Tác phẩm và dư luận

1/6
10:59 PM 2018

ĐỌC QUÁCH LIÊU, NGHĨ VỀ VĂN CHƯƠNG VIẾT CHO THIẾU NHI

Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA

Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ra mắt cuốn “Quách Liêu - Tác phẩm chọn lọc”, dày gần 700 trang, bao gồm đủ các thể loại: Truyện dài, Truyện ngắn, Thơ, Tiểu luận, Chân dung Văn học, Truyện làng văn… Một tuyển tập bề thế, chưng cất những tinh hoa đặc sắc nhất trong cả một đời lầm lụi cầm bút.

Nhà văn Quách Liêu sinh năm 1943. Đến năm 2018 này, anh tròn 75 tuổi. Tuổi 75 đã là tuổi “xưa nay hiếm”, nói như cụ Đỗ Phủ “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Ấy là tuổi tồn tại. Tuổi sáng tạo còn sớm hơn nữa. Theo quan niệm của Chế Lan Viên: “Đời người ngoài năm mươi - Mong gì hương sắc lạ”. Quách Liêu đã vượt quá cái thời “năm mươi”, vượt qua cả cái tuổi “xưa nay hiếm” rồi mà anh vẫn dào dạt sống, dào dạt thăng hoa. Tập tuyển này chỉ là tạm tổng kết cho một chặng đường sáng tạo không mệt mỏi, cũng là dịp để anh nhìn lại mình và chúng ta có thể chiêm ngưỡng những thành quả lao động nghệ thuật của anh.

Viết văn là một việc rất khó. Khó bởi nó là công việc có tính sáng tạo. Và sáng tạo thường chỉ có ở các tài năng. Đọc Quách Liêu, ta rất thấm thía điều này. Anh là người dấn thân. Ở cái thời trai trẻ, thời đẹp nhất của một đời người, để chuẩn bị cho các trang viết này, anh sẵn sàng xả thân, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần. Và công việc mà Tổ quốc dành cho anh, là tuyên truyền, mở mang dân trí, hướng dẫn bà con nông dân cách làm ăn, cách xây dựng đời sống mới ở những vùng núi cao heo hút Tây Bắc. Công việc cụ thể của anh là chiếu phim đèn chiếu.

Nói đến phim đèn chiếu, chắc nhiều người bây giờ, đặc biệt là các bạn đọc nhỏ tuổi sẽ không thể hình dung được. Nói cho thật đơn giản, nôm na, nó là những bức tranh tĩnh, ảnh tĩnh, được chiếu lên tường nhà, hoặc màn ảnh bằng ánh sáng của cây đèn dầu “măng xông”. Khán giả xem hình, ngắm những bức tranh tĩnh, do người chiếu kéo bằng tay, đưa vào khuôn hình rồi nghe đọc lời thuyết minh, mới biết được cặn kẽ người trong “phim” đang làm gì và làm như thế nào. Đấy là lối tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền rất sơ khai của chúng ta trong những năm kháng chiến xa xưa. Bằng công việc cụ thể như thế, Quách Liêu lặn lội đến từng làng bản của bà con vùng cao. Cũng qua đó, anh thấm hiểu đời sống nhân dân, đặc biệt đời sống của các em nhỏ vùng cao. Mấy chục năm sau, trở về Trung ương Đoàn ở Thủ đô Hà Nội, Quách Liêu vẫn tiếp tục công việc cũ, nhưng hiện đại hơn, anh làm biên tập viên cho chương trình phát thanh dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, thì cũng vẫn là làm tuyên truyền, mở mang dân trí...

Nhà văn Quách Liêu

Quách Liêu viết văn rất sớm. Viết đủ các thể loại. Không ít tác phẩm Quách Liêu đã gây được tiếng vang trong lòng công chúng. Anh từng đoạt Giải Nhì (không có Giải Nhất) trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi với tác phẩm “Chú bé thổi khèn”. Và nhiều giải thưởng văn học của NXB Kim Đồng, Báo Thiếu niên Tiền Phong... Anh còn có vở ca kịch đoạt Huy chương Bạc Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đời một người cầm bút, đạt được những thành quả như thế trong công việc lao động sáng tạo, kể cũng đã quý lắm rồi.

Tuy thế, khi nói đến Quách Liêu, chúng ta vẫn thường nghĩ đến một nhà văn viết cho thiếu nhi. Trong tuyển tập này, thành công nhất, có đóng góp nhất của anh cũng vẫn là những tác phẩm anh viết cho thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi các dân tộc ở những vùng núi cao phía Bắc.

Như phần trên, tôi cũng đã nói, viết văn là công việc rất khó. Viết cho thiếu nhi lại càng khó hơn nữa. Khó, bởi người viết phải có sự hiểu biết rất nhiều. Hiểu trẻ con đã đành, lại còn phải hiểu cả người lớn nữa. Một tác phẩm đích thực viết cho thiếu nhi, phải là tác phẩm các em đọc thích, người lớn cũng thích. Bởi trong bất kỳ một em nhỏ nào cũng có một người lớn đang hình thành. Và trong bất kỳ một người lớn nào cũng có một em nhỏ không bao giờ già đi. Kinh nghiệm của An đec xen, Mác Sắc, những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới viết cho thiếu nhi đã cho chúng ta bài học thấm thía này. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng bảo, muốn viết được cho thiếu nhi, tâm hồn ta phải trong. Càng già lại càng trong. Có thế mới chơi với con trẻ được. Và ai chơi được với trẻ con, người đó sẽ bất tử. Đó là quan niệm của Nguyễn Đình Thi, cũng là tâm niệm của Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Lê Phương Liên, Nguyễn Hoàng Sơn, Đặng Hấn, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Nhật Ánh…, những nhà văn, nhà thơ từng có thành tựu viết cho con trẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thấm thía điều đó. Bởi không ít tác giả chỉ coi việc viết cho thiếu nhi như một nghề tay trái, một sự chuẩn bị, hay một cách tập luyện để rồi sau đó, họ viết cho người lớn. Ngay cả nhà văn Nga vĩ đại L. N. Tonxtoi, tác giả bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ “Chiến tranh và hoà bình” cũng chẳng coi trẻ con ra gì. Ông rất thích những tác phẩm của An đec xen. Ông bảo “An đec xen thực sự là một thiên tài. Nhưng cái sai lầm lớn nhất của anh ấy là lại mang những điều tâm huyết, những hiểu biết sâu sắc ra nói với trẻ con. Trẻ con nó chẳng biết cái gì cả!”. Điều này thì đến cả một con người vĩ đại như L. N. Tonxtoi cũng có sự lầm lẫn. Chúng ta nghiệm thấy rằng, những nhà văn, nhà thơ từng có thành tựu viết cho thiếu nhi, họ đều là những tác giả không phải chỉ có yêu trẻ con, mà còn hơn thế, họ rất kính trọng con trẻ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Quách Liêu trong Ngày thơ VN 2018

Trong một đời sáng tác, Quách Liêu đã dành phần tinh tuý nhất, tươi xanh nhất của tâm hồn mình, trí tuệ mình hiến dâng cho con trẻ. Và viết cho thiếu nhi cũng là mảng thành công nhất của ông ở trong tập tuyển này. Đọc ông, ta chỉ thấy yêu ông và cũng thương ông nữa. Ông đã hoá thân trong những khoảnh khắc sáng tạo. Và vì thế, đọc ông, nhiều lúc tôi ngỡ ngàng, có cảm giác như mình đang đứng trước một đứa trẻ cao tuổi, có tâm hồn trong vắt, chân thật đến ngây thơ, trong khi cuộc sống rất bụi bặm. Ngay cả trẻ con bây giờ cũng bụi bặm lắm.

Lẽ ra, thông thường, ở một bài giới thiệu sách, tôi sẽ trích ra những câu thơ hay, những đoạn văn đặc sắc, hay những đối thoại thú vị trong các tác phẩm của ông, như các đồng nghiệp của tôi ở phần cuối sách. Nhưng rồi, tôi đã không làm thế. Bởi tôi sợ, trong cuộc sống vội vàng này, người ta sẽ chỉ đọc những câu tôi trích dẫn mà lại bỏ qua những câu, những mảng rất đáng đọc khác ở trong cuốn sách này. Đây là một bữa tiệc với rất nhiều món sinh động, phong phú mà ông chủ Quách Liêu đã dày công chuẩn bị suốt hơn nửa thế kỷ. Cũng có rất nhiều loại rượu khác nhau, có rượu mạnh, rượu thơm, mang hương vị của núi rừng tây bắc, lại có cả nước lọc để… rã rượu.

Và bây giờ, trên bàn tiệc Quách Liêu, các món đã bày, rượu cũng đã rót. Thật vô duyên khi một ông lão, một vị khách vãng lai lại cứ huyên thuyên những chuyện chẳng đâu vào đâu. Tốt nhất, chúng ta hãy ngồi vào bàn và nâng cốc.

Hy vọng đặc sản Quách Liêu sẽ làm chúng ta say!

 

 


 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *