Tìm tòi thể nghiệm

7/9
9:45 PM 2020

GIÁO SƯ PHAN NGỌC- HỌC GIẢ “DUNG NGỌC NHỮ VU THÀNH DÔ

TRẦN TRÍ DÕI-Tôi được thụ giáo “không chính thức” thầy Phan Ngọc có lẽ là một cơ duyên mà tôi không biết trước. Hồi ấy, cuối năm 1973, tôi trở thành sinh viên của khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến cuối năm 1977 thì chúng tôi tốt nghiệp khóa học này. Sau đó tháng 5 năm 1978, tôi cùng một vài bạn bè khác cùng khóa Ngữ Văn 18 được Khoa và Nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Bắt đầu từ thời gian ấy, tôi mới biết đến thầy Phan Ngọc.

GS Phan Ngọc

Bởi vì trước đó, tuy thầy cũng đang làm việc tại khoa Ngữ Văn nhưng thầy chưa bao giờ lên lớp để giảng dạy một giờ nào cho sinh viên chúng tôi. Hồi bấy giờ, khoa Ngữ Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được bố trí ở nửa phía Tây của tòa nhà B thuộc ký túc xá Mễ Trì của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay; còn nửa phía Đông của tòa nhà là thuộc khoa Lịch sử. Trong nửa tòa nhà phía Tây ấy, tầng 4 và toàn bộ phần tầng 2 là văn phòng và phòng tư liệu của khoa Ngữ Văn; lẫn vào đó, phần tầng 3 là phòng ở của một số thầy cán bộ lâu năm trong khoa Ngữ Văn không ở cùng gia đình hoặc chưa có nhà ở Hà Nội; còn phần tầng 1 và hai phòng còn lại trên tầng 4 là những lớp học chuyên đề. Khi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của khoa, thời bấy giờ do tình trạng thiếu chỗ ở cho cán bộ mới được giữ lại, chúng tôi chọn cách “tá túc” khi hôm nay thì ở phòng họp của khoa, khi ngày mai thì ở lớp học nằm trong cái khuôn viên chung ấy của khoa Ngữ Văn mà theo cách nói thời bấy giờ là “nằm bàn”, tức dùng bàn thay cho giường nằm.

Description: http://vanhoanghean.com.vn/images/2020/Thang12/DSC00013.JPG

GS Phan Ngọc (ngồi bên phải), GS Trần Trí Dõi - tác giả (bên trái ) và Nguyễn Đức Sung

Nhiều cán bộ giảng dạy của khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây thuộc lớp tuổi 65 -70 như tôi hiện nay đều gọi Giáo sư Phan Ngọc là “thầy Phan Ngọc”. Mặc dù hầu như không ai được chính thức thụ giáo thầy ở trên lớp học, nhưng theo tôi không ít người thuộc lớp chúng tôi đều tiếp nhận từ thầy những tri thức vô cùng quý giá. Có lẽ đó chính là lý do mà chúng tôi chọn cách danh xưng như thế đối với ông để tỏ lòng kính trọng. Đối với thầy Phan Ngọc, chúng tôi có cả một kho giai thoại đầy ngưỡng mộ và gần gũi mà riêng bản thân tôi không thể nào biết hết như những người cùng lứa tuổi. Ở đây, tôi chỉ xin kể đôi điều về thầy do trải nghiệm mà tôi biết được.   

Nhờ sự giới hạn về không gian của khoa Ngữ Văn như vậy mà tôi mới biết được thầy Phan Ngọc đang làm “tư liệu viên” của khoa Ngữ Văn. Công việc của thầy hồi đó là dịch những tài liệu phục vụ cho phòng tư liệu của khoa. Ngoài việc chúng tôi đến phòng tư liệu đọc những bản dịch chép tay hay đánh máy về ngôn ngữ học và văn học hay mỹ học của phương Tây do thầy dịch được lưu trữ ở đây, những lần thầy vào phòng tư liệu làm việc chúng tôi lại tìm cách gần thầy để nghe thầy nói đủ thứ chuyện liên quan đến ngành nghề. Những câu chuyện mà thầy nói cho chúng tôi nghe thuộc dạng chưa có dịp được nghe nên thật cuốn hút và thật hấp dẫn đối với chúng tôi lúc bấy giờ. Hồi ấy, do tính cách đơn giản của mình, tôi chỉ biết ông là “tư liệu viên” nhưng thuộc diện “bách khoa toàn thư”. Dần dần về sau, bản thân tôi mới biết được trước đây thầy cũng vốn là cán bộ giảng dạy của khoa, nhưng do được cho là có liên quan đến tư tưởng của nhóm “Nhân văn - Giai phẩm” trong nhà trường trước đó, thầy (cùng với thầy Cao Xuân Hạo) phải chuyển sang làm “tư liệu viên” của khoa mà không được đứng giảng ở trên lớp nữa. Và rồi sau nữa, chúng tôi cũng biết thầy chính là dịch giả Nhữ Thành nổi tiếng thời đó. Đọc những văn bản khoa học, thơ và tiểu thuyết mà thầy dịch như công trình “Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt...” của H. Maspero từ bản tiếng Pháp, bộ “Mỹ học Hegel” từ tiếng Nga sang tiếng Việt (có đối chiếu với bản tiếng Đức và tiếng Trung), tác phẩm “Thần thoại Hy Lạp” từ nguyên bản tiếng Hy Lạp, tácphẩm “Spartacus” từ nguyên bản tiếng Ý, tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình” từ nguyên bản tiếng Nga, “Sử ký Tư Mã Thiên” và “Thơ Đỗ Phủ”... từ nguyên bản tiếng Hán, kịch “Shakespeare” và tiểu thuyết “Đê Vit Cơpơphin”từ nguyên bản tiếng Anh v.v..., chúng ta chỉ có thể nói rằng ông thực sự là một dich giả siêu việt và hết sức tài hoa. Nhưng cũng mãi đến tận những năm 2000 sau này, khi có nhiệm vụ tìm hiểu lại lịch sử ngành Ngôn ngữ học của khoa Ngữ Văn nói riêng và của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói chung, tôi mới biết thầy chính là người giữ trách nhiệm Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học đầu tiên (trong 02 năm 1956-1958) của khoa Ngữ Văn khi năm 1956 trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập.

Có lẽ những điều tôi vừa kể về thầy Phan Ngọc như trên cũng có thể chỉ có một vài người như tôi trước đây chưa biết. Còn thời gian về sau, từ năm 1980 trở đi, khi thầy chuyển về làm việc tại viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam do Giáo sư Phạm Đức Dương phụ trách thì vị thế của thầy đã từ “tư liệu viên” chuyển thành “chuyên viên cao cấp”. Những công trình nghiên cứu mà thầy xuất bản vào thời gian này như “Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á” năm 1983, “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” năm 1985, “Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới” năm 1994, “Bản sắc văn hóa Việt Nam” năm 1998, “Thử xét văn hóa học - Văn học bằng ngôn ngữ học” năm 2000 và nhiều công trình khác nữa đã được độc giả nhiệt thành đón nhận. Những giá trị và tầm ảnh hưởng của những công trình đó đối với khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam đã được rất nhiều học giả thuộc những lĩnh vực khác nhau trong và ngoài nước phân tích và đánh giá. Năm 2000, trong số những công trình đó của thầy, có hai công trình đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Đối với bản thân, tôi có những kỷ niệm nghề nghiệp đi theo suốt đời mình về Thầy Phan Ngọc. Ở đây, chỉ xin kể lại một vài kỷ niệm ấn tượng về sự nhiệt huyết và uyên bác của thầy đối với ngành ngôn ngữ học. Vào năm 1979, hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam chính thức mở hệ đào tạo Sau Đại học, trong khi những người thuộc lớp như tôi chờ đi Nga hay đi Đức v.v… để học nghiên cứu sinh, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn giải thích và động viên tôi nên vào học khóa I hệ đào tạo này của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà “không  nên xếp hàng” để chờ đi đào tạo ở nước ngoài. Do là khóa đầu tiên đào tạo Phó Tiến sỹ (nay gọi là Tiến sỹ) nên nhà trường cử một tập thể gồm ba Giáo sư hướng dẫn cho tôi làm Nghiên cứu sinh. Giáo sư Nguyễn Văn Tu lúc đó đương nhiệm Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn nên là thầy hướng dẫn phụ trách phần “hành chính”; Giáo sư Hoàng Trọng Phiến chuyên về phần “đại cương ngôn ngữ học” nên là thầy hướng dẫn phụ trách học và thi các chuyên đề thuộc bậc Nghiên cứu sinh; còn Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn phụ trách chung và chịu trách nhiệm hướng dẫn tôi thực hiện luận án. Hồi đó, làm luận án Phó tiến sỹ không phải là do người học lựa chọn đề tài mà thường là căn cứ vào nhu cầu phát triển Bộ môn nơi mình công tác. Những cán bộ trẻ ở lại làm việc trước tôi đã được lựa chọn những gì mà các bạn ấy ưa thích để phát triển lâu dài. Khi gợi ý đề tài cho tôi, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn xác định còn một mảng trống trong ngành ngôn ngữ học là những vấn đề của “Lịch sử tiếng Việt”, mà trước hết phải là vấn đề “ngữ âm lịch sử”.

Do luận án Phó tiến sỹ của tôi có liên quan đến phần ngữ âm lịch sử mà trong chương trình học Đại học trước đó chúng tôi hầu như chưa được tiếp cận đến phần tri thức này nên Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn yêu cầu tôi “tầm sư” với nhiều thầy cô, trong đó có thầy Phan Ngọc để học hỏi thêm về lĩnh vực này. Vì thế, theo chỉ dẫn của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, tôi đã không biết bao nhiêu lần đến căn nhà ở phố Bùi Thị Xuân để hỏi thầy về lịch sử ngữ âm tiếng Việt trong công trình của H. Maspero mà thầy là người dịch từ tiếng Pháp qua bản dịch chép tay ở phòng tư liệu của khoa Ngữ Văn. Hồi ấy, ở địa hạt ngữ âm lịch sử, tài liệu xuất bản bằng tiếng Việt hầu như chưa có; tài liệu duy nhất chỉ là bản dịch chép tay của thầy Phan Ngọc về công trình của H. Maspero. Khi biết được công việc của tôi, ông đã tận tình và say sưa chỉ bảo cho tôi nhiều điều khó hiểu cũng như cách thức tiếp cận vấn đề lịch sử trong công trình của H. Maspero. Nhờ đó, tôi hiểu thấu đáo thêm những gì mà Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã phân tích và yêu cầu tôi nên lựa chọn ngôn ngữ của những nhóm tộc người được quy vào dân tộc Chứt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và dân tộc Thổ ở Nghệ An để làm tư liệu cho luận án. Bởi vì vào thời gian đó, nói về hai dân tộc này, nó thật sự xa lạ, không những vừa xa xôi lại vừa cách trở đối với tôi.

Có lẽ, nếu không có sự động viên cũng như sự giải thích tận tình của thầy Phan Ngọc, chưa chắc tôi đã đủ cam đảm để thực hiện yêu cầu mà Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đặt ra với tôi; do đó việc viết phần luận án có liên quan đến ngữ âm lịch sử tiếng Việt của tôi hồi ấy cũng sẽ gặp khó khăn đến mức nào. Thú thực là, ở vào tuổi gần 70 như hiện nay, nghĩ lại quãng thời gian lăn lộn với những bản người Arem, người Rục, người Mày... trong năm năm liền ở vùng núi miền Tây Quảng Bình và Nghệ Tĩnh thời gian cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ XX ấy, tôi không dám nghĩ là mình đã từng có thể vượt qua được gian khổ đó để thực hiện luận án của mình. Và cũng vào thời gian này nghĩ lại, tôi cũng nhận thấy tuy phong thái và cương vị giữa Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và Giáo sư Phan Ngọc lúc bấy giờ ít nhiều có khác nhau, nhưng đứng trước vấn đề liên quan đến văn hóa Việt Nam là lịch sử tiếng Việt, hai nhà khoa học hàng đầu của ngành ngôn ngữ học Việt Nam không mảy may có một sự “tỵ hiềm” mà đều có cùng một cách nhìn để hướng tới tương lai.   

Có một lần, thầy Phan Ngọc làm tôi vừa rất ngạc nghiên vừa rất cảm động. Số là vào đầu năm 1999, khi xuất bản cuốn “Bản sắc văn hóa Việt Nam”, thầy đã là học giả rất nổi tiếng nhờ những "giả thuyết" hay những "luận thuyết" mà thầy nêu ra trong những công trình nổi tiếng của ông. Còn tôi, khi ấy chỉ là cậu “cán bộ giảng dạy” của khoa Ngôn ngữ học, là khoa chuyên ngành tách ra từ một số Bộ môn ngôn ngữ học trước đây của khoa Ngữ Văn từ năm 1996. Ấy vậy mà tôi lại được thầy tặng cuốn sách “Bản sắc văn hóa Việt Nam” với việc ghi đầy đủ họ tên và chữ ký của thầy. Khi nhận được cuốn sách tặng đó, tâm trạng của tôi thật sự bâng khuâng. Tôi cảm động vì sau những năm tháng “tầm sư” thụ giảng với thầy để viết luận án Phó Tiến sỹ, tôi rất ít có điều kiện để gặp lại thầy. Vậy mà sau gần mười lăm năm không gặp lại, thầy vẫn nhớ đến và tặng tôi cuốn sách do thầy viết. Chắc là đã có một lý do gì đó khiến sau bao nhiêu năm mà thầy vẫn ưu ái nhớ đến tôi. Tôi chỉ có thể nghĩ như vậy và trân trọng giữ gìn kỷ vật mà thầy đã tặng. May mắn là, có một lần tôi được anh Nguyễn Duy Thiệu - một nhà nghiên cứu có tiếng đã cùng làm việc với thầy Phan Ngọc ở Viện Đông Nam Á, cho biết hình như thầy Phan Ngọc rất vui khi biết rằng tôi đã “không ngần ngại” gắn mình với ngôn ngữ của những nhóm tộc người Chứt và dân tộc Thổ điều mà ông đã từng động viên khi tôi đến thụ giáo.

Rồi mãi đến năm 2011, tôi lại mới có dịp đến thăm thầy nhân “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Hôm đó là ngày 19/11, sau khi khoa Ngôn ngữ học tổ chức xong buổi họp mặt chúc mừng các thầy cô ở khoa, tôi đề nghị một vị là đương kim Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học cùng tôi đến thăm thầy Ngọc. Khi đến khu Mỹ Đình, chúng tôi vào tầng ba tòa chung cư gì đó nơi thầy ở thì lại gặp cả TS. Nguyễn Đức Mậu, cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học, cùng cậu con trai cũng đến thăm và chúc mừng thầy nhân 20/11. Hôm đó, sau khi uống nước và thăm hỏi sức khỏe của thầy và cô, nhận thấy cả thầy và cô có vẻ rất vui nên tôi liền mạnh dạn thưa với thầy rằng:

- Thưa thầy, lâu rồi chúng em lại mới có dịp đến thăm thầy. Từ lâu, chúng em có một vài “giai thoại” liên quan đến thầy muốn được thầy và cô cho biết rõ ngọn ngành.

Thầy cười và hỏi lại tôi:

- Được thôi. Nhưng có chuyện gì mà các ông tò mò muốn biết vậy?

- Thưa thầy, em xin hỏi thầy ba câu chuyện liên quan đến thầy mà vốn chỉ nghe nhiều  người vẫn kể nhưng chưa biết thực hư thế nào. Chuyện thứ nhất là chuyện người ta kể rằng hồi “cải cách ruộng đất” thầy đã từng “cõng bộ” cụ Phan Võ từ Nghệ An ra ngoài Bắc để tránh chuyện “lên thành phần” gì đó phải không?

Nghe xong câu hỏi, thầy cười vui vẻ và trả lời chúng tôi:

- Hồi ấy, mình đang đóng quân ở Bắc và là Sĩ quan trong Ban Liên hiệp đình chiến. Khi biết tin ông cụ nhà mình ở địa phương thuộc diện sẽ “lên thành phần” thì mình báo cáo với lãnh đạo và cũng may là được cấp trên cho phép về quê để đưa ông cụ ra ngoài Bắc. Nói rằng “cõng bộ” thì không hoàn toàn như vậy mà chủ yếu là đi bộ vào ban đêm để không bị ngăn cản. Khi vượt qua phần đất Nghệ An sang được đất Thanh Hóa, mình với ông cụ mới thong thả hành quân vào ban ngày. Chuyện chỉ có vậy thôi mà. Thế chuyện khác là chuyện gì thế?

- Thưa thầy, ở Bộ môn Ngôn ngữ học trước đây của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có nhiều “dị nhân” về ngoại ngữ như thầy, thầy Cao Xuân Hạo, thầy Nguyễn Tài Cẩn v.v…Hậu thế bọn em kính phục thầy về khả năng sử dụng những ngoại ngữ mà thầy đã biết. Ngoài chữ Hán và tiếng Pháp là những ngôn ngữ chắc chắn thầy được học ở trường và tiếp nhận từ gia đình, các ngôn ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Hy Lạp, tiếng Đức là do thầy tự học. Vậy thầy tự học như thế nào để có được kết quả như thầy đã có?

- À, nói rằng tự học cũng đúng mà cũng không hẳn như thế. Đó là nhờ mình đã có học theo sự “chỉ bảo” của ông cụ cha mình đó. Chả là hồi ông cụ còn làm việc ở Huế, thay vì cho mình vào trường Quốc học, ông cụ gửi mình vào học thêm trường “Dòng” ở đây. Theo cụ, học trường Dòng mới có điều kiện để có thể học tiếng Latinh. Là dân ngôn ngữ học lịch sử thì chắc ông biết tiếng Latinh quan trọng như thế nào đối với sự hiểu biết về các ngôn ngữ phương Tây. Nhờ có bảy năm theo học tiếng Latinh trong trường “Dòng” ở Huế, sau này cùng với những hiểu biết về ngôn ngữ học, mình mới có điều kiện để “tự học” những tiếng mà mình không được dạy ở nhà trường. Chìa khóa để mình sử dụng các ngôn ngữ khác nhau thuộc gốc Latinh là như thế đấy ông ạ.

- Nhưng tiếng Latinh khó học lắm phải không thầy?

- Khó, nhưng khó cũng phải học vì ngoại ngữ là “chìa khóa” để mở cửa vào thế giới. Ông cụ nhà mình đã chọn và chỉ dẫn để mình phấn đấu mà.

Nghe thầy giải thích điều đó, chúng tôi hiểu ra khả năng đa ngoại ngữ của thầy là có lý do và cũng phải nhờ vào sự cố gắng và kiên trì của bản thân thầy. Vậy là, những tri thức về Đông Phương học và Hán học là thầy tiếp nhận từ truyền thống gia đình; còn tri thức về thế giới phương Tây là thầy tiếp nhận qua học vấn và qua cửa sổ “ngôn ngữ”. Nhưng cho dù là như thế, phải thừa nhận rằng sự kiên trì và khổ luyện của thầy mới có thể làm nên một học giả uyên bác như thầy hiện nay.

Rồi tôi tiếp tục hỏi thầy một điều băn khoăn khác:

Thưa thầy, chúng em biết tên hiệu và cũng là tên thầy dùng trong một vài văn bản dịch thuật là Nhữ Thành. Nghe đâu, tên Nhữ Thành đó gắn với tên Ngọc của thầy tạo thành một ý nghĩa gì đó sâu sắc lắm?

- Tôi xin nói với ông là tên Nhữ Thành mà tôi dùng là tên ông cụ nhà tôi đặt cho chứ không phải là do tôi lựa chọn. Chắc là khi lựa chọn tên hiệu này cho tôi dùng, ông cụ đã ngầm nhắc nhở tôi. Tên gọi đó là một cách rút gọn câu nói có “điển tích” của người xưa dùng để khuyên bảo. Tôi dùng tên gọi ấy là để vâng theo lời ông cụ răn dạy mình.

- Thưa thầy, thầy có nhớ nguyên văn câu “điển tích” đó không?

- Ở tuổi này (năm 2011 ấy thầy ở tuổi 86) và ngay bây giờ, tôi không nhớ được đầy đủ. Nhưng vẫn còn nhớ được một vế trong câu điển tích dùng để ghép tên Nhữ Thành mà ông cụ chọn cho tôi. Câu đó, đọc theo âm Hán - Việt là “Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã”. Ông về tìm hiểu nghĩa của cả câu đó thì sẽ biết dụng ý của ông cụ nhà tôi khi đặt tên Nhữ Thành cho tôi.

Tôi ghi ngay lại âm Hán - Việt câu thầy đã đọc rồi về nhà tra cứu lại nguyên văn chữ Hán câu “Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã” (貧贱懮戚鄘玉汝于成也). Đối với tôi, một người mù tịt về điển tích Hán Nôm nên sau khi tra xong phần chữ Hán của câu điển tích ấy, vì sợ một âm Hán - Việt hiện nay tương ứng với những chữ Hán khác nhau hiểu nghĩa sẽ không chính xác, tôi gửi thư qua email cho anh Phạm Ánh Sao - là cán bộ giảng dạy Hán Nôm của khoa Văn học, để nhờ xem những chữ Hán mà tôi tìm thấy có đúng với âm Hán - Việt hay không. Anh Phạm Ánh Sao xác nhận những chữ Hán đó có âm đọc Hán - Việt đúng như đã ghi. Và sau đó tôi lại nhờ anh Đinh Thanh Hiếu (mà dân Ngữ Văn chúng tôi gọi là ông “ma xó” về điển tích Hán) - cũng là cán bộ giảng dạy ở bộ môn Hán - Nôm của khoa Văn học, để nhờ anh giải nghĩa giúp và truy tìm xuất xứ của câu đó. Anh Đinh Thanh Hiếu cho tôi biết câu đầy đủ ấy ở bài "Tây minh" của đại nho Trương Tái đời Tống là “富貴福澤天厚吾之生也, 貧贱懮戚鄘玉汝于成也” có âm Hán - Việt là “Phú quý phúc trạch, thiên hậu ngô chi sinh dã; Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ vu thành dã”. Anh Đinh Thanh Hiếu giải nghĩa cho tôi, ngụ ý của câu đó là “Giàu sang phúc ấm là trời hậu với cuộc sống của ta; Nghèo hèn lo buồn là để rèn dũa ta nên ngọc”. Đọc nghĩa có trong câu của đại nho Trương Tái đời Tống, chúng tôi hiểu rằngvậy là tên hiệu Nhữ Thành mà cụ Phan Võ chọn cho Thầy Phan Ngọc đã nói lên tất cả những “được mất” trong cuộc đời của thầy. Và trong cuộc đời thực, thầy Phan Ngọc đã vượt qua được tất cả sự “Bần tiện ưu thích” để “nhữ vu thành ngọc” vậy. Bởi vì trong cuộc đời của một con người, không phải ai cũng dễ gì bỏ ra một khoảng thời gian trong gần một phần tư thế kỷ kiên trì với hoàn cảnh “bần tiện ưu thích” để sau năm 1980 trở thành một học giả được nhiều người trong nước và nước ngoài gọi là “nhà bách khoa thư” được. Một đức tính mà chỉ những người tự tại như thầy mới có thể có để vượt qua cuộc đời đầy sóng gió.

Sau lần thăm thầy vào năm 2011 và hỏi thầy một vài điều như tôi vừa kể, tôi nhận ra rằng cuộc đời mà Thầy Phan Ngọc hiện có thật là “thiên hậu ngô chi sinh dã”. Và tôi cũng nhận thấy rằng mình đã thật sự may mắn khi Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn yêu cầu tôi đến thụ giáo thêm ở thầy Phan Ngọc. Trong một “tình thái” như đang có vào thời gian đó, thầy Phan Ngọc đã không từ chối mà đã tận tâm chỉ dẫn và động viên tôi, một phong thái không phải người bình thường nào cũng có thể làm được. Có lẽ cũng nhờ cơ duyên ấy mà tôi không nghĩ rằng những bước chân của mình lang thang khắp miền Tây Quảng Bình, Nghệ Tĩnh và nhiều nơi khác ở đất nước Việt Nam theo như cách đồng suy nghĩ của hai thầy đã giúp tôi có thể đặt chân tới những giảng đường của nhiều Đại học danh tiếng ở nước ngoài như Đại học Bắc Kinh, Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Chulalongkorn, trường Cao học Xã hội Paris (EHSS) và một vài Đại học khác.

Tháng 8 năm ngoái (năm 2019), tôi lại đến thăm thầy ở khu nhà Ecopak. Ở tuổi 94, thầy không còn nói chuyện với tôi như hồi chúng tôi đến thăm thầy vào năm 2011 nữa. Tôi ngồi cạnh xe lăn của thầy, thưa chuyện với cô Kim Tuyến cùng con gái thầy - chị Tường Vân; và trong câu chuyện, khi cô Kim Tuyến hỏi “có đúng thế không anh Phan Ngọc” thì thầy xác nhận bằng cách mấp máy môi. Năm nay, anh Nguyễn Đức Mậu đề nghị tôi viết những kỷ niệm về Thầy Phan Ngọc, nhưng thú thực là tôi biết về thầy chỉ với những câu chuyện như thế. Tôi mong rằng với một vài kỷ niệm như trên về thầy Phan Ngọc, tôi xin viết để kính chúc thầy trường thọ và hy vọng được mừng sinh nhật lần thứ 100 của Thầy.

                                                                          Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2020                                                                            

                                                                             Trần Trí Dõi, khoa Ngôn ngữ học.

  

NGUỒN: VĂN HÓA NGHỆ AN

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *