THƠ ĐỖ MAI HÒA
Tác giả sinh năm 1973 tại Thủy Nguyên - TP Hải Phòng; Thạc sỹ quản trị kinh doanh Đại học La Trobe - Úc; Hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội; Đã xuất bản các tập thơ riêng: Hoa Cúc Biển (NXB Hải Phòng, 1999), Vài lời với Biển (NXB Hội nhà văn, 2010), Thương nhớ vốc đầy tay (NXB Hội nhà văn, 2019).
Đỗ Mai Hòa thuộc thế hệ “gạch nối” giữa thơ trẻ và thơ truyền thống. Người thơ ý thức rõ những hạn chế cùng những ưu thế của thế hệ mình, thường trực tinh thần vượt thoát và bước đầu đã khẳng định những thành công…
Nhà thơ MAI NAM THẮNG chọn và giới thiệu
ĐIỀU KHÓ NÓI
Có những điều anh khó nói ra
bên em đôi lúc anh chợt nghĩ về chị
người đàn bà anh đã từng yêu
Người đàn bà anh yêu khi tóc còn xanh
môi còn thắm
và má hồng căng như da em bé…
rất nhiều lần anh cũng ngợi ca em như thế!
Có lẽ bây giờ chị rất ít cười
vo từng đêm cất vào hốc tủ
hoang hoải vệt chờ
nhàu nhĩ vắng xa
tay quờ tay, tìm hơi ấm sẻ chia…
Rất nhiều đêm
gối em cũng ướt nhòe,
cũng vo từng đêm giấu vào hốc tủ
khi bên em nghĩa là anh xa chị
lúc gần chị, anh đâu có được em…
Hai chị em mình đều rất biết bon chen
và vẹo xiêu nhẫn nhịn …
chung người đàn ông mà không ai là người sở hữu.
Sẽ đến một ngày,
tóc em cũng hết xanh
môi không còn thắm
và ánh nhìn cũng loãng nhạt nắng chiều…
Ai sẽ là người tiếp theo anh khen
như đã từng khen em,
như đã từng khen chị.
CỎ NGHĨA TRANG
Hôm nay em đến nghĩa trang
để đưa tiễn một người về với cỏ…
cũng con đường mượt xanh
nhưng hết rồi những buồn vui, đau khổ
bao toan tính cũng chẳng còn vương vấn nữa,
vùi trong mấy thước vuông là cỏ mềm…
Chỉ có gió vỗ về
chỉ có cỏ dỗ dành
và mây trôi trên đầu,
ngày đêm lặng lẽ….
Chợt nghĩ về ta và chuỗi ngày không nhau
những điều cỏn con
những điều to tát…
tự hỏi con đường mình đến với cỏ,
xa hay gần nào ai biết trước!
Chỉ biết rằng hôm nay
sống hết mình, sống cuối con đường anh là em
giản đơn như cỏ…
cỏ nghĩa trang cũng giống cỏ công viên…
miên man xanh
ru mọi kiếp người!
TOA TÀU
Chị đến trước,
em đến sau
mà anh - toa tàu chật!
Kẻ đến trước có chỗ ngồi đẹp
Người đến sau phải đứng suốt hành trình….
Kẻ ngồi chồn chân,
người đứng mỏi gối
sao không đổi chỗ cho nhau?
Đến ga sau,
em sẽ trả lại anh
như đã trả chỗ ngồi trên toa tàu cho chị
Cứ tự băn khoăn vô cớ:
ai sẽ cùng anh về ga cuối của hành trình?
DÒNG SÔNG LỊCH SỬ
Những con sóng dội vang lời dòng sông,
dòng sông dội vang lời biển cả
vẫn còn đây
dưới lòng Bạch Đằng Giang lịch sử
bạt ngàn cọc gỗ
vút lên trời cao
như dáng đứng ngang nhiên của thế núi tai mèo
trầm hùng Tràng kênh!
Sông chảy trong ta những quạnh đỏ phù sa huyền sử
chảy những dòng thủy chiến
và linh khí cha ông dựng biển
cả bao nhọc nhằn mẹ cha và người dân quê dàn sóng
lịch sử ngàn năm còn chảy trong huyết quản
bồi phù sa nhân nghĩa khí trời!
Bao triều đại phương Bắc còn kinh hãi đất này
bài học cha ông thông minh thao lược
và lòng dân vận nước…
đã dựng lên trùng trùng sóng nước Bạch Đằng
dựng cọc đóng hồn siêu phách lạc những kẻ xâm lăng bất nhân, ngạo mạn
dìm đáy sâu
trước dòng sông thế trận lòng dân!
CẢM VÀ DỰ CẢM
Nhiều lúc không biết chôn nỗi buồn vào đâu
Cứ gồng lên như con nhím xù lông khi thấy kẻ thù
cũng thử nén sâu vào ngực
một mình gặm nhấm
căn nhà rộng vắng người…
Giờ là mùa Vu Lan
buồn đi báo hiếu ai rồi?
người cũng đi và cả mùa thương nhớ
chỉ còn lại tiết thu và tháng bảy mưa ngâu.
Ta xé nát nỗi buồn ra
và ném vào sọt rác góc công viên
như đã ném những bức thư tình ấy
Nỗi buồn cười nhăn nhở…
Ta nhặt lên và ném xuống vệ đường
Nỗi buồn cười to hơn và bảo
“Cảm ơn, chỗ này nhộn nhịp quá!”
Đành gói nỗi buồn đem về nhà
Không đủ tỉnh táo
không đủ thông minh
không đủ cả can đảm để chế giễu nỗi buồn
nó kiêu hãnh hơn cả ta và niềm tin
nỗi buồn lớn lên mãi!
Đành chôn vào rong rêu số phận
để được là chính mình
thanh thản
tự do!
CÀ PHÊ SÁNG
Chả có thể nhìn thấy ổ trâu hay ổ gà
mặt đường loang loáng nước
Hà Nội lụt ...
ban mai cũng bị mây và mưa bủa vây
ký ức về anh trương phềnh!
Làm sao em có đủ can đảm?
trèo qua mớ rào cản vô thức
khi con tim đập loạn nhịp
không lẽ vô thức thắng trong cuộc rượt đuổi ma-ra-tông
thứ bảy bồng bềnh trôi trên mặt đường
sao ta lại không neo nhau?
Cà phê sáng…?
Ý thức nhắc phải trả lời: Bận
cuối tuần, người vợ đảm có bao việc phải làm
bữa trưa bày biện trên bàn
người khen khéo tay
người khen khéo chiều chồng
cả khéo nhẫn nhịn những lúc chồng quên bổn phận
nuốt muộn phiền vào trong nụ cười...
Cà phê sáng...?
Vô thức và ý thức đánh lộn
những mảng vỡ pha lê
mảng hạnh phúc giống màu của đất!
CÀ PHÊ TRƯA
Nắng xen mưa loang lổ
mùa rải phố
rải nỗi nhớ không tên
cây bình thản trút lá vàng vào cổ tích
Melody (*)
những giai điệu quen
dòng người ngược xuôi khi tươi khi héo
Từng giọt cà phê đắng trên môi
đắng niềm vui,
đắng đời dâu bể
em chưa bao giờ uống cà phê
cứ gọi ra rồi nhâm nhi bóng mình
nhâm nhi đen, nâu, và cả các màu đồng vọng
hanh heo ơi,
ta mắc nợ ai rồi?
Trở về sau buổi trưa thứ hai đầu tuần
trở về sau bao điều huyễn hoặc
lại sống với buồn vui, áo cơm, danh vọng…
lại ngồi nhâm nhi mình và đợi
đợi một ngày
cà phê
thơm nhau…
………………
(*): Melody: Giai điệu - Tên quán cà phê
KHÚC GIAO MÙA
Khi những chiếc lá bàng cuối cùng rớt xuống mùa xuân
chỏng chơ trên mặt đường
giữa chật hẹp phố phường Hà Nội
ngược xuôi người, xe qua lại
giẫm đạp lên những chiếc lá bàng
xào xạc,
mùa cũ sắp xa…
Búp non mướt mải dướn chồi
sự sống hồi sinh
mặt đất và bầu trời giao thoa
ùa vào nhau
những câu chào
những cái ôm
cả những nụ hôn xã giao học đòi theo lối sống Âu - Mỹ
Quẫy trên nõn lá
khúc giao mùa tháng ba
gọi e về đêm ấy
đôi tay anh
run rẩy…
rơi em
không biết vào chiều thứ mấy của không gian?
BUÔN GÌ
Đi buôn gì thế hỡi mình?
Bán cho tôi nửa cuộc tình ngắn thôi!
Bán cho tôi nửa tiếng cười,
nửa tiếng khóc, nửa niềm vui, nửa buồn.
Bán cho tôi nửa nụ hôn,
nửa cuồng nhiệt, nửa giận hờn, đam mê.
Bán cho tôi nửa câu thề
Gặp hàng giả, lại đi về, nửa tôi!
Không buôn đã lỗ nửa rồi
Có buôn chắc chẳng còn tôi ở đời!
May còn có nửa niềm vui
Mua được rẻ, để giờ ngồi nhâm nhi.
Ngày qua đi, tháng qua đi
Còn gì ở lại, chắc vì ế thôi!
Tôi rao bán cả gia tài
Đi mua những cái chẳng người nào mua!
May gỡ được nửa bàn thua
Chưa tay trắng, để vẫn chưa hận người
Giờ còn lại nửa đời tôi…
…………….
(*) Một số bài thơ trên đây đã được đăng trong mục “Thơ dự thi” của báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn VN, năm 2020.