Tin tức

28/12
11:03 AM 2015

Lễ kỉ niệm 100 năm sinh nhà văn Đỗ Đức Dục

VanVN.Net – Sáng 28/12/2015, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Lễ kỉ niệm 100 năm sinh nhà văn Đỗ Đức Dục được tổ chức trọng thể với sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình, bạn đọc nhiều thế hệ và phóng viên các cơ quan báo chí. Các nhà văn lão thành: Vũ Tú Nam, Nguyễn Xuân Khánh đã đến dự buổi lễ. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội và nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội chủ trì lễ kỉ niệm.

Nhà văn Đỗ Đức Dục (ảnh: Internet)

Nhà văn Đỗ Đức Dục (1915-1993) còn có các bút danh: Trọng Đức, Như Hà, Tảo Hoài. Ông là nhà trí thức cách mạng, nhà báo, nhà lý luận, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học Pháp; nguyên Phó tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa; nghiên cứu viên Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông đã được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và đặt tên một đường phố tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đỗ Đức Dục, "khởi đầu bằng văn học và kết thúc cũng bằng văn học, âu cũng là định mệnh" như lời ông đã nói. Khi còn làm báo, Đỗ Đức Dục từng viết và dịch một số tác phẩm văn học in trên tạp chí Thanh Nghị, báo Độc lập và sáng tác một số truyện ngắn và thơ.

Toàn cảnh lễ kỉ niệm

Tưởng nhớ nhà văn Đỗ Đức Dục, nhiều cử tọa đã có những bài viết công phu, những ý kiến phát biểu, tham luận đánh giá về đóng góp của ông trên văn đàn văn học Việt Nam và khẳng định vị trí đặc biệt của Đỗ Đức Dục trong lĩnh vực sáng tác cũng như dịch thuật.

PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết trình bày bản tham luận đánh giá khái quát về hành trình văn học làm nên kho tàng sáng tác và dịch thuật của ông, mang lại ý nghĩa quan trọng đối với văn học Việt Nam.

Nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn

Nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn phát biểu: “Tôi thuộc thế hệ con cháu của nhà văn Đỗ Đức Dục nhưng có may mắn được sớm tiếp xúc với bậc nhà văn cha chú. Tôi có nhiều kỉ niệm với nhà văn trong suốt những năm 60, 70, 80 của thế kỉ trước. Mặc dù thời gian đã trôi qua khá lâu nhưng những ấn tượng về ngoại hình, diện mạo cũng như tính cách, nhân cách, tài năng của ông vẫn ghi dấu trong lòng tôi. Quá trình đó đã cho tôi cơ hội được gần gũi, học hỏi một bậc trí thức, một tài năng lớn, một nhân cách tiêu biểu”.

PGS. TS. Lưu Khánh Thơ trình bày tham luận “Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Đức Dục – một góc nhìn khác” khẳng định những đóng góp của nhà văn về nhiều mặt trong cuộc đời và văn học. Nhà nghiên cứu Phùng Kiên đánh giá cao tinh thần tự chủ của nhà văn, nhà báo, nhà phê bình Đỗ Đức Dục qua các giai đoạn lịch sử cách mạng. Ông Nguyễn Đỗ Thiện, cháu gọi nhà văn Đỗ Đức Dục là cậu ruột chia sẻ những cảm xúc về một người thân, một nhà văn hóa đa diện.

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội phát biểu tổng kết: “…Nhà văn Đỗ Đức Dục là một trong những hội viên đầu tiên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957), Cách mạng tháng 8 là cuộc cách mạng kép: chính trị và văn hóa tinh thần. Trên cả hai ý nghĩa này, Cách mạng tháng 8 đã tập hợp được một lực lượng xã hội đông đảo trong đó có các nhà trí thức là giới tinh hoa trẻ, nhiều tài năng, tiềm năng xung quanh cuộc cách mạng và đưa cách mạng đến thành công. Đỗ Đức Dục là một trong những người đầu tiên có mặt trong Quốc dân đại hội Tân Trào… Thế hệ chúng tôi không được trang bị đầy đủ về kiến thức và văn hóa do những hạn chế của thời cuộc, do chiến tranh chống đế quốc. Giai đoạn này những tác phẩm dịch của những dịch giả như Đỗ Đức Dục là món ăn tinh thần quý giá và mang ý nghĩa to lớn đối vói nhận thức của chúng tôi. Những cống hiến của nhà văn Đỗ Đức Dục trong quá khứ luôn vẹn nguyên giá trị trong nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác, tuyên tuyền, giáo dục và sự tiếp biến văn hóa. Hai con đường mang tên ông ở hai thành phố lớn (Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) đã nói lên sự ảnh hưởng to lớn của ông đối với sự nghiệp văn hóa nước nhà.”

Bà Đỗ Xuân Hương

Bà Đỗ Xuân Hương – trưởng nữ của nhà văn Đỗ Đức Dục xúc động nhắc lại những kỉ niệm với cha mình. Thay mặt gia đình, bà bày tỏ sự cảm ơn đối với Hội Nhà văn Việt Nam và các thế hệ bạn đọc đã luôn quan tâm, trân trọng những giá trị mà nhà văn Đỗ Đức Dục đã dày công xây dựng.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *