VƯƠNG QUỐC MỘNG MƠ-TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TRƯỜNG
Những mảnh thủy tinh hắt ánh sáng sang hàng bần ven bờ sông những đường kỳ ảo muôn màu muôn vẻ làm Mỹ Lan cứ hết nhìn ra sông lại nhìn cảnh vật trên cồn với nhiều tò mò, thích thú. Mới về nước chiều qua thì sáng nay cha cô đã đưa sang viếng thăm Cồn Phụng, bởi theo ông nơi đây có rất nhiều kỷ niệm, dù đã chia xa đến 40 năm, vẫn ám ảnh ông cả trong giấc ngủ. Mỹ Lan năm nay mới 24 tuổi, vừa tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ. Hôm nay, cô mặc quần jean màu xanh đậm, áo thun trắng kiểu cách, bỏ trong quần càng nổi những đường cong chuẩn như vòng đo hoa hậu. Cô có dáng người thanh mảnh, khuôn mặt tươi rói, đôi mắt to, xanh như màu mắt người phương Tây, môi má ửng hồng tự nhiên, không cần son phấn vẫn đẹp rờ rỡ. Ông Đỗ Thành Nhơn- cha cô- đi đâu cũng muốn kéo con gái đi cùng. Cô làm ông vui, tự hào. Càng ngày ông càng yêu mến Mỹ Lan. Người ta nói con gái là người tình kiếp trước của cha quả không sai.
Sáng nay cô được cha dẫn đi thăm cồn Phụng, phế tích một thời của ông đạo Dừa. Vừa đi ông vừa giảng cho con nghe những điển tích của một thời ông đạo đã tu hành:
- Đây là mô hình Thất Sơn huyền bí- nơi cậu Hai đã bỏ ra 3 năm tầm sư học đạo, khổ hạnh tu hành để làm nên nghiệp lớn. Con có nhìn thấy chiếc bệ hình bán nguyệt kia không? Bên trên vẽ chín tầng mây và trên đỉnh núi có tượng con gà trống đứng trên quả địa cầu đang vươn cổ gáy. Cậu Hai sinh năm Kỷ Dậu, cầm tinh con gà. Cậu ví mình như thần kê đang cất tiếng gáy, báo hiệu bình minh.
Cô gái nhìn thấy bên cạnh chú gà trống còn có cây Thánh giá của đạo Thiên Chúa và lá cờ Đà của Phật giáo. Sau Thất Sơn, chiếc sa bàn nước Việt Nam được đắp dài hơn ba chục mét. Mô hình chi tiết đến từng dãy núi con sông, có tuyến đường sắt, đường bộ, có cả thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Ở ngay thủ đô Hà Nội lại dựng một cột thép trên có tam giác đài. Phía thành phố Sài Gòn cũng có chiếc cột cao như thế, bên trên là Bát Quái đài, giữa hai đài Hà Nội và Sài Gòn được nối với nhau bởi chiếc cầu cong cong. Hai cha con đứng trước sân rộng lát bằng loại gạch men xanh. Giờ đây thời gian, nắng mưa đã làm nó ố bạc, tróc lở nham nhở. Đây là sân chầu của triều đình cậu Hai. Hòn gạch mà ông Nhơn quỳ trong buổi xử tội như còn hằn vết đầu gối của ông dưới sân rồng.
- Con ạ, cha muốn kể cho con nghe chuyện này. Chính nó đã góp phần gắn kết mẹ con với cha, chung thủy, son sắt cho đến ngày hôm nay.
Ông kéo con ngồi xuống bệ tam cấp (Trước kia là 9 bậc dẫn lên bệ rồng. Song, thời gian đã làm nó vỡ nát và chỉ còn lại ba bậc). Vừa kể, ông Nhơn vừa mơ màng như còn thấy cậu Hai ngồi trên ngai vàng, mặc áo rồng phượng, oai nghiêm như Minh Mạng hoàng đế. Phía dưới, tả hữu các quan quỳ chầu răm rắp.
Nhơn bị trói tay bằng sợi dây dù, ở trần, chỉ mặc quần cộc, lưng, vai tím bầm bởi những trận đòn tra khảo rất dã man. Cô gái quỳ bên cạnh Nhơn quần áo rách te tua và trên mặt, trên người cũng bầm tím vì những trận đòn. Từ trên cửu trùng, cậu Hai chỉ xuống dưới sân chầu, nơi hai tội nhân đang quỳ, hỏi to:
- Hai người kia tội gì?
Ông Lý- quan đại thần trong triều- tâu:
- Dạ thưa cậu Hai. Họ dám từ bỏ vương quốc của chúng ta trốn vào "đất liền", tức là phản đạo, phản quốc.
Họ có phải là người chống lại quốc vương của cậu Hai đâu, chẳng qua đói quá, khổ quá mà phải trốn đi. Nhơn làm ở phòng tối của tổ nhiếp ảnh. Người sang du lịch bên cồn Phụng khá đông, tổ nhiếp ảnh phải làm việc cật lực để kịp giao ảnh cho khách. Nhơn làm việc trong môi trường độc hại, phải pha thuốc, tráng phim, rửa ảnh. Phòng tối nóng hầm hập vì trên là mái tôn, không có máy lạnh, người luôn đầm đìa mồ hôi, khát nước, cứ uống vào bao nhiêu, mồ hôi lại vã ra bấy nhiêu. Đến lúc được nghỉ, thường là đã khuya, người cứ mệt bã ra. Nhơn nghĩ, nếu không trốn khỏi đây thì sức mình không kham nổi một thời gian nữa. Trốn về "đất liền", dù có bị bắt vào lính, chưa chắc đã chết ngay, còn ở đây sẽ cầm chắc cái chết. Nhơn đem chuyện này bàn với Mỹ- người anh yêu. Mỹ cũng đồng ý với anh. Cô cũng không khá hơn anh, hàng ngày phải chạy tới chạy lui chụp ảnh cho khách, không quản nắng nôi. Cư dân cồn Phụng đều tu theo đạo của cậu Hai, phải ăn chay trường, thực hiện theo ngũ giới cấm. Trai gái phải cách ly nhau, tối về không được gặp nhau mặc dù dãy nhà nữ cách dãy nhà nam chừng hai trăm mét. Những người lính của cậu Hai canh gác rất cẩn mật. Giao thông giữa cồn Phụng với “đất liền” chỉ có con tàu đò. Khách du lịch, cư dân cồn Phụng qua lại đều bị kiểm tra rất chặt chẽ. Nhơn bàn với Mỹ hẹn nhau bơi qua sông Tiền sang đất Bến Tre. Họ đã chuẩn bị rất kỹ. Mỹ mang theo một bọc quần áo nhỏ gọn. Nhơn chỉ mặc áo thun, quần cộc. Lúc 0 giờ, hai người gặp nhau bên gốc cây bần quỳ, lợi dụng hướng gió thổi, bơi qua sông. Đêm đó, trời tối và lạnh. Nhơn dìu người yêu nhè nhẹ nương theo bờ lục bình thả trôi theo dòng nước. Nhưng họ mới bơi được khoảng hơn trăm thước bỗng nghe tiếng la ó, thấy ánh đèn pin quét loang loáng. Họ đã phát hiện ra có người đào thoát. Người ta dùng thuyền đuổi theo. Một người túm lấy tay Nhơn kéo lên thuyền. Mấy tên thanh niên lực lưỡng, đấm đá anh túi bụi làm Nhơn gục xuống mạn thuyền. Mỹ bị chúng kéo lên chiếc thuyền khác. Họ bị giam vào một chiếc phòng nhỏ chừng 5m vuông, phải nằm trên nền xi măng lạnh, chúng không cho Nhơn mặc quần áo nên phải cắn răng chịu lạnh qua đêm. Lúc quỳ dưới sân rồng liếc nhìn người yêu cũng tả tơi như mình, lòng Nhơn trào lên niềm căm phẫn tột độ. Chợt tiếng cậu Hai vang lên:
- Vì sao họ lại bỏ vương quốc của chúng ta mà trốn đi?
Cô Diệu Ứng quỳ dưới đất, dập đầu mấy cái rồi thưa:
- Thưa cậu Hai, vì cách quản lý của chúng ta quá khắc nghiệt. Bởi thế, họ phải từ bỏ vương quốc của chúng ta mà đi.
Ông đạo Dừa gõ gõ chiếc gậy 12 con giáp xuống đất, nói:
- Các ngươi thay mặt cậu Hai quản lý nền đạo sai hết cả, làm cho dân khổ như thế thì họ phải trốn đi, đó là lẽ tự nhiên. Các ngươi còn bắt người ta trở về, đánh đập. Lại còn nhốt người ta vào tù. Ai cho các người lập nhà tù? Vương quốc của chúng ta là vương quốc của đạo, của nhân ái, tại sao lại có nhà tù? Từ bây giờ phải phá bỏ các nhà tù. Phải làm sao cho thần dân của ta được hạnh phúc, được tự do, bình đẳng, nghe rõ chưa? - Giọng ông đạo Dừa bỗng trở nên đanh thép - Các ngươi đã làm trái với lý tưởng của ta. Các người có hiểu lý tưởng của ta là như thế nào không? - Ngừng một chút, ông đạo nhìn hết lượt đám quần thần rồi nói tiếp - Kiếp này chúng ta phải dọn mình cho thật thanh sạch, không làm điều ác, không sát sinh, ăn chay trường để cho tâm hồn luôn được thanh thản, nhẹ nhàng. Nghĩa là chúng ta tạo nghiệp để khi qua đời, linh hồn mới thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, mạng mới được vãng sanh cõi Tây Phương cực lạc.
Dưới sân chầu bỗng trở nên ồn ào, các quan hoạt bát hẳn lên. Họ có thể trao đổi với nhau những nhận định của mình. Ông Lý toát mồ hôi, dập đầu tạ tội. Ông Đạo Dừa tuyên bố:
- Các ngươi thả ngay hai người này. Cho họ về quê hương. Mang quần áo cho họ mặc. Hãy đối đãi tử tế và không được coi họ là những tội phạm.
Thoát được tù tội cũng nhờ Nhơn có chút may mắn. Mẹ Nhơn là em ruột vợ cậu Hai. Lúc phe ông Lý đang thắng thế, Nhơn không dám lộ thân phận của mình.
Nhưng bây giờ trong tù, muốn thoát chết chỉ còn cách cầu cứu dì ruột của mình. Nhưng làm sao báo tin cho dì biết? Ai giúp anh lúc này? Cũng may trong toán cai ngục, Nhơn nhận ra có một người bà con xa với anh. Lợi dụng lúc chỉ có hai người, Nhơn gọi anh ta lại gần, nói khẽ:
- Em là Tuấn, con dì Bảy đúng không? Anh là con dì Ba Ngân đây.
Gã cai ngục thấy có người nhận ra thân phận của mình thì tái mặt, nhưng trong lúc này anh ta không còn cách nào hơn là phải nghe Nhơn trình bày. Nhơn nói nhanh, anh cần báo tin về cho dì Hai Nga, vợ của cậu Hai biết anh đang bị giam cầm, chỉ có dì mới cứu được Nhơn thôi. Anh mượn bút ghi mấy dòng vào mảnh bao thuốc lá nhờ Tuấn chuyển về quê cho dì Hai. Người cai ngục phần vì tình cảm ruột rà, phần vì sợ Nhơn tiết lộ thân phận nên phải cố gắng giúp anh.
Vợ cậu Hai tên là Đỗ Thị Nga, có với cậu hai con, một trai một gái. Nhận được thư của Nhơn, bà Nga ngồi thừ ra trên ghế tâm trí rối bời, vẫn chưa biết phải làm cách nào để cứu được đứa cháu. Thấy mẹ có biểu hiện lạ, Loan Anh hỏi:
- Mẹ có gì lo lắng phải không?
Bà nói thật cho con nghe:
- Thằng Nhơn, con dì Sáu đang bị giam trong nhà tù ở cồn Phụng.
- Em nó có tội gì?
- Nó không chịu được cực khổ nên trốn về Bến Tre, bị chúng bắt lại chứ tội gì.
- Thế ba có biết việc này không?
- Ổng không biết. Bây giờ làm sao cứu nó ra?
- Con nghĩ phe ông Lý không cho chúng ta sang cồn Phụng gặp ba đâu. Bây giờ chỉ có cách này...
Khuôn mặt bà Nga chợt giãn ra. Bà cười nói:
- Con báo tin này cho dì Sáu để dì cùng đi với mình. Gặp con, chắc dì mừng lắm.
- Chưa nên cho dì Sáu biết vội. Người mẹ vốn nặng tình cảm, không dằn lòng được dễ hỏng việc lớn.
- Ừ, con tỉnh táo khôn khéo hơn mẹ. Thôi, để xong việc rồi cho dì ấy hay sau.
Hai mẹ con bà Nga cải trang thành người du lịch sang cồn Phụng. Đây là lần thứ hai bà Nga sang cồn Phụng. Lần thứ nhất bà sang cồn Phụng lúc còn hoang vu, rất ít người ở. Cây ô rô, cóc kèn, sú bần, dừa nước… mọc hoang dại. Trên cành cây, tổ chim nhiều vô kể. Cứ chiều chiều, từng đàn cò, vạc và đủ các loại chim muông khác tụ tập về đây kêu inh ỏi. Không có ai săn bắt nên chúng sống tự do.
Bà có biết đâu một lần đi qua đây, chồng bà đã nhìn ra cái thế đất cồn Phụng. Ông cho rằng sông Mê Kông là một trong những con sông dài nhất thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng. Khi chảy về Việt Nam, nó tạo ra bốn chiếc cồn đủ tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng. Trong đó cồn Phụng to nhất. Người ta thường chọn đất tu đạo có phong thủy, địa lý linh thiêng mới thu hút được bá tánh đến với đạo. Đạo cốt ở niềm tin và tín đồ. Càng có nhiều tín đồ thì đạo càng vững chắc, có thể mặc cả được với thế quyền. Rồi ông đạo Dừa cho kéo chiếc thuyền Bát Nhã, giống như thuyền rồng của nhà vua từ sông Ba Lai về, xây bát quái đài cao 18m. Ngày đêm ông ngồi tịnh trên đó. Hồi đó, chính quyền Sài Gòn bắt lính rất gắt, những người sợ ra trận bèn trốn sang cồn Phụng gia nhập đạo Dừa. Chẳng bao lâu, cồn Phụng có gần nửa triệu dân. Ông đạo Dừa có hẳn một đất nước với mật độ dân số đông nhất toàn cầu. Cậu Hai thực sự là vua rồi! Lần đó nhớ chồng, bà dắt theo con gái Loan Anh sang cồn Phụng. Nhưng mới đến nhà khách thì bị ông Lý thuyết cho một hồi:
- Cậu Hai đã bỏ ra bao nhiêu năm trời tầm sư học đạo, nay đã thành Phật. Cậu là người của muôn nhà. Bà nên vì cậu Hai, vì bổn đạo mà quên tình riêng để cậu Hai thực hiện được ý nguyện của Người.
Nghe ông Lý nói vậy nên bà nguôi ngoai phần nào, nghĩ rằng ông Lý vì chồng mình, vì bổn đạo mà khuyên mình đành ngậm ngùi dắt con trở về. Sau này nghe tin ông Lý làm nhiều việc xằng bậy, có nhà cửa nguy nga. Ông ta tu như thế còn hơn tiên. Chỉ có chồng mình là thiệt thà, ngây thơ nên khổ. Bây giờ cồn Phụng thật tráng lệ, đúng như một vương quốc riêng. Ôi chồng mình đã là vua mà mình và con gái vẫn nghèo hèn! Ai đã gây nên nên nông nỗi này? Bà Nga thấy nghèn nghẹn nơi ngực trái.
- Mẹ cứ ngồi ở quán nước này nghỉ ngơi. Con sẽ có cách giúp mẹ. Mẹ nhớ cứ đeo khăn che mặt. Đừng cho ai nhìn ra mẹ nghe.
Loan Anh dặn mẹ rồi hòa vào dòng người tấp nập. Việc đầu tiên cô làm là bắt liên lạc với Tuấn- người cai Ngục mà Nhơn đã nhờ vả. Cô kéo Tuấn ra chỗ vắng, nói:
- Em có nhận ra chị không? Chị Ba con dì Hai đây. Hôm trước, mẹ chị nhận được thư của Nhơn do em chuyển về…
Tuấn tỏ ra sợ sệt:
- Chị đừng sang đây. Nguy hiểm lắm.
- Chị biết rồi. Bọn phe ông Lý chứ gì. Bây giờ em tìm cách báo cho cô Diệu Ứng biết mẹ con chị đang chờ cô ấy ở quán nước dưới cây bần quỳ ngoài bờ sông nhé.
Hai người trao đổi nhanh với nhau rồi Loan Anh lại lẫn vào dòng người đi tham quan. Mấy giờ sau, Diệu Ứng đến. Bà Nga hé lộ khăn che mặt cho Diệu Ứng nhận ra rồi nói:
- Cô giúp tôi gặp được ông ấy. Có việc gấp lắm.
Diệu Ứng hiểu. Đã lâu lắm rồi bà Nga chưa sang cồn Phụng gặp chồng. Bà đã bỏ mặc cho ông đi tu. Bây giờ mợ ấy đến gặp chồng chắc chẳng phải chuyện tình cảm thông thường. Nhưng đưa một người đàn bà vào chốn cung đình gặp cậu Hai không phải chuyện dễ. Quân lính sẽ báo với ông Lý- người đang nắm quyền sinh sát ở cái vương quốc này. Ổng sẽ cản. Bây giờ làm sao đây? Mà nói thiệt chuyện này với cậu Hai chưa chắc cậu sẽ ra gặp mợ. Cậu cũng đã nói, cậu phải cố quên tình riêng lo nghiệp lớn đó sao? Sực nhớ ra một việc, Diệu Ứng tức tốc sai người đi làm ngay. Sau đó, cô bước vào trong điện gặp cậu Hai.
Lúc này ông dạo Dừa đang ngồi kiết già. Chờ cho ông xả thiền, Diệu Ứng mới quỳ xuống thưa chuyện:
- Thưa cậu Hai. Có ông Nguyễn Văn Phương, quê ở Hốc Môn, lúc hạ cây gáo chẻ củi thấy có chữ NAM, nay mang sang tặng cậu Hai.
Nghe đến chuyện kỳ lạ, mặt cậu Hai linh hoạt hẳn lên. Cậu nhanh nhẩu:
- Họ ở đâu? Mau đưa họ đến đây.
- Nhưng ổng dặn, điều này rất linh thiêng huyền bí, cậu không được cho ai biết, chỉ đệ tử và cậu Hai được biết mà thôi. Ổng đang ngồi ở bờ sông chờ cậu.
Cậu Hai đang nóng lòng, nên đáp ngay:
- Được. Diệu Ứng dẫn cậu đi.
Nói rồi, ông đạo khoác vội chiếc áo bốn lỗ, đi chân đất cùng Diệu Ứng bước ra khỏi điện. Quả nhiên, quân lính vội dọn đường. Cậu Hai nói với quan nội điện:
- Cậu đi việc linh thiêng. Các ngươi không được đi theo. Gậy 12 con giáp của cậu đây. Diệu Ứng cầm lấy mở đường. Ai sai sẽ bị trị tội.
Quân lính dạ ran. Diệu Ứng cầm gậy như thượng phương bảo kiếm đi trước, cậu Hai chầm chậm theo sau. Bảo vệ cậu Hai lúc này chỉ có người của Diệu Ứng.
Cậu Hai thấy có ba người đang quỳ dưới gốc cây, một người đàn ông chừng 50 tuổi, một cô gái trẻ và một người đàn bà che kín mặt bằng chiếc khăn màu xanh. Đó là gia đình vợ chồng con cái chăng? Người của Diệu Ứng liền tạo ngay thành vòng rào không cho những người khác tiếp cận cậu Hai. Người ta vội mang ghế cho cậu Hai ngồi. Người đàn ông đánh lễ trước cậu Hai, lên tiếng:
- Thưa cậu Hai. Trong lúc cưa cây gáo, đệ tử thấy có điềm lạ nên mang nó lên đây biếu cậu Hai thưởng lãm.
Người đàn bà bịt mặt mở gói đồ. Đó là một phần cây gáo bị xẻ dọc. Những đường vân ngẫu nhiên tạo thành hình chữ NAM thật kỳ lạ. Nam rất thích những kiểu lạ kỳ như thế. Như lần anh Nguyễn Văn Hiếu ở Cà Mau mang lên tặng cậu Hai trái dừa 7 cánh ốp lại giống như bông sen đang nở, hay 3 trái dừa lột ra đều hả miệng do một đạo hữu ở Long An mang đến biếu. Nhưng món quà lần này kỳ lạ hơn. Nó tôn tên tuổi của ông lên làm ông đạo Dừa vô cùng thích thú. Để giải trí tò mò, ông Phương chợt hỏi:
- Thưa cậu Hai, cậu Hai để mái tóc dài trên hai mét? Cậu không tắm gội, có bị ngứa ngáy không?
Cậu Hai cười thật hiền gỡ búi tóc trên đầu xuống, xõa ra cho đệ tử xem, nói tiếp:
- Từ ngày đi tu, cậu không cắt, cũng không gội. Nếu có ngứa thì lấy que gãi gãi.
- Thưa cậu Hai. Nghe nói cậu không ăn cơm, chỉ ăn trái cây và uống nước dừa Xiêm, 24 tiếng mới độ một lần vào giờ Ngọ là có ý nghĩa gì?
- Cậu không ăn cơm vì nếu nấu chín sẽ chết những con vi khuẩn, vi trùng. Như vậy là phạm vào tội sát sanh. Như cậu không đi dày dép cũng là để không dẫm vào các con vật dù nó bé nhỏ nhưng đều có linh hồn.
Ông Phương thốt lên đầy cảm phục:
- Ôi, sư tổ đạo hạnh đến nỗi không muốn làm đau đến muôn loài, dù chúng là vi khuẩn, vi trùng. Sư tổ làm vua nước cồn Phụng này thì thật phúc đức cho muôn nhà.
Thấy câu chuyện có thể kết thúc được rồi nên Diệu Ứng ra hiệu cho ông Phương rút lui. Ông đạo Dừa ngạc nhiên khi hai người đàn bà vẫn đang quỳ dưới đất. Chợt người đàn bà mở tấm khăn che mặt làm ông đạo bàng hoàng.
- Đây là con gái Loan Anh của chúng ta. - Bà Nga lên tiếng trước.
Nghe mẹ nói, cô gái nhanh nhảu:
- Con chào ba.
Ôi, con gái của mình đó ư? Ngày mình bước khỏi nhà đi tu, nó mới lẫm chẫm tập đi. Nó thương cha lắm. Hai cha con luôn quấn quýt bên nhau. Lúc Nam đi nó còn ngủ say trong giường. Nam nhìn con nước mắt rưng rưng, thiếu chút nữa Nam đã bỏ túi xách xuống đất ôm chầm lấy con mà nói:” Con gái của ba. Ba không đi đâu hết, ba ở nhà với con”. Vậy mà giờ đây nó đã thành một thiếu nữ xinh đẹp, giống hệt mẹ nó ngày nào. Nhìn vào khôn mặt vợ, Nam càng xúc động, nàng đen và gầy quá, tóc đã bạc hết cả rồi. Ngày mình đi nàng mới ngoài ba mươi tuổi, làn da trắng trẻo, bộ ngực căng cứng …Đời nàng thế là quá khổ, lúc hai đứa con bị sốt xuất huyết, một mình nàng lo không xuể, thằng Nguyễn Thái Sơn đã không qua khỏi. Nếu có mình ở nhà đỡ đần thì thằng Sơn đâu có thể vĩnh biệt cha mẹ sớm như thế. Thôi nàng hãy tha lỗi cho ta. Đức Phật thuở xưa muốn cứu nhân loại thoát khỏi trầm luân của kiếp người cũng phải từ biệt vợ con mà ra đi. Hẳn lúc chia tay, đức Phật cũng đau lòng lắm. Hồi lâu Nam mới thốt nên lời:
-Bà và con có khỏe không?
- Tôi và con đều khỏe -Giọng bà Nga nghèn nghẹn, bà cố gắng dằn cơn xúc động- Hôm nay tôi sang đây muốn nói với ông hai việc: Thứ nhất là dì Sáu có thằng con trai chỉ vì không chịu được khổ cực bên cồn Phụng mà cùng người yêu lội qua sông trốn sang Bến Tre. Chúng nó bị quân của ông bắt, ở trong tù. Ông thương tình hãy thả nó ra. Dì Sáu chỉ còn đứa con trai độc nhất. Tội nghiệp dì và các cháu. Việc thứ hai là ông đã để cho ông Lý qua mặt, lợi dụng đạo của ông để vơ vét làm giàu. Bên Mõ Cày, Bình Đại, ông ta có đến ba dinh thự, cho ba bà vợ khác nhau. Đất đai của ông ấy có hàng ngàn mẫu. Còn ông, quá thật thà, chỉ biết tu hành, không nỡ làm hại đến con vi trùng tội nghiệp. Nhưng đám quan lại của ông đang làm gì, ông có biết không? Chúng là giặc nội xâm đó.
Ông đạo Dừa ngồi lặng đi, một lúc ông mới cất nên lời:
- Thôi, bà và con cứ về đi, tôi sẽ có cách lập lại trật tự. Còn thằng cháu, bà cứ chờ nó bên kia bến đò. Nội trưa mai bà sẽ thấy mặt chúng.
Trong phiên chầu, ông Lý vô cùng ngạc nhiên vì thái độ của cậu Hai có vẻ nóng nảy. Vì sao cậu Hai biết có Nhơn và Mỹ đang bị giam để đưa họ ra xét xử? Ông bỏ công đi điều tra và hiểu ra tất cả. Đúng là đàn bà nguy hiểm thật. chẳng thế mà tổ tông loài người, ông Ađam đã nghe lời Eva mà phạm tội. Ông đã lường trước mọi việc, cấm hẳn dòng họ bên vợ cậu Hai sang cồn Phụng. Vậy mà ông mới đi vắng có một ngày, ở cồn Phụng đã đảo lộn tất cả. Nguy quá! Trong vụ này có cả bàn tay của Diệu Ứng nữa. Ông đã nhìn thấy mối nguy hại từ Diệu Ứng. Nhưng vì cậu Hai đang tín nhiệm bà ta, và cũng công nhận bà ta rất thông minh, đã bao lần cứu được cậu Hai khỏi nguy hiểm. Được cái bà ta chỉ đi tu theo cậu Hai, không ham hố gì nên ta để yên. Nếu bà ta cứ xen vào chuyện tai hại như thế này thì sẽ có lúc ta phải ra tay. Còn phá bỏ nhà tù ư? Có quốc gia nào trên trái đất mà không có nhà tù? Quản lý xã hội phải có luật pháp nghiêm minh. Ai có công thì được khen thưởng, ai có tội thì phải bị trừng trị theo pháp luật mới có thể răn đe người khác. Ai quản lý đất nước mà chỉ bằng nhân ái? Ta phải học Hàn Phi Tử bên Tàu xưa, dùng pháp trị. Nghệ thuật trị nước là phải biết dùng thế, dùng thuật, dùng luật một cách nghiêm minh.
Ông Lý là người có học, lại chịu khó đọc sách, nghiên cứu sâu nghệ thuật chính trị.Vì thế ông hơn hẳn các đệ tử khác của ông đạo Dừa ở cơ mưu. Tiếc rằng ông là người gian hùng, là kiếp nạn của muôn nhà. Ông dần dần tiếm quyền trong triều đình của cậu Hai, toàn quyền sắp xếp nhân sự các bộ. Bởi vậy, bao nhiêu của cải, tiền bạc của đất nước cứ chảy vào túi gia đình và phe nhóm của ông. Có vẻ như ông đạo Dừa đã được ai cảnh tỉnh, sẽ lập lại trật tự quốc gia chăng? Không dễ thế đâu. Vắng ông, vương quốc cồn Phụng sẽ loạn, chưa kể còn lâu mới phế truất được ông vì lực lượng của ông cài cắm trong triều đình quá mạnh. Ai có đủ gan làm được điều đó? Mãi đến chiều, khi cậu Hai ngồi vào phi thuyền phía thành phố Sài Gòn bay vút lên cung trăng và ngồi thiền trên đó, đầu óc giao cảm với cõi vô hình, thì ông Lý mới thôi ấm ức. Ông ta chợt cười ruồi.
- Kể ra lý tưởng của cậu Hai cũng được đấy, biết hướng con người đến những giá trị nhân văn. Vì sao vương quốc của ông đạo Dừa lại trở thành phế tích như thế này, thưa cha? - Mỹ Lan chợt nói cắt ngang dòng hồi tưởng của ông Nhơn. Ông giật mình, vội trả lời con gái:
- Sau ngày đất nước hòa bình, người ta không còn sợ bị bắt lính nữa, hồ hởi trở về nhà. Chỉ một thời gian ngắn, cồn Phụng còn trơ lại triều đình của cậu Hai. Vua không dân đâu còn là vua.
Cậu Hai trở về xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre sống chung với gia đình cô Diệu Ứng. Nhớ lại những lần ông cùng đoàn tùy tùng trốn qua Campuchia rồi từ đó bay ra Hà Nội gặp Cụ Hồ để bàn với Cụ cho ông đứng ra làm trung gian hòa giải, mở hội nghị bốn bên ở cồn Phụng nhằm vãn hồi hòa bình cho Việt Nam, bị chính quyền Nam Vang bắt giam. Hay lần ông ra tranh cử tổng thống với Nguyễn Văn Thiệu, bị chính quyền Sài Gòn tống vào nhà thương điên… Diệu Ứng đều dùng tài của mình cứu được ông ra. Ờ, Diệu Ứng mới đúng là trung thần. Một lần cậu Hai nói với Diệu Ứng:
- Này, Diệu Ứng. Tại sao cũng là đạo do người Việt mình dựng nên như đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, họ vẫn tồn tại đến hôm nay, còn đạo của chúng ta lại bị tan vỡ?
- Thưa cậu Hai. Đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… có hội đồng chưởng quản, có đại hội nhơn sanh... Nghĩa là họ có tổ chức gần giống như quốc hội. Họ đã biết đưa đạo của mình đến gần với đời. Cậu thấy đó, dân tự bỏ chúng ta mà đi chứ chính quyền có ép họ đi đâu.
Ông đạo Dừa ngồi thừ ra bên thềm nhà nhìn xa xôi. Ông bỗng nhớ về người vợ của mình. Tội nghiệp nàng! Mình đã bỏ nàng nửa chừng xuân, trút gánh nặng cuộc đời lên đôi vai yếu đối của nàng. Vậy mà lần gặp nhau ở cồn Phụng năm xưa, nàng không hề trách móc mình, chỉ nói một câu cảnh báo, suy cho cùng cũng là lo lắng cho mình. Ôi, trái tim người vợ - Đó mới là cái quý nhất trên đời, nhưng buồn thay mình đã để mất nó từ lâu rồi!
……
Buổi chiều, ông Nhơn dẫn Mỹ Lan sang sông viếng mộ ông đạo Dừa cách cồn Phụng không xa. Từ đường chân trời, Mỹ Lan chợt thấy những đám mây màu chì, hình nấm đang từ từ đùn lên, mỗi lúc một dâng cao như báo hiệu điềm gì đó sắp xảy ra. Không gian yên ắng. Ánh tà dương chầm chậm buông màn trên sông Ba Lai, trên hàng cây xanh đậm ven bờ, trên rừng dừa bát ngát tàu lá chen nhau che kín bầu trời, làm cho khu lăng mộ ông đạo Dừa chợt trở nên tối sầm, buồn hiu hắt. Tuy vậy, Mỹ Lan vẫn nhìn rõ dòng chữ gắn trước khu lăng mộ như bảng hiệu một công sở:
KIM TINH THÁI/THÍCH HÒA BÌNH/NAM NGUYỄN THÀNH
Khu lăng mộ hình vuông, mỗi cạnh 46m, bên trong lại chia làm 4 khu vuông vức theo hình chữ ĐIỀN (Chữ Hán) hợp với câu thơ trong sấm Trạng Trình do Nam chế thêm : Phá điền thiên tử xuất/ Bất chiến tự nhiên thành. Một đường hào bao quanh khu lăng mộ, rộng khoảng 3m trồng sen. Lá sen đã phủ kín mặt nước. Những bông sen trắng, hồng vươn lên, đưa hương thoang thoảng. Khu lăng mộ ngoảnh mặt ra sông Ba Lai, hướng Đông. Trong khu lăng mộ, người ta trồng rất nhiều cây kiểng như cây đại, cây tùng... Theo trục chính từ cổng hướng Đông đi vào, Mỹ Lan nhìn thấy một hình hộp ba cạnh cao sừng sững. Chiếc hộp ấy dựng trên mặt phẳng hình hà đồ trong kinh dịch với ý nghĩa: Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái sinh vô lượng. Hồi ông đạo Dừa còn tại thế, Ông Lý đã cho thiết kế toàn bộ khu lăng mộ theo hà đồ. Lúc ông đạo viên tịch, họ đưa thi thể ông về đây, cẩu chiếc hòm lên, dựng vào hộp ba cạnh rồi gắn xi măng lại. Người ta dòng một sợi dây nối từ đáy quan tài của ông đạo Dừa ra chiếc hố đã chôn kín để rút nước, kỳ lạ thay nhiều năm rồi chiếc hố vẫn khô queo. Mỹ Lan cứ mãi ngước nhìn lên cái hộp ba cạnh có thi hài ông đạo Dừa đứng trên Bát Quái, mặt phẳng đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đủ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang bị ánh tà dương bủa vây với nhiều suy tư.
…
Một trận gió bất ngờ từ hướng bờ sông Ba Lai ào ào thổi đến, cây cối nghiêng ngả, bụi cuốn lá cây bay mù mịt. Những tia chớp sáng chói rạch những đường hình chân chim như xé toạc bầu trời đen kịt. Ông Nhơn vội kéo con nấp dưới mái che khu lăng mộ.
- Ông đạo Dừa đứng như chúa Jesus tuẫn nạn trên cây thập giá - Cô gái thốt lên giữa tiếng sét chói tai ngay trên đỉnh đầu làm ông Nhơn bừng tỉnh.
NT
Nguồn Văn nghệ số 37/2017