Ống kính phê bình

11/5
8:06 PM 2016

Giá trị nghệ thuật thơ Trần Nhuận Minh

Năm 2014, Nhà xuất bản Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã cho ra mắt tại Bắc Kinh, “TRẦN NHUẬN MINH – THI CA TINH TUYỂN TẬP”.

                                                                                         Nhà thơ Trần Nhuận Minh (nguồn: Internet)

 Tuyển tập gồm 163  bài thơ, viết từ năm 1960 đến 2012 của nhà thơ Trần Nhuận Minh do Phùng Trọng Bình, Dương Hạ Nguyệt và Tấn Dương dịch,  dựa vào 2 bản dịch tiếng Anh đã xuất bản là FOUR SEASONS và THE WHITE CLOUD AREA của Vũ Anh Tuấn. Chúng tôi không thể in toàn bộ bài viết rất  công phu của GS -TS Phùng Trọng Bình, với sự cộng tác của ThS Dương Hạ Nguyệt, Đại học Trung Quốc dài 35 trang in; chỉ xin trích một phần qua bản tiếng Việt của Hoàng Thiên Hương để giới thiệu cùng bạn đọc.

Quá trình soạn thảo bản dịch này khiến tôi có cảm giác như mình đang bước vào tận sâu đáy lòng của một con người, bước vào thế giới tinh thần của một dân tộc, tôi mê mẩn, ăn ngủ không yên; đặc biệt là những khi hồi tưởng lại lịch sử gian khổ của dân tộc Việt Nam... khiến tôi thậm chí muốn bộc lộ một điều gì đó, nảy sinh một ý tưởng bộc phát không thể kìm nén, những cảm xúc đó khiến lòng tôi thổn thức không yên. Thơ của ông Trần Nhuận Minh đã gợi cho tôi quá nhiều cảm xúc mãnh liệt và lối tư duy quá sâu sắc. Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã dùng đôi mắt tinh tế, cách tạo dựng hình ảnh độc đáo, cùng nhân cách độc lập được tôi luyện của mình để phác họa thành công bức tranh sinh tồn, phấn đấu và tư tưởng của dân tộc Việt Nam, thể hiện sức hấp dẫn nghệ thuật độc đáo và giá trị thẩm mỹ cao với thủ pháp vô cùng tươi mới.

            1. Hồi tưởng và tái hiện chiến tranh gian khổ của Việt Nam

                                                                    Các tác giả đọc thơ Trần Nhuận Minh viết về

                                                                      cuộc chiến tranh chống Mỹ với sự rung động

                                                                      và đồng cảm, kính trọng cả nhà thơ và tinh

                                                                      thần quả cảm của dân tộc Việt Nam. Nhưng

                                                                     không chỉ có thế…, các tác giả viết tiếp: 

            Tất nhiên, với một nhà thơ lão luyện như Trần Nhuận Minh thì tầm nhìn sâu rộng hơn rất nhiều, nội dung tác phẩm cũng vô cùng phong phú.          Về hình thái bên ngoài, chiến tranh có thời gian bắt đầu và cụ thể của nó, nhưng hậu quả tàn phá để lại cho thế giới và vết thương nó gây ra cho con người đâu dễ nguôi ngoai. Năm 1988, Trần Nhuận Minh viết bài thơ “Thím Hai Vui”, bài thơ là một bức tranh chân thực miêu tả hậu quả do chiến tranh để lại. Nó diễn tả tấn bi kịch nhân gian với ngữ điệu trầm bình. Những tưởng vợ chồng đang ấm êm hạnh phúc, ngờ đâu chiến tranh ập đến chia lìa đôi ngả. Như trong những câu chuyện truyền thuyết xưa, khi chàng mãi mãi ra đi, thiếp cắn răng kiên cường vươn lên để sống. Nhưng trớ trêu ở đây lại là khi người chồng trở thành “Anh hùng”, những tưởng sẽ được mọi người tôn vinh, nhưng ngờ đâu bi kịch lại bắt đầu từ đây - Thím Hai Vui trước đây đã bị đau buồn, lại còn mất đi gia đình hiện tại, và khó thoát khỏi vận hạn trước mắt. Với đôi mắt sắc sảo, cùng cách thể hiện tài tình, trình độ thơ Trần Nhuận Minh quả thực đã đạt đến cảnh giới thượng thừa rồi!

      2. Miêu tả và suy ngẫm về cuộc sống gian khổ của người dân Việt Nam

       Từ 1985 đến năm 2000, đề tài sáng tác của Trần Nhuận Minh có sự thay đổi rõ rệt, điều này chứng tỏ cùng với khói bom chiến tranh tan đi, cùng với các mối quan hệ quốc tế dần thay đổi, thì tầm nhìn của ông cũng dần hướng đến các giá trị lịch sử khác, từ góc sâu lịch sử xa xưa đến dòng mạch số mệnh dân tộc hôm nay và địa tầng sâu thẳm,  những ngọn nguồn dẫn đến khổ đau. (…)

“Đá cháy” là trường ca miêu tả cuộc sống và số mệnh của công nhân mỏ, cả bài với 5000 câu thơ, là trường ca lịch sử miêu tả 150 năm hình thành và phát triển giai cấp công nhân mỏ và giai cấp công nhân Việt Nam, tái hiện một cách chân thực giai đoạn lịch sử gian khổ, bi tráng mà hào hùng của công nhân Việt Nam.

       3. Phản ánh và suy ngẫm về vấn đề đổi mới xã hội Việt Nam

Thời đại phát triển và văn hóa đổi thay, đặc biệt là sự thay đổi về tâm lý xã hội đều được tái hiện một cách nhạy bén và chi tiết dưới ngòi bút của Trần Nhuận Minh. Tiêu biểu là bài thơ “Thoáng” (1987):  “Sách cấm xưa loè loẹt cổng Đền Thờ / Ngõ tối bật tiếng coóc xê tanh tách / Gã trốn tù, tội đánh người và khoét ngạch / Vào quán gểnh chân làm choác bia hơi... ” Tất cả những thứ trước đây đều thay đổi theo công cuộc cải cách mở cửa, tập tục văn hóa truyền thống của dân tộc, tôn sư trọng đạo, văn hóa phép tắc... tất cả đã bị cuốn trôi, nguyên nhân không gì khác ngoài khát vọng kim tiền, nét đẹp nữ tính truyền thống đã bị thay thế bởi tư tưởng và hành động phóng đãng, cả thế giới nay biến thành một mớ hỗn độn, nhà thơ chỉ còn biết thở than trong vô vọng: “Thoáng mà anh …Ừ nhỉ, khác xưa rồi”. Để cảm nhận sâu hơn về cái sự đổi thay thay đổi này, ta cùng đến với bài thơ “Bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ” được viết cùng năm: “Đứa làm đạo diễn văn công / Nỗi đau đời giấu vào trong tiếng cười / Đứa đi buôn ngược, bán xuôi / Vào Nam ra Bắc ăn chơi một mình / Đứa thì làm giám đốc ngành / Đi đâu cũng có nhân tình đi theo / Đứa thì áo túm, quần đeo/ Tinh mơ vác gạo, xế chiều bơm xe / Đứa liều vượt biển trốn đi / Nổi chìm nào biết tin gì thực hư / Đứa thì làm trưởng trại tù / Gặp nhau, tay bắt lạnh như đồng tiền… ” Nhà thơ chỉ thầm mong: “Ngoài hiên, trăng khuyết nửa vành xa xôi / Ước chi về tuổi chín mười / Vẫy khăn quàng đỏ giữa trời thẳm xanh…”.  Lý tưởng trong tim đi đâu về đâu? Nhà thơ chìm vào trong những suy tư, trăn trở.

Khi phát triển kinh tế trở thành mục tiêu cơ bản của xã hội thì giàu sang hưởng thụ lại trở thành mục tiêu theo đuổi của con người, những tưởng những thứ được xem là tốt đẹp đều không tồn tại. Trong bài thơ “Gửi bác Vương Liên” viết năm 1989, nhà thơ đã phác họa chân dung nhân vật “bác Vương Liên” mới đổi đời, từ kẻ nghèo hèn trở thành người giàu sang phú quý. Khi có chức có quyền, tư duy và cách sống của “bác Vương Liên” cũng khác xưa: “Nghe đâu bác bây giờ / Đóng tiền vào bao tải / Thuê đến hai hầu gái / Giặt quần áo đấm lưng”.... Cuộc sống của “bác Vương Liên” trước đây gặp nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ “ Trước cần lý lịch tốt”; nhưng giờ đây thế sự đổi thay “Giờ cần có lắm tiền”... Xã hội là thế, chỉ cần có tiền là có tất cả. Thậm chí đến như một người từng là đảng viên lâu năm, nhưng sau khi ra khỏi đảng cũng lao vào cuộc sống xa hoa, trụy lạc, đó là “Tú lão”, một nhân vật trong tác phẩm cùng tên được nhà thơ sáng tác năm 1989:  “Lão bảo cưới nhí về làm thiếp / Tính lão chẳng ưa chuyện lòng thòng / Thuê hẳn hai hàng xe bình bịch / Vừa đi vừa bắn pháo bông...”

        Nhà thơ với mũi dao sắc bén, khắc họa những đổi thay của xã hội đã khiến thế giới tinh thần của con người đảo điên điên đảo... Những thứ nhà thơ khắc họa trong bài thơ, không chỉ là sự thay đổi về cuộc sống và tư tưởng của một con người, mà nhà thơ muốn cho người đọc thấy sự thay đổi nhân tính đáng sợ nhất – “Tú lão” lạnh như một con cá chết, hoàn toàn đánh mất linh hồn, đánh mất cả chính mình!

        Trong bài thơ “Bên sông Uran nhớ Sapaep” sáng tác ở Ucraina năm 1990, nhà thơ kể câu chuyện về một người anh hùng đã hi sinh thân mình cho hòa bình đất nước, nhưng khi đất nước hòa bình thì: “Ai hay ấm lạnh bao gương mặt / Còn có ai còn nhớ tới ông / Cô gái nựng hôn con chó Nhật / Mắt dửng dừng dưng ngó khói sông...” Ở đây nhà thơ không trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình, mà miêu tả ký ức về câu chuyện xưa và khung cảnh trước mắt với thái độ nghiêm túc, thông qua những hình ảnh so sánh tương phản đó để bộc lộ những suy nghĩ của bản thân.

            Để nền kinh tế phát triển là sự đánh đổi của rất nhiều những thứ quý giá khác, trong xã hội phồn vinh và vô vàn sản phẩm đẹp mắt là thế, nhưng đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Trong bài thơ “Cháu đi đào than thổ phỉ” sáng tác năm 1993, nhân vật chính được miêu tả trong tác phẩm là thằng bé đào than, tên gọi cháu “Mừng”. Bài thơ này khiến cho người đọc liên tưởng đến hình ảnh “đỗ quyên hót đến rỏ máu”: “ Tháng trước còn qua nhà chú / Hôm nay cháu đã chết rồi / Mừng ơi ! / Cháu đi đào than thổ phỉ /Lấy tiền nuôi mẹ nuôi em / Sập lò, cột đè gẫy nát / Xác buộc túm trong vải bạt / Than đổ ứ đầy lên trên / Xe chạy trốn người, qua đêm... /... / Cháu nằm túm trong vải bạt / Mặt mũi than đè giập nát / Xe than đổi một mạng người / Chú biết kêu cùng ai được.../ Mừng ơi !...” Vì cuộc mưu sinh mà mạng sống của một đứa trẻ bị hủy hoại. Thơ vừa là lời kể về một câu chuyện, nhưng cũng vừa là sự phác họa về một khung cảnh, là những dòng suy nghĩ nghiêm túc và lời khóc than đến cháy lòng, cùng sự phẫn nộ của nhà thơ về hành động tàn nhẫn và xảo trá của chủ than “thổ phỉ”, về mạng sống rẻ mạt của người làm thuê và sự đồng cảm của nhà thơ với những thân phận yếu hèn trong xã hội.

            Trong bài thơ “Anh bạn ơi” sáng tác năm 2010, cả bài thơ chia làm bốn khổ, các câu đầu trong bốn khổ  thơ đều giống nhau, cách làm thơ này cho ta cảm giác về một hiện thực tàn nhẫn. Cô gái đã bỏ đi xa; nhưng nơi đến và lý do ra đi của cô gái trong mỗi khổ thơ đều khác nhau, trong khổ đầu cô gái bỏ đi Đài Loan, lý do là Vì cô cần tiền nuôi mẹ”; trong khổ thơ thứ hai, cô gái lấy ông chủ Hàn Quốc, lý do là Vì cô cần tiền xây nhà cho mẹ”; trong khổ thơ thứ ba, cô gái bị lừa bán ra nước ngoài, lý do Vì cô không biết mình bị bán”... Qua đây ta có thể thấy, nhà thơ không chỉ miêu tả một đối tượng mà muốn nhắc đến một hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay. Trong khổ thơ cuối, nhà thơ bày tỏ sự cảm thông đối với các cô gái, đồng thời là lời an ủi đối với các chàng trai trẻ: các cô gái cũng không muốn ra đi như thế, tất cả là do áp lực cuộc sống đã thúc ép các cô vào bước đường cùng, là người đàn ông nên cảm thông cho nỗi khổ của họ, để họ yên tâm sinh sống: “Anh bạn ơi, xin các anh đừng ngồi khóc / Ở bất cứ đâu... / Cho yên lòng kẻ ra đi / Vì các cô gái yêu anh /  đâu có muốn thế...

         Chúng ta có thể thấy, kể từ sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc cải cách năm 1986, Trần Nhuận Minh đã đón hai làn gió sáng tác thơ ca hoàn toàn mới, ông đã không còn sử dụng phương thức sáng tác và con đường nghệ thuật trước đây nữa, không đặt trọng tâm sáng tác vào giai đoạn lịch sử gian khổ trước đây của Việt Nam nữa, mà chuyển ngòi sang những số phận đau thương và bất hạnh xung quanh mình, cùng họ nếm trải cuộc sống, phản ánh tâm trạng bối rối của con người trước cuộc sống và số mệnh, như ông nói, “phải thể hiện được cái tôi trong tác phẩm của mình”. Chính vì tinh thần tự giác và nhu cầu đổi mới này, nên thơ ca của ông, tuy vẻ ngoài rất bình dị và nhẹ nhàng, nhưng bên trong, lại chất chứa một sức mạnh phi thường, tạo xúc cảm mãnh liệt cho người đọc. Cũng chính vì thế, thơ Trần Nhuận Minh vượt qua mọi giới hạn về không gian và thời gian, tạo ra một bước chuyển mình lớn, “từ nhà thơ của công nhân thành nhà thơ của nhân loại”.  

    4. Suy ngẫm v hiện thực cuộc sống của Việt Nam

            Về tổng thể, các tác phẩm của Trần Nhuận Minh từ năm 2000 đến nay, chủ yếu chuyển sang đi sâu suy ngẫm về nhân sinh, bắt đầu thay đổi góc nhìn hướng ngoại - quan tâm xã hội, sang hướng nội với triết lý sâu sắc, thể hiện rõ nhất ở nét thẩm mỹ độc đáo giao thoa giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực. Loại hình thơ ca này đạt đến cao trào vào khoảng những năm từ 2003 đến 2007 đạt số lượng tác phẩm nhiều nhất. Trong đó tác phẩm tiêu biểu nhất là  “Bản Xônat hoang dã” sáng tác năm 2003 và “45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh” sáng tác năm 2007 : “Tôi Thứ Nhất đã chết / Nằm duỗi thẳng trong quan tài / Tôi Thứ Hai vẫn sống / Là thể xác / Mà không phải là thể xác / Là linh hồn / Mà chẳng phải linh hồn.../.../  Họ cảm thấy nghe được lời của Nó / Trong tiếng hờ... ai oán xót thương: / Xin cứ bình tâm / Cõi trần gian / Chẳng có gì tươi đẹp hơn Cái Chết / Hãy tính xem / Nếu tất cả mọi người / Từ thượng cổ / Đều sống cùng chúng ta / Thì thế giới này / Khủng khiếp đến nhường nào...”

        Chủ đề của bài thơ này khá súc tích, không chỉ bộc lộ cảm thán về sự ngắn ngủi của đời người, mà còn bộc lộ sự bất lực trước hiện thực khó khăn, may mắn được sống và chết để được giải thoát, hai điều này thực tế đều mang giá trị tương đồng, khó có thể phân biệt được cái nào hay, cái nào dở...

              (...)

            Những tác phẩm thời kỳ này, ngoài những tư duy triết lý đơn thuần ra, nhà thơ cũng bộc lộ sự tinh tế trong việc cảm nhận phong cảnh thiên nhiên, nhưng khi đi sâu vào thơ ông, những nét phác họa phong cảnh nhẹ nhàng tinh tế đó cũng chỉ là làm nền cho những tư duy triết lý sâu sắc mà thôi. Như trong bài thơ “Những đám mây thong thả” trong tập thơ “45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh”, nhà thơ bộc lộ quan điểm: “Có người đẩy cái Tôi đến tận cùng / thì thành bậc Chân tài /  Có kẻ đẩy cái Tôi đến tận cùng thì thành tên đại ác /  Những đám mây thong thả của Ngày Xưa / Đều bay qua và lặng lẽ mỉm cười…” Hình ảnh “Lũy tre xanh”“Lúa đồng” hữu tình, êm đềm là thế nhưng ngấm ngầm ẩn chứa phía sau nó là những “cuộc tranh giành” và ngọn lửa “hận thù”,  làm rõ nét hình ảnh tương phản giữa hiện tại và quá khứ, giữa cái đẹp và cái xấu, vẫn đang tồn tại song song. Tuy nhiên, khác với nét tương phản đơn thuần đó, bởi “Những đám mây thong thả của Ngày Xưa / Đều bay qua và lặng lẽ mỉm cười”, ở hai câu thơ này ẩn ý cái đẹp đã giành phần thắng, là sự coi khinh và phủ nhận cái xấu, cho thấy khuynh hướng thẩm mỹ của nhà thơ vô cùng rõ ràng. Ở bài thơ “Trăng” trong tập thơ “Bản Xônat hoang dã” (2003), khắc họa rất rõ nét khuynh hướng thẩm mỹ của ông: “Ta cởi trói các giác quan / Phút chốc trăng ngập đầy tim phổi / Không phải ta thở mà trăng thở / Không phải ta nghe mà trăng nghe / Không phải ta nghĩ mà trăng nghĩ...” Dười ngòi bút của nhà thơ, “trăng” là tượng trưng cho vạn vật và tình cảm tươi đẹp nhất. Trong bài thơ này, ánh trăng lấp đầy thế giới, chinh phục vạn vật, chiếm toàn bộ không gian, lấp đầy lòng người, con người được ánh trăng soi sáng, được ánh sáng dung hòa, được hạnh phúc bủa vây, thậm chí đắm say trong hạnh phúc mà quên đi tất cả, ngay cả tình yêu sâu sắc giữa vợ và chồng – nghĩa là trong vũ trụ này, chỉ còn duy nhất một vầng trăng sáng.

            Hình ảnh ánh trăng xuất hiện nhiều lần trong thơ của Trần Nhuận Minh, trong đó “trăng” xuất hiện 22 lần, “ánh trăng” xuất hiện 13 lần, “sắc trăng” cũng xuất hiện 13 lần, và “trăng non”, “đêm trăng”, “trăng gầy”, “trăng tàn”, “trăng vàng”... xuất hiện đến gần 60 lần, qua đó có thể thấy ánh trăng chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong lòng của nhà thơ. Trong thơ của Trần Nhuận Minh, “trăng” là hình tượng đẹp nhất, là đại diện của những thứ được cho là đẹp nhất, là ánh sáng, là hạnh phúc, là niềm vui, là sum vầy. Phần lớn trong những bài thơ có sự xuất hiện của hình ảnh “Trăng” đều không chỉ đơn thuần là tả cảnh, mà còn thổi vào đó ý nghĩa hiện thực vô cùng sâu sắc.

            Đề tài sáng tác của nhà thơ Trần Nhuận Minh rất đa dạng, đề cập đến rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống, nội dung chuyển tải cũng hết sức phong phú. Ngoài những ý thơ với tư duy triết lý sâu sắc nhắc đến ở trên, còn khá nhiều tác phẩm bộc lộ tình yêu và đề cao cái đẹp của cuộc sống, trong đó tiêu biểu nhất là bài thơ “Hãy hỏi sắc hoa mai” sáng tác năm 2007: “ Ta nhận ra Em / Run run đứng chờ Ta / Tà áo mỏng bay trong sương khuya / Thấp thoáng núi đồi thiêng liêng huyền ảo /Da thịt thơm lừng trái chín... /

Em yêu ơi! / Cái hiện hữu hãy tin là Cái Đẹp / Chớ bận tâm quá khứ với tương lai / Ta sẽ lặn xuống đất sâu / Khi tiếng đàn bầu dứt / Tìm Ta ư? / Hãy hỏi sắc hoa mai...  Bài thơ này bộc lộ rất rõ tình yêu mãnh liệt của nhà thơ đối với tổ quốc....

        Có thể nói, những nhà thơ chân chính trên thế gian này, bất luận thuộc dân tộc hay quốc gia nào, thì trong tim họ luôn chứa chan tình yêu mãnh liệt đối với mảnh đất tổ quốc mình, từ đại thi hào Anh G. Byron, nhà thơ vĩ đại Nga Pushkin, đến các đại thi hào Trung Hoa như Đỗ Phủ, Khuất Nguyên đều như thế, đó không phải chỉ là truyền thống dân tộc, mà là quy luật chung của mọi dân tộc trên thế giới.

            (...)

      Thơ là bức tranh biết nói, bức tranh là bài thơ im lặng. Bất luận là thơ hay hội họa, là điêu khắc hay vũ đạo, nhiệm vụ và chức năng chính là tạo hình. Trong thơ của Trần Nhuận Minh, những tác phẩm tạo hình rất có hình khối và độc đáo, đường nét cứng cáp, rõ nét, hình ảnh khác lạ, tươi mới, tạo cho người xem một xúc cảm đặc biệt. Nhà thơ Trần Nhuận Minh có cái nhìn rất sâu sắc, kiến thức uyên thâm, nhanh nhạy vượt qua quá trình lịch sử lâu đời để tiến thẳng đến hiện thực cuộc sống, chỉ với vài ba nét bút giản đơn đã có thể phác họa nên bức tranh nghệ thuật đặc sắc và độc đáo.

            Thứ hai là nghệ thuật so sánh tươi mới và mạnh mẽ. Ví như hai ví dụ ở trên, ông đem hai hình ảnh “chiến tranh tàn khốc” và “cuộc sống yên bình” ra so sánh với nhau, qua đó thể hiện tính cách trầm tĩnh, ngoan cường và lạc quan được hình thành, từ các cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ của nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, nhà thơ cũng so sánh giữa lịch sử và hiện thực, như trong các tác phẩm “Thím Hai Vui”, “Gửi bác Vương Liên”, “Tú lão”, thông qua sự thay đổi về số phận trong các thời kỳ khác nhau của các nhân vật trong thơ, để làm nổi bật ảnh hưởng sâu sắc của cuộc cải cách xã hội đối với người dân. Chuẩn mực văn hóa truyền thống và luân thường đạo lý không thể đứng vững trước sự tấn công của chủ nghĩa đồng tiền, xu hướng toàn cầu hóa trước nhất thể hiện ở sức công phá mãnh liệt và tác động lớn nhất ngay từ lĩnh vực kinh tế, trước tiên là đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân.

            Thứ ba là bút pháp miêu tả khách quan và nghiêm túc. Trần Nhuận Minh quan sát cuộc sống rất tỉ mỉ, biết nắm bắt đặc trưng nổi bật nhất của sự vật, đồng thời biết sử dụng ngôn từ chuẩn xác nhất để miêu tả nó, giọng điệu thơ dường như rất nhẹ nhàng, mộc mạc và rất tự nhiên, nhưng hiệu quả nghệ thuật đạt được ngoài sức tưởng tượng. Ví như trong bài thơ “Bạn cũ”, Trần Nhuận Minh đã phác họa bức chân dung của một người lính già từng đánh bộc phá mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, thế nhưng mười năm sau gặp lại thì cuộc sống của “bác” giờ bấp bênh, râu tóc nay đã bạc màu theo thời gian: “Giá chẳng làm Kẻ Sĩ / Chắc giờ đã chon von / Một tay mang két bạc / Một tay cầm dấu son...” Thế nhưng giờ đây mọi thứ với “bác ” quá trớ trêu: “ Hỏi vợ ?  Vợ bỏ tớ / Hỏi con ?  Nó vượt biên / Hỏi nhà ?  Nhà tớ bán / Hỏi thơ ? Đếch ai in…” Chưa dừng lại ở đó, nhà thơ tiếp: “Bây giờ bác muốn gì?/ Tớ muốn làm liệt sĩ / Đất nước không chiến trường / Hi sinh đâu phải dễ...” Đến muốn chết cũng không có cơ hội để chết. Với giọng điệu nghiêm túc và bút pháp sắc bén của mình, nhà thơ đã thành công với lối mỉa mai thâm thúy.

            Cùng với nỗ lực học tập và đúc rút kinh nghiệm quý báu của các bậc vĩ nhân, học hỏi những sở trường của nhiều nhà văn, nhà thơ lớn, từ đó trong ông đã  hình thành một phong cách nghệ thuật độc đáo và đặc sắc khác lạ, trở thành một nhà văn, nhà thơ chủ chốt trong văn học Việt Nam, và đang từng bước tiến vào văn đàn thế giới.

                                                                       HOÀNG THIÊN HƯƠNG

                                                                     dịch từ nguyên bản tiếng Trung

(Nguồn: Tạp chí Nhà Văn&Tác phẩm - HNV)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *