TUYẾN NGÔN ĐỘC LẬP NHÌN TỪ LÝ THUYẾT HÀNH ĐỘNG GIAO TIẾP
Và bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một văn kiện đặc biệt đánh dấu cái mốc lịch sử có một không hai ấy.
Giá trị tư tưởng chứa đựng trong bản tuyên ngôn xứng đáng là một di sản lớn mà ngày nay chúng ta cần nhìn lại dưới những giác độ mới để có thể kế thừa và phát huy trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang rất cần được “ôn cố tri tân” này.
2. Tuyên ngôn độc lập, xét ở khía cạnh ngôn ngữ học, là một thông điệp/ thông báo. Chính vì thế, dùng lí thuyết giao tiếp để soi sáng nó là một việc không những thích hợp mà còn là một đảm bảo lớn nhất về mặt khoa học của sự nghiên cứu.
Roman Jakobson không phải là cha đẻ của lí thuyết giao tiếp nhưng ông là người đã có đóng góp lớn nhất cho sự đầy đủ, trọn vẹn và lớn mạnh của nó. Khởi đi từ những quan điểm của Buhler về ba chức năng của một thông báo, Jakobson vì nhu cầu muốn trả lời dứt khoát câu hỏi “Thơ là gì?” mà đã phát triển và hoàn thiện sự khởi phát ấy theo hướng cấu trúc - chức năng luận(1).
Theo lí thuyết giao tiếp, mỗi thông báo bao giờ cũng bao gồm sáu nhân tố: người gửi (1) gửi đi một thông báo (2) đến người nhận (3). Để có hiệu lực, thông báo ấy yêu cầu trước tiên một ngữ cảnh (4) được nói đến; thông báo ấy sử dụng một mã (5) ngôn ngữ chung (toàn phần hay một phần); và cuối cùng là tiếp xúc (6), tức đường truyền dẫn vật thể và liên hệ tâm lí giữa người gửi và người nhận cho phép thiết lập và đảm bảo sự giao tiếp này. Khi thông báo hướng vào lần lượt mỗi nhân tố, ta sẽ có các chức năng của ngôn ngữ theo thứ tự tương ứng với sáu nhân tố kể trên như sau: chức năng biểu cảm, chức năng thi ca, chức năng mời gọi, chức năng chiếu vật/ biểu hiện, chức năng siêu ngôn ngữ và chức năng tiếp xúc/ tiếp diện. Tùy vào sự ưu thắng của mỗi chức năng mà một thông báo sẽ được thiết kế nhằm tới mục đích chính yếu cụ thể của nó.
Ở Tuyên ngôn độc lập, các chức năng biểu cảm, tiếp xúc, siêu ngôn ngữ và thi ca đều có mặt, tuy nhiên chúng không phải là chức năng chính yếu; bởi đây là một văn kiện chính trị hệ trọng, không nhằm tới việc bộc lộ cảm xúc của người nói, cũng không chủ yếu tạo ra sự tiếp xúc bằng ngôn ngữ (như một phương tiện) đối với người nghe, lại càng vắng bóng chức năng siêu ngôn ngữ khi ta không thấy có sự giải mã ngôn ngữ trong văn bản, còn chức năng thi ca thì khá rõ ở cái “nghệ thuật” giàu tính hình ảnh và âm vang của nó, tuy nhiên không phải vì thế mà nó trở thành một bài thơ! Còn hai nhân tố cuối cùng là người nhận và ngữ cảnh, tương đương với hai chức năng kêu gọi và biểu hiện, chúng ta sẽ lần lượt làm sáng tỏ.
Trong nhiều trường hợp đặc biệt, ngôi thứ ba (tức người/ cái được nói đến) trong thông báo sẽ được chuyển hóa thành người nhận thông báo(2). Thêm nữa, Hồ Chí Minh có quan điểm sáng tác rất rõ ràng: Phải xác định được “viết cho ai”, “viết để làm gì”, sau đó mới quyết định “viết cái gì” và “viết thế nào”(3). Như vậy, với Hồ Chí Minh, đối tượng là nhân tố đầu tiên chi phối toàn bộ cấu trúc văn bản. Từ cả hai luận cứ trên (lí thuyết giao tiếp và quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh), ta có thể khẳng định, bản Tuyên ngôn độc lập có đối tượng kép là “đồng bào cả nước” và “bọn thực dân Pháp”. Hai đối tượng này là cái đích chủ yếu mà bản tuyên ngôn hướng tới.
3. Trên bề mặt văn bản, ngay câu mở đầu của Tuyên ngôn độc lập đã tường minh cho ta về nhân vật giao tiếp: “Hỡi đồng bào cả nước!”. Như vậy, rõ ràng thông điệp mà bản tuyên ngôn hướng tới là đồng bào ta. Theo lí thuyết giao tiếp thì đối tượng này sẽ tương ứng với chức năng kêu gọi/ mời gọi/ ra lệnh/ thông báo… nhằm tuyên bố một “sự thật” là “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập”. Tiếp theo, bản tuyên ngôn kêu gọi “giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhận ra rằng sự tuyên ngôn này đối với đồng bào mình thực ra không phải là điều gì mới, vì chính đồng bào đã cùng Việt Minh chung vai thích cánh suốt nhiều năm để đấu tranh giành độc lập, nên họ thực ra là chủ nhân đã làm nên sự nghiệp này; việc “bố cáo” ấy nếu chỉ thuần túy là thông tin thì không còn cần thiết nữa. Vậy, hai chữ “đồng bào” ở đây thật sự mang nghĩa gì? Chúng ta biết rằng cho đến Cách mạng tháng Tám thì lực lượng chính trị của Việt Minh không còn thuần nhất là những người cộng sản, mà ở đó còn có các phe phái chính trị khác như Việt Quốc, Việt Cách, Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo… Các nhóm chính trị này từng xung đột quan điểm và có lúc đã sử dụng tới nhiều hình thức bạo động nhằm chống lại nhau. Chính vì thế, hai chữ “đồng bào” trong bối cảnh này thật sự thiêng liêng và cần thiết để kéo tất cả mọi người vào một ngôi chung mà ở đó lí tưởng độc lập và tự do sẽ hàn gắn và cố kết để làm nên sức mạnh trong hoàn cảnh lịch sử “ngàn cân treo sợi tóc”. Như thế, bản tuyên ngôn không đơn thuần là một “thông báo” mà quan trọng hơn chính là một áng mĩ văn đoàn kết dân tộc; đồng thời là lời hịch, lời hiệu triệu toàn dân sẵn sàng “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để chiến đấu trước âm mưu của kẻ thù.
Tuyên ngôn độc lập không những vừa là lời hiệu triệu vừa thể hiện tình đoàn kết dân tộc mà quan trọng hơn còn là một “hùng thư đánh giặc”. Đối tượng quan trọng nhất mà bản tuyên ngôn hướng tới chính là “bọn thực dân Pháp” và các thế lực có liên quan. Chúng ta biết rằng, khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Nhật đầu hàng ở Đông Dương thì người Pháp đã sửa soạn quay lại để tái chiếm nước ta nhằm duy trì chế độ thuộc địa như cũ. Để thực hiện mục đích ấy, thực dân Pháp đã dựa vào các luận điểm cho rằng họ là mẫu quốc có công khai hóa và bảo hộ Việt Nam; nói cách khác, Việt Nam chính là thuộc địa của họ. Hồ Chí Minh đã lần lượt bác bỏ các luận điệu ấy bằng những “sự thật” hiển nhiên.
Để đánh đổ luận điệu coi Việt Nam là thuộc địa của Pháp, tác giả Tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Để đánh đổ luận điệu “bảo hộ”, tác giả phơi bày sự thật lịch sử: Khi Nhật xâm lăng Đông Dương thì “bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng”; “trong năm năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật” - nghĩa là chúng đã không những không “bảo hộ” được nước ta mà còn hèn hạ dâng nước ta cho phát xít. Đối với luận điệu “khai hóa”, Hồ Chí Minh sau khi trưng ra một danh sách dài tội ác của thực dân Pháp đã đi đến kết án đanh thép về “chính sách ngu dân”, “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”, tàn hại giống nòi Việt Nam… khiến dân ta “bần cùng”, “suy nhược”, “chết đói”… Tóm lại, tất cả những lí do có tính “pháp lí” mà người Pháp tung ra để làm cơ sở hòng quay lại chiếm đóng nước ta đều bị bản tuyên ngôn đánh sập. Như thế, Tuyên ngôn độc lập, hơn hết, chính là một văn kiện ngoại giao, là một thứ khí giới đánh tan âm mưu và dã tâm của kẻ thù bằng những lí lẽ và luận chứng hùng hồn “không ai có thể chối cãi được”. Đây là một giá trị lịch sử to lớn, cũng là di sản ngoại giao còn nguyên tính thời sự trong bối cảnh ngày nay khi nước ta đang đứng trước các thử thách phức tạp trong thế giới nhiều biến động bất thường và không thiếu những âm mưu của ngoại bang.
4. Bên cạnh giá trị lịch sử thực tiễn, sống động và đầy tính thời sự như đã phân tích, Tuyên ngôn độc lập còn hàm chứa những tư tưởng phổ quát của nhân loại tiến bộ, cái tư tưởng dù đã trải qua bảy mươi lăm năm nhưng vẫn chưa hề cũ đi, nếu không nói là còn nguyên vẹn như một lí tưởng cần vươn tới. Khi phân tích những giá trị này, chúng ta vẫn tuân thủ nguyên tắc của lí thuyết giao tiếp đã được minh định ở trên.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn “lời bất hủ” trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Chúng ta phải thừa nhận rằng, những tư tưởng về quyền-con-người nói trên không những là lí tưởng của nhân loại tiến bộ mà còn là sự xác quyết về một bước đi long trọng và dứt khoát vào thế giới văn minh của xã hội Việt Nam. Những lí tưởng ấy đã xướng lên hơn hai trăm năm trước ở một phương trời xa xôi; trong hoàn cảnh này, nó lại một lần nữa vút cao ở miền Viễn Đông trên xứ sở đã từng bị những nhà nước chuyên chế thống trị cả ngàn năm lịch sử dằng dặc.
Bên cạnh mục đích “đánh giặc” mà chúng ta không khó nhận ra ở Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh khi những lời bất hủ nói trên được trích từ chính tuyên ngôn độc lập của các nước thực dân đế quốc, thì sự xác tín trước đồng bào về những giá trị thiêng liêng thuộc về nhân quyền chính là những viên đá tảng đầu tiên và quan trọng nhất để xây dựng nên tòa nhà cộng hòa trên đất nước quân chủ đã ngàn năm này. Đó không chỉ là tuyên ngôn mà còn là lời hứa, là lời tuyên thệ, là một sự đảm bảo của chính quyền mới trước nhân dân về việc nuôi dưỡng, bảo vệ những giá trị có tính nhân loại. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946) cũng đã được xây lên từ những tư tưởng nền móng ấy. Trải tới nay, đã bảy mươi lăm năm trường, những tư tưởng ấy đã được hiện thực hóa như thế nào và đi vào đời sống xã hội ra sao…, những câu hỏi ấy cần được trả lời một cách thẳng thắn và cầu thị để bức tranh lịch sử được trở nên trọn vẹn.
5. Những giá trị phổ quát về quyền con người mà Tuyên ngôn độc lập đã bố cáo trước toàn dân tộc không phải đơn thuần là một động tác chính trị, cũng không phải chỉ để giải quyết nhiệm vụ lịch sử trong một giai đoạn nhất định, cho nên chúng cần được thức nhận như là tài sản tinh thần của con người và của đất nước. Tài sản, vốn liếng ấy là cái mà nếu thiếu nó thì không một xã hội nào có thể phát triển lành mạnh và bền vững được.
Hồ Chí Minh, bằng cảm quan chính trị nhạy bén và tinh thần nhân bản mang tầm nhân loại, đã ý thức sâu sắc những giá trị thiêng liêng nói trên. Ngày nay, loài người vẫn còn đứng cả hai chân trên mảnh đất tinh thần này. Đó là vùng địa chất vững vàng và có lẽ sẽ không bao giờ cũ, nó chỉ có thể được làm cho trù phú thêm chứ không thể phủ định.
Đất nước ta đang đứng trước nhiều thử thách trong hoàn cảnh của một quốc gia đang phát triển, câu hỏi đặt ra bức thiết lúc này là: Nguồn lực nào cho sự canh tân và sự lớn mạnh của đất nước trong hiện tại và tương lai? Có lẽ, một trong những “nguồn vốn” vô giá như một thứ “gia bảo” của chúng ta là những tư tưởng nền móng, cấp tiến và nhân văn, nhân bản đang hiện diện đầy đủ, sinh động trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Ứng xử đúng đắn nhất đối với di sản là đưa di sản vào cuộc sống để di sản ấy nuôi dưỡng và cùng dân tộc lớn lên.
L.T.T
NGUỒN: VNQĐ
--------
1. Xem R.Jakobson (2007), Thi học và ngữ học (Trần Duy Châu biên khảo), Nxb Văn học, tr.8.
2. Xem R.Jakobson (2007), Thi học và ngữ học, sđd, tr.18.
3. Hồ Chí Minh (1971), Văn Hồ Chủ tịch, Nxb Giáo dục, tr.25.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TL