RA MẮT HỒI KÝ “LÍNH BAY 2”
Sáng 7-7-2017, tại Bảo tàng Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã diễn ra buổi giao lưu giới thiệu cuốn Hồi ký “Lính Bay 2” của Trung tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Phú Thái - nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất, Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ. Dự buổi giao lưu có Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí - Phó Tư lệnh Quân chủng, Thiếu tướng Ngô Doãn Tạo - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng. Tham dự buổi giao lưu còn có các tướng lĩnh nguyên là lãnh đạo Quân chủng, Binh chủng, những người đã có thời gian sống, chiến đấu, công tác cùng Trung tướng Phạm Phú Thái và đông đảo bạn đọc trong và ngoài Quân chủng PK-KQ.
Trung tướng Phạm Phú Thái cho biết: Cuốn Hồi ký “Lính Bay 1” sau khi phát hành đã nhận được sự quan tâm đón đọc của đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Đó chính là nguồn động lực thôi thúc tôi tiếp tục bắt tay vào thực hiện cuốn Hồi ký “Lính Bay 2”.
Bằng nguồn tư liệu “khổng lồ”, Trung tướng Phạm Phú Thái đã tái hiện lại những trận đánh hào hùng của các phi công thế hệ cùng thời trong những năm từ 1970-1972 với nhiều chiến công hào hùng, nhưng cũng không ít máu và nước mắt. Ở cuộc chiến tranh toàn dân đánh giặc, toàn dân ra trận đã tạo thành sức mạnh nuôi dưỡng thế hệ những người lính mà không một đội quân xâm lược nào có thể đánh thắng dù trên đất liền, trên biển hay trên không. Lính bay tự hào đã góp sức cùng quân và dân miền Bắc, đặc biệt là các lực lượng phòng không mặt đất đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 bằng không quân và hải quân của Mỹ ra miền Bắc, bẻ gãy các đòn tấn công đường không trong Chiến dịch linerbaker và kết thúc bằng Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972.
Nếu như ở cuốn “Lính Bay 1” là những ký ức của tác giả từ thời thơ ấu, những ngày đầu nhập ngũ, quá trình học tập tại nước bạn và những ngày đầu trở về nước làm nhiệm vụ, thì ở cuốn “Lính Bay 2” độc giả sẽ được cùng tác giả hiểu về rất nhiều nhiệm vụ, nhiều trận đánh quan trọng, như: Sơ tán chiến đấu cơ sang Trung Quốc; Điện Kính Thiên và những nhiệm vụ siêu mật; Hạ cánh thử nghiệm ở Sân bay Miếu Môn; Luyện tập không chiến kiểu Topgun và đánh máy bay trinh sát không người lái; Nhiệm vụ phát sinh và những chuyến bay cảm tử; Tìm cách đánh và săn B-52; chuẩn bị đòn tiến công đường không vào căn cứ Vàng Pao trên đất Lào; Sự thật về việc diệt gọn cả tốp 4 chiếc F-4… Hầu hết các sự kiện tác giả đề cập trong cuốn sách đều là những “thành quả” mà Trung tướng Phạm Phú Thái gom góp được sau bao lăn lộn, bao trải nghiệm ở rất nhiều chiến trường, tất cả những sự kiện đó ông được trực tiếp tham gia, được trực tiếp chứng kiến. Trong các trận đánh ấy, có những trận chúng ta giành được chiến thắng, có những trận hòa và có cả khi ta thua, đôi khi là cả những hi sinh, mất mát… Tất cả được thể hiện ở góc nhìn của người trong cuộc, ăm ắp chi tiết và cả những cảm xúc đầy chân thực, giàu tính nhân văn.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Cốc, người đã từng bay và chiến đấu trên cùng một chiến tuyến với Trung tướng Phạm Phú Thái, khẳng định: “Khi đọc Lính Bay 2 tôi thấy thật bất ngờ! Bất ngờ về khả năng lưu giữ sự kiện, bất ngờ về ý tưởng làm sống lại những ký ức của thế hệ phi công chúng tôi trong chiến tranh bằng những trang viết rất chân thực nhưng cuốn hút như tiểu thuyết! Đọc lính bay, tôi có cảm tưởng như mình cũng đang bay, đang cầm lái cùng biên đội với phi công Phạm Phú Thái quần nhau với máy bay Mỹ năm nào. Đây chính là một trong những tài liệu quý giá giúp các thế hệ phi công trẻ Việt Nam học tập và vận dụng”.
Còn với phi công, Anh hùng LLVTND Lê Thanh Đạo - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thì khẳng định: “Đọc Lính Bay 2, tôi có cảm tưởng Phạm Phú Thái không chỉ viết hồi ký cho đời mình, mà viết cho cả một thế hệ phi công chiến đấu trong chiến tranh chống Mỹ. Đọc xong cuốn sách tôi như hiểu tôi hơn, hiểu về lực lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam hơn với những câu chuyện, tình tiết và cả cách hành văn rất chân thực, đậm chất đời”.
(Theo: phongkhongkhongquan.vn)