NHÀ VĂN NGUYỄN HUY THIỆP: VĂN CHƯƠNG THAY ĐỔI MỖI NGƯỜI THEO MỘT CÁCH KHÁC
Nhân dịp ra mắt cuốn sách, tối 4/10 tại Hà Nội, Công ty Nhã Nam và Trung tâm Văn hóa Pháp-L’Espace đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm Chúng ta nói gì khi nói về tuổi 20 yêu dấu, với sự tham gia của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Tiến sĩ ngữ văn Mai Anh Tuấn.
“Tôi là Khuê. Năm nay tôi 20 tuổi. Tôi muốn nói với các người rằng chẳng ai hiểu cóc khô gì”. Cuốn sách được bắt đầu bằng lời trần thuật gây hấn. Và xuyên suốt những trang sách ta sẽ bắt gặp cái giọng ấy, kiêu căng, hợm hĩnh, vô lối, lầm lạc, mâu thuẫn và đa cảm.
Cái nhìn khác về tuổi trẻ
Với những ai đã đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, những câu chuyện gai góc, sống sượng, trần tục, mê mị và làm thỏa mãn người đọc thì Tuổi 20 yêu dấu sẽ mang lại một “khoái cảm” khác. Đó là sự ngông cuồng, điên loạn, vùng thoát mà mỗi người ít nhất từng nghĩ đến hay cảm thấy trong tuổi trẻ của mình. Nỗi buồn ngơ ngác, nỗi cô đơn lạc lõng mà không ai có thể sẻ chia hay thấu hiểu của tuổi 20 cũng được nhân vật Khuê trải nghiệm và diễn tả như nói hộ bao nhiêu tuổi 20 khác.
Để làm được điều này, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ, ông đã viết về Khuê với tình cảm dành cho chính con trai của mình và bạn bè của con trai mình. Tuổi thanh niên là tuổi đẹp nhất, đây là giai đoạn mà con người sẽ bước qua cánh cửa quan trọng nhất của cuộc đời, đó là cửa tình. Phải bước qua cửa tình con người mới bước qua được những tầm thường, lầm lạc, để ngộ ra điều quan trọng nhất của cuộc đời là đạo đức và sự chân thực. Nhưng tai hại ở chỗ, ở tuổi 20 làm sao con người ý thức được điều đó nên làm sao tránh được những mê man, nhầm lẫn, lầm lạc.
Nhận định về Tuổi 20 yêu dấu, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn cho rằng: Cuốn sách được xuất bản là sự kiện văn học đáng chú ý trong năm. Đây là một tiểu thuyết thành công của Nguyễn Huy Thiệp. Nó đặt ra cái nhìn khác về tuổi trẻ, đó là một tuổi trẻ sai trái, thất bại. Và đặt ra câu hỏi, chúng ta nên thờ ơ hay đón nhận? Qua đây cũng thấy được cái nhìn bao dung và thể tất của nhà văn khi lí giải, biện chứng cho những lỗi lầm ấy. Bởi không phải tuổi trẻ nào cũng là tuyệt đối, mĩ mãn. Tiểu thuyết được viết bằng lối kể phiêu lưu hấp dẫn. Màu sắc Phật giáo phảng phất trong tác phẩm thể hiện tư tưởng của nhà văn.
Viết Tuổi 20 yêu dấu khi đã bước qua lứa tuổi ấy khá lâu, Nguyễn Huy Thiệp đã có đủ độ lùi về thời gian để nhìn lại những trải nghiệm của tuổi trẻ. Nhưng hơn hết đó phải là những thôi thúc, trăn trở, đau đáu, dằn vặt thì nhà văn mới thực sự hóa thân vào nhân vật “tôi” để kể câu chuyện tuổi 20 của mình. Nhà văn đã mang đến một vẻ đẹp dữ dội của bản năng người vào lúc nhân vật khát khao, vùng vẫy và khước từ trật tự trong nỗi cô đơn tột cùng.
Văn chương thay đổi mỗi người theo một cách khác
Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có nhiều chia sẻ về nghề viết một cách rất đời và chân thực. Ông cho rằng, với bất kì những ai có tên tuổi, danh tiếng trong xã hội thì cũng đồng thời bị những “mũi nhọn” chĩa vào. Nhà văn cũng vậy, và viết văn là một nghề hết sức khó khăn. Có những tai vạ sẽ đến mà nhà văn không thể lường trước. Vậy nên nhà văn phải biết tu thân. Và điều quan trọng nhất ông nhắc đi nhắc lại, đó là phải chân thực.
Lý giải vì sao ông chọn viết Tuổi 20 yêu dấu, nhà văn cho rằng quá trình sống là quá trình đi tìm đạo, nên bắt đầu từ tuổi trẻ, con người sẽ trải qua những ranh giới, những lựa chọn để tìm ra con đường đi cho mình. Đó cũng là lí do không bao giờ nhà văn phán xét đúng - sai, tốt - xấu, không áp đặt bạn đọc vào một kết luận chắc chắn nào. Bởi mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận, một cách tiếp cận khác nhau. Cũng như văn chương, nếu nói văn chương cứu rỗi cuộc đời thì to tát quá, nhưng văn chương sẽ thay đổi mỗi người theo một cách khác nhau, điều này tùy vào hoàn cảnh, số phận và cách tiếp cận của mỗi người.
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn cũng cho rằng, quan niệm về nghề văn của Nguyễn Huy Thiệp chi phối sâu sắc trong những sáng tác của ông. Với Tuổi 20 yêu dấu, nhà văn đã đề cao sự chất phác, chân thực bằng cách đưa đến hai mệnh đề đối lập là đô thị và thiên nhiên. Tiếng vẫy gọi của thiên nhiên dường như đã chinh phục được sự ngông cuồng, lầm lạc của Khuê để anh tìm ra bản lai diện mục của chính mình khi cúi đầu trước tự nhiên. Qua đó cũng làm sáng tỏ ý nghĩa hàm ẩn trong tác phẩm, đó là tinh thần sống, không chối bỏ. Dù từng chửi rủa “thời của tôi đang sống là thời chó má” nhưng rồi nhân vật sẽ tỉnh táo hơn và mạnh mẽ hơn để vượt lên.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn chia sẻ về Tuổi 20 yêu dấu: Đó là một tiếng khóc bất lực, tủi thân, cô độc và tuyệt vọng của nhân vật trong một thế giới còn tuyệt vọng hơn anh ta. Hãy lắng nghe nó để tìm ra được điều gì ẩn chứa đằng sau.
KIM NHUNG
Nguồn: Văn nghệ Quân đội