Tác phẩm và dư luận

1/8
9:48 PM 2020

VĂN CHƯƠNG, NGỌN GIÓ MUÔN ĐỜI

Võ Bá Cường- “Cây bút, đời người, khó thật”. Ngọc Bái ông bạn già núi rừng Tây Bắc nói vậy. Tôi hiểu chúng tôi đều ở tuổi bát tuần, nói với nhau về “đời người cây bút” vào chiều hè muộn, trong căn nhà nhỏ nằm sâu lút cuối xóm. Đường vào là những hàng tre cao rủ lá phủ sang nhau như gọi, dắt tay nhau thân thiết. Trước cửa chiếc ao nhỏ. Nhà thơ bỏ “chốn lao xao” trốn trong tĩnh lặng thiên thu.

Vào đây ngơ ngác trước trời xanh, mây trắng: “Lăn tăn sóng gợn mặt ao/ Hưu hưu ngọn gió thổi xao xác chiều/ Trời gieo cái nắng như thiêu/ Bờ ao bặt tiếng cuốc kêu ngày hè/ Trời xanh đến tận chân tre/ Nghe đâu văng vẳng tiếng ve kêu sầu/ Bặt tăm cá lội ao sâu/ Bóng người câu cá ngồi câu bóng mình…

Tôi nhấn nhá vào nỗi buồn trong ông đọc theo nhịp tay gõ “Bóng người câu cá… ngồi câu bóng mìnhCô đơn quá! Phảng phất chút hồn Nguyễn Khuyến: “Trời mây lơ lửng Trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co xóm vắng teo…”. Trời xanh đâu nói được, Nguyễn than thở với “Trời” với “Đời”. Trong ao sâu ngõ trúc. Ngõ người quân tử ngồi đợi thời, mấy ai vào “vắng teo”! Còn Bái về xóm núi làm dân xóm núi. Mong cái thân già được yên vui nhàn nhã với vợ con.                

Anh quí bạn, trọng nghĩa, chiếu văn anh coi là chỗ cao sang! Mấy ai bước vào được? Mà đã bước vào cái “nghiệp lớn” đè nặng lên đôi vai mình, phải chấp nhận sự nghèo đói, có khi phải túng quẫn, dè sẻn bo bỏm từng hào bạc. Đôi lúc phải hi sinh, để giữ lấy phẩm hạnh. Giữ được phẩm hạnh cũng là sự tốn kém không ít. Tôi bảo ông: “Nhà văn chúng ta, kể cả sức khỏe lớp mình không phải hộ “cận nghèo” mà là “hộ nghèo”. Nghèo kiết, nghèo nõ. Mấy ai biết được… Thì ra lớp chúng tôi có hai cái nghèo, tiền bạc và sức khỏe đồng hành cây viết.

Anh có cái may mắn trời phú. Đặt bút câu văn đã có nhiều ánh lửa. Anh đọc thơ. Mái tóc bạc rung lên. Môi anh hơi chõn lại, lấy sức truyền cho nguồn mạch bài thơ…

Tôi nâng chén nước, tay nhón quả mận, nói: “Anh Bái ơi! Tôi nhớ ở Đại hội nhà văn lần thứ 7. Ông Hữu Thỉnh giới thiệu có ba nhà văn cao tuổi là cụ Vũ Khiêu, ông Tô Hoài và Thanh Châu. Cụ Vũ Khiêu cao tuổi nhất. Nhà thơ Vân Long ngồi cạnh tôi bảo không phải thế. Tính đến nay cụ Thanh Châu 94 tuổi. Cụ sinh 17/9/1912. Cụ Tô Hoài kém tám tuổi. Nghe đâu năm rồi cụ Châu chuyển vào Sài Gòn. Cụ bị một cú “tông xe”, hai cú ngã. Lúc ngồi với bè bạn, cụ đều ghé tai hỏi người bên cạnh “Ông ấy bảo gì thế?”… Tôi kêu “Chán thật! Cảnh chúng mình rồi cũng thế”. Ngọc Bái vỗ đùi. Tôi ngã gẫy chân, một cú ngã chỏng chơ chẳng đâu vào đâu, ngã tự nhiên thôi mà thành người tàn tật. Đi lại khó khăn, sinh hoạt nhờ vào bà ấy và con cháu. Gẫy chân còn đi đâu được nữa?

Ngọc Bái đưa hai bàn tay ra ấp lấy tay tôi: - Thế thì bác ngồi lại để hai ta “nhắm nhau”, “uống nhau” một lúc… Tôi nhòe mắt, đọc hầu “tiên sinh” mấy câu thơ của Thanh Tùng: “Tiền biết trả ai? Ai trả nổi/ Quê hương hun hút mấy trời mây/ Mỗi đứa lại vội vàng đi mấy ngả/ Bao giờ trở lại “uống nhau” đây”…

Câu thơ ấy tôi nghe Thanh Tùng đọc cùng với Phan Thanh Nam. Ông Tùng năm đó ngoài 80 tuổi mới đột quỵ. Từ quán bia vào nhà ông có mấy chục mét, chúng tôi ngồi chờ mất hai mươi phút cái bóng to cao lừng lững mới dò dẫm ra được. Ông bảo “Nhờ trời chưa cướp đi mạng sống. Ngày xưa đi áp tải hàng gặp thằng “chôm chỉa” Thanh Tùng “tung chưởng”. Nhà thơ Hoa Cỏ viết: “Đã từng tung một chưởng/ Những thằng đến mổ hàng/ Cũng từng bị nó đánh/ Thuốc xoa vài ba thang”.

Rồi ông khóc nhòe hỏi: “Cái thời hoa đỏ” đâu rồi các ông!

Mắt Ngọc Bái chớp liền mấy cái. Ông khẽ xê chiếc xe đẩy sang phía tôi nói. Đúng là ngồi với nhau để “nhắm nhau”, “uống nhau”. Để ông kể chuyện lớp nhà văn trên mình ở Yên Bái trong cảnh tuổi già.

Nhà văn Hoàng Hạc, “Người đáng kính”. Ông dân tộc Tày. Quê huyện Yên Bình, mài đít xuống ghế để có được tập Tản văn Thứ lạ Mường trên. Nói được hết phong tục tập quán của dân tộc ông. Trước đó ông dịch trường ca Khảm Hải. Khác gì trường ca Đam San của Tây Nguyên, hát xướng cả đêm bên bếp củi không chán. Nhà thơ Chế Lan Viên đã ngồi nghe. Ông Chế cũng muốn liên dịch gửi sang Nga để quảng bá văn hóa Việt. Một lão làng như thế, để lại hòn máu cắt, anh con trai giờ cũng ngồi bệt xuống viết văn như bố. Hay đáo để. Phải kể đến thằng cháu ngoại Nông Quang Khiêm, thành danh rồi. Thằng cháu Khiêm trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tự hào cho Yên Bái lắm. Câu chữ anh Khiêm viết đậm sắc dân tộc.

Hồi Hoàng Hạc yếu. Bái đến thăm. Mắt anh mờ hẳn, vẫn đặt cái thước kẻ trên trang giấy đẩy cảm xúc của mình ra trang bản thảo. Nhớ lúc Hoàng Hạc quay lại cười “móm” bắt tay Bái giọng yếu ớt.

Mắt tuy lòa nhưng trái tim nhà văn, tay bút nhà văn đâu chịu dừng… nhà văn đâu có tuổi? Thực ra mỗi câu văn ta viết ra từ cổ tới kim đều bằng máu và nước mắt. Khát vọng nhà văn là chữ nghĩa. Mỗi nhà văn phải tự kiếm nguyên vật liệu, tự tay đánh vôi vữa xây dựng ngôi nhà của mình. Người đọc nhìn vào ngôi nhà, dù to hay nhỏ biết tài trí của bạn.

Ngọc Bái hơi nhím mắt lại, gọi tên tôi “Tôi quí anh ở thái độ trước thời cuộc, trước đúng sai. Cũng như tôi viết Ngang Trời Mây Đỏ về Nguyễn Thái Học rồi tổ chức tọa đàm về ông, phải vượt qua bao rào cản và dư luận xã hội. Văn chương tự nó đã cho ta một chút thể diện. Nếu không thận trọng với chút thể diện có được dễ làm mình “vênh vang” có hại cho bản thân. Viết lách là chuyện cực khó và phải thực sự có tài, không ai thay thế ai được. Ta hãy chờ xem cuối con đường người cầm bút ra sao? Người nghệ sĩ phải biết yêu nhau, thương nhau. Nghề đã khổ, mình lại hành nhau sao?... Ở đâu chứ ở Yên Bái không có chuyện ấy”.

Người Tày có câu “Đã yêu nhau chẻ cây chuối làm đuốc cũng cháy”, hay “Quả ớt có cay cũng ăn cả vỏ/ Quả chuối dẫu ngọt vẫn bỏ vỏ đi”… Tôi ngồi nghe Ngọc Bái trò chuyện, thấy kiến văn sâu rộng. Đức độ ông đẹp. Nghe câu thơ ông đọc cảm nhận được đáy lòng người Yên Bái. Đất ấy, người ấy hẳn coi núi như cha, cỏ hoa như mẹ. Người yêu núi là người có nhân.

Ngọc Bái bảo: Bây giờ anh em vào Hội Trung ương đông quá mình chẳng nhớ tên cũng chẳng đọc được gì của họ…. Rồi Ngọc Bái đọc mấy câu thơ của Lê Đạt “Chết là hết/ Hết đau/ Hết khổ/ Hết vầng trăng sáng trên đầu…!”. Chính vì mấy câu của Lê Đạt đã kéo tôi ở lại với Ngọc Bái lúc nữa. Tay ông run run chỉ vào một vài kỉ vật trong “Nhà sách Ngọc Bái” do bố con ông tạo dựng.

Kia bằng giải văn học Nhà nước. Tấm bằng đó là chứng chỉ của đời tôi với sự nghiệp văn chương. Còn hai báu vật thời trai trẻ lúc còn là lính. Một chiếc hòm sắt đựng đồ cứu thương hồi chống Mỹ. Một cát tút đồng to (pháo 105 li) thời chiến tranh biên giới. Từ Vị Xuyên vác về ngay đầu cầu “Gác Đi”. Thực ra tên cầu là Gác Đi Ê mang tên thằng quan Hai Pháp thi công. Ở mặt trận Vị Xuyên, tôi gặp được dịch giả Vũ Công Hoan dịch tác phẩm Phế Đô nổi tiếng. Nhờ ông tôi hiểu thêm về văn hóa Trung Quốc. Thời chiến tranh Việt Trung ông đọc bài thơ của Giả Đảo. Trong đó có câu “Tôi bị thương chặt gậy từ đất nước bên kia/ Về tới nhà mới thấy họ dùng cờ hoa đón/ Tôi nghĩ họ đón họ/ Đâu đón gì mình/ Bình bầu được tấm huân chương/ Mẹ đã chết/ Tôi đem chôn cái áo có gài tấm huân chương bên cạnh mộ mẹ..”. Họ cũng phản đối chiến tranh đấy chứ! Nói rồi hai tôi ôm nhau dưới chiến hào nghĩ tới sự hy sinh của đồng bào hai nước ở Vị Xuyên… Nghe đâu hồi này ông bị gút. Yếu lắm, đi lại khó khăn như tôi. “Đố ai tránh được bệnh tật và tuổi già”. Tôi thưa với Ngọc Bái vậy. Bái nói: Mình đi bộ đội luôn được làm trưởng. Lúc ra quân làm trưởng ty văn hóa. Có nhà thơ Hà Lâm Kỳ “gạo cội” tài hoa của Yên Bái làm phó cho mình. Hai thằng làm thơ thi thố với đời, hỗ trợ, tương kính nhau nên việc khó cũng chạy băng băng.

Nói đến “Hãy giữ lấy sự sang trọng của nhà văn mà bác tâm sự với Bái”. Nhân đây Bái kể chuyện có thực, chuyện về Thế Sinh. Bác đã gặp nhà văn này chưa? Anh viết văn xuôi, ngọn bút tung hoành. Chữ nghĩa có “mả” lắm! Bạn đọc luôn gửi gắm lòng mình vào trang viết Thế Sinh. Người như thế sống giản dị như cây rừng, vui vẻ như nước suối Tú Lệ. Mát và trong, bác gặp, không muốn xa đâu… Hôm tôi với Thế Sinh từ Hà Nội về Yên Bái. Khi đến Sơn Tây. Bụng anh nào cũng gào lên vì đói. Rẽ vào quán Thế Sinh gọi đồ uống, đồ nhắm. Mấy anh em được Thế Sinh mở hầu bao ai từ chối được. No say bước lên xe. Cậu lái xe tà tà chạy. Chiếc xe như “con ngựa già chúa Trịnh” nhấp nhổm trên đường được vài chục cây số. Thế Sinh bỗng nhớ khi thanh toán tiền quên hẳn một con gà luộc. Ông nhà văn bắt lái xe quay lại. Thái độ cậu lái còn “chùng chình” như mây mùa thu. Giọng Thế Sinh quyết liệt hơn: “Phải quay lại trả tiền cho quán. Họ như cánh ta, nghèo xơ nghèo xác cả. Mình hơn họ là nhà văn. Phải biết “liêm sỉ” chứ”…

Xe quay lại. Hôm ấy chúng tôi được “con ngựa già chúa Trịnh” đưa về Yên Bái hơi muộn.

Thái độ xử lý của Thế Sinh là thái độ của nhà văn. Nhà văn phải hết sức giữ mình trên mọi phương diện, kẻo mang tiếng đến Hội bác ạ. Nói rồi Ngọc Bái lại “nhổm” người đưa tay ra phía trước, ấp lấy bàn tay tôi. Ông kể. Ở Yên Bái còn có Hoàng Việt Quân, anh em đùa. Ông là “quản trang” của Hội. Ai mất, Việt Quân đều dành tình cảm của mình cho bạn qua trang viết in trên tạp chí! Để khóc nhau một tiếng trong lòng bè bạn của làng văn.

Ngọc Bái tâm sự ngày càng sâu đậm về “đời” về “nghề”. Ông thoắt trở lại thời trai trẻ. Ông cười, giảng giải thêm về nghề văn với tôi. Ông bảo Đi – Sống rồi Viết. Nhiều anh bây giờ kém đi. Sống không kĩ, đã vội viết. Bí ngồi gõ Google. Máy móc có bao giờ cho ta sống thật, tư liệu thật. Tôi thưa với ông. Điều ông nói tôi tâm đắc lắm. Hãy đi như cụ Nguyễn, cụ Tô Hoài… lớp đàn anh chúng ta. Ông Tô Hoài viết Miền Tây, phải “cắm bản” ở chân núi Xà Phìn, ở chung với thầy giáo trường Xà Phìn hàng năm trời. Sinh hoạt đảng cùng với chi bộ người Mông. Rồi nhận cô Giàng Thị Chở làm con nuôi, lúc mười hai tuổi. Nhờ con Chở, ông mới quen được Thào Mỷ người phụ nữ mãi tận Mèo Vạc. Sau này trở thành nhân vật trong phim Vợ chồng A Phủ của nhà văn. Tôi biết được chuyện này cũng học cách “cắm bản” của cụ Tô Hoài, nằm lại nhà cô Chở ở chân núi Xà Phìn, ăn mèn mén, uống rượu ngô nghe cô Chở kể lại tình cảm cha con sâu đậm của nhà văn. Giờ con gái bà Chở làm việc ở ban Dân tộc Trung ương. Hôm bà ốm, nằm ở bệnh viện Lũng Cú, con gái bà về thăm có gặp tôi và ông Triệu Đức Thanh nguyên chủ tịch Hà Giang.

Tư liệu cồn cộn như thế, viết lấy cái bút kí mà ngọ ngoạy mãi…

Ngọc Bái nhắc tôi, đã lên đây phải tới thăm khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học. Ngày 17/6/2000, Tỉnh cho khởi công khu tưởng niệm cho xứng đáng với công lao các vị tiền bối. Có được công trình này, có phần đóng góp của toàn thể hội viên Hội văn học Yên Bái, cùng Ngọc Bái dốc sức. Làm xong cũng đỡ thẹn lòng.

Lặng một lát, Ngọc Bái nói tiếp: “Nhà văn không có gì ngoài trái tim và cây bút. Cao Bá Quát đã từng nói “Mặc khách đa tân văn”, chúng ta luôn tìm tới cái mới, tự làm mới của mình. Nên lần này bác lên Giàng Pằng cố viết lấy cái gì nói về dân tộc Mông. Nơi sinh ra anh hùng Giàng A Thào. Được Bác Hồ phong tặng 1967 khi mới 32 tuổi, với thành tích khai thác ruộng bậc thang và đưa dân từ 9 tầng mây hạ sơn xuống Sùng Đô (1962)...”

Tôi ngồi lặng lẽ nghe ông nói. Không muốn xa ông. Nhà văn lặng lẽ sống, lặng lẽ viết trụ lại chiếu văn. Ông coi “Văn chương là ngọn gió muôn đời”.

Nguồn Văn nghệ số 31/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *