GIAO LƯU VĂN HÓA VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN KÝ “THÁNH CA TRUÔNG BỒN”
Ngày 21-7-2017 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, đã diễn ra buổi Giao lưu văn hóa về tác phẩm truyện ký “Thánh ca Truông Bồn” của nhà văn Trần Huy Quang. Đây là hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 2018) và hướng tới kỷ niệm 50 năm sự kiện Truông Bồn (31-10-1968 / 2018) do Hội nhà văn Việt Nam phối hợp của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An tổ chức, với sự ủng hộ của Quỹ nhân ái VINASEET. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, chủ trì buổi giao lưu. Đại biểu các cơ quan văn hóa, văn học, nghệ thuật TP Vinh và tỉnh Nghệ An cùng đại diện lãnh đạo một số huyện trong tỉnh và đông đảo các văn nghệ sĩ, cựu chiến binh, cựu TNXP... đã tham dự buổi Giao lưu.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu khai mạc buổi Giao lưu
Trong lời phát biểu khai mạc buổi Giao lưu, Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định nhà văn Trần Huy Quang là tác giả có sở trường về thể loại bút ký, đã từng góp phần làm nên không khí đổi mới văn nghệ trong những năm đầu của sự nghiệp Đổi mới, với những bài phóng sự-bút ký nổi tiếng, như “Câu chuyện ông Vua Lốp”, “Lời khai của bị can” v.v... Đồng thời, nhà văn cũng có nhiều tác phẩm thành công với đề tài đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt tập truyện ký “Thánh ca Truông Bồn” đã được tái bản nhiều lần, đoạt giải Nhì cuộc vận động sáng tác VHNT về đề tài TB-LS và người có công do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH phối hợp tổ chức năm 2017. “Thánh ca Truông Bồn” viết về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trên trọng điểm Truông Bồn ở Nghệ An trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là sự kiện 13 chiến sĩ TNXP hi sinh trong cuộc chiến đấu ngày 31-10-1968. Nửa thế kỷ đã trôi qua, đã có nhiều tác phẩm VHNT viết về sự kiện này, nhưng nhà văn Trần Huy Quang vẫn có cách tiếp cận, khai thác và sáng tạo nên tác phẩm truyện ký “Thánh ca Truông Bồn” khá sinh động và hấp dẫn người đọc.
Với niềm xúc động gần như còn nguyên vẹn, tác giả Trần Huy Quang đã chia sẻ tâm nguyện của mình về “Thánh ca Truông Bồn” và quá trình sáng tạo tác phẩm. Ông đã từng có mặt ở chiến trường B5 trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu cùng lực lượng TNXP. Vì vậy, năm 2010, khi được Hội Nhà văn tổ chức cho đi thực tế về chiến trường xưa, với ông là được tìm về ký ức của mình và tâm thế đó đã giúp ông phần nào tái dựng thành công chân dung của 13 liệt sĩ trong sự kiện ngày 31-10-1968.
Nhà văn Trần Huy Quang phát biểu giao lưu
Tiếp theo những chia sẻ trên đây của tác giả, các nhà văn, nhà thơ và công chúng nghệ thuật, như: nhà thơ Thạch Quỳ, nhà văn Nguyễn Hùng, nhà thơ Vân Anh, nhà giáo Phạm Thái Lê, nhạc sĩ Quang Vượng, nhạc sĩ Trần Bạch Chiến, Kỹ sư Đinh Văn Thân... đã sôi nổi phát biểu chia sẻ những cảm xúc và cảm nhận về tác phẩm. Hai nhạc sĩ Quang Vượng và Trần bạch Chiến đã tự đệm đàn và trình bày những ca khúc của mình viết về Truông Bồn. Nhà thơ Vân Anh đọc bài thơ “Điều ước ở Truông Bồn” của chị viết về sự kiện ngày 31-10-1968. Nhà thơ trẻ Phạm Thái Lê nghẹn ngào đọc bài thơ “Điều bí mật” viết về những người phụ nữ trở về từ chiến trường sau chiến tranh. Nhà văn Nguyễn Hùng-Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An nhận xét: Đề tài Truông Bồn suốt 50 năm qua có khá nhiều sách báo, thơ văn, nhạc họa đề cập tới, nhưng viết thành một cuốn sách gần 200 trang in, thể truyện ký, dưới góc độ của một người vừa viết văn vừa làm sử như Trần Huy Quang, thì không nhiều, nếu không muốn nói là trường hợp đầu tiên. Theo nhà văn Nguyễn Hùng, trong lời giới thiệu mở đầu cuốn "Thánh ca Truông Bồn" của nhà giáo-nhà phê bình văn học Lê Văn Tùng, những dòng sau đây có thể khắc thành văn bia: "6h10, ngày 31-10-1968... Đó là thời khắc cuối cùng đánh dấu chung kết của 13 số phận con người, nhưng lại cũng là thời khắc đầu tiên mở ra những giá trị nhân văn bất tử, sinh thành mãi trong tâm hồn và sự sống của đồng loại. Thời khắc đó, trở thành điểm nhìn thời gian thiêng liêng, với cái nhìn vừa đau thương vừa ngưỡng vọng của nhà văn!".
Cử nhân kinh tế Hồ Đình Kiếm, người đã đọc tập “Thánh ca Truông Bồn” từ lần xuất bản đầu tiên đến lần tái bản gần đây nhất, nhận xét: Trần Huy Quang đã biến những tư liệu lịch sử khô khan thành những nhân vật lịch sử “có da, có thịt, có linh hồn”, có vẻ đẹp riêng. Để tạo ra được những nét riêng này, tác giả đã cất công lặn lội đi tìm chứng cứ lịch sử, đã gặp gỡ không biết bao nhiêu nhân chứng sống, đã tìm hiểu biết bao nhiêu địa danh xưa trên mảnh đất xứ Nghệ này, những xứ sở thôn xóm làng quê nơi mười ba liệt sỹ thanh niên xung phong yêu dấu của chúng ta từng sống. Những chân dung mà tác giả phác họa ra, có đầy đủ yếu tố chân thực nhất từ những sự kiện lịch sử, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống. Đọc những nhân vật ấy, ta có cảm tưởng như tác giả là người nhà, người thân của họ, bởi tác giả đã cung cấp cho ta những thông tin đầy đủ về làng xóm, bố mẹ, anh chị em ngày sinh năm mất của từng người, đặc điểm tính cách từng người thân của họ. Cái hay ở đây đọc những dòng lý lịch ấy hoàn toàn không thấy khô khan như người ta nghĩ mà ngược lại, nó được phác họa nên những tính cách người riêng biệt, những số phận khác nhau nên nó cuốn hút, hấp dẫn, xen lẫn tự hào. Qua các bài ký, những địa danh xứ Nghệ cũ trong ký ức của chúng ta lại hiện về, con người và bối cảnh lịch sử như hiện ra trước mắt. Nó không chỉ là sự kiện mà tạo được không khí, nó không chỉ là lịch sử mà còn thấm đẫm văn chương, nó không chỉ là khốc liệt chiến tranh mà còn bàng bạc chất thơ, chất lãng mạn một thời. Điểm đáng chú ý trong các truyện ký của Trần Huy Quang về Truông Bồn là đạt được sự nhuần nhuyễn hài hòa hữu cơ trong mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung. Nét riêng tạo nên sự cá biệt, điển hình, nét chung tạo nên một tượng đài bất khuất về lòng dũng cảm đức hy sinh, phẩm chất anh hùng cao quý.
Tác giả và đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn VN tặng sách cho các cựu TNXP và hệ thống thư viện địa phương
Đồng tình với những nhận xét trên đây, trong lời phát biểu kết thúc cuộc Giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhắc lại ý kiến của nhà thơ Vân Anh: Tác giả Trần Huy Quang đã vẽ nên chân dung 13 liệt sĩ Truông Bồn bằng ngôn từ giàu cảm xúc. Còn tác phẩm “Thánh ca Truông Bồn” đã “vẽ” nên chân dung thứ 14, đó là chân dung tác giả Trần Huy Quang. Nhà thơ Trần Đăng Khoa chúc nhà văn Trần Huy Quang tiếp tục sáng tạo những tác phẩm mới về đề tài TB-LS. Bởi đó là những đóng góp không chỉ về văn học và lịch sử, mà còn góp phần xây dựng nên một Bảo tàng chữ sinh động về những năm tháng hào hùng, bi tráng và Tri ân những người có công với Nước. Các anh hùng, liệt sĩ chỉ thực sự chết khi chúng ta không còn nhớ về họ, không còn nhắc về họ. Còn nếu chúng ta vẫn nói về họ, vẫn viết về họ thì họ còn sống mãi.
Kết thúc cuộc Giao lưu, nhà văn Trần Huy Quang và nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tặng hàng trăm cuốn truyện ký “Thánh ca Truông Bồn” cho các cựu TNXP tỉnh Nghệ An và thư viện các huyện trong toàn tỉnh.
Bài: TUYÊN HÓA
Ảnh: NGÔ XUÂN KHÔI