TIẾNG SÁO TRÊN THẢO NGUYÊN- TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ TRUNG CƯỜNG
A Mốc bị tật chân, không có người thương. Anh phải ra ở nhà Rông trước ngày lễ mừng lúa mới. Mặc dù nhà Rông là ngôi nhà to đẹp nhất làng nhưng chẳng ai muốn con mình ra đó ở. A Mốc muốn được ở nhà thì trong mùa mưa này anh phải lấy vợ. Mặc dù cha tôi đã nhờ người mai mối rất nhiều đám nhưng họ đều từ chối khéo. Làng tôi hôn nhân tự nguyện, trai gái đến với nhau bằng tình yêu. Mặc dù có nhà cha mẹ đồng ý cho A Mốc làm rể nhưng con gái lại từ chối. Công việc nương rẫy và săn bắn, sức khỏe của người đàn ông rất quan trọng với gia đình. Nhà chỉ có hai anh em. Mốc không lấy vợ và không ra ở nhà Rông thì tôi không thể lấy chồng. Luật làng đã nhiều đời không ai có thể thay đổi. Người yêu tôi là A Bung bạn của Mốc. Anh đã chờ tôi suốt hai mùa rẫy rồi. Nếu hết mùa rẫy năm nay mà không có vợ, cả A Bung cũng phải tới nhà Rông ở. Gia đình bên đó đã đánh tiếng, nếu cha tôi không cho cưới họ sẽ hỏi đám khác cho con mình. Bung khỏe như gấu, nhanh như chó sói. Đứa con gái nào cũng muốn làm vợ Bung. Ai có được Bung trong nhà thì không sợ đói, không sợ thú và không phải lo mùa mưa mái dột. Đường tới trường học phải qua một con dốc dài, ngày nào Bung cũng cõng Mốc chạy như một con ngựa thồ. Được Bung để mắt tới là một may mắn Giàng ban cho tôi. Bung làm chồng tôi, Mốc với Bung sẽ là người trong nhà. Chồng tôi sẽ giúp được A Mốc nhiều hơn. Không chỉ tôi mà cả A Mốc cũng rất lo A Bung lấy người khác, bận việc gia đình không có người giúp đỡ. Trường học mở, cả làng chỉ có Mốc và Bung đi học. Bung là người giỏi tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng các dân tộc anh em.
Gia đình tôi có được Bung thì chẳng khác nào Giàng ban cho cây sà gạc tốt, rèn được con dao sắc và thuần dưỡng được một con voi quý, làm việc gì cũng sẽ nhanh chóng. Mặc dù cha tôi rất muốn gả tôi về làm vợ Bung nhưng lại không muốn Mốc ra ở nhà Rông. Ông sang cả làng bên tìm vợ cho con trai. Nghe kể cũng có cô gái đồng ý nhưng gặp mặt họ lại tìm cách từ chối. Trời nắng như đổ lửa mà gia đình tôi không ai mong mưa về. Vì mưa về sớm ngày nào thì ngày A Mốc phải ra nhà Rông ở càng tới gần. Sáng nay già làng đã tới bàn với cha tôi việc của A Mốc. Mẹ tôi lấy lý do A Mốc đang học cái chữ của Giàng chưa lấy vợ được để xin cho anh ở nhà thêm năm nữa. Nguyện vọng của mẹ không được già chấp thuận vì từ khi Giàng cho A Mốc về làm con mẹ tôi đã được hai mươi hai mùa mưa rồi. Thấy ánh mặt trời được mười sáu mùa rẫy, con trai, con gái trong làng được làm lễ trưởng thành. Sau lễ trưởng thành là được tự do tìm hiểu nhau. Trong làng tôi trai, gái thường kết hôn vào tuổi mười tám đôi mươi. Tôi hiện giờ cũng đang ở độ tuổi đó. Những đứa con gái sinh cùng mùa rẫy đều đã có con địu trên lưng. Mặc dù rất thông cảm với A Mốc là người khuyết tật nhưng luật làng không thể trái.
Mùa khô sắp đi qua rồi. Nếu có ai trong nhà nói đến tiếng mưa là mẹ tôi lại buồn. Bà cấm không cho tôi nhắc đến những cơn mưa đầu mùa. Thương anh trai, tôi cũng mong mưa không về. Thương bản thân mình, tôi lại mong mùa khô mau hết. Bộ ngực vạm vỡ của Bung như chén rượu ngon làm tôi mê muội. Mốc là vật cản duy nhất ngăn tôi đến với người yêu. Nhiều lúc không kìm chế được tôi cáu gắt cả với anh trai. A Mốc nhìn em gái bằng ánh mắt độ lượng. Mặc dù gia đình tôi không muốn nhưng Giàng vẫn đưa những cơn mưa về. Thần sấm sét (bôkglaih) ngủ suốt mùa khô, đến mùa mưa thức giấc đi gieo mưa thuận gió hòa khắp mọi nơi. Thần về, vì cây rừng đang thiếu nước cháy khô. Con đường khát nước bụi đỏ ngầu. Dòng suối chờ nước cạn khô. Ngọn núi thiếu nước trơ đá tai mèo nóng bỏng. Nương rẫy thiếu nước đất đai khô cằn…
Trời báo hiệu mùa mưa bằng những chiều mây giăng xám, gió lốc xoáy bụi đất đỏ tung trời. Mẹ tôi nhìn đàn kiến nối đuôi nhau di cư, thở dài. Đêm xuống, những con mối cánh lẻ loi bay lạc vào ánh sáng của bếp lửa bập bùng. Ngày mai Mốc ra nhà Rông, những đêm mưa cũng sẽ lẻ loi như những con mối này. Hiện giờ nhà Rông của làng vẫn chưa có ai ở. Người cô đơn cuối cùng ở đó đã được Giàng thương cho một cô gái bầu bạn, họ về nhà từ đầu mùa khô. Cha tôi rít hơi thuốc dài thở khói vào màn đêm. A Mốc đã học hết cái chữ ở trường. Thầy giáo bảo muốn học thêm nữa phải xuống Sài Gòn. Đi xa không có người bạn như A Bung thì sao A Mốc sống được. Sài Gòn ở đâu thì cả làng tôi không ai biết. Gia đình A Bung không cho anh học tiếp. Trai lớn phải lấy vợ sinh con đẻ cháu cho dòng tộc.
Thời gian chuyển mùa chậm chạp, mấy ngày sấm, chớp mới có một cơn mưa đầu mùa. Mặt đất uống nước xèo xèo. Trẻ con chạy ào ra sân đón mưa. Làn da nâu nhẵn bóng. A Mốc nhìn bọn trẻ tắm mưa, anh khẽ gật đầu, rồi quay lại phía tôi:
- Em chuẩn bị về làm vợ Bung đi. Ngày mai anh sẽ ra nhà Rông ở. Cha mình năm mươi mùa rẫy rồi mà vẫn chưa được làm ông. Cả nhà Dài chỉ có nhà mình là chưa có trẻ nhỏ.
Mẹ tôi ôm lấy Mốc. Mắt đẫm nước:
- Con cứ ở nhà với mẹ không phải đi đâu. Giàng cho chúng ta là người một nhà, không thể xa nhau được. Chỉ khi mẹ về với Giàng thì mẹ mới xa con.
Mưa rửa sạch bụi đỏ lấy lại màu xanh cho lá. Mưa về phủ xanh lại đồi, rẫy, phủ trắng núi rừng hùng vĩ. Mặc dù đôi chân của A Mốc không thể đi rừng, lội suối, không thể trèo núi, lên nương nhưng anh có đôi tay chắc như lõi cây rừng và cái miệng thổi sáo hay hơn cả tiếng chim buổi sớm. Tiếng sáo của anh trong như dòng suối, ngọt như mật ong rừng… Viên công sứ người Pháp rất mê tiếng sáo của A Mốc. Mỗi lần về dự hội ông thường lắng nghe anh thổi rất lâu. Nghỉ học, A Mốc được làng cho làm nghề thợ rèn. Cây sà gạt anh làm ai cũng thích. Con dao Mốc rèn ai cũng khen. Cồng chiêng anh đúc tiếng trong âm vang khắp núi rừng… Cả các làng bên cũng tới nhờ anh làm công cụ lao động. Nhiều người có con gái rất quý A Mốc. Nhưng khi cha tôi đặt vấn đề kết thông gia là họ lảng tránh ngay.
Mặc dù trong gia đình ai cũng ngăn cản nhưng A Mốc vẫn ra nhà Rông. Ngay trong mùa rẫy bận rộn, gia đình A Bung nhờ ông mối tới nói chuyện với cha tôi làm lễ “pơ xít” (lễ đính hôn của dân tộc Ba Na). Hết mùa mưa, sau vụ thu hoạch, vào một đêm trăng tròn, tôi trở thành vợ của Bung. Theo thông lệ chúng tôi phải ở nhà trai hai năm, nhà gái hai năm. Quay vòng đến khi chồng tôi đốn đủ cây rừng dựng nhà mới. Gia đình tôi neo người, nhà sàn lại rộng. Cha tôi đón vợ chồng tôi về ở cùng khi hết một tuần trăng tròn. Ông trao cho A Bung mũi lao phòng thú dữ của gia đình. A Mốc ở miết trong nhà Rông, thời gian anh về nhà mỗi ngày một thưa hơn. Mặc dù có rất nhiều cách giải thích của dân làng về việc con trai lớn chưa vợ phải ra ở nhà Rông nhưng tôi thấy cách giải thích của A Bung là đúng hơn cả. “Con trai lớn không có vợ phải ở tách ra để cha mẹ và các cặp vợ chồng khác trong gia đình tiện sinh hoạt tình cảm.” Nhà Dài nối tiếp nhau, tiếng động của nhà này chuyền sang nhà kia, sàn này rung chuyền sang sàn kia, đêm đêm đã ngầm nhắc nhở những đôi bạn trẻ làm cái việc Giàng ban tặng, để sinh con đẻ cháu cho buôn làng.
Chồng tôi trở thành thông ngôn trong dinh công sứ. Mùa lễ hội, A Bung thường hay vắng nhà. Anh theo viên công sứ đi khắp các buôn làng. A Bung mặc áo vest đi giày Tây. Anh oai vệ bên ngài công sứ nhưng lại lạc lõng với buôn làng. (Dân tộc tôi, con trai thường đóng khố cởi trần.) Mùa mưa lại đến. Mưa dầm dề cả tuần chẳng thấy ánh mặt trời. Những ngày mưa Bung ở lì trong dinh không về nhà. Nhớ chồng tôi tới thăm, được viên công sứ cho ở lại qua đêm. Nhà Tây lạnh như hang đá. Tôi nép vào ngực Bung cũng không hết lạnh. Ngọn lửa của anh không đủ phá tan hơi lạnh của những bức tường rắn chắc như đá. Mặt trời leo qua được ngọn núi là tôi trở về làng ngay. Qua nhà Rông tôi thấy Mốc ngồi một mình nhìn ngọn núi mờ xa. Nếu Mốc không bị tật chân thì anh đâu có thua kém Bung. Sẽ có rất nhiều những cô gái vây quanh anh. Mái tóc mẹ tôi không bạc trắng như những người hơn mình nhiều mùa rẫy. Tối tối, cha tôi không phải cong lưng kéo cầu thang nhà sàn lên để tránh thú dữ nửa đêm bất chợt về làng buôn… “Giàng ở nơi đâu trên những ngọn núi cao xanh kia?” Nếu biết Giàng ở nơi nào tôi sẵn sàng đi tới đó, để xin cho Mốc đôi chân khỏe mạnh. Để anh đi rừng, vượt suối, trèo non… Nữ thần đầy lòng thương người hay giúp đỡ kẻ gặp hoạn nạn (Dạ Apom) vẫn chưa để mắt tới A Mốc. Mặc dù A Mốc có tiếng sáo say đắm lòng người. Nhưng tiếng sáo không đốn ngã được cây rừng, không dựng được cây cột làm nhà và không vật ngã được con thú…
Mùa khô là thời gian những người đàn ông vào rừng xẻ gỗ dựng nhà. Từ nhỏ đám con trai đã được cha dạy cho những công việc của người đàn ông trong làng. Một mùa khô lại đến với núi rừng. Đồi thưa cây, trụi lá trơ những mảng đất nâu khô cằn. Già làng bảo ông chưa từng thấy có mùa khô nào như năm nay. Nương rẫy cháy khô nứt nẻ, chẳng thể có hơi ẩm cho hoa dại sinh sôi nảy nở và khoe sắc. Chỉ có tiếng sáo của A Mốc là vẫn trong trẻo vang xa mỗi chiều. Nhiều cô gái đi lấy nước, dừng chân đứng lại ven đồi lắng nghe tiếng sáo. Không biết say tiếng sáo hay ống nước nặng mà đoạn đi qua nhà Rông họ đi rất chậm. Mẹ tôi thường nấp ở một gốc cây rừng xem cô nào lưu luyến với tiếng sáo nhất, rồi nhờ người mối mai. Nhưng cũng chẳng mang lại kết quả gì. Đường xuống chợ xa, đường lên nương dốc, lối vào rừng gập ghềnh… Đôi chân teo tóp của Mốc không thể cáng đáng nổi việc của người chồng. Người xẻ gỗ lợp nhà. Người che mái dột. Người thuần dưỡng con voi…
Mùa mưa lại bắt đầu với những cơn mưa bất chợt. Mưa xuống cũng là thời gian tra hạt trồng cây. Buổi sớm lên nương, cha tôi thấy một cô gái nằm ngủ trong chòi coi ngô nhà mình. Mái tóc dài xõa xuống mặt sàn. Ông trở về nhà bảo mẹ tôi lên ngồi chờ cô gái tỉnh. Mặt trời đứng bóng cô vẫn chưa dậy. Mẹ tôi lay gọi thế nào nhịp thở của cô vẫn đều đều. Bà sợ hãi về mời già làng lên. Già làng bắt mạch chau mày, mồ hôi vã ra trên trán. Lúc lâu ông mới nói:
- Người này lạc rừng nhiều ngày bị đói. Chiều qua ăn nhầm lá ngủ. Tới đây thì thiếp đi. Cô gái cứ ngủ tới khi cơ thể kiệt sức rồi đi luôn với Giàng không tỉnh lại được nữa.
Mẹ tôi sợ hãi hỏi:
- Thưa già có cách nào cứu cô bé không ạ!
Già làng thong thả nói từng tiếng rất chậm:
- Có nhưng phải lần theo con đường cô gái tới đây, đến đúng cái cây cô hái lá ăn, chặt một cành mang về đây mới chữa được.
Trời đã có mưa, đất mềm in dấu bàn chân. Nhưng rừng cây rậm rạp biết cô gái đã hái lá từ cây nào. Cha tôi cầm bàn tay của cô gái đưa lên phía mặt trời. Lòng tay vẫn có một vết nhựa trắng. Mẹ tôi đưa bàn tay lên mũi ngửi bà nhận ra mùi thơm thơm của thứ lá quen thuộc. Loại lá mà người dân làng tôi thường dùng làm thuốc mất ngủ. Mốc ra nhà Rông chẳng đêm nào mẹ tôi ngon giấc, bà cũng đã phải ăn loại lá này. Chỉ cần một cái lá non là đủ cho một người có giấc ngủ ngon từ lúc gà lên chuồng đến khi mặt trời mọc. Mẹ tôi phỏng đoán:
- Rừng phía đầu nguồn con suối có rất nhiều loại cây này. Chắc cô gái đi về từ hướng đó.
Già làng vẫn điềm tĩnh:
- Thảo nguyên có ngàn loài cây mà ta chưa biết. Nếu Giàng cho cô bé còn được thấy nắng trời thì sẽ có được thuốc giải.
Cha tôi xách rựa theo già làng vào rừng. Mẹ tôi cùng một số người đưa cô gái về làng. Chiều tàn bên kia ngọn núi, A Mốc lại thổi sáo gọi ánh trăng lên. Không biết do thuốc của già làng đã ngấm hay do tiếng sáo của A Mốc mà cô gái thức giấc đúng lúc vầng trăng lên tới đỉnh rừng. Tỉnh lại cô gái trở thành con của mẹ tôi. Lễ kết nghĩa diễn ra rất đơn giản. Chỉ có con gà và vò rượu. Thầy cúng hòa tiết gà vào rượu đổ lên vai mẹ tôi. A Nheo (tên cô gái) quỳ xuống hứng lấy dòng rượu, uống ngay, trước sự chứng kiến của cả làng. A Nheo ở một buôn rất xa, rất xa tận phía bên kia ngọn núi. Cha mẹ bị thú rừng sát hại. A Nheo phải ở với chị gái. Thấy người em vợ xinh đẹp, ông anh rể đã đem lòng yêu mến. Lão đã ngầm sát hại vợ mình để lấy em gái theo phong tục nối dây. A Nheo sợ hãi trốn vào rừng, bị lão cho đàn chó săn tìm đuổi. Hết một tuần trăng, Giàng mới dẫn đường cho cô tới rẫy của nhà tôi. Từ một kẻ xa lạ Giàng đã cho A Nheo trở thành thân thiết với gia đình.
Thảo nguyên của chúng tôi, trước khi vào mùa mưa chính phải mất khoảng một hai tuần trăng với những cơn mưa bất chợt trong ngày. Người ta lợi dụng đất ẩm của những cơn mưa đầu mùa, tranh thủ gieo hạt những giống cây ngắn ngày như ngô, đậu. Cả ngày A Nheo đi bên mẹ tôi. Cô uống ừng ực dòng suối tình mẫu tử bà dành cho. Họ lên nương trẩy bắp, họ xuống suối bắt cá. Họ vào rừng tìm cây lấy sợi dệt vải… Những ngày mưa dày dần, rồi xóa cả đất trời. Ngồi trong nhà ngắm ra ngoài, nhìn đàn mối cánh rủ nhau tìm ánh sáng, mẹ mới nhớ có đứa con gái là tôi. Yêu chồng, tôi đã vào dinh công sứ thổi cơm để được gần anh. Mẹ đội mưa mang cho tôi mấy bắp ngô non. Mưa, lạnh, hai mẹ con ngồi trong bếp, nướng những bắp ngô trên than hồng, tỏa hương thơm béo ngậy. A Bung đi vắng, mẹ ở lại cùng tôi trong căn nhà nhỏ. Vẫn là cây gỗ ở rừng, vẫn là mái nhà truyền thống, nhưng bên trong A Bung làm theo kiểu người Pháp, trên sàn chia thành nhiều phòng nhỏ riêng biệt. Phòng ngủ, tiếp khách và nhà bếp. Nhà tách hẳn đứng độc lập như một ngọn núi không gắn vào những ngôi nhà khác. Mẹ nhìn ngọn lửa bập bùng trên bếp. Tiếng ngô nổ tí tách, tiếng mưa róc rách chảy tràn bên hiên nhà, tiếng cóc, nhái kêu ộp ộp...
Mùa mưa là mùa vạn vật sinh sôi. A Nheo là đứa con gái Giàng ban cho mẹ. Cô yêu tiếng sáo của A Mốc như cái rẫy yêu hạt mưa, như con cá yêu dòng suối và như tôi đứa con gái của mẹ yêu A Bung… Nhưng luật làng không cho phép con đẻ lấy con nuôi. Nếu hai người quyết tâm đến với nhau thì phải nộp phạt rất nặng. A Bung là người duy nhất trong làng có đôi chân vượt qua được ngọn núi tới những buôn làng từ trước tới giờ mẹ chỉ nghe kể. Bung có đôi tai nghe được nhiều thứ tiếng và có con mắt nhìn được cái chữ của Giàng. Mẹ muốn nhờ chồng tôi giúp đỡ việc của A Nheo và A Mốc. Nhưng viên công sứ không cho phép A Bung can thiệp vào công việc nội bộ của làng và truyền thống văn hóa của dân tộc. Mẹ tôi lại trở về trong màn mưa dầy đặc. Tiếng mưa rơi, tiếng lá rừng, tiếng suối chảy hòa thành một thanh âm không thể diễn tả được bằng lời, thanh âm trong veo, réo rắt gọi mùa mới.
Trong màn mưa, tiếng sáo của A Mốc cứ ngân dài ngân mãi. Nó truyền hơi ấm cho A Nheo lên nương hái ngô non; chuyền sức mạnh cho đôi chân cô vượt lên đỉnh dốc; tiếp cho A Nheo sự vững chắc vượt qua dòng suối nước lũ… Cả đời vất vả lội suối trèo non, đôi chân mẹ tôi đã mỏi, con mắt bà đã mờ, đôi tai bà không còn nghe được tiếng thì thào của rừng cây… A Nheo trở thành người phụ nữ đảm đương công việc của gia đình. Mặc dù có nhiều người muốn hỏi nhưng cô không bằng lòng lấy ai. Mẹ tôi đau yếu hai người vẫn quấn quýt bên nhau. Hàng ngày cô đấm lưng, bóp chân cho bà… Mẹ giao hết việc nhà cho A Nheo, trồng cây gì trên nương, nuôi con gì trong vườn, tìm sợi gì dệt vải đều do A Nheo lo liệu. Bà chỉ giữ lại cho mình việc mang cơm cho A Mốc ở nhà Rông.
Hết mùa khô lại tới mùa mưa. Mưa đầu mùa làm xanh những ngọn ngô đợi trổ cờ. Mắt mờ, mẹ vẫn lên nương nhặt cỏ, tiếng sáo ngược dốc lên rẫy dẫn đường cho bàn tay mẹ. Đất ẩm làm cây mau lớn mấy ngày đã tím những hoa đậu xanh, vàng những bông đậu phộng. Tiếng sáo cùng mưa đầu mùa làm những ngọn cải trong vườn của mẹ nhanh lên ngồng. Nó truyền hơi ấm của mẹ cho đứa con trai tật nguyền bằng những bát canh ngọt mát. Tiếng sáo giục những đọt bí leo nhanh trên giàn của cha. Nó căng tràn nhựa sống, khoe hoa vàng cho ong, bướm tung tăng. Cây gì của gia đình tôi năm nay cũng được Giàng cho sai hoa nhiều quả.
Buôn làng mở hội Lễ tạ ơn thần lúa (Sré Yang) - Cầu mong cho sự bình yên, ấm no chung của cả làng. Tiếng cồng chiêng vang khắp núi rừng. Tiếng sáo của A Mốc theo ngọn gió bay lên đỉnh ngọn núi cao, cùng tia nắng xuống đáy thung sâu, theo con suối tới tận dòng sông. Nó gọi đàn cá ngược dòng lên suối. Viên công sứ về dự hội. Một người Ba Na trong đoàn tùy tùng của ông mê tiếng sáo trong như ánh trăng, ngọt như mật mía, quyến rũ như bông hoa rừng đã xin với làng và cha tôi cho nhận A Mốc làm con nuôi. Mẹ tôi đồng ý ngay. Bà bàn với chồng cho A Mốc con heo lớn nhất để làm lễ nhận cha. Mừng cho A Mốc, trai gái trong làng múa hát thâu đêm. Tuần trăng kế tiếp, ông I Bương, người nhận A Mốc làm con nuôi trả lại gia đình tôi lễ tạ ơn người nuôi dưỡng A Mốc còn long trọng hơn nhiều. Ông I Bương xin cha tôi đón A Mốc về ở cùng trong ngôi nhà của mình. Anh là người biết chữ giúp được ông rất nhiều trong công việc của viên công sứ giao cho… Xa nhà Rông, tiếng sáo của A Mốc vẫn ngân nga mỗi chiều. Những người xuống chợ từ ngọn núi xa xa, biết là đã muộn vẫn dừng lại lắng nghe. Cho đàn ngựa được nghỉ chân gặm cỏ. Một cô gái trong làng mới đem lòng yêu mến A Mốc nhưng anh từ chối. Vì trái tim đã thuộc về người khác rồi. Nàng yêu A Mốc từ khi anh chỉ là người biết thổi sáo. Những ngày mưa tối trời, những đêm dài đằng đẵng, những trưa mùa khô thanh vắng, A Nheo thường lặng lẽ ra nhà Rông trò truyện với anh. Tình yêu của họ trong như dòng suối, đẹp như ánh ban mai, đằm thắm như tiếng sáo của Giàng. Được cha nuôi ủng hộ, A Mốc thường nhờ A Bung về làng đón A Nheo và mẹ lên chơi, để họ được gần nhau.
Mùa lúa mới lại bắt đầu trổ bông. Dân làng tôi mở hội, cầu mong cho cuộc sống của mọi gia đình trong buôn làng được ấm no, hạnh phúc, cầu mong Giàng phù hộ cho mùa bội thu, các con vật không về nương rẫy phá hoa màu.
A Mốc mang tiếng sáo về dự hội. A Nheo chờ anh ở đầu dốc từ lúc con gà mới gáy. Hừng đông lóe sáng. Phía xa xa, núi rừng đang cựa mình thức dậy. Màn đêm loang ra, loang mãi thành một màu trắng sữa xen lẫn phớt hồng. Trùm phủ những tán cây là một thứ ánh sáng trong trẻo. Tiếng chim thả vào buổi sớm âm thanh mật ngọt. Hội làng năm nay là lễ hội vui nhất trong đời hai người. Vì mấy năm qua họ đã lo đủ số lễ vật nộp phạt cho làng, để được về sống cùng nhau. Mặc dù ở trong nhà tôi nhưng A Nheo và A Mốc chưa từng ăn chung một bữa cơm. Họ hiểu nhau qua ánh mắt và tiếng sáo ngọt lành. Cảm động trước tình yêu của hai người, già làng tôi quyết định chỉ nhận lễ tượng trưng. Ông cho phép A Mốc được trở về ngôi nhà của mình sống cùng A Nheo và cha mẹ.
Từ hôm đó, chiều chiều trong buôn làng tiếng sáo trong vắt như nước suối của Giàng lại vang lên động viên cây ngô nhiều bắp, cây lúa nặng bông và cây khoai sai củ…
Nguồn Văn nghệ số 23/2017