“CHIM ÉN BAY” CÀNG ĐỌC CÀNG HAY
Chim én bay còn mang tính đặc trưng của vừa chiến tranh nhân dân vừa rất Việt Nam: Do cuộc chiến kéo quá dài, các thế hệ cha anh đã lần lượt hi sinh, những người chỉ huy đành chọn các chiến sĩ còn vị thành niên để tổ chức thành đội du kích diệt ác ôn mang tên Chim Én.
Câu chuyện tiểu thuyết bắt đầu bằng ý định của Quy quay trở lại nhà tên ác ôn mà mình đã tiêu diệt để xem bây giờ vợ con hắn ta sống thế nào. Một quyết định bất ngờ, không có nguyên cớ trực tiếp và quá trình thực hiện diễn ra nhọc nhằn, đầy cân nhắc và nhiều lúc nguy hiểm. Đó cũng là quá trình thức dậy những năm tháng khốc liệt, hai bên tìm để tiêu diệt nhau; đó cũng là quá trình vết thương cũ của Quy tấy phát - cả nghĩa đen lẫn nhức nhối kí ức. Dõi theo kí ức Quy, nhiều lúc tôi có cảm giác nó mang toàn bộ khốc liệt của cuộc chiến, một kiểu cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân. Mở đầu là cái chết của anh Dương và chị Hảo của Quy ngay trước mắt chị. Cha chị, lão du kích từng cưu mang giám Tuân khi hắn còn chưa phản bội do quá đau đớn phẫn uất mà không thể trừng trị sau đó bị ốm rồi chết, như thể khối phẫn uất ấy phát tác mà đưa cụ đi. Anh Cường, chỉ huy đội Chim Én bổ sung chị vào đội, vừa để chiến đấu vừa để cưu mang con em đồng đội. Đó hầu như là tất yếu. Liệu một đứa trẻ mới mười một tuổi đầu, mang một chấn thương tinh thần dữ dằn đến thế có thể có con đường nào khác hơn, để lớn lên thành người bình thường được?
Chưa hết, khi chớm tuổi thiếu nữ, Quy bị sa vào tay giặc. Chính giám Tuân hạ lệnh cho hai tên ác ôn chiếm đoạt chị. Ngoài nỗi đau tinh thần ghê gớm nhất của đời một cô gái, còn là chứng đau thắt từng cơn ở bụng dưới - cái mà rồi ra sẽ ung thư hóa và là nguyên cớ trực tiếp dẫn đến cái chết của chị khi mới ngoài ba mươi tuổi - cái chết đến ngay trước dịp hẹn hò hạnh phúc cuộc đời. Trong Chim én bay, tổn thương của con người cứ chồng chất điệp trùng như thế.
Từ một đứa trẻ bị chấn thương tinh thần, Quy đã có một “gia đình” gắn kết giữa các số phận éo le khác nhau, do Cường là anh cả. Quy dạn dĩ dần qua chiến đấu và trở thành một chiến sĩ dũng cảm có thể chiến đấu độc lập ngay khi mới bước qua tuổi dậy thì. Trong một lần cùng Dũng còm đi diệt một kẻ phản bội, đi như là “để học hỏi” là chính, nhưng Dũng bị chết vì mảnh bom vu vơ, Quy đã một mình khử tên địch, rồi trong đêm không chạy về cứ mà quay trở lại, một mình cõng thi thể Dũng qua mấy cây số giữa hiểm nguy. Quá trình diệt tên giám Tuân cũng là quá trình tính cách Quy bộc lộ. Lần thứ nhất, Quy gặp được hắn ngay trước cổng nhà hắn; súng đã lên đạn, nhưng chị đã không bắn vì hắn đang bế thằng con út, nếu bắn thì có thể đứa trẻ cũng chết. Sau lần bắn thứ hai hắn chỉ bị thương, được chữa trị và chuẩn bị nhậm chức phó quận trưởng cảnh sát. Kẻ thù nhơn nhơn sống khiến những chất chồng uất ức bùng nổ và Quy đã chọn cách là mạng đổi mạng để tiêu diệt giám Tuân, bắn chết hắn ngay tại trụ sở xã trưởng.
Điều rất đáng trân trọng ở Chim én bay là Quy không chỉ trưởng thành trên tư cách một chiến sĩ du kích, mà những nhân cách con người cũng phát triển theo hướng tích cực tuy rất lắm gấp khúc nghiệt ngã. Khi đứa trẻ thành thiếu nữ, Thêm đã giúp Quy “xử lí kĩ thuật” như một người chị lớn; Quy cũng coi Cường như anh Dương của mình. Nhưng tình yêu giới tính đã từ mơ hồ nảy nở rồi rõ rệt trong chị. Cảm động nhất là trong tình huống Quy và Cường buộc phải nằm chung hầm, bên trên là giặc đi càn, có thể hầm bị phát hiện bị khui bất cứ lúc nào. Chị đã hỏi anh: “Liệu hòa bình chúng mình có còn sống với nhau không anh?”. Cường đã kìm nén và ý nhị gạt đi. Nhưng khi bị cái “tiếng la eo éo của bọn gái điếm ngoài thị trấn đến mua vui cho bọn lính Mĩ” tác động, dục tính được kích hoạt theo quy luật lây lan, “đột nhiên, anh lồm cồm bò dậy, choàng tới ôm ghì lấy chị” thì “trong phút chốc, chị bỗng ghê tởm hành động đó của anh; chị đẩy anh ra xa, vùng trở dậy”. Phải có đủ thiên lương và mĩ cảm tinh tế thì tác giả tiểu thuyết mới viết được những trang văn như thế.
Những năm tháng sống chủ yếu dưới hầm đã là nền tảng phát triển nhân cách Quy. Nhà văn không viết những trang kể tả đội Chim Én đã dạy dỗ nhau rèn luyện nhau thế nào; nhưng bằng vào hệ quả con người Quy trưởng thành, có tư duy rành rẽ, có tình thương yêu đồng bào và chị lớn hơn kẻ thù… là một minh chứng cho quá trình đó. Có thể, sau khi được Cường đón từ nhà tù Côn Đảo trở về, được đưa đi học tập ở Liên Xô, được tuyên dương Anh hùng và trở thành đại biểu Quốc hội đã thêm một quá trình bồi đắp. Nhưng tôi vẫn tin, nền tảng là ở “gia đình” đội Chim Én - một hình thái thật đặc trưng thật kì diệu của chiến tranh nhân dân.
Sau quá trình vừa kể, một chiều thứ bảy rỗi rãi, cơ quan vắng vẻ, việc Quy trở lại nhà giám Tuân thăm vợ con hắn đã như là không thể khác. Một thực tế nghiệt ngã bày ra trước mắt Quy: bà vợ góa đi vắng; thằng con lớn đã vượt biên qua Thái, đe sẽ trở về trả thù; thằng thứ đang kiếm sống không minh bạch trên Tây Nguyên; thằng út nhem nhuốc gầy còm. Gia cảnh người đàn bà góa đang trong giai đoạn gắt gao của kì thị: bị chia ruộng ở chỗ xa và ruộng xấu khó nhằn; luôn có nguy cơ bần hàn lại bị coi là thành phần có nợ máu với cách mạng. Quy đã nói hết với chủ tịch huyện Cường, đã nói với bí thư xã Tư Nhơn - người vốn là bạn chiến đấu của cha mà chị coi như một thân nhân cuối cùng trên đời, nhưng họ gặp phải một nan đề dễ hiểu: không có nghị quyết chủ trương nào kì thị cả, nhưng nhân dân là thế; đó là mặt trái và là cái đuôi của chiến tranh nhân dân trong một thế cuộc còn đầy rẫy khó khăn thiếu thốn. Quy đành làm tất cả những gì tự mình làm được, ngay trước mắt là cứu đói gia đình giám Tuân. Một chiều thứ bảy, Quy trở lại nhà hắn với bao tải gạo sau xe đạp. Bà vợ đã hóa điên và như sau này chính bà ta nói là điên giả. Thằng bé út hỏi gạo gì, Quy nói gạo cô nợ má (nói tránh để nó nhận, vì chính nó nói “Gạo nợ thì nhận, gạo bố thí thì khỏi”).
Vào lúc túng quẫn và cả nhục nhã nữa đã lên đến tột đỉnh, bà vợ giám Tuân uống bả chuột. Khi lâm chung trên giường bệnh, bà nhắn xin gặp Quy để gửi lại đứa con mà hiện không biết bà đã mang giấu nó ở đâu. Chi tiết gửi con cho người đã bắn chết cha nó quả chứa đựng minh triết Việt độc đáo. Nó, cùng với việc bà vợ giám Tuân trực diện với Quy ở cơ quan chị lần trước, nói những lời lẽ thấu đáo rằng mẹ con bà vô tội, thậm chí là nạn nhân của cuộc chiến do người Mĩ bày ra - những lời lẽ không cầu xin mà là đòi hỏi sự công bằng - đã chứng tỏ rằng không những bà ta là người mẫn tuệ khẳng khái mà còn hóa ra bà ta biết cả, biết rất rõ con người thiên lương của Quy, mặc dù giữa họ chỉ duy nhất có một lần gặp. Và nhà văn không cần dài dòng mô tả quá trình theo dõi, căn vặn, tìm hiểu trước cái hiển nhiên có tên gọi hẳn hoi là “tai mắt nhân dân”.
Chim én bay càng đọc càng hay. Lần đọc trước, tôi đã chưa khám phá ra cái then chốt của vấn đề, cái sẽ khiến tiểu thuyết đứng được vững vàng trên cái thế “đi trên dây” nói như nhà nghiên cứu phê bình Lê Thành Nghị. Hóa ra nó nằm lẩn khuất ở chỗ đối thoại giữa chị Quy và anh hiệu trưởng trường tiểu học. Đó là người mà năm xưa đã mời chị - người Anh hùng đến nói chuyện chiến đấu để bồi dưỡng truyền thống anh hùng cho lớp trẻ. Chị đã nhận lời, nhưng sực nhận thấy một hoàn cảnh oái oăm: Trong những lớp trẻ ấy, nhỡ có con của kẻ ác thì sao, nó sẽ nghĩ như thế nào về câu chuyện truyền thống? Và chị đã xin hoãn. Ở đây, người Anh hùng đã xứng đáng là anh hùng, khi hiểu rất rõ sự việc, biết nhìn xa hơn cái sự vụ trước mắt để điều khiển sự việc sao cho tốt nhất, đúng hơn là đỡ xấu nhất cho tương lai. Còn người bình thường như anh hiệu trưởng thì không thể tự mình cắt nghĩa được vì sao chị lại đến để xin học tiếp cho con trai út của kẻ thù.
“- Tôi chỉ thấy kì kì khi đích thân chị tới xin học cho nó.
- Cũng có vẻ kì kì thật nếu nghĩ theo cách nghĩ của anh. Tôi chỉ muốn bù đắp cho thằng nhỏ.
- Hình như chị ân hận vì đã giết chết cha nó?
- Anh không nên suy diễn như vậy. Tôi không nhìn nó dưới khía cạnh là con thằng ác ôn đáng giết một trăm lần, mà nhìn dưới khía cạnh của mẹ nó”.
Hình tượng nghệ thuật Quy là sản phẩm của tưởng tượng từ thực tiễn chiến tranh, hẳn rồi. Nhưng cũng lại cứ như thể từ trong sâu thẳm lòng nhân ái của Nguyễn Trí Huân mà nở ra vậy, mà mỡ màng mẫm mạp vậy; thật tự nhiên, sống động và không còn mảy may dấu vết của gieo trồng vun tưới.
Chim én bay nhiều trang thấm đẫm nhân bản. Đây là giọt tinh dầu khả dĩ xoa dịu hẳn những vết thương chiến tranh với tất cả tính khốc liệt của nó: “Được một quãng, quay lại nhìn, chị vẫn thấy bầy đom đóm đang giăng mắc những sợi ánh sáng đứt, nối”. Đây là đoạn tả tâm trạng cân nhắc của Quy trong quá trình trở lại nhà giám Tuân: “Chị đã giết những tên ác ôn khét tiếng nhất bởi cách mạng đòi hỏi chị làm như vậy. Vậy mà, bây giờ không hiểu sao, chị cứ thấy lòng không yên… Có một cái gì đó ngoài lí trí bắt chị phải suy nghĩ, trăn trở. Cái gì? Hình như nó ở đâu đó trong con người chị, trong mọi con người mà hàng ngày chị hằng tiếp xúc. Hình như nó ở trong đất, trong nước”. Đây nữa, là đoạn khó viết đối với bất cứ cây bút nào: “Và cuối cùng chị đã tìm thấy nó (thằng bé con út của giám Tuân - V.C) trong một bữa ăn cúng cháo ở Hoài Hảo. Ở quê chị vẫn có tục cúng cháo. Trước đây, nó vốn là một cái lễ nghèo nàn cúng những vong hồn lang thang vô thừa nhận. Về sau, tục cúng cháo trở thành ngày giỗ đối với những chiến sĩ chết không có tên tuổi, bia mộ. Mà ở quê chị những người chết như vậy vẫn chưa được đưa hết vào nghĩa trang, bởi quá nhiều và bởi cho đến giờ vẫn không ai xác định được lai lịch của họ”.
Chưa xác định được lai lịch của họ? Mệnh đề như bị lạc vào đoạn văn viết về những chiến sĩ vô danh hi sinh vừa dẫn chợt vang lên một tầng nghĩa khác, tầng nghĩa khác ấy nối vào với “những vong hồn lang thang vô thừa nhận” ở trước đó để châu tuần mà thành đất Mẹ bao dung, ôm chứa.
Chim én bay càng đọc càng hay. Chương cuối cùng của tiểu thuyết là cái chết của bà Năm Tuân. Đây là đoạn viết về đám tang bà: “Chị đã đưa người đàn bà đơn độc ấy đến khu nghĩa địa ở đầu thị trấn với một tâm trạng vừa buồn rầu vừa lo sợ (cho trách nhiệm quản trị đất nước - V.C). Chị luôn luôn thầm hỏi rằng, liệu những gì sẽ xảy ra, sắp xảy ra đối với cuộc sống đơn chiếc, quá ư mỏng manh của mỗi một con người”. Cái hay còn ở Chương kết thúc, đặc tả cái chết của Quy. Đây là đoạn kể Cường ngồi bên giường bệnh lúc chị lâm chung:
“- Em có dặn lại gì anh không hả Tư? - Giọng anh méo mó, lạc đi. Ngực se thắt vì một sự mất mát mà giờ đây anh mới ý thức được hết về nó.
- Em còn một ít tiền ở ngân hàng… - Chị nói đứt quãng - Anh gởi cho má Huỳnh… Sang giêng… - Chị dừng lại, đầu ngật về một bên”.
Má Huỳnh là người bà con xa của bà Năm, người được bà ta nhờ nuôi thằng út. Còn “sang giêng” thì được hiểu là Quy nhờ người yêu cũ nói lại với người yêu mới - anh cán bộ sư đoàn Sao Vàng - sang giêng có vô theo hò hẹn, nhưng chị đã không kịp nói ra. Đó là một trong nhiều chỗ không hết của tác phẩm. Những dòng cuối cùng là một trong những chỗ không hết ấy: “Nhưng thực ra, sự ra đi của chị cũng được bắt đầu một cách thật giản dị và cay đắng tại căn phòng ấy, căn phòng mà chị Năm bữa trước đã ra đi”.
*
* *
Nếu vết sẹo nơi Năm 1975 họ đã sống như thế nằm ở trong lòng người là nỗi day dứt tương tàn, thì vết sẹo trong Chim én bay nằm ở chính đặc điểm chiến địa của chiến tranh. Người lính từ miền Bắc vào đánh giặc, nếu còn sống, anh ta sẽ trở về sum họp và xây dựng hạnh phúc cho riêng mình. Hạnh phúc sẽ đẩy lùi, sẽ nguôi ngoai dần vất vả, thương đau. Nhưng những chiến sĩ, nhất là các du kích sinh trưởng ngay ở chiến địa sa trường thì khác. Hết chiến tranh, họ vẫn phải chung sống cùng những người từng là kẻ thù, từng chĩa súng vào ngực nhau. Quan hệ họ hàng làng xóm, phi nội tắc ngoại dằng dịt với nhau, ra đụng về chạm, mỗi bước chân đều dễ vấp vào kỉ niệm xót xa căm giận. Đó là vết sẹo nằm cùng với đất Mẹ. Phải thật thiên lương, lại phải hội đủ phẩm chất người anh hùng, như Quy, thì nghĩa đồng bào mới thật còn giá trị.
Thiết nghĩ, hình tượng nghệ thuật Quy và Chim én bay không hổ thẹn với bất cứ tác phẩm nào của Việt Nam viết về chiến tranh. Chim én bay của Nguyễn Trí Huân là tác phẩm lớn, xứng đáng với thời đại của nó.
V.C
--------
1. Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Trí Huân, xuất bản lần đầu năm 1988, Giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm (1985-1989) Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1988-1989.
NGUỒN: VNQĐ