MỘT SỐ LÝ THUYẾT NGOẠI NHẬP VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM GẦN ĐÂY
Nhà phê bình Nguyễn Hòa (ảnh Internet)
“Gần đây, một vài học giả / phê bình gia ở Việt Nam bắt đầu truyền bá ý tưởng rằng văn nghệ sĩ Việt Nam không nên tiếp cận văn nghệ hậu hiện đại, mà phải đi trở lại con đường phát triển của chủ nghĩa hiện đại” kèm theo ghi chú: “Người đưa ra ý tưởng bảo thủ vô nghĩa này là Hoàng Ngọc Hiến.
Trong bài tham luận Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, đọc tại hội thảo Lý luận Văn học Việt Nam thế kỷ XX tổ chức ngày 7.6.2008 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng lại trên tạp chí Sông Hương ngày 16.7.2008, ông cho rằng việc giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam là một điều “trái khoáy”, chỉ vì “nhiều độc giả không hiểu mấy về chủ nghĩa hiện đại (mà quá trình thăng trầm trải ra trong bốn thập kỷ đầu t.k. 20)”. Sau đó, Nguyễn Hòa đã phụ họa và khai triển ý tưởng này trong bài Xu hướng Tân hình thức, hậu hiện đại trong thơ: Chiếc áo rộng cho một cơ thể còm, báo Công an nhân dân online, ngày 27.7.2008”. Tôi đọc và thấy buồn cười, vì trước đó mấy năm trong bài Văn chương 2004 - oằn mình giữa “nhập nhòa” cũ - mới, tôi đã viết: “Vào lúc các lý thuyết gia đang quảng bá cho một nền văn học “hậu hiện đại”, tôi vẫn không tin lúc này văn học chúng ta đã bước vào giai đoạn “hậu hiện đại”, bởi liệu nền tảng là trình độ tư duy đã đi hết con đường “hiện đại” hay chưa. Phân tích kỹ lưỡng, chưa biết chừng trình độ tư duy của chính những người đang say mê quảng bá vẫn còn ở trong giai đoạn “tiền hiện đại”...!”. Công bố trước bốn năm thì chắc chắn tôi không “phụ họa, khai triển ý tưởng” của ai, nên tôi viết thư gửi dịch giả nọ để khẳng định, và nói rõ bài Xu hướng Tân hình thức, hậu hiện đại trong thơ: Chiếc áo rộng cho một cơ thể còm là tôi tiếp tục phát triển ý kiến riêng, và cũng đừng vì thế mà lại biến Hoàng Ngọc Hiến trở thành người “phụ họa, khai triển ý tưởng” của... tôi! Và dịch giả đã sửa lại ghi chú. Tôi nghĩ đó là sự cầu thị cần ghi nhận. Còn ý tưởng của tôi có bị coi là “bảo thủ vô nghĩa” cũng không sao. Tuy nhiên tôi vẫn nhớ năm 2004, trả lời phỏng vấn Thể thao và Văn hóa, dịch giả kể trên nói: “tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam”, nhưng 12 năm đã qua vẫn chưa thấy lối viết hậu hiện đại “trở nên phổ biến ở Việt Nam”, phải chăng “chẳng bao lâu nữa” cũng chỉ là thời hạn tù mù? Thiển nghĩ, đưa ra một luận điểm “cấp tiến, hữu nghĩa” nhưng quá lâu chưa được kiểm chứng, thì cũng nên kiểm tra lại ý kiến của mình!
Tôi kể chuyện trên không để thanh minh, khoe khoang mà từ đó muốn đề cập đến việc trước khi viết tham luận này tôi đã tham khảo một số bạn bè, và đúng lúc tôi triển khai lại xuất hiện một số ý kiến khá gần gũi ý tưởng của tôi, vì thế có thể xuất hiện khả năng tôi “phụ họa, khai triển ý tưởng” của người khác! Như trong bài Hậu hiện đại thực chất và ảo tượng, sau khi nhận xét tình trạng “ngộ nhận… kết hợp, diễn giải một cách khá tùy tiện… vì không đọc kỹ Lyotard hoặc vì thiếu kiến thức văn học và ngoại ngữ”, Thụy Khuê khuyến cáo: “một lý thuyết dù với lập luận chặt chẽ, nhưng nếu bị ngộ nhận, suy diễn và sử dụng một cách vội vàng, có thể đưa đến những hậu quả không lường được, đồng thời cũng gián tiếp trả lời câu hỏi: tại sao lý thuyết hậu hiện đại của Lyotard lại không phát triển được ở Pháp. Hiển nhiên giới làm văn học Pháp có nhiều kinh nghiệm với những lý thuyết mới, những phong trào thời thượng, cho nên họ nhậy cảm hơn, họ phân biệt rõ những gì có giá trị lâu dài và những gì có tính cách giai đoạn. Đây là bài học thiết yếu cho chúng ta khi tiếp cận với những cái gọi là “mới ” của thế giới bên ngoài”. Và trong Phê bình văn học thế kỷ XX, Thụy Khuê viết: “Muốn biết nhanh, biết hết, người ta học trước cái ngọn mà không cần biết cái rễ: Lý thuyết Hậu hiện đại được một số người trình bày như một chân lý tân kỳ, có nhiệm vụ “chỉ đạo cho sáng tác”. Tình trạng này làm rối loạn giới sáng tác, nhất là đối với các nhà văn trẻ có tài, mới bước vào đời văn, chưa hiểu rõ các quy luật sáng tạo, đã vấp phải bóng ma Hậu hiện đại, như một con khủng long có nhiều chân rết, mỗi người nắm một mảng mà không biết toàn thể nó thế nào. Con khủng long này gây áp lực gián tiếp, ép buộc người viết trẻ lúc nào cũng phải viết cho “mới” cho “hậu hiện đại”, khiến họ hoảng loạn, chùn bước, mỗi khi đặt bút, sợ mình viết không đủ “mới”, không đủ “hậu hiện đại”. Một số khác lại hiểu “hậu hiện đại” là sốc, là xếch, là dám viết những dâm ô, thô tục, dã man, tàn bạo, chưa ai viết, v.v… Hậu hiện đại là một triết thuyết của J.F. Lyotard, bàn về vấn đề số phận của tri thức trong thời kỳ tin học. Ra đời năm 1979, cho đến nay, nó chưa có một ảnh hưởng nào có thể gọi là thực tiễn trong sáng tác văn học. Bởi vì cuốn sách triết học này không chủ yếu nói về lý thuyết văn chương. Nhưng được đại học Mỹ thổi phồng trước tiên và sau đó nó chạy đi khắp thế giới như một cái “dịch”. Sở dĩ có hiện tượng này vì sau phong trào Hippies ở Mỹ và cuộc “cách mạng văn hóa 1968” ở Pháp, khiến de Gaulle, được coi là độc tài vì kiểm duyệt truyền thanh, truyền hình, phải từ chức, mọi người khát khao một lập thuyết mới, làm kim chỉ nam để xây dựng một “xã hội mới”. Lyotard chủ trương phải đào thải những gì có tính cách kinh điển, như hệ thống triết học của Hegel, của Mác… để lập một “thế giới tự do và bình đẳng” hơn. Triết thuyết của Lyotard chỉ nổi lên một thời như một cái mốt, và sau đó bị bỏ rơi ở Pháp… Nhưng ảnh hưởng của nó đã đi quá xa, sang Mỹ, sang Nga, đến nước ta và đi vào mọi ngõ ngách, chỗ nào cũng thấy hơi hướm hậu hiện đại, thậm chí có những bài phê bình đem cả các tác giả từ Vũ Trọng Phụng đến Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh,… vào danh sách hậu hiện đại! Đó cũng là hậu quả của việc thiếu ý thức phê bình, khiến chúng ta nhắm mắt tiếp nhận các lý thuyết mới của nước ngoài mà không đào sâu, phân tích, tìm hiểu đến nơi đến chốn. Kinh nghiệm trên đây, giúp chúng ta thận trọng hơn trong việc phê bình: Nên học từ gốc chứ không từ ngọn. Nếu chưa biết rõ lịch sử tiến hóa của phê bình, thì khó có thể hiểu và tiếp nhận những lý thuyết mới một cách khách quan, có ý thức”.
Tôi nghĩ, Thụy Khuê đã đưa ra một số nhận xét và khuyến cáo mà người quan tâm cần tham khảo. Về phần mình, dù chưa lĩnh hội tận gốc nhưng vào lúc Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Nữ quyền,… được một số người quảng bá tại Việt Nam, với kinh nghiệm và dự cảm có được sau nhiều năm theo dõi sự vận hành của quan hệ giữa một số lý thuyết ngoại nhập với việc đánh giá văn chương ở Việt Nam, tôi liên tưởng đến sự tái diễn hiện tượng: sau khi tiếp xúc với một lý thuyết văn học nào đó, một số tác giả lý luận, nghiên cứu, phê bình lập tức say sưa quảng bá, vận dụng khảo sát, khẳng định, thi thoảng lại eureka một số phẩm chất từ tác phẩm này, tác giả khác rồi rộn ràng như văn học nước nhà đã theo kịp văn học thế giới! Và vào lúc mấy con “mắt xanh” đang hồ hởi với tinh thần phát hiện đầy tự tin thì không nên phản biện. Nếu phản biện sẽ rất dễ bị úp cái mũ “từ chối một số lý thuyết như là một thành tựu của tư duy loài người”, “gia trưởng”, “áp đặt cái nhìn của bản thân cho các thực hành phê bình khác, từ khuyên nhủ, đến từ chối, thậm chí phủ nhận, lên án, quy chụp”, hoặc “thiếu tri thức cơ bản về hậu hiện đại, hay do hiểu sai tinh thần hậu hiện đại, từ đó dẫn đến tâm lí sợ cái mới, cái chưa biết; hoặc dù có biết, nhưng do ngoan cố bảo vệ sự toàn trị văn học, nên quyết liệt chống lại hậu hiện đại”. Còn khi trở thành đối tượng để ai đó mổ xẻ bên bàn trà, ly café, cốc bia thì người phản biện sẽ có vinh dự được coi là bảo thủ, dốt, đọc được bao nhiêu sách mà to mồm,…!
Nhưng sự đời không đơn giản, có những yêu cầu chung và lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học không phải là ngoại lệ. Chí ít thì bất cứ người nào làm đã công việc liên quan tới lý luận cũng cần có hiểu biết cơ bản về nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Dẫu có thể diễn giải qua các cách thức khác nhau (như: “hệ thống tri thức được khái quát từ thực tiễn”, “tổng hợp các tri thức về tự nhiên và xã hội tích lũy được trong quá trình lịch sử”; “hệ thống tư tưởng chủ đạo trong một lĩnh vực tri thức”,…) thì hệ thống lý luận nào cũng là sự khái quát về một lĩnh vực, một loại vấn đề - hiện tượng nằm trong phạm vi nhận thức của con người. Và đặc biệt về phương pháp luận, nguyên tắc khách quan - toàn diện - lịch sử - cụ thể - phát triển không chỉ chi phối quá trình nhận thức và khái quát, hình thành, hoàn thiện,… mỗi hệ thống lý luận, mà còn chi phối việc vận dụng lý luận đó trong nghiên cứu, đánh giá, tác động, hỗ trợ thực tiễn phát triển. Xem nhẹ, bỏ qua nguyên tắc phương pháp luận này, người làm khoa học dễ đẩy mình vào xu hướng cảm tính, cực đoan, áp đặt, phiến diện, phi lịch sử, thậm chí làm rối trí đồng nghiệp và công chúng, cản trở sự phát triển…
Năm 2014, trong bài Văn chương hôm nay đang bị sa lầy đăng trên báo Thanh niên, nhà văn Nguyễn Đình Chính đã viết những điều mà từ sự đồng cảm với ông, tôi xin dẫn lại một số đoạn: “Sự đổi mới sáng tạo đó là ước muốn vươn tới một sự hoàn thiện tạo nên những những giá trị mới, khám phá những sự thật căn bản, thăm dò phần thâm sâu và tươi mát của cái hiện tại sống động. Cần phải hiểu rằng cái thế giới của sự đổi mới, sáng tạo đích thực lại luôn nằm trong bản chất tươi mới của cái hiện thực sống động… Phải có được sự thấu hiểu thật thâm sâu về bản chất tối hậu của cái thực tại sống động. Nếu không đạt tới một tầm vóc đó thì lao động sáng tạo của người tri thức, văn nghệ sĩ chỉ phí công vô ích và sẽ liên tục bị dằn vặt để sản sinh ra những gì mà thật sự đời sống không cần đến. Vì vậy, người văn nghệ sĩ phải có một tầm nhìn sâu rộng, một trí tuệ minh triết và một thái độ khoan dung, tránh không bị cuốn vào cơn gió lốc tư tưởng Tây phương gần hai thế kỷ nay đang rơi vào tình trạng ảm đạm, do bị sa vào cái bẫy của Chuẩn thức tư duy nhị nguyên phân biệt, nên mất dần khả năng tiếp cận được với cái thực tại sống động đang diễn ra… Mặc dù hiện nay lao động trí tuệ sáng tạo trong đó có văn học nghệ thuật đang được tung hoành trong một môi trường có nhiều tự do, cởi mở. Nhưng không ít sáng tạo mới, đặc biệt là văn học nghệ thuật lại đang dần lộ nguyên hình là giả trá, dễ dãi và lòe mắt thiên hạ. Những tác phẩm đó chỉ mang đến những lạc thú quyến rũ nhất thời, sự thỏa thích nông cạn khiến người sinh đẻ ra nó và đám đông tiếp nhận nó dễ dàng sa ngã, rốt cuộc chỉ mang đến thất vọng và nỗi bất an sâu sắc. Lao động trí tuệ sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mới đích thực rất khắc nghiệt, liên tục từng phút, từng giây đòi hỏi người sáng tạo ra nó, đến đám đông tiếp xúc với nó, đều phải cố gắng chiến thắng bản thân. Họ phải đương đầu với sự đau khổ của cái trí năng mù tối, của cái nhận thức sai lệch, ngạo mạn, phải khiêm nhường, can đảm học lại sự hiểu biết của mình. Phải dồn hết cả tâm huyết tiến dần vào con đường minh triết nội tâm, xây dựng cho mình một nhận thức luận mới để tiếp cận được cái bản chất tối hậu của thực tại sống động. Từ đó, họ mới có thể vượt thoát khỏi cái bẫy của chuẩn thức tư duy nhị nguyên phân biệt đơn giản, hội đủ các nguyên nhân, điều kiện tiến lên trên con đường Khai mở tư duy sáng tạo trong các hoạt động văn học nghệ thuật mới cho nước nhà”. Thiển nghĩ, các câu chữ này được viết sau nhiều năm tác giả sống với văn chương, và tôi muốn đặt câu hỏi: khi đặt vấn đề nhà văn cần có tầm nhìn sâu rộng, trí tuệ minh triết, thái độ khoan dung, thấu hiểu bản chất tối hậu của thực tại sống động,… thì ngoài sự trải nghiệm của bản thân, Nguyễn Đình Chính có liên hệ tới việc cha anh - nhà văn Nguyễn Đình Thi, ngay từ khi tuổi mới đôi mươi đã viết Triết học Căng, Triết học Nitsơ, Triết học Anhxtanh, Siêu hình học? Tôi đặt câu hỏi vì nghĩ, dù là sách nhập môn thì ở Việt Nam, trước và sau Nguyễn Đình Thi rất ít người làm được. Từ góc nhìn của mình tôi cho rằng, chính sự tự ý thức đã tạo nên tiền đề để Nguyễn Đình Thi tự mình xây dựng “nhận thức luận mới để tiếp cận được cái bản chất tối hậu của thực tại sống động”, và điều này thể hiện rất rõ trong tác phẩm của ông.
Từ vai trò của nhận thức với hoạt động thực tiễn của con người, với nhà văn, nhận thức mới không đến một cách tự nhiên mà là kết quả của quá trình tự giác dấn thân, bỏ công sức học hỏi từ cuộc sống và từ sách vở, phải trăn trở suy nghĩ để phát hiện vấn đề xã hội - con người một cách bản chất, thậm chí phải trả giá,… thì may ra mới có kết quả. Với nhà văn, nhận thức mới không đồng nghĩa với những gì rút ra từ quan sát cảm tính, không đồng nghĩa với nỗi bức xúc nhất thời, đua theo người khác, viết như để chứng tỏ mình hiểu biết, không lạc lõng trước mấy xu hướng đang được vài ba nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình coi là “mới”. Càng không đồng nghĩa với việc chỉ đưa vào tác phẩm năm bảy câu nói của Shakyamuni, Jesus, Khổng Tử, Lão Tử, Aristoteles, R. Descartes, I. Kant, F. Nietzche, J.P Sartre, J. Derrida,… là chứng tỏ nhận thức mới sâu sắc, có tính tư tưởng, hay tri thức uyên thâm! Bởi, kết quả nhận thức mới biểu thị qua tác phẩm - nơi thể hiện khả năng khám phá, nắm bắt bản chất vấn đề xã hội - con người được nhà văn đề cập từ góc độ thẩm mỹ; nơi nhà văn đưa ra trước bạn đọc một (các) ý tưởng văn học, và tìm tòi, sáng tạo hình thức tương ứng. Theo tôi, việc nhà văn thiếu nhận thức mới, thậm chí coi nhẹ vai trò của nhận thức là một trong các nguyên nhân lý giải vì sao mấy chục năm qua văn học Việt Nam vẫn chưa có tác phẩm đỉnh cao. Dường như vệt kéo dài của văn chương tả thực, thói quen nệ đề tài hoặc chạy theo đề tài được coi là “hót”, quan tâm đến cốt truyện hơn là xác định tác phẩm phải bắt đầu từ ý tưởng, rồi sự dễ dàng khi đăng tải, in ấn,… khiến nhà văn coi nhẹ vai trò của nhận thức, coi nhẹ việc suy xét một cách lý trí về xã hội - con người? Thực tế các năm qua cho thấy nhiều tác phẩm văn học trở thành sự kiện đình đám (do không muốn làm tác giả chạnh lòng nên xin không nhắc tới), không ít tác giả sau khi trình làng tác phẩm được dự báo như tài năng mới xuất hiện, nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu sự kiện đình đám tồn tại cùng thời gian? Một tác phẩm với câu chuyện được kể lớp lang, hấp dẫn, có thể làm người đọc nhất thời say mê nhưng “tuổi thọ” sẽ không cao nếu thiếu các giá trị có khả năng vượt thời gian. Một tác phẩm có đề tài đáp ứng nhu cầu thời sự có thể giúp bạn đọc và nhà phê bình “xả supap” trong thời gian nhất định, nhưng sẽ sớm bị lãng quên khi vấn đề thời sự có biến động - thay đổi, tác phẩm khác ra đời, thay thế; và sau khi “xả supap” xong, hầu như ít người ai nhận ra căn nguyên chủ yếu thường là: để đáp ứng kịp thời nhu cầu thời sự, tác phẩm được tác giả lấp đầy hiện thực, mọi sự rành mạch tới mức đọc xong ít phải suy ngẫm, trăn trở, vì tác phẩm không tạo ra được các “khoảng trắng” giống như ánh sáng trắng nhưng lại là “hỗn hợp của mọi ánh sáng đơn sắc, trong đó có bảy màu cơ bản: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím”. “Khoảng trắng” hấp dẫn, lôi cuốn và thách đố người đọc, mỗi thế hệ lại suy ngẫm, giải mã, khẳng định ý nghĩa mới, hoặc tranh luận sôi nổi như mấy trăm năm qua người Việt Nam vẫn đọc, khám phá Truyện Kiều. Đặc biệt, một tác phẩm được viết như là để chứng minh “tây có, ta cũng có” sẽ không bao giờ trở nên bất hủ, vì thiếu điều căn cốt là không gắn với bản chất quá trình chuyển dịch của nhận thức, tâm thế xã hội. Còn khi một số nhà văn, nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học đánh đồng sự chuyển dịch nhận thức, tâm thế của nhà văn phương Tây trong điều kiện vật chất - tinh thần mang đặc trưng phương Tây, với sự chuyển dịch nhận thức, tâm thế của nhà văn Việt Nam trong điều kiện vật chất - tinh thần mang đặc trưng Việt Nam, sẽ dễ dẫn tới sai chênh giữa lý luận và thực tiễn, mà điển hình là việc cổ vũ hoặc gắn “nhãn hiệu” Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Nữ quyền lên một số tác phẩm.
Từ phạm vi khảo sát của cá nhân, tôi thấy Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Nữ quyền có xu hướng chính trị - xã hội hơn là văn học - nghệ thuật, ít chú ý yếu tố nghệ thuật, nếu không nói khá mờ nhạt. Nói cách khác, các lý thuyết đó đưa ra nhiều khái niệm chủ yếu mang tính xã hội hơn là tính thẩm mỹ, như: vi văn bản, siêu văn bản, tiểu văn bản, đại tự sự, sai, giải trung tâm, giải cấu trúc, phi trung tâm hóa, mảnh, phân mảnh,… trong Hậu hiện đại; trung tâm, bên lề, ngoại vi, cái khác, kẻ khác, không gian ngoại vi, không gian kháng cự, ngoại biên hóa… trong Hậu thực dân; nam tính, nữ tính, phái tính, văn hóa phụ quyền, chủ nghĩa dương vật,… trong Nữ quyền. Điều này có căn nguyên, ít nhất ở chỗ mục đích của chúng là giải quyết những vấn đề xã hội - con người nảy sinh ở phương Tây. Vì từ góc độ tiếp cận của quan hệ lý luận và thực tiễn, có thể thấy Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Nữ quyền ra đời từ sự khái quát thực tiễn kinh tế - chính trị - văn hóa ở phương Tây, nên trước khi tiếp nhận và vận dụng cần tìm hiểu chúng có ý nghĩa phổ quát với mọi nền kinh tế - chính trị - văn hóa trên thế giới hay không. Về phần nó, dù văn học quan thiết như thế nào vẫn không đứng ngoài thực tiễn kinh tế - chính trị - văn hóa đã khai sinh ra nó, và dù nhà văn có khả năng thâu nhận, mô tả, dự báo, cảnh báo, tiên đoán,… sâu sắc đến đâu thì cũng không phải là chủ thể sáng tạo độc đáo tới mức chỉ bằng hư cấu chủ quan và trí tưởng tượng phi hiện thực là đã có thể sản xuất các giá trị nghệ thuật mang ý nghĩa thực tiễn. (Lưu ý: Để không đẩy tới tranh luận không cần thiết, nếu ai đó đặt câu hỏi: Tại sao Chủ nghĩa Marx - Lenin ra đời ở phương Tây lại có thể được vận dụng ở Việt Nam?, thì xin trả lời luôn rằng: Chủ nghĩa Marx - Lenin không phải là học thuyết chỉ dành cho các nước phương Tây, đó là học thuyết chỉ ra các quy luật cơ bản, phổ quát về triết học, kinh tế - chính trị,… trong quá trình nhận thức và sự phát triển của xã hội loài người, vì thế Chủ nghĩa Marx - Lenin mang tính nhân loại phổ biến, và việc vận dụng vào Việt Nam là điều khả thể).
Về Hậu hiện đại, trong bài Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản, tác giả Nguyễn Minh Quân viết: “Theo F. Jameson, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng như chủ nghĩa hiện đại, là các cơ cấu văn hóa, xã hội, tương ứng với những giai đoạn nhất định của chủ nghĩa tư bản. Jameson đã chia chủ nghĩa tư bản ra làm ba giai đoạn phát triển căn bản gắn liền với những hình thái văn hóa đặc thù, để từ đó các ngành nghệ thuật và văn chương hình thành một cách tương ứng: Giai đoạn thứ nhất hay chủ nghĩa tư bản thị trường xảy ra từ nửa đầu thế kỷ 18 kéo dài đến cuối thế kỷ thứ 19 tại Tây Âu, Anh, Hoa Kỳ cùng các quốc gia chịu ảnh hưởng. Giai đoạn này gắn liền với sự phát triển kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản, ví dụ: động cơ hơi nước và về mỹ học là sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực (realism). Giai đoạn thứ hai hay chủ nghĩa tư bản độc quyền, bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 19 cho đến khi Âu châu hoàn tất chương trình tái thiết thời hậu chiến (vào khoảng thập niên 1950). Giai đoạn này tương ứng với sự ra đời của động cơ đốt trong và động cơ điện về kỹ thuật; về mỹ học là sự hình thành chủ nghĩa hiện đại (modernism). Giai đoạn thứ ba tức thời kỳ đương đại chúng ta đang sống, là chủ nghĩa tư bản đa quốc gia mang nặng yếu tố mở rộng thị trường, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm. Về kỹ thuật tương ứng với sự ra đời năng lượng hạch tâm, kỹ nghệ điện tử. Chủ nghĩa hậu hiện đại tương ứng với thời kỳ này”. Qua phân kỳ của F. Jameson có thể thấy ông đã tiếp cận Hậu hiện đại trong sự tương ứng với diễn trình lịch sử phương Tây ở các thế kỷ gần đây, mà nổi lên là xem xét mối tương ứng giữa quá trình nhận thức với bối cảnh, cơ sở kinh tế cụ thể, từ đó đánh giá, xác lập một số tiêu chí có tính bản chất của những xu hướng tinh thần tương ứng với các giai đoạn lịch sử. Và nên lưu ý, F. Jameson sử dụng các khái niệm “chủ nghĩa tư bản thị trường”, “chủ nghĩa tư bản độc quyền”, “chủ nghĩa tư bản đa quốc gia” để xác định những hình thái văn hóa tương ứng (trong đó có văn học). Thiết nghĩ đó là tiếp cận khoa học từ các yêu cầu cơ bản của sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Về phần mình, ở thời điểm chưa tường tận nội dung của Hậu hiện đại, chưa tiếp cận luận điểm của F. Jameson, song từ góc nhìn quan hệ giữa lý luận và thực tiễn tôi đã “không tin lúc này văn học chúng ta đã bước vào giai đoạn “hậu hiện đại”, bởi liệu nền tảng trình độ tư duy đã đi hết con đường “hiện đại” hay chưa”. Và thực tế cho thấy điều tôi dự cảm là có cơ sở. Bởi, có lẽ vì không nắm bắt một cách cơ bản về quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa bản chất và hiện tượng, hoặc coi “giễu nhại” đồng nghĩa với Hậu hiện đại,… nên có tác giả không chỉ vận dụng Hậu hiện đại vào văn học Việt Nam mà còn khám phá được một số điều bi hài, như: “tôi rất quan tâm đến dòng “thơ dân gian đương đại” kiểu như của Bút Tre và gần đây là Nguyễn Bảo Sinh, tất nhiên của vô số tác giả khuyết danh nữa. Họ có một tinh thần giải thiêng, giải trung tâm, hoài nghi những “chân lý” và thần tượng rất tuyệt vời. Về thủ pháp giễu nhại, họ là bậc thầy. Nhân đây tôi cũng nói thêm, tôi cho rằng ở miền Bắc, Bút Tre chính là nhà thơ hậu hiện đại đương đại đầu tiên dù có thể ông không tự ý thức rõ được việc mình làm”; “tính “hậu hiện đại” postmodernity có sẵn trong đời sống Việt Nam. Thượng đế đã chết của Nietzsche không khác mấy Phùng Phật sát Phật của Thiền sư Vân Môn; hay “Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh” của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Song hành với tính nghi ngờ ngôn ngữ của các bậc trí huệ (Phật giáo), trong dân gian là tính không tin truyền thông đại chúng (“Nhà báo nói láo ăn tiền”), tính không tin trung tâm quyền lực (“Phép vua thua lệ làng”, “Hơi đâu lo mấy chuyện cung đình”), tính giễu nhại những bài ca phổ biến, khôi hài, xỏ lá mấy chuyện xem như quan trọng, tính hầm bà lần”… Thế nhưng, khi tôi sử dụng thủ pháp “giễu nhại” để trả lời thư của một nhà phê bình đã và đang xăng xái cổ súy Hậu hiện đại ở Việt Nam gửi cho tôi, thì hình như nhà phê bình lại không nhận ra đó là “giễu nhại”, vì câu chữ có tính “giễu nhại” tôi sử dụng không gần gũi với “tính hậu hiện đại” chăng!?... Tôi đồ rằng từ kiểu ý kiến như vậy, Thụy Khê đã phải khuyên những ai đang sùng bái và cổ vũ cho văn học Hậu hiện đại ở Việt Nam: “Nên học từ gốc chứ không từ ngọn”!
Tương tự, cách đây không lâu tôi đặt câu hỏi: Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam: một nhu cầu thực tế hay một giả vấn đề?, và sau khi phân tích, chứng minh cơ sở kinh tế - chính trị - văn hóa đẩy tới sự ra đời của Hậu thực dân, tôi cho rằng: việc áp dụng Hậu thực dân để nghiên cứu văn học Việt Nam là không xuất phát từ nhu cầu thực tế, là một “giả vấn đề” ra đời từ ý muốn chủ quan, bất chấp sự không tương thích giữa lý luận và thực tiễn. Không chỉ vì Hậu thực dân là lý thuyết đậm nét chính trị - văn hóa, quan trọng hơn là được khái quát từ thực tiễn chính trị - văn hóa ở các quốc gia sau khi kết thúc thời thuộc địa, dù đa số xây dựng chính thể cộng hòa thì không phải ở đâu, lúc nào cũng xây dựng được một xã hội phát triển; trong một số trường hợp, sau khi giành được độc lập, một số quốc gia - dân tộc lại tự đẩy mình vào tình huống phức tạp hơn và chủ nghĩa thực dân vẫn in dấu trong xã hội, độc lập chưa trở thành động lực phát triển mà xã hội bị thao túng, trở thành biến thể của chế độ người bóc lột người. Thậm chí vào thời kỳ gọi là “hậu thuộc địa”, vẫn có quốc gia chỉ nhận được “nền độc lập trên giấy”. Như để được trao trả độc lập, 14 nước ở châu Phi (Guinea Xích-đạo, Benin, Burkina Faso, Guinea-Bissau, Côte d’Ivoire, Senegal, Niger, Mali, Chad, CH Trung Phi, Cameroon, Gabon, Togo, Congo) đã phải cùng ký với Pháp Hiệp ước thuộc địa mở rộng với 11 điều khoản cụ thể: 1. Phải trả tiền cho những cơ sở hạ tầng do Pháp xây dựng từ thời thuộc địa; 2. Phải gửi dự trữ tiền tệ quốc gia vào Ngân hàng trung ương Pháp; 3. Pháp có quyền ưu tiên mua bất kỳ tài nguyên thiên nhiên nào mới tìm thấy; 4. Pháp và các công ty của Pháp giữ vai trò chính trong mua sắm công và đấu thầu; 5. Pháp được độc quyền cung cấp thiết bị quân sự và đào tạo quân sự; 6. Phải cho Pháp sẵn sàng triển khai quân đội, can thiệp quân sự để bảo vệ lợi ích của Pháp; 7. Có nghĩa vụ lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính của quốc gia và ngôn ngữ cho giáo dục; 8. Có nghĩa vụ sử dụng hệ thống tiền tệ thuộc địa Pháp FCFA; 9. Có nghĩa vụ gửi đến Pháp dự trữ, cân đối thu chi hàng năm; 10. Không được gia nhập bất cứ liên minh quân sự nào khác trừ khi được Pháp cho phép; 11. Có nghĩa vụ liên minh với Pháp khi có chiến tranh, khủng hoảng toàn cầu.
Qua 11 điều khoản đó có thể thấy thực chất nền độc lập của 14 nước trên là gì, chính từ bối cảnh như vậy hay tương tự, khi nhìn về các quốc gia - dân tộc cựu thuộc địa, một số nhà nghiên cứu phương Tây không chỉ nhận ra sự chi phối từ cái nhìn “đàn anh” của phương Tây với phương Đông, mà còn nhận thấy tại nhiều nước, tình trạng bóc lột - bị bóc lột vẫn tồn tại dưới hình thức khác nhau, người nghèo chưa có vị trí, vai trò xã hội; rồi tệ phân biệt chủng tộc, vấn đề nữ quyền, quyền và xu hướng “ngoại vi hóa” của các nhóm thiểu số, của nhóm và cá nhân bên lề,… Từ đó xuất hiện tâm thế hậu thuộc địa, được khát quát qua các khái niệm của Hậu thực dân, như: trung tâm, ngoại vi, bên lề, cái khác, kẻ khác, không gian ngoại vi, không gian kháng cự,… Điều này hoàn toàn khác biệt với thực tiễn Việt Nam. Bởi sau khi giành lại nền độc lập, dù phải trải qua hai cuộc kháng chiến thì về nguyên tắc, ở Việt Nam không còn tình trạng người dân “bị áp bức, bóc lột, chịu ách thực dân”, không còn “không gian ngoại vi, nơi những kẻ bị đàn áp sống tách khỏi những những kẻ áp bức mình”, không có “kẻ bên lề” và “vị trí của kẻ bên lề”, mà chỉ có một số người tự tách khỏi cái chung, tự đứng ngoài cộng đồng, tự ra bên lề để tự coi hoặc được coi là sản phẩm của Hậu thực dân! (Từ đây, liệu có phải suy diễn quá đà khi đặt vấn đề hồ nghi về thủ pháp sử dụng quan niệm của Hậu thực dân để hợp thức hóa một số sản phẩm gọi là “văn học” nhưng không được xuất bản, phát hành công khai ở Việt Nam?).
Với Nữ quyền cũng vậy, dẫu Việt Nam không trải qua thời kỳ “hậu thực dân” tương tự nhiều quốc gia khác, thì quan niệm trọng nam khinh nữ ra đời từ thời Nho giáo thịnh trị vẫn tồn tại đến hôm nay, bất kể sau hàng trăm năm người Việt Nam đã tiếp nhận nhiều quan niệm tiến bộ về bình đẳng nam - nữ. Hơn nửa thế kỷ qua, luật pháp ở Việt Nam đã khẳng định, bảo vệ quyền bình đẳng nam - nữ, sự phát triển của phụ nữ cùng vai trò của họ trong hoạt động kinh tế - chính trị - văn hóa của xã hội là không thể phủ nhận. Phụ nữ có mặt trong “tứ trụ” của đất nước, họ vào Quốc hội, làm bộ trưởng, đứng đầu chính quyền rất nhiều cấp, hưởng lương ngang nam giới trong cùng công việc, có chế độ thai sản, có ngày mồng 8.3 dành riêng cho giới,… Thực tế này khiến không khỏi nghi ngại khi ai đó đặt vấn đề nghiên cứu Nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại? Vào lúc phụ nữ đã đi qua thời kỳ đấu tranh cho quyền của họ thì phải chăng, việc tiếp cận văn học Việt Nam đương đại từ góc độ Nữ quyền chỉ là chế tác ra dị bản câu nói “vẽ rắn thêm chân”? Có là kỳ quặc khi nhà văn sử dụng tác phẩm đấu tranh cho cái đã có và ngày càng hoàn thiện? (Hẳn vì thế tại một tọa đàm về văn học nữ, sau hàng chục tham luận phát hiện, mổ xẻ, phân tích chỉ ra vấn đề nữ quyền trong tác phẩm của tác giả nữ, một nhà văn nữ đã phát biểu đại loại: Nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình không hiểu chúng tôi, chúng tôi không viết như thế! Thiết nghĩ, dù “ý tại ngôn ngoại” khiến nhà văn không thể giới hạn các tầng nghĩa của tác phẩm, không khống chế được nghĩa phái sinh thì đây vẫn là điều giới lý luận, nghiên cứu, phê bình nên tham khảo, để trước khi nghiên cứu, phê bình cần cân nhắc, không gán cho tác phẩm những giá trị mà nó không có). Tất nhiên sử dụng văn học đấu tranh với quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, với sự ám ảnh của thói gia trưởng,… là cần thiết, nhưng đó không phải là hệ lụy của việc không được xã hội thừa nhận, hay nữ quyền bị vi phạm từ phương diện luật pháp. Hơn nữa, cần coi sự xuất hiện của nhiều nhà văn nữ trong xã hội là một biểu thị của bình đẳng nam nữ, không nên coi đó là dấu hiệu của cuộc đấu tranh vì nữ quyền!
Về ý kiến của tôi, có thể ai đó sẽ đặt câu hỏi: Tại sao ở nước Mỹ hiện đại vẫn tồn tại văn học nữ quyền? Để trả lời, xin dẫn từ bản tin Tổng thống Obama ký sắc lệnh trả lương bình đẳng cho phụ nữ VOA ngày 8.4.2014 cho biết: “Tổng thống Mỹ Barack Obama ký hai sắc lệnh góp phần giải quyết vấn đề trả lương bình đẳng cho phụ nữ. Tổng thống cho biết mức chênh lệch lương vì giới tính giữa nam và nữ là rất đáng hổ thẹn. Ông nói số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ cho thấy một người phụ nữ làm việc toàn thời gian trung bình chỉ kiếm được 77 xu so với 1 USD mà một người đàn ông kiếm được ở Mỹ. Sắc lệnh buộc các nhà thầu phải cung cấp thông tin về lương bổng theo chủng tộc, giới tính và cấm các nhà thầu này trả đũa người lao động thảo luận về mức lương của họ. Một dự luật đang được thảo luận tại Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho người lao động dễ kiện các công ty trả lương cho phụ nữ ít hơn nam giới vì giới tính”. Thiết nghĩ, việc trả lương bất bình đẳng giữa nam và nữ là vấn đề thuộc về nữ quyền, hoàn toàn có thể là một nguyên nhân đưa tới sự ra đời của tác phẩm văn học theo xu hướng nữ quyền, nhưng không thể từ đó lại cho rằng văn học Mỹ đã có thì văn học Việt Nam cũng phải có! Về nữ quyền, xin dẫn điều TS Nguyễn Thị Thanh Lưu viết trong bài Nữ quyền và chuyện cái móng chân: “Tôi tin người văn minh tiến bộ đều ủng hộ nữ quyền cũng như tin vào tình yêu phụ nữ của nhân loại. Nhưng có vẻ như nữ quyền không phải là một pháo đài bất khả xâm phạm, có khả năng đứng trên mọi lý lẽ khác của đời sống. Tôi không chuyên chú lắm vào vấn đề nữ quyền, nhưng trộm nghĩ, mục tiêu của những người tiên phong khởi xướng phong trào nữ quyền không chỉ là đề đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ mà còn là phá bỏ mọi giới hạn để phụ nữ được phát huy mọi khả năng, để phụ nữ được là phụ nữ một cách tròn nghĩa nhất. Hình như hiện nay có nhiều người theo đuổi chủ nghĩa nữ quyền quá tích cực đến độ quên đi mục tiêu cơ bản ấy, để đến chỗ nhầm lẫn nữ quyền với việc nam tính hóa phụ nữ cho có vẻ bình đẳng với đàn ông. Lối quan niệm lệch lạc ấy dễ biến nữ quyền thành con dao phản chủ, thay vì bảo vệ phụ nữ thì lại làm phụ nữ mất đi nữ tính muôn đời. Tôi là phụ nữ và tôi đương nhiên ủng hộ nữ quyền. Nhưng xin phép được mở ngoặc thế này, tôi chỉ ủng hộ nếu nó không ảnh hưởng đến niềm vui bé mọn rất đàn bà là được tự tay chăm sóc chồng và thi thoảng được cắt móng chân cho chàng mà không bị bóng ma nữ quyền ám ảnh”!
Tóm lại
Nói thế nào cũng không thể bác bỏ được một điều là thế giới tinh thần của con người luôn gắn liền với điều kiện, bối cảnh lịch sử họ đã và đang sống. Đó là một “thế giới mở”, vì vừa là sản phẩm của những gì con người đã nhận thức, vừa luôn nạp thêm những gì đang nhận thức. Vì thế, xin mượn câu nói hình ảnh mà ai cũng biết “hãy suy nghĩ trên luống cày của mình” để đi tới ý kiến: không thể biến quy trình, yêu cầu trồng lúa mỳ trên ruộng khô thành quy trình, yêu cầu trồng lúa trên ruộng nước, và ngược lại. Tiếp thu kỹ thuật cũng phải lựa chọn cái thích hợp, không thể thay thế quy trình với tư cách hệ thống toàn bộ. Từ quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, chỉ “suy nghĩ từ luống cày của mình” mới có thể nhận thức, tư duy từ sự tiếp cận và khảo sát, đánh giá trực tiếp, cụ thể,… mọi vấn đề, sự hiện, hiện tượng hiện thực, để tìm mọi hay - dở, tốt - xấu, đúng - sai,… rồi rút bài học để tiếp tục sống, tiếp tục hoàn thiện. “Suy nghĩ từ luống cày của mình” không giới hạn sự bay bổng của trí tưởng tượng, cũng không giới hạn những dự báo có tính vượt trước; nhưng đòi hỏi tưởng tượng phải dựa trên cơ sở hiện thực, phải xác định dự báo luôn là khả năng có thể xảy ra, hoặc không xảy ra. Còn nếu “suy nghĩ trên luống cày của người khác” lại để “thực hành trên luống cày của mình” thì tình trạng chủ quan, áp đặt là hệ lụy khó tránh khỏi. Thiết nghĩ với văn học, dẫu đó là lĩnh vực tinh thần đặc thù, mang đặc trưng riêng,… thì vẫn không nằm ngoài quá trình nhận thức - sáng tạo chung của con người. Nghĩa là nhà văn và giới lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học cần nắm bắt một cách bản chất về nguyên tắc quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi vận dụng một lý thuyết ngoại nhập, để nhà văn không vì muốn theo kịp với văn học nhân loại mà lại ép mình viết điều phi hiện thực; để nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình không ép tác phẩm phải mang chứa các giá trị theo ý muốn chủ quan của họ. Thời gian vẫn còn dài, xin hãy chờ đợi để trả lời câu hỏi: Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Nữ quyền là xu hướng tất yếu của văn học Việt Nam, hay chỉ là là giấc mơ nhất thời của sự bốc đồng lý thuyết?
Nguyễn Hòa