NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU NĂM QUA – ĐÔI ĐIỀU NHÌN LẠI...
Năm 2018 đã khép lại với những hoạt động sôi nổi trên khắp đất nước ta của các loại hình nghệ thuật như Sân khấu, Điện ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa… mà với những thành tựu trong năm qua – dù khắt khe đến mấy đi nữa – chúng ta vẫn phải ghi nhận những thành tựu to lớn đã đạt được, đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo công chúng… như các phương tiện truyền thông, báo chí, công luận đã phản ánh khá chân thực và đầy đủ. Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một vài tồn tại của loại hình nghệ thuật sân khấu – qua con mắt của một người làm nghề, từ trong “bếp núc” và phía sau những cánh gà của sân khấu…
I.SÂN KHẤU VỚI ĐỀ TÀI LỊCH SỬ
Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng tháng 10 hàng năm, khi nghe gió heo may bắt đầu tràn về từ 5 cửa ô Hà Nội - để đón chào ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 - Liên hoan nghệ thuật sân khấu lại được tổ chức, với sự chờ đợi háo hức của các nghệ sĩ và những người làm nghề. Năm nay, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 3 diễn ra từ ngày 4 đến 9/11/2018 với sự tham gia của 10 đoàn nghệ thuật của Trung ương, lực lượng vũ trang và của Hà Nội, trong đó có 6 vở kịch nói, 2 vở cải lương, 2 vở chèo… Chứng tỏ sân khấu Hà Nội vẫn là một trong những trung tâm nghệ thuật lớn của cả nước trên con đường sáng tạo nghệ thuật, trong cơn bão của kinh tế thị trường vô cùng khó khăn, vất vả; mà không khéo, nhiều khi người nghệ sĩ không còn là chính mình nữa trong công cuộc mưu sinh… Đặc biệt, Liên hoan lần này là tập hợp của nhiều gương mặt trẻ, đây là một tín hiệu đáng mừng của sân khấu Hà Nội, nó cũng minh chứng một điều này: nghệ thuật nói chung, trong đó có nghệ thuật sân khấu, là một dòng chảy không ngừng của cuộc sống, mà sự tiếp nối của các thế nghệ sĩ như hết lớp sóng này đến lớp sóng khác... theo thời gian, tạo nên diện mạo bất tử của nghệ thuật sân khấu Việt nam đã tồn tại suốt hàng ngàn năm qua…
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ, Trưởng ban Chỉ đạo, cho biết - Liên hoan năm nay, với những đề tài về lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại, trong đó có nhiều tác phẩm đề cao tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân Thủ đô trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của các tác giả, đạo diễn, diễn viên đã làm rõ hơn chức năng nhận thức, giáo dục, dự báo, tạo nên sức truyền cảm ấn tượng sâu sắc, những giá trị thẩm mỹ đến người xem...
Tuy nhiên, ngoài những thành công mà các đơn vị nghệ thuật đã gặt hái được, cùng những giải thưởng, huy chương vàng, bạc cho các vở diễn và các cá nhân… thì khi nhìn lại sau một liên hoan nghệ thuật, những người làm nghề vẫn thấy những hạn chế, những hạt sạn, những bất cập… trong nhiều vấn đề của nghệ thuật sân khấu - từ nghệ thuật biên kịch, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật… và nhất là nghệ thuật biểu diễn của diễn viên - đó cũng là lẽ tất nhiên, là điều bình thường mà chúng ta phải bình tâm, khách quan để khắc phục và hướng tới!
Rõ ràng, những thành công của các vở diễn đề tài đương đại trong việc phản ánh cuộc sống hôm nay, đã được khẳng định với những thành công nhất định của nó. Nhưng với đề tài lịch sử, thì vẫn còn những ý kiến khác nhau bên trong cánh gà sân khấu; vì thế, chúng tôi hết sức tâm đắc với nhận định của NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo khi nhận xét về các vở diễn đề tài lịch sử là còn thiếu những kịch bản mới mẻ cả hình thức và nội dung. Nhiều đạo diễn còn vấp phải sai sót về đề tài lịch sử và phương pháp thể hiện đề tài qua các nhân vật. Một số vở diễn có tình tiết không đúng, có vở còn lúng túng trong những mảng, miếng… Về diễn viên, có nhiều diễn viên cố ý hát thật to, cố để khoe giọng gây ra sự khiên cưỡng, thiếu tinh tế khi thể hiện cảm xúc…
Quả thật, không chỉ tại Liên hoan lần này, mà các vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử suốt trên nửa thế kỷ qua, là những vấn đề luôn luôn gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về học thuật…để cùng nhau tìm ra những hướng đi đúng đắn nhất, tạo nên những hiệu quả nghệ thuật to lớn của các vở diễn về đề tài này, bởi - từ trước đến nay và từ nay về sau - chắc chắn, đề tài lịch sử luôn là mảnh đất nuôi dưỡng và là nguồn sáng tạo đầy hấp dẫn cho không chỉ riêng sân khấu, mà còn cho hầu hết các loại hình văn học nghệ thuật như văn học, thơ ca, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh, múa…
Như chúng ta đã biết và đã ghi nhận, những thành tựu to lớn từ kịch bản, đạo diễn, mỹ thuật, âm nhạc, múa đến biểu diễn đề tài lịch sử đã được khán giả khẳng định và đã trở thành những cột mốc sáng tạo lớn trong toàn bộ nền nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta còn nhiều vấn đề phải cùng nhau bàn bạc từ lý luận đến thực tiễn, để sân khấu với đề tài lịch sử ngày càng có nhiều tác phẩm thành công hơn nữa. Đa số các ý kiến đều cho rằng, trước hết, tính chân thực là tiêu chuẩn hàng đầu, và việc hư cấu lịch sử vẫn phải dừng lại ở chỗ phải tôn trọng sự thật lịch sử. Bởi, sự tích và thể loại thì rất nhiều, nhưng hình như, điều quan trọng nhất của một tác phẩm sân khấu là phải nói lên được lẽ sống tinh thần của cả một dân tộc, mà trong đó, tính thời sự hôm nay là một điều hết sức cần thiết... Hay nói cách khác, tính thời đại trong một vở diễn lịch sử - dựng lịch sử mà vẫn hiện đại, nóng hổi hơi thở thời đại - còn hơn là dựng một vở đề tài hiện đại mà vở diễn lại rất cũ kỹ và cổ lỗ...
Lịch sử với văn học, nghệ thuật quả là một đề tài rộng lớn, bởi vậy, chúng ta phải tổ chức tốt hơn việc đưa lịch sử lên sân khấu và phát huy tác dụng của sân khấu đề tài lịch sử. Những gì mà người nghệ sĩ đã suy nghĩ, đã viết, chính là trữ lượng tư tưởng, và đó là điều chúng ta hết sức quan tâm. Ngay cả trong lịch sử, sân khấu không chỉ nên viết về các nhân vật anh hùng, ông vua, bà chúa... mà phải đề cập đến quần chúng lao động, bởi đó chính là động lực của lịch sử… cũng như sáng tạo, hư cấu là quyền mỗi tác giả, nhưng không vì thế mà được phép xuyên tạc lịch sử một cách tùy tiện, chủ quan, áp đặt và duy ý chí…
Lịch sử là tấm gương phản chiếu các thời đại. Và qua tấm gương đó, nghệ thuật sân khấu viết về đề tài lịch sử phải trở nên lung linh, huyền ảo, cao đẹp, hấp dẫn nhưng phải trung thực. Những gì là được hay chưa được, những gì đang phải hướng tới là đương nhiên, bởi cuộc sống luôn hướng về phía trước, và để sân khấu lấy lại niềm tin và tình yêu của khán giả, nhất là với khán giả trẻ - trong đó có các vở diễn về đề tài lịch sử, chắc chắn, chúng ta cần bình tĩnh để tự nhìn lại mình hơn…
II.SÂN KHẤU HÀI - VẪN LÀ MỘT KHOẢNG TRỐNG LỚN...
Từ ngàn xưa, tiếng cười đã không thể thiếu được trong cuộc sống của loài người, trong đó có dân tộc Việt Nam. Trong các câu chuyện dân gian, cổ tích, tiếu lâm, cả huyền thoại, dã sử, lịch sử…cho đến kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca…tiếng cười đã trở thành vũ khí sắc bén, tạo nên sức mạnh cho con người, vượt qua những khó khăn, gian khổ của cuộc sống thường nhật, của thiên nhiên huyền bí, hoang dã; và của chính sự tồn tại của con người trong đấu tranh giai cấp, để hình thành, tồn tại, phát triển. Tiếp thu những tinh hoa của di sản văn hóa dân gian trên nhiều lĩnh vực đó; từ khi xuất hiện, nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam - tiêu biểu là Chèo, Tuồng cũng như các thể loại sân khấu đương đại khác - đã sáng tạo nên nhiều nhân vật và các vở diễn hài nổi tiếng…mà tiếng cười đã được nghệ thuật hóa, tạo nên những giá trị đặc biệt, thực sự hấp dẫn công chúng để tồn tại đến hôm nay...
Như chúng ta đã biết, sân khấu dân tộc Việt Nam - với nghệ thuật Chèo, đã trải qua hàng nghìn năm, và Tuồng thì cũng khoảng trên dưới tám trăm năm (theo các nhà nghiên cứu, Tuồng xuất hiện vào thời nhà Trần). Ngoài “hấp dẫn, cuốn hút” khán giả, người ta còn nói rằng tiếng cười còn là “một vũ khí" của sân khấu dân tộc - nghe có vẻ như là đao to búa lớn - nhưng đúng là như vậy. Vũ khí tiếng cười đã giúp cho người nông dân Việt Nam, trong hàng ngàn năm lịch sử, đã đả phá nhiều thói hư tật xấu, tố cáo những hành vi áp bức, bóc lột. Tiếng cười, mặt khác, còn là một cách để “quên đi kiếp nạn trần ai” của người nông dân trước hoàn cảnh sống, dưới chế độ phong kiến...
Trước hết, chỉ cần nhìn lại vở Chèo cổ lừng danh mà các cụ để lại, tính hài hước là rất rõ. Như lớp Việc làng trong vở “Quan Âm Thị Kính” - một trích đoạn đặc biệt nổi tiếng gồm những nhân vật "tai mắt của chính quyền làng xã", cũng như những người dân quê cùng đinh nghèo khổ... Rồi Thị Màu, Thị Kính trước cổng tam quan, Thị Màu và anh Nô, mẹ Đốp và Xã trưởng... Thôi, về tư tưởng, về triết lý, về đạo đức…ta không bàn ở đây, chỉ nói riêng tiếng cười trong Chèo cổ thôi: nếu không có tiếng cười, thì chưa chắc những câu chuyện như thế đã sống được và “thọ” được cho đến bây giờ. Tiếng cười sân khấu Chèo cổ, cùng với tiếng cười trong ca dao, tục ngữ, trong kho tàng truyện cổ tích dân gian… còn là biểu hiện rõ rệt nhất tính cách lạc quan của người nông dân Việt Nam. Cho đến hôm nay, mở một ngoặc đơn: khi ta ngồi nói chuyện WTO, thì có những vùng sâu, vùng xa xôi, hẻo lánh…người nông dân vẫn chưa biết đến nước mắm, bột ngọt là gì...nói gì đến hưởng thụ văn hoá. Vì thế, việc làm cho người nông dân đỡ đói, đỡ nghèo, đỡ cực là một việc rất cần thiết, quan trọng, mà chúng ta còn phải quan tâm gắng sức hơn nữa, dù trong hoàn cảnh nào cũng vậy. Bởi, chính những người nông dân ấy đã sản sinh, nuôi dưỡng nền văn học bình dân và nghệ thuật sân khấu trong đó có tiếng cười...
Nếu Chèo là nghệ thuật dân gian, thì Tuồng là nghệ thuật của cung đình - Tuồng là đậm chất bi và hùng. Nhưng giữa bi và hùng là gì? Là hài! Tuồng là sân khấu bác học, với phần lớn là các vở Tuồng cổ có chủ đề chính là “Quân quốc". Phần lớn là chuyện triều đình: vua băng, trung nghĩa, nịnh thoán, gian thần, cướp ngôi, nối nghiệp... Tuồng, bên cạnh những vở khuyết danh (đặc biệt, như vở Tuồng đồ "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" rất nổi tiếng với một phong cách dân gian đậm đặc); thì không ít vở là do các nhà nho, hoặc các ông quan trong triều Nguyễn như Đào Tấn, Đào Duy Từ, Nguyễn Hiển Dĩnh…sáng tác. Vì vậy, tiếng cười trong Tuồng, không phải là tiếng cười của các nhân vật là nông dân của làng xã, mà chủ yếu là tiếng cười trong chốn cung đình. Còn các vở Tuồng truyền thống nổi tiếng như "Ngọn lửa hồng sơn", "Sơn Hậu", "Đào Tam Xuân loạn trào"…bao giờ cũng có những lớp hài tuyệt vời - như Cai Cò, Đội Én trong "Đào Tam Xuân loạn trào" hay lớp Mao Ất trong “Sơn Hậu”... Đó là các trích đoạn rất hấp dẫn, cuốn hút, đã góp phần làm nên giá trị tổng thể của một vở diễn tồn tại đến hôm nay, mà trong đó, nổi bật tài năng nghệ thuật biên kịch của các cụ là rất giỏi, rất “sành” nghề. Chất hài trong Tuồng có tác dụng dung hòa chất bi, chất hùng; để cho: bi - nhưng cũng đừng đến nỗi quá khốn khổ khốn nạn mà không sống được; và hùng - cũng không “oai hùng” quá lên để xa rời hiện thực cuộc sống. Cái hài ở đây còn có tác dụng kéo khán giả đến với sân khấu, níu họ lại với vở diễn. Ngoài cái gọi là đả kích, phê phán tầng lớp cai trị, bộ máy cai trị, tiếng cười sân khấu còn có tác dụng giáo dục: khán giả xem và cùng cười, cùng tự cười ngay chính những thói hư tật xấu của mình, để tự hoàn thiện mình. Tác dụng giáo dục là không thể phủ nhận được...
Nói đến nghệ thuật sân khấu - từ cổ điển đến hiện đại, từ phương Tây sang phương Đông... - là nói đến hài và bi - nụ cười và nước mắt - là hai phạm trù vừa đối lập, lại vừa thống nhất để góp phần làm nên cuộc sống của con người! Dân gian có câu” Kẻ khóc, người cười”. Khóc, cười cùng song hành tồn tại - điều này thì ai cũng biết. Nhưng có một điểm rất đáng lưu ý mà những người ngoài nghề, có khi không để ý: trên sân khấu, bao giờ cười cũng khó hơn khóc! Hãy thử hỏi bất cứ một diễn viên nào cũng vậy: khi xúc động đến một mức độ nhất định, thì khóc. Khi vui tột đỉnh thì cười! Nhưng trong nghề biểu diễn, cười khó hơn khóc - diễn hài kịch khó hơn là bi kịch - vì thế mà diễn viên hài bao giờ cũng hiếm hoi và các “danh hài” nổi tiếng hơn các “danh bi” (xin mở một cái ngoặc nhỏ: Tất nhiên, bi cho ra bi, hài cho ra hài và phải là nghệ thuật đích thực, mới được công chúng chấp nhận; chứ không phải loạn “ranh hài” như hiện nay!?).
Nhớ lại năm 2011, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở VHTT&DL Quảng Ninh đã tổ chức Liên hoan Sân khấu Hài toàn quốc, lần thứ nhất. Lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua, một cuộc gặp mặt của các nghệ sĩ hài, các trích đoạn hài, các tiết mục hài và vở diễn hài được tổ chức một cách quy mô, chuyên nghiệp. Vạn sự khởi đầu nan, đây là một cố gắng lớn của Hội NSSKVN, trong bối cảnh sân khấu thưa vắng khán giả hiện nay, nhằm thổi bừng lên ngọn lửa sáng tạo - vốn đã có vẻ nguội lạnh của các nghệ sĩ sân khấu hài - trước hiện tượng “hài kịch” đang biến thành “hề kịch”…
Trong suốt cả một tuần lễ, khán giả của vùng đất mỏ Quảng Ninh đã được cười thoải mái, cười sảng khoái, cười hồn nhiên, hỉ xả…và cả những tiếng cười xót xa, chua cay nữa. Dù là tiếng cười như vỡ rạp, tiếng cười thầm kín, dí dỏm, hoặc tiếng cười “giật mình”, cười ra nước mắt để suy ngẫm; thì những tiết mục trong đêm khai mạc đủ các thể loại Tuồng, Chèo, Xiếc, Kịch nói, Cải lương đã thật sự là hài kịch, chỉn chu, nghiêm túc, sâu lắng…Khi những nhân vật hài của qúa khứ hàng ngàn năm, hàng trăm năm trong Chèo, Tuồng, và nhất là những nhân vật của cuộc sống đương đại (các Sếp lớn, Sếp nhỏ, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng thôn, cán bộ hành chính các thành phố, tỉnh lỵ, bà con nông dân, chiến sĩ cảnh sát, người lính cựu chiến binh năm xưa, những thanh niên trẻ tuổi)…xuất hiện trên sân khấu. Phải nói rằng, Liên hoan sân khấu Hài đã có những thành công nhất định về nghệ thuật trong việc phản ánh nhiều vấn đề của cuộc sống…
Tuy nhiên, bình tâm, khách quan và công bằng mà nói, nghệ thuật Hài, với những kịch bản hoàn chỉnh, hay các trích đoạn nội dung sâu sắc, có tính nghệ thuật cao, hấp dẫn và cuốn hút công chúng đương đại - nhất là với thế hệ khán giả trẻ - vẫn là một khoảng trống lớn của sân khấu hiện nay… Bởi đã 8 năm trôi qua, nhưng vẫn chưa thể tổ chức được một Liên hoan cho sân khấu Hài toàn quốc lần thứ hai? Đây chắc chắn là một vấn đề không nhỏ, rất cần sự quan tâm của đội ngũ tác giả, các nghệ sĩ sân khấu và sự chỉ đạo một cách “bài bản”, “ tài ba” của các cơ quan quản lý Nhà nước!
III.VỀ “XÃ HỘI HÓA” CÁC HOẠT ĐỘNG SÂN KHẤU…
Theo các Nghị quyết số 90/CP ngày 21-8-1997, Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16-6-2014…, thì chủ trương “xã hội hóa” các hoạt động văn học, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu, đã được triển khai thực hiện trên 20 năm nay…
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, có lẽ, quá trình này vẫn đang như một vòng tròn quẩn quanh chưa xác định được... một hướng đi cụ thể nào cả; vì không thấy các cơ quan, ban ngành, các đơn vị được chỉ đạo thực hiện một cách bài bản, theo một lộ trình cả trước mắt cũng như lâu dài. Trái lại, mỗi người hiểu một cách… mỗi địa phương, mỗi nhà hát, đoàn nghệ thuật… cũng tiến hành theo cách hiểu của riêng mình! Vì thế, tuy không phải là người làm công tác quản lý, cũng không phải là một nhà nghiên cứu chuyên ngành, nên chúng tôi sẽ không đi vào việc tìm hiểu, thẩm định một cách chuyên sâu các vấn đề cụ thể về “xã hội hóa” sân khấu. Nhưng với tư cách là một người làm nghề, đã lăn lộn với không gian sàn diễn sân khấu ngót nửa thế kỷ qua; bằng thực tiễn, kinh nghiệm đã nếm trải; bằng cảm xúc của một nghệ sĩ, chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến hoàn toàn mang tính cá nhân, thậm chí là chủ quan nữa, để mọi người trong và ngoài giới sân khấu có liên quan, tham khảo, luận bàn, trao đổi, chỉ giáo… để cùng tìm ra những giải pháp về “xã hội hóa” sân khấu một cách hiệu quả nhất. Bởi, nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam hiện tại, đang ở thời kỳ bị coi là “xuống cấp”- mặc dù cụm từ này chưa thật chính xác và không thật sự thuyết phục...
1. Đã có một thời gian dài, các nhà hát Trung ương, các đoàn nghệ thuật tỉnh, được Nhà nước cấp kinh phí để mỗi năm dàn dựng một vở diễn mới, cũng như sửa chữa, nâng cao vở cũ… Tuy nhiên, vở mới ra đời hầu hết chỉ tổng duyệt xong, diễn chiêu đãi vài ba đêm rồi cất vào kho, nhưng đơn vị vẫn báo cáo thành tích cuối năm là đã hoàn thành chỉ tiêu dựng vở; còn vở cũ chỉ được “nâng cao” hay “hạ thấp” cho xong chuyện… Đây là mô hình hoạt động dưới sự bao cấp của “bầu sữa mẹ ngọt ngào” - ngân sách nhà nước, kéo dài suốt mấy chục năm qua!
2. Khi nền kinh tế nước ta chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường, đã tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và văn hóa, nghệ thuật - trong đó có sân khấu - thì chủ trương “xã hội hóa” ra đời. Hiểu nôm na: một đơn vị nào đó, tài trợ cho một đoàn nghệ thuật nào đó, kinh phí dựng vở-nhiều, ít-tùy nghi và thích hợp. Rồi duyệt, rồi ra mắt và bán vé cho công chúng... Đây phải chăng đúng là mô hình “xã hội hóa” đích thực rồi? Nhưng nếu vở diễn mà chủ đề tư tưởng hỏng, chất lượng nghệ thuật non kém… thế là cũng cất vào kho! Phía đơn vị tài trợ thì “buồn ơi chào nhé !”, vì kết quả chẳng được gì, ngoài cái tiếng “hão-Mạnh Thường Quân”; còn đoàn nghệ thuật thì “quên đi nhé… chúng em đang dựng vở khác rồi Tổng Giám đốc ơi!”…
3. Có một nhóm nghệ sĩ của một đoàn kịch (hay một nhà hát) rủ nhau mỗi người đóng góp nhiều ít vài chục triệu, để tìm vở, tìm đạo diễn, hoặc tự dàn dựng lấy, âm nhạc chọn trong băng, đĩa, trang trí chọn vở cũ lắp ghép vào, trang phục diễn viên tự túc như ngoài đời…Vở hiện đại, 5 đến 7 nhân vật cho gọn nhẹ. Nội dung tầm tầm thôi: chồng cán bộ cấp cao (hay cao vừa vừa) của tỉnh hoặc Trung ương, vợ móc nối xã hội đen buôn bán, con nghiện hút vào tù tội… rồi mâu thuẫn cứ phát triển dần lên… rồi cảnh sát điều tra nhập cuộc… nhưng phải thật ăn khách… Vậy là ổn. Vở sống được vài tuần. Kinh phí thu hồi được vốn, lời lãi chia nhau… Nhưng hình như, đây là mô hình “tư nhân hóa”- chứ không phải “xã hội hóa”- như chủ trương của Nhà nước!
4. Tản mạn như vậy để thấy rằng, với xu hướng xã hội hoá hoạt động sân khấu đang được triển khai như vậy, sẽ còn rất nhiều vấn đề cần được bàn bạc, xác định cho rõ ràng hơn. Tuy nhiên, đây thực sự là xu hướng mang tính tất yếu, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước ta hiện nay. Theo định nghĩa của Từ điển bách khoa - “xã hội hóa” là làm cho trở thành của chung của xã hội”. Do đó, theo chúng tôi, xã hội hóa trước hết là để cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, được tiếp cận và hưởng thụ nghệ thuật sân khấu theo đúng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của mình. Trên cơ sở đó, sẽ huy động được mọi nguồn lực (của cả Nhà nước, tập thể và tư nhân), đầu tư cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của sân khấu, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nghệ thuật sân khấu ngày một hoàn thiện hơn, tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn.
5. Xã hội hóa, không thể chỉ đơn giản là việc nhập, tách hay giải thể bớt các đơn vị nghệ thuật, đưa một số nghệ sĩ ra khỏi biên chế Nhà nước, để cho họ tự lo liệu bằng cách tổ chức nhau lại thành từng nhóm rồi góp tiền dựng vở, sau đó đi diễn lấy tiền chia nhau… Như vậy, sẽ không còn là sáng tạo nghệ thuật nữa, mà chỉ còn là hoạt động kiếm sống theo kiểu các phường, gánh ngày xưa. Sinh thời, NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi cho rằng - nếu tư nhân hóa sân khấu, tức là trở lại như thời kỳ các gánh hát trước kia - thì chúng ta đã vô tình “nghiệp dư hóa” nền sân khấu chuyên nghiệp hiện nay!
6. Xã hội hóa hoạt động sân khấu, lại càng không phải là người người, nhà nhà cứ có tiền và nếu thích là có thể trở thành nghệ sĩ, mặc dù quyền được sáng tạo nghệ thuật là của tất cả mọi công dân. Nhưng để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, thì phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu khác nữa. Do vậy, bản chất của quá trình xã hội hóa là nhằm tranh thủ được nhiều hơn các nguồn kinh phí cho hoạt động sân khấu, không chỉ trông chờ vào Nhà nước như trước đây. Khi ấy, mỗi nghệ sĩ nếu muốn tồn tại thì không có cách nào khác hơn là phải có tài năng thực sự và luôn lao động nghệ thuật, với một tinh thần nghiêm túc, sáng tạo. Cũng như vậy, mỗi kịch chủng và đơn vị sân khấu muốn tồn tại, phát triển tốt, cũng sẽ phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng nghệ thuật, đồng thời phải xác định đối tượng khán giả chính của mình, từ đó mới có thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng.
7. Trong nhiều năm qua, để tạo điều kiện cho các vở diễn sân khấu có cơ hội đến với công chúng, các câu lạc bộ hay các nhóm nghệ sĩ sân khấu (của một nhà hát, đoàn nghệ thuật hay của các cá nhân), đã hoạt động hết sức năng nổ, lấy tình yêu sân khấu của người nghệ sĩ để đáp lại tình yêu của khán giả. Nhưng rõ ràng, tình trạng đóng cửa, tắt đèn sàn diễn của một số Nhà hát, rạp hát ở Hà Nội thường xuyên, sẽ khiến đông đảo khán giả dần dần quên mất thói quen đi xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu - vốn đã hình thành một nền nếp tốt đẹp lâu nay, từ những năm 80-90 của thế kỷ trước - bởi những ngày đó, mỗi khi ra mắt một vở diễn mới, ê-kíp làm vở và diễn viên, thường phải “trốn” những khán giả quen biết của mình, vì không còn giấy mời hay rất khó mua vé để biếu tặng, làm quà…
8. Một suy nghĩ nhỏ nữa của chúng tôi, để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xã hội hóa, là việc tuyên truyền, quảng cáo qua báo chí và các phương tiện truyền thông. Như chúng ta đã biết, hiện nay truyền hình là một phương tiện truyền thông hiện đại, hiệu quả, có tác động to lớn đến xã hội. Vì thế, Bộ VHTT&DL và Hội NSSKVN cần làm việc với Đài THVN bằng con đường chính thức cấp Nhà nước, để có thể mở một kênh quảng cáo miễn phí cho văn học, nghệ thuật nói chung, trong đó có nghệ thuật sân khấu. Việc này là bất khả thi với các đơn vị sân khấu cả nước, vì quảng cáo trên truyền hình có kinh phí rất lớn, không thể nào “chen chân” vào được...
9. Cuối cùng, có một “nỗi buồn” không nhỏ của các nghệ sĩ sân khấu lâu nay mà chúng tôi muốn đề cập đến về Liên hoan, Hội diễn của các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Đây là một ngày hội lớn, là dịp để các nghệ sĩ của các thế hệ gặp mặt, trao đổi, học tập về kinh nghiệm nghề nghiệp… chứ không phải chỉ là tìm kiếm Giải thưởng, Huy chương cho đơn vị hay mỗi cá nhân diễn viên. Nhưng hiện nay, do sức ép về kinh phí (các đơn vị tự lo kinh phí ăn, ở, đi lại), nên sau buổi lễ khai mạc hoành tráng, cờ và hoa và ánh sáng rực rỡ, với đầy đủ cả ngàn nghệ sĩ ăn mặc đẹp đẽ, nụ cười xinh tươi luôn nở trên môi… thì chỉ hôm sau, rạp hát đã vắng như “chùa Bà Đanh”, vì các nghệ sĩ đã kéo nhau về hết. Để đến lễ bế mạc, khi trao Giải Vàng, Giải Bạc… thì chỉ còn mấy vị lãnh đạo thay mặt đơn vị lên sân khấu nhận giải mà thôi. Thật là một cảnh tượng buồn! Vì thế, Bộ, Hội và các cơ quan quản lý Nhà nước, cần xem xét kinh phí cho các nghệ sĩ được ở lại trong suốt thời gian Liên hoan, Hội diễn, có như thế mới học được nghề và trân trọng nhau hơn! Đó cũng chính là niềm mong ước, là nguyện vọng chính đáng của các nghệ sĩ sân khấu!
Trở lên trên, là một vài tâm sự của chúng tôi về “xã hội hóa” sân khấu, với tình cảm của một người làm nghề. Xã hội hóa các hoạt động sân khấu hiện nay là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, một xu thế tất yếu của cuộc sống. Nhưng để thực hiện được những điều đó, trước hết, vẫn phải có được sự hậu thuẫn từ phía Nhà nước, bằng những cơ chế, chính sách phù hợp từ đầu tư cơ sở vật chất, cho đến đào tạo, sử dụng, đãi ngộ… đội ngũ nghệ sĩ, để có thể khuyến khích được tinh thần sáng tạo từ những tài năng thực sự... Đây hoàn toàn không phải là sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà thực tiễn sân khấu hiện nay đang đòi hỏi phải có một sự đổi mới mang tầm vĩ mô, được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, thì mới có thể cải thiện được tình hình. Vì thế, việc cần phải điều tra, đánh giá thực trạng xã hội hóa hoạt động sân khấu từ khi Nghị quyết số 90/CP ngày 21-8-1997 ra đời đến nay, là một việc làm hết sức cấp thiết. Từ đó mới có thể định ra được một lộ trình tích cực và hiệu quả hơn, để chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động sân khấu, đạt được những mục tiêu đã đề ra!
Vâng. Một năm nhìn lại với đôi điều suy nghĩ nhỏ về sân khấu! Chắc chắn, mùa xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ mang lại những niềm vui mới, những thành công mới, bởi nghĩ cho cùng – nghệ thuật nói chung, trong đó có nghệ thuật sân khấu – là tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống của đất nước Việt Nam chúng ta trong một thời kỳ đổi mới, với tất cả những khát khao, hy vọng và niềm tin mãnh liệt nhất!