Tác phẩm và dư luận

18/12
11:45 AM 2014

Văn học nghệ thuật với thực trạng đạo đức xã hội hiện nay

Thực trạng đạo đức xã hội ở Việt Nam đang có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng là một sự thật. Có lẽ điều đó không cần bàn cãi, mọi người đều có thể thấy ngoài đường phố, công viên, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí ngay cả trong cơ quan nơi mình đang sống và làm việc.

Có thể có người nói: Đạo đức xuống cấp ở đâu chứ riêng mình thì không. Nói như vậy có thể đúng, bởi vì, không phải nói đạo đức xã hội xuống cấp thì mọi người đều có hiện tượng xuống cấp đạo đức. Nhưng, cũng cần đề phòng thái độ vô cảm, né tránh, không muốn thừa nhận hiện tượng xuống cấp đạo đức xã hội. Vấn đề là phải thấy hiện tượng xuống cấp đạo đức ở đâu, nó nghiêm trọng như thế nào, do đó, cần phải phân tích thực trạng, tìm nguyên nhân sâu xa thì mới thấy hiện tượng xuống cấp đạo đức là đáng báo động, không thể xem thường.

1. Thực trạng: Trước tiên phải khẳng định đại bộ phận nhân dân ta là người tốt, vì nước, vì dân, vì chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần đạo đức cách mạng theo con đường phát triển đất nước do Đảng và Hồ Chí Minh đã chọn. Nếu không như thế thì chắc chắn đất nước không thể có sự ổn định và phát triển như hiện nay. Nhưng, bên cạnh mặt tốt cần khẳng định đó, cũng phải thấy thực trạng xuống cấp đạo đức đang có nguy cơ ngày càng gia tăng. Vấn đề là xuống cấp ở đâu và xuống cấp như thế nào, thì phải tìm hiểu cội nguồn mới thấy rõ thực trạng có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. 

Theo tính chất đạo đức xuống cấp, có thể tạm chia thành ba loại như sau:

Loại thứ nhất, gồm những người thường không lương thiện, do hoàn cảnh cũng có, do lười biếng không chịu làm việc lại muốn có nhiều tiền để tiêu sài cũng có. Loại này thường chiếm số đông, gồm những kẻ ăn chơi, nghiện hút, trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, cơ bạc, đủ các loại…, thậm chí là giết người vô tội một cách dã man. Loại này đã trở thành tội phạm, bị trừng trị theo pháp luật, chứ không đơn thuần là xuống cấp đạo đức. Loại này dễ thấy, dễ trị, đáng lo ngại là ngày càng gia tăng khiến xã hội rất bức xúc. Nhưng, loại này không phải nguy hiểm nhất, vì họ là loại tội phạm dễ thấy và chắc chắn sẽ bị trừng trị theo pháp luật.

Loại thứ hai, gồm những người vốn là người lao động lương thiện, là thành phần cơ bản, thường có những thành tích trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, nay vì hoàn cảnh túng thiếu, quá nghèo lại thấy nhiều hiện tượng bất công, họ sinh ra bất mãn, không còn tin ở chế độ, sẵn sàng phản lại chính lý tưởng mà có thời mình tôn sùng. Đó là những công nhân, nông dân, trí thức, nói chung là những công dân bình thường, nhưng có những biểu hiện chống đối người thi hành công vụ hoặc phản kháng một cách tiêu cực những chủ trương, chính sách hiện hành, gây ra những chuyện không bình thường như những người phạm pháp ở Bình Dương hay Hà Tĩnh vừa rồi. Chỉ cần 200 nghìn đồng họ sẵn sàng theo kẻ xấu phá nhà máy nơi mình làm việc. Đương nhiên, họ có tội cần phải trị, nhưng cũng cần suy nghĩ về nguyên nhân, vì sao những người dân vốn là chỗ dựa của chế độ, nay lại bỗng nhiên phạm pháp. Cần phải tìm nguyên nhân thoái hóa, biến chất của loại người vốn được xem là thần dân này, đừng vơ đũa cả nắm xem họ cũng như loại trên, sẽ là một sai lầm. Nhân đây, cần nhắc lại câu nói của Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm”(**).

Dĩ nhiên, đó phải là những công việc vì nước vì dân, chứ không phải những việc lừa dối nhân dân.

Loại thứ ba, gồm những cán bộ, Đảng viên thoái hóa, biến chất mới thật sự đáng báo động về tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội. Họ không chiếm số đông nhưng là thành phần cơ bản vốn chịu trách nhiệm thực hiện nhiều công việc hệ trọng của đất nước, nay thoái hóa, biến chất thành loại người khác, phản bội lại chính mình, tạo nguy cơ cho đất nước, thậm chí thành kẻ “nội xâm”, sẵn sàng vì lợi ích nhóm mà câu kết với cả kẻ thù xâm lược. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã nói đến loại này. Thậm chí có người đang thi hành các dự án cấp quốc gia, trở thành những “đại gia” khi về hưu, hoặc còn đương chức họ đã lộ rõ chân tướng của kẻ tham nhũng, biến chất. Đừng coi thường loại này. Loại này khó thấy, hoặc thấy mà không ai muốn nói hoặc không dám nói. Đây mới là loại đáng báo động về sự xuống cấp đạo đức xã hội, vì chính họ đang giấu mặt thành người cầm cân nảy mực, quyết định những công việc hệ trọng của đất nước, tạo cơ hội cho kẻ xấu, cả kẻ địch, tìm cớ xuyên tạc bản chất chế độ, muốn Việt Nam phải chuyển hướng theo con đường khác.

Ngày nay, điều đó không còn là dự báo, hay dự đoán mà là một sự thật đã được một Nghị quyết của Đảng xác nhận. Đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), nói rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Dĩ nhiên, bộ phận không nhỏ ấy không phải là những người dân, mà là ở bộ máy lãnh đạo từ trung ương đến địa phương. Chỉ cần một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên xuống cấp đạo đức xã hội, đã là vấn đề rồi, huống chi lại là bộ phận không nhỏ thì thật sự không thể coi thường. Hơn thế nữa, bộ phận không nhỏ ấy lại ở ngay cơ quan chịu trách nhiệm chống tham nhũng thì càng không thể xem thường. Hạn chế được loại này thì tự nhiên những loại trên sẽ dần dần được khắc phục. Ngược lại, nếu loại này chưa được hạn chế thì những loại trên rất khó khắc phục.

 2. Nguyên nhân: Nguyên nhân của hiện tượng xuống cấp đạo đức xã hội có thể có nhiều, nhưng có lẽ bốn nguyên nhân sau đây là rõ nhất:

Một là, do mặt trái của nền kinh tế thị trường, xâm nhập lối sống không lành mạnh, tạo cơ hội cho chủ nghĩa cá nhân và lối sống thực dụng phát triển. Đó là nguyên nhân khách quan, dễ thấy, nhưng có nguy cơ phát triển nhanh.

Hai là, do bản thân mỗi người còn nặng chủ nghĩa cá nhân, lại sống trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, đã chịu những khó khăn trong kháng chiến, nay nhìn ra thế giới thấy mình khổ quá, dễ bị ngợp trước lối sống xa hoa hưởng lạc. Đó là nguyên nhân chủ quan, muốn tìm một cách sống giàu sang như những người ở các nước văn minh hiện đại, họ sẵn sàng từ bỏ lý tưởng mà mình đã thề thốt, tìm con đường khác với bản chất chế độ, với hoàn cảnh đất nước còn khó khăn. Họ không coi quyền lợi của đất nước, của nhân dân là mục tiêu phục vụ mà theo động cơ cá nhân, cả lợi ích nhóm, tìm cách làm giàu bất chính. Nguyên nhân này đang có nguy cơ phát triển gây bức xúc cho xã hội.

Ba là, do một số cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao thoái hóa, biến chất không còn gương mẫu trước nhân dân, nói không đi đôi với làm, lại lên mặt “quan cách mạng”, khiến cho cấp dưới không nghe theo, khó noi gương được gì ở họ. Đây là nguyên nhân khó thấy nhưng cần phải đặc biệt chú ý, vì thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cán bộ cấp trên đã không gương mẫu thì còn gì là công bộc của dân như Hồ Chí Minh đòi hỏi. Nguyên nhân này cũng đã được Đảng nhìn thẳng vào sự thật mà thừa nhận trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), nhưng hầu như chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu.

Bốn làdo công tác tư tưởng, công tác tổ chức, nhất là chính sách cán bộ của chúng ta có vấn đề. Đương nhiên, trong đó có trách nhiệm của văn học, nghệ thuật với tư cách là công cụ, vũ khí của công tác tư tưởng, nhưng trước hết phải thấy ở cấp vĩ mô, từ trung ương đến các bộ ngành đã xa rời công tác tư tưởng, xem nhẹ công tác tổ chức cán bộ, nhất là lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất con người mới có nhân cách đạo đức cách mạng như Hồ Chí Minh đòi hỏi. Nhiều vấn đề lý luận phát sinh do thực tiễn đòi hỏi không được các cơ quan cấp trên chú ý đúng mức, do đó, đất nước phát triển theo những chuẩn mực giá trị không rõ ràng, thiếu minh bạch, trong đó có những chuẩn mực đạo đức xã hội. Khuyến khích làm giàu là chính đáng nhưng phải theo con đường chính đáng phù hợp với bản chất chế độ. Không thể coi các đại gia, người siêu giàu trong xã hội ta cũng như những người dưới chế độ cũ hoặc theo con đường phát triển chủ nghĩa tư bản. Chính họ cũng khiến cho nhiều người nước ngoài nghi ngờ về cách làm giàu bất chính của họ. Đây là một nhiệm vụ hệ trọng có quan hệ đến lĩnh vực công tác tư tưởng, lý luận, trong đó có văn học, nghệ thuật.

 3. Mấy vấn đề đặt ra đối với văn học, nghệ thuật:

Là một lĩnh vực nhạy cảm, lại có chức năng phản ảnh xã hội, đương nhiên, văn học, nghệ thuật cũng lộ rõ tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, không chỉ thấy trong các tác phẩm cụ thể mà cả trong đội ngũ những người sáng tác và lý luận phê bình.

Hơn nữa, tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật ngày càng bộc lộ rõ đến mức không chỉ là xuống cấp đạo đức, lối sống thông thường, mà đã lấn sang lĩnh vực suy thoái tư tưởng chính trị…

Thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật, đương nhiên, có nguyên nhân từ thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp, nhưng, cũng có nguyên nhân sâu xa từ bản thân nó. Người sáng tác có thể tự do lựa chọn đề tài, tự do miêu tả những hiện tượng bình thường nhất, nhưng không thể đem cái bình thường để đối lập với cái cao thượng theo cách “suy bụng ta ra bụng người”. Ngược lại, văn học, nghệ thuật phải biết trân trọng, biểu dương bằng nghệ thuật những tấm gương hy sinh vì xã hội, vì người khác, phê phán cái ác, cái xấu, vốn thường trực trong mỗi người và trong cuộc sống xã hội. Đó mới thực sự là chức năng cao quý của văn học, nghệ thuật, cũng là mục tiêu chân chính của cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ vốn là bản chất sáng tạo của văn học, nghệ thuật.

Từ quan niệm trên, chúng ta thấy trong văn học, nghệ thuật ta không chỉ có vấn đề đối với những sáng tác xem nhẹ đạo đức xã hội, mà còn có cả quan niệm khác nhau về lý luận phê bình, nhất là lý luận phê bình đối với một nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như nhân dân ta mong đợi. Phải chăng, văn học, nghệ thuật ở ta đang đặt ra những đòi hỏi cấp thiết về một định hướng phát triển lý luận, không chỉ là lý luận có liên quan đến phương pháp sáng tác mà là quan điểm lý luận thể hiện mục đích sáng tạo nghệ thuật trong xã hội ta. Phải chăng, chúng ta cần có hệ thống lý luận riêng của Việt Nam trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, truyền thống văn hóa dân tộc, nhất là tổng kết thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật của dân tộc ta, nhằm đáp ứng yêu cầu sáng tạo văn học, nghệ thuật Việt Nam. Đó cũng là vấn đề đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa và con người Việt Nam…

 (**) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,  T. 5, tr.280.

 (Nguồn: Báo Văn nghệ số 50/2014)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *