NGƯỜI LÀM PHIM BẰNG VĂN CHƯƠNG
Lối viết tản văn bình dị, nhẹ nhàng, tự nhiên cùng sự tài tình của ngòi bút Huỳnh Như Phương trong việc tái hiện một cách sống động những khung cảnh kí ức và dễ dàng bắt được cái thần của văn, của người, của sự kiện từ lâu đã khiến không ít người mê say. Niềm mê say ấy, đến tập sách này, có lẽ vẫn chưa có dấu hiệu vơi cạn.
Nhưng thực lòng thì khi xem lướt qua cả tập Thành phố - những thước phim quay chậm, có đôi lúc những người đọc và yêu văn Huỳnh Như Phương cảm thấy lòng mến mộ và sự chờ mong dành cho cây bút mà họ thương quý hình như chưa được hồi đáp một cách tương xứng cho lắm, khi trong tập sách này ít có những tác phẩm mới, mà gần như xuyên suốt là sự trở lại của những trang văn quen thuộc, đã xuất hiện đâu đó trong những tập tản văn mà ông từng công bố trước đây.
Dầu vậy, nếu chậm rãi lần giở từng trang sách Thành phố - những thước phim quay chậm thêm một vài lần, tôi tin người ta sẽ có một ấn tượng rất khác.
Có cảm giác rằng khi trở lại, một lần nữa, trong tập sách này, từng tản văn của Huỳnh Như Phương đang bắt đầu một hành trình mới, một đời sống khác. Chất sống ấy khiến chúng không chịu nằm im và chấp nhận những diễn giải cố hữu, mà liên tục phơi bày những chiều kích mới, những tương kết mới. Trong tinh thần ấy, tuy nội dung của Thành phố - những thước phim quay chậm đa phần vẫn là những tản văn đã từng xuất hiện trong Ngôi nhà và con người (2006) hay Bây giờ mà có về quê (2011), nhưng tập sách mới nhất này của giáo sư Huỳnh Như Phương vẫn tạo được một phong vị lạ, một mạch văn riêng biệt có khả năng triển hoạt, khơi động những tầng nghĩa, tầng liên tưởng thú vị.
Nếu Ngôi nhà và con người sắc sảo với những suy tư đậm tính thời sự và chân dung các văn nghệ sĩ được phác họa một cách tinh tế; nếu trong Bây giờ mà có về quê, những kỉ niệm quê hương và những câu chuyện quá vãng vượt lên, chiếm vị trí trọng yếu, thì ở Thành phố - những thước phim quay chậm, tất cả đều có mặt như những mảnh ghép không thể thiếu trong một bức tranh đa sắc về đời sống, một đời sống với đầy đủ những cung bậc, những xáo động và thăng trầm của nó.
Các tản văn trong tập sách này không được sắp xếp thành từng cụm đề tài như hai tập trước, mà xuất hiện một cách ngẫu nhiên theo thứ tự alphabet của chữ cái đầu tựa đề. Có khi vừa xem một “cảnh quay” ngắn nhưng tinh về những chuyến đi “dọc đường thế sự” của ông già Nam Bộ Sơn Nam, thì ngay lập tức người ta có thể rưng rưng xúc động trước “khuôn hình” bắt cận gương mặt lam lũ của một người đàn bà miền Trung, đến tuổi xế chiều chỉ còn biết ngồi lặng lẽ trước hiên nhà ngóng đợi những hình bóng hư vô khi chiến tranh đã lấy đi khỏi cuộc đời bà gần như tất cả (Người ngồi đợi trước hiên nhà). Có khi “ống kính” kí ức của Huỳnh Như Phương vừa làm dậy lên trong lòng độc giả cái khao khát mãnh liệt được trở về làm một đứa bé trường làng để ngồi xì xụp tô bún bò cay nóng giữa tiết mưa xuân (Trời đã mưa xuân), thì ngay sau đó lại kéo người ta về lại Sài Gòn với không gian những phòng trà da diết nhạc Từ Công Phụng (Từ Công Phụng trở lại).
Điều này, trong tương hợp với tên sách, dễ gợi cho người ta cảm giác đang xem một cuốn phim dài, nhưng là một cuốn phim với lối tự sự phi tuyến tính, đậm màu hiện đại trong sự phức hợp những chuyển cảnh ngẫu hứng, buông lơi theo mạch chảy của kí ức, liên tưởng và suy tư. Gần bảy mươi bài viết trong tập sách này, vì thế, đã không còn là những bức ảnh tĩnh chụp lại một khoảnh khắc, một nhân vật, một ngẫm ngợi, mà chúng đã nối liền vào nhau, hòa trộn vào nhau, cắt dán lẫn nhau để trở thành những khuôn hình động, xoay vần trong một thước phim được dàn dựng theo kĩ thuật montage hiện đại.
Hoài niệm và những cảm nghiệm, theo cách ấy, cứ tràn ra, kéo theo nó không chỉ những hình ảnh, liên tưởng mà còn là những mùi vị, thanh âm và cả những cảm giác chân thật đến mức tưởng chừng chỉ có thể có được bằng cách sờ chạm trực tiếp. Đó là một tiết Nguyên đán trong vắt như sương mai, một buổi chợ Củ Chi lao xao tiếng kì kèo và tươi ngọt mùi thịt cá, là những tiếng chuông vang đi và nâng hồn người lên cao, hay đó cũng có thể là một mùi trầu hăng hăng, một gàu nước giếng mát lành những ngày thơ ấu cơ cực. Với sự huy động đến tuyệt đối khả năng biểu đạt đa giác quan của ngôn ngữ, có thể nói “bộ phim” mà giáo sư Huỳnh Như Phương dựng nên thậm chí vượt xa cả những bom tấn điện ảnh đầy kĩ xảo hiện đại, và cũng khiến cho người ta nhận ra rằng, văn chương thực thụ hôm nay vẫn chảy tràn trong nó một nguồn nhựa sống rào rạt, một sức hút mãnh liệt không thua kém bất kì một loại hình nghệ thuật nào.
Để có thể cho ra đời những “thước phim” như thế, bên cạnh tài năng và sự sắc sảo của riêng mình, giáo sư Huỳnh Như Phương còn may mắn có được những trải nghiệm đặc biệt và một nguồn cảm hứng lớn lao đến từ những chuyến đi. Khi còn học trung học, ông từng có dịp đi từ Quảng Ngãi vào Nam thăm thú Sài Gòn suốt những ngày hè. Thập niên 1980, ông sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, rồi vài năm sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, ông sang Pháp làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Paris VII. Ông mê mẩn Đà Lạt, Hội An. Ông đi chợ tết Củ Chi, khoái thú nghe nhà văn Lê Văn Thảo luận về ẩm thực. Ông qua những chuyến phà đồng bằng đến thăm Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh. Rồi còn có lần ông cùng giáo sư Hoàng Dũng sang Munich, Đức dự hội thảo và kết nối cùng những học giả quốc tế…
Dầu vậy, cũng có đôi lúc cuộc đời và lịch sử đã run rủi ông bước vào những cuộc hành trình mà ông không hề ngờ tới và cũng không thực sự có quyền chọn lựa. Ví như lần ông phải rời ngôi trường Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi gắn với những kỉ niệm vừa đau buồn, vừa êm đềm để vào Sài Gòn học tiếp lớp 12 vì sợ bị bắt lính, hay lần chia tay giảng đường Đại học Văn khoa chỉ sau một năm làm sinh viên ban triết, để lên tàu ra Đại học Tổng hợp Hà Nội học ngành văn. Sinh ra, trưởng thành, học tập và làm việc giữa những năm tháng khủng khiếp của chiến tranh và những rối ren, dễ hiểu rằng ở nhiều thời điểm, ông không có cách gì kháng cự lại những biến động và đẩy đưa của số phận.
Có đôi lúc, trong những trang phim- trang đời này, người ta vẫn bắt gặp một Huỳnh Như Phương đầy ưu tư, băn khoăn, bàng hoàng, nuối tiếc và cả lạc lõng trước những trớ trêu của tình thế và thời cuộc. Nhưng vấn đề là ông biết cách đi qua những bất trắc ngổn ngang ấy mà không để mình bị nhấn chìm giữa biển thù hận, u uất, khổ lụy. Thậm chí, những biến cố này chỉ càng nhóm lên và hun đúc thêm trong ông một thứ tình tự dân tộc mãnh liệt, một mơ ước hòa bình, và trên hết là nỗi khát khao sự từ ái, lòng trắc ẩn, tình yêu thương giữa con người với con người và giữa con người với vạn vật tự nhiên. Những tản văn như Ba mươi năm những chuyến tàu thống nhất, Bốn mươi năm tết hòa bình đầu tiên, Khát vọng hòa bình, Bên bếp hồng của mẹ, Hà Nội trong sương mù kí ức, Mùng một tết cha, Chỉ là một năm thôi hay Nhất thời và vĩnh cửu, Người đàn bà mang thai, Những khoảng xanh Sài Gòn… hoàn toàn có thể xác chứng cho những điều khẳng quyết ấy.
Chạm đến những vấn đề vĩ mô như thế trong một tập sách có kiến trúc của một bộ phim được dàn dựng kì công, song hiện lên trước mắt độc giả, như thường lệ, vẫn là một Huỳnh Như Phương nhẹ nhàng, chậm rãi và trầm lắng. Nhưng nhẹ mà sâu, chậm rãi mà cuốn hút, trầm lắng mà tài hoa, kinh lịch, tản văn Huỳnh Như Phương cho thấy sự giản dị bao đời vẫn là một giá trị, một thước đo, một cảnh giới không dễ đạt đến của sự viết
N.Đ.M.K
NGUỒN: VNQD