BIỂU TƯỢNG NƯỚC-LỬA-ĐẤT TRONG CÁC PHIM “TRĂNG NƠI ĐÁY GIẾNG”, “CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN” VÀ “BI, ĐỪNG SỢ
Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận |
Không phải ngẫu nhiên mà trong Cánh đồng bất tận, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình thể hiện nhiều khuôn hình các nhân vật nữ tắm, gội đầu, rửa mặt, vuốt tóc... Ngay khi tỉnh dậy sau ba ngày mê man, Sương đã muốn đi tắm, Điền tìm cho cô một cái ao nhỏ chứa nước ngọt hiếm hoi chứ không phải là thứ nước phèn chua vàng. Đạo diễn sử dụng góc máy cao, toàn cảnh rồi từ từ quay cận cảnh Sương vai trần thấp thoáng sau những đóa sen. Ở đó không phải là một người đàn bà “làm gái” mà là một phụ nữ muốn được gột rửa những vết nhơ xưa cũ để hi vọng được thay đổi, được sống một cuộc sống khác. Ở một trường đoạn khác, máy quay toàn cảnh chiếc thuyền trên mép sông, đầu thuyền là Sương và Nương đang gội đầu, rửa mặt cho nhau, rồi chuyển sang trung cảnh chiếc áo trắng bị ướt nước bó sát vào cơ thể, để lộ đường cong đẹp đẽ (màu áo trắng càng tôn thêm sự thuần khiết, tinh khôi của hai người phụ nữ), rồi chuyển sang cận cảnh khuôn mặt và nụ cười của Sương, sự e thẹn của Nương, rồi lại về toàn cảnh gió chiều vi vu thổi, Út Vũ trên bờ chặt củi khô, trông họ như một gia đình hạnh phúc.
Chúng ta cũng gặp hình ảnh gội đầu, rửa mặt của người nữ trong Trăng nơi đáy giếng. Ở trường đoạn đầu phim, khi lấy nước rửa mặt, Hạnh không ngồi rửa luôn dưới bồn mà đem ra hứng ánh trăng, để có thể soi ngắm bóng mình. Góc máy cao từ trên xuống với khuôn hình toàn cảnh kết hợp với ánh sáng vừa đủ của buổi sớm, trăng soi xuống bóng nước lung linh, Hạnh hiện lên đẹp dịu dàng, nữ tính. Hành động Hạnh lấy nước hứng ánh trăng để soi còn báo trước cho khán giả thấy sự tinh tế, lãng mạn trong tâm hồn, tính cách của Hạnh.
Hành động tắm gội còn được lặp lại nhiều lần trong Trăng nơi đáy giếng và Bi, đừng sợ như một phương tiện thanh tẩy, bao bọc, chở che, đồng thời góp phần thể hiện vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ. Cả hai bộ phim đều xuất hiện hình ảnh người phụ nữ tắm gội cho con trẻ. Ở Trăng nơi đáy giếng là Hạnh tắm cho cu Nhứt, toàn cảnh, máy quay đặt từ xa, tiền cảnh thấp thoáng những đóa sen, khuôn hình hiện lên đầy chất thơ, mang lại cho người xem cảm giác ấm áp về tình yêu thương, chăm sóc, sự chở che của người mẹ dành cho đứa con. Ở Bi, đừng sợ là hình ảnh người cô tắm cho Bi trong nhà tắm, máy quay cũng đặt từ xa, vang vọng tiếng cười con trẻ.
Trong Bi, đừng sợ, nước không chỉ là một biểu tượng mà còn là một “nhân vật” mang nhiều ý nghĩa. Nước và các biến thể, đặc biệt là trạng thái đông đá là một ẩn ngữ xuyên suốt mạch phim. Nước là thế giới đầy hồn nhiên và trong trẻo của Bi khi bao bọc quả táo và chiếc lá phong. Nước xóa đi những xô bồ của cuộc sống khi bố Bi tắm dưới vòi hoa sen. Nước (đá) giúp người cô tự làm nguội mình, tự thỏa mãn những khát khao bản năng. Nước (đá) như liều thuốc xoa dịu cơn đau của người ông. Nước là mồ chôn của con thạch sùng… Cứ như thế nước giải cứu tất cả, chuyển đổi tất cả, tan chảy và đóng băng. Người ta dùng đá để giải khát, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Viên đá lạnh buốt là biểu tượng lột tả những ước muốn, khát vọng và những ẩn ức không thể kiềm chế. Nhân vật người cô trong phim thể hiện rõ nhất ý nghĩa “phái tính hóa” biểu tượng nước. Người cô tự ru mình bằng tình cảm trong trẻo với cậu học trò bắt đầu từ hành động cậu nhường ghế cho cô trên xe bus, dẫn đến buổi chiều mưa cô núp dưới lùm cây để nhìn ngắm cậu. Sau buổi đó, cô lên cơn sốt, bát cháo hành của bà vú già không làm hạ cơn nóng của cô, mà chính những viên đá lạnh trong một góc nhà đã giúp cô tự thỏa mãn mình. Và sau cùng, ở trường đoạn cô và anh chàng kĩ sư xây dựng đi chơi, trong khi anh chàng nhồm nhoàm cắn cua ghẹ thì cô nhìn ra biển nơi những khinh khí cầu bay. Nghĩa là, tất cả những dấu ấn quan trọng của nhân vật người cô đều được thể hiện gắn với nước và các biến thể của nước.
Nếu con kênh, dòng sông trong Cánh đồng bất tận được xem là môi trường bao bọc gia đình Út Vũ với ý nghĩa chở che, đem lại nguồn sống như người mẹ, viên đá trong Bi, đừng sợ là sự hóa giải nỗi khao khát, thèm muốn bản năng của con người thì mưa trong Trăng nơi đáy giếng lại thể hiện cho đức tính mềm dẻo, uyển chuyển, tinh tế và trầm buồn của người phụ nữ Huế. Trong phim hình ảnh mưa xuất hiện nhiều lần, đặc biệt là vào buổi tối, qua ô cửa sổ hoặc rỏ xuống từng giọt trên mái nhà rường. Máy quay từ phía sau lưng Hạnh để giấu đi cảm xúc của cô. Giữa không gian yên tĩnh, đượm buồn, tiếng mưa rơi ngoài cửa sổ là âm thanh lãng mạn để Hạnh chấp bút làm thơ. Và lời thơ được ngân lên, như ước ao về hạnh phúc. Mưa cũng thường xuất hiện khi nhân vật có tâm trạng, nó đem lại cảm giác về nỗi cô đơn và mong muốn được giao hòa, thấu hiểu của con người.
Như vậy, tính quy luật của sự “phái tính hóa” biểu tượng nước là các đạo diễn luôn gắn hình ảnh nước và các biến thể của nó với sự xuất hiện, phát triển của nhân vật nữ, mang đến ý niệm về sự thanh lọc, cứu rỗi, với sự dịu dàng, mềm dẻo và tinh tế. Qua các khuôn hình nhân vật nữ cùng với nước và các biến thể, có thể thấy biểu tượng nước còn mang ý nghĩa như là tiếng nói tâm hồn của người phụ nữ.
Lửa - không gian ẩm thực, tình yêu và hận thù
Biểu tượng lửa trong ba phim xuất hiện không nhiều, phần lớn là những biến thể. Lửa là khởi nguồn của đời sống ẩm thực, con người có lửa là được ăn chín uống sôi, là có văn minh. “Phái tính hóa” biểu tượng lửa được thể hiện qua hình ảnh những người phụ nữ tất bật trong gian bếp, ngọn lửa là nơi lưu giữ tình cảm gia đình qua mỗi bữa ăn. Trong Cánh đồng bất tận có đến năm lần bữa cơm được dọn ra, khi là hình ảnh của Nương phe phẩy chiếc quạt để thổi ngọn lửa nấu bếp trên thuyền, khi là Sương bắc bếp với những làn khói bay lên cay mắt. Chúng ta thấy được nỗ lực cảm hóa Út Vũ của hai người phụ nữ, họ đang muốn làm dịu đi vết đau trong lòng người đàn ông, và cố gắng lấy lại không khí gia đình vốn có.
Không gian bếp trong Bi, đừng sợ luôn đỏ lửa. Hai người phụ nữ thường trực trong đó là người vú già và mẹ Bi, họ vừa nấu ăn vừa trò chuyện về các món ăn, về việc phải làm sao cho những người đàn ông yêu thích món ăn của mình và trở về nhà ăn những bữa cơm do chính họ nấu. Họ coi việc nội trợ trong gia đình là trách nhiệm và niềm vui. Họ tin rằng, với những bữa cơm ngon những người đàn ông của họ sẽ trở về. Ở đây, ngọn lửa là biểu tượng cho ước muốn được sum họp, được yêu thương của những người phụ nữ.
Là một người phụ nữ Huế, Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng được dành khá nhiều cảnh quay trong bếp để thể hiện sự tinh tế, tỉ mỉ của người phụ nữ chiều chồng, chăm con. Bếp là nơi Hạnh thể hiện tình yêu, sự chăm chút của mình với chồng qua những món ăn. Không gian bếp được dàn cảnh giản dị nhưng rất tiện dụng và đẹp mắt. Qua song cửa là những làn khói bay ra, hòa điệu với màu xanh của cây cối. Trường đoạn Hạnh nấu bếp và chăm chút từng món, rất nhịp nhàng như một việc quen thuộc mà cô vẫn thường làm. Nhịp phim chậm rãi, như chính nét tính cách đặc trưng của người con gái Huế.
Lửa trong ba bộ phim còn được phái sinh là lửa tình. Những người phụ nữ như người vợ, người cô trong Bi, đừng sợ hay nhân vật Sương trong Cánh đồng bất tận đều mang trong mình thứ lửa này. Mẹ Bi, một người đàn bà khao khát được yêu (một cách hết sức chính đáng) đến mãnh liệt với chồng của mình. Cô chủ động, quyến rũ và đòi hỏi yêu đương ở chồng. Ngọn lửa khát khao bản năng đó cũng chính là ngọn lửa của tình yêu và khát vọng có một gia đình, hôn nhân hạnh phúc.
Ở một ý nghĩa khác, lửa thù hận trong Cánh đồng bất tận lại là nguyên nhân của những khổ đau. Út Vũ yêu thương vợ nhưng lại bị vợ phản bội. Ngọn lửa đã đốt rụi ngôi nhà cùng những yêu thương, kí ức đẹp của Út Vũ với người vợ. Tất cả những gì của bình yên và mơ ước trước đó bị ngọn lửa thiêu trụi. Ngọn lửa thù hận cũng theo suốt tâm hồn Út Vũ, để từ đó ông trút hết thảy giận dữ, oán hờn lên hai đứa con và những người đàn bà vô tội trên hành trình từ cánh đồng này đến cánh đồng khác. Ở đây, lửa mang ý nghĩa hủy diệt và vì vậy nó có tính chất tiêu cực.
Lửa cũng xuất hiện qua làn khói hương nghi ngút nơi nhà bà đồng Thơi, lửa hóa vàng mã cho vị tướng ở cõi âm trong Trăng nơi đáy giếng. Lửa còn là không gian tâm linh để Hạnh tìm về nương tựa, tìm được sự bình yên cho tâm hồn. Hạnh thắp hương cúng lễ để đón ông Hoàng Bảy và hai đứa con về. Máy quay theo sát sau lưng và từng bước đi chậm rãi của Hạnh, theo điểm nhìn của Hạnh để vẳng nghe tiếng trẻ con khóc. Không gian như lắng lại, chỉ vài ánh sáng le lói của nén hương, ngọn nến. Tất cả ngôn ngữ điện ảnh, từ âm thanh, ánh sáng đến góc máy, tạo nên một khung cảnh hư hư ảo ảo, đầy tâm linh, nó nâng đỡ tâm hồn đầy tổn thương của Hạnh. Sự kết hợp của ánh sáng buổi tối với sắc màu trầm của ngôi nhà giúp tô đậm vẻ âm tính của bộ phim.
Đất - sự bao bọc, nuôi nấng và sinh sản
Nếu nước là âm tính, biểu hiện sự mềm mại, uyển chuyển của người nữ thì đất là biểu tượng cho sự phồn thực, sinh sôi nảy nở. Trong ba bộ phim, đất là cánh đồng, là ruộng vườn, gò bãi và là nơi an táng người chết.
Trong tâm thức dân tộc, Địa Mẫu (Mẹ Đất) là mẹ vĩ đại, chở che, bao bọc, nuôi nấng và sinh sản. Cánh đồng bất tận luôn trở đi trở lại với những cánh đồng, khi mùa gặt, khi mùa nước lên. Đó là cánh đồng quê nắng khô cỏ cháy, là cánh đồng không tên nhưng được hai chị em gọi tên bằng những kỉ niệm ở nơi đó. Cánh đồng là linh hồn của đất, nơi từ đất cho thu những vụ mùa no đủ. Cánh đồng cũng là miền nhớ, là kí ức ngọt ngào của hai đứa trẻ luôn phải sống xa bờ, ngày ngày rong ruổi trên sông. Ngoài ý nghĩa mang đến miếng ăn cho con người, cánh đồng trong Cánh đồng bất tận còn là nơi lưu giữ những ước vọng tươi đẹp của Nương và Điền, được lên bờ, được đi học như những đứa trẻ bình thường khác. Cánh đồng phải chăng còn là nơi thấu hiểu, sẻ chia nỗi cô đơn, bẽ bàng của Sương khi cô quyết định rời bỏ chiếc thuyền có ba bố con Út Vũ. Cánh đồng ôm trọn người phụ nữ vào lòng, như người mẹ che chở và bao bọc con mình.
Khu vườn - không gian bên ngoài của ngôi nhà rường xứ Huế trong Trăng nơi đáy giếng là một không gian đẹp và trữ tình. Khu vườn ấy trồng đầy cây xanh, có một chiếc hồ nhỏ trồng sen để ướp trà, ngoài ra có ớt xanh, và cỏ cây hoa lá. Lúc nào khu vườn cũng căng tràn sự sống. Khu vườn ở đây không chỉ là nơi để vạn vật sinh sôi, nảy nở mà còn có ý nghĩa là khu vườn của sự giao hòa tình ái trong bài thơ của Hạnh: Em tìm kiếm mảnh vườn cho riêng ta/ Nơi chỉ có em và anh trong đó/ Nơi chỉ có anh cùng em và cây cỏ… Đạo diễn đôi khi đã chuyển từ không gian nhìn thấy của cỏ cây xanh mướt sang không gian nghe thấy là tiếng chim líu lo, tiếng nước chảy róc rách. Ở đây, sự giao hòa đã đạt đến tận cùng, khu vườn là nơi chỉ có tình yêu và sự sinh trưởng, tốt tươi.
Bãi giữa sông Hồng trong Bi, đừng sợ là không gian hoạt động vui chơi của đám thanh niên (đá bóng sau giờ học) và con trẻ. Với Bi, không gian đó là nơi lưu giữ bí mật về quả dưa hấu của cậu, là niềm háo hức thấy quả dưa lớn từng ngày. Bi khám phá bãi đất ấy bằng con mắt trẻ thơ hồn nhiên, kiếm tìm lời giải đáp cho từng chiếc lá, cành cây. Trường đoạn phim với góc máy cao, cảnh rộng, Bi nhỏ bé nhưng bản lĩnh khám phá, dò tìm những bí mật giữa bạt ngàn lau xanh. Bãi giữa này cũng từng là không gian đẹp trong phim Tâm hồn mẹ của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Ở đây, hai đạo diễn đã gặp gỡ nhau ở ngôn ngữ điện ảnh khi chọn không gian rộng xanh làm bối cảnh để trẻ con khám phá, như việc chúng sẽ phải từng bước làm quen với thế giới này.
Phẩm tính vốn có của đất mẹ là ban tặng của cải và bao bọc con người. Con người được sinh ra từ mẹ đất rồi khi kết thúc cuộc đời ngắn ngủi ở trần thế này cũng được trở về với đất mẹ. Đó là ý nghĩa của những gò đất - là nấm mộ của ông nội Bi, của người chủ vô danh của chú chó Xám… Đất bao dung như lòng mẹ, đón nhận tất cả những đứa con trở về.
*
* *
Không phải ngẫu nhiên mà Trăng nơi đáy giếng, Cánh đồng bất tận và Bi, đừng sợ đều giành được nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế và được khán giả yêu thích. Đó là bởi các đạo diễn đã thấu hiểu và thể hiện được tâm hồn con người và văn hóa Việt. Những khuôn hình tĩnh, gam màu trầm, nhịp phim chậm rãi, cỡ cảnh trung, sự vận động không đột phá của mạch phim (theo như mĩ học điện ảnh châu Âu)… chính là những ngôn ngữ, ẩn ngữ điện ảnh góp phần truyền tải một cách sâu sắc thông điệp của phim đến khán giả.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà cả ba đạo diễn đều gặp nhau trong việc thể hiện sự phái tính hóa nhóm biểu tượng nước - lửa - đất trong ba bộ phim. Ở đây, ba biểu tượng tự nhiên này như là cổ mẫu, mẫu gốc, mang đậm nét văn hóa dân tộc khi cùng được các đạo diễn chủ ý thể hiện thiên tính nữ bằng ngôn ngữ điện ảnh. Đọc ý thức phái tính từ những biểu tượng Nước - Lửa - Đất trong ba bộ phim cho chúng ta nhiều gợi mở và suy tư về vũ trụ và nhân sinh, cũng cho thấy những chân trời mới, khả thể mới của biểu tượng.
Nguồn: Văn nghệ Quân đội