiện nay còn có ý kiến khác nhau về niên đại, nhưng điểm thống nhất là khẳng định có một ngôi thành An Dương Vương trên miền đất Cổ Loa hiện tại.
[15] Đại Việt sử ký toàn thư.
[16] L. Ôruxô.
[17] Đào Duy Anh.
[18] Xem Sử ký của Tư Mã Thiên.
[19] Nguyễn Linh, "Bàn về nước Thục của Thục Phán", bài đã dẫn, tr.45-50.
[20] Nguyễn Duy Hinh, "Bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương", bài đã dẫn, tr.150, 152-153.
[21] Đào Duy Anh, "Góp ý kiến về vấn đề An Dương Vương", bài đã dẫn, tr.143.
[22] Trương Hoàng Châu, "Tòa thành đất cổ trên đất Cổ Loa", Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 129, tháng 12/1969.
[23] Theo ý kiến của Nguyễn Duy Tỳ thì lớp dưới của di chỉ Bãi Mèn là thuộc thời đại đồng thau.
[24] Trần Quốc Vượng, "Cổ Loa: những kết quả nghiên cứu vừa qua và những triển vọng tới", Bài đã dẫn, tr.113-126.
[25] Diệp Đình Hoa, Sơ kỳ thời đại sắt ở nước ta và vấn đề Hùng Vương - An Dương Vương, Báo cáo tại Hội nghị lần thứ hai nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương (bản đánh máy), lưu tại Phòng tư liệu Viện Khảo cổ học.
[26] Trần Quốc Vượng, "Cổ Loa: những kết quả nghiên cứu vừa qua và những triển vọng tới", bài đã dẫn, tr.120,126.
[27] Trương Hoàng Châu, "Tòa thành đất cổ trên đất Cổ Loa", bài đã dẫn,.
[28] Nguyễn Duy Chiếm, Báo cáo khai quật ngôi mộ Mạch Tràng (bản đánh máy), lưu tại Phòng tư liệu Viện Khảo cổ học.
[29] Đỗ Đình Truật, Báo cáo cắt thành Cổ Loa ở xóm Mít (bản đánh máy) lưu tại phòng Tư liệu Viện Khảo cổ học.
Đoạn thành này được cắt tháng 1-1970, chân thành rộng 20m.
[30] Trần Quốc Vượng, "Cổ Loa: những kết quả nghiên cứu vừa qua và những triển vọng tới", bài đã dẫn, tr.126.
[31] Tổ nghiên cứu 3, Viện Khảo cổ học.
[32] Theo tiếng Pháp quen gọi là Tơroa.
Nguồn: Văn hóa Nghệ An