Thời sự văn học nghệ thuật

29/4
9:21 PM 2018

MỘT THỜI VĂN NGHỆ GIẢI PHÓNG

Hàn Phong-Hiếm nơi đâu trên thế giới này từng có một đội ngũ nhà văn đông đảo vừa cầm súng vừa cầm bút như ở Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tuần báo Văn nghệ Giải phóng trước khi sáp nhập vào Văn nghệ đã quy tụ nhiều cây bút tài năng, trở thành diễn đàn quan trọng góp phần vào sự nghiệp cứu nước và hoà hợp, đoàn kết dân tộc sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Hai nhà văn Anh Đức và Lê Văn Thảo thời làm Văn nghệ Giải phóng ở trong chiến khu chống Mỹ

Trong chín năm chống Pháp, văn học Việt Nam tự hào với sự xuất hiện của những tên tuổi tiêu biểu như Trần Mai Ninh,Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Hữu Loan, Phùng Quán,Minh Huệ, Nguyễn Văn Bổng, Sơn Nam, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Đoàn Giỏi…

Sang thời chống Mỹ, lực lượng tay súng tay bút xuất hiện ngày càng đông đảo và lớn mạnh, nhiều người bám trụ chiến trường miền Nam ác liệt như: Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Giang Nam, Thanh Hải, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Hoài Vũ, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Lê Giang, Thanh Giang, Trang Thế Hy, Đinh Quang Nhã, Võ Trần Nhã, Lê Văn Thảo, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Nguyễn Bá, Nguyễn Trí Huân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Thanh Quế, Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Chí Trung, Văn Lê, Trần Ninh Hồ, Hồng Tân, Nguyễn Hồ, Nguyễn Ngọc Mộc,… Đó là chưa kể rất nhiều cây bút đồng thời là quân nhân chuyên nghiệp gắn bó với một quân binh chủng nhất định như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Chu Lai, Phạm Đức, Quang Chuyền, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Thái Sơn, Bảo Ninh, Nguyễn Thụy Kha,…

Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời ngày 20-1-1960, Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam cũng được thành lập vào ngày 20-7-1961 để tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ cách mạng trong một tổ chức. Và đầu năm 1962, diễn đàn của Hội là tạp chí Văn nghệ Giải phóng đã xuất bản số đầu tiên.

Cùng với tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng được xem như một “chi nhánh” của tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Văn nghệ Giải phóng đã góp phần phát hiện, quy tụ nhiều cây bút tài năng ngay trên chiến trường miền Nam. Trong bài viết Văn nghệ giải phóng một thời và những con người, nhà văn Ngô Vĩnh Bình có viết: “Như nhiều người đã biết, ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng ta về Cách mạng miền Nam, tạp chí Văn nghệ Quân đội đã được Tổng cục Chính trị giao một nhiệm vụ quan trọng là lựa chọn, bồi dưỡng những cây bút có khả năng và điều kiện đi chiến trường - “đi B”. Sau chuyến đi của nhà văn Thanh Giang, nhà thơ Thu Bồn... là chuyến đi của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi - nhà văn, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), Nguyên Ngọc... Đây là những nhà văn đi B đầu tiên. Tiếp đó, lần lượt là những chuyến đi “B dài” của Văn Phác (Tám Trần - Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau từng đảm nhiệm các chức vụ Thiếu tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa), Nam Hà (Trúc Hà), Nguyễn Trọng Oánh (Nguyễn Thành Vân), Lưu Trùng Dương...- những nhà văn sau này là yếu nhân của các tờ tạp chí Văn nghệ Quân Gỉải phóng và Văn nghệ Quân Gỉải phóng Trung Trung bộ và Hội Văn nghệ Giải phóng”. 

Đối với tờ Văn nghệ Giải phóng, ngoài nhà văn Trần Bạch Đằng với vai trò chỉ đạo, các nhà văn Lý Văn Sâm, Nguyễn Văn Bổng, Anh Đức, Giang Nam, Hoài Vũ đã lần lượt tham gia lãnh đạo tổ chức xuất bản trong những giai đoạn khác nhau. Những cây bút đã gắn bó với tạp chí là Trang Thế Hy, Lê Anh Xuân, Lê Giang, Chim Trắng, Lê Văn Thảo, Diệp Minh Tuyền, Từ Sơn, Thủy Thủ, Đinh Quang Nhã,Phan Lạc Tuyên,...Cuộc sống chiến trường gian khổ ác liệt nhưng các văn nghệ sĩ luôn lạc quan, yêu đời với những sinh hoạt đầm ấm tươi vui. Như nhà văn Lý Văn Sâm từng nói đó là thời kỳ “cực tận mạng mà vui cũng tận mạng”. Đến nỗi sau này trong một bài viết tưởng nhớ bậc đàn anh là nhà văn Anh Đức qua đời, nhà văn Lê Văn Thảo đã thổ lộ: “Những năm tháng cuối đời anh Anh Đức lâm trọng bệnh phải nằm ngồi một chỗ, tôi vẫn liên hệ với anh nhưng ít đến gặp anh. Tôi muốn giữ hình ảnh của anh thời trai trẻ, chúng tôi sống gian khổ nhưng lúc nào cũng vui. Buổi tối rừng âm u, chúng tôi có những bàn trà bên ngọn đèn dầu trước khi đi ngủ. Bàn trà của Anh Đức và nhạc sĩ Hoài Mai là vui hơn hết. Anh Đức có tài kể chuyện, chuyện vặt vãnh trong rừng anh kể cũng vui. Và đôi khi không ngăn được vốn nghề “hư cấu” của mình, anh có thêm thắt chút đỉnh. Hoài Mai nói: Phải công nhận chi tiết này hôm qua không có”.

Kể từ lúc thành lập cho tới ngày miền Nam giải phóng 30-4-1975, tạp chí Văn nghệ Giải phóngxuất bản được 48 số. Khi toà soạn chuyển về nội thành Sài Gòn, Văn nghệ Giải phóng tiếp tục sứ mệnh của mình trong hoàn cảnh mới đầy phấn khởi tự hào nhưng cũng rất khó khăn phức tạp sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất.

Vốn giữ chức trách Tổng biên tập Văn nghệ Giải phóngtừ năm 1974-1977, nhà thơ Hoài Vũ cho biết, thời điểm chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn thì tạp chí đã chuyển sang làm báo tuần. Được 2 số thì toà soạn chuyển về nội thành. Công tác toà soạn được tổ chức lại chuyên nghiệp hơn. Các cuộc thi thơ, truyện ngắn được phát động để tìm kiếm cây bút mới…

Ngoài đội ngũ phóng viên, biên tập viên trước đây thì báo Văn nghệ Giải phóng còn bổ sung thêm các cây bút từ Văn nghệ Quân Giải phóng và các cơ quan khác, hợp thành đội ngũ làm báo mạnh và chuyên nghiệp: Nguyễn Duy, Trần Ninh Hồ, Văn Lê, Mai Quốc Liên, Trần Mạnh Hảo, Phan Xuân Biên, Trần Đức Cường, Phùng Đức Thắng, Lê Quang Trang, Thạch Cương, Hà Phương, Trần Thị Thắng, Phan An, Thạch Cương, Lê Điệp, Khuynh Diệp,… Ngoài ra còn có sự cộng tác chặt chẽ của các văn nghệ sĩ sống trong nội thành Sài Gòn trước đây như Vũ Hạnh, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Ngụy Ngữ, Ngọc Linh, Kiên Giang, Minh Hương, Nguyên Hùng, Thanh Việt Thanh, Minh Quân,…

Từ lúc về Sài Gòn năm 1975 đến khi sáp nhập vào tờ Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đầu năm 1977, tuần báo Văn nghệ Giải phóng ra được gần 100 số, có thời điểm số lượng phát hành lên tới 100.000 tờ mỗi số báo. Nhà văn Trần Bạch Đằng trong một bài viết nhân kỷ niệm số 100 của Văn nghệ Giải phóng đã ca ngợi sự thành công của tờ báo có số lượng phát hành cao kỷ lục bấy giờ, thâm nhập bạn đọc rộng rãi trên cả nước.

Theo nhìn nhận của nhà thơ Hoài Vũ, tuần báo Văn nghệ Giải phóng đã có ba đóng góp quan trọng sau ngày đất nước hoà bình. Thứ nhất là diễn đàn văn nghệ này đã sớm có ý thức tuyên truyền cổ vũ sự hoà hợp thống nhất, đoàn kết dân tộc sau chiến tranh; thể hiện cụ thể qua việc đánh giá đúng mức vai trò của các văn nghệ sĩ sống ở nội thành Sài Gòn, tiêu biểu như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng các nghệ sĩ tài danh Phùng Há, Thanh Nga, Kim Cương,…và kịp thời đăng tải sáng tác của họ hoặc bài viết về họ. Thứ hai là nối kết lại với nhau các văn nghệ sĩ từ chiến khu hoặc tập kết ngoài Bắc trở về với những người sống, tranh đấu, làm việc tại Sài Gòn cùng chung trong Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Thứ ba, báo Văn nghệ Giải phóngđã tích cực hỗ trợ việc thành lập các hội chuyên ngành: văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc, nhiếp ảnh,… nhằm quy tụ tất cả văn nghệ sĩ có nguồn gốc xuất thân khác nhau về trong một mối để giao lưu, đoàn kết, phát huy hết khả năng sáng tạo của mình để cống hiến cho xã hội.

Từ đầu năm 1977, nhà thơ Hoài Vũ chuyển từ nhiệm vụ Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng sang làm Trưởng đại diện miền Nam báo Văn nghệ trước khi sang làm việc ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới và báo Sài Gòn giải phóng. Nhìn lại những gì tuần báo Văn nghệ Giải phóng làm được hơn 40 năm trước, ông cảm thấy rất vui và tự hào, xem đây là những năm tháng hạnh phúc nhất của mình và những cộng sự làm tờ Văn nghệ Giải phóng, đặc biệt là sớm có ý thức và góp phần quan trọng vào việc hoà giải, đoàn kết dân tộc ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc. Địa chỉ văn phòng 43 Đồng Khởi, quận 1, TP Hồ Chí Minh còn là điểm đến quen thuộc của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Viễn Phương, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Hồng, Ca Lê Thuần, Phan Nhân, Phùng Há, Viễn Châu, Thanh Nga, Kim Cương…

Kế nhiệm nhà thơ Hoài Vũ ở Văn phòng miền Nam báo Văn nghệ lần lượt là nhà phê bình Từ Sơn, nhà thơ Nguyễn Duy và hiện nay là nhà thơ Phan Hoàng đã và đang nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng tờ báo thân thuộc của giới văn nghệ sĩ, trí thức lẫn bạn đọc nhiều thành phần trong cả nước.

 

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *