Tác phẩm và dư luận

13/10
2:48 PM 2018

NGƯỜI ĐÀN BÀ TÀY LÀM THƠ

ĐỖ NHẬT MINH - Theo lẽ thông thường với cái tạng của mình, tôi sẽ viết nhan đề: Nhà thơ từ núi rừng Yên Thế hoặc có thể dung dị: Nhà thơ người Tày Nông Thị Hưng hay Có một nữ nhà thơ như thế… nhưng tôi thích cái tên khô khốc, trần trụi, nghe có vẻ dửng dưng: Người đàn bà Tày làm thơ. Vâng, làm chứ không phải nhà, viết, sáng tác. Làm với cái nghĩa đầu tiên trong “Từ điển tiếng Việt” là “dùng công sức tạo ra cái trước đó không có”. Chả là thế này: Tôi có đọc trên một tờ báo thông tin rằng, một tổ chức nghiên cứu xã hội ở nước Anh khảo sát các nghề làm cực nhọc, gặp nhiều bất trắc, nguy hiểm đã nhắc tới nhà văn, nhà báo sau thợ mỏ, chính khách, cảnh sát, bác sĩ… Quả đúng vậy. Tách riêng về nghề văn chương, làm đích thực, tận tâm tận sức thì thật vất vả, cơ cực, đôi khi có cả cay đắng, bất hạnh bên cạnh niềm vui, kiêu hãnh, tự hào. Cánh đàn ông dính vào nghề này, việc làm này đã khổ nhưng chả thấm tháp gì với phụ nữ.

Tôi đã từng biết nhiều cây bút nữ văn, thơ trong tỉnh. Họ toàn là công chức, người Kinh, sống ở thị thành. Bởi thế khi xuất hiện một cây bút nữ người Tày, làm ruộng, ở vùng núi rẻo cao thì quá mừng và thật bất ngờ. Mà ngay từ bài thơ đầu tay của cô gái này gửi đến đã gây sửng sốt cho tôi. Một giọng thơ rất lạ, không trộn lẫn với ai, nhất là với mấy tác giả người Kinh viết về dân tộc thiểu số. Đó là cách nói chân chất, giản dị và chân thực:

Người miền núi

Gặp người không hỏi

Uống một mình không uống

Đi một mình không đi…

                                   (Người miền núi)

Bài thơ được đăng tải trên Tạp chí Sông thương năm 2004. Nhưng thơ không thể kể, dù rất đúng, rất thật, và nếu chỉ vậy tất sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Nông Thị Hưng theo thời gian nhất là từ khi trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh (2014) đã nhận thức ra điều ấy và tự vượt lên chính mình.

Sau này ở nhiều bài thơ tác giả đã biết cách nói ẩn chứa sau câu chữ. Ví dụ “Lá cờ và người cha”. Người cha trao cho con một lá cờ cách mạng từ trong thời kỳ giải phóng dân tộc, nay hòa bình trở về dựng xây kiến thiết đã dặn con:

Nếu ai trao cho con một lá cờ

Con hãy làm theo cách của con

Đúng là ý tại ngôn ngoại. Hay như trong bài “Nhân bản” cũng vậy:

Người ta nhân bản ra người

Tôi nhân bản tôi ra thành nhiều mảnh…

Khi trẻ con chưa biết tên làng đã biết cầm súng, dù chỉ là khẩu súng đồ chơi lập lòe xanh đỏ, nhà thơ đã “Chợt rùng mình/ Trái tim tôi cất lời nhân bản”. Sâu sắc quá. Thấm thía quá.

Theo năm tháng, hàng loạt bài thơ của người phụ nữ Tày này đã xuất hiện trên nhiều tờ báo trung ương, địa phương. Thơ của chị đã vượt ra khỏi cái bản La xa, xã Đồng Vương, Yên Thế quê hương để tới các vùng miền đất nước, tới bầu trời rộng mở. Thơ chị đã đi từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn thanh đến đa thanh nhưng vẫn giữ hồn cốt miền núi, hồn cốt của người dân tộc thiểu số. Ví như:

Anh sánh vai một chàng tư sản

Gạ em thế chấp bản Mường

Em không chịu ký vào bản hợp đồng

Đổi vò rượu cần lấy chai rượu ngoại

Đổi căn gác xép lấy ngôi nhà sàn…

Đừng mơ đòi thế chấp chợ tình em.

                                                                 (Thế chấp 2)

Hay là:

Con dao quăng của em cùn quăn, cũ kỹ

Em quăng suốt đời không bén rừng anh

                                                                (Một con dao quăng)

Nông Thị Hưng đã có hai tập thơ: Mười bài do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2004 và Men rừng – NXB Văn hóa dân tộc, năm 2018. Cả hai tập thơ đều có nhiều bài trụ vững với thời gian, có những câu thơ găm vào tâm trí người đọc vì ngôn từ, hình ảnh độc đáo mới lạ. Chẳng hạn viết về quê nghèo thuở trước: “Quê nghèo cái nắng cũng đau”. Nói là nắng đau quả là cái nghèo tột cùng rồi, là chỉ con người, chỉ trạng thái, tâm thế. Chỉ hai từ nắng đau mà nâng cả bài thơ. Hay như: “Cánh cò bay mỏi ca dao/ Mà không thoát khỏi bờ ao xóm làng”. Ấy là thân phận một lớp người cũ kỹ, an phận với cuộc sống tù túng, lạc hậu ở làng quê. Cả hai câu rất gợi, tự lên tiếng để người đọc suy ngẫm day trở. Những câu thơ như thế có khá nhiều: “Núi tưởng vững vẫn gục đầu lên sóng/ Mỗi khi buồn biển ru tiếng ngàn năm”; và “Em hồn nhiên lãng đãng mơ say/ Cấu vào anh một vùng trời ký ức”; rồi “Nơi có đôi tình nhân đánh rơi nụ hôn trên cỏ/ Cỏ nảy mầm sinh sôi”…

Nông Thị Hưng đến với thơ thật mãnh liệt, một sự say mê như cuồng tín. Cũng ít có một nữ nhà thơ nào đắm đuối như thế. Trong một bài thơ, tác giả tự thú:

Người đi vay vốn – thế chấp tài sản

Tôi thế chấp

        bằng thơ

Những câu thơ lấm lem bùn đất

Những câu thơ tạc số phận con người.

Hoặc:

Tiếng nói của tôi là tiếng rừng tiếng núi

Là câu thơ in trên vách mỗi ngày.

Với người phụ nữ bốn mươi tám tuổi này, thơ đã là hơi thở, là cơm ăn nước uống, là cuộc đời, là số phận. Không có gì lạ khi tác giả giãi bày: “Cuối đường chết gục xuống thơ ca”.

Bây giờ tôi trở lại cái ý rào đón dông dài ở phần đầu bài viết. Vào nghề văn chương khắc nghiệt với khá nhiều phụ  nữ đã phải trả giá. Có khi là quá đắt. Nông Thị Hưng là người nằm trong số đó. Chị đã thổ lộ: “Đời buồn vịn câu thơ mà đứng”. Cái ý này không mới. Vì đã có vài ba nhà thơ viết nhưng rất đúng với Nông Thị Hưng. Cũng vì quá mê thơ, thế chấp đời bằng thơ mà chị đã bị tan vỡ gia đình. Cái thời cắp sách đến trường tới bậc trung học chị cũng yêu thơ, say thơ nhưng chưa đến nỗi chìm đắm. Chỉ từ khi lập gia đình chị mới cuồng nhiệt đến thế. Đúng là trời đày! Thật chả sai với tự sự của nhà thơ Đinh Nam Khương: “Ngồi buồn ngẫm cái thân ta/ Văn chương tưởng sướng hóa ra… giời đày”. Không phải ông chồng nào cũng thấu hiểu tính nết, công việc của người vợ thi sĩ. Không hàn gắn được hạnh phúc lứa đôi, nữ nhà thơ này đã phải rời xa quê cùng con trai ra thủ đô thuê nhà để sống và làm việc. Nhưng mọi bất hạnh trong cuộc sống vẫn chẳng  làm cho Nông Thị Hưng dừng bước trên con đường vạn dặm, trắc trở thi ca. Chị đã chọn lựa xong bản thảo tập thơ thứ ba với gần 50 bài. Việc ấy thật mừng, và mừng hơn cả là Nông Thị Hưng - hội viên Hội VHNT Bắc Giang (2014), hội viên Hội VHNT Các dân tộc thiểu số Việt Nam (2010) - vẫn giữ được bản sắc người Tày, bản sắc người dân tộc vùng cao trong thơ. Chính nữ thi sĩ này đã viết từ một căn nhà của khu phố sầm uất ở thủ đô: “Áo váy mặc vẫn mang hồn núi/ Từ thuở ông bà chữ nghĩa đơm hoa”. Và: “Tiếng nói của tôi là tiếng rừng tiếng núi”... Phải, đã có, đang có một nữ nhà thơ như thế./.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *