Ống kính phê bình

12/2
11:15 AM 2019

NGUYỄN KHẢI VÀ CĂN NHÀ SÀN NĂM ẤY

XUÂN BA-Bằng cớ là đến bây giờ trong mặt bằng chữ nghĩa về tính cách xứ Thanh, Nguyễn Khải vẫn là gò là đống! Có lẽ để phụt lên được cái vỉa trầm tích về tính cách xứ Thanh phải là độ bền độ dài mũi khoan cỡ Nguyễn Khải mới khơi đúng, khơi trúng được?

Anh bạn làm nghề điêu khắc Khúc Quốc Ân thành lập công ty lấy tên Mỹ Thuật nội ngoại thất. Đám đất hoang của công ty mạn Láng Hạ, Ân rinh hẳn cái nhà sàn nguyên bản xứ Mường trên Hòa Bình về dựng trên đó. Khi ấy chả tốn mấy hột tiền nhưng lạ với dân Hà thành nhất là đám văn bút nghệ sĩ vốn nhiều người biết và chơi thân với Ân. Trần Ninh Hồ nhập tịch đầu tiên bằng việc dúi cái xe Lada trắng dạng xê cần hen vào gầm nhà sàn. Lão đỗ lỳ ở đó hình như có ý gửi nhờ lâu dài vì ít khi thấy sử dụng. Ân nhờ lũ bạn khéo tay tạo tiểu cảnh giả sơn có suối róc rách tre pheo. Nuôi cả gà tre. Vào cữ đông, cái bếp lửa gầy chỗ gian giữa là cả một vấn đề. Khoảng trên nổi bật bốn chữ Tinh hoa hội tụ do Đỗ Chu xin của cụ lang Bách kiêm thư pháp gia. Ý Đỗ Chu chốn nhà sàn đây phải là nơi quần anh của giới tinh hoa? Mà để ý, lui tới đa phần là tạp khách. Nhưng nào có hề chi,  nhà sàn Láng Hạ những năm ấy gần như là một địa chỉ văn hóa của Hà thành vậy!

           Những năm ấy là khoảng thời gian của những Hoàng Cầm, Kim Lân, Đỗ Chu… người thì phăm phăm, người thì còn nhúc nhắc đi lại. Chả hiếm những chiều muộn lạnh lấn sang cả một phần đêm, thi sĩ Hoàng Cầm cổi cái áo bông sù sụ làm gối, kềnh kếnh cang bên bếp lửa nhà sàn chiếu cái nhìn trẻ trung sang những Thúy Hường Thúy Cải con nuôi cụ Kim Lân từ Bắc Ninh xuống góp vui. Các liền chị nhất loạt gọi cụ Kim Lân bằng bố nhưng kêu Hoàng Cầm là liền anh?

            Nhà văn Nguyễn Khải tới nhà sàn là do cụ Kim Lân rủ (mãi sau này Nguyễn Khải bộc bạch với tôi, mỗi lần ra Hà Nội có ba địa chỉ thường lui tới là Trụ sở Báo Văn Nghệ , Nhà số 4 Lý Nam Đế và nhà cụ Kim Lân)

             Lần đầu gặp Nguyễn Khải quãng hè năm 1989. Ông Lê Huy Ngọ mới về nhậm chức Bí thư Thanh Hóa thay ông Hà Trọng Hòa bị kỷ luật. Khi ấy Thanh Hóa ngổn ngang chuyện đấu đá phe phái… Ông Ngọ rủ tôi tối ấy đi thăm nhà văn Nguyễn Khải mới vào Thanh. Chứng kiến cuộc gặp, mà là gặp lại của Nguyễn Khải với nhân vật cũ của mình cũng thú vị. Anh cán bộ trung cấp nông nghiệp trẻ trung hăng hái vụng dại Lê Huy Ngọ năm xa ấy nguyên mẫu trong tầm nhìn xa với một Bí thư tỉnh ủy chững chạc khôn khéo bây giờ? Cũng hơi ngạc nhiên thấy Nguyễn Khải không vồ vập chằm bặp gì nhiều về những sự kiện nóng ở xứ Thanh lẫn số liệu này khác. Về sau mới bừng ra cái điều, những tầm viết lớn thường đứng cao hơn sự kiện? Sau chuyến đi Thanh ấy một thời gian ngắn, Nguyễn Khải cho dựng Hào kiệt xứ Thanh hơi bị hoành tráng trên tờ Văn Nghệ. Sức sống của ngòi bút qua truyện ngắn ấy có lẽ bây giờ hẵng còn là thời sự?

            Bằng cớ là đến bây giờ trong mặt bằng chữ nghĩa về tính cách xứ Thanh, Nguyễn Khải vẫn là gò là đống! Có lẽ để phụt lên được cái vỉa trầm tích về tính cách xứ Thanh phải là độ bền độ dài mũi khoan cỡ Nguyễn Khải mới khơi đúng, khơi trúng được?

            Cuộc gặp ấy, cứ tưởng mình chỉ có việc hóng. Nhưng Nguyễn Khải đã bất ngờ bật ra năm, sáu cái à!  Nên ngay hôm sau, tôi vui lòng và kiêm cả sự hăng hái dẫn Nguyễn Khải về cái làng Bồng Trung nay là xã Vĩnh Tân của Vĩnh Lộc kề với Bồng Thượng quê tôi. Hóa ra Nguyễn Khải rất chi là dây mơ rễ má với họ Nguyễn làng Bồng Trung. Ông cụ thân sinh Nguyễn Khải là tri phủ Mỹ Lộc Nam Định thuộc đời thứ 34 họ Nguyễn gốc ở Bồng. Qua câu chuyện với nhà văn, tới khi ấy tôi mới biết cái câu trong vở chèo khuyết danh Quan âm Thị Kính ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo ý chỉ xứ Bồng Báo từ xưa đã nổi tiếng giỏi việc rèn cặp giáo dục. Làng Bồng có nhiều họ lớn trong đó có họ Nguyễn, họ Tống. Tống Duy Tân, người làng Bồng Trung lấy địa thế hiểm yếu tại làng tôi dấy binh khởi nghĩa ở núi Hùng Lĩnh.

            Cái bếp lửa nhà sàn những chiều, những đêm hàn quả cũng lợi hại. Đảm bảo có bày biện nước nôi trà rượu này khác và ở một nơi chốn sáng choang những đèn đóm sang trọng nhưng lấy gì đảm bảo để câu chuyện của Nguyễn Khải với Đỗ Chu với Kim Lân, Trần Ninh Hồ được bện quện được dài mãi ra nếu không hiện diện thứ tí tách hồng đượm hoang vu cổ điển như bếp lửa nhà sàn này?  Hình như những bàn tay nếu có những lỏng lẻo suông nhạt ngoài đời thì khi huơ bên thứ nguyên thủy của lửa chỉ còn lại rất ít khoảng cách?

            Nhớ bữa rượu còm một đêm ở nhà sàn, Nguyễn Khải chỉ nhấp nhấp tí mà mặt đã đỏ khốn đỏ khổ, ông bảo tôi đưa về chỗ ngủ ở báo Văn nghệ. Mà khi ấy tôi đương bung biêng. Mà khi ấy taxi không dễ kiếm như bây giờ. Có ngần ngại tí ti nhưng hăng lẫn liều, tôi đã chở một thứ hàng quý hiếm và dễ vỡ của quốc gia này trên chiếc xe máy cà tàng băng vào sương lạnh. Đến đoạn đâu như phố Huế, ông bảo dừng vào quán làm cốc nước cam. Nuớc cam lạnh hay câu chuyện của nhà văn Nguyễn Khải làm tôi chợt bừng rã cơn say, cũng chợt rành rẽ thêm ra mình là ai, mình là cái chi, mình là cái gì...  Ông nhắc tôi lùng sục lẫn chăm chút những thân phận oan khuất hoặc hanh thông hoặc lạ lùng bằng xương bằng thịt có địa chỉ đang nhan nhản nhưng khuất lấp giữa đời thường mà trí tưởng tượng lẫn hư cấu của nhà văn cũng chỉ bày đặt được đến tầm đó nhưng không khéo sẽ vô hồn kém sinh sắc!

Tôi với nhà văn Vũ Bão có kha khá những bện quện. Thi thoảng những chuyến nhung nhăng xa xa, tôi cố nèo anh cùng đi. Vũ Bão rất chịu đi và máu viết nữa. Nhất là khoản phóng sự. Tất nhiên tôi có võng anh đến bếp lửa nhà sàn. Khúc Quốc Ân buột ra như khoe rằng bữa trước có Nguyễn Khải ghé đây. Không hiểu sao đang vui Vũ Bão chùng hẳn. Anh nói nhỏ, này lần sau nếu có Nguyễn Khải cậu đừng đưa tớ đến đây nhé… Chả lâu lắc gì tôi cũng biết được nguồn cơn mà nhiều người biết, chỉ riêng tôi chả biết gì?     

Năm 1957 tiểu thuyết Sắp cưới của nhà xuất bản Văn Học do nhà văn Tô Hoài làm giám đốc ghi trên bìa một hàng chữ "Loại sách ra mắt" với số lượng in 3000 cuốn. Vũ Bão đã gây nên ít nhiều "mưa gió" với bạn đọc. Nhưng rồi đùng một cái người ta xì xào Sắp cưới có "vấn đề" (?) Mà chẳng còn là xì xào xầm xì nữa. Nặng "chùy" là bài viết gần bốn trang với "co chữ tám" của nhà văn trẻ Nguyễn Khải trên Văn nghệ Quân đội tháng 7/1958 có cái tít Trách nhiệm người viết qua cuốn "Sắp cưới" của Vũ Bão.

Vũ Bão có đưa tôi bản phô tô bài báo ấy. Thảy ra đây vài đoạn.

… Xem hết 203 trang sách thì cái thắng lợi to lớn của cải cách không thấy đâu cả nhưng cái sai lầm trong cải cách lại được phản ánh hết sức tỉ mỉ, về mọi mặt. Vậy đâu phải người viết chỉ định nói về một góc cạnh, thực ra định bụng rằng từ một góc cạnh "đau xót, thất bại" ấy mà chiếu sáng được cái toàn thể "đau xót, thất bại". Đây là cái "toàn thể" qua ngòi bút Vũ Bão.

… Đọc Vũ Bão tôi cứ hỏi tại sao anh này lại có thể thâm thù cốt cán và Đội đến thế. Tác giả cuốn sách đó là một người viết không có lý tưởng cách mạng, không thấy được cái nghiêm trang trong công việc mình làm, viết ra dưới sự xúi giục của những kẻ phá hoại trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm.

Thế là rầm cả lên. Vũ Bão khi đó đang công tác ở ủy ban cải cách ruộng đất Trung ương nhận được chỉ thị phải kiểm điểm. Theo Vũ Bão, lúc đó anh có thanh minh và hình như có cãi nữa nhưng không mất xu nào mà vẫn mua được khối búa với rìu.

Dạo sắp Đại hội Nhà văn lần VI. Vũ Bão đưa tôi coi một bức thư ngỏ. Chao ôi những là khoan nhặt, thâm sâu, chì chiết trong cái việc trách cứ quy kết ông Nguyễn Khải đã lờ đi, đã lặng phắc, đã phẩy tay cái việc "gắp lửa" ngày ấy để anh phải âm thầm chịu đựng suốt 42 năm. Vũ Bão thẳng băng rằng, anh sẽ "trưng" nó lên ở một diễn đàn nào đó, chẳng hạn như ở Đại hội Nhà văn, hoặc như ông nói nếu vì lý do nào đó không tới dự Đại hội, nhiều người khác sẽ đưa hộ tới tay ông Nguyễn Khải hoặc ông X. ông Y. trong ban tổ chức!

Ngó nhà văn Vũ Bão thở dốc (di chứng của lần tai biến mạch máu não) vừa nói: Các cậu còn trẻ các cậu chưa biết nên chưa thấm. Đau lắm. Nhưng không nói được. Nói vào lúc nào? Trách vào lúc nào? Bị ngã đài đau tưởng chết. Nếu cứ nằm chờ người ta đếm đến "9" là sẽ bị hốt quăng đi. Không, tớ đã vùng dậy. Mà gượng được đến lúc này cũng là quá. Thế mà "người ta" cứ im lặng thì có quá đáng không?

Lần ấy đi Sài Gòn, tranh thủ ghé Nguyễn Khải. Hồi hộp lẫn lo lắng thuật lại cái thư ngỏ nọ. Ông chăm chú nghe và rồi tôi chứng kiến một động thái không đúng tuổi cho lắm là ông lập cập nhắc nhắc cái phéc mơ tuya chiếc cặp lôi ra hai tờ giấy dứt từ cuốn vở học trò cấp một, chữ viết tay. Chữ của ông. Một tờ ông ghi xin được rút khỏi danh sách bầu Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Tờ kia, tôi coi mà không tin vào mắt mình nữa. Tôi không chép, trích cụ thể ra đây nhưng đại ý ông xin lỗi nhà văn Vũ Bão cái hồi ấy (năm 1958) đã không hiểu hết mọi sự. Do hăng, do háo danh và cả… "ngu" nữa nên đã làm đã gây ra những sự như thế, như thế…

Đón cái nhìn dò hỏi của tôi, nhà văn Nguyễn Khải chậm rãi: "Mình có nhận được thư ngỏ của ông Vũ Bão do mấy ông bạn chuyển. Quả thật mình choáng người! Mình đã quên đi việc này lâu rồi. Nhưng nếu tự cho mình cái quyền quên đi hay tình thế lúc đó nó phải như thế, như thế thì có lẽ không phải… Mình dự định ra chuyến này mình phải chủ động gặp… và cũng lường trước, nếu ông Vũ Bão công khai thư ngỏ, thì mình cũng công khai sự xin lỗi như trong nội dung tờ giấy này…"

… Giờ giải lao Đại hội nhà văn VI, nhân lúc Thành Chương vác máy ảnh lướt qua, tôi giữ lại… Rồi tôi dắt cụ Vũ Bão cứ thế qua các hàng ghế tới khu vực đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh. Từ xa, cụ Nguyễn Khải chừng như đã đón được sự ma mãnh của tôi liền tươi cười đứng dậy dang tay ra đón cụ Vũ Bão ngồi xuống bên cạnh mình. Vừa vặn nhoáng lên ánh đèn flash của họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Thành Chương.

Bây giờ lại ngày lạnh suông nhạt vòng qua Láng Hạ. Thoáng chạnh bao nỗi bởi nhiều bàn tay thân ái từng huơ bên cái bếp lửa đã khuất. Căn nhà sàn năm ấy cũng biến mất. Một cơ ngơi đồ sộ của sứ quán nước ngoài đã choán chỗ.

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *