TÔI ĐỐT LÒNG MÌNH LÊN TRONG LẶNG YÊN
Ông hay ngồi ở văn phòng tạp chí Thơ cùng các bạn văn: Đỗ Chu, Mã Giang Lân, Vũ Quần Phương, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hoa... Họ nói chuyện say mê về đời sống văn học đất nước, đôi khi trầm lắng kể cho nhau nghe thời trai trẻ gian khó lao động, chiến đấu, cầm bút viết văn.
Tôi đã đọc và biết nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm từ rất lâu trước khi được gặp ông. Tôi gọi ông bằng thầy vì duyên phận. Vợ tôi cô kỹ sư hóa thực phẩm K12 Đại học Bách Khoa Hà Nội là học trò của thầy Thâm. Thấy tôi bập bõm làm thơ cô đã khoe có người thầy dạy giỏi và làm thơ hay "Sau tiết giảng thầy hào hứng đọc thơ cho sinh viên nghe, thích lắm, lớp em cũng có vài người tập làm thơ theo thầy đó". Cuộc đời là vậy, tưởng xa xôi vô tình mà gần đấy hữu tình. Ra Hà Nội tôi có bạn bè là giáo sư tiến sĩ giảng viên Đại học Bách Khoa. Các nhà khoa học tưởng khô khan thuần túy máy móc, hóa chất lại rất am hiểu thơ văn. Họ tự hào khoe có các nhà khoa học làm thơ, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Xuân Thâm, Đinh Phạm Thái… Thơ không phải của riêng ai, đó là cõi đi về của tâm hồn mỗi chúng ta để mãi trong trẻo, tươi non vụng dại của kiếp người:
Thơ viết vài trăm bài
Mà vẫn còn vụng dại
(Ngủ nhà)
Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm sinh năm 1936 ở Huế, mẹ là dòng tộc Tôn nữ nhà Nguyễn, có ông ngoại làm quan. Ba tuổi, cậu bé Thâm theo gia đình vào sống ở Sông Cầu Phú Yên, bên cửa biển, có vạn chài, tuổi trẻ hồn nhiên với sông biển, cá tôm. Năm 10 tuổi theo gia đình về Huế học ở trường Quốc Học Huế, một ngôi trường có truyền thống văn hóa và yêu nước. Đây là thời kỳ phong trào thanh thiếu niên học sinh sôi nổi hoạt động yêu nước dưới sự lãnh đạo của các chí sĩ cách mạng: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Chí Diểu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu v.v... Đầu năm 1954 đang học dở bán phần tú tài, Nguyễn Xuân Thâm trốn nhà lên chiến khu Hòa Mỹ tham gia kháng chiến chống Pháp rồi được cử đi học trường Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An. Anh thanh niên Nguyễn Xuân Thâm xa nhà từ đấy, chí trai theo lời gọi non sông đi theo con đường chiến đấu của dân tộc. Năm 1956 Nguyễn Xuân Thâm thi đỗ vào Khoa hóa Thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội. Những năm đầu hòa bình ở miền Bắc chàng sinh viên xứ Huế có nhiều kỷ niệm: "ngồi trên giảng đường thày rét, trò rét. Bữa ăn đơn sơ, chiếu ngắn chăn mỏng. Nhiều đêm vùng thức dậy học bài đến sáng". Năm 1961 tốt nghiệp, Nguyễn Xuân Thâm ở lại làm giảng viên rồi thành Tiến sĩ, phó giáo sư khoa học của ngôi trường uy tín từ những ngày đầu lập trường do giáo sư Tạ Quang Bửu làm hiệu trưởng.
Nguyễn Xuân Thâm làm thơ từ thủa học trò Xứ Huế mộng mơ, Phú Yên sông xanh biển thắm là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn đa cảm. Tuổi 15 cậu học trò Nguyễn Xuân Thâm có thơ ở các ấn phẩm Đời mới, Thẩm Mỹ và Nhân loại. Nguyễn Xuân Thâm chịu ảnh hưởng nhiều ở các bậc đàn anh phong trào Thơ Mới. Ngoài giảng dạy ở trường và nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thâm vẫn say mê sáng tác thơ như một dạng hoạt động trí não của mình. Năm 1959 có thơ in ở báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. Năm 1964 đạt Giải nhất thơ ở báo Lao động. Những năm tháng đất nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc đấu tranh giải phóng miền Nam một lớp nhà văn trẻ, tài năng, nhiệt huyết: Thái Giang, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương, Hoài Anh và Nguyễn Xuân Thâm...
Thơ Nguyễn Xuân Thâm sớm góp tên trong các tập: Sức mới (1965), Thơ tuyển chống Mỹ 1967 do nhà thơ Chế Lan Viên chọn. Thật trân trọng, ghi nhận những thành công bước đầu của nhà thơ - nhà khoa học Nguyễn Xuân Thâm.
Chậm rãi, chiêm nghiệm, lắng đọng có thời gian đọc lại các tập thơ Nguyễn Xuân Thâm mới quý sức lao động hào khởi này: Đồng xanh (1964), Tiếng ong bay (1972), Nắng bên sông (1984), Tìm trầm (2002-Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), Chợt nhớ sâm cầm (2009), Thơ Nguyễn Xuân Thâm (2014) và hôm nay là Ơi cái gió ngang tàng (2019). Một thế hệ các nhà thơ lớn lên, trưởng thành qua ba cuộc chiến tranh dành độc lập tự do, giữ nước, dựng nước đầy nhiệt huyết. Họ vượt qua bom đạn, vượt qua những năm dài bao cấp, kinh tế khó khăn để sống và viết cùng dân tộc, cùng Tổ quốc…
Là nhà khoa học tư duy logic. Nhưng khi là nhà thơ lại có tư duy hình tượng, hồn cảm mộng mơ - Tưởng mâu thuẫn nhưng lại thống nhất nâng đỡ nhau làm lên vóc dáng nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm. Hồn cảm tạo lên dòng mạch thơ ông là tình yêu đất nước quê hương nỗi nhớ cồn cào máu thịt với nơi mình sinh ra lớn lên làm người, cội gốc của nòi giống Lạc Hồng.
Biết chia được với ai nỗi nhớ
Tôi đốt lòng mình lên trong lặng yên
(Tôi yêu đất nước tôi)
Những câu thơ đắm đuối, tạc dựng lên cảnh vật con người quê hương:
... Mẹ cha thương nhau trên xứ xở xương rồng
Quê cát nghèo vắng cỏ
Cái nắng đến say, cái gió đến buồn
(Tôi yêu đất nước tôi)
Đất nước là nơi mẹ ở, có mãi tranh nghèo, có dòng sông tuổi thơ: "Nhà mẹ ở Quy Nhơn/ Con về nghe tiếng sống/ Vỗ mãi vào trời xanh". Đất nước là dặm dài từ Bắc vào Nam, đâu cũng đồng bào nặng nghĩa nặng tình: Trời rất trong, lá đước một màu/ Sóng phù sa không nguôi rào rạt (Em có về xóm Mũi). Đất nước từ cao ngất Trường Sơn: Chiều Tây Nguyên đại ngàn rực đỏ/ Cuồn cuộn sông Ba hiện lên trong ánh lửa/ Bóng lũ làng giáo mác chạm nhau/ Đàn voi đi bành tía bành nâu (Trống và lửa); Đến rộng dài biển đảo: Mòng biển bay về kêu xé trời tạm chiếm/ Mây vẫn mây trắng trời/ Thủa ông bà/ Chớp biển làm ai mất ngủ (Hoàng Sa)… , ở đâu cũng là nước non mở cõi của cha ông:
Tôi miên man đi theo dòng mạch cảm xúc nhớ thương của Nguyễn Xuân Thâm về từng vùng đất, xóm làng, chòm bản, non cao, bể thắm của nước non miền Trung gian khó. Một giải đất nghèo núi gồng dáng đứng, sông gằn dòng trôi có tuổi thơ đẹp và vất vả đến nao lòng:
Miền Trung của tôi ơi!
Những tháp Chàm, những làng chài sóng vỗ
... Sông xanh dài như câu hát mái nhì
Núi Truồi ai đắp xanh ngắt
Mẹ ra đứng ngõ chiều chiều
(Buổi sớm thấy cây dừa trổ bông)
Nhịp thơ dồn dập, gập ghềnh khúc khuỷu như đường về miền Trung. Những câu thơ gợi nhớ Đèo Cả của Hữu Loan, Tình sông núi của Trần Mai Ninh: Đã ở phía sau/ Tuy Hòa gió/ Đã ở phía sau/ Rù rì người ngựa Thầm thương nhớ Hữu ngày nào/ Ăn trái gì chua mà nheo mắt (Qua Đèo Cả)
Và:
... Tuổi thơ qua rồi
Em khoác chéo trên vai khẩu súng
Những bãi bờ đợi bước chân em
(Ghềnh Đỏ)
Nhớ xót lòng người thân, bè bạn, đồng đội hy sinh qua hai cuộc chiến tranh để giữ yên khúc ruột miền Trung "Chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước": "Nhớ ôi! nơi sơn thôn/ Ngày lảng vảng bóng hùm/ Đêm voi gầm náo động/... Nhớ ôi người bạn cũ/ Tên khắc vào bia rừng/ Đá suối xếp thành mộ/ Mây Lào bay trập trùng!" (Nhớ)
Những nét phác họa tài hoa cảnh vật qua hồn cảm thơ Nguyễn Xuân Thâm cho ta đến và chiêm ngưỡng nước non nghìn áng mây vàng. Đây là Hà Nội thủ đô văn hiến nước Việt Nam cổ kính, cần lao, thiêng liêng: Những căn nhà/ Như những tổ chim/ ... Tôi đọc những tâm hồn/ Những rung động mới/ Những khắc khoải lo toan Hà Nội (Tôi yêu Hà Nội)
Và: "Gió thổi vào phố cổ/ Thả những chiếc lá? Màu Phái buồn" (Đầu ô trăng sáng). Đây Huế mộng mơ, nơi tuổi thơ và những năm tháng đầu đời của chàng học sinh Nguyễn Xuân Thâm neo đậu nỗi nhớ khôn nguôi: Buồn chi mà Nam ai/ Thoáng hiện sau tre trúc/ Con thuyền trăng em ơi!/ ... Thuyền trôi như thể lá/ Trời thả trôi giữa dòng/ Xuôi về thôn Vĩ Dạ (Xanh đêm dài)
Quy Nhơn tuổi ấu thơ đắm chìm nhìn sóng nước sông Cầu, nghe giọng hò kéo lưới trên sóng biển, nơi mẹ cha thương yêu con đậm đà muối mặn Sa Huỳnh: Tiếng sóng đập vào trời mạnh mẽ/ Từ biển giạt vào những tháp Chàm (Thành phố tuổi thơ)
Sông nước phương nam soi bóng vào thơ Nguyễn Xuân Thâm cũng rất ấm áp, quê kiểng, rất "Nam bộ".
... Chợ tan để lại trong lều vắng
Một nhánh mai vàng rực trước khơi
(Phiên chợ tết Bạc Liêu)
Giọng điệu dịu dàng, thanh bình, thoáng một chút Bắc kỳ ở Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Bính. Từ cực nam đất nước, hồn thơ Nguyễn Xuân Thâm lại bay bổng, ào ạt sôi động của miền công nghiệp than Đông bắc Tổ quốc. Mạch thơ tự do, cấu trúc đa tầng thổi hồn vào một đại công trường của chủ nghĩa xã hội: Gió/ Như trời thủng/ Thổi về ngang tàng/ Đông Bắc mở hầm/ Chân trời phóng khoáng/ Những gương mặt người yêu/ Lấp lánh than/... Chiều biển phập phồng Cẩm Phả (Cảm nhận Đông Bắc)
Nguyễn Xuân Thâm lấy cái tình để tìm cảm xúc cho thơ. Đọc Nguyễn Xuân Thâm bài nào cũng có hồn cảm thương nhớ mặn mòi và nhiều câu thơ hay nhà văn Đỗ Chu nhận xét: "Thơ Nguyễn Xuân Thâm trọng cái đẹp, ngôn từ kỹ lưỡng chắt lọc, không thể trộn lẫn. Anh chủ trương thơ cần có nhịp điệu riêng, nhịp điệu ấy tìm thấy trong cuộc sống, lâu dần nó thành phẩm chất của hồn mình, thơ mình".
Nghệ thuật diễn cảm thơ Nguyễn Xuân Thâm có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn tuổi thơ ban đầu chịu ảnh hưởng Thơ mới cổ điển, nền nã, buồn hoang vắng, nhịp thơ 7 chữ cân đối truyền thống ở Sầu Ai Lao, Chiều Việt Bắc, Nắng ngút đường dài...
Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt
Mây cứ sầu tuôn, núi võ vàng
(Sầu Ai Lao)
Con đường đất đỏ mờ sau bản
Thung lũng vàng lơ, nắng đổ chiều
(Chiều Việt Bắc)
Giai đoạn sau, thơ Nguyễn Xuân Thâm hòa nhập với dòng thơ kháng chiến, dòng thơ chiến sĩ, đặc biệt là dòng thơ miền Trung quyết liệt trong cảm xúc, bung phá trong cấu trúc. Ta gặp ở đây một dòng chảy lộng lẫy, huy hoàng của Thôi Hữu, Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên... với thi pháp mới về ngắt câu chọn từ, biểu cảm được không khí thời cuộc. Tuy vậy với hồn cảm riêng mình, Nguyễn Xuân Thâm vẫn giữ được cái mượt mà sang trọng trong tứ thơ, điệu cảm, ngôn từ. Nhà thơ Mã Giang Lân nhận xét: "Đọc thơ Nguyễn Xuân Thâm ta thấy ông vẫn nghiêng về vẻ đẹp cổ điển sang trọng, thanh nhã, kết cấu sáng rõ chặt chẽ". Đó là cái trọng, cái quý của thơ Nguyễn Xuân Thâm.
Đường đời đã hơn 80 năm, đường thơ dồn bước hơn 70 năm thật đáng nể trọng cảm phục cho nhà thơ, nhà khoa học Nguyễn Xuân Thâm. Dằng dặc thời gian lao động sáng tạo, chăm lo gia đình cho Nguyễn Xuân Thâm vững niềm tin đất nước, thao thiết tình yêu nhân dân, mặn nồng nhớ thương quê hương. Trong cuộc đời của mình nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm có hai lần được gặp Bác Hồ, đó là vinh dự và kỷ niệm lớn niềm động viên trên đường đời của thi nhân. Nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm cũng có thời gian dài xa đất nước đi dạy học ở châu Phi. Tháng năm đó cho ông thấm nỗi nhớ Tổ quốc, mở tầm hiểu rộng vè thế giới đầy biến động: chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật của những kiếp người:
Chiến tranh nhịp bước mê cuồng
Máu người, vỏ hộp, nỗi buồn mốc meo
Bảy năm gió núi hiu hiu
Tôi ra đứng ngõ, chiều chiều ruột đau
(Dạy học ở Huambo -Angola)
Rồi những năm tháng tuổi cao bệnh tật vào Viện mổ xẻ. Vòng đời con người đầy thử thách: Nằm bệnh tháng năm thèm đi bẻ sen/ Khoảng vắng Tây Hồ (Năm bệnh). Đỡ bệnh ông nhà thơ cội gốc miền Trung lại mê mải làm thơ. Những chùm thơ tươi rói cuộc sống hiện đại của Nguyễn Xuân Thâm xuất hiện đều đặn ở báo Văn nghệ, tạp chí Thơ, Hồn Việt của Hội Nhà văn Việt Nam:
Ông đã đánh đổi
Tiếng hót họa mi khốn khổ
Để lấy tiếng chim trời tự do
Trời trưa nay xanh lắm.
Xanh tiếng chim xa
(Chiếc lông rỗng - báo Văn nghệ số 25/2019)
Giọng điệu vẫn sang trọng và đầy cảm xúc ý tưởng. Tôi xin được lấy lời giới thiệu của báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam số 25 năm 2019 để khẳng định thêm về những gì nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm đã sáng tạo và thành công:
"Cho đến bây giờ Nguyễn Xuân Thâm vẫn lặng lẽ viết. Thơ ông càng thể hiện rõ một niềm khao khát sống, những nghiệm sinh sâu sắc về cuộc đời và đặc biệt là không bị cũ mòn".
Nguồn Văn nghệ số 45/2019