MỘT "TRẬN ĐIỆN BIÊN" CỦA VĂN NGHỆ
NGUYỄN THỤY KHA - Thu đông 1953, khi cả nước dồn người, dồn của cho bộ đội ta tiến vào Tây Bắc thì đội quân văn nghệ cũng đồng hành. Vậy là bắt đầu xuất hiện những bài thơ, bài ký, bài hát, bức ký họa, bức ảnh về cuộc tổng phản công dẫn tới trận quyết chiến cuối cùng ở Điện Biên Phủ. Bộ đội thì đánh giặc, còn các văn nghệ sĩ thì chống lại cái cũ, cái quen quen. Thực tế mới lạ của Tây Bắc đã khiến cả đội ngũ bừng tỉnh. Trước thời điểm này, trong sáng tạo các loại hình nghệ thuật chủ yếu dựa vào những tinh túy cổ truyền của người Kinh. Tây Bắc với những âm hưởng, màu sắc, đường nét của các dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Thái và Mông độc đáo đã làm thay đổi tư duy sáng tạo trước đó. "Một trận Điện Biên" của văn nghệ đã được mở ra nhằm “cắm cờ” trên những đỉnh cao sáng tạo với chất liệu Tây Bắc.
Tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng
Về thơ, trước đây có lẽ chưa bao giờ thơ Việt Nam có lối tư duy như Cầm Biêu trong Ánh hồng Điện Biên: “Nước Việt Nam cho ta tim sắt/ Đất Việt Nam cho ta gan đồng”; Chính Hữu càng viết càng tối giản, càng thực tế đến rớm máu: “Khi bạn ta/ lấy thân mình/ đo bước/ Chiến hào đi/ Ta mới hiểu/ giá từng thước đất…”. Nguyễn Đình Thi hừng hực như lửa bếp nhà sàn người Thái trong Bài ca Điện Biên Phủ: “Đất trời mờ sắt thép/ Chớp giật xé ngày đêm/ Lửa ào ào bùng cuộn/ Lấp những đồi cháy đen…”. Đến Bạc Văn Ùi (nhà thơ Cầm Giang) thì tứ thơ và câu thơ lạ hẳn đi, “Tây Bắc” hẳn đi: “Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin anh về hai ngày/ Nhà tôi ở Mường Lay/ Có con sông Nậm Rốm/ Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi càng bắn trúng Tây/ Vì tay có hơi vợ…”. Thực tế Tây Bắc đã khiến cho các nhà văn có những tác phẩm lớn như Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, sau là Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng, Giăng liềm của Nguyễn Tuân, Truyện Tây Bắc của Tô Hoài… "Trận Điện Biên" trong văn chương đã kéo dài suốt 65 năm qua và sẽ còn kéo dài mãi.
Về âm nhạc, sau những ca khúc, hành khúc viết về Chiến thắng Tây Bắc có âm hưởng hào hùng hay trữ tình nhưng đều là âm hưởng dân ca người Kinh như Đường lên Tây Bắc (Văn An); Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành); Chiến sĩ Tây Bắc hành khúc (Lưu Hữu Phước); Hành quân xa, Trên đồi Him Lam (Đỗ Nhuận); Hò kéo pháo (Hoàng Vân); Tiếng hát người lái xe Điện Biên (Mai Khanh)… thì ca khúc Mừng chiến thắng Tây Bắc của Đặng Đình Hưng (lời Đào Vũ-Thái Ly) là một ca khúc mang âm hưởng dân ca Thái uyển chuyển như một điệu rondo (thể luân khúc), nhất là Đỗ Nhuận, với sự kết hợp âm hưởng Tây Bắc và âm hưởng Đồng bằng Bắc Bộ trong Chiến thắng Điện Biên thật tài tình. Với "mỏ quặng" dân ca này, Đỗ Nhuận còn làm ra cả một nhạc kịch Cô Sao sau khi học ở Nhạc viện Tchaikovsky trở về. Với "trận Điện Biên" này, từ đây, các nhạc sĩ nô nức đưa âm hưởng dân ca dân tộc thiểu số vào các tác phẩm của mình từ ca khúc tới giao hưởng âm hưởng Tây Bắc như: Con trâu sắt (Trần Chương); Mây trắng Phia Khao (Hồng Đăng); Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh-Cầm Giang); Chiếc khăn piêu (Doãn Nho); Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương-lời Tô Hoài); Nỗi băn khoăn của Chợ Lả (Nguyễn Đức Toàn)… Các thế hệ nhạc sĩ viết giao hưởng như Đàm Linh, Trần Trọng Hùng, Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc, Trần Mạnh Hùng… đều sử dụng rất đắc địa dân ca các dân tộc Tây Bắc trong tác phẩm của mình và có tác phẩm đã biểu diễn ở nước ngoài như Rhapsody Việt Nam của Đỗ Hồng Quân, Ngày hội của Đặng Hữu Phúc…
Về sân khấu, ngay từ khi vào Tây Bắc đã có kịch nói Tin chiến thắng Nghĩa Lộ do tập thể sáng tác, Thế Lữ chấp bút. Rồi đến những Luyện chắc tay súng (Hoàng Tích Linh), Địch hậu vùng lên (Bửu Tiến), Chị Hòa (Học Phi)… Ngay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có vở chèo sáng tác tập thể Trong đường hầm Điện Biên Phủ, Trưởng thành trong chiến đấu… khẳng định được một số diễn viên tiêu biểu như: Song Kim, Thế Lữ, Đào Mộng Long, Song Ninh… Từ đó đến nay, "trận Điện Biên" trong sân khấu vẫn tiếp tục tạo ra những đỉnh cao vừa là đề tài Điện Biên hay Tây Bắc như Bài ca Điện Biên (Tất Đạt) được dàn dựng với quy mô chưa từng có, khiến một nhà báo Séc đã phải thốt lên: “Thật không ngờ, ngay cả sân khấu nước tôi cũng không thể nào dàn dựng được một vở diễn về đề tài chiến tranh có tầm vóc hoành tráng và sức thuyết phục như Bài ca Điện Biên".
Khi vào Tây Bắc, các họa sĩ tiếp cận với màu sắc và đường nét của đồng bào các dân tộc. Nổi tiếng nhất trong đợt sáng tác này là bức sơn dầu Giặc đốt làng tôi và Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của danh họa Nguyễn Sáng và loạt ký họa trước khi hy sinh của danh họa Tô Ngọc Vân. Ấn tượng Tây Bắc còn lưu giữ qua nhiều năm sau để có những: Nhớ một chiều Tây Bắc, sơn mài của Phan Kế An; sơn mài Giáp trận của Dương Hướng Minh; Con nghé quả thực, sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm… Đấy là sự lớn vượt của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tiếp nối theo họ là những họa sĩ khóa kháng chiến, học trò của thầy Tô Ngọc Vân như: Mai Long, Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân… Và đến thế hệ thay đổi hội họa từ Nguyễn Quân đến Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hoàng Hồng Cẩm, Lê Quảng Hà, Lê Thiết Cương, Đinh Quân…
Vào Tây Bắc, điệu múa sạp đơn sơ và múa nón mộc mạc của người Thái đã lọt vào "tầm ngắm" các nghệ sĩ múa như Thái Ly, Trọng Lanh… Một điệu múa sạp hoàn chỉnh đã được chuyên nghiệp hóa với phần âm nhạc của nhạc sĩ Mai Sao. Múa sạp đã cùng các tác phẩm âm nhạc đi ra nước ngoài trong các dịp festival thanh niên từ rất sớm. Từ đó, sự phát triển của múa Việt Nam cũng hình thành một "trận Điện Biên" cho tới nay vẫn chưa hề ngưng nghỉ.
Về điện ảnh, khi vào Tây Bắc, ngành điện ảnh non trẻ của ta mới chỉ có rất ít người, nhưng đã bắt đầu có những nghệ sĩ quay phim tham gia chiến dịch. Sau chiến thắng, các nghệ sĩ của ta phối hợp cùng đoàn làm phim của đạo diễn Nga Roman Karmen dàn dựng lại lịch sử và làm thành phim Việt Nam trên đường thắng lợi. Từ đó, điện ảnh Việt Nam, với khí thế Điện Biên đã trưởng thành nhanh chóng. Từ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân, đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có những phim đi dự thi nhiều liên hoan quốc tế như: Chuyện của Pao của đạo diễn Ngô Quang Hải, Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh... Trong sự phát triển của mình, nhiều lần các nhà làm phim lại quay trở về với đề tài Điện Biên Phủ như Hoa ban đỏ của đạo diễn Bạch Diệp. Năm 2004, tôi cũng đã kết hợp cùng Công ty Thăng Long làm phim tài liệu nghệ thuật Ngoạn mục Điện Biên với nhân vật chính là cô gái Pháp đi tìm lại ký ức của người ông vốn là lính viễn chinh ở Điện Biên Phủ và có một cây sáo Mông kỷ niệm.
Với nhiếp ảnh, ngay từ khi vào Tây Bắc, các nghệ sĩ đã hướng ống kính vào ngờm ngợp thực tế mới lạ của vùng rừng núi huyền thoại này. Tuy nhiên, điều chính yếu vẫn là để phục vụ cho cuộc chiến đấu. Những bức ảnh về kéo pháo, về xe thồ, về gồng gánh, về hành quân thật sinh động. Đến khi quân ta đánh Điện Biên Phủ lại là những bức ảnh về sinh hoạt của bộ đội ở chiến hào, những lá cờ chiến thắng tung bay. Tất cả những bức ảnh đó đã được đưa vào cuốn Hình ảnh Việt Nam mà tôi được xem sau ngày Hải Phòng giải phóng 13-5-1955. Xem từ đó mà ấn tượng mãi đến bây giờ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khép lại từ 65 năm trước. Nhưng "trận Điện Biên" của văn nghệ thì chưa có hồi kết thúc, mặc dù các ngành nghệ thuật đều đã qua trận Him Lam mở đầu. Nhưng sự bừng tỉnh trong tư duy sáng tạo từ khi vào Tây Bắc mãi mãi là một tiền đề có tính chiến lược để các ngành nghệ thuật tiếp tục đào thêm những thước hào vây lấn để rồi một ngày sẽ phất cờ trên đỉnh cao nghệ thuật thế giới. Chúng ta vẫn chờ đợi ngày đó.
(Theo: qdnd.vn)