OLIVER STONE: LÒNG DŨNG CẢM KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU GÌ ĐÓ TRỪU TƯỢNG
Đó là các phim Trung đội, Sinh ngày 14 tháng 7, Bầu trời và Mặt đất và bộ phim tài liệu Năm cuối cùng ở Việt Nam.
Trung tuần tháng 12 vừa qua, Oliver Stone sang Nga nhân cuốn sách Rượt đuổi theo ánh sáng của ông xuất bản bằng tiếng Nga. Oliver Stone đã giành cho báo Tin tức cuộc trò chuyện dưới đây...
* Ông là người thẳng tính, cương trực, không thỏa hiệp. Nếu đánh giá lòng dũng cảm theo thang 10 điểm, ông tự cho mình bao điểm?
- Tôi không thể xác định cụ thế điều này được. Bởi vì lòng dũng cảm cũng có nhiều thang trật khác nhau.Ở một số trường hợp nó xứng cho điểm 10; với những trường hợp nó chỉ đạt điểm 6. Nếu bạn có thể tìm được cho mình lòng dũng cảm trong mỗi trường hợp, điều đó thật hay. Điều quan trọng đối với tôi là không né tránh nó.
Liệu có nên nói tôi là người không thỏa hiệp không?
Dường như tôi sẽ không bao giờ quay nổi tới 20 bộ phim truyện nếu tôi không biết thương thảo với những người khác. Trong mối quan hệ ấy rất cầm sự mềm mại. Tôi luôn luôn tìm sự thỏa hiệp. Không thể làm khác được. Bạn muốn làm người thẳng thắn, bộc trực ư, điều này không phải lúc nào cũng được việc. Đôi khi phải rất cương quyết, nhưng sau đó lại cần hiểu ngay rằng phải đi theo nẻo đường mình không muốn thôi.
* Dù sao đi nữa, người ta vẫn coi ông là kiểu mẫu của sự nổi loạn. Làm sao ông không cảm nhận ra điều mọi người đã nghĩ như thế?
- Vâng, thực ra tôi là kẻ nổi loạn. Tôi luôn luôn là như vậy. Từ năm 16 tuổi tôi đã vi phạm nhiều luật lệ. Điều này không đơn giản. Kiểu như bạn vừa bước ra khỏi hàng, ngay lập tức những loạt đạn pháo, những ngọn lửa của kẻ thù đã chụp xuống đầu bạn. Đặc biệt tôi rất mẫn cảm với những cuộc tấn công của các nhà phê bình. Ví như, họ khẳng định rằng tôi đã vi phạm luật khi tôi quay bộ phim về John Kennedy và bộ phim Kẻ sát nhân bẩm sinh. Các bạn có thể không thích hai bộ phim này. Đơn giả chỉ vì tôi có những đơn vị đo lường khác, không giống với số đông. Ví như tôi nhìn thấy quá nhiều bạo lực.
Nguyên cớ khiến bộ phim Gương mặt mang vết sẹo thu hút người xem là ở chỗ phim trực tiếp đề cập tới những con người động chạm tới bạo lực. Nhưng tôi không định miêu tả phim này như phim Kẻ sát nhân bẩm sinh. Bởi vì phim này thuộc thể loại hài châm biếm. Đáng tiếc mọi người không hiểu như thế. Tôi nghĩ rằng, nếu bây giờ giả như có ai thử làm một bộ phim tương tự, họ sẽ không gặp những sự rắc rối như tôi.
* Ông đã từng dũng cảm bỏ dở việc học hành tại Trường Đại học danh tiếng Yale để sang Việt Nam. Hay do chiến tranh cuốn ông tới nơi ấy?
- Lòng dũng cảm không phải là điều gì đó trìu tượng. Nó biểu hiện ở từng giai đoạn trong cuộc đời anh. Tôi đã cần có lòng dũng cảm rất cụ thể để từ bỏ cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi. Tôi cảm nhận rõ mình đã chia sẻ nỗi đau của người vợ mình. Chính vì thế khi chia tay với cô ấy, tôi thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa.
Có nhiều cung bậc của lòng dũng cảm. Trong chiến đấu, khi phòng vệ - lúc đó lòng dũng cảm đơn giản chỉ là một phản ứng, một nỗi tức giận. Bạn thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng chưa cần phải tính tới chuyện cho đi mạng sống. Nhưng khi cái chết cận kề bên bạn, bạn vẫn hành động, khi đó mới cần tới lòng dũng cảm thực sự. Việc tôi rời khỏi trường đại học Yale cũng có thể coi là rất bệnh hoạn và quái đản. Những tình huống như vậy một lần nữa, một lần khác nữa lại tiếp diễn trong cuộc đời tôi. Ví dụ, như khi tôi làm phim hay vay tiền của người khác để làm phim. Phim làm xong rồi, bước vào rạp chiếu cũng không đơn giản chút nào. Nói thế nào nhỉ, bản thân cuộc sống yêu cầu sự dũng cảm. Và đôi khi lòng dũng cảm không xuất hiện trong những hoàn cảnh bình thường. Ví dụ, buổi sáng tôi không muốn thức dậy, vẫn muốn trùm chăn kín đầu mà ngủ. Anh hiểu tôi nói gì chứ? Đôi khi cứ muốn ngủ tiếp và không phải vội vã đi đâu cả. Về phương diện này tôi cũng giống như mọi người thôi. Chính vì thế khi anh được mọi người ca ngợi là có thể họ đang so sánh anh với chính họ đấy.
* Với bộ phim “Trung đội” về chiến tranh ở Việt Nam hàng người rồng rắn vào rạp còn dài hơn khi rạp chiếu phim “Bố già”. Ông nghĩ sao, vì nguyên nhân gì mà mọi người vẫn thích xem một bộ phim nặng nề về chiến tranh như thế?
- Tôi không biết với phim Trung đội người xem có rồng rắn dài đến thế không, nhưng bộ phim này xét phạm vi toàn thế giới đã thu về một khoản tiền khổng lồ. Ở Mỹ doanh thu phim này lớn hơn ở các nước khác. Thoạt đầu là các cựu chiến binh kéo nhau tới rạp. Lúc phim chiếu anh em lặng ngắt, bộ phim khiến họ xúc động. Một số người không thể đứng lên khỏi ghế khi phim kết thúc, họ khóc. Đối với tôi phản ứng của anh em có điều gì đó không bình thường. Bởi tôi định làm bộ phim này từ lâu rồi. Hai lần bắt tay vào việc, lần đầu vào năm 1976. Nhưng mãi tới năm 1983 công việc mới thực sự vận hành. Và mỗi một lần, mọi người đều nói với tôi: “Không, đó không phải là đề tài quá ảm đạm đâu!”. Còn tôi thì luôn luôn biết rằng đó là một cốt truyện hay, bởi lẽ nó chân thực. Phim cũng không phạm luật vì người lính trẻ, nhân vật trong phim, suy cho cùng đã biết làm sao để sống sót. Bộ phim động chạm tới chủ đề về tinh thần. Đó là thứ điện ảnh nghiêm túc về Việt Nam. Trước đó những bộ phim về chiến tranh nói cho đúng ra là thường bịa đặt. Một số trong những bộ phim ấy dàn dựng tốt, một số thì kém cỏi. Nhưng về cơ bản đó đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, đều là những gì bịa đặt.
* Khi nào thì ông hiểu rằng ông cần phải làm những việc cần thiết?
- Dấu ấn thành công đầu tiên về nghề nghiệp trong đời tôi là bộ phim Chuyến tầu tốc hành lúc nửa đêm (1979). Vì kịch bản của bộ phim này tôi nhận được giải Oscar. Năm đó tôi 33 tuổi. Và đây là thành công lần đầu. Nhưng bài kiểm tra đầu tiên của tôi với tư cách là đạo diễn và biên kịch diễn ra năm tôi 39 tuổi. Tôi được thừa nhận với bộ phim Trung đội. Vì bộ phim này tôi được trao giải Oscar lần thứ 2 với tư cách là đạo diễn. Đối với một người vừa chớm bước vào tuổi 40 thành công này như một món quà xứng đáng nhất mà cuộc đời đã trao tặng.
Tôi có sửng sốt không? Có chứ! Tôi có ngạc nhiên không? Có chứ! Tôi có biết ơn không? Có chứ! Và cho đến tận bây giờ tôi vẫn thừa nhận như vậy. Vào khoảng giữa cuộc đời tôi đã bước tới đỉnh cao những mơ ước của mình. Tôi đã làm bộ phim về một câu chuyện mà chưa ai kể. Phim kể về một người binh nhì đứng ở nấc thang cuối cùng của cuộc chiến tranh. Bộ phim kể về nạn tham nhũng trong quân đội, về những mũi tên bắn về phía chính mình, về việc giết chóc những người dân thường, về những sự lừa bịp mà các vị tướng tá thường đầu độc chúng tôi.
Bộ phim Trung đội đã xoa dịu lương tâm tôi. Phim này tạo cho tôi khả năng thể hiện những gì tôi đã cảm nhận được. Đây là lần đầu tiên sự thật được phơi bày.Trong điện ảnh cũng như trong chính trị điều này hiếm khi xẩy ra. Đó là sự khẳng định những giá trị của cuộc sống mà tôi đã trải qua trước khi tôi bước qua tuổi 40. Tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Sau phim này mọi điều diễn ra hơi khác đi. Tôi dàn dựng nhiều bộ phim khác nhau. Đôi khi gặp thành công, đôi khi thất bại. Nhưng đấy là chặng đường dẫn tới sự minh thông.
* Những cựu chiến binh trong chiến tranh ở Việt Nam được hưởng điều gì từ phía Nhà nước?
- Vâng, Nhà nước đã quan tâm tới họ. Anh em nhận được những khoản đền bù xứng đáng. Tôi biết rằng có những mâu thuẫn, những cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề này, nhưng những người Mỹ tự hào vì họ đã làm nhiều việc giành cho các cựu chiến binh. Chính phủ đã chi một khoản tiền lớn để trợ giúp anh em. Nhưng tôi cũng không mong chuyện đó sẽ lặp lại trong một cuộc chiến tranh mới.
* Xin hỏi một câu về Tom Cruise. Anh ấy đã sắm vai trong bộ phim “Sinh vào ngày 14 tháng 7” của ông. Vì sao ông đánh giá cao diễn viên này?
- Tom là một người rất tự trọng, luôn đặt ra những yêu cầu cao với bản thân, làm việc rất nhiệt tình. Tôi có cảm giác Tom luôn luôn muốn thử mọi năng lực có trong bản thân. Trở thành một người như anh ấy không hề đơn giản.
* Ông phản ứng ra sao khi bây giờ ông phải chứng kiếm rạp chiếu thưa vắng hoặc không có người xem trong thời buổi dịch Covid này?
- Không nghi ngờ gì thời điểm các rạp chiếu bóng người xem ngồi chật các hàng ghế quay về là khó đấy! Tôi có cảm tưởng rằng người xem thuộc thế hệ tôi đã quá quen với cảm giác được ngồi trong một rạp chiếu phim thực sự, chứ không phải trong một gian phòng hẹp. Tôi cho rằng sau đại dịch dẫu sao vẫn còn đất cho những ai muốn vào rạp để hưởng cảm giác thật sự điện ảnh. Nhưng hoàn toàn đúng lời nhận định, đại dịch Covid đã đẩy lùi mọi quan niệm đi rất xa, kể cả trong công việc lẫn trong việc xem phim. Đại dịch đã rút ngắn lại những xúc tiếp cá nhân và những giao tiếp xã hội.
* Liệu người xem có bị lôi cuốn bởi các loại hình thị giác mới thay cho điện ảnh trong thời gian đại dịch?
- Một số hãng phim lớn đã quyết định vẫn sản xuất phim chiếu rạp, đồng thời sản xuất cả loại phim online.
* Ông làm gì khi bị ngồi cách ly ở nhà?
- Tôi không chỉ là đạo diễn phim mà còn là một nhà văn. Khi bị cách ly tôi đã viết xong cuốn sách tựa đề Rượt đuổi theo ánh sáng. Khi được phép rời khỏi nhà, tôi sang Pháp, Đức, Italy và bây giờ tôi sang Nga… Trên thực tế đại dịch không ảnh hưởng gì tới tôi. Như trước đây tôi vẫn tiếp xúc với mọi người. Tôi cảm thấy ở Mỹ mọi người phản ứng hơi thái quá với nạn dịch, người ta quá sợ hãi nó. Đừng vì cách ly mà thu hẹp không gian lại. Đương nhiên có những lứa tuổi cần được quan tâm nhiều hơn, ví như người già. Cần tạo nên mọi biện pháp để bảo vệ họ. Còn những người ở các lứa tuổi khác lại cần tạo điều kiện để họ tiếp tục làm việc. Và họ biết cách tự chăm sóc, bảo vệ mình. Cách ly đó là quyết định cần biết vận dụng sao cho linh hoạt. Khi đóng cửa mọi chỗ, mọi nơi và không cho phép trẻ em đến trường - điều này rất xấu.
TÔ HOÀNG chuyển ngữ
Nguồn Văn nghệ số 3/2021