Tìm tòi thể nghiệm

3/12
9:24 AM 2020

PHÙNG THẾ TÀI- VỊ TƯỚNG NHIỀU GIAI THOẠI

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sỹ Hậu-Tôi về nhận công tác ở Văn phòng Bộ Quốc phòng - Văn phòng Quân ủy Trung ương đầu năm 1980. Lúc đó, tôi đã nghe nhiều giai thoại về Trung tướng, tiếp đó là Thượng tướng Phùng Thế Tài - Phó tổng Tham mưu trưởng. Hơn hai mươi năm công tác tại cơ quan Bộ Quốc phòng, tôi càng hiểu rõ hơn chân dung người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ, “Vị tướng của tháng 12 lịch sử”, người đã có đóng góp quan trọng trong thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội.

                                                                    Bác Hồ với Tư lệnh Hải quân và PKKQ

Xứ Đoài, quê hương của Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Không hiểu sao, từ hồi còn trẻ, khi nhắc đến xứ Đoài, tôi không chỉ nghĩ đến Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Ngô Vương Quyền, mà còn thường nghĩ đến các danh nho, thi sĩ. Có lẽ xứ Đoài là cái nôi văn hóa Hùng Vương, nước các dòng suối từ Tản Viên, mây núi Tản Viên đã hun đúc nên những tài năng nếu không khoa bảng thì cũng là danh tiếng đi cùng dòng lịch sử văn đàn nước Việt. Xưa có Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Lục Bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan… Rồi Phùng Tá Chu, nhân vật nhiều giai thoại cũng gửi hồn về cõi thiên thu ở mây núi xứ Đoài. Ngày nay, nhân tài kiệt xuất xứ Đoài kể không sao hết: các nhà thơ: Tản Đà, Quang Dũng…; các họa sĩ: Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Xuân Phái… Ngay cả vị tướng dạn dày lửa đạn như Phùng Khắc Đăng, người cùng làng với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan khi nghỉ hưu, xuất bản tập thơ của mình, cũng khiến người đọc ngỡ ngàng vì những vần thơ hay thật dễ nằm lòng.

Thượng tướng Phùng Thế Tài thuộc thế hệ của những người khai quốc công thần. Từ một cậu bé nghèo khó lang thang, bôn ba tơi tả, được giác ngộ, được đào tạo quân sự một cách bài bản. Ông đã nhanh chóng lọt vào đôi mắt tinh tường của Bác Hồ, và trở thành cận vệ đầu tiên của Người trong những ngày Cách mạng còn trứng nước. Chính trong những ngày gian nan hiểm nghèo đó, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Bác Hồ đặt tên là Phùng Hữu Tài. Sau này, cảm thấy cái tên ấy thiếu khiêm nhường, ông đề nghị Bác cho đổi thành Phùng Thế Tài.

Nói đến Phùng Thế Tài, người ta nghĩ ngay đến một võ tướng theo đúng nghĩa “viết hoa” của hai từ đó. Cái khí chất hảo hán có trong ông từ khi mới bước qua tuổi thiếu niên. Ông kể: “Trong các cuộc họp với quần chúng, với đoàn thể ở Vân Nam, bọn Việt Nam Quốc Dân Đảng phản động thường trà trộn vào để quấy phá. Chúng ngồi túm năm tụ ba nói chuyện bô bô, gây mất trật tự trong các cuộc họp. Chúng nói xấu người của ta đứng ra triệu tập họp. Chúng tìm một vài phần tử xấu trong số Việt kiều, gây dư luận xấu về Bác. Bọn thằng Tỵ, thằng Ngọ là bọn bảo vệ chân tay trung thành của Vũ Hồng Khanh ngông nghênh đi vào giữa hội nghị không còn coi ai ra gì. Tôi đến vỗ vai thằng Tỵ, hất hàm: “Coi chừng không thì mất mạng. Lơ mơ tao xin một đùi. Muốn sống thì câm cái mồm!”. Bọn thằng Tỵ, thằng Ngọ biết tôi từ hồi còn ở Đội Thiếu niên Dục tài (hồi ấy tôi ngang bướng không biết sợ là gì). Bọn chúng đánh bài lảng. Từ đó không thấy mặt chúng ở các cuộc họp giữa cán bộ Đảng ta và quần chúng cũng như trong các đoàn thể ở Vân Nam nữa” (Hồi ký Bác Hồ - Những kỷ niệm không quên).

Với khí chất hảo hán ấy, lần đầu được phân công bảo vệ Bác, chỉ lận trong người một con dao, một quả đấm sắt là đã tự tin nhận nhiệm vụ. Khi chưa làm tướng, với bản tính nhà võ, lúc lâm sự, thấy gì cần làm là làm, không đắn đo nhiều. Khi đi bảo vệ Bác, thấy Bác đau chân, ông vào dân “trưng dụng” ngựa. Thấy bác ốm, đói, ông vào dân mua gà, Trưởng thôn không bán thì dọa để mua cho bằng được. Thấy Bác sốt rét quá nặng, không phải là con nhà y, vẫn tiêm kí ninh vào ven cho Bác. Cả nhờ ở tính quyết đoán, cả nhờ ở may mắn, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Khi ông xin được đi chiến đấu, Bác nói: “Chú đòi được đi chiến đấu, Bác cũng không ngăn. Nhưng Bác chỉ phân vân hai điều, một là tính chú nóng quá. Bây giờ chú là lính. Cách mạng phát triển, quân đội phát triển, mai sau chú cố gắng sẽ là quan, là tướng. Tướng mà tính nóng là hỏng việc. Hai là tính chú liều quá. Có Bác bên cạnh mà chú còn dám bắt gà, bắt ngựa của dân, sau này chú hùng cứ một phương, chú sẽ còn làm nhiều điều sai trái, ai ngăn được chú? Hoặc như việc chú tự ý tiêm kí ninh vào ven cho Bác cũng là một việc liều. Bác chưa thấy ai tiêm kí ninh vào ven như chú cả.” Nói đến đây, Bác cười độ lượng: “Nhưng thôi! Bác còn sống là may rồi! Phải nói chuyến đi vừa qua, chú có nhiều ưu điểm, chú thông minh, tháo vát, vừa bảo vệ vừa nấu ăn, vừa là thầy thuốc, lại kiêm cả “nhà ngoại giao” nữa. Vậy lần này ra chiến đấu, chú nhớ là phải phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, cố gắng học tập, rèn luyện mọi mặt để luôn tiến bộ. (Hồi ký Bác Hồ - Những kỷ niệm không quên)

Chính đặc tính “nhà võ” quá đậm nét trong ông. Ông như một con ngựa hay, nhưng cần người giỏi ghìm cương. Bác Hồ là người làm việc ấy. Bác theo dõi mỗi bước đi của ông, dạy ông rằng: Đạo làm tướng thì nhân tướng là quan trọng nhất. Khi ông xin được đi chiến đấu, bác đã nhắc: “Chú sẵn sàng đi chiến đấu, thế là tốt, nhưng nhớ đừng có “hữu dũng, vô mưu”.

Ông đã thực hiện xuất sắc lời dặn ấy của Bác. Khi làm Chỉ huy trưởng mặt trận Hà nội, Tiểu đoàn 108 của ông đã tổ chức trận tập kích sân bay Bạch Mai ngày 18/1/1950, giành chiến thắng vang dội: Đốt cháy 25 máy bay, 60 vạn lít xăng sầu, 32 tấn vũ khí và một số trang bị của địch. Khi là Tư lệnh Phòng không, Quân chủng của ông là lực lượng chủ lực đập tan hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đặc biệt là chiến thắng pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội. Còn tôi, với tư cách là một người lính đường ống xăng dầu, thì hết sức cảm động khi biết ông đã cùng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện là người đặt nền móng cho tuyến ống dẫn dầu huyền thoại của quân đội ta trong chiến tranh chống Mỹ.

Đọc các hồi ký và tài liệu về Thượng tướng Phùng Thế Tài, tôi nhận ra rằng ông là một vị tướng có tính cách khác biệt với các tướng lĩnh trong Tổng hành dinh. Và chính cái tính cách khác biệt đó, ông là người được Bác Hồ đặc biệt dìu dắt trên mỗi bước đi. Ông tâm sự: “Bác đã từng bước hướng dẫn tôi từ một đứa trẻ lang thang thất học tính tình ngổ ngáo trở thành một sỹ quan cấp tướng của cách mạng, có đóng góp ít nhiều vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây thực sự là một điều kỳ diệu mà đôi khi cứ nghĩ có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi.”

Cổ nhân có câu: “Giang sơn dĩ cải, bản tính nan di” (Giang sơn có thể đổi, bản tính khó dời). Khi là cậu bé trong đội thiếu niên Dục tài, là người bảo vệ Bác, là Tiểu đội trưởng hoạt động trên địa bàn Lạng Sơn, là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, ngay cả khi là Tư lệnh Phòng không, rồi Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phùng Thế Tài vẫn cứ là “Phùng Thế Tài”. Và bản tính “nhà võ” như là một thương hiệu riêng của ông. Cái thương hiệu ấy mang đậm tính cách mộc mạc, dân giã của một hảo hán, để rồi những giai thoại về ông chẳng biết đâu là hư, đâu là thực.

Hai mươi năm công tác ở bộ Tổng Tham mưu, cơ quan Bộ Quốc phòng, tôi vẫn nhận ra một điều: Với vị trí là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cái chất “Phùng Thế Tài” vẫn chẳng trộn vào đâu được. Cả ngôn ngữ, phong cách xử lý công việc của ông bao giờ cũng mộc mạc, ngang bằng sổ thẳng, không hề hoa mỹ. Nhưng cái mộc mạc là mộc mạc của một người làm tướng. Tôi nghe kể (lại cũng chẳng biết hư hay thật): Một lần ông xuống một đơn vị đột xuất không báo trước. Chú lính gác không biết ông là ai nên không cho vào. Ông nói: “Tao là Phùng Thế Tài, mở cửa cho tao vào!”. Chú lính kiên quyết: “Báo cáo thủ trưởng, chỉ huy đã dặn em sáng nay không tiếp bất kỳ khách nào”. “Vậy mày nói trực ban gọi chỉ huy ra đây!”. Người chỉ huy đơn vị thấy thủ trưởng xuống mà không đón tiếp chu đáo thì lo lắm, chuẩn bị nghe ông nổi trận lôi đình. Ngờ đâu, sau khi nhấp chén trà, Phùng Thế Tài cho gọi chú lính gác vào, và nói với người chỉ huy: Cậu phải biểu dương thằng bé này. Nó là một người lính chấp hành mệnh lệnh nghiêm nhất mà tôi từng gặp”. Đến lúc đó, người chỉ huy mới thở phào nhẹ nhõm.

Người xưa có thành ngữ: “Cái quan định luận” (khi chiếc đinh cuối cùng của tấm ván thiên đóng xuống, người đời sẽ luận người ấy sống ra sao). 94 năm sống trên cõi đời, Thượng tướng Phùng Thế Tài không chỉ đóng góp một cách không hổ thẹn sức mình cho cách mạng, mà còn để lại dấu ấn của riêng mình, chẳng thể trộn lẫn với ai. Ông trở thành một niềm tự hào của dòng họ Phùng, của quê hương Xứ Đoài địa linh nhân kiệt.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, bài viết này xin được coi là nén tâm hương dâng lên hương hồn ông, hương hồn của một người có nhiều chiến công và giai thoại.

Nguồn Văn nghệ số 48/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *