NỖI BUỒN VƠ VẨN HAY NIỀM THAO THIẾT ĐÁNG TRÂN TRỌNG
Ngày nay, khi nhà nhà in sách, người người ra sách, thì Thạch Lựu, một trong những hội viên sáng lập Hội Văn nghệ Hải Phòng năm 1964 lại đắn đo ngần ngại trước việc ra cuốn sách đầu tiên của mình. Thạch Lựu đã hủy bỏ hàng xấp dày bản thảo những tác phẩm viết những thập kỉ 70, 80 về trước để có tập truyện ngắn Nỗi buồn vơ vẩn giờ đây trên tay bạn đọc.
Không chỉ một truyện ngắn, mà Thạch Lựu dù viết một lời nói đầu cho cuốn sách của bạn bè, cũng đọc đi đọc lại nhiều lần, sửa sang kỹ lưỡng từng chữ, từng dấu chấm câu… để rồi có khi bỏ đi, viết lại, vì thấy không vừa ý, tự ngượng với mình; sợ in ra, người đọc sẽ xem thường. Bây giờ, không còn mấy người trước khi viết văn, làm thơ thường dọn mình thắp hương cầu cho phút linh về như trong câu thơ của Hồ Dzếnh: “Phút linh cầu mãi không về / Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen” nhưng sự cẩn trọng của Thạch Lựu luôn nhắc ta về điều đó.
Thạch Lựu khiến tôi nghĩ đến nhân vật nhà văn Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao, vừa giàu khát vọng vừa khắc kỉ với sự nghiệp văn chương của mình. Có lúc lại như ẩn mình trong cuộc sống “lão giả an chi” lấy sự nhàn làm thú vui với mảnh vườn đầy hoa trái, với bờ giếng, bể giả sơn, với thú sưu tầm gỗ lũa của mình. Có lúc như một học giả trầm ngâm với những suy tưởng gợi ra từ các trang sách của các văn nhân, học giả Đông Tây kim cổ. Nhưng hơn tất cả, ông như một ký giả cặm cụi miệt mài lặng lẽ ghi chép những sự thật của muôn mặt cuộc sống với cả những góc khuất, những mặt trái, mà tâm hồn tinh tế nhạy cảm ông đã nhận biết được.
Thạch Lựu, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Phịu, sinh năm 1935 tại làng Thạch Hào, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ông từng làm trong ngành Ngân hàng, nhưng rất đam mê văn chương. Cuối năm 1963, được theo nhà văn Nguyên Hồng, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm trong Ban vận động thành lập Chi hội Văn nghệ Hải Phòng - nay là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng rồi đến năm 1966 ông bỏ ngành Ngân hàng chuyển sang Đài phát thanh Hải Phòng để được chuyên viết văn, làm báo. Trước khi nghỉ hưu, ông là phó Tổng biên tập của Đài phát thanh Hải Phòng, nay là Đài phát thanh và truyền hình Hải Phòng. Ông tự bạch rằng: Văn chương không phải là một thú vui có thể chiều lòng mọi người. Ông đã từng trải nhiều gian truân, đã từng bỏ viết đến hơn chục năm. Sau này trở lại viết chỉ ra toàn những chuyện buồn... Có lẽ cuộc đời mà ông đã trải “vận” vào văn chăng?
Ông kể tôi nghe về lời cảnh báo đầy dự cảm của nhà văn Nguyên Hồng, người từng khích lệ ông đến với văn chương khi thấy ông đi làm báo, rằng: Không cẩn thận rồi tư duy báo chí, lối văn nhật trình sẽ giết chết văn chương của anh. Ông ngẫm ra, suốt quãng đời làm báo, ông không thể viết ra những tác phẩm văn chương thực sự từ những sự thực trần trụi cay nghiệt, phi văn chương mà ông tiếp xúc hằng ngày, thời đó. tất nhiên vẫn có những nhà văn tài năng phi thường làm được việc này, nhưng ông thì không thể; đúng như lời dự đoán của nhà văn bậc thầy. Nhưng cũng nhờ những năm tháng làm báo mà đời sống văn học của ông phong phú với nhiều trải nghiệm, ngồn ngộn những chất liệu, những mẫu hình, những số phận, những cảnh đời bi hài ái ố hỗn độn một thời... để đến khi về hưu ông viết ra Nỗi buồn vơ vẩn.
Nỗi buồn vơ vẩn gồm 8 truyện ngắn viết về nông thôn vào thời những năm 80, 90 của thế kỉ trước. Thạch Lựu kể cho chúng ta những câu chuyện về một thời kỳ khốn khó, cơ cực về vật chất và tinh thần, thời kỳ đã khiến tác giả hay những ai có tâm hồn mẫn cảm phải luôn sững sờ thảng thốt về những điều phi lý thường nhật diễn ra trước mắt. Những câu chuyện tưởng như vu vơ bâng khuâng, những nỗi buồn khi trĩu nặng, khi man mác, khi bật lên thành tiếng cười trào phúng, khi nghẹn ngào rưng rưng nước mắt, và tất cả đều trăn trở những nỗi đời.
Làng quê trong tập truyện của Thạch Lựu không hề êm ả. Những Bất ngờ 1, Bất ngờ 2, Cái làng đa sự, … Những câu chuyện cười ra nước mắt. Chuyện về khoán, ép cho nông dân trong thi đua sản xuất để rồi họ phải sống dở chết dở, phải trí trá, ngụy trang, làm ăn một đằng báo cáo một nẻo khi những chủ trương, đường lối, chính sách, những anh cán bộ cải tiến quản lí hợp tác xã vòng 1, vòng 2... trên bàn giấy do cấp trên cử về như từ trên trời rơi xuống chẳng ăn nhập gì với thực tiễn. Chủ nhiệm hợp tác xã báo cáo khống, nông thôn luôn là nơi thí điểm các điển hình nuôi lợn giỏi, trồng cói tốt, nuôi trồng thủy sản tiêu biểu... trong khi đời sống nông dân ngày một sa sút, thật là “tưng bừng khổ cực”! Làng quê sẽ đi về đâu, trôi nổi thế nào, những nền nếp gia phong trước những biến đổi thời cuộc luôn là dấu hỏi thường trực trong lòng nhà văn luôn gắn bó với đồng đất gò bãi. Câu hỏi ấy đầy nhức nhối trong truyện Đô thị qua cầu. Thạch Lựu sớm hiểu rõ những mặt trái của việc đô thị hóa, của việc đền bù ruộng đất giải tỏa mặt bằng. Nông dân mất ruộng, không còn kế sinh nhai, cân bằng sinh thái, làng quê bị phá vỡ. Đến khi quay lại thì không còn con ếch, con rắn, con lươn, con nhệch để cho kẻ bắt lươn, soi ếch như lão Hộc sinh sống được nữa. Câu hỏi ấy thành nỗi buồn khi đồng tiền lên ngôi chúa tể lấn át cả nền nếp gia phong trong truyện Chú cháu tôi. Nỗi lo sợ có khi người ta sẽ làm giỗ ông bà cha mẹ nơi nhà hàng khách sạn thành nỗi lo mơ hồ len lỏi.
Nỗi buồn vơ vẩn, truyện ngắn mang tên tập sách này là một tiêu biểu cho cảm hứng chung của tập. Bà lão Sậy được một gia đình mà xưa kia ông bà cưu mang thời chiến tranh khốn khó bỗng một ngày họ tìm vể trả ơn. Họ đón bà lên thành phố để họ dễ dàng chăm nom, báo đền. Nhưng bà vẫn thấy buồn khi khoảng cách nông thôn và thành thị, giữa giàu nghèo, sang hèn của con người ngày một lớn và làng quê có thể sẽ mất đi. Mặc dù được đối xử, chăm sóc tốt, nhưng bà lão Sậy vẫn muốn tìm về làng quê của mình. Bà sợ cái làng Nụ của bà sẽ trôi đi đâu, chìm đâu mất. Ước gì có ai đó với quyền năng phi thường có thể nâng cái làng Nụ ấy lên và kéo nó lại với bà.
Không chỉ có nỗi buồn về nông thôn, làng quê thời mở cửa mà nỗi buồn về những thân phận con người với những chìm nổi đắng cay, với những tập tục kỉ cương ràng buộc ở trong tập truyện này cũng đầy éo le. Làm sao không rưng rưng trước thân phận cô Ngà trong truyện Nén hương tạ tội, một cô gái từng là thanh niên xung phong đi dựng xây vùng kinh tế biên giới rồi phấn đấu trở thành một kĩ sư nông nghiệp với việc phát triển mô hình khu vườn nhân giống cây trồng cho nông dân và không may mắc bệnh hiểm nghèo khó qua nổi. Trước khi chết, Ngà ước ao một chiếc hôn từ người anh rể họ xa lên đôi môi trinh nữ của mình. Vậy mà nhân vật Tôi, người anh họ xa ấy, đã không dám, không thể vượt qua được tập tục, lề luật cổ lỗ tầm thường của người dân quê, đã để nụ hôn trượt trên mái tóc xuống vành tai Ngà. Cô gái đã đi vào cõi chết lạnh lẽo với tiếng thở dài buồn bã, đôi mắt đẫm lệ và cặp môi trinh nữ khao khát yêu thương. Niềm khao khát cho một nụ hôn trinh nữ đâu có tội, chỉ những kẻ nô lệ cho những tập tục kỉ cương kia, quen sống trong những khuôn phép chật chội vây hãm đã không thể thực hiện được ước nguyện cuối cùng của cô gái thôn quê ấy. Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh nhân vật Tôi một mình run rẩy cắm nén hương tạ tội trên nấm mồ cô gái trong một chiều gió mưa thổi lật cả những cánh hoa trên mộ cô về phía bờ sông là những chi tiết thực sự khiến người đọc bứt rứt, ám ảnh.
Dù duy nhất trong tập truyện có Thiên Hương viết về hình tượng người nghệ nhân với khát vọng nghệ thuật của mình nhưng cũng đủ khiến người đọc hiểu được tâm tưởng và khao khát làm nghề của nhà văn. Vừa dấn thân quyết liệt say mê, vừa tỉ mỉ kĩ càng, cần mẫn, vừa cần tài năng, trí tuệ quyện với tâm hồn, tấm lòng của lão nghệ nhân điêu khắc Hoàng Duy Thoảng, phải chăng đó cũng là những phẩm chất cần có của kẻ làm văn chương, nghệ thuật. Lão khắc tạc sự sống muôn loài từ cái gốc mít lớn của nhà chùa tặng thành một công trình điêu khắc mà lão mơ ước. Có thể tạo hình nhiều thứ, nhưng mô tả con người thì lão bất lực. Phải chăng con người đã bị biến dạng méo mó tồi tệ bởi lòng tham, sự đố kị, tàn ác, độc địa, đến hủy diệt lẫn nhau; tâm địa xấu xa đầy rẫy hỗn tạp trong một con người và được giấu dưới những bộ mặt tử tế?! Lão không thể tạc nổi những con người. Chỉ khi gặp cô gái tên Thiên Hương trong sáng, tràn đầy mộng mơ, nhiệt huyết được làm công việc mình yêu thích dù phải rời thành thị về thôn quê, cống hiến cho đời thì lão Thoảng mới có thể hoàn thiện được công trình của mình trong đó có những nét khắc tạc về con người. Công trình ấy lão đặt tên Thiên Hương, thuộc về Thiên Hương, hương của trời đất. Đọc truyện này, tôi cứ thấy bảng lảng chút Pautopxki trong Lẵng quả thông. Nhạc sĩ nổi tiếng Eduar Grigo đã sáng tác một bản nhạc tuyệt vời dành tặng cho cô bé ngây thơ đáng yêu con gái người gác rừng mà ông đã gặp năm xưa. Cô nghe được bản nhạc vào sinh nhật 18 tuổi của mình dù khi đó nhạc sĩ đã qua đời. Cô chạy ra biển rồi thốt lên: Cuộc sống ơi, ta yêu Người. Đằng sau những nỗi buồn, thiên truyện ngắn Thiên Hương vẫn gieo vào lòng bạn đọc niềm tin rằng cuộc đời này vẫn có những điều kì diệu và tuyệt đẹp.
Đọc tập Nỗi buồn vơ vẩn, dù vương vấn những nỗi buồn của nhà văn về con người, thời cuộc, song thiết nghĩ đó đều là những nỗi buồn đáng trân trọng khiến tâm hồn ta tha thiết, trĩu nặng một ý thức trách nhiệm, khiến ta muốn sống tốt hơn, như lời một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời” của Nodar Dumbadze, nhà văn người Gruzia:
Tâm hồn con người ta nặng gấp ngàn lần thể xác. Nó nặng đến nỗi không ai có thể tự mình mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống hãy ra sức nâng đỡ tâm hồn nhau. Ông nâng đỡ cho tâm hồn tôi trở lên bất tử, tôi nâng đỡ cho người khác, người khác lại nâng đỡ cho người khác nữa, cứ thế kéo đến vô cùng. Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình cảnh cô đơn trong cuộc sống.
Thạch Lựu viết văn với nỗi đau đáu thao thiết về con người, về thân phận kẻ sáng tạo, sự tự trọng về nghề, viết những gì mình thực sự tâm đắc mà không xu thời. Đâu đó quanh ta còn không ít những người cố chen chân chốn văn chương để lập danh dù không thực tài thì câu chuyện về nhà văn ngoài bát tuần suốt đời cầm bút mà đầy nghiêm cẩn cho sự xuất hiện của cuốn truyện đầu tiên của mình thực đáng kính trọng.
Tiên Lãng, Thu 2016.
L.K.P