TỔ CHỨC TẠI PHÁP CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY MẤT ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU VÀO THÁNG 3-2020
Hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du (16/9/1820 - 16/9/2020), Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm sự kiện này tại Trụ sở UNESCO ở Thủ đô Paris (Pháp) vào cuối tháng 3-2020. Theo đó, chuỗi các hoạt động bao gồm: Triển lãm sách và tranh minh họa, Hội thảo về Nguyễn Du và tiếp nhận các tác phẩm của ông trên thế giới, lễ tưởng niệm chính thức 200 ngày mất của Nguyễn Du…
Nguyễn Du (1765 - 1820) quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Năm 1965, Nguyễn Du đã được Hội đồng hòa bình thế giới công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỷ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm ngày sinh của ông. Còn với UNESCO thì đây là lần đầu tiên vinh danh Nguyễn Du-Đại thi hào của dân tộc Việt Nam.
Theo thông lệ, UNESCO sẽ xét các hồ sơ để vinh danh những nhân vật có tầm ảnh hưởng quốc tế do các nước thành viên đệ trình. Hồ sơ được phê chuẩn phải đáp ứng tiêu chí là nhân vật có tầm ảnh hưởng ở khu vực và quốc tế trong 5 lĩnh vực, gồm văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên-xã hội và thông tin, đúng dịp kỷ niệm năm sinh và năm mất theo bước tuổi 50. Như vậy, nếu như không kịp vinh danh lần này nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta phải đợi tới thời điểm năm 2020, tưởng niệm 200 năm ngày mất hoặc xa hơn là năm 2065, kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông.
Do Hội đồng Hòa bình thế giới đã vinh danh trước và tự thân sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du đã mang tầm nhân loại, nên nhiều người cứ đinh ninh UNESCO mặc nhiên sẽ có quyết định vinh danh. Sự thật hoàn toàn trái ngược! Nếu như các cơ quan chức năng nước ta không chủ động trình hồ sơ khoa học cùng với công hàm Chính phủ để xét kỷ niệm Đại thi hào Nguyễn Du và nhất là không nộp đúng thời gian quy định thì việc lỡ hẹn vinh danh là điều không tránh khỏi.
Nhận biết tầm quan trọng cũng như sự gấp rút về thời gian, những người ngưỡng mộ tài năng của Đại thi hào Nguyễn Du đã thành lập Ban vận động UNESCO vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du, quy tụ nhiều nhân vật ở nhiều tổ chức, hoạt động tự nguyện; trong đó, có đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trao đổi với chúng tôi, TS Phan Tử Phùng-người từng mất gần 3 năm vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam, nay tiếp tục tích cực vận động UNESCO vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du-cho biết: Để Đại hội đồng UNESCO phê duyệt, phía nước sở tại phải trình hồ sơ, kèm công hàm trong tháng 12-2012. Rất may, hồ sơ vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du đã được Ủy ban UNESCO Việt Nam gửi bằng thư điện tử tới Ban thư ký UNESCO ở Pa-ri trong phút chót. Cũng theo TS Phan Tử Phùng, không phải cứ hồ sơ về nhân vật nào đưa lên cũng được UNESCO phê duyệt, đã có một số hồ sơ các nhân vật ở nhiều quốc gia khác không đạt yêu cầu.
(Theo: qdnd.vn)