30 NĂM NGÀY MẤT NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU-“ÔNG ĐỒ” MANG TINH THẦN ĐỔI MỚI
Ngày 10/10, Hội thảo khoa học Nguyễn Minh Châu và tiến trình đổi mới văn học diễn ra tại Viện Văn học, Hà Nội. Sự kiện nhân kỉ niệm 30 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) là nhà văn, nhà phê bình văn học đã có nhiều đóng góp với văn học Việt Nam hiện đại. Tên tuổi của ông được khẳng định qua những sáng tác có sức ảnh hưởng rộng lớn trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, như: Dấu chân người lính (1972), Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi nhà (1977), Mảnh đất tình yêu (1987)... Hơn thế nữa, với sự mẫn cảm nghệ sĩ và tinh thần đổi mới quyết liệt, Nguyễn Minh Châu đã trở thành một trong những người mở đường “tinh anh và tài năng” của văn học Đổi mới qua các truyện ngắn và tiểu luận đặc sắc, có chiều sâu tư tưởng.
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu tiếp tục nhìn lại, tổng kết về sự nghiệp văn học của Nguyễn Minh Châu, thảo luận về những đóng góp của Nguyễn Minh Châu qua các giai đoạn, đánh giá về quan điểm đổi mới văn học cũng như xác định vị trí, vai trò của Nguyễn Minh Châu trong các diễn ngôn văn học thời kì Đổi mới, công bố những những tư liệu, cách tiếp cận mới, kiến giải mới về cuộc đời và di sản của Nguyễn Minh Châu.
Nói về ông, GS Phong Lê đã miêu tả: "Ở Nguyễn Minh Châu, tôi thấy trong thế giới đó bỗng có một “ông đồ Nghệ” đứng tách riêng ra để nhìn vào thế giới những khách quê, những con người Nghệ. Cái con người đứng trầm ngâm và lặng lẽ quan sát đó không còn là “ông đồ Nghệ” cũ, khăn gói đi tha phương kiếm sống, hành nghề. Mà là một “ông đồ Nghệ - thủ đô” tinh tế, hóm hỉnh, tài hoa, lịch sử, nhìn chăm chú và cái thế giới “khách quê” đó, rồi nhìn vào chính mình, ẩn dấu một nụ cười hóm hỉnh và ngượng nghịu".
Còn GS.TS Trần Đình Sử (Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Vai trò tiên phong của Nguyễn Minh Châu thể hiện ở trên ba phương diện: phát hiện vấn đề, thay đổi lí thuyết và thực tiễn sáng tác. Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra ba vấn đề chính xác và quan trọng: Một là hoài nghi về tính chân thực của văn học ta, do nhu cầu tuyên truyền mà tự tô hồng, che giấu bớt sự thật. Hai là ông phát hiện ra cái sai lầm trong phương pháp sáng tạo, đó là coi trọng cái thực tại cần phải có hơn cái thực tại vốn có. Và ba là ông là người đầu tiên và duy nhất đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh học, trong đó mô tả toàn bộ sự trói buộc, chật chội, của không gian mà trong đó nghệ sĩ sáng tạo, lên án sâu sắc chủ nghĩa giáo điều trong văn nghệ. Cho đến lúc đó chưa có ai lên tiếng phê phán lý thuyết giáo điều sâu sắc hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn.
Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học từ Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Thái Nguyên, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Huế, Hội Nhà văn Việt Nam, Trường Cao đẳng Hải Dương, Tạp chí Văn nghệ quân đội và một số trường THPT.
Đây là diễn đàn để các nhà văn, nhà nghiên cứu - phê bình văn học trong cả nước đánh giá lại diễn trình văn học thời kỳ Đổi mới, chỉ ra những dấu ấn và giới hạn của các thực hành đổi mới văn học Việt Nam kể từ sau năm 1975 qua trường hợp Nguyễn Minh Châu.
LÊ PHONG-NGUỒN: VNQD