Tác phẩm và dư luận

31/7
2:45 PM 2018

MỘ GIÓ – MỘ THIÊNG BẤT TỬ

PGS.TS HỒ THẾ HÀ-Giờ đây, những ngôi mộ gió tượng trưng cho đất trời, trắng xóa trong mắt nhìn của nhân dân và của người lính biển. Mộ gió như những quả chuông cát trắng. Gió chạm vào là ngân, sợi khói chạm là ngân, nước mắt chạm là ngân, im lặng chạm là ngân.

                                                             Nhà thơ Trịnh Công Lộc

MỘ GIÓ

                                               

Mộ gió đây,

đất thành xương cốt

Cứ gọi lên là rõ hình hài

Mộ gió đây

cát vun thành da thịt

Mịn màng đi

dìu dặt bên trời…

Mộ gió đây

những phút giây biển lặng

Gió là tay ôm ấp bến bờ xa

Chạm vào gió như chạm vào da thịt

Chạm vào

nhói buốt

Hoàng Sa…

 

Mộ gió đấy

giăng từng hàng, từng lớp

Vẫn hùng binh giữa biển -  đảo xa khơi

Là mộ gió

gió thổi hoài, thổi mãi

Thổi bùng lên

những ngọn sóng

ngang trời.

 

Trịnh Công Lộc

 

Trịnh Công Lộc có nhiều bài thơ nói về biển đảo, quê hương. Qua đó, anh muốn bằng thơ để chứng minh, khẳng định chủ quyền biển đảo và nói lên sức mạnh bất diệt của lòng dân muôn đời quyết tâm bám biển, giữ biển. Bài thơ Từ biển mà đi, chính là xuất phát điểm cho tinh thần và mối quan hệ bền vững đó. Cội rễ của dân tộc đã ăn sâu trong tiềm thức mọi người dân Việt từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Giờ đây, được Trịnh Công Lộc khẳng định lại: “Đâu phải bây giờ/ Mới từ biển mà đi/ Đất nước mấy nghìn năm/ Mấy nghìn năm bão tố”. Dù bão tố, gian nguy, nhưng bao giờ cha ông ta cũng bám vào đất đai, sông biển để làm những cuộc hành trình đồng hành cùng dân tộc: “Ông cha mình đã từ biển mà đi/ Vẫn rành rọt sáng soi từng hải lý/ Những luồng lạch nông sâu/ Thuộc lòng như chữ nghĩa/ Bao lớp người đi giữ đảo không về”. Không giữ biển có nghĩa là mất biển, mà mất biển là mất chủ quyền lãnh hải. Giữ cả trong thực tiễn từng hải lý, từng dặm xa và giữ cả trong tâm linh, tâm tưởng. Bởi vì:

                        Biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm

                        Ru lời ru vô tận dưới lòng sâu

                        Mỗi đảo nhỏ

                        đã hóa thành ngọn nến

                        thắp linh thiêng rừng rực sao trời

Chính vì quan hệ thiêng liêng đó mà bao đời, cha ông, con cháu mang khát vọng trùng khơi để tôn vinh tâm hồn Việt Nam, tính cách Việt Nam:

Bây giờ

Lại từ biển mà đi

Nơi cuối chót Hoàng Sa

Nơi Trường Sa cuối chót

đôi bờ vai, bát ngát biển trời

gánh bao nỗi gian truân đất nước

như Trường Sơn

gánh xương máu chiến tranh

như lịch sử, gánh thăng trầm mỗi bước!

Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa cuối chót

lại lên vai, bát ngát mà đi

Bài thơ mang cảm hứng sử thi, hoành tráng của một dân tộc tựa lưng vào núi, mở lồng ngực đón biển.Trải qua bao cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, núi và biển hướng về nhau, tạo thành tổng lực sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng. Vì vậy mà mỗi khi Trường Sơn rừng và Trường Sơn biển có giặc ngoại xâm thì biển lại duềnh lên tinh thần bất tử, quyết tâm bảo vệ vững bền chủ quyền lãnh hải. Mỗi hòn đảo biển xa trở thành “một cột mốc muông trùng”. Từ bài thơ Từ biển mà đi, Trịnh Công Lộc đã mở rộng đường biên để triết luận về những gì cao hơn sự sống thật, để vươn đến tầm khái quát cho tinh thần Việt Nam, sức mạnh Việt Nam. Bài thơ Mộ gió là nối tiếp và là đỉnh cao thi pháp của Trịnh Công Lộc khi thể hiện chủ đề biển đảo. Bài thơ nối liền quá khứ với hiện tại và hiện tại với tương lai bằng sợi dây tâm linh kỳ diệu. Bởi nó liên quan đến một nghi lễ thiêng của nhân dân, thông qua sự đồng vọng lễ chiêu hồn những chiến binh thời Nguyễn đi bảo vệ chủ quyền biển đảo, đã hy sinh không trở về. Giờ đây, nhân dân đã ghi nhận công lao, làm sống lại hình ảnh anh hùng của họ qua việc xây dựng những ngôi mộ gió bằng cát trên mặt đất, bên cạnh biển khơi mà hình hài họ giờ đây được làm bằng đất quê hương và xương cốt là những cành dâu tượng trưng để hữu hình hóa thân xác vô hình trong tâm thức con người còn sống. Mộ gió trở thành cổ mẫu (Archétype), tượng trưng cho tinh thần bất tử, khẳng định niềm tin trắng ngát thời gian để nối liền lịch sử giữ nước trong chiều dọc sử thi và chiều rộng tâm hồn lộng gió trùng dương. Mộ gió, vì vậy, đã vượt quá phạm vi địa lí giới hạn thuộc đảỏ Lý Sơn (Quảng Ngãi) mà lan tỏa đến không gian tâm linh đầy xúc động - đó là không gian tâm cảm có sức lay động thẳm sâu. Xuất phát từ hiện thực đó, Trịnh Công Lộc đã mở đầu bài thơ bằng hành vi khấn nguyện hương hồn các tử sĩ:   

Mộ gió đây,

đất thành xương cốt

Cứ gọi lên là rõ hình hài

Mộ gió đây

cát vun thành da thịt

Mịn màng đi

dìu dặt bên trời…

            Sự mở đầu bài thơ như thế đã tạo ra sự liên tưởng trực tiếp, tưởng như cõi thế và cõi âm không có sự gián cách, tưởng như những người lính đảo năm xưa vẫn nằm vẹn nguyên giấc nghìn thu trong lòng đất mẹ.

            Tác giả đẩy hình tượng thơ lên thành hiện thực trực quan, gợi cái nhìn thị giác, làm cho  biển bờ và người lính ôm ấp trong nhau, quấn quýt bên nhau:

Mộ gió đây

những phút giây biển lặng

Gió là tay ôm ấp bến bờ xa

Chạm vào gió như chạm vào da thịt

Chạm vào

nhói buốt

Hoàng Sa…

            Chạm vào mộ gió là thành đồng vọng. Cái vô hình đã thành hữu hình có khả năng vĩnh cửu hóa sức mạnh và tinh thần bất khả chiến bại của người lính năm xưa cũng như người lính đảo hôm nay. Đồng hiện gần, đồng hiện xa và đồng hiện tâm linh để khẳng định sức mạnh người lính đảo hôm nay là biện pháp đồng hiện nghệ thuật ảo diệu của Trịnh Công Lộc:

Mộ gió đấy

giăng từng hàng, từng lớp

Vẫn hùng binh giữa biển -  đảo xa khơi

Là mộ gió

gió thổi hoài, thổi mãi

Thổi bùng lên

những ngọn sóng

ngang trời.

            Giờ đây, những ngôi mộ gió tượng trưng cho đất trời, trắng xóa trong mắt nhìn của nhân dân và của người lính biển. Mộ gió như những quả chuông cát trắng. Gió chạm vào là ngân, sợi khói chạm là ngân, nước mắt chạm là ngân, im lặng chạm là ngân.

Và theo lời bình của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Bài thơ ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm xúc rất mạnh, dâng lên, dâng lên cao trào. Cấu trúc chặt, không rườm rà, tứ thơ cứ được đẩy lên đến vô tận. Không có chỗ "phô". Tác phẩm dự thi của Trịnh Công Lộc thực sự là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó chính là sức mạnh toàn dân tộc. Mới mẻ về nhận thức, sâu sắc về tư tưởng, nó xóa đi mọi sự nghi kị, hẹp hòi, chỉ còn lại là mối đồng cảm lớn lao: Bảo vệ Tổ quốc bằng tổng lực sức mạnh của dân tộc.". Bài thơ đạt 2 giải liền năm 2012: giải nhì về thơ và giải nhì về ca khúc do nhạc sĩ Vũ Thiết phổ nhạc với tên gọi Khúc tráng ca biển. Cần phải nói thêm, đây là một giải thưởng lớn của một cuộc thi toàn quốc với chủ đề “Đây biển Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức năm 2011, huy động tới hơn 1000 tác giả thơ và hơn 400 tác giả âm nhạc trong và ngoài nước tham gia. Nhưng quan trọng hơn, Mộ gió đã gây nên chấn động, dư vang, luôn luôn hồi thức trong tâm cảm con người. Cùng với Mộ gió, bài thơ Từ biển mà đi của Trịnh Công Lộc là những thi phẩm đầu tiên khơi dậy, trở lại chất sử thi, chất bi hùng mà sau một thời gian dài trầm lắng trong thi ca. Đó là dấu ấn, vẻ đẹp nổi bật của thơ Trịnh Công Lộc ! Từ đó, nhà thơ mở rộng những tiêu điểm tư tưởng thẩm mỹ trong thơ của mình.

                                                ***

            Cho hay, bài thơ độc đáo là bài thơ có sức khái quát sâu, có sức lay động mạnh, nội cảm hóa trong lòng người đọc tức thì. Mộ gió xứng đáng là bài thơ chiêu hồn bằng hình tượng chứ không phải bằng âm thanh. Nhưng khi nó đã thành hình tượng thiêng liêng rồi thì lập tức nó trở thành hình tượng âm thanh, vang vọng trong lòng người. Âm thanh đó theo gió bay xa, bay cao. Mộ gió trở thành hội chứng mộ gió, hội chứng của lòng yêu tổ quốc, của lòng biết ơn sâu nặng đối với những người lính đảo bất tử từ xưa đến nay. Bài thơ theo thể tự do, kiệm lời đến tối đa mà sức bật, sức năng động ngữ nghĩa của nó mở ra nhiều cung bậc trong lòng người đọc. 

                                                                                                  Huế 5/2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *