Tác phẩm và dư luận

25/5
7:52 AM 2018

NGUYỄN VỸ-NHÀ BÁO VỚI Ý THỨC DẤN THÂN

Trần Hoài Anh-Trong những gương mặt văn học thời tiền chiến xuất hiện trên văn đàn Việt Nam những năm 1932-1945 và tiếp tục hoạt động sung sức ở miền Nam trong thời kỳ 1954 -1975, Nguyễn Vỹ là một nhà văn đa tài tung tẩy trên nhiều phương diện như: viết văn, làm thơ, biên khảo, viết báo… ở lĩnh vực nào, Nguyễn Vỹ cũng tạo nên những dấu ấn riêng.

                                                                   Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ

 Đặc biệt, đối với lĩnh vực báo chí là lĩnh vực, ông có nhiều cống hiến cho đời sống văn học và báo chí nước nhà rất cần được quan tâm nghiên cứu. Bởi, đây là lĩnh vực thể hiện rõ ý thức dấn thân của ông trong các hoạt động xã hội, là nơi để ông thể hiện một phần những hoài bảo và khát vọng trong lẽ sống của mình với cuộc đời. Vì vậy, nếu trong lĩnh vực thơ ca ta bắt gặp một con người lãng mạn của một Nguyễn Vỹ - Thi nhân với rất nhiều hoài vọng có tính lý tưởng, thì trong lĩnh vực báo chí ta bắt gặp một con người hành động của Nguyễn Vỹ trong tư cách một nhà báo dấn thân đấu tranh chống cái ác, cái bất công, chống bạo lực cường quyền để vươn đến lẽ công bằng, bình đẳng trong xã hội. Và chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi những thăng trầm, những vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau trong cuộc đời của Nguyễn Vỹ đều bắt nguồn từ hoạt động báo chí của ông trong tư cách của một nhà báo và một nhà quản trị báo chí chuyên nghiệp. Và điều này sẽ được xác chứng qua cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam 1954-1975 về chân dung Nguyễn Vỹ với tư cách một nhà báo dấn thân.

http://admin.baovannghe.com.vn/cdn/uploadv2/web/1/1/news/2018/05/21/07/49/1526888992_ch.jpgLà một nhà văn sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Ngãi được hun đúc trong linh khí của Núi Ấn  Sông Trà, lại được giáo huấn ngay từ bé trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, Nguyễn Vỹ đã sớm nuôi nhiều ước vọng cao đẹp về một xã hội công bằng, nhân văn, hiện đại và đây chính là cơ sở tư tưởng tạo tiên đề để ông lựa chọn báo chí như một phương diện dấn thân để “hành đạo” thậm chí để “nổi loạn” nhằm thực hiện lý tưởng sống của mình. Sự chọn lựa này có thể thành công hay thất bại, thậm chí có lúc rất mạo hiểm nhưng nó cho thấy bản lĩnh sống đầy ý thức hiện sinh của Nguyễn Vỹ. Đó là ý thức được sống với chính sự lựa chọn của mình, cho dù sự lựa chọn đó có thể đem đến cho ông nhiều mất mát, khổ đau và nguy hiểm đúng như lời thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã viết về tờ báo Dân ta, một tờ báo do Nguyễn Vỹ sáng lập và quản trị: “DÂN TA anh dũng” với “oai hùng”/ chí khí ngang tàng vẫn nấu nung/ Bút thép xứng danh người chiến sĩ/ Non sông vay trả nợ tang bồng” (1)

              Theo Nguyễn Tấn Long: “năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ báo Việt Pháp lấy tên là Le Cygne tức Bạch Nga. Báo này ngoài Nguyễn Vỹ còn có nhà văn tên tuổi Trương Tửu cộng tác. Le Cygne là cơ quan cách mạng chính trị xã hội văn nghệ. Trên báo này, Nguyễn Vỹ có viết nhiều bài công kích chính phủ Bảo hộ, chỉ trích đường lối cai trị của thực dân Pháp. Chính vì lẽ đó mà Le Cygne bị đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn. Thực dân Pháp kết án ông là thành phần bất hảo, nguy hiểm cho chính phủ Bảo hộ và ghép vào tội “phá rối trị an và phá hoại nền anh ninh quốc gia”. Kết quả: ông bị tòa án thực dân tuyên phạt 6 tháng tù và 3000 quan tiền phạt.

            Mãn tù năm 1939, thế chiến thứ hai bùng nổ, Pháp thất trận, quân Nhật chiếm Việt Nam; không thua gì Pháp, Nhật Bản đặt chế độ quân phiệt độc tài cai trị; Nguyễn Vỹ quay lại tranh đấu chống Nhật, ông dùng ngòi bút – một khí giới muôn đời của kẻ sĩ – cho xuất bản hai quyển sách chống chế độ quân phiệt Nhật Bản, đó là:

- Kẻ thù là Nhật Bản.

- Cái họa Nhật Bản.

Lần nầy cũng như lần trước, Nguyễn Vỹ bị quân Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê (sau này trong tạp chí Phổ thông bộ mới, Nguyễn Vỹ có kể lại những ngày sống trong ngục Trà Khê với tựa bài ‘‘Người tù 69’’).

Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra khỏi tù, sáng lập tờ báo Tổ quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo Tổ quốc bị đóng cửa.

Sau đấy, Nguyễn Vỹ lại cho ra đời tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Đại. Sống chẳng bao lâu, báo Dân chủ cũng chung số phận với báo Tổ quốc.

Đến năm 1952, một nhật báo khác cũng do Nguyễn Vỹ chủ trương là tờ Dân ta, ra đời để rồi sống chỉ được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa như các tờ báo trước của ông.

           Mãi đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán Nguyệt san Phổ thông, chủ trương về nghệ thuật và văn học, hiện nay tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam.” (2)

     Có thể nói, qua những gì Nguyễn Tấn Long đã tường trình về hành trình làm báo của Nguyễn Vỹ thời kỳ trước 1945 cũng như sau này ở miền Nam trong thể chế Việt Nam Cộng Hòa, ta thấy Nguyễn Vỹ thật sự là một nhà báo dấn thân dám chấp nhận mọi hiểm nguy để thực hiện lẽ sống của mình. Điều đó được thể hiện rõ qua tôn chỉ, mục đích và cả hành động cụ thể của các tờ báo mà ông phụ trách. Đó là tinh thần phản kháng, đấu tranh trực diện với các thế lực “đen tôi” trong xã hội để chống lại những gì đi ngược với các giá trị cao đẹp có tính nhân văn như; tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái… mà Nguyễn Vỹ luôn khát khao thực hiện với tất cả niềm đam mê của mình. Vì vậy, khi chúc mừng sinh nhật tạp chí Phổ Thông do Nguyễn Vỹ làm Giám đốc và Chủ bút, rất nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu thể hiện tình cảm và thái độ ngưỡng mộ những giá trị trong lĩnh vực hoạt động báo chí của Nguyễn Vỹ như bài thơ của Việt Nhân đăng trên tạp chí Phổ Thông số 46 ra ngày 1/11/1960 “Thu ơi ai nhuộm lá thu vàng / Hai tuổi cùng tròn với thế gian /Những muốn Phổ Thông cùng tuế Nguyệt! / Mặc dầu lao khổ lẫn huy hoàng / Diệu Huyền vẫn dệt đường tơ mộng / Nguyễn Vỹ chi sờn nỗi tấc gang. / Còn sống thì còn cơ hội ngộ / Dân Ta mấy độ tiếng lừng vang!” (3)

       Và đây cũng là cái nhìn của Tuần Lý - Huỳnh Khắc Dụng về Nguyễn Vỹ với tư cách là một nhà báo dấn thân khi cho rằng Nguyễn Vỹ :“là một nhà báo biết tự trọng, có tư cách của người trượng phu, không như nhiều cây viết khác, ti tiện vô duyên mà không biết thẹn… không có một hiện tượng nào trong cái xã hội này mà cô Diệu Huyền (một bút danh của Nguyễn Vỹ (HA. chú thích) không chế diễu, chế diễu một cách thanh tao duyên dáng, khiến người bị ám chỉ cũng phì cười.” (4)  

      Không chỉ là nhà báo biết “tự trọng”, không “ti tiện” mà với tư cách là một nhà báo dấn thân, để hoàn thiện thiên chức của một người cầm bút trên lĩnh vực báo chí, một lĩnh vực đòi hỏi ở người viết không chỉ có tâm huyết, có tấm lòng mà còn phải có trí tuệ, có kiến thức với một phông văn hóa phong phú nên Nguyễn Vỹ không ngừng nâng cao về khả năng chuyên môn của mình. Và đây cũng là điều mà Nhu Thắng Cang trên Nhật báo Tin Sớm số 2161 ra ngày 16/12/71 cảm nhận khi nhìn nhận về tư cách nhà báo của Nguyễn Vỹ: “Anh Nguyễn Vỹ thuộc về những người viết báo lớn, có chân tài thực học, viết đủ mọi loại (…) Anh viết thật hăng say làm việc không mệt mỏi. Dưới bút hiệu Diệu Huyền anh đã tạo được nhiều mỹ cảm trong nữ giới.” (5)

(…)

     Không chỉ là nhà báo dấn thân, có nhân cách và có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, Nguyễn Vỹ còn là nhà biên khảo, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội có những suy nghĩ độc lập và có cá tính. Đây cũng là một phương diện thể hiện văn tài của Nguyễn Vỹ mà chúng ta không thể không nói đến khi đề cập đến sự nghiệp văn học và cuộc đời Nguyễn Vỹ. Và đây cũng là điều chúng tôi sẽ bàn đến ở một công trình khác khi có điều kiện. Tuy nhiên trong bài viết này chúng tôi cũng xin viện dẫn ý kiến của Việt Nhân như thêm một lần xác tín về sự đa tài đa diện của Nguyễn Vỹ khi nhà nghiên cứu này cho rằng Nguyễn Vỹ không chỉ là nhà báo mà còn là “một học giả, anh đã suy tư nhiều về tương lai văn học nước nhà, anh là một trong những người tiên phong kêu gọi thành lập Hàn Lâm Viện Việt Nam.” (18) Vì vậy, trong suy cảm của Bàng Bá Lân ở tác phẩm “Văn thi sĩ hiện đại”, (Nxb. Xây Dựng, Sài Gòn, 1962) Bàng Bá Lân  khi nghĩ về một số văn thi sĩ hiện đại như Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Hiến Lê, Anh Thơ, Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ, Toan Ánh, Phạm Đình Tân, Phạm Đình Khiêm, Phạm Văn Sơn, Bàng Bá Lân cho rằng: “Trong số mười văn thi sĩ mà tôi đưa ra giới thiệu hôm nay, có người có thể sẽ thành “bất tử”, có người rồi ra chỉ còn là “vang bóng một thời”, có người đã tự tạo được một vòng hào quang khá rực rỡ, có người chưa có mấy tiếng tăm; nhưng tất cả đều đã ít nhiều đóng góp vào công việc xây dựng lâu đài văn học Việt Nam với tất cả khả năng tinh huyết. Riêng một điều đó cũng đáng kể rồi.” (19) 

   Riêng Nguyễn Vỹ ông không chỉ là người có công trong việc xây dựng tòa “lâu đài văn học Việt Nam” như Bàng Bá Lân đã xác quyết mà ông còn là người có công trong việc xây dựng “tòa lâu đài văn hóa”, “tòa lâu đài báo chí” vốn còn khá non trẻ trong một đất nước có nền báo chí xuất hiện khá muộn và thiếu truyền thống phản biện như ở nước ta. Bởi, trong tâm thức của ông làm báo, viết văn, làm văn hóa, không phải chỉ để trở thành nổi tiếng mà cốt là thể hiện khát vọng dấn thân của người cầm bút, mang tinh hoa góp mộng cho đời như chính lời thơ ông viết trong lễ mừng sinh nhật lần thứ 2 tạp chí Phổ Thông: “Mỗi người mỗi chút góp công nuôi / Đông Tây kim cổ chung lời đẹp / Bạn hữu xa gần giúp chuyện vui / Một bóng một đèn, ham viết… viết… / Chuỗi ngày chuổi tháng, mặc trôi… trôi… / Dăng tơ dệt mộng, mơ hồn bướm / Cái kiếp con tằm phải thế thôi”. (Kỷ niệm đệ nhị chu niên Tạp chí Phổ Thông -) Nguyễn Vỹ (20) 

------------------

Chú thích:

  1. (4) (5) (6) (10) (13) (16) (17) (18) Tạp chí Thằng Bờm, số 86, “số Đặc biệt tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ”,tr.27, tr.2, tr. 9, tr. 4, tr.8, tr.13, tr. 22, tr.23, tr.4
  2. Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng) Nxb . Sống mới, Sài Gòn, 1968, tr.434-435
  3. (9) (11) (12) Tạp chí Phổ Thông, Bộ mới số 46 ra ngày 15/11/1960, tr.126 - 127, tr.126, tr.41, tr.42, tr.126

(7) (8) Vũ Bằng Toàn tập tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006, tr.520, tr.519)

(14) (15) (19) Bàng Bá Lân, Văn thi sĩ hiện đại, Nxb. Xây Dựng Sài Gòn, 1962, tr.147, tr.158, tr. 6

 

Nguồn Văn nghệ số 20/2018

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *