Tác phẩm và dư luận

6/6
3:59 PM 2018

HOÀI NIỆM KAFKA

LÊ HUY BẮC-Cuốn sách của tôi Nghệ thuật Franz Kafka được in vào năm 2006, cách đây mười hai năm. Và cũng cách 2006 mười hai năm về trước, tôi đã dạy bài học đầu tiên về Kafka cho sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế. Mùa hè năm 2005, khi đang dạy tại chức cho sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội tại Nghệ An, tôi viết những dòng cuối cùng của cuốn sách.

Đó là một ngày hè nóng, cái nóng của miền Trung càng làm tăng thêm bầu không khí ngột ngạt nhưng diệu kì mà dư vị Kafka để lại trong tôi.

Phải nói đây là cuốn sách được tôi viết trong mạch cảm hứng dồi dào, tập trung tinh lực bậc nhất. Ngoại trừ một ít bài viết lẻ tẻ đăng trên các tạp chí, phần nội dung chính của cuốn sách được viết liền một mạch trong độ ba tháng. Bây giờ, nhớ lại cảm xúc lúc đó, trong tôi vẫn nguyên cảm giác xao xuyến khi viết lên trang giấy những dòng suy ngẫm về Kafka. Sở dĩ nói là “viết lên” vì hồi đó tôi chưa có thói quen làm việc trên máy tính, chỉ viết trên giấy A4 rồi thuê người đánh máy. Cái lối tư duy theo ngòi bút đó quả cũng có những lợi thế nhất định so với đánh máy. Mỗi chữ về Kafka đều được cân nhắc kĩ, từ từ xuất hiện trên trang giấy như một phép màu của tuổi hoa niên mà nay, vĩnh viễn tôi chẳng thể nào có được.

Tôi yêu quý và ngưỡng mộ Kafka ngay từ lần đầu tiếp xúc với sách của ông. Phải nói, lúc đó nếu chưa đọc bài nghiên cứu về Kafka từ trước của Đặng Anh Đào thì rất khó có thể hiểu ông. Và ngay cả khi được trang bị kiến thức về ông thì việc hiểu đó cũng đâu có dễ. Phải mất hơn nửa đời người, may ra tôi chỉ mới nhận ra được đôi điều về ông. Cái con người văn chương bí hiểm và uyên thâm bậc nhất nhân loại thế kỉ XX ấy đã tạo nên một ma lực ngôn từ, ám ảnh người đọc lâu dài.

Đành rằng, cuốn sách về Kafka là một trong những cuốn hay nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của tôi, đành rằng (có ảo tưởng chăng) đây là cuốn chuyên luận không chỉ duy nhất mà còn công phu nhất được viết về Kafka ở Việt Nam tính đến thời điểm này, nhưng sự đón đọc của công chúng quả là rất hạn hẹp. Xem ra thì, cái món Kafka quả rất khó nhằn đối với độc giả Việt Nam.

Tôi luôn muốn in lại Nghệ thuật Franz Kafka, vì hai lí do: thứ nhất, tôi muốn quảng bá Kafka với tư cách là một thiên tài văn chương, người không thể thiếu trong đời sống tinh thần nhân loại; hai là, để bày tỏ lòng yêu mến của tôi đến Kafka, một người mà, những gì ông nói luôn đúng trong tuyệt đại đa số hoàn cảnh, nhất là những trớ trêu nhân sinh trong thời cách mạng 4.0.

Cần có một cuộc “đánh thức Kafka” ở Việt Nam. Phải đọc Kafka ở phạm vi rộng để khơi thêm nhân tính trong cuộc sống, nơi niềm đam mê vật chất đã đến mức cuồng si của nhân loại. Phải biết dũng cảm từ bỏ nhiều điều không cần thiết để cuộc sống đích thực là sống và con người mới đích thực là người. Kafka dạy ta như thế.

Khoảng sáu - bảy năm trước, niềm đam mê văn chương nói chung và Kafka nói riêng nơi sinh viên là rất lớn. Những ngày đó, buổi dạy Kafka nào cũng là sự đồng cảm lớn lao giữa người dạy, người học và tác phẩm. Nhiều thế hệ sinh viên sư phạm trưởng thành từ những bài học về Kafka. Nhưng từ bấy đến nay, niềm đam mê Kafka suy giảm đến mức báo động cùng với sự xuống cấp của giáo dục và sự thờ ơ của người học. Nguyên do là học Kafka ra chẳng để đi dạy bậc trung học, học Kafka không phù hợp với lối sống chăm chăm kim tiền của xã hội đương thời… Chỉ từ chuyện dạy học Kafka này thôi, nghĩ rộng ra là cả vấn đề xã hội nhức nhối. Trong đó có cả việc không có nhiều người giỏi vào ngành sư phạm nên khả năng hiểu Kafka là rất hạn chế.

Tôi và nhiều thầy cô giáo đã cố đưa Kafka vào chương trình trung học phổ thông trong suốt hai đợt thay sách giáo khoa vừa qua. Lần nào, Kafka đến vòng góp ý cuối đều bị bật ra chỉ vì “khó quá”. Tôi nhớ cô Đặng Anh Đào, thầy Trần Đình Sử tỏ vẻ nuối tiếc như thế nào khi không thể đưa Kafka vào sách giáo khoa. Lần làm sách này có lẽ cũng vậy. Tuy tôi là một trong bảy người soạn chương trình ngữ văn và là người trực tiếp tham gia biên soạn sách giáo khoa mới bắt đầu từ 2019, nhưng những nỗ lực của tôi có lẽ cũng trở thành tuyệt vọng, cũng chỉ vì “khó quá”. Nghĩ mà buồn, biết đến bao giờ học sinh mới “khôn hơn”, để được học những nhà văn khó mà lỗi lạc này.

Không một nền khoa học nhân văn nào trên địa cầu mà không biết đến Homer, Shakespeare, Cervantes, Goethe, Balzac, Kafka, Marquez… Họ là một phần không thể thiếu của tiến trình nhân văn nhân loại. Sự thiếu hụt những nhà văn lớn, đặc biệt là những nhà văn hiện đại và đương đại, trong chương trình đào tạo ở ta là một sự khập khễnh đáng tiếc.

Dẫu sao thì Kafka vẫn sống trong lòng những người yêu văn chương trác tuyệt. Riêng với tôi, suốt ba mươi năm qua, không ngừng nghĩ về Kafka, nghĩ về cách viết, cách ông xây dựng hình tượng, cách ông chiêm nghiệm và cả cách ông kí hiệu hóa cuộc đời. Điều thú vị là, khi khởi viết về Kafka, tôi đã tự trang bị cho mình một số vốn tri thức hậu hiện đại và đã vô thức áp dụng nó vào trường hợp Kafka. Lúc đó, theo quan điểm thông thường, tôi xếp Kafka vào nhóm các nhà hiện đại. Nhưng trong quá trình phân tích tác phẩm, tôi đã vô tình nhìn ông dưới cái nhìn hậu hiện đại. Điều đó được thể hiện rõ trong Nghệ thuật Franz Kafka. Nếu in lại sách, tôi cũng sẽ không chữa mà chỉ bổ sung thêm những suy nghĩ về một quá trình nghiên cứu cá nhân về Kafka như một hoài niệm đẹp. Tôi muốn cái sự không thống nhất lẫn cái sự gây tranh cãi vốn là thuộc tính Kafka hiện diện trong sách này như một phần bản chất nghệ thuật của ông.

Theo đó, nay tôi xác định Kafka đích thực là nhà văn hậu hiện đại. Sở dĩ, trước đây tôi xem ông là nhà văn hiện đại vì dựa vào cái mốc thời gian từ 1960 trở đi là thuộc thời hậu hiện đại. Kafka sáng tác trước thời điểm đó nên ông là nhà văn hiện đại. Điều này có mặt đúng, nhưng thực sự chưa ổn. Bởi ngay khi nhà văn sống trong thời hiện đại nhưng vẫn có thể viết theo lối hậu hiện đại của riêng mình. Mối băn khoăn Kafka là “hiện đại” hay “hậu hiện đại” đó cứ dai dẳng theo suốt suy nghĩ tôi. Kafka quả là có những tố chất hiện đại trong sáng tác, nhưng những vẫy gọi hậu hiện đại thì ken đặc trong tác phẩm của ông. Ông là trường hợp độc đáo bậc nhất của làng văn. Văn chương ông không “cố chấp”. Có thể có nhiều cách tiếp cận, và có thể có nhiều kết luận về ông mà cách nào cũng thỏa đáng. Đấy chính là tinh thần hậu hiện đại mà chủ nghĩa hiện đại chẳng thể nào có được.

Niềm yêu quý Kafka đương nhiên là đâu chỉ có riêng tôi. Các nhà nghiên cứu như Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Trương Đăng Dung, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Văn Dân…, mỗi người có những cách tiếp cận riêng về Kafka, nhưng tất cả đều khẳng định tài năng và tầm ảnh hưởng thế giới của ông. Cũng cần kể đến các luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ về Kafka. Đến nay đã có hơn mười luận văn thạc sĩ và hai luận án tiến sĩ về Kafka đã được bảo vệ ở Việt Nam. Vẫn còn hai luận án chưa được bảo vệ. Đáng kể nữa là công việc dịch thuật về Kafka chưa dừng lại. Lê Chu Cầu là người miệt mài nhất trên con đường dịch Kafka. Ông dịch trực tiếp từ tiếng Đức. Đây là một đóng góp đáng ghi nhận vì trước đây tất cả các bản dịch tác phẩm Kafka đều từ ngôn ngữ trung gian: Biến dạng được Đức Tài dịch từ tiếng Anh, Vụ án được Phùng Văn Tửu dịch từ tiếng Pháp, Lâu đài được Trương Đăng Dung dịch từ tiếng Hungary, Nhật kí được Đoàn Tử Huyến dịch từ tiếng Nga, khoảng hơn hai mươi truyện ngắn được tôi dịch từ tiếng Anh… Lê Chu Cầu đã nỗ lực dịch lại các tiểu thuyết của Kafka. Đây là việc làm rất đáng được ghi nhận, tuy không phủ nhận điều thuận lợi là đã có các bản dịch tiểu thuyết của những người đi trước. Việc dịch Kafka vốn luôn là thách thức lớn.

Liên quan đến Kafka còn có các cuộc đối thoại giữa tôi và các nhà nghiên cứu khác. Anh Nguyễn Văn Dân thì cho rằng Kafka là nhà văn hiện đại, thuộc khuynh hướng văn học phi lí. Anh phủ nhận cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, đặc biệt là không thể xếp Kafka vào nhóm này. Giáo sư Phùng Văn Tửu cũng không đồng ý với việc tôi xem Kafka là nhà văn hậu hiện đại. Giáo sư cho rằng chẳng thể nào nhìn ông bố mà bảo là giống ông con được, với hàm ý là Kafka ra đời trước thì chỉ phải là nhà hiện đại. Trong trường hợp này, tôi đã thưa với giáo sư rằng ở Kafka thì việc bảo bố giống con cũng chẳng có gì là lạ.

Kafka là con đẻ của chủ nghĩa hiện đại, nhưng ông đã vượt qua ranh giới của khuynh hướng đó, mở đường cho chủ nghĩa hậu hiện đại. Đương nhiên, theo Umberto Eco thì Kafka chưa phải là người khai sinh ra chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học mà chính thời điểm của chủ nghĩa dada mới là ghi dấu sự xuất hiện chủ nghĩa hậu hiện đại. Trường phái dada (1916-1924) sáng tác cả thơ lẫn tiểu thuyết. Nhưng do tính “không thể hiểu” của tác phẩm nên nó không được phổ biến rộng ra thế giới. Vậy nên, trong trường hợp này, tôi có thể khẳng định Kafka là người khai sinh ra văn xuôi hư cấu hậu hiện đại.

Kỉ niệm về việc dạy Kafka ở trường đại học của tôi thì nhiều vô kể. Đại đa số sinh viên trước khi được học Kafka đều có chung một suy nghĩ, văn chương ông này khó quá và chẳng biết cái hay nằm ở chỗ nào. Nhưng chỉ sau vài buổi học, được hướng dẫn đọc tài liệu hay nghe giảng trực tiếp trên lớp thì hầu hết đều mê Kafka. Ở chỗ, những vấn đề tiêu cực nhà văn đề cập chẳng cần tìm đâu xa mà luôn hiện diện ngay xung quanh ta, thậm chí trong chính ta cũng có bao điều bất như ý đó.

Cơ bản, Kafka là mẫu nhà văn của cái nhìn không lạc quan về cuộc đời. Đúng hơn, ông khuyên con người ta đừng lạc quan về thế giới. Cuộc đời tuy không thiếu người tốt, nhưng đại thể vẫn cứ là u ám, tăm tối và phi lí. Nếu ảo tưởng về sự tươi sáng thì cá nhân đó dễ rơi vào bi kịch vỡ mộng. Kafka dạy ta nhìn cuộc đời từ phía bóng tối, nhìn từ dưới lên chứ không phải là nhìn bằng cái nhìn đầy quyền uy từ trên xuống. Mới hay, triết lí có vẻ tiêu cực đó luôn đúng cho nhiều cảnh ngộ xuyên suốt từ lúc Kafka còn sống cho đến tận bây giờ. Chưa bao giờ nhân loại lại lật bài ngửa cho nhau xem hết mọi góc khuất, mọi phần xấu xa như hiện tại. Hơn thế nữa, không ít kẻ lại dương dương tự đắc vì cái sự xấu xa của chính bản thân mình.

Tôi nhớ trong nhiều tiết dạy, không ít sinh viên phản bác rằng liệu cuộc sống có tăm tối như cách nhìn của Kafka. Tôi chỉ khuyên các bạn ấy hãy tập nhìn theo cách đó, hãy để Kafka “tẩy não” thì ta mới có cơ may tiệm cận đến cái phần căn tính nhất của con người.
Tôi biết, Kafka luôn đúng, nếu khác thì chỉ tại ta chưa hiểu hết ông mà thôi. Cái vấn nạn độc tài, quan liêu, tham nhũng… hiện diện như một phần tất yếu của xã hội loài người. Chỉ cần bắt những kẻ đó đọc Kafka thì chắc chắn tệ nạn sẽ giảm hẳn đi nếu không nói là sẽ bị triệt tiêu. Bởi chỉ có Kafka mới chỉ cho con người ta biết rằng tệ nạn xã hội không ở đâu xa mà ở ngay trong chính hành vi của bất kì ai, khi kẻ đó cố phớt lờ đi tội lỗi. Từ góc độ này, ta thấy Kafka là nhà văn phản tư bậc thầy. Ông luôn bắt người đọc phải nhìn nhận lại mình trong từng khoảnh khắc để ngộ ra bao điều vốn chẳng tốt lành gì trong hành vi, suy nghĩ. Cứ thế, dần dần con người sẽ tốt đẹp hơn.

Cô Đặng Thị Hạnh, chuyên gia hàng đầu và là người đam mê Kafka, khi đọc cuốn Nghệ thuật Franz Kafka có nhận xét Bắc viết bạo. Cô thường gọi học trò bằng tên. Tôi đáp Thưa cô, em chỉ viết đúng theo cách em nghĩ về Kafka. Cô cười, một nụ cười độ lượng và bí hiểm kiểu Kafka. Tôi may mắn trong đời có được những bậc thầy đức độ và thông tuệ như thế.

Kafka đến rồi đi. Trái đất vẫn quay theo nhịp của nó, có nghĩa mọi thứ vẫn vận hành, tồn tại sau cái chết của ông. Tuy nhiên, chắc chắn đời sống tâm hồn nhân loại sẽ nghèo đi rất nhiều khi vắng sách của ông.
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *